Re: Muốn Lười, không phải dễ mà được Lười...Kawa một ngày nắng rực rỡ
Đây là một bài viết của chị Alice, mem bên Otofun. Bài viết này có nhiều tư liệu về nhà Lớn Long Sơn, nơi nhóm 1 đã dừng chân tham quan và dùng cơm trưa. BBO lôi về đây để các bạn biết thêm về nơi này. Máy nhà k tải hình dc nên mai BBO chèn hình vào.
Một chuyến công tác, nhân dịp ghé ngang đảo Long Sơn.
LONG SƠN – ĐẤT VÀ NGƯỜI
Đảo Long Sơn là một cù lao nằm ở gần Bà Rịa, cách Bà Rịa khoảng 9km, thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, xuôi theo quốc lộ 51 là đến. Có một dãy núi thấp trên cù lao, tên gọi cũng là núi Long Sơn, còn gọi là núi Nứa vì ngày xưa ở nơi này có rất nhiều nứa. Dân số trên đảo có khoảng 13.000 người, trong đó khoảng 2/3 là theo đạo ông Trần.
Ông Trần tên thật là Lê Văn Mưu, người làng Thiên Khánh, tổng Hà Thanh, quận Giang Thành, nay là xã Tân Khánh Hòa, Hà Tiên, Kiên Giang. Sở dĩ có tên gọi là ông Trần, vì ông hay… ở trần, một cách gọi rất chân chất, mộc mạc theo kiểu miền Tây Nam Bộ. Khoảng năm 1900, vì tham gia kháng Pháp, bị Pháp truy nã, nên ông cùng một đoàn người đi trên năm chiếc ghe lớn, tìm đến đảo Long Sơn nương náu (có tài liệu nói rằng ông dẫn 20 người cùng đi trên một chiếc ghe). Lúc đó nơi đây rất hoang vắng, xung quanh là rừng ngập mặn, ông đã cùng với mọi người khai hoang lập ấp, dần dà phát triển sầm uất. Nhiều người ở miền Tây nghe tiếng cũng đã theo về đây sinh sống.
Chiếc ghe tương truyền là đã chở ông đạo Trần đến vùng đất Long Sơn. Chiếc ghe được giữ gìn và bảo quản rất kỹ lưỡng.
Đạo ông Trần vốn có nguồn gốc từ đạo Tứ ân hiếu nghĩa ở vùng Thất Sơn, An Giang. Giáo lý chỉ là những lời dạy dỗ về kinh nghiệm sống, cách làm người. Dân gian cứ thế truyền miệng từ đời này sang đời khác. Đạo không có kinh kệ, hoạt động truyền đạo, giảng đạo. Gia tộc ông Trần sống tập trung ở một khoảng đất rộng chừng 4 hecta. Điều kỳ thú ở trên khoảng đất ấy, nổi lên một ngôi nhà được gọi là Nhà Lớn Long Sơn.
Thật ra đó không hẳn là một ngôi nhà, mà là gồm nhiều mái nhà liền kề nhau, tạo thành một quần thể san sát. Ngày xưa ngôi nhà được xây bằng gỗ ván, tre nứa, trải qua nhiều năm tháng, đã xen vào những kiến trúc bằng gỗ, mái ngói và có thêm tầng lầu, cùng với những lầu gác làm nơi thờ phụng. Việc xây dựng một ngôi nhà lớn như vậy được giải thích bằng lý do là khi hữu sự thì dễ cứu giúp nhau trong trường hợp gặp cướp bóc, thú dữ.
Những mái nhà san sát, tạo thành một ngôi nhà lớn có kiến trúc độc đáo, nhưng cũng… khá lộn xộn
Hướng dẫn khách tham quan là những cư dân sống ngay trong ngôi nhà này, họ búi tóc, mặc đồ bà bà đen, nét mặt hiền lành, chân chất tựa như những lão nông Nam Bộ. Đặc biệt, khi vào tham quan, nam nữ phải đi thành hai đoàn riêng biệt, không đi cùng với nhau. Bên trong ngôi nhà la liệt đồ gỗ, bàn ghế, giường, tủ thờ, trông khá cổ kính, với lối trang trí và màu sơn nhìn như đã ngót trăm năm, có cả một bộ bàn ghế bát tiên được giới thiệu là vốn của vua Thành Thái. Nhà Lớn chia thành 3 khu vực với nhà khách, lầu cấm, nhà thánh, lầu giữa, lầu dài, lầu tiên, lầu Phật, nhà hậu, nhà hội, trường học, chợ, mộ, các dãy phố, nhà ghe sấm (còn lưu giữ một trong năm chiếc ghe đầu tiên về Long Sơn lập nghiệp), nhà mát (trạm, dành cho ghe thuyền bà con tránh mưa nắng), khu nhà ở, công viên...
Bên trong ngôi nhà khá tối, thoảng mùi ẩm mốc, không khí có phần tù đọng, dù rất sạch sẽ. Việc quản lý do con cháu trong gia tộc ông Trần điều hành. Việc cúng lễ, quét dọn, tu sửa hàng ngày do 5 người đảm nhiệm, cứ 3 ngày lại thay phiên một lần.
Một khoảng sân hiếm hoi trong Nhà Lớn để lấy ánh sáng
Nhà Lớn Long Sơn gắn liền với nhiều giai thoại ly kỳ. Trải qua hai cuộc chiến tranh, ngôi nhà hầu như không bị ảnh hưởng gì. Người dân ở đây kể rằng vào thời Pháp, lính Pháp đã định san bằng Nhà Lớn và di dân ra khỏi đảo nhưng không thành. Pháp đã bỏ bom xuống ngôi nhà nhưng bom không nổ, sau đó lính Pháp đặt mìn định giật sập nhà nhưng mìn cũng trơ ra. Nhà Lớn bị lính Pháp chiếm làm nơi ở nhưng nhiều lính Pháp bị té lầu mà chết một cách bí hiểm, nên cuối cùng phải rút ra khỏi ngôi nhà.
Một số phong tục của đạo ông Trần khác biệt với bình thường. Chẳng hạn như đám cưới không coi ngày mà chỉ chọn 2 ngày nhất định trong tháng để tổ chức cưới là ngày 1 và 16 âm lịch. Đám tang chỉ chôn trong vòng 24g, không coi ngày giờ và xả tang ngay tại mộ. Hôm tôi đến Nhà Lớn Long Sơn, rất may là cái quan tài đang ở nhà, nên được tận mắt chứng kiến và thấy rất lạ lùng với phong tục này.
Tục lệ tang ma trong đạo ông Trần có phần kỳ lạ ở quan niệm “chết đồng quách”. Và tục lệ này vẫn được dân đảo thực thi cho đến ngày nay. Theo triết lý của ông Trần thì khi chết mọi người đều bình đẳng như nhau, nên ông đã cho làm 1 cái áo quan đan bằng nứa và bằng gỗ, sơn đỏ, đặt trong Nhà Lớn. Quan tài có hình dạng như một quan tài bình thường, chỉ khác là phần trên đan bằng nứa làm tương tự như cái lồng bàn. Người chết nằm ở miếng ván gỗ phía dưới, úp phần trên của quan tài lên. Quan tài khi mang ra đến huyệt mộ thì người chết được quấn vào chiếu cói hay lá buông và chôn xuống đất. Chiếc quan tài rỗng lại được mang về Nhà Lớn. Nếu có người khác chết, thì gia đình có tang lại thỉnh chiếc quan tài ấy về tẩm liệm. Tôi tò mò hỏi nếu có vài người qua đời một lúc thì thế nào và được trả lời rằng ai qua đời trước thì được sử dụng quan tài trước, sau đó đến lượt người qua đời sau, cứ theo thứ tự lần lượt, bởi đám tang không phải coi ngày giờ.
Đây là hình ảnh chiếc quan tài đặc biệt
Một năm các tín đồ đạo ông Trần có 2 ngày lễ hội lớn là ngày 9/9 âm lịch (tết trùng cửu) và ngày vía ông Trần 20/2 âm lịch. Lễ hội không tổ chức linh đình mà chủ yếu là dâng hương, khấn niệm, tưởng nhớ công đức người xưa. Lễ hội thường thu hút hàng chục ngàn người tham dự, trong số đó có nhiều người từ miền Tây lặn lội lên.
Đặc sản trên đảo không có gì đặc biệt, ngoài món chao, mắm ruốc và mắm tôm chua.
Khách du lịch đến nơi này có lẽ vì bị thu hút bởi không khí yên bình, không gian thì xanh ngát và rất nhiều nắng gió. Và có lẽ là cảm giác về một thế giới xưa cũ còn vẹn nguyên.
Tự hỏi mình, liệu có nơi nào như ở mảnh đất này, nơi mà đạo và đời gần như không còn khoảng cách, nơi mà tôn giáo không dung nạp những triết lý cao xa, những tư tưởng dù rất sâu sắc nhưng trừu tượng. Tôn giáo không hướng con người đến những kiếp sau mòn mỏi, thần bí, mà tôn giáo chỉ nói đến kiếp này, đến những gì hiện hữu và thực tại.
Alice đã sửa : 13-04-2010 lúc 17:33
Link
http://www.otofun.net/threads/154967-di-dau-loanh-quanh/page5