What's new

[Chia sẻ] Myanmar, miền đất vàng hồn hậu

Hôm qua, và ngày mai, sẽ có hàng đoàn dân Phượt Việt đến với miền đất Myanmar. Sau đó chắc sẽ có rất nhiều, rất nhiều chia sẻ, cảm xúc... Chuyến đi của chúng tôi kết thúc vừa trước Tết, tràn đầy kỉ niệm trong mắt, trong tay, trong tâm trí.

Có lẽ cũng không thể viết nhiều, vì trong Phuot đã có những "Cảm xúc Myanmar" của Toet, "Myanmar trong tôi là bóng mặt trời" của LinhEvil, "Hành trình xông đất Myanmar của phi đội củ đậu" của Black, ba nữ anh thư hàng đầu, nên thuận tiện gì thì viết nấy, gửi lên vài tấm ảnh như một sự tri âm với các bạn bè đã giúp đỡ, tri âm với các bạn Myanmar hồn hậu, với một miền đất vàng không xa nhưng lạ...


Lịch trình chi tiết của phi đội Củ Lạc: gồm Mingala-One, Mingala-Hai, Minglala-Ba, Mingala-Tư.

Ngày 1:
Chuyến bay từ Bangkok xuống sân bay Yangon lúc 8h sáng
Mr.Saw của Kotar travel đón, đổi tiền ngay cạnh sân bay với tỉ giá 1USD = 1005 Kyat. Cafes, mua 2 SIM card rồi về văn phòng công ty lấy vé máy bay, được mời ăn Mogingha khá ngon. (Vé 4 người 4 chặng tổng cộng 928USD)

Lên xe riêng đi Golden Rock. Qua Bago ăn trưa. Đến chân Golden Rock, chờ xe đầy mất toi 1 giờ, xe chạy lên đến bến đỗ đã muộn. Đi bộ lên đỉnh, thuê gùi đồ 2000K. Lạc nhau lung tung. Phải nghỉ tại Khách sạn 40USD/phòng đôi, vé tham quan 6USD/người, 2USD/máy ảnh. Ăn tối khá ngon, dạo quanh Đá Vàng. Lạc mất một số thứ.

Ngày 2:
Dậy sớm đón bình minh, xuống núi, xe chở về Bago ăn trưa, thăm chùa Shwemawdaw rồi về thẳng chùa Vàng Shwedagon, đồ đạc thì nhờ xe mang về khách sạn (đã đặt trước). Lang thang trong Shwedagon từ chiều đến tối, đi tìm mua một số thứ ở Treasure Hall không có.
Về khách sạn Yoma (146 Bogyoke Aung San Str. 299243. 15USD/phòng đôi), ăn đối diện ngon, giá hợp lý.

Ngày 3:
Bay chuyến sớm, 8h đến Bagan với sân bay rất dễ thương. Taxi đi tìm nhà nghỉ, cuối cùng ở May Kha Lar làng Nayung Oo (20USD/phòng 4). Gọi luôn 2 xe ngựa (12USD/ngày) đi vào thành cổ Bagan. Trưa ăn ở gần đền Ananda kiểu buffet Miến (Danuphyu Daw Saw Yi, 3000K/người). Chiều tiếp tục thăm các khu đền. Về Nayung, ăn tối cạnh nhà nghỉ, đi dạo, hát nghêu ngao với các bạn Miến bên đống lửa.

Ngày 4:
Dậy sớm, xe ngựa đón đi ngắm bình minh từ đỉnh tháp. Thăm một loạt đền chùa tiếp. Trưa về ngủ một giấc. Chiều ra chợ Bagan, ăn sinh tố kiểu Miến.
Vào chùa Shwezigon ngắm hoàng hôn, rồi về quán ăn toàn khách Miến ở gần đó, một bữa rất ngon với các bạn phục vụ hớn hở cuống cuồng cả lên.

Ngày 5:
Bay sớm đi Mandalay, xe đưa về thành phố ngang đồng hoa hướng dương, về khách sạn Silver Star (195 Corner of 27 str & 83 str, 37USD/4 người). Gọi taxi, đi ăn trưa rất ngon ở quán Aye Myit Tar 1 (81 str. Between 36 - 37 str.), rồi cả loạt chùa với nhiều phiến đá ghi kinh, tu viện gỗ tếch rất đẹp.
Xe đưa qua chỗ chuyên đồ lưu niệm Pho La Pyae với giá cả rất hợp lý và nhiều đồ phong phú đa dạng. Sang Sagaing, thăm Học viện Phật giáo, lên đồi Sagaing. Quay về cầu U Bein ngắm hoàng hôn.
Tối đi dạo phố, vào hàng đồ ăn Hồi, chè Ấn, cơm rang...

Ngày 6:
Ngủ muộn hơn. Gọi xe đi chùa Mahamuni thăm tu viện có cả ngàn vị sư ăn lúc 10h sáng. Ra cầu U Bein lần nữa. Ra bến phà thuê thuyền đi Mingun (25USD), vì lạc mất GPS nên phải bỏ cái chấm Mingun; về xe đưa lên đỉnh đồi Mandalay. Tối đi ăn quán Tàu Min Min gần khách sạn.

Ngày 7:
Bay sớm đi Heho, đã đặt trước resort Sky lake (40USD/phòng đôi). Xe đón từ sân bay Heho về làng Nayang Shwe (18USD), thăm tu viện với khung cửa bầu dục. Xuồng (28USD) đưa đến Resort, rồi nhà hàng ăn trưa, thăm chùa với 5 pho tượng đã thành 5 cục vàng. Đi thăm chỗ làm thuốc lá, làng dệt vải tơ sen, lụa tơ tằm. Rồi làng rèn, đúc đồng sắt, ngôi nhà của người cổ dài.
Ngắm hoàng hôn tắt trên hồ. Về phòng nghe nhạc trong bóng đêm phủ xuống. Ăn tối tại resort.

Ngày 8:
Dậy sớm nhưng chỉ thơ thẩn trong resort. Xuồng đi thăm làng làm đồ bạc, rồi về thẳng làng Nayaung Shwe, ra sân bay về Yangon.
Yangon có xe của Kotar travel đón miễn phí, nghỉ tại Beautyland ngay cạnh chợ Boyzoke nhưng hơi ồn và leo cao (28USD/4). Đi chợ, lang thang rồi ăn tối.

Sáng hôm sau bay sớm về Bangkok để về Hà Nội.
 
Last edited:
Người giữ chìa khoá của đền Thambula tận tình chỉ dẫn những bức tranh, và chỉ cho bè lũ lối lên tầng trên của khu đền.

Có thể thấy hình các bức tranh Phật vẽ kín trên tường, những bức tranh có tuổi gần 800 năm !!!


32571044.jpg
 
Last edited:
Tôi không muốn dùng từ "Chùa" quen thuộc với người Việt để gọi các công trình Phật giáo nơi đây, bởi rất dễ nhầm lẫn.

Với người Việt, Chùa là nơi đặt tượng thờ Phật, là nơi hành lễ, đọc kinh, là nơi tăng ni ở, cũng là nơi chôn cất các vị sư qua đời, nghĩa là Chùa là tập hợp tất cả vào một chỗ, tương tự Trung Quốc, Nhật, Hàn.

Ở các nước Phật giáo Nguyên thuỷ, các công trình rất tách biệt. Những ngôi đền thờ tượng Phật riêng (temple), và những tu viện nơi các tu sĩ sinh sống, học tập riêng (monastery), và các tháp thờ (stupa) có thể cũng riêng. Người Myanmar phân biệt :

- Kyaung: tu viện, nơi sư tăng ở và học tập
- Patho, Paya: đền thờ, điện thờ
- Pya : tháp thờ hình vuông, tượng trưng núi Meru
- Zedi: tháp thờ hình tròn, tương tự Stupa
- Hti : tháp thờ hình tròn trên đỉnh có cái lọng nhiều tầng tượng trưng Niết Bàn.
- Shwe: nghĩa là vàng, chỉ tháp dát vàng mới có tên này.

Do vậy tôi sẽ dùng từ Đền thờ, Tháp thờ, thay cho Chùa.
 
Last edited:
Từ trên đền Thambula nhìn về phía Tây, hướng ra sông Ayeyarwady, tầng tầng lớp lớp các ngôi tháp cổ... Hàng chục ngọn tháp Rất lớn, hàng trăm ngọn Lớn, và cả nghìn ngọn tháp nhỏ. Những ngôi tháp lớn đều do các vị vua xây, tháp nhỏ hơn do tầng lớp quyền quý.

Đằng sau sự huy hoàng tráng lệ đó, là sự suy tàn mầm mống. Đế quốc Bagan đã sụp đổ ngay từ trong lòng nó, khi một mặt các vị vua tôn sùng Phật pháp, cho xây những ngôi tháp vĩ đại, nhưng lại cũng sẵn sàng giết cha để chiếm ngôi...

32571040.jpg
 
Người giữ chìa khoá của đền Thambula tận tình chỉ dẫn những bức tranh, và chỉ cho bè lũ lối lên tầng trên của khu đền.

Nhìn chùa người ta sạch sẽ nhỉ, không bị bôi lem nhem lên tường như ở Việt Nam mình. Đi thăm các công trình cổ mà thấy toàn bị bôi , viết lem nhem trông xấu và kém văn hóa tệ :(
 
Last edited by a moderator:
Không xa tháp Thambula là ngôi đền Payathonzu với ba tháp liền nhau.

Nhìn ngôi đền này, tôi liên tưởng ngay đến những cụm tháp Chăm ba tháp ở Việt Nam như Chiên Đàn, Khương Mỹ, tôn thờ Tam vị nhất thể trong Hindu giáo là Brahma, Vishnu, Shiva. Trước khi Phật giáo du nhập vào Bagan, trong nhiều đời vua đã từng theo Hindu giáo.

Tuy nhiên đây không phải ba ngôi tháp riêng biệt như Hindu giáo, mà là một ngôi đền có ba tháp thờ, tôn thờ Tam thế Phật: Quá khứ, Hiện tại, Vị lai.

Điều này khá thú vị, vì Phật giáo Nguyên thuỷ ít khi tôn thờ nhiều vị Phật cùng lúc, thường tập trung tôn thờ Thích Ca. Nhưng tại Bagan, có thể thấy các ngôi đền thờ 1 Phật, 2 Phật, 3 Phật, 4 Phật, 5 Phật...

32571223.jpg
 
Khoảng một nửa các ngôi đền tại Bagan có kiến trúc tháp vuông, tượng trưng cho núi vũ trụ Meru (núi Tu Di). Có điều thay vì bốn vị Thiên Vương ở bốn mặt, thì là bốn vị Phật: Câu-Lâu-Tôn, Câu-Na-Hàm, Ca-Diếp, Thích-Ca.

Các ngọn tháp được dựng toàn bằng gạch, tầng cấp vươn cao. Trang trí trong tháp là các hình điêu khắc, tranh vẽ về cuộc đời của Phật Thích Ca, hoặc bộ tranh Jataka (Bản sinh kinh) mô tả hơn 500 tiền kiếp của Phật Thích Ca.


Tháp Tayoke Pye nổi bật trên nền trời phía Đông, nhìn từ Payathonzu.

32571036.jpg
 
Những người dân ở Bagan, họ vẫn còn nghèo, nghèo quá. Họ đang sống trên một mỏ vàng du lịch, thế nhưng họ vẫn không có gì.

Cách đây 20 năm, khi đó tôi đọc cuốn sách "Bảy kỳ quan thế giới" nói về 7 kỳ quan cổ đại quanh Địa Trung Hải, tác giả sách đã thêm 1 chương về các kì quan khác, không được biết đến bởi người Phương Tây. Trong đó có viết về kỳ quan Bagan này. Khi đó tôi đã tưởng tượng đến ngày sẽ được đến đây.

Đến đây rồi, lại thấy chợt buồn khi vì một số lý do (chủ yếu về chính trị) mà nơi này thậm chí không được công nhận là Di sản Thế giới !!! Buồn sao cho những ngọn tháp cổ trơ trơ trước thời gian, thiên nhiên, và quằn quại của con người.

32571233.jpg
 
Thanks CHITTO, bác viết bài này lúc bọn em đang lang thang ở Miến, tiếc quá không được đọc trước.

Về chùa Maha Muni ở Mandalay, Lymy cũng có một kỉ niệm không thể quên được, là được chứng kiến lễ TẮM PHẬT vào lúc 4h sáng. Lymy là gái chỉ được đứng sau bệ thờ chứ không được vào, dù bản thân em khao khát được dát vàng lên thân Phật.

Lễ Tắm phật diễn ra hàng ngày ở chùa Maha Muni, tuy nhiên nghi lễ trang trọng như thể cả năm mới có 1 lần vậy. Không khí đó khiến Lymy hiểu được sự tôn thờ Phật của người Miến.

Tự nhiên trong lòng nghĩ, vùng đất nào mà tâm linh phát triển mạnh, thì đểu phải trải qua sự khắc nghiệt của cuộc sống thường ngày, Miến cũng thế, Tây Tạng cũng vậy. Nhưng đạo Phật ở đất Miến khiến con người Miến vẫn sống như thế, an phận xen lẫn cái gì đó cam chịu.

Những người phụ nữ ở chùa Maha Muni buổi sáng hôm đó lấy khăn choàng đầu rải xuống đất cho vị sư Tắm tượng Phật đi qua, ánh mắt họ hân hoan thứ niềm vui tôn giáo mà tôi ít gặp thường ngày.
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
55,672
Bài viết
1,171,056
Members
192,337
Latest member
Corinamith4
Back
Top