What's new

[Chia sẻ] Myanmar tạp lục

Myanmar đã quá nhiều người viết, nào là chùa Vàng, hồ Inle, Bagan... Bên cạnh di tích, thắng cảnh, loạt bài này chủ yếu là để "khoe" về một Myanmar khác. Đó là con người, là phong tục tập quán, là cuộc sống thường ngày... Hi vọng, những trải nghiệm này sẽ giúp một chút nào đó cho các bạn có ý định du lịch đến Myanmar.

Bài 1: CHÀO YANGON

“Mingalaba”, từ đằng xa một bóng hồng môi đỏ, váy dài chấm gót, vẫy chào tôi bằng tiếng Myanmar. Tôi đến gần cúi đầu đáp lễ: “Chào cô” rồi giật mình, bóng hồng đó chính là…đàn ông. Thành phố Yangon (Myanmar) đón tôi bằng một sự...quê độ như thế.


Đàn ông môi đỏ, váy dài
Có lẽ do “hoóc môn” đàn ông của tôi nhạy quá, nên trong tích tắc tôi quên mất một điều cơ bản: Đàn ông Myanmar mặc váy và ăn trầu (nên môi đỏ). Váy của đàn ông gọi là longyi, màu đậm, được túm trước bụng (phía sau còn có thể nhét ví); váy phụ nữ là shayi, có nhiều hoa văn và túm lại một bên hông. Đi đường, thỉnh thoảng lại thấy người Myanmar hồn nhiên mở váy ra rồi quấn lại (dĩ nhiên, không có chuyện “lộ hàng” đâu).

Thế đàn ông mặc váy sẽ…đi tiểu bằng cách nào? Thắc mắc đó được bác tài xế taxi giải đáp ngay tức thì. Đang chở chúng tôi thì gặp đèn đỏ, xe dừng lại. Bằng những động tác rất thuần thục, bác tài xế mở bung cửa ra, lao vào vệ đường và…ngồi thụp xuống. Cũng may, đèn đỏ ở Myanmar khá lâu (thường từ 1-2 phút, đôi khi hơn) nên bác tài xế sau khi “xả nước cứu thân”còn kịp lấy miếng trầu để sẵn trong túi áo bỏ vào miệng nhai nhỏm nhoẻm rồi mới đủng đỉnh bước ra xe chạy tiếp.

“Bận váy cảm thấy thế nào?”, tôi hỏi. Anh tài xế trả lời gọn lỏn: “Mát!”. Nhân dịp ở đất nước đàn ông được “bận váy hợp pháp” này, tại sao lại không thử nhỉ? Thế là tôi tìm đường ra chợ Scott (người dân vẫn giữ tên gọi từ thời thuộc địa Anh) để mua longyi. Người Myanmar có cách quấn cầu kỳ longyi cầu kỳ hơn Ấn Độ hoặc “xà rông” ở Bali. Vì thế, cách quấn cho đúng chắc phải mất cả ngày để luyện. Nhưng đừng lo, từ bài học kinh nghiệm của mình, tôi sẽ chỉ bạn cách quấn longyi nhanh nhất. Khi mua được cái longyi vừa ý, bạn chỉ cần quấn quanh người và…quay đầu nhìn quanh quất một cách “tội nghiệp”. Chỉ cần thế thôi, người dân Myanmar sẽ bu lại và…quấn giùm. Quá dễ phải không?

11561069795_8e9423311e_c.jpg


Xài tiền đô kiểu Miến
Khác với những gì viết về Yangon cách đây vài năm, taxi hiện nay khá tốt và mới. Đường đi êm, không xóc. Hôm tôi đến Yangon cũng gần vào giờ cao điểm nhưng kẹt xe rất ít. “Cũng nhờ Sea Games cả đấy. Đường xá được nhanh chóng sửa chữa, trải nhựa. Cộng với rất nhiều người dân đã đổ xuống Nay Pyi Taw (thủ đô mới của Myanmar) xem Sea Games nên đường thông thoáng hẳn”,bác tài cho biết.

Taxi ở Yangon không có“công tơ mét” nên đi phải trả giá (khá rẻ nếu so với Việt Nam).Taxi từ sân bayvào trung tâm khoảng 7000-8000 kyat nhưng nếu giỏi trả giá, có thể xuống còn 4.000-5.000 kyat (1000 kyat=20.000VNĐ). Tuy nhiên, khi trả giá nhớ phải kèm theo điều kiện có bật máy lạnh hay không vì giá có bật máy lạnh sẽ đắt hơn một tí đấy.

Trước khi lên đường, người bạn từng đi Myanmar dặn tới dặn lui nhớ mang theo tiền 50 USD và 100 USD để đổiđược giá hơn. Thật thế, điểm đổi tiền ở Yangon ghi rõ, nếu đổi tiền bằng tờ mệnhgiá 20 USD sẽ trừ 5 “chạt” (kyat) so với biểu giá 1USD = 970 kyat. Nếu tờ 1USD,5USD sẽ chỉ được đổi với tỷ giá 1USD= 900 kyat. Đi ăn, sẵn có tiền đô trong người,nên tôi lấy tờ 5USD ra trả. Cô bán hàng vừa cầm tờ tiền lên đã lắc đầu trả lại:“Tiền…cũ quá!”. Đổi tờ khác cũng bị chê: “Tiền…nhăn!”. Thế là tôi đành phải rút hết mớ tiền đô trong túi để cô lựa. Mất một hồi lâu xăm xoi, cô mới đồng ý một tờ và dặn: “Lần sau nhớ mang theo tiền mới và thật thẳng thớm nha. Bạn không hiểu đâu. Đây là Myanmar”.

Khi tôi hỏi vì sao lại “khắt khe” với tờ đô la vậy, người Myanmar chỉ cười. Nhưng nếu biết những gì họ trải qua thì chưa chắc yêu cầu này là quá vô lý. Năm 1987, chính phủ bất ngờ phát hành tiền mới và tuyên bố đồng tiền hiện tại không còn giá trị.Chớp mắt, bao nhiêu tiền dành dụm bị mất trắng nên người dân bắt đầu chuyển sang dự trữ tiền đô. Và nghĩ xem, khi cuộc đời mình phụ thuộc nhiều vào một “tờ giấy có giá”, bạn sẽ nâng niu nó đến chừng nào.

11561069055_aae096544d_c.jpg

Myanmar phát triển quá nhanh. Chỉ mới cách đây chừng vài năm, Yangon toàn xe hơi cũ năm "một ngàn chín trăm...hồi đó". Bây giờ khác hẳn, toàn xe mới. Nhà thì chưa kịp thay hết, nên vẫn còn nhiều khi nhà cũ nát, nằm xen lẫn giữa những toà nhà hiện đại.

Box:
Để cầu mong điều tốt lành và may mắn, nếu như xe taxi ở Peru (Nam Mỹ) thường treo một chiếc giày cũ của em bé ngay kính chiếu hậu thì taxi (và cả xe buýt, xe thồ) ở Myanmar lại treo một chùm hoa lài hoặc hoa sứ rất thơm.

11561210326_75b38283c0_c.jpg

Hoa lài được bán khắp nơi
 
Last edited:
Bài 7: MUÔN KIỂU TÂM LINH

Tin vào yadaya nên dời đô về Nay Pyi Taw; vì yadaya mà in tiền với bội số 9 (được coi là số tốt lành); xe tay lái nghịch mà phải lái về bên phải, một luật kỳ quặc ở Myanmar cũng được giải thích là yadaya chống lại việc xâm lược từ nước ngoài… Yadaya là gì mà quyền năng đến thế?

“Giải hạn” kiểu Myanmar
Bạn có biết vì sao trong chuyến thăm chùa Shwedagon năm 2012, tổng thống Mỹ Obama và bà Hillary Clinton dùng chiếc cốc bạc để rửa đầu một tượng Phật ở chùa không? Hành động này là một kiểu yadaya, cách mà người Myanmar cầu xin man mắn và xua đuổi điều khó khăn, xui xẻo đấy.

Ở Myanmar, chiêm tinh, bói toán là một ngành kinh doanh kiếm ra tiền vì người dân gần như phải hỏi “thầy” về tất cả mọi thứ. Từ việc lớn như kết hôn, làm ăn cho đến việc nhỏ như cắt tóc. Nếu như ở VN, coi bói phải dựa vào ngày tháng năm sinh, thì ở đây thứ trong tuần mới quan trọng. Mỗi thứ sẽ được phù hộ bởi một vị thần (là con vật) . Trong chùa Myanmar lúc nào cũng có tám vị thần đại diện cho 8 ngày trong tuần (thứ tư được chia ra hai thần vào buổi sáng và tối).

Tại chùa Shwedagon, những ngày đầu tiên tôi ngạc nhiên khi thấy rất đông người dân cúng nào hoa, trái cây, nhang, dù giấy dưới chân tượng các linh vật. Trước mặt lúc nào cũng là một hàng dài chờ để múc nước. Lần lượt từng người cầm những chiếc cốc bạc đựng đầy nước (nước là điều tốt lành để giải hạn) vừa đổ lên…đầu tượng Phật và đầu linh vật vừa thì thầm khấn nguyện. Đổ bao nhiêu cốc nước, đăt bao nhiêu bông hoa, trái cây gì… những gì là do người chiêm tinh quyết định. Cả ngàn năm nay người Myanmar vẫn tin và làm như thế.

Không chỉ dân thường, nhà cầm quyền của Myanmar cũng bị ảnh hưởng bởi ý kiến của chiệm tinh và thầy bói. Ngày độc lập của đất nước khi nước Anh rút lui (4.1.1948) đã được chính thức tuyên bố vào 4 giờ 20 sáng cũng do ý kiến của các nhà chiêm tinh. Năm 1970, tướng Ne Win quyết định thay đổi luật giao thông từ lái xe ở phía bên trái của con đường phía bên phải vì “thầy” phán bên phải mới tốt cho đường lối chính trị của ông. Tôi còn nghe câu chuyện rằng tháng 2.2011, thay vì bận longyi, ông tướng chấp nhận mặc váy (shayi) của phụ nữ trong dịp tiếp thủ tướng Lào, được truyền hình trực tiếp trên ti vi, cũng từ lý do “thầy” bảo mặc như thế mới khống chế được Aung San Kyi (?!).

11621011245_27b697a993_z.jpg

Đổ nước lên đầu tượng Phật (và linh vật) để giải hạn và cầu điều tốt lành

Không cắt tóc vào sinh nhật
Ở Myanmar, hầu hết người dân làm việc 6 ngày/tuần, tuy nhiên các bác thợ cắt tóc lại “được nghỉ” vào thứ hai, và thứ sáu. Thật ra không ai cấm cả, nhưng người Myanmar không cắt tóc vào những ngày đó. “ Đối với người Myanmar, thứ hai là ngày làm việc đầu tiên, và thứ sáu là ngày sinh của Đức Phật …nên chúng tôi kiêng. Ngoài ra, tuyệt đối không được cắt tóc vào ngày sinh của mình (nếu sinh vào thứ hai sẽ không cắt tóc vào ngày đó-PV) vì theo truyền thống, làm như vậy bạn sẽ gặp bất hạnh”, Ko Ko Naing, sinh viên ĐH Dagon giải thích.

Chưa đâu, người Myanmar có nhiều “niềm tin” lạ hơn nữa. Như hôm tôi đến khu xóm nghèo bên kia sông, thấy Aung Ley, người xe ôm dẫn đường, cũng nghèo, tôi kêu anh dừng lại chợ định mua chút thịt tươi tặng thì đã bị cản ngay: “Chiều rồi, đừng mang thịt sống về nhà”. Thì ra, nhiều người Myanmar vẫn tin rằng, vào buổi chiều hồn ma có thể “trốn” vào thịt sống còn dính máu để vào nhà, đặc biệt là thịt heo và thịt bò (vì hồn ma rất thích…thịt bò). Chưa hết, vừa vào nhà Aung Ley, vợ anh đã nói ngay: “Hồi nãy nghe quạ kêu quá chừng (ở Myanmar quạ rất nhiều-PV), biết ngay thế nào cũng có khách” (?!).

Dọc khu chùa Sule ở trung tâm Yagon, hàng loạt cửa hiệu coi bói mọc san sát nhau với giá 5.000 kyat (khoảng 100.000 VNĐ)/ lần. Tò mò, tôi cũng ghé vào thử một tiệm. Tiệm nhỏ chừng 3,4 m2 chỉ đủ kê bộ bàn ghế. Rất chuyên nghiệp, bà thầy hỏi ngày, tháng, năm sinh của tôi rồi…nhập vào máy tính gõ nhoay nhoáy. À, tưởng gì, cũng là một dạng phần mềm lấy số tử vi ở VN đây, tôi nhủ thầm. “Cậu sinh vào thứ hai, ngày con cọp…” rồi bà thầy xem chỉ tay và bắt đầu huyên thuyên…duy chỉ một điều bà dặn đi dặn lại: “Nếu không muốn đổ vỡ, cậu không được lấy người sinh vào thứ 6 đâu đấy, nhớ nhé!”.

Thấy vụ bói toán ở Myanmar cũng “hay hay”, tôi về “hỏi cụ Google” thì thấy nguyên cả “bài” nói về tương lai, số phận của tôi hồi nãy của bà thầy đều…có đầy đủ trên Internet.

11621374834_c2d07f4469_z.jpg

Tiệm xem bói nhan nhản ở trung tâm Yangon

11621375604_3c10071013_z.jpg

Xem bói

Box: Người Myanmar thích màu vàng vì đó là màu của vàng (gold) và những ngôi chùa. Màu đỏ chỉ dành cho những gì rất quan trọng hoặc những dịp đặc biệt khi bạn cần thể hiện sức mạnh của bạn (Thí dụ, hầu hết các đảng phái chính trị sử dụng màu đỏ).


Linh vật ứng với thứ của ngày sinh
Người sinh vào Chủ nhật thì linh vật sẽ là Chim cánh vàng (Kim sí điểu), vua của các loài chim
Thứ hai: Hổ
Thứ ba: Sư tử
Sáng thứ tư: Voi
Chiều thứ tư: Voi không ngà
Thứ năm: Chuột
Thứ sáu: Chuột lang
Thứ bảy: Rồng
 
Bài cuối: CÕI THIỀN

“Boong, boong…” tiếng khánh (chuông) quen thuộc lại vang lên. Đã thành thói quen, Htet Htet cầm nồi cơm và thức ăn đứng chờ sẵn. Khi các nhà sư đến, cô tụt dép ra, khoác tấm vải nâu lên vai (cách tỏ lòng kính trọng của người Myanmar-PV) cúi đầu lạy rồi bưng cơm trút vào bình bát... Hàng ngàn năm qua, cúng dường đã trở thành một nếp sống bình thường của hàng triệu người dân Myanmar.

11658513933_6bd7e82bcf_z.jpg


Tu giữa đời thường
Cứ mỗi sáng sớm các nhà sư Myanmar lại “đi bát” (khất thực). Theo Phật giáo Nam Tông nguyên thuỷ (Theravada), nhà sư không được kêu gọi cúng dường. Vì vậy, trước đoàn đi thường có hai giới tử thiếu niên (cũng đi tu nhưng chỉ mới thọ 10 giới) khoác bộ đồ trắng, vừa đi vừa gõ khánh báo hiệu để người dân biết. Không như ở VN đi riêng lẻ, các nhà sư ở đây “đi bát” theo từng đoàn. Một hàng dọc các nhà sư choàng áo đỏ, đi chân đất, tay cầm quạt, tay ôm bình bát cúi đầu im lặng bước. Cuối hàng là hai chú giới tử khác đẩy theo hai cái nồi lớn. Thức ăn cúng dường, khi đầy bình bát lại được trút vào đó.

“Theo giới luật, các nhà sư chỉ được ăn trước 12 giờ trưa. Sau đó không được ăn nữa. Đồ ăn mang về, ngoài việc để các nhà sư dùng bữa còn để nuôi những đứa trẻ trong tu viện”, Vũ Nguyên Phương, người từng tu gần ba năm tại Myanmar, cho biết.

Ở đất nước này, các nhà sư được tôn trọng nhất. Tại sân bay hay bất cứ nơi công cộng nào, các thầy luôn được ưu tiên hàng đầu (rồi sau đó mới đến người già, phụ nữ, trẻ em). Thậm chí, khi đi trên đường, thấy các nhà sư, tôi luôn được người dân dặn dò để tránh đạp lên bóng của thầy.

Tinh thần Phật giáo thấm sâu trong mỗi người người dân đến nỗi bất kì ai (không kể sang, hèn, địa vị xã hội) cũng có thể một ngày nào đó, rủ bỏ tất cả để…vào chùa. “80-90% dân Myanmar đã từng vào chùa tu tập từ vài ngày đến vài năm. Chuyện cô học trò nhân dịp nghỉ Tết, cạo đầu vào chùa tu, ra Tết lại mang cái đầu trọc tếu xách cặp đi học lại là ‘chuyện bình thường ở huyện’, chẳng ai trêu chọc, chê bai”, Phương nói.

Và có lẽ chính điều này đã làm người Myanmar khác với những dân tộc khác. Thậm chí, không cần vào chùa tụng kinh, cũng không cần khoác áo cà sa, mỗi ngày, người dân Myanmar vẫn “tu” bằng chính lối sống của họ: thật thà, hiền lành và hiếu khách.

11658265835_405b5b7dbf_z.jpg


11659042996_358884a976_z.jpg


Nụ cười Myanmar
Ngồi viết những dòng cuối cùng cho chuyến đi hơn 10 ngày, trước mắt tôi lần lượt hiện lên những điều đã qua như thước phim chiếu chậm. Có những con người, những câu chuyện tôi kể trong bài viết. Cũng có những chuyện chỉ nhẹ nhàng thoáng qua nhưng vừa đủ nhắc nhớ về một vùng đất hiền lành, hiếu khách.

Thật lạ, khi những khoảnh khắc dừng lại, điều còn đọng lại trong tôi chỉ đơn giản là những nụ cười. Đó là nụ cười “chọc quê” của những cô gái Myanmar khi tôi xoa thanaka lên mặt; đó là nụ cười an nhiên của những người dân xóm nghèo bên kia sông, là nụ cười thân thiện của một người lạ mặt đã tận tình chạy xe máy vài chục km hướng dẫn tôi mà vẫn cương quyết không nhận một đồng tiền bồi dưỡng: “Đừng ngại! Anh là khách phương xa đến Myanmar, chúng tôi đương nhiên sẽ tiếp đón…”

Người Myanmar tin rằng, nếu bạn muốn một điều gì, hãy đến hàng chuông xung quanh bảo tháp tại một trong ba ngôi chùa linh thiêng nhất ở Myanmar là Shwedagon (Yangon), Mahamuni (Mandalay) và Kyaikhtiyo…rồi gõ chuông ba lần, mong ước sẽ thành hiện thực. Ngày cuối cùng ở Myanmar, tôi trở lại chùa Mahamuni lần nữa. Tôi muốn trở lại đất nước này, đi lại những nơi vừa qua, gặp lại những con người vừa gặp. Thật chậm. Tôi đứng trước cái chuông linh thiêng, tần ngần cầm dùi hồi lâu rồi bỏ xuống, không gõ. Tuỳ duyên. Tôi nghĩ thế, nhưng tận thẳm sâu tôi tin rằng chúng ta sẽ sớm gặp lại nhau, phải không Myanmar?


Box: Myanmar còn là đất nước của dép vì hầu hết người dân bất kể nam, nữ, già, trẻ cũng đều đi dép xỏ ngón, dép “Lào”. Ngay cả những ông bận bộ comple tay cài măng sét, đeo cà vạt rất trịnh trọng nhưng chân vẫn mang…dép. “Cuộc sống của người Myanmar hầu như không thể tách rời khỏi chùa chiền. Mà theo phong tục, vào chùa phải đi chân đất nên người Myanmar mang dép cho tiện”, người bạn Myanmar giải thích.

11658615724_e9383bed02_z.jpg


11658511933_c146c21210_z.jpg


11658264085_0d4b2af032_z.jpg


11658261545_c1eabf89e6_z.jpg
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
59,164
Bài viết
1,174,009
Members
191,979
Latest member
78winrip
Back
Top