Có bài đọc được trên mạng, cóp vào để các bác hình dung, hì
Nhìn từ Lệ giang về phía bắc, Ngọc Long Tuyết Sơn ẩn hiện trong những mái nhà lô xô. Ngọn núi này cao 5596 m, chỉ cách Lệ giang khoảng 30 km và có rất nhiều các thắng cảnh. Từ xa trông ngọn núi trắng xóa và đôi lúc, theo những lọn gió, những đám mây như cuộn lên giống cảnh tuyết lở trong phim ‘Vertical limit’.
Có nhiều cách có thể dẫn lên Ngọc Long. Bạn có thể mua một tour hằng ngày đi bằng cáp treo và có cả vé thắng cảnh. Vì dãy núi rất lớn nên có nhiều điểm có cáp treo, điểm lên cao nhất là hơn 4506 mét và được coi là cáp treo có độ cao nhất châu Á. Từ những điểm cuối của cáp treo cũng có thể thuê ngựa để lên cao hơn nữa với giá vài chục tệ.
Tới thôn Ngọc Hồ đã gần trưa. Từ đây lên đến đỉnh cả đi lẫn về chừng 15 cây số trên những vách núi cheo leo. Thôn Ngọc Hồ khá đẹp, nhà bằng đất nện, mái ngói âm dương với những người dân Nạp Tây chất phác. Ngọc Hồ có độ cao chỉ khoảng 2200m, và theo như quảng cáo thì có thể cưỡi ngựa lên các cao độ khác nhau, tất nhiên là giá cũng khác nhau. Cao nhất là tới điểm 4800 mét với giá 300 tệ, 6 giờ cưỡi ngựa.
Để lên đến đỉnh Ngọc Long Tuyết Sơn, tuyến đường đi ngựa phải vượt qua 3 mốc chính : ngay khi ra khỏi Ngọc Hồ đã là một bãi đá thoai thoải dài khoảng 2 cây số, tiếp đó, ở độ cao khoảng 2800 mét là một khoảnh đất nhỏ khá bằng phẳng, ở đây chính là lán nghỉ đầu tiên với những quán ăn nho nhỏ cho du khách, với món khoai lang nướng ngon tuyệt.
Lưng chừng núi, ở cao độ 3300 mét là một thảo nguyên rộng lớn. Mùa này, thảo nguyên cằn cỗi và khô khốc, khác hẳn với mùa cỏ mọc xanh mượt hay mùa tuyết trắng nõn nà. Lên cao hơn nữa, tới độ cao 3700 m là điểm dừng cuối của ngựa.
Nối với các điểm mốc dừng chân này là những con đường mòn nhỏ chênh vênh trên bờ vực hoặc xuyên qua những rừng thông nhọn hoắt. Những chú ngựa lộp cộp cần mẫn thồ từng đoàn người trên những dốc đứng. Đôi chỗ, mặt đường có nhiều sỏi đá chạy sát mép vực rất dễ bị trượt nên mọi người phải xuống cuốc bộ cho đảm bảo an toàn. Những chú ngựa lúc này cũng chồn chân mỏi gối phì phò vượt dốc.
Thật ra, xét về mức độ khó khăn hiểm trở thì lên Ngọc long không khó bằng đi Fansipan mặc dù độ cao lớn hơn. Lý do vì đường mòn lên đỉnh khá tốt và lại có phương tiện là ngựa nên bớt được nhiều sức người. Cưỡi ngựa cũng không khó lắm, dù có phải ngồi nhiều giờ chung chiêng trên lưng ngựa, sát các mép vực thì cũng còn dễ chịu hơn việc phải đi bộ nhiều. Duy có một điều hơi khó chịu là trời rất nắng và khô hanh. Đối với dân mình quen khí hậu ẩm, trời quá khô sẽ làm cho mũi bị khô, da mặt thì nứt căng.
Đến các điểm nghỉ là các bãi bằng phẳng, những chú ngựa được thả cương tha hồ tung vó. Quán xá thường là những lều dã chiến bằng vải bạt, phục vụ du khách đồ uống, đồ ăn nhẹ. Thường là mì hộp hay thịt nướng, trà thì pha kiểu tàu, nghĩa là lấy một cái bát rồi đổ cả trà lẫn nước sôi vào, khi nào uống thì lựa bã mà thổi, được cái là uống thoải mái chứ nếu kiểu Hà nội 500 một chén thì uống có mà cạn ví.
Điểm dừng cuối cùng mà mọi người nói là 4800 mét thật ra chưa đến 4000 mét. Từ điểm này, sẽ có hai lựa chọn, nếu muốn lên chơi sông băng ở độ cao 4800 thì phải tự leo bộ lên vì ngựa không có đường, ngã này rẽ tay trái và leo mất hơn 1 giờ. Đứng ở ngay đây đã nhìn thấy dòng thác băng đổ từ đỉnh núi, cao chừng vài chục mét.
Sông băng này nằm khuất trong phần ánh nắng mặt trời không chiếu tới nên nước không bị tan ra. Trên những vùng đất cao này nhiều chỗ mặt có ánh mặt trời thì nhiệt độ có thể lên đến 10-15 độ nhưng phần khuất có thể là âm độ.
Lựa chọn thứ hai là tiếp tục leo ngựa lên một cái dốc nho nhỏ nữa, từ đây bạn có thể leo tiếp lên một sống núi nằm phía bắc của khối núi này. Ở trên sống núi này có thể ngắm toàn cảnh phía tây bắc, dưới chân là khe núi Tiger Leep Gorge nổi tiếng, xa xa là những dãy núi cao dần và mất hút ở đường chân trời, ăn vào khối núi dồn dập ở phía Tây Tạng. Để leo lên đây cũng mất chừng 2 giờ cả đi lẫn về.
Từ điểm dừng cuối cùng, nhìn lên đỉnh cao nhất của Ngọc Long Tuyết Sơn, những cảm giác về một đỉnh núi tuyết khổng lồ từ từ tan biến. Phần bạc trắng trên đỉnh mà từ Lệ giang có thể nhìn rất rõ chỉ là những mảy đá vụn bị gió, mưa, sức nóng và cái lạnh run người bào mòn hàng trăm năm nay từ những đỉnh đá xám nhọn. Dù là mới đầu tháng 2, nhưng cái nóng của mùa hè sắp đến đã làm cho những mũ tuyết tuyệt đẹp của mùa đông bay đi từ khi nào.
Dù rằng Ngọc Long Tuyết sơn là một ngọn núi huyền thoại của Lệ Giang, cũng phải nói rằng chuyến khám phá này của chúng tôi là không thành công, ngoài cảm giác được cưỡi ngựa. Việc cưỡi ngựa tới 6 giờ đồng hồ dưới cái nắng chang chang không phải là thú lắm, có lẽ lựa chọn phối hợp giữa đi cáp treo một nửa và một nửa đi ngựa thì sẽ mang lại nhiều cảm giác phong phú hơn.
Núi Ngọc Long, phần quay mặt về phía Lệ Giang nhìn thẳng xuống thung lũng và không có những phần núi chuyển tiếp, do vậy, hơi thiếu vắng cảm giác tầng tầng lớp lớp, cảm giác uy nghi của một dãy núi cao tới gần 5600 mét.
Những con đường trải nhựa phẳng băng đâm thẳng vào chân núi khiến ta cảm thấy đến được với ngọn núi một cách quá dễ dàng . Điều này khác hẳn với những hướng tiếp cận khác của núi, nơi mà những con đường vòng vèo hàng chục cây lên dốc xuống đèo mà vẫn chỉ nhìn thấy ngọn núi băng trắng xóa ẩn hiện sau những triền núi xa xa...