What's new

[Chia sẻ] New Zealand, thiên đường Nam bán cầu

New Zealand, thiên đường ở Nam bán cầu

Nhiều lần chat chit với bọn Tây tình cờ gặp trong các chuyến đi, tôi hay hỏi chúng, đi nhiều như bọn mày, nước nào là thích nhất ?
Có những chú thì thủng thẳng suy nghĩ kỹ càng rồi mới trả lời, còn có nhiều chú thì lập tức có câu trả lời ngay.

Nói chung là cũng toán loạn cả, tuỳ theo cảm hứng từng người, nhưng nhiều câu trả lời mà tôi nhận được, đó là 2 đất nước Nepal và New Zealand. Rồi tôi cũng tò mò, mua về 2 quyển sách Lonely Planet của 2 nước này, để trong giá sách nhà mình. Mà cũng lạ, cứ mua quyển nước nào để ở nhà, suốt ngày nhìn thấy nó, ngứa ngáy không chịu được là thể nào cũng mò đến đó. Sau này, Lonely mà có ra quyển LP Mặt trăng nữa thì gay to!!!

Nhưng rồi, đọc trên các diễn đàn, sách hướng dẫn du lịch, cũng nói tới hai nước này là hai nước đẹp nhất, đáng đi vô cùng. Thế là tôi quyết phải tới được. Chuyến đi Nepal thì đã hoàn thành từ năm trước, còn New Zealand là một nơi còn phải đến.

May mắn là dịp này chúng tôi đang ở Úc, nên việc sang NZ cũng khá tiện lợi, so với nếu phải bay từ Việt nam xuống tận đất nước xa tít ở Nam bán cầu này.

1. Vài nét chính:

Quốc đảo New Zealand bao gồm hàng trăm đảo lớn nhỏ khác nhau, nhưng chung quy lại, nó chia thành hai nhóm đảo Bắc và đảo Nam. Tuy hai nhóm đảo này chỉ cách nhau một eo biển hẹp, chừng 20 km nhưng không chỉ là khoảng cách địa lý, hai hòn đảo này nằm trên hai đĩa địa lý khác nhau, chịu những ảnh hưởng khá là khác biệt của khí hậu và quá trình hình thành địa chất. Những ngọn gió nóng ẩm từ biển Tasman phía Tây – Bắc gặp khối khí lạnh Nam cực ở phía Đông Nam tại Newzealand, tạo ra một những vùng khí hậu trái ngược nhau : miền Tây của dãy Alp ở đảo Nam là những cánh rừng nhiệt đới ẩm ướt với lượng mưa khá lớn tới 7500 mm, trong khi đó, chỉ cần vượt con đèo cao cỡ trên ngàn mét sang phía đông của hòn đảo này khí hậu đã khô ráo hẳn với lượng mưa trung bình chỉ cỡ 330 mm. Trong khi đó, Đảo Bắc như những hòn đảo núi lửa với đặc trưng là cụm núi lửa nằm ở chính giữa đảo, xung quanh là miền thảo nguyên bằng phẳng đất đai phì nhiêu và màu mỡ.

Quá trình hình hành NZ hình dung như này cho dễ hiểu, nếu ta có 2 cái đế pizza chưa nướng đẩy dồn vào nhau, thì ở rìa của đĩa bột sẽ dồn lại và trồi cao lên chính là đảo Bắc và đảo Nam của NZ. Rìa cao nhất của “ đĩa bột “ bị dồn lên ấy tạo nên dãy núi chính ở phía Nam mà dân xứ này gọi là dãy Alp. Còn đảo Bắc thì khá bằng phẳng, chính giữa và bắc đảo nhô lên một chùm các ngọn núi lửa, vẫn đang hoạt động. Dường như quá trình kiến tạo này chưa dừng lại, nên hiện nay, ở NZ, động đất vẫn thường xuyên xảy ra trên cả hai hòn đảo, tới mức người xứ Kiwi cũng khá quen với những trận lắc lư tới 5,6 độ Richte. Và ở khá nhiều nơi trên đảo Bắc, chúng ta có thể nhìn thấy những hình ảnh tiềm tàng của núi lửa đang hoạt động. Mặc kệ thiên nhiên với những kiến tạo vĩ đại, cái mà chúng ta được thừa hưởng ngày nay là một đất nước NZ với những rặng núi tuyết cao chót vót ở đảo Nam, những hồ xanh lộng lẫy soi bóng tuyết trắng phau, và những mu đồi xanh mướt mượt ở đảo Bắc, điểm xuyết là đàn cừu trắng lốm đốm.

-----

Welcome to NZ

P1040142+%255BDesktop+Resolution%255D.JPG


Câu tuyên ngôn ở cửa khách sạn đầu tiên tại NZ:

P1040144+%255BDesktop+Resolution%255D.JPG


Đừng lo vội, NZ còn nhiều chỗ để chơi hơn chỉ là tuyên ngôn trên:

P1040270+%255BDesktop+Resolution%255D.JPG


và cũng nổi tiếng với nhiều con hồ đẹp:

P1040529+%255BDesktop+Resolution%255D.JPG
 
Hành trình ban đầu của chúng tôi sẽ ngược trở lại Christchurch theo đường giữa đảo, quốc lộ số 8 và ghé qua Mt Cook , ngọn núi cao nhất NZ, 3754 m, mang tên thuyền trưởng James Cook nổi tiếng. (Tên của thuyền trưởng này có thể thấy ở khá nhiều nơi ở Úc, New Zealand, thậm chí Hawaii. Ông đã chỉ huy những con thuyền thám hiểm của hoàng gia Anh, khám phá nhiều vùng đất ở Úc và New Zealand, cuối cùng, chết ở Hawaii trong một trận chiến với thổ dân năm 1779. Ở Úc có một thị trấn tên là 1770 , cách Brisbane 500 cây về phía bắc, – kỷ niệm năm mà Cook đặt chân lên đất Úc). Tuy nhiên, sau một hồi tán phét với các bọn lang thang khác ở YHA Queenstown đêm trước, chúng tôi quyết định thay đổi hành trình, chạy theo đường số 6 sang bờ Tây, tới các thị trấn Foxx Glacier - Hokitika và vượt đèo Arthur trở về Christchurch. Hành trình này thường người ta chạy khoảng 4-5 ngày, còn chúng tôi sẽ chỉ thực hiện trong có 2 ngày với tổng quãng đường chừng 800 km, dài hơn hành trình cũ khoảng 200 km.

Chặng hành trình này chia làm 2 phần, phần đầu là đoạn vượt qua dãy Alp để sang bờ phía Tây. Và phần sau lại là vượt dãy núi này trở lại bờ đông để về Christchurch.

Ngay khi bắt đầu rời Queenstown, con đường Crown Range road đã vắt vẻo lên các triền đèo cao gần ngàn mét. Con đường này không phải lúc nào cũng mở cho xe qua lại. Vào mùa đông, băng tuyết trên đèo sẽ cản trở các phương tiện qua lại và người ta sẽ phải đi vòng xuống con đường phía dưới theo đường quốc lộ chính. Đường này ngắn hơn và cảnh đẹp hơn do nó chạy trên triền cao, bên kia thung lũng là những đỉnh tuyết phủ. Tiếp theo sẽ tới hồ Wanaka và hồ Hawea, cũng là những thắng cảnh đẹp không thể bỏ qua của đảo Nam. Nhưng cũng phải nói thật là, sau vài ngày đắm mình trong cảnh hồ xanh núi trắng, chúng tôi không còn ồ với à khi lại qua hồ nữa. Ở đây không gặp hồ mới là chuyện lạ. Nhiều qúa nên không còn là của quý! Con đường số 6 khá hiu hắt chạy dọc theo các bờ hồ đẹp đẽ kể trên. Khung cảnh đầy sắc màu tươi đẹp cứ trôi qua cửa xe lững lờ, còn các hành khách yêu quý của chúng ta thì ngủ vật từ bên này sang bên khác, chỉ choàng mắt ra mỗi khi lái xe dừng lại… đi vệ sinh! (đùa thế chứ thỉnh thoảng cũng he hé cửa xe ra ngắm cảnh).

Puzzle World:

Gần thị trấn Albert town bên hồ Wanaka có một cái khu rất yêu tên là Puzzle world (http://www.puzzlingworld.co.nz/index.html), đảm bảo trẻ con người lớn vào đều mê. Không quá lớn, nhưng sự sáng tạo trong những tác phẩm trưng bày và tương tác ở đây khiến bạn có thể phải kinh ngạc. Ngay từ ngoài, cái kiểu trang trí xiêu vẹo của các khối nhà đã thu hút khối khách qua lại để không thể không ghé vào, tiếp theo, khu đón tiếp với những bàn ăn bày đồ chơi xếp hình kiểu puzzle lại làm bạn càng khoái hơn. Nhưng đó mới chỉ là phần bắt đầu. Đi vào khu trưng bày bạn sẽ vô cùng khoái chí với những – không biết có thể gọi thế không – tác phẩm nghệ thuật tạo hình sáng tạo. Sự sắp đặt một cách tương đối của các đồ trưng bày khiến những giác quan của chúng ta thu nhận được những thông tin trái chiều nhau và bộ não thông minh trở nên bối rối để lựa chọn cái đúng. Ví dụ như một cái hành lang không quá dài, nhìn thì thấy khá là bằng phẳng nhưng thật ra nó lại được đặt nằm hơi nghiêng, thế là khi đi vào đó, mắt ta thì điều khiển não ta là ta đang đi trên một mặt phẳng nằm ngang nhưng thực tết thì người ta lại phải nghiêng đi cho khỏi bị ngã, thế là bao nhiêu người đi vào cứ quay quay như người đơ, ngộ phết. Một điểm nhấn khác là bức tường có 168 khuôn mặt gọi là “hall of following face”. Người nghệ sỹ đã đúc bức tường 3D này một cách khéo léo và dùng đèn nền, tạo ra ảo giác khiến khi bạn nhìn vào một khuôn mặt nào và di chuyển đi đâu trong căn phòng thì cũng thấy cái khuôn mặt ấy nó nghiêng và nhìn theo bạn, quả là sự sáng tạo là không có giới hạn. Tôi đã mê mải đứng ở trong cái bức tường vòm ấy, nhìn những khuôn mặt đầy biểu cảm khác nhau, di chuyển theo mọi hướng để thấy vẫn thấy ánh nhìn trìu mến của cặp mắt dõi theo mình. Bước sang phải hay trái vài bước, thấy cái mặt nó quay theo, bước sang trái, nó cũng quay sang trái, ngồi xuống, khuôn mặt như cúi xuống nhìn ta, vậy mà thật ra nó chỉ là một cái hình 3D tĩnh.

Điểm nhấn thú vị cuối cùng là bức tranh 2D nền nhưng bố trí với những đồ vật sắp đặt và đường kẻ khiến trông như thật. Bức tranh “nhà vệ sinh thời La mã” này được sắp đặt thật đến mức mà phải có một biển ghi chú cho khách trước khi vào khu này “Khu vệ sinh trong phòng này chỉ để nhìn- Không sử dụng”!

Chắc chắn Puzzingworld là một nơi bạn không thể bỏ qua nếu ghé thăm hồ Wanaka

Ai cũng có thể đỡ một toà tháp đang đổ... chỉ có ở Puzzing world

069-IMG_0629.jpg


nơi có những toà nhà xiên xẹo:

P1040392+%255BDesktop+Resolution%255D.JPG


có toilet thời trung cổ :

114-IMG_0674.jpg


nhưng khoan, vì có nhiều người có thể nhầm lẫn là một cái toilet thật - vì nó giống quá- nên phải có một cái biển đề : just for fun - not to use:

118-IMG_0678.jpg


Thêm một cái clip về "hall of following face" - nó chỉ là một cái tấm nhựa nổi hình khuôn mặt, thế mà khi mình di chuyển sang trái thì cái mặt nó quay nhìn theo mình, sang phải - quay theo, lên trên - ngước lên, xuống dưới - nhìn xuống

[video=youtube;ODAc9OwrTDU]https://www.youtube.com/watch?v=ODAc9OwrTDU[/video]

cận cảnh từng khuôn mặt:

4625681603_ef92051fef.jpg


còn đây là cả bức tường các khuôn mặt

PuzzlingWorld4.jpg


Sau khi rời hai cái hồ dài ngoằng xanh thẳm và gió lồng lộng kia, hành trình bắt đầu bị ảnh hưởng của khí hậu ẩm ướt của triền tây dãy núi Alp. Mây mù phủ kín các đỉnh núi trước mặt. Bầu trời đằng sau thì xanh ngắt còn đằng trước thì sụng sịu đầy vẻ đe doạ. Mưa mới lất phất rồi bắt đầu nặng hạt cho ta một sự so sánh không thể hoàn hảo hơn của một miền ôn đới khô ráo và một miền nhiệt đới mưa rào. Chỉ 20 cây số thôi, khí hậu đã có thay đổi lớn rồi! Và con đường rừng nhiệt đới này cứ âm u trong mây mù mưa gió bao phủ cho tới tận những thị trấn sau…

Dãy Alp của New Zealand hình thành do hai đĩa địa lý dồn vào nhau, đẩy các lớp đất đá bề mặt lên thành núi. Hymalaya cũng có cơ chế hình thành tương tự và các dãy núi này vẫn đang tiếp tục cao lên

figure001_tasman_glacier.jpg


Phía bắc của hồ Wanaka chừng hai mươi cây số, nằm trên con sông Makarora chảy vào hồ, là một điểm dừng chân nhỏ xinh khá thu hút khách du lịch, Blue pool. Ao xanh, như tên gọi của nó, là một khúc suối hiền hoà và xanh màu da trời. Chả thấy lý giải nào về mặt khoa học cho cái màu xanh biếc của nó, ngoài việc là nước ở đây chảy từ các dòng sông băng xuống nên có cái màu xanh kỳ lạ đó. Du khách xứ NZ đến đây thì trầm trồ với màu sắc này chứ còn tôi thì đã ghé thăm những hồ ngũ sắc ở Cửu trại câu nên cũng chả mấy kinh ngạc (khổ thế, đi được nhiều thì lại nảy sinh cái sự so sánh!). Nhưng chắc với nhiều người thì nhìn cái màu hồ xanh biếc và trong veo như mắt một em gái thì cũng bị hớp hồn đấy!

Dọc theo các dãy núi này là những dòng sông, con suối hình thành từ nước chảy từ các sông băng xuống. Blue Pool là một khúc suối như vậy: nước xanh ngắt có thể nhìn tận đáy:

Blue-Pools-1.jpg
 
Last edited:
Thanks for sharing. Anh cho em hỏi riêng tư chút, là bé nhà anh mấy tuổi ạ? Em cũng muốn tham khảo để sau này cả nhà cùng đi ạ. Cám ơn anh.
 
Trên con đường bờ biển phía tây này có hai thị trấn dừng chân của khách du lịch là Fox Glacier và Fran Josef Glacier. Bản thân cái tên đã nói lên đặc trưng của hai thị trấn này. Dù chỉ cách nhau chừng hai mươi cây số nhưng có tới hai thị trấn đông đúc khách du lịch, vì nó là cửa vào thăm của hai dòng sông băng. Hai con sông băng này có khá nhiều điểm kỳ thú, thứ nhất là, nó là sông băng rất sát biển (nếu không kể tới các sông băng ở các vùng gần cực), cách biển có vài cây số, thứ nhì, nó đang di chuyển: từ năm 1943, có cái mảnh máy bay rơi cách đỉnh 3,5 cây số và sáu năm rưỡi sau, người ta thấy nó trôi xuống chân . Tính ra, sông băng này di chuyển với tốc độ 1,5 mét một ngày. Nguyên nhân của sự di chuyển này của cả cái khối băng khổng lồ dài 13 cây số, cao từ 2600 mét và có chỗ dầy nhất tới 300 mét là do cứ mỗi năm tuyết rơi dày tới 2-30 mét trên Mt Cook kể trên lại đẩy khối băng dốc đứng xuống một tí, và phần chân đế của nó thì lại quá gần với vùng ấm áp gần biển ở dưới nên nó cứ tan chảy tí một tí một. Dù hình thành từ kỷ băng hà cuối cùng cách đây trên mười ngàn năm, dòng sông băng này đã tan chảy một phần đáng kể, nơi mà nếu chúng tôi ghé thăm vài ngàn năm trước đây thì sông băng sẽ bao trùm ra tận chỗ bãi đỗ xe chứ không phải cuốc bộ thêm cả cây số. Dù sao thì Fox Glacier cũng là một trong những sông băng hiếm hoi mà ta có thể đi bộ từ đường chính vào tận sát khối băng, chỉ cách 80 mét ( Josef Glacier cách đó hai chục cây thì chỉ vào được cách 200 mét).

Trong các khu vực chân của sông băng này, người ta đã phải đặt những rào chắn và các cảnh báo nguy hiểm để ngăn chặn bước chân tò mò của đám thanh niên. Năm 2009, khối băng tan tới 100 tấn đã đổ sập xuống ở đây, vùi lấp 2 khách du lịch người Úc. Nhưng chắc hẳn là tai nạn đó không phải là những cảnh báo quá lớn đủ để cản những tay mạo hiểm vào tận chân thác xem những hang động băng giá, kỳ dị và đẹp mắt được tạo ra. Hôm tôi ghé vẫn thấy vài chú thanh niên đang tìm cách vượt qua cái hàng rào để vào gần sát chân thác, mặc cho cái sự nguy hiểm cận kề được cảnh báo khắp nơi.

----

Sông băng Fox Glacier:

bfLj71T-4onn8Nwak--UzDuvEZyoY4XU1KvqAHIGy9M=w312-h416-no


Đi bộ từ bãi xe ô tô vào sát sông băng khoảng 2km, có rất nhiều cảnh báo không lại gần và trèo lên các khối băng đang có thể tan chảy và đổ sập bất kỳ lúc nào;

P1040492+%255BDesktop+Resolution%255D.JPG


Nhưng chẳng vì thế mà ngăn được những bước chân mạo hiểm:

FG3.jpg


vì có thể tận mắt nhìn thấy những cảnh đẹp huy hoàng của bà chúa Tuyết:

FG2.jpg
 
Fox glacier nằm cách thị trấn chỉ có dăm cây số, lái xe có thể vào gần sát sông băng. Với các du khách tiết kiệm, con đường nhỏ cạnh dòng sông sẽ giúp bạn đi bộ lên đến tận mặt sông băng, dẫm chân lên mặt băng giá khổng lồ. Cũng có khá nhiều loại hình du lịch sông băng khác như leo núi băng với đầy đủ dụng cụ như giầy đi băng, cuốc chim… Theo những tour này, bạn có thể được trèo lên những vách băng hoặc chui qua các hang động do thiên nhiên đục đẽo nên trong sông băng. Còn một kiểu khác là nhảy lên máy bay trực thăng rồi lướt lên đỉnh các dòng sông băng, hạ cánh trên cánh đồng băng ở độ cao trên hai ngàn mét. Nói chung là đủ kiểu để khiến mỗi ngày có thể có tới cả ngàn người ghé thăm mấy thị trấn nhỏ xíu này tiêu hết số tiền có trong túi. Còn chúng tôi, may (hay không may?) là số tiền trong túi không nhiều nên đi lên đó bằng cách đi bộ.

Cũng trong phạm vi vài cây số quanh Fox Glacier, có một cái hồ nhỏ tên là Matheson. Hồ này có một điểm đặc biệt là nó khá nhỏ so với những hồ lớn mênh mông của xứ Kiwi. Những hồ lớn này có mặt nước rộng nên trên hồ sóng vỗ liên hồi, dào dạt như sóng biển. Do vậy, dù xung quanh có vô vàn các dãy núi tuyết vòi vọi nhưng hiếm khi ta thấy cảnh nó thật sự được “soi bóng”, do mặt hồ không lúc nào tĩnh. Còn hồ này thì do khá nhỏ, nằm khuất nẻo ở chân núi Mt Cook lại nên mặt nước tĩnh lặng của nó vô hình chung trở thành tấm gương khổng lồ phản chiếu lên hình ảnh hoành tráng của chàng lãng tử Cook ở đường chân trời. Quanh hồ là con đường mòn xuyên qua lớp rừng nhiệt đới rậm rạp, vào mùa thu lá đổ bóng vàng là cảnh tượng vô cùng quyến rũ với du khách, bởi thế, hồ này thường xuất hiện trên các ảnh phong cảnh đẹp của Nz.

Lúc chúng tôi ghé thăm hồ, mây vẫn còn nặng trĩu trên những dặng núi tuyết xa xa và chỉ thi thoảng vén ra một chút xíu, để lộ đỉnh núi trắng toát kiêu hãnh. Dù rằng ở khu vực phía tây này, mưa gió luôn là mối ngăn cản lớn với việc ngắm cảnh, nhưng dường như trời đất cũng chả nỡ làm buồn lòng khách phương xa!

Hồ Matheson, một ngày nắng đẹp

lake_matheson-oconnor-w.jpg


có thể cuốc bộ lên sông băng ở xa xa đường chân trời - sông băng Fox Glacier:

fox-glacier.jpg


hoặc lười hơn thì dùng máy bay, giá >200 NZD / người

Fox-Glacier-Franz-Josef-Helicopter1.jpg
 
Hotitika

… Con đường dọc bờ tây với một vài điểm nhấn như sông băng, núi tuyết sẽ tiếp tục cho ta qua thăm một thành phố - có thể gọi là một trong các thành phố cổ xưa nhất nước - Hotitika

Thành phố này đã từng là một trong những thành phố lớn nhất xứ Kiwi, bắt đầu từ những cơn đào vàng vào thế kỷ 19. Khi đó, nó trở thành trung tâm của những tay tìm kiếm vận may nhờ vào vị thế ở cửa sông, và cũng từng là hải cảng quan trọng hàng đầu thời đó. Như hầu hết các thành phố vàng, dân tứ chiếng đổ xô đến đến đào xới và rồi lại đổ xô đi, nên thành phố này giờ đây chỉ còn là một thị tứ nhỏ xinh, với những nếp nhà cổ kính lưu lại từ thời kỳ sung túc của mình. Wiki cho một thông tin / một nhận xét khá là dí dỏm là thống kê dân số năm 2006 so với 2001, thành phố này đã tụt mất 12 người, may mà vùng phụ cận thì tăng được 180 người! Ôi, đất nước mà một thành phố dân số tăng giảm có thể đếm trên đầu ngón tay!

Nhưng có một điều khá thú vị, các thành phố vàng như Arrow town (gần Queensland), Hokitika bên bờ Tây này, hay ở Úc có Baclarat (trung tâm đào vàng mà ở từ đó, tiền bạc mới kiếm được để dựng nên thành phố Melbourne hiện nay), không còn vàng để đào bới nữa, thay vì đó, họ đã đào một mỏ vàng mới – khách du lịch – Mỏ vàng này có vẻ là vô tận vì hết lớp này lại đến lớp khác, khách du lịch luôn là nguồn thu quan trọng nhất cho các thành phố vàng. Các cửa hàng bán đồ lưu niệm liên quan đến vàng, các tour du lịch thăm quan thời đào vàng luôn được chăm chút cẩn thận để mỏ vàng mới không bao giờ cạn. Việt nam ta cũng có những mỏ vàng và đá quý được khai thác một cách nguyên thuỷ và đầy máu như thời kỳ tìm vàng ở các nước Âu, Mỹ (chẳng hạn, mỏ đá Lục Yên, Yên Bái), giá mà các nhà làm tour có thể xây dựng những mô hình tương tự - thì chắc hẳn lượng đá, vàng còn sót lại hiện nay sẽ bán được giá gấp nhiều lần so với bán cái mảnh đấy làm nguyên liệu.

Một đặc sản nữa của đất nước này là gió. Nằm chơ lơ giữa biển nên mấy hòn đảo này cứ hứng đầy gió từ phía Thái Bình Dương. Trừ mấy thành phố nằm sâu bên trong thì còn đỡ chứ bạn đến mấy chỗ nằm bờ biển thì cứ gọi là gió phần phật kinh hoàng. Phía tây thì có Hokitika này, còn phía đông lại có Wellington. Gió thổi bay tà váy mỏng manh của những nàng nõn nà chân dài đang dạo bước trên cầu cảng, gió thổi nghiêng ngả đám thanh niên đang hùng hồn tranh luận, gió làm liêu xiêu mấy em nhỏ đang đùa nghịch trên bãi cỏ.

Trung tâm thành phố với tháp đồng hồ, từ đây, các con phố nhỏ hình bàn cờ toả ra các hướng

hokitika-55662.jpg


một người thợ chế tác vàng / đá quý - để bán đồ lưu niệm - mỏ vàng từ khách du lịch là vô tận so với mỏ vàng đã khai thác gần hết. Tuy những kỹ thuật đào đãi vàng chả có gì khác với hàng trăm năm trước, vàng ở đây vẫn được coi là quý hiếm vì nó ở dạng những miếng vàng tự nhiên chứ không ở dạng quặng (một tài liệu cho rằng chỉ có khoảng 2% vàng ở dạng này và nó còn hiếm hơn kim cương)

8553066964_b76ef95ed6_o.jpg


Vàng đây, những mẩu vàng tự nhiên được người dân ở đây chế thành các đồ lưu niệm / trang sức mà họ coi là "có một không hai", - đương nhiên, vì những mẩu này thì có cái nào giống cái nào! những mẩu vàng này có thể kiếm được trên bãi cát dọc sông (nếu may mắn)- ( chú ý đọc kỹ, phóng to cái font chữ nhỏ tí này ), nhưng mẩu vàng lớn nhất người ta đã kiếm được nặng tới 3.09 kg

Home-image.jpg
 
Last edited:
Chia tay với thị trấn gió Hokitika, chúng tôi lại vượt dãy Alp qua đèo Arthur để đến Christchurch. Arthur là con đèo được nhắc đến trong nhiều tour du lịch. Đèo này chỉ cao hơn 900 mét nhưng lại là con đèo nằm giữa thành phố Christchurch và các thành phố nằm trên đường bờ tây, do vậy, nó khá là quan trọng cho giao thông vận tải cũng như là du lịch.

Điều thú vị là con đèo này được “một người cha tặng cho con”: Dù thổ dân Maori đã sử dụng nó từ trước rất lâu khi người châu Âu đến nhưng con đường đèo này và cái tên Arthur của nó chỉ được hình thành vào thời kỳ tìm vàng (thế kỷ 19). Lúc đó, một giải thưởng 200 bảng đã được trao cho người nào tìm được con đèo ngắn nhất để sang bờ Tây, và người đã khảo sát để tìm ra con đèo này chính là cha của Arthur, không ngần ngại gì lấy béng tên của con giai cho vào trong cái báo cáo của mình. Đúng là cha thì ở đâu cũng thế, nên chả trách gì ở ta có lão đại gia tặng ngoéo ngay toàn bộ tài sản của mình cho cu con mới 1 tuổi.

Đèo Arthur không chỉ được mở rộng đường, người ta còn tiếp tục đào hầm xuyên núi để làm đường sắt. Hoàn thành năm 1923, đường sắt xuyên rặng Alp từng là một trong những tuyến đường sắt quan trọng nhất. Giờ đây, sứ mệnh vận tải hàng hoá của nó không còn chiếm vị trí hàng đầu. Thay vào đó, tuyến đường này đã trở thành một trong những tuyến đường sắt du lịch quyến rũ nhất thế giới.

Đoàn tàu xuyên Alp chạy trên một hành trình dài 223 km với các toa tàu có cửa kính mở rộng để du khách có thể ngắm toàn khung cảnh tráng lệ của những thung lũng mượt mà xanh ngắt với những hẻm núi tuyết vút cao. Có chỗ nó vượt qua một cây cầu nối giữa hai vách núi ở độ cao 73 mét, cạnh dòng sông xanh biếc. Chính giữa đèo là đường hầm Otira dài 8,5 cây số. Hầm này dài quá nên việc chạy tàu động cơ hơi nước là vấn đề lớn cho khách đi tàu do ngột ngạt khí carbonic. Do vậy, vào những năm 1941, người ta cũng phải xây hẳn một cái nhà máy điện để thay thế động cơ hơi nước bằng động cơ điện cho đoàn tàu mỗi khi qua đường hầm này.

Chúng tôi vượt đèo Arthur vào lúc chiều tà, chạy song song với đoàn tàu xuyên Alp một chặng dài dằng dặc, nhìn con tàu uốn lượn dọc theo thung lũng. Liệu sẽ có dịp ngồi nhâm nhi tách cà phê ****g phức, ngắm cảnh núi tuyết trôi qua khung cửa sáng choang của đoàn tàu kia? Nhưng chạy đường ô tô cũng có cái hay, thay vì chui qua cái đường hầm đen ngòm, chúng tôi lên đỉnh đèo, dừng chân, pha một tách café G7, hương vị quê nhà chợt ùa về trên những ngọn núi tuyết đang ửng lên những tia hoàng hôn cuối cùng!

Từ đỉnh đèo, đường xuôi xuống rồi bắt đầu tấp nập lên dần, đường chân trời xa xa sáng bừng lên trên nền trời xanh thẫm, thành phố Christchurch ở nơi ấy!

Đoàn tàu Kiwi Rail trên chặng đèo :

M7wPQF71HBKNRva3nmoNd10T41tlQuoUhmoZWZafD3E=w513-h405-no


Mùa đông nó phải gạt tuyết ra mà đi:

upzKTJtuGQuMSMINUmBIj-uNvAMRzJEEuAESjFxgYCo=w401-h405-no


Vượt qua những dặng núi tuyết đẹp tuyệt vời:

8-eVEwrTuaYbDGxT6CVec8TELDFXsz5xUNOygTDRj6Y=w536-h405-no


Đường sắt qua đèo Arthur là một trong những tuyến đường sắt du lịch đẹp nhất thế giới:

kr4.jpg


Trên đỉnh đèo Arthur:

P1040643+%255BDesktop+Resolution%255D.JPG
 
CHRISTCHURCH

… Đêm đã về trên thành cổ Christchurch khi chúng tôi tới đây. Thành phố lớn thứ ba và được coi là cổ nhất xứ Kiwi này lặng lẽ, khiêm nhường, không một bóng nhà cổ và ngổn ngang dọc các phố chính là những hàng rào chắn ngang phố, chặn đường và phân luồng. Những bóng người im lìm đi nép trên các vỉa hè bé nhỏ nhường phần lớn cho các hàng rào thép hoặc rào nhựa, khiến không khí càng thêm buồn nản. Lẽ nào đây lại là Christchurch?

Có tuổi đời gần 200 năm, thành phố mang dáng dấp đặc Anh này cũng có cái tên từ Anh - Christ church là một khu trường trực thuộc đại học Oxford danh tiếng.Thành phố cũng sở hữu những công trình kiến trúc cổ như các nhà thờ, công trình công cộng, toà nhà công sở, ga tàu theo các phong cách kiến trúc thời nữ hoàng Victoria. So sánh một cách tương đối, Christchurch sẽ giông giống như Melbourne. Những đường phố quang quẻ với các tuyến xe điện dọc ngang, hè phố thảnh thơi với các quán café khiến du khách có cảm giác như đang ở một thànhphố Âu châu nào đó hơn là cách nửa vòng trái đất. Christchurch cũng được quy hoạch và xây dựng như một thành phố xanh với vô vàn các công viên và vườn hoa nằm trong thành phố. Nơi đây, cũng làmột căn cứ tiền tiêu của nhiều nước như Mỹ, Úc để bay tới các trạm Nam cực...

Phần nhiều trong số những dòng bạn đọc trên đây được viết cho những năm trước 2010. Còn giờ đây, là những phần tôi mô tả về một thành phố quạnh hiu,lại càng thê thảm hơn trong ánh đèn vàng nhợt nhạt khi đêm về. Dùng bản đồ trênGPS, chúng tôi lái xe dọc ngang vài lần, xuyên qua các khu phố cổ trung tâm,buồn thay, nơi nào cũng như nhau, chỉ còn là những bãi đất trống rộng lớn với các hàng rào lặng lẽ.

Nguyên nhân của sự biến đổi kinh khủng trên là do những trận động đấttrong hai năm 2010 và 2011. Như chúng ta đã biết, Nz nằm trên vành đai núi lửa vòng quanh Thái Bình Dương, nên việc các hoạt động kiến tạo như động đất, núil ửa vẫn là chuyện như cơm bữa ở đây. Các trận động đất 5-6 độ Richte là thường xuyên tới mức dân Nz cũng không có e ngại hay sợ hãi gì nữa. Nhưng giọt nước tràn ly, hàng chục trận động đất trong những năm 2010 đến 2012 với cường độ trên 5 độ, trận lớn nhất tới 7,1 độ đã phá huỷ những toà nhà đẹp đẽ cùng các cơ sở hạ tầng quan trọng của thành phố này.

Tuy phá huỷ phần lớn thành phố nhưng trận động đất này chỉ giết hại 185 người, so với hơn 69 nghìn người của trận động đất Tứ xuyên năm 2008 (năm này,chúng tôi cũng ở Tứ xuyên và trận động đất xảy ra chỉ sau chuyến đi ít lâu). Trong số 185 này, có tới 115 người đã mất mạng trong toà nhà 6 tầng của đài truyền hình khu vực.

Trở lại với Christchurch, sau trận động đất, chỉ trên các tuyến trung tâm của thành phố đã có hàng ngàn ngôi nhà bị sụp đổ hoặc bị ảnh hưởng tới mức nguyhiểm, biến thành những khu vực hoang tàn bị rào chắn kể trên. Khu rào chắn trung tâm thành phố này (gọi là Central City Red Zone) – được dựng lên từ trận động đất ngày 22 tháng 2 năm 2011, mới được tháo dỡ vào tháng 6 năm 2013, tới 859 ngày sau động đất. Nếu chúng tôi đến đây sớm hơn chỉ vài tháng thì sẽ không được vào khu vực trung tâm này, tuy thế, những hàng rào dọc ngang chặn đường hoặc phân làn xe giữa đường phố vẫn còn nguyên, và khung cảnh những khu đất rộng mênh mông đã được dọn sạch gợi cho chúng ta một cảm giác buồn đến nao lòng. Ước tính ban đầu cho thấy, cần tới 15 tỉ đô la để xây dựng lại thành phố, nhưng những đánh giá đầy đủ hơn trong năm 2013 đã tính toán tới con số 40 tỉ.(GDP của NZ là khoảng 120 tỉ). Dân số thành phố chỉ hơn 350.000 người, thì rõ ràng với GPD ước chừng của thành phố này là khoảng hơn 10 tỉ đô la, việc những bãi đất trống kia sẽ còn tồn tại trong một thời gian dài là điều không thể tránh khỏi. Một số nhà kinh tế dự trù New Zealand cần từ 50-100 năm để khôi phục lại thành phố này.

Chúng tôi chạy xe trong thành phố với tâm trạng khó tả, dù đã biết đến một thành phố bị phá huỷ phần nhiều nhưng những xúc cảm nặng nề vẫn không thể tránhkhỏi. Riêng tôi, tôi cho là thành phố này không nên dọn các nhà đổ nát do động đất, để nguyên nó, biết đâu, sau này thành phố sẽ có những khu di tích không thể ấn tượng hơn về sự tàn phá của động đất cho thế hệ mai sau, hoặc có thể làmột phim trường lớn nhất thế giới để đóng phim chiến tranh. May mắn là các khu vực ngoại vi hoặc nhà cửa thấp tầng của dân cư thì hầu như không bị ảnh hưởng lớn, do vậy vẫn còn đó những mảng xanh, điểm xuyết những ngôi nhà xinh xắn, phủ kín dây leo…Dù thế nào chăng nữa, giờ đây thành phố này chỉ còn là những bãiđất trống hoang tàn, và chúng tôi không muốn đắm chìm trong những cảm xúc u ám ấy nữa, quyết định rời khỏi thành phố trên chuyến bay sớm nhất, sang thủ đô Wellington, cách đó chừng 45 phút bay....

...

Đọc lại những nội dung về trận động đất ở Christchurch, tôi chợt nhớ về trận động đất Tứ Xuyên năm 2008 mà chỉ chút nữa chúng tôi đã có mặt ở trong thảm hoạ ấy, Và nhớ lại một note về phim " Đường sơn đại địa chấn" mà tôi được xem sau khi trở về từ Tứ xuyên. Năm ấy, tôi nhớ khi ngồi xem ở rạp, cả rạp đã không thể không khóc. Hôm nay, viết xong các note về động đất ở Christchurch, tôi lại mở ra xem lại bộ phim này, những thương cảm năm nào vẫn còn nguyên. Các bạn thử xem lại nhé:

http://www.youtube.com/watch?v=qMmWjU7a6Ts

Toàn cảnh Christchurch khi bị động đất tấn công


1660601_681226051933680_1503995912_n.jpg


Đường tàu điện cũng bị uốn cong

1620831_681226248600327_1864681675_n.jpg


Ô tô thì không còn chỗ nào mà chui

1794669_681226281933657_1368677088_n.jpg


Trước và sau- Nhà thờ trung tâm của Christchurch

1620686_681226431933642_735960291_n.jpg


Hàng rào ngăn khu vực Redzone đã ở đây từ năm 2011-2013

1899969_681226705266948_776459737_n.jpg


Bên kia hàng rào là những toà nhà có thể sập bất kỳ khi nào

1958523_681226981933587_1855272322_n.jpg


Nhiều nơi đã dọn dẹp xong... nơi những toà nhà đẹp đẽ xưa kia chỉ còn là bãi trống

1920360_681227111933574_147782755_n.jpg


Ruy băng tưởng niệm những mất mát nơi đây?

1979596_681227291933556_698538550_n.jpg
 
WELLINGTON & ĐẢO BẮC

Chuyến bay của Jetstar vượt eo biển giữa đảo Bắc và đảo Nam, chỉ giây lát đã hạ cánh xuống sân bay Wellington. Mỗi sân bay ở đây đều có một thứ đồ trang trí lạ mắt. Sân bay quốc tế Auckland treo hẳn một cái máy bay cánh quạt trongnhà, sân bay Queenstown thì đồ trang trí chính là những hành khách lỉnh kỉnh đồ leo núi và trượt tuyết, sân bay Wellington này thì có mô hình một chú khủng long to vật, chắc ý khoe khéo là hồi xưa đảo này đầy khủng long đây. Mà chả phải hồi xưa, ngay bây giờ, người ta vẫn cho là một cái con bò sát còn đầy rẫy ở NZ,con tuatara, chính là một loài bò sát cùng loại với khủng long mà không bị tuyệt chủng. Cái con giống như tuatara ấy, tôi đã nhìn thấy ở Việt nam, trong một quán ăn, nó ngự ở trên đĩa, trong bình ngâm rượu ở khu vực tỉnh Bình thuận mà ta hay gọi là con kỳ nhông (giông). Thế mới biết ở ta thì có là khủng longthì cũng cho vào chén tuốt, càng quý, càng hiếm, càng bảo tồn thì càng… ngon!

Wellington là thành phố thủ đô của New Zealand. Khu trung tâm Wellington bé tẹo, mỗi chiều chỉ chừng 2 cây số, nằm gọn trong một cái thung lũng nhỏ xinh trong vịnh Wellington. Sau khi chụp ảnh chán chê với bọn khủng long trong sânbay, chúng tôi lại tiếp tục thuê xe của Jucy, đến điểm hẹn ở cầu cảng để café với các bạn Việt nam trong “Cơm có thịt New Zealand”. Nhờ các bạn ở đây mà chúng tôi đã lên được lịch trình tham lam, khít khìn khịt và không thể tin được vòng quanh nước này. Thế nên giờ là lúc cà phê cà pháo tay bắt mặt mừng và cảmơn!

Vì lịch trình các bạn tư vấn chặt chẽ quá nên café và ăn sáng cũng chỉđược một giờ, sau đó tiếp tục ngắm cảnh vòng quanh Wellington trước khi đến thành phố tiếp theo.

Trung tâm Wellington nhìn ra vịnh, nhỏ ở mức độ đi bộ một vòng thì chắcmất chừng vài giờ. Có một vài chỗ là điểm không thể bỏ qua khi đến đây.

Đầu tiên là bảo tàng Tepapa, bảo tàng New Zealand. Toà nhà bảo tàng 6 tầng này nằm ở vị trí đẹp nhất ở trung tâm, ngay gần cầu cảng, là nơi mà mọi khách du lịch đến thủ đô đều ghé qua. Vào thăm bảo tàng, chúng ta sẽ đọc được những câu chuyện về lịch sử, văn hoá,tự nhiên… của đất nước xinh đẹp này. Những câu chuyện này không khô cứng mà được thể hiện qua các hiện vật trưng bày, những mô hình tương tác và các mô hình media hiện đại khiến ta có lang thang cả ngày bên trong cũng không chán. Lịch sử hình thành trái đất dẫn đến lịch sử tự nhiên và địa chất của đất nước được mô hình hoá bằng những hình ảnh sinh động và trực quan khiến một em bé mới hơn bốn tuổi như Ba ta cũng phải há miệng ra mà ngắm. Hay là ở mô hình một ngôi nhà khi bị động đất, bạn có thể hẳn bên trong để thử cảm giác độ rung trongmột căn phòng khi có động đất ở 5-6 độ richte… Không chỉ là một bảo tàng, chính xác nơi đây là trung tâm văn hoá và giáo dục cộng đồng, nơi mà trẻ em được nhìn thấy những hiện vật sống mà chúng hay được học ở trường và không chỉ có trường học, mà còn là nhiều thứ thú vị và ngạc nhiên của cuộc sống xung quanh, chúng tôi đã được ghé thăm nhiều bảo tàng cùng loại như nơi đây, nhưng tôi chắc chắn là, đây là một trong các bảo tàng phong phú, sinh động, sống và đẹp nhất. Thêm một điều là, tất cả những trải nghiệm thú vị về khoa học, về lịch sử, về tự nhiên gọn gàng trong toà nhà 6 tầng ấy, đều miễn phí!

Điểm thứ hai mà ta nên ghé thăm ở Wellington là những đỉnh núi xung quanh. Đỉnh Victoria là một trong số các đỉnh đó, nhưng thuận tiện là nó rất gần với trung tâm. Từ đây, ta có thể nhìn thấy thành phố xinh xinh nằm dưới chân núi. Quang cảnh xung quanh là những bán đảo uốn lượn xung quanh khu vực này.

Trên đỉnh cũng đặt tượng trưng một khẩu pháo thần công để bảo vệ thành phố. Không biết nó bảo vệ thành phố bằng cách nào khi mà nó còn phải đang tự vệ trước đám thanh niên mà chú nào cũng nhảy lên khẩu pháo để chụp một tấm ảnh!

Wellington trong ba giờ chỉ được vậy, dù thật ngắn ngủi nhưng tôi sẽ nhớ mãi thành phố bé bé, yêu yêu, khép nép bên dãy núi mang tên nữ hoàng, thành phố có viện bảo tàng mà chắc chắn ai ghé một lần sẽ không bao giờ quên.

45 phút bay từ Christchurch đến Wellington, máy bay trườn trên những dãy núi tuyết ven biển, hồng lên trong ánh bình mình

1922097_682519751804310_546007533_n.jpg


để đến với đảo Bắc xanh rì và màu mỡ của đất núi lửa

1625699_682519785137640_261247251_n.jpg


sân bay Wellington với đủ loại mô hình khủng long

1896923_682520155137603_163771288_n.jpg


còn đây là nhìn vào cầu cảng Wellington,

1620604_682521261804159_1320947926_n.jpg


năm 2009 đã từng có cả tảng băng trôi từ Nam cực đến đây

1978764_682521921804093_1011485143_n.jpg


bảo tàng Tepapa, một trong những điểm phải đến ở Wellington

1800310_682522565137362_1574094319_n.jpg


Bên trong là một thế giới huyền ảo và màu sắc, mê hoặc cả người lớn lẫn trẻ con

1779299_682522665137352_98715506_n.jpg


Căn nhà mô phỏng động đất... hãy vào trong, bạn sẽ thấy nhà cửa rung chuyển, đồ đạc nghiêng ngả, đổ sụp...cho bạn trải nghiệm khi bị động đất

1969338_682522921803993_2102613514_n.jpg


Bọn khủng long ngày xưa đây

1939743_682525731803712_1645292021_n.jpg


Còn đây là hậu duệ của chúng, bé tẹo và có thể thấy ở Việt nam, trong các quán nhậu ở miền Trung rất sẵn

1743501_682525888470363_848307677_n.jpg
 
Rất tuyệt. Mình thích New Zealand lắm. Hy vọng tương lai có thể đặt chân đến đây, nhất là Queenstown :)
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
36,770
Bài viết
1,137,567
Members
192,650
Latest member
Papagrace
Back
Top