billbalo
Phượt thủ
23.4.2013 Ngày Trung Quốc ở Cù Lao Chàm
Ở Bãi Hương – Cù Lao Chàm hiện tại có khoảng 20 hộ làm dịch vụ homestay – homestay Cù Lao Chàm (tức là dịch vụ lưu trú trên đảo tại nhà của các hộ có đăng kí, kèm theo đó là nấu ăn cho khách lưu trú cũng như tổ chức các hoạt động: câu cá, lặn san hô, đánh cá, leo núi…). Khách Việt Nam thì giá cả phải chăng, còn khách nước ngoài thì tất nhiên là có cao hơn một chút. Ví dụ như mỗi bữa ăn trưa và ăn tối của khách nước ngoài trên đảo là 70.000/người/bữa, trong khi đó khách Việt chỉ khoảng 50.000/người cho 1 ngày ăn.Mục đích làm dịch vụ homestay này là rất tốt. Ngoài việc để tạo thu nhập cho bà con dân đảo thì chính quyền cũng không muốn họ đánh bắt quá nhiều mà tập trung nuôi dưỡng san hô, bảo vệ các loài cá, các sinh vật biển, tốt cho môi trường và lấy đó để làm các dịch vụ phát triển du lịch.Khách trên đảo, cả tây cả ta vẫn còn khá ít, nên có thể nói ở bãi Hương vẫn còn giữ được vẻ hoang sơ và đẹp tự nhiên vốn có của nó. Cộng với việc người dân quanh đảo ai cũng xem tôi như là con cháu trong nhà nên tôi dành trọn vẹn thời gian ở bãi Hương khi tới Cù Lao Chàm. Thời gian rảnh tôi thường đi dạo quanh đảo xem nhà nào có việc nhờ thì vào làm giúp, ví dụ như: dạy thêm tiếng Anh, nói chuyện với người nước ngoài dùm chủ nhà, dẫn họ đi uống café…Điểm yếu của các hộ dân ở đây là tiếng Anh rất yếu và thường giao tiếp với khách nước ngoài bằng dấu hiệu. Bà con ở đây cũng học tiếng Anh căn bản do các bạn tình nguyện viên tới giúp nhưng điều đó cũng không phát huy được gì nhiều. Tôi nghĩ chắc là làm sai phương pháp. Tôi đã từng sử dụng dịch vụ homestay ở Temerloh – đây là một miền quê ở Malaysia, được chính phủ hỗ trợ làm homestay cho du khách nước ngoài và thấy họ làm rất chuẩn. Hỏi ra mới biết là ai muốn làm dịch vụ này phải qua một lớp huấn luyện kĩ năng và tiếng Anh giao tiếp, đủ điều kiện mới có thể kinh doanh được, còn tôi thì không biết tiêu chuẩn nào để có thể làm dịch vụ homestay ở Cù Lao Chàm. Lần này về Saigon, tôi sẽ nghĩ cách để vận động làm một bộ sách hướng dẫn tiếng Anh có hình ảnh dễ hiểu, thể hiện sinh động, từ ngữ căn bản phù hợp với giao tiếp làm du lịch ở đây và tìm thêm một số bạn tình nguyện, có cơ hội thì ra đảo để có thể sống, hướng dẫn và sinh hoạt chung với mọi người.Lúc đầu tôi định đặt tiêu đề cho bài viết là: “Phát triển du lịch homestay ở Cù Lao Chàm”. Thế nhưng một vấn đề khác, đáng được đưa lên hơn đó là “Ngày Trung Quốc tại Cù Lao Chàm”. Ngày Trung Quốc ở Cù Lao Chàm, cụ thể là ở Bãi Hương tầm từ 10h – 13h.Khách kéo vào Bãi Hương từ bến đòSở dĩ tại sao tôi lại gọi nó như thế là do 1 tuần thì có 5 buổi (thứ 3,4,5,7,CN) khách Trung Quốc kéo qua đảo Cù Lao Chàm dày đặc, mỗi buổi như thế dao động từ 100 – 200 khách. Họ xuống bến từ lúc 10h, ngồi uống nước ở các hộ đã được công ty du lịch đăng kí trước, mỗi hộ nhận từ 20 – 30 khách. Mỗi lần như thế này chủ nhà được trả từ 80.000 – 100.000đ. Thế nên trước khi Trung Quốc qua thì nhà nào được thông báo nhận khách đều tất bật chuẩn bị bàn ghế, nước non, phục vụ khi khách xuống đảo.Tất bật chạy đón khách
Khách uống nước tại nhà cô Lý – chỗ tôi ăn ở trong suốt thời gian ở bãi Hương
Uống nước xong, khách Trung Quốc sẽ đi ra mua hải sản tươi sống ở đây. Chợ hải sản này cũng chỉ được họp vào những ngày có khách Trung Quốc tới, tầm 2 tiếng đồng hồ là tan. Sáng hôm đó, mọi người phải ra khơi sớm, đánh bắt và chuẩn bị hải sản để bán, những hải sản không đánh bắt được thì phải mua lại ở tàu lớn và về bán giá cao hơn, tất nhiên là vẫn rẻ hơn nhà hàng. Điều đặc biệt là khách Trung Quốc chỉ mua hải sản sống, chết không bao giờ mua. Họ trả giá, thấy hợp lí thì mình phải bán ngay, chứ họ đã quay đi là mình không thể kêu lại được. Một người mua, thì cả bọn mới hùa theo mua. Đó là 3 nhận xét mà người dân ở đây rút ra khi bán hàng cho khách Trung Quốc. Nếu họ mua và nhờ mình luộc luôn thì người dân lại kiếm thêm được từ 50.000 đến 100.000 mỗi lần luộc hải sản cho họ. Những hải sản không bán được, sẽ được ràng lại và thả xuống biển, chờ đợt chợ tiếp theo.Phân lô bán hàng cho khách Trung Quốc
Chuẩn bị họp chợ
Bán từ hải sản cho tới trái cây trồng được trên đảo