What's new

[Chia sẻ] Ngó nghiêng campuchia

Trong năm nay thiệt ra mình chưa có dự định đi Campuchia, cho đến giữa năm mình vẫn cứ đinh ninh là sẽ hưởng không khí lạnh ở Sapa hay Hà Giang vào tháng 11 hay 12. Đùng một phát như sét đánh ngang tai, chính phủ Campuchia thông báo sẽ tăng giá vé tham quan Angkor lên gấp đôi từ tháng 2 năm 2017. Vậy là gạch Sapa, bỏ qua luôn Hà Giang, ủ mưu đi Campuchia tham quan Angkor lúc giá vé vẫn còn phù hợp với túi tiền con nhà nghèo. Dời lên dời xuống, chỉnh qua chỉnh lại, vậy là chốt, đầu tháng 11 lên đường với cái hy vọng là thời tiết ảnh mát mẻ chút để đi cho đỡ cực và đỡ đổ bệnh nữa, không thì đi chơi mất dzui luôn.


. Di chuyển:

- Sài Gòn – Siem Riep: Sapaco với giá 470.000/người. Xe 50 chỗ ngồi mà có tầm 10 người, xe cũ, chất đồ quá trời, nhưng được cái lúc qua biên giới không bắt hành khách vác hành lý lặc lè qua máy soi với có hỗ trợ làm thủ tục ở hải quan Campuchia; làm thủ tục nhập cảnh nói đi Sapaco cho qua ào ào, không cần lăn tay luôn. Đến Phnom Penh, có xe của nhà xe HR Express đợi sẵn, xe 15 chỗ mới tinh, ngồi thoải mái xe chạy êm. Thấy xe được nên mình đặt vé về luôn của hãng xe này. Hãng này không trung chuyển đến tận khách sạn. Đi chuyến 6h từ Sài Gòn đến Siêm Riệp tầm 7h tối.

- Siem Riep – Phnom Penh: HR Express giá 9USD/ người, đón tận khách sạn luôn, trước ngày đi gọi đt nhắc khách, trước khi qua đón 30 phút gọi tiếp. Đi từ 8h (vé ghi 7h30) tầm 1 giờ đến Phnom Penh, 2 tiếng dừng một lần cho khách đi giải tỏa nỗi buồn.

- Phnom Penh – Sài Gòn: Sapaco 10USD/người nhưng trả tiền Việt có 210.000. Xe 50 chỗ mới hơn xe lúc đi, cũng chỉ có tầm 10-15 người khách, cũng không có hàng hóa gì. Đáng lẽ ra xe sẽ đón tận khách sạn nhưng do run rủi sao mình đi trúng ngày lễ đua ghe ngo của dân Cam, toàn quốc nghỉ 4 ngày, đường phố đông với chặn đường tùm lum, xe không thể vào trung tâm đón khách được, vậy nên khách cảm phiền đi ra nhà xe dùm. Đến cửa khẩu Campuchia cũng làm thủ tục nhanh chóng, nhưng lần này bắt hành khách tay xách nách mang hành lý đi soi chiếu. Đi chuyến 2h30 đến lúc 8h30, xe dừng ở Cộng Hòa, bắt taxi cho khách vô lại nhà xe ở Phạm Ngũ Lão.

- Tuk tuk: đi lại ngắn ngắn mình cứ nhắm tầm 1,5km thì 1 USD. Coi google maps những điểm muốn đi đo khoảng cách rồi trả giá. Cứ trả giá nhiệt tình đừng run, mình nhắm nhắm trước giá như vậy nên mấy lần đỡ bị dao lam cứa cổ đó, nói 6USD mà mình trả phát 2USD, không thèm trả thêm, mới quay mặt đi kêu lại liền, còn nếu ngại ngại cứ nhích thêm nửa USD thôi.

- Tuk tuk tham quan Angkor: mình kịch liệt đề nghị anh Ny +855-92-936-508 (092936508), ảnh nhiệt tình quá chừng luôn, còn có sẵn nước lạnh dành cho khách nữa, leo đền lê lết mệt mỏi có chai nước lạnh còn hơn thần dược. Mình gọi nói sơ qua lịch trình, nhờ ảnh sắp xếp lại cho thuận tiện, hỏi giá ảnh nói 60USD/3 ngày, mình chỉ nói thêm không bớt cho em sao, ảnh nói em đi với Ny có ngày đi xa có ngày đi gần nên Ny tính giá sát lắm luôn. Mình không trả nữa, đồng ý đi luôn. Và 60USD mình thấy cực kỳ xứng đáng, ảnh không có đưa khách ghé shop này cửa hàng kia, khách muốn mua gì nói ảnh ghé vô còn kịch liệt trả giá phụ, trưa nói ảnh chở đi ăn, ảnh dẫn đi ăn bún cá Campuchia 3 người hết có 11.000 riel (khoảng 2,75USD), hay có bữa ăn trong Angkor ảnh nói khu này người ta thuê của hàng nên giá mắc hơn ăn ở nhà dân, 3 người ăn 1 món mặn, 1 canh với thêm 1 phần cơm là đủ no mà không tốn nhiều tiền nữa. Ảnh đi qua chỗ này cũng có giải thích sơ sơ cho mình hiểu, ảnh còn nói đi trong Angkor nhiều bảo vệ chìm lắm, đi đứng không cẩn thận làm vỡ hay mẻ di tích xíu xiu cũng phạt 500USD đó, rồi nếu tuk tuk dám hướng dẫn khách tham quan cũng sẽ bị phạt rất nặng nên ảnh biết cũng không dám dẫn khách đi tham quan. Ảnh còn đặt vé giúp mình đi ăn buffet và xem múa Apsara ở Kulen II chỉ 10USD/người, trong khi giá niêm yết là 12 USD/người (giá này còn tính thêm 10% VAT lúc thanh toán nha). Nói chung mọi người nếu có dịp qua đây thì liên hệ với ảnh nha, đảm bảo vừa ý luôn.


. Tiêu xài

- Vé tham quan Angkor: mình mua vé tham quan 3 ngày 40USD, anh tuk tuk đưa đi mua vé, còn dẫn dzô quầy mua vé 1 ngày, 3 ngày, hay 7 ngày.

- Mình không đổi qua riel mà xài USD luôn, 1 USD = 4.000 riel. Chỉ nhắc là bạn nên chuẩn bị ít USD lẻ, mệnh giá 1,5,10,20 để tiện sử dụng. Chớ đi tuk tuk 2 USD đưa 100USD là mệt đó.


. Ở

- Siem Riep: mình ở The Golden Gecko Villa, facebook: https://www.facebook.com/thegoldengeckovilla/. Bữa mình chọn đại trên agoda, phòng 3 người 4 đêm cả thuế phí mà chưa đến 60USD bao gồm cả ăn sáng (có giảm giá 40%). Chỗ này chỉ có khoảng 10 phòng, dọn dẹp hằng ngày sạch sẽ, phòng tắm rộng rãi thoải mái, phòng nào cũng có ban-công mặt trước và mặt sau, ngắm bình minh đẹp tuyệt vời, hồ bơi nhỏ xinh, sạch sẽ không có mùi thuốc tẩy, lọc nước liên tục, có quầy bar nhỏ, thức uống tầm 3USD/món. Ngày đi ngắm bình minh ở Angkor, mình chỉ hỏi ảnh mình đi sớm có người mở cửa cho mình không. Vậy mà lúc 5h sáng đi ra thấy đã có đồ ăn sáng chuẩn bị cho mình để sẵn. Thích chỗ này quá chừng, mấy bạn nếu đến Siem Riep có thể lưu ý chỗ này nha.

- Phnom Penh: Rachana Hostel - #142 A12 and A13 street 19, Sangkat chey chumneas khan daun penh, Daun Penh, Phnom Penh. Khách sạn ở ngay khu phố tây ở Phnom Penh, gần hoàng cung, chợ đêm. Lúc đặt phòng thấy sao giá phòng mắc hơn nhiều ở Siem Riep vậy, qua mới biết là do lễ, 25USD/đêm/phòng 3 người. Phòng xấu, ngộp và còn có ma nữa (NO)(NO)(NO). Mọi người né nó ra.


. Ăn

- Ăn ở chợ đêm Siem Riep tầm 2USD/món chính. Mình thấy xe bán bánh lọt xào thịt ghé dzô ăn thử, ai dè người Việt Nam bán, nói bán khách Tây 2USD chớ bán người mình 1USD thôi. Món ăn Campuchia theo mình ăn được, chỉ có điều ngọt hơn mình nhiều quá. Ăn trái cây thèm muối, chấm muối Cam đưa lên miệng cắn thấy có vị đường trong muối ớt luôn. Đi coi Apsara ở Kulen II cũng khá đẹp, đồ ăn phong phú, cũng vừa miệng nữa.

- Lúc đi chợ Nga đi mua đồ, thấy món chả cá bọc rau củ ngon quá, xông vô mua, người bán xổ tràng tiếng Việt, nhận đồng hương, giảm giá 500 riel. Mọi người đi chợ Nga kiếm quầy chị này ăn cũng được lắm, cũng không biết chỉ đường sao mà miệng chỉ ấy nói xa xả lanh lảnh, vô chợ là nghe tiếng à.

- Bánh mì bên đây khoảng 2.000-3.000 riel/ổ, ăn cũng giống bên mình.

- Ở đường Jayavarman 7 (172), Phnom Penh có 3 cái quán nướng gần đầu đường, mình ăn quán thứ 3 có bán hải sản nướng, 3 người ăn có kèm cơm no cành hông với nước ngọt tầm 8USD.


. Quần áo

- Mình có coi thời tiết trước khi đi, thấy nhiệt độ trung bình 32-33oC, nghĩ không quá nóng, ai dè nóng quá, cảm giá như gần 40oC, đi về ngày nào quần áo cũng ướt đẫm mồ hôi với mùi không dễ chịu chút nào. Cộng với đi bộ nhiều, khuyến cáo lúc đi tham quan nên mặc: quần tone áo thun, áo khoác, giày bata, mắt kiếng, nón rộng vành cực kỳ hữu ích. Nếu muốn chụp hình nổi bần bật giữa khung cảnh đền tháp, nên mặc màu đỏ, bảo đảm không chìm trong khung cảnh nào luôn.

- Trong vé cũng ghi rõ là phải ăn mặc lịch sự, phù hợp, nếu ăn mặc không phù hợp bạn sẽ không được vào tham quan.


. Mua sắm

- Quần vải tone khoảng 2USD/cái, quần alibaba vải thô cứng khoảng 3USD/cái (có thể bị ra màu), áo cotton có hình voi tầm 4-5USD/cái.

- Bức tranh da đục hình voi, cây bồ đề, vũ nữ apsara có thể mua ở Angkorwat, cỡ trung tầm 15-20USD, cỡ nhỏ tầm 5-10 USD, trả giá thật kịch liệt, nói thách gấp ba so với giá mình mua được luôn.(c)(c)(c)

- Mua sắm đừng ngại trả giá, thấy giá nào phù hợp mình cứ trả, mình mua cũng được, không mua họ cũng vui vẻ, không có lườm nguýt gì hết.

- Mua đồ ở các đền tháp ít khách giá rẻ hơn, họ chịu khó kèo nài mình hơn, giá đưa ra cũng không quá cao.


Tổng thiệt hại mỗi người (không kể tiền quà cáp): 4.500.000 người/6 ngày.



 
Hix, đọc tin giá vé tham quan Angkor mà như sét đánh bên tai. Mình với chị họ đang định qua Tết âm thì đi, lại trúng đợt vừa tăng giá vé T.T
Dù vậy, đi thì vẫn đi thôi, nhăm nhe ngó nghiêng bao lâu rồi ;)

đánh dấu cái nhà nghỉ được bạn khen :D
 
Điểm đến tiếp theo là Bayon.

Ngôi đền này sẽ có dính líu đến lịch sử của nước ta, cụ thể là Chiêm Thành. Những năm đầu thế kỷ XII. Angkor dưới sự cai trị của vua Suryavarman II đã mở rộng tầm ảnh hưởng của mình trong khu vực thông qua các cuộc chinh phạt các quốc gia láng giềng. Không rõ thời điểm chính xác Chân Lạp chế ngự được hoàn toàn Chiêm Thành, nhưng có thể trong khoảng 1145-1149 (nếu các bạn đã từng đến tháp Dương Long ở Bình Định, sẽ thấy rằng phong cách tháp Dương Long khác hẳn với phong cách xây dựng của tháp Chăm. Tháp Dương Long được xây dựng trong thế kỷ XII, cũng có thể vì vậy đã ảnh hưởng phong cách nghệ thuật của Angkor). Thậm chí, Chân Lạp cũng đã tiến đánh Đại Việt (Đại Việt sử ký toàn thư đã ghi lại các sự kiện đó xảy ra vào các năm 1128, 1129, 1132, 1138, 1150).

Sau khi Suryavarman II qua đời, Chân Lạp rơi vào vòng xoáy tranh giành vương quyền. Lợi dụng tình hình rối ren đó, năm 1177, vua Po Klong Garai của Chiêm Thành đã đi ngược dòng Mê-kông, men theo Biển Hồ đánh úp vào Angkor. Đế chế Angkor rệu rã nhanh chóng bị chế ngự, và giờ đây đã từ kẻ đô hộ trở thành kẻ bị đô hộ.

Đến năm 1181, sau nhiều trận đánh lớn nhỏ, đặc biệt là các trận thủy chiến, Jayavarman VII đã giành lại quyền kiểm soát Angkor và lên ngôi vua. Vị vua này sẽ lại đặt ách thống trị lên Chiêm Thành, và kể từ đây cho đến năm 1226, Chiêm Thành và Angkor luôn trong thế giằng co với nhau, chiến tranh triền miên. Cả hai trong trong giai đoạn này đều cố gắng tranh thủ sự ủng hộ của Đại Việt, nếu không được thì sẽ cố gắng để cho Đại Việt đứng trung lập.

Đến năm 1226, vương quốc Chân Lạp giờ đã phải đặt mối bận tâm của mình qua người bạn láng giềng Thái Lan, nên dừng tất cả các cuộc tấn công Chiêm Thành và rút quân về nước. Và sau gần 100 năm giằng co, giờ đây đã tạm dừng. Và sau này, Chân Lạp chỉ còn nhìn nhìn ngó ngó qua Chiêm Thành, nếu có hành động chỉ là ủng hộ cho vài cuộc bạo loạn ở Chiêm Thành mà thôi.

Nói dài dòng này giờ, giờ mới vào cái chỗ chính. Bayon được xây dựng để ghi dấu chiến thắng "oanh liệt" của Jayavarman VII trước Chiêm Thành, giành lại quyền độc lập cho quốc gia. Trận thủy chiến này đã được vị vua này khắc chạm nổi trong Bayon (các bạn có thể gõ google xem hình, lúc đi chưa kịp tìm hiểu nên không để ý chụp chỗ này).


f7T22Qp.jpg


Nụ cười Bayon.​


Anh Ny nói với mình Bayon có 48 khuôn mặt như thế này, 4 cửa vào chính (1 cửa nhỏ không tính) vậy là 52, tượng trưng cho số tỉnh lúc bấy giờ. Về mình đọc lại, tài liệu nói là 54 khuôn mặt, tượng trưng cho 54 tỉnh của Cam lúc bấy giờ. Bạn nào đi đếm lại thử nha.


UBv5B2W.jpg


Nụ cười trong nắng.



MQDNUXo.jpg


Sự bình yên hiếm hoi.



1FGuQhh.jpg


Toàn cảnh Bayon.​


Điểm cuối cùng trong ngày thứ nhất là Angkor Wat. Minh lại tiếp tục "cưỡi ngựa" ngắm nơi đây.

r1FDCGj.jpg


Một chỏm Angkor Wat (mình ráng rướn lên cho khỏi dính người).



Hnlrsyf.jpg


Angkor Wat xù xì.



0xkSTan.jpg


Trăng đã lên.



HyiCVh6.jpg


Trăng lên ở Angkor Wat.



COySEMa.jpg


Một góc Angkor Wat.



sGQNxH5.jpg


Được ngắm Angkor từ kinh khí cầu kia chắc đẹp phải biết.​



P.S: Phần đầu mình viết theo vốn hiểu biết ít ỏi của mình, có tham khảo Dân tộc Chàm lược sử, Đại Việt sử ký và anh gúc-gồ. Có gì không đúng hoặc sai lệch, mong mọi người đóng góp giúp.

 
Last edited:
Hix, đọc tin giá vé tham quan Angkor mà như sét đánh bên tai. Mình với chị họ đang định qua Tết âm thì đi, lại trúng đợt vừa tăng giá vé T.T
Dù vậy, đi thì vẫn đi thôi, nhăm nhe ngó nghiêng bao lâu rồi ;)

đánh dấu cái nhà nghỉ được bạn khen :D

Chỗ ở Siem Reap đến là bạn thích liền luôn đó :D

Nói nhỏ, nếu kêu Tuk Tuk nhớ gọi anh Ny nhen.
 
Ngày thứ 2 mìn đi ngắm bình minh trên Angkor. Đêm qua chỉ hỏi anh chủ nhà sáng mai 5 giờ sáng có ai mở cổng cho mình đi ra không, thì sáng đã có đồ ăn sáng chuẩn bị sẵn cho mình. 5 giờ sáng ở Angkor không khí khá mát mẻ, đường không có đèn nhưng rầm rập xe ô-tô lẫn tuk tuk đổ về Angkor Wat ngắm bình mình. Nếu xưa mọi con đường đều dẫn về La Mã thì nay sáng ở Xiêm Reap chắc mọi hướng đều đổ về Angkor Wat.

Ở đây, mình đã mắc phải "sai lầm chiến lược". Thấy một ông hướng dẫn viên dẫn 2 bạn Tây leo lên cái đền, bảo chỗ này ngắm bình minh đẹp nhất, chúng mày đừng bon chen vào chỗ đông đúc đó làm gì, chụp cũng không đẹp đâu. Mình tin, cũng chiếm một chỗ ngồi, mà ngồi một hồi thấy gì đó sai sai, chỗ đẹp sao dễ có vậy được. Vậy là bon chen, chạy đến cái hồ coi thử sao mọi người chen ở đó nhiều dữ vậy. Biết sai lầm rồi, thế là mình bon chen, chen, chen và cứ chen, cuối cùng chỉ cách 1 lớp người là đến được cái mép nước chụp cảnh phản chiếu. Mình thì lùn, Tây Tàu Hàn thì cao, đâu thể rướn được. Thế nên đành ngồi thụp xuống, chụp len giữa chân của hai bạn Tây. Lâu lâu, bạn xích qua xích lại thì cái quần của bạn lại lọt dzô ống kính của mình.

Mấy bạn rút kinh nghiệm của mình, nghe ngóng chỗ này ngắm bình minh đẹp này này kia hãy bỏ ngoài tai. Hãy cứ cái hồ trước Angkor Wat mà đứng, bảo đảm có hình đẹp.


oaO203U.jpg


Ánh sáng le lói (lúc đó thấy mây đen, lòng buồn rười rượi, không lẽ tới đây mà hụt cảnh bình minh sao?)



UIqXOHg.jpg


Rồi bình minh cũng đến.



7C7jFxq.jpg


Tinh khôi



f6TpFSk.jpg


Rực rỡ.



4AZnumM.jpg


Những con đường Angkor mướt xanh.​


Sau khi ngắm bình minh, mình đi Kbai Spean (Suối ngàn linga). Ở núi Kulen cũng có suối ngàn linga đẹp hơn nhưng sẽ tốn vé 20 đô. Mình tiết kiệm đi Kbai Spean, dùng luôn vé tham quan Angkor.

Đường đi Kbai Spean tầm hơn 50km, đường đẹp. Anh Ny bảo đi thêm tầm 2 tiếng đến biên giới Thái Lan, mốt có thời gian khám phá thử coi. Để đó, khi nào có thời gian lại tính tiếp.

Mình đến Kbai Spean khá sớm, đi lên núi 1,2km, nhớ đem theo nước lỡ khát còn uống chớ không ai bán nước trên đó. Đường qua rừng đi khá mát, những chỗ khó đi đều có bắc thang gỗ. Lúc nắng chưa xiên qua cây, mình ngắm dòng suối không thấy gì, than trời luôn, bảo đi đến đây mà hổng có gì ngắm hết vậy. Ngồi lôi đồ ra ăn, uống nước nhâm nhi, nắng lên thấy hình khắc ẩn ẩn hiện hiện thấy đáng công mình bỏ ra ghê.


vE1UQ4V.jpg


Linga



p9e7Rg9.jpg


Brahma, phiên âm Hán - Việt là Phạm Thiên, một trong ba vị thần tối cao của Ấn Độ giáo. Có truyền thuyết bảo rằng Brahma sinh ra từ một hoa sen, những cũng có truyền thuyết khác kể rằng thần được sinh ra trong nước. Thần có 4 đầu, 4 mặt, 4 cánh tay.


Ap3pTCH.jpg


Những hình khắc trên đá.



PRHkqzW.jpg


Dòng suối mát.



tEHhzvJ.jpg


Yoni​

 
Mình chuẩn bị đi, tầm giữa tháng 12 này. Bạn nào muốn đi cùng thì call mình nhé 01646460434, (Huy). Hiện mới có mình và 1 anh nữa đang lên lịch. Hi vọng nhiều người đi cùng sẽ an toàn hơn và vui hơn. Thanks!
 
Điếm đến tiếp theo là Banteay Srei. Đền được làm từ đá sa thạch đỏ, nhìn y như một khối gạch nung đỏ giữa trời. Mới đầu mình còn nghĩ là gạch, đến gần mới biết là đá. Chất liệu từ đá mà chạm trổ, điên khắc tuyệt mĩ, hình ảnh rất sống động. Không biết nói gì ngoài thán phục.


c8qjPnl.jpg


Từ cửa nhìn vào.



vhE0dfe.jpg




aZfb3o5.jpg




EtJWd7u.jpg





01M7z20.jpg


Đế hoa sen.



DwYFpAc.jpg


Bên trong đền.



0GvHPSn.jpg


Nhìn xa xa cũng có nét tương tự tháp Chăm.



B8MOdBp.jpg




nh1KHFW.jpg


Hoa trong đá.​
 
Điểm đến cuối của ngày thứ hai là Banteay Samre. Theo Wiki, ngôi đền này "được đặt tên theo Samré, một dân tộc cổ đại tại Đông Dương, ngôi đền có vật liệu gống như của Banteay Srei".

Ngôi đền này lúc mình đến khá vắng vẻ, có thể nói là vắng nhất trong các điểm mình đã tham quan ở Angkor. Không khí vắng lặng, yên tĩnh, và thoáng chút u buồn. Mấy hàng bán đồ lưu niệm ở đây, chắc do ít khách, nên giá cả có thể nói là khá tốt. Người bán hàng rất chịu khó kèo nài khách, luôn miệng nói "small profit". Sau này mình đi các cửa hàng khác, mới thấy giá ở đây quá tốt và lịch sự nhất với khách.


fyjiW2R.jpg


Bờ thành cũ.



rwnE9uu.jpg


Vạt nắng chiều.



dj4sNqi.jpg


Tĩnh.



ZF7pQto.jpg


Hoa bên thành.



X0jB3zC.jpg


Xưa trong nắng.



LU7HGrU.jpg


Đền chiều.



IXN0FfC.jpg


Đỏ, vàng, xanh.



2XMZMZf.jpg


Có nghe lời xưa vang vọng lại.​
 
Đọc bài của bạn nhớ Angkor quá. Tính ra cũng đã hơn 10 năm từ lần đầu đến Angkor. Nhớ mãi cảm giác ngồi trong bóng tối háo hức chờ mặt trời mọc.





Bờ hồ là nơi mọi người tập trung đông nhất





Một số tập trung ở 2 library phía sau hồ.





Chiều hôm trước ra biển hồ Tonle sap ngắm hoàng hôn.

Mênh mông trời nước.





Nhà bè đơn độc trên mặt hồ.





Và hoàng hôn yên bình.





Dù là đã đến 2 lần nhưng vẫn mong có ngày quay lại nơi này
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
55,670
Bài viết
1,171,090
Members
192,337
Latest member
inhopcartong
Back
Top