Hố hố, nghe mấy cái title nhỏ của bạn NLB mà choáng váng hết cả đầu. May mà các đoạn văn đều mềm mại, văn phong uyển chuyển, ko giật đùng đùng như mấy cái title.
Góp vui 1 bài về Cao bằng nhé. Thú thực đến Thác Bản Giốc, chỉ thấy chan chứa niềm xót thương đất Việt mà thôi...
Nước cứ chảy, cỏ cứ mọc, lúa cứ tốt, gió cứ rì rào và những con trâu cứ đủng đà đủng đỉnh trên bãi cỏ, còn con người thì ngỡ ngàng trước sự trong trẻo của thiên nhiên.
Codet
Suốt chặng đường từ Hà Nội tới Cao Bằng, tiếng hát ở nơi nào đó trong tiềm thức cứ ngân vang:
“Khi trở lại Cao Bằng, con đường tươi màu nắng
Tiếng chim hót trên cao, giữa rừng già im vắng
Khi trở lại Cao Bằng, làng bản mờ trong sương
Vẫn ngọt ngào tiếng hát của người đi làm nương”
Cao Bằng hẳn là đẹp lắm để người nhạc sỹ sáng tác lên những câu ca trong trẻo như vậy. Chuyến đi của chúng tôi mang tâm thế của những người trẻ tìm về một vùng biên cương của Tổ Quốc, thế nên câu hát cứ mãi ngân nga trong suốt cuộc hành trình.
Thác Bản Giốc hùng vĩ
Chuyến xe tốc hành xuất phát từ Mỹ Đình (Hà Nội) tới thị xã Cao Bằng lúc 10 giờ đêm. Thị trấn vùng biên tĩnh lặng, những ngọn đèn vàng ven đường và sự vắng vẻ làm cho không gian như trùng lại.
Buổi sáng, sau khi đi loanh quanh thị xã và thưởng thức món phở chua và bánh cuốn - hai đặc sản nổi tiếng của Cao Bằng, chúng tôi còn kịp thưởng thức café nhâm nhi với hạt dẻ tại quán café Phố cũ. Theo lịch trình, thác Bản Giốc cách đây khoảng 100 km nữa, đoạn đường sẽ chia làm hai chặng mà đoạn nghỉ chân sẽ là thị trấn Trùng Khánh.
Con đường nho nhỏ, hai bên là những cánh đồng lúa đã gặt xong chỉ còn lại gốc rạ trong màu nắng vàng.
Đúng là buồn như đồng lúa gặt xong...
Quả là tạo hóa đã ban tặng cho Cao Bằng một vùng nước non kỳ vĩ. Thác Bản Giốc bao gồm hai cụm thác nằm gần nhau. Thác chính xinh xắn như một tiểu thư với 3 tầng nước tạo thành 3 bậc thềm rồi chảy xuôi mượt mà xuống dòng sông Quây Sơn. Thác kề bên trông “khỏe” hơn với các nhánh chảy xối xả thẳng từ trên xuống, hùng dũng như một chàng trai khỏe mạnh. Bao quanh Thác Bản Giốc là những ruộng lúa của người dân Việt Nam. Hẳn vào mùa lúa chín, sắc vàng xanh của lúa sẽ kết hợp với những dòng nước trắng xóa cùng với ánh xanh của núi, thêm chút cầu vồng nữa, Thác Bản Giốc đẹp như trong mơ.
Theo tư liệu của Sở Địa chất Đông Dương, “Thác Bản Giốc được coi là vùng đẹp nhất của Tonkin, nếu không vì xa xôi và phương tiện lưu thông khó khăn, nó rất xứng đáng để du khách đến thăm viếng với những hang động, những cây cầu chữ Z bắc lên những tảng đá băng qua sông, và nhất là ngọn thác hùng vĩ, gọi là thác bậc thềm có tên là Tu Tong”.
Đi qua những tán cây to, những cây cầu nho nhỏ bằng gỗ, qua những cánh đồng, rồi sẽ đến gần chân thác Bản Giốc. Ở đây, trâu bò đang ung dung gặm cỏ. Cảnh vật thật thanh bình. Nước cứ chảy, cỏ cứ mọc, lúa cứ tốt, gió cứ rì rào, và trâu bò cứ đủng đà đủng đỉnh, còn con người thì ngỡ ngàng trước sự trong trẻo của thiên nhiên đang bày ra trước mắt. Chẳng chần chờ gì nữa, tôi cũng như mọi người bỗng nhiên dạt dào cảm xúc của cảnh đẹp quê hương đất nước, nơi mà tinh thần dân tộc dâng cao. Mây xanh trên cao, bên phải là tiếng nước rền rĩ âm ỉ, bên trái là đồng lúa, còn tôi cứ ngỡ thấy rất sung sướng vì mình đã đến đây, đến xứ sở “gạo trắng, nước trong”, đến một vùng biên của Tổ quốc với tình yêu quê hương dâng tràn.
Đội quân hùng hậu quá. Có 3 mạng thôi.
Việt Nam sở hữu một nửa thác chính và toàn bộ thác phụ, phía Trung Quốc sở hữu một nửa thác chính. Cả hai nước có chung một dòng sông - dòng sông Quây Sơn xanh trong văn vắt nằm giữa hai tấm cột mốc 836 (1) phía Trung Quốc, 836 (2) phía Việt Nam. Tuy nhiên có một điều: Phía bên Trung Quốc lúc nào cũng tấp nập khách du lịch với thuyền bè quy mô hoành tráng cùng hệ thống nhà hơn phía Việt Nam (vẫn còn đang rất vắng vẻ với các dịch vụ chưa phát triển). Hy vọng với sự đầu tư tốt, Thác Bản Giốc sẽ thu hút được nhiều khách du lịch hơn nữa.
Bên Tung Của đông vui tấp nập. Hừm.
Bên mình than ôi!
Và “thả một bè lau”… Chiếc bè của người đàn ông dân tộc Tày đưa chúng tôi trôi chầm chậm trên sông. Tôi ngồi ôm gối mà ngắm sông, ngắm thác, ngắm núi… rồi chạy ra ngoài đầu bè, giơ tay tưởng như chạm được vào khối nước đang ào ạt chảy từ trên đỉnh núi xuống. Tôi cũng không hiểu làm sao, những câu thơ của Nguyễn Đình Thi như dội về giữa đất trời Cao Bằng: “Trời xanh đây là của chúng ta, núi rừng đây là của chúng ta…”
Chợ vùng biên
Sau khi rời Thác Bản Giốc với nhiều tâm trạng, cảm xúc, cuộc hành trình lại tiếp tục tới chợ biên giới cách trạm biên phòng Bản Giốc khoảng 2km. Chợ nằm dưới chân núi Lũng Niếc, cách bản Muông không xa, do người Trung Quốc và cả người dân tộc của ta bán hàng. Các gian hàng san sát nhau, người qua lại hai bên đều được lưu hành tự do không phải kiểm soát giấy tờ gì cả. Phía Trung Quốc bán chủ yếu các đồ mỹ nghệ, nhựa, cả đồ chơi trẻ em. Phía Việt Nam cũng có đồ thủ công của người dân tộc, nhưng đặc biệt là bán rất nhiều loại thuốc lá lạ, ít thấy, và nước hoa. Gần như đây là hai mặt hàng chính của các gian hàng Việt Nam.
Rất nhiều ng TQ chụp ảnh tại Cột mốc biên giới.
Chợ Biên giới khá sôi nổi, tôi đang ngẩn ngơ đi xem hàng hóa bỗng có một người vỗ vai rồi chỉ lên chiếc mũ lưỡi trai có hình cờ đỏ sao vàng Việt Nam. Anh ra hiệu hỏi mũ tôi đang đội mua ở đâu. Tôi trả lời rằng không phải tôi mua ở chợ biên giới này mà mua ở thủ đô Hà Nội. Anh ta cười gật đầu nhưng trên khuôn mặt tỏ vẻ tiếc nuối. Tôi nhờ một người bạn biết tiếng Trung lại trao đổi với anh, tỏ ý sẽ tặng lại chiếc mũ Việt Nam này. Anh cười rất tươi và bảo: “Tôi là người Nội Mông, tôi rất thích Việt Nam”. Người đàn ông nói nhỏ với vợ điều gì đó và cô vợ rút chiếc kẹp tóc lấp lánh màu tím tặng lại chúng tôi. Đội chiếc mũ Việt Nam lên đầu, hai vợ chồng tươi cười chào tạm biệt.
Ng đàn ông Nội Mông ngỏ lời xin chiếc mũ Việt Nam.
Điểm nhấn đặc biệt ở chợ biên giới này là ở phía đầu chợ vẫn còn tấm bia cột mốc 53 có từ đời nhà Thanh. Tấm bia cổ, ngả màu theo thời gian thu hút rất nhiều khách từ hai nước tới chụp ảnh kỷ niệm.
Trời đã xế chiều, chúng tôi phải rời khỏi đây để về cho kịp. Chào Thác Bản Giốc, chào Cao Bằng. Bài hát “Trở lại Cao Bằng” của nhạc sỹ Tân Huyền lại theo chúng tôi suốt trên con đường về: “Vượt dốc và vượt đèo/ Đường gập ghềnh cheo leo/ Ra biên giới tiền tiêu, càng yêu đời chiến sĩ/ Bao tháng ngày không nghỉ/ Bảo vệ đất quê hương/ Giữ Cao Bằng yêu thương/ Giữ Cao Bằng yêu thương”…
Bài & ảnh: codet