What's new

[Chia sẻ] Nhật Bản - Hành Trình U Mê Cuối Tháng Hai

Nhật Bản - Đi Tìm U Mê Cuối Tháng Hai

Một hôm Láo Toét đang phì phèo điếu xì gà thì nhận được email từ bộ phận chăm sóc khách hàng của Thai Airways "Số điểm của quý khách sắp đến hạn...". Sau bao nhiêu năm mài đũng quần trên ghế máy bay, tích cóp từng điểm, lúc nào cũng nơm nớp lo hãng quên cộng điểm đã bay, thế mà cái hãng mắc toi này lại muốn cướp công. Láo Toét vội vàng online xem mình có thể đi đâu cho khỏi hoài công: Trung Quốc thì vì đang tự ái dân tộc quèn, Hàn Quốc thì đang... hàn, lạnh bỏ bu, Thái Lan, Singapore, Malaysia gần quá không bù với số điểm phải bỏ ra. Chỉ có Nhật Bản thì có vẻ đáng đồng tiền bát gạo mặc dù là cũng hơi lạnh tí. Chặc chặc, cái khó là làm sao thuyết phục được bà xã cho phép đi chơi một mình. Chạy xuống dưới nhà, năn nỉ một hồi thì cũng được phát cho một giấy thông hành từ vợ đáng yêu.

Thế là lên mạng, book vé, đã dùng vé chùa thì phải chơi cho tới bến, Láo Toét book ngay hạng thương gia lợi dụng triệt để các chuyến bay vòng vo để mài đít trên các ghế VIP cho nó sướng. Thêm vào cái sở thích dị hợm là Láo Toét chỉ thích các loại máy bay mình chưa hay ít đi nên book vé cũng khá là vòng vo. Cái hay là trong một liên minh hàng không, mình có thể bay với bất cứ hãng hàng không nào trong liên minh ấy. Thai Airways nằm trong liên minh lớn nhất StarAlliance gồm 27 hãng hàng không khác nhau và ở Châu Á thì có đến 7 hãng để chọn lựa nên tha hồ mà thay đổi trong từng chặng. Sau một hồi tìm kiếm rồi cuối cùng rồi Láo Toét cũng tìm ra một đường bay tạm hài lòng:

HAN - BKK: Thai Airways - Boeing 787 Dreamliner
BKK - KIX: Thai Airways - Airbus 380-200
KIX - ICN: Asiana - Airbus 321-200
ICN - HKG: Air India - Boeing 787 Dreamliner
HKG - SGN: United - Boeing 737-700

Lúc hỏi lệ phí thì được tổng đài thông báo là ~$250, ôi sao mắc thế, dạo trước Láo Toét chỉ có phải trả cở $50 thôi. Đúng là hạng thương gia chỉ chăm chăm hút máu người nhưng đành phải cắn răng ra mà trả (Thuế sân bay nhà mình hết $30 nhé).

Sau đó là tới phần đi đâu chơi, Láo Toét mặc dù đã 3 lần đến Kyoto nhưng chưa lần nào ở Osaka cả mà chuyến đi này thì hưởng thụ là chính thì nhất định phải tới Osaka. Nhưng hưởng thụ quá thì cũng phải tu thân một chút cho nên Láo Toét cũng sẽ chạy đi thánh địa Phật Giáo Shingon ở Kyosan. May sao cho Láo Toét tuy là cuối tháng 2 nhưng cũng đúng vào mùa U-Me - hoa đào nở (không phải anh đào nhé). Gần đến ngày đi thì Láo Toét mới tìm được thông tin là ngày Láo Toét đặt chân xuống thì cũng là ngày các Geisha ra đền Kitano-Tenmangu để phục vụ trà ngắm đào, ôi Láo Toét sướng rên. Lên đường thôi!

IMG_9536_v2-vi.jpg

Kyoto Maiko

IMG_9559_v1-vi.jpg

Hoa Đào

IMG_0850_v1-vi.jpg

Kobe Port

IMG_9460_v1-vi.jpg

Trà đạo ở Kitano-Tenmangu

IMG_9865_v1-vi.jpg

Lâu Đài Wakayama

IMG_0005_v1-vi.jpg

Osaka Business Park

IMG_9377_v1-vi.jpg

Tráng miệng Thai Airways
 
Last edited:
Chủ thớt viết hay quá, dí dỏm và cuốn hút. Hóng tiếp bài của bạn.

@ TiaNang

Từ đầu chủ thớt đã nói là bạn ấy dùng điểm thưởng tích lại bấy lâu để đổi thành vé máy bay mà, cho nên tất cả các chặng bạn ấy đi không tốn tiền vé máy bay là vậy.

Mà tò mò quá, chủ thớt chắc sếp bự hay nhân viên cốt cán của 1 tập đoàn lớn nào đó, thường xuyên đi máy bay công tác này nọ dữ lắm nên mới tích được số điểm khủng để đổi ra vé hạng C của nhiều chặng như vậy :)
 
Mà tò mò quá, chủ thớt chắc sếp bự hay nhân viên cốt cán của 1 tập đoàn lớn nào đó, thường xuyên đi máy bay công tác này nọ dữ lắm nên mới tích được số điểm khủng để đổi ra vé hạng C của nhiều chặng như vậy :)

Nghe tưởng Láo Toét làm lớn nhưng sự thật chỉ là...con tép. Điểm Láo Toét dùng để đổi là 30,000, các bác chỉ cần một chuyến chu du qua Mỹ là đã được gần 18,000 điểm rồi (năm nay mấy cái hãng hàng không đổi lại cách tính điểm, đúng là bây giờ khó tích cóp điểm thật). Cái hay dùng điểm là số điểm cần thiết chỉ liên quan tới điểm đến và đi thôi. Còn các điểm chuyển tiếp không tính thêm gì cả. Vì vậy mà thay vì bay thẳng thì Láo Toét mới bay vòng vo như thế, đã bảo lợi dụng tối đa mà lị.
 
Trò phụ phí nhiên liệu thì bẩn thật, xăng dầu lên các anh ấy thu thêm đã đành, đến khi xăng dầu hạ giá xuống vẫn ầm ừ! Cái Nankai nhìn hay thật, cứ như Darth Vader ấy! Thank bác Toét cho đi cùng lên Koyasan, đang ngấm nghé 1 đêm nhưng đàn bà con nít nghe ngủ gần nghĩa địa thì.....cứ ghê ghê (tôi không đi, chỉ hai bà cháu nhà nó đi, tôi được xổng chuồng phen này)! Day trip có bõ công lên núi xuống ghềnh không bác?
 
Trò phụ phí nhiên liệu thì bẩn thật, xăng dầu lên các anh ấy thu thêm đã đành, đến khi xăng dầu hạ giá xuống vẫn ầm ừ! Cái Nankai nhìn hay thật, cứ như Darth Vader ấy! Thank bác Toét cho đi cùng lên Koyasan, đang ngấm nghé 1 đêm nhưng đàn bà con nít nghe ngủ gần nghĩa địa thì.....cứ ghê ghê (tôi không đi, chỉ hai bà cháu nhà nó đi, tôi được xổng chuồng phen này)! Day trip có bõ công lên núi xuống ghềnh không bác?

Chúc mừng bác được xổng chuồng! Koyasan là nơi hành hương, ngày Láo Toét đi thì cận ngày kỷ niệm 1200 năm của Koyasan nên mấy địa điểm lớn bị đóng cửa để trùng tu nên Láo Toét cũng bị trật chương trình khá nhiều. Nếu bác đã từng đi leo lên đỉnh của Fushimi-Inari và thích nó thì Koyasan cũng sẽ hợp với bác. Day trip bác nên đi từ sáng sớm cần cở 6-8 tiếng (Láo Toét kỳ này đi coi như đi thăm dò đường cho bà xã nên chỉ đi phơn phớt cho biết).
 
Có thực mới vực được đạo

Các anh chị em Nhật Bản có lưỡi nhạy hơn kỳ nhông, mũi thính hơn chó bẹt-dê nên các món ăn tinh tế trên hẳn mức trung bình thế giới. Chẳng gì mà Guide Michelin của Pháp phải nuốt hận trao giải quán quân cho Tokyo, Kyoto về số nhà hàng giật được nhiều sao Michelin nhất. Được gọi là cái nôi của nghệ thuật ẩm thực, con gà trống Pháp như bị mắc dây thung, uất ức giãy đành đạch.

Láo Toét có cái khổ là thích được ăn ngon, thà mặc rách nhưng nhất định ăn phải có đẳng cấp cơ. Chuyến đi này Láo Toét lê la ăn đầu đường xó chợ, nhiều bữa vào tới 3 tiệm khác nhau. Có những lúc suýt hôn mê nhưng vì cái nghiệp ăn uống, tiếp tục hành hạ thân xác, ngày nào cũng 11PM mới về tới khách sạn. Mà cái bọn Nhật này làm việc ghê thật, đến mãi sau 8PM mới thấy bọn họ kéo nhau đi ăn nườm nượp. Ăn thì nhiều nhưng đáng nhớ chẳng bao nhiêu, Láo Toét xin đút kết lại vài món tâm đắc.


Ramen - Black please...

Mì ramen được du hí từ TQ sang Nhật từ những năm ông cố nhưng vì cái khó tính của người Nhật, nó trở thành một món ẩm thực tốn rất nhiều mực và luôn bị đem ra mổ xẻ. Những tiệm mì ngon thường đông nghìn nghịt, bạn cứ đi vòng quanh khu Dotonbori thì sẽ thấy hàng tá tín đồ sếp hàng để được thưởng thức tô mì ramen của các tiệm mì nỗi tiếng.

Người Nhật có một từ gọi là "umami" tạm dịch ra là "hương vị ngon ngọt" (Láo Toét gọi nó là Ù-Má-Mì cho dễ nhớ). Năm 1908, nhà khoa học người Nhật Kikunae Ikeda tự hỏi là cái gì trong thức ăn nó làm nên cái vị Ù-Má-Mì này. Một năm sau, ông xác định công thức phân tử của tinh thể: C5H9NO4, rồi sản xuất ra một chất phụ gia mà bây giờ chúng ta thường bỏ cả tá khi nấu thức ăn. Người Bắc gọi là mì chính, còn miền Nam gọi là bột ngọt đấy ạ. Một số thức ăn tự nó đã có nhiều U-Má-Mì, nước tương là một trong những thức ăn ấy và Láo Toét chắc cú là nước mắm của ta cũng có đầy cái umami này.

Do nước tương có nhiều Ú-Ma-Mì nên các bác Nhật bám vào đó và chế hẳn ra một món mì ramen dùng nước tương làm cơ bản cho nước hầm. Mì nước tương (shouyu ramen) có 2 loại: nước màu vàng như sáo măng vịt, vị thanh tao, và nước đen kịt, cho các bác thích vị đậm đà. Từ Dotonbori, Láo Toét cố thủ ở Kamukura Ramen (chuỗi ramen lớn nhất Nhật), la cà trong Dōtonbori Ramen Taishokudo (8 tiệm ramen ngon nhất Nhật tập hợp lại), gật gù tại Kinguemon (được giải nhất ramen Osaka) và ngốn Kinryu Ramen (con rồng đỏ). Ramen các tiệm này đều ngon nhưng Láo Toét vẫn chưa bị choáng bởi tô mì nào cả.

Cú nốc-ao đến lúc Láo Toét đến Wakayama và được thử món mì ở tiệm Menya Hishio. Tô mì thuộc loại nước đen, nhìn như nước cống, nói thật Láo Toét chẳng muốn dìm cái muỗng vào. Sau miếng đầu, Láo Toét chẳng thèm ngẩn mặt lên, xì sụp văng mì ra cả bà già mặc Kimono bên cạnh nhưng mặc kệ, Láo Toét đã tìm được Ú-Má-Mì... Nước súp nhìn đen kìn kịt, nhưng vị lại nhẹ nhàng, ngọt thanh và hương thơm tuyệt vời. Sợ mì mềm nhưng không nhão, dai nhưng không cứng, ôi chao tuyệt cú mèo. Mãi sau này Láo Toét tìm hiểu thì mới biết là tiệm này hợp tác với công ty Marushin Honke, thành lập vào năm 1881 tại Yuasa được biết đến như là cái nôi của nước tương ở Nhật Bản. Bác nào đi Wakayama mà thích ramen, Láo Toét xin tiến cử Menya Hishio.

IMG_9856_v1-vi.jpg

Mì Xì dầu Menya Hishio


Kobe moo-moo

Láo Toét đi tìm hiểu thêm xem bò Kobe nó như thế nào mà mọi người cứ tung hứng nó thế. Ở Osaka có vài tiệm chuyên trị bò Kobe và Láo Toét cũng từng dán mũi vào menu. Cái khổ là các bạn ý chỉ bán toàn là set menu Y7200-Y15000 thôi trong khi túi tiền Láo Toét có hạn và Láo Toét muốn thưởng thứ nhiều hạng Kobe để biết được là nó khác nhau cái gì. Chứ bỏ ra một đống tiền rồi chỉ bập bẹ "Kobe moo-moo" thì người ta sẽ cười vào mũi cho, nhục lắm. Nếu thế thì Láo Toét cứ ở nhà vênh mặt ăn tô phở 500K bò Kobe của các bác nhà mình quách.

Vậy thì Kobe moo-moo có gi hay

  1. Phải là dòng Tajima lông đen, được sinh ra và lớn lên ở tỉnh Hyogo
  2. Theo gia phả: con bò bố phải đến từ tỉnh Hyogo
  3. Chăn và nuôi bò phải được thực hiện bởi các thành viên chính thức của hiệp hội bò Kobe (KBADPA).
  4. Có tuổi từ 28 tháng đến 60 tháng
  5. Phải được giết ở một trong những lò giết mổ chính thức tại tỉnh Hyogo
Còn mấy cái vụ nghe nhạc giao hưởng, uống bia Saporo, được ngồi ghế massage chỉ là... huyền thoại. Láo Toét béo thế này mà cũng đâu cần tới mấy cái ấy đâu.

Láo toét ban đầu vào một tiệm chuyên trị bít-bết mà theo quảng cáo bên ngoài thì tiệm sử dụng giống bò Wagyu đen dòng Tajima (chỉ có những con bò ngon nhất dòng Tajima mới được lựa vào chuồng Kobe moo-moo thôi nhé). Với giá Y2000 cho 150gr, Láo Toét chép miệng nhào vào làm một đĩa. Ôi thế này thì thì Láo Toét về nhà đi mua cục thịt Omaha ở Veggy's về làm còn ngon hơn. Mấy cái tên này làm thịt chín quá lại thêm một đống sốt vào ăn còn thua món bò né VN.

Cảm thấy không xong, Láo Toét đổi giải pháp lựa tiệm loại yakiniku (tự nướng) để có thể lựa nhiều loại moo-moo hơn. Tiệm thứ hai Waragyu, menu có cả tá loại thịt khác nhau, tất nhiên là viết toàn bằng tiếng Nhật nhưng Láo Toét bằng đôi mắt cú vọ của mình, lựa ngay 4 món...ít tiền nhất để xem nó ra sao. Hai đĩa thịt rẻ tiền của Láo Toét được dầm trong nước ướp nhưng hai đĩa đắt tiền thì chỉ được rắc muối và tiêu để thể hiện sự đẳng cấp của miếng thịt. Láo Toét rung đùi tự mãn với con mắt sành điệu của mình, thế này mới tạm gọi là Kobe moo-moo chứ. Nhưng Láo Toét vẫn chưa hài lòng vì theo huyền thoại thì Láo Toét có thể dùng cái lưỡi của mình như con dao phay để "xắt" miếng thịt. Láo Toét thử làm thì cũng tàm tạm nhưng các khách chung quanh thì chết khiếp vì màn phồng mang trợn mắt của Láo Toét. Nhà hàng sợ Láo Toét đột quỵ nên nhờ anh gác cỗng ném Láo Toét ra ngoài.


IMG_0095_v1-vi.jpg

Kobe loại A5

IMG_0096_v1-vi.jpg

Bếp than lửa hồng, còn gì sướng hơn

Đã chơi thì bơi tới bến, đang hứng chí Láo Toét thừa ngu xông lên, nhảy qua tiệm Tsurugyu có chứng chỉ sử dụng Kobe moo-moo hẳn hòi. Nhà hàng cao cấp hơn nên bàn ghế cũng được lên cấp so với Waragyu, cái bóp của Láo Toét run lên cầm cập. Tsurugyu trang bị cho lò nướng loại than cao cấp Binchōtan, cháy lâu và đều. Cuối cùng rồi Láo Toét cũng rờ được tới cái huyền thoại của Kobe beef. Nếu Láo Toét bảo là miếng thịt tan biến trong miệng thì thể nào cũng bị gọi là bố láo nhưng tên của Láo Toét cũng đã có phần đó rồi thì sợ gì. Túi tiền Láo Toét chợt nhẹ tênh bốc khói theo tiếng mỡ xèo xèo của bếp than hồng...

tsurugyu1-vi.jpg

Y6500 bay theo khói, chui vào bụng


Fugu - Ngon chết đi

Sau Kobe moo-moo, Nhật Bản còn có thêm huyền thoại là lâu lâu lại có ông đầu bếp mổ bụng tự vẫn vì làm thực khách... ngỏm củ tỏi. Vâng ạ, Láo Toét muốn nói đến Fugu hay nhà ta gọi là cá nóc. Với chất độc mạnh hơn 1,200 lần so với xyanua, và chưa có thuốc giải độc, con cá này thích làm khó các người như Láo Toét chỉ muốn nếm thử cho biết. Để lấy được chứng chỉ hành nghề, các đầu bếp phải được đào tạo ít nhất hai năm. Theo sau đó là một bài kiểm tra khó khăn mà một phần ba số người nộp đơn bị rớt (vâng ạ ông đầu bếp sẽ phải ăn con cá mà ông ta làm trong bài test đấy). Nhưng dạo này chính quyền đang có kế hoạch để giảm bớt những hạn chế, cho phép bất cứ nhà hàng nào cũng có thể phục vụ món fugu, miễn là họ mua nó từ các nhà cung cấp với các bộ phận độc địa đã được gọt bỏ. Cái tin này làm Láo Toét nhấp nhổm, thể sau này lở ngộ Láo Toét bị gì thì biết nắm lấy thằng chef nào để ăn vạ đây.

Đi qua đi lại trước cửa tiệm Fugu, làm mòn hẳn một vết dài như cái bọn xe quá tải trên QL 1, Láo Toét ráng nhớ xem mình còn có gì quan trọng để trăn trối không. Để chắc ăn, Láo Toét ngồi lê trước cửa tiệm thêm một hồi lâu xem thực khách có ra không hay là đã được tuồn ra cửa sau như mấy cái hắc điếm trong Tây Du Ký. Viết xong di chúc, Láo Toét nhắn cái tin "I love you!" cho bà xã, rồi hít hơi, đẩy cửa đi vào, ôi sao cái chân chó này nó lại không tuân lệnh mình thế. Đảo mắt nhìn xung quanh để chắc cú là các thực khách vẫn còn cười nói, Láo Toét gồng hết sức phều phào với bà chủ quán: "Fugu me!".

IMG_0901_v1-vi.jpg

Thịt cá nóc dai ngọt, da thì sật sật như bì lợn


Otoro, Chutoro - Oro?

Nếu đến lúc này mà các bác chưa nhận ra là Láo Toét thích ăn đồ mỡ màng thì các bác... chưa đọc kỹ cái post này. Cái vụ thích đồ mỡ này của Láo Toét không phải chỉ ở trên các món thịt mà cá cũng thế. Khi ăn sushi cá ngừ, Láo Toét chỉ thích ăn phần toro (phần béo của cá ngừ, được tìm thấy ở phần bụng cá). Toro được chia thành hai phân nhóm riêng biệt. Hai loại toro là:

  1. Chutoro: vùng bụng của cá ngừ dọc theo bên của cá giữa phần nạc và otoro.
  2. Otoro: là phần mỡ nhất của cá ngừ, được tìm thấy ở phía dưới cùng của bụng cá.
Ở VN ta, muốn tìm được Chutoro thì may ra còn được chứ Otoro thì Láo Toét chưa tìm thấy. Ngay khi ở Nhật thì nó quá đắt để có thể thưởng thức (Y1500/miếng/cá ngừ vây xanh) nên từ lúc cha sinh mẹ đẻ đến giờ Láo Toét chỉ mới ăn được đúng một lần. Kỳ này ở chợ cá Wakayama Marine City, Láo Toét được ăn một bữa Chutoro và Otoro để đời mà cũng chỉ có Y2000, quá rẻ quá rẻ, mại dzô, mai dzô.... Vị thì ôi thôi, ngọt thanh, tan như bọt biển.

IMG_9958_v1-vi.jpg

Otoro/Chutoro nhìn như bò Kobe
 
Last edited:
Re: Có thực mới vực được đạo

Các anh chị em Nhật Bản có lưỡi nhạy hơn kỳ nhông, mũi thính hơn chó bẹt-ghê nên các món ăn tinh tế trên hẳn mức trung bình thế giới. Chẳng gì mà Guide Michelin của Pháp phải nuốt hận trao giải quán quân cho Tokyo, Kyoto về số nhà hàng giật được nhiều sao Michelin nhất. Được gọi là cái nôi của nghệ thuật ẩm thực, con gà trống Pháp như bị mắc dây thung, uất ức giãy đành đạch.

Láo Toét có cái khổ là thích được ăn ngon, thà mặc rách nhưng nhất định ăn phải có đẳng cấp cơ. Chuyến đi này Láo Toét lê la ăn đầu đường xó chợ, nhiều bữa vào tới 3 tiệm khác nhau. Có những lúc suýt hôn mê nhưng vì cái nghiệp ăn uống, tiếp tục hành hạ thân xác, ngày nào cũng 11PM mới về tới khách sạn. Mà cái bọn Nhật này làm việc ghê thật, đến mãi sau 8PM mới thấy bọn họ kéo nhau đi ăn nườm nượp. Ăn thì nhiều nhưng đáng nhớ chẳng bao nhiêu, Láo Toét xin đút kết lại vài món tâm đắc.
Thích điên cuồng post này của bác :)
 
Chảy hết nước miếng :D không ngậm miệng được

Bác ehviet can đảm thật, fugu em ko dám xơi (mặc dù được mời)
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
55,671
Bài viết
1,171,027
Members
192,336
Latest member
hakhaclinh
Back
Top