What's new

Nhóm ChimCò và Vĩnh Long - Trà Vinh - Mỹ Tho

Hình gốc nó bé tí. Tưởng nhớn nên resize lại. Cuối cùng nó ra thế. Thôi kệ, Xem nhỏ nhỏ cho nó hấp dẫn.
 
Trà Vinh: nội ô xanh
Xuôi về miền Tây để nghe cái gió đồng bằng, thương cái phóng khoáng của người dân miệt vườn. Và thị xã Trà Vinh với nội ô đầy cổ thụ, rợp màu xanh trở thành một vẻ đẹp trong lành, mộc mạc mà quí giá, nhất là đối với những người quen cuộc sống thị thành.
Từ cửa ngõ nội ô, vượt lên giữa trùng trùng mây là những tán dầu, tán sao làm ngẩn ngơ những ai lần đầu đến Trà Vinh. Ngồi trên xe lôi, mọi người vẫn cảm được cái thú "dong ngựa" giữa hai hàng cây cổ thụ ven đường cao ngút mắt. Với khoảng 30 con đường, thị xã nhỏ với những ô vuông như bàn cờ, yên tĩnh, rất hiếm tiếng còi xe, thị xã làm những người khó tính vì sự ồn ào cũng phải gật gù hài lòng. Cô gái quê miệt này trao bí quyết dạo phố cho người lạ kèm một câu ngắn gọn: "Có rất nhiều đường song song nhau, không bao giờ sợ lạc!".
Lễ hội Sêne Dolta
Nếu đến Trà Vinh trong những ngày này, các bạn có dịp hiểu về lễ hội Sêne Dolta (lễ cúng ông bà) của đồng bào Khơme. Ông Trịnh Quốc Minh, trưởng phòng quản lý du lịch thuộc Sở Thương mại du lịch tỉnh Trà Vinh, cho biết: "Hôm nay là ngày cuối cùng với lễ Dolta với hơn 300.000 người Khơme ở Trà Vinh.
Lễ Dolta được tổ chức qui mô lớn vào cuối tháng tám âm lịch là một trong ba lễ lớn của đồng bào Khơme Nam bộ. Lễ được tổ chức ở từng nhà và ở chùa. Ở mỗi nhà, mỗi phum, sóc bà con quét dọn chùa, nhà cửa sạch sẽ, ngăn nắp và trang hoàng hoa tươi rực rỡ.
Trưa chiều tháng mười, thị xã lúc nào cũng râm mát. Những con đường nhựa nho nhỏ và vỉa hè sạch như sau mưa luôn tạo cảm giác dễ chịu cho khách đi bộ, không cần ngẩng lên cũng biết ở trên đầu là lá xanh non rập rờn như bướm. Nếu cầm theo bản đồ, bạn hỏi một bác xe ôm đường 19 Tháng 5 hay đường Lê Thánh Tôn... thì ông cũng sẽ ngẩn người ra đôi chút vì tên cây đã ở trong lòng họ rồi. Họ chỉ thấy thân thuộc với đường hàng me, hàng sao...
Gần 700 cây cổ thụ cao niên và tổng cộng khoảng 10.000 cây xanh gồm cả chục loài như dầu, giá tị, vàng anh... đã khiến nội ô đẹp như một công viên. Hồn thị xã vẫn thâm trầm, không chỉ bởi những cội cây già 2, 3 vòng tay ôm không xuể, hay những mái ngói âm dương phủ rêu xanh mà còn vì cuộc sống ở đây quá đỗi thanh bình, mộc mạc.
Có dịp vào thăm chợ Trà Vinh, bạn tha hồ nhìn ngắm những rau đồng nội, những cây trái nhà quê đẹp đến ngon mắt. Liền sau chợ, chỉ vài bước thôi là dòng sông Long Bình mát rượi.
Đến với thị xã "trăm tuổi cây tuổi phố" này là một dịp để thưởng thức không gian bát ngát xanh, sự hấp dẫn của cái đẹp "kiểu áo tầm vông nhỏ, đôi mắt đen huyền cô gái lai" hay đôi mái chùa cong, bánh Phú Vinh, múi bưởi Thanh Trà... từng hiện diện trong thơ của thi sĩ Kiên Giang.
 
Hình gốc nó bé tí. Tưởng nhớn nên resize lại. Cuối cùng nó ra thế. Thôi kệ, Xem nhỏ nhỏ cho nó hấp dẫn.


Chứ ko phải đạo hình hỉ, Muốn có hình tra sư ko tớ share hình cho, tuyệt đep. Hôm nào rảnh sẽ post cảm nhận về vùng châu đốc- An giang.
 
Ao Bà Om



Là một thắng cảnh nổi tiếng cuả Trà-Vinh và khu vực đồng bằng sông Cửu-Long, thuộc ấp Tà-Cụ xả Nguyệt-Hoá quận Châu-Thành, bên cạnh ngôi chuà Ang cổ kính. Ao vuông hình chử Nhật dài khoảng 500 met ( 1,500 ft) rộng khoảng 300m (900 ft) nằm dọc theo quốc lộ số 53 cách trung tâm thị xả khoảng 7 km ( 4 miles) về hướng Tây-Nam.Mặt nước Ao trong và phẳng lặng, xung quanh có gò cát cao, có con đường lớn xe cộ có thể đi lại , rợp bóng cây cổ thụ sao dầu hằng trăm tuổi. Trải qua bao thời đại, gió mưa xoi mòn, rấtnhiều cây với phần rể trồi lên mặt đất tạo thành những hình dạng độc đáo. Không khí quanh ao trong lành và mát mẻ. Đến đây bạn sẽ được nghe những truyền thuyết ly kỳ và hấp dẩn về ao Bà-Om.
Sự hình thành ao Bà Om có nhiều truyền thuyết khác nhau, trong đó có truyền thuyết tin cậy nhất - kể rằng: Ngày xưa, nơi này là vùng đất mới, xung quanh có nơi phù sa biển còn đang bồi, nên chứa được nước ngọt trời cho (nước mưa) là niềm hạnh phúc chung của dân làng. Vì lẽ ấy họ rủ nhau đào hồ ao để có nước ngọt xài chung.( giả thuyết nầy có vẻ không đúng, vì trên bải biển người ta có thể đào giếng lấy nước ngọt) Lúc đó trong xã hội Khmer giữa phái nam và phái nữ đang tranh chấp nhau về quyền lợi. Phái nữ đòi quyền bình đẳng với nam giới, muốn được phái nam đi cưới hỏi, phải làm rể một thời gian trước ngày cưới, và sau khi cưới xong phải ở bên nhà vợ luôn. Phái nam ỷ vào sức mạnh cứ muốn phái nữ đi hỏi mình làm chồng. Vì xã hội Khmer trước đây theo mẫu hệ nghĩa là phụ nữ nắm giữ tất cả quyền lợi trong gia đình, việc đặt họ cho con phải lấy theo họ của mẹ, cưới xin thì phụ nữ phải lên xin cưới hỏi nam giới... Hai phái nam và nữ này thưa kiện nhau quyết liệt. Không biết xử ra sao cho xuôi, nhà vua bèn ra lệnh cho một bên nam và một bên nữ thi nhau đào ao. Bên nào đào xong trước, thì được hưởng tất cả quyền lợi của mình đòi hỏi. Phái nữ chọn địa điểm ao sẽ đào gần chùa Âng. Phái nam chọn địa điểm gần chùa Pras Tropeăng ngày nay. Hai bên hẹn nhau sẽ đào vào một đêm trăng sáng, lấy giờ sao mai mọc để làm mức thắng thua.
Nhóm phụ nữ được một người tên Om làm thủ lĩnh, đã nghĩ ra nhiều mẹo để qua mặt nhóm đàn ông. Bà cho một số chị em khá đẹp giả bộ làm biếng trốn qua chỗ nhóm đàn ông, bảo chắc chắn nhóm phụ nữ thế nào cũng thua, đào làm chi, họ còn bày ra ăn uống rượu chè làm nhóm đàn ông ỷ lại, vừa đào vừa chơi.
Gần hết đêm, nhóm phụ nữ đã đào gần xong, các Bà còn cho thả đèn lồng ở hướng Ðông, phe các Ông vừa mới vội vàng đào, tưởng là sao Mai đã mọc, nên nghỉ sớm và dĩ nhiên họ đã thua cuộc.Và thủ lĩnh Om đã được người đời ca ngợi là người mưu trí và tên bà đã được lấy đặt cho ao, và cũng từ đó có tục lệ ‘’thả lồng đèn gió’’ . Còn ao do nhóm đàn ông đào chưa xong lâu ngày bị lấp dần, hiện nay vẫn còn dấu vết, phía bên kia chùa Âng, cách ao bà Om độ 1 km.
Ngày nay ao Bà Om vẫn giữ được vẻ đẹp duyên dáng, thơ mộng, hằng ngày thu hút khách thập phương đến tham quan tấp nập. Các em học sinh Việt, Khmer, Hoa gần xa đến cắm trại vào những ngày nghỉ hè. Bà con nông dân sau giờ lao động mệt nhọc ra ngồi ngắm cảnh để thư thả tâm hồn. Cảnh thơ mộng của ao hồ là nơi lý tưởng cho những đôi trai, gái hẹn hò gặp nhau tâm tình để kết bạn trăm năm. Những cặp vợ chồng mới cưới, sau lễ kết duyên dẫn nhau ra ngắm cảnh, chụp hình, quay phim kỷ niệm để nhớ thời đẹp nhất của mình.
Ao Bà Om là một kỳ tích gắn liền với phong tục tập quán của bà con Khmer từ xưa nay - hằng năm, cứ đến ngày lễ Ok Tom Bok cúng mừng lúa chín đầu mùa, bà con Khmer gần xa kéo nhau ra tổ chức cúng trăng vui chơi, múa Rom Voong, thả đèn gió, mở hội thi thời trang, hội thi chọn sắc đẹp... càng tô điểm cho cảnh ao hồ thêm náo nhiệt sinh động
Nếu đến được Ao Bà Om, bạn sẽ thấy cảnh ở đây rất giống Ðà Lạt với những thân cây dầu cao vút trên đồi soi bóng xuống mặt ao nước trong veo. Ði từ thị xã Trà Vinh ngược về thị xã Vĩnh Long, các bạn qua mấy ngôi chùa của người Khơ-me rồi mới tới địa phận ao. Hết con đường cát, cảnh ao hiện ra như chốn cao nguyên giữa đồng bằng trông thật lạ kỳ.
Ao Bà Om rộng gấp đôi sân bóng đá. Những cây dầu cả trăm năm tuổi mọc trên dãy đồi chung quanh với những rễ lồi hình dạng cổ quái giống con rắn, con sóc, con cá sấu … là chỗ ngồi ngắm cảnh ao thích thú nhất. Buổi chiều bờ ao luôn có nhiều người - cả người Kinh lẫn Khơ-me – mang tấm trải ny-lông nằm chơi dưới gốc các cây dầu. Gió thổi hiu hiu, nhiều bạn trẻ mang cốm dẹp trộn dừa, thức ăn đặc sản của dân Trà Vinh ra vừa nhấm nháp, vừa nói chuyện. Cốm dẹp bùi bùi, nước cốt dừa béo ngậy, gió mát, hiu hiu tạo nên một phong vị dễ chịu thoải mái. Nếu gặp đúng ngày tết cổ truyền “Chôn-chơ-nam-Thơ-mây” của đồng bào khơ-me ở đây thì tha hồ vui. Có đủ trò chơi: Bịt mắt đập lu, thả chim, múa lăm-thôn… diễn ra ngay trên bờ ao. Năm nào, lễ tết này cũng thu hút rất đông người lớn, trẻ em khắp nơi về chơi, kể cả người ở Vĩnh Long cách 70 cây số vẫn gắng cỡi xe gắn máy về dự lễ…
 
Biển Ba Động



"Biển Ba-Ðộng nước Xanh Cát trắng,
Ao Bà-Om thắng cảnh Miền Tây.
Xin mời du-khách về đây,
Viếng qua mới biết Chốn nầy Thần Tiên.’’
Thuộc địa phận xã Trường Long Hoà, quận Duyên Hải , cách thị xã Trà- Vinh khoảng 55km ( 34 miles). Bải Biển dài hằng chục cây số, cát trắng nước trong. Không khí ở đây rất trong lành, xa xa có nhiều cồn cát trắng, những vằn cát hằn lên nét đẹp lạ lung ở một vùng đất vốn mang đậm màu phù-sa . Vào muà Hè, nước Biển trong xanh, nhiều người ra tắm biển rất đông, vui lắm chẳng thua gì các bải biển đẹp ở miền trung.
Dân địa phương cho hay: "khu di tích Ba Động khi xưa nằm trọn trên xã Trường Long Hòa - nơi có chiều dài bờ biển tới 50 km (nay chia ra thêm thành ba xã: Trường Long Hòa, Dân Thành và Đông Hải), gồm một bãi tắm đẹp và một khu nhà nghỉ mát do các nhà thực dân Pháp cất lên trước 1945. Một ngôi Lầu Bà với lệ cúng hằng năm được bà con tứ xứ tựu về cúng kiếng; kể cả từ Sài Gòn xuống; một ngôi mộ của nàng công chúa (?) con vua Gia Long trong những ngày vị vua này bôn tẩu đến đây trước sự truy đuổi của quân Tây Sơn... Có điều sau những năm chiến tranh dai dẳng, ngoài ngôi Lầu Bà, thì hiện tất cả trở nên hoang phế, buồn tênh! Chiến tranh đã làm sập mất cầu Láng Chim và cả cây cầu bắc ngang qua sông Ba Động, vì vậy kể từ đó nét đẹp của Ba Động chỉ còn lưu lại nơi ký ức của nhiều người".
Nhiều người nói rằng Ba Động là một miền Trung thu nhỏ dập dồn, cuộn trào, sôi động, khác hẳn với ngọn sóng đu đưa, nhè nhẹ thường gặp ở những cửa biển miền Tây. Gió ở đây mặn đậm mùi nước biển, khiến cho du khách không khỏi ngỡ ngàng khi chỉ vài phút trước đó, trên con đường tới đây, là mùi hương cây trái, mùi lúa chín thoang thoảng quen thuộc của miền đất phù sa.
Từ đầu thế kỷ 20, người Pháp đã khai thác tiềm năng du lịch của Ba Động qua việc xây dựng ở đây một nhà mát, làm điểm nghỉ ngơi cuối tuần cho các quan tỉnh, quan huyện và các sĩ quan ở miền Tây. Ngày nay, điểm du lịch này có thể kết hợp với một chuyến tham quan cầu Mỹ Thuận hay du lịch sinh thái ở Vĩnh Long.
Ba Động có nhà hàng hải sản, cung cấp những món ăn cá mực theo kiểu Tây Nam Bộ đánh bắt từ biển lên. Món đặc sản mắm còng, sinh vật sống rất nhiều trên những bãi bồi cửa sông, ăn với chuối chát, khế chua, rau sống, bánh tráng, thịt luộc... luôn làm say lòng các thực khách. Trên bãi biển có những chòi lá, với những ghế nghỉ tạo cảm giác thoải mái cho du khách. Tại đây cũng có chỗ nghỉ đêm với giá khá mềm (60.000-80.000-100.000 đồng/đêm). Du khách còn có thể dạo chơi trên những đồi cát trập trùng, mênh mông với những sóng cát dập dờn bất tận. Những điểm tham quan khác là hải đăng, các trại nuôi tôm, những cù lao...
Trên bãi biển bao la trắng xoá trong gió chiều miên man, bạn có thể thả diều, chơi các trò chơi thể thao. Đến Ba Động bạn đừng quên đem theo bóng nhựa, hay cặp vợt cầu lông. Phóng xe gắn máy tốc độ cao trên bãi biển vắng lặng và dài bất tận cũng là một cái thú khó tìm thấy ở các bãi biển khác.
 
Chùa Săm-pua
Cách thị xã Trà Vinh khoảng 40km đường bộ, Cầu Kè là một huyện có đông đồng bào Khmer sinh sống. Như là quy luật, nơi nào có người Khmer sinh sống thì nơi đó có sự hiện diện của các ngôi chùa, nét văn hóa tâm linh rất được họ xem trọng. Trong số khá nhiều chùa Khmer của huyện vùng sâu này có chùa Săm-pua ở xã Hòa Ân, cách thị trấn Cầu Kè khoảng 3km.
Theo truyền thuyết, Săm-pua là ngôi chùa Khmer được xây dựng đầu tiên của huyện Cầu Kè, cách nay khoảng vài trăm năm, tương đương thời gian xây dựng chùa Âng ở ao Bà Om (thị xã Trà Vinh). Khi chùa hoàn thành, có tên gọi Săm-bô, nghĩa là chùa chính của các chùa khác trong huyện. Về sau, theo thời gian và sự quen miệng đọc chệch đi của người dân, chùa được gọi là Săm-pua. Vì được xây dựng ở Giồng Lớn (tên gọi dân dã của xã Hòa Ân) nên chùa còn được gọi theo tên này.
Được xây cất trên một mảnh đất rộng 11.170m2, chùa Săm-pua đã được đại tu 4 lần. Mỗi lần đại tu, chùa đều được các nhà sư quan tâm giữ gìn kiểu dáng kiến trúc. Cũng như các ngôi chùa Khmer khác, chùa Săm-pua được xây dựng theo kiểu cổ truyền của đồng bào Khmer. Nghĩa là với những mái ngói cong vút lên trời với những con rắn thần Naga nằm dài trên hai lớp mái nhọn. Chùa cao 29m, ngang 13m và dài 26m, có đến 12 hàng cột ở giữa chính điện, có 14 cửa sổ. Vì thế, bước vào chùa ngoài cảm giác trang nghiêm qua những bức tượng Phật ngồi kiết già, ta còn được hưởng không khí thoáng mát hiếm có. Giữa mái ngói và cột quanh chùa có tượng thần giơ hai tay chống đỡ. Ngoài chính điện, chùa còn có nhà tăng, nhà sãi cả, phòng học, nhà khách. Trong khung viên rộng lớn của chùa rải rác có nhiều ngôi mộ tháp xây dựng theo hình chóp, trên cùng là tượng thần Bayon bốn mặt. Những mộ tháp này là nơi cất giữ hài cốt của các sư trụ trì đã viên tịch.
Vì được xây dựng lâu đời nên chùa Săm-pua đã qua nhiều đời sư trụ trì, không sao nhớ nổi. Vị sư trụ trì hiện nay là Thạch Kim Hoàng cho biết, để bảo tồn nền văn hóa Khmer cho bổn đạo, chùa đã tổ chức nhiều lớp học tiếng Khmer, đặc biệt, còn mở mỗi năm 1 khóa cho các vị sư ở các tỉnh khác đến học Phật pháp, học tiếng Việt và cả tiếng Phạn nữa. Chùa còn tổ chức nhiều hoạt động thể thao, ngoài việc giúp thanh niên trong xã vừa có nơi vui chơi giải trí vừa giữ gìn sức khỏe, còn tham gia thi đấu các giải do huyện tổ chức. Ở giải bóng chuyền dân tộc Khmer huyện Cầu Kè năm 1999, chùa đoạt hạng ba. Cũng ở giải thi đấu này năm 2001, chùa vươn lên hạng nhì.
Đặc biệt, hiện nay chùa Săm-pua còn cất giữ hai "bí mật" chưa có lời giải. Thứ nhất là chiếc bia bằng đá xanh dài khoảng 1,7m, ngang khoảng 4,8cm và dày khoảng 0,9cm, nặng chừng 500kg, phải cần đến 8 người khiêng. Hai đầu bia có 2 mấu dài khoảng 0,10m. Mặt chính của bia đá có khắc hàng chữ giống chữ Phạn, mà đến giờ chưa ai đọc và hiểu được. Theo phỏng đoán, bia đá này có trước Công nguyên, nằm bên dưới cầu thang chính điện, được phát hiện vào năm 1998 trong đợt đại tu chùa gần đây nhất. Trước đó, năm 1980, chùa phát hiện một bức tượng Phật bằng đất sét cao khoảng 0,6m, được điêu khắc theo dáng vẻ Khmer. Nhằm bảo quản tượng, nhà chùa đã cho sơn son thếp vàng (!) rồi cất kỹ trong một căn phòng đặc biệt với luật lệ nghiêm ngặt: những ai muốn chiêm ngưỡng tượng Phật phải là một người có vị trí cao và phải được ban quản trị chùa cho phép sau một phiên họp nhất trí cao.
Thiết nghĩ, bia đá và pho tượng Phật bằng đất cần được các nhà khoa học tìm hiểu, nghiên cứu giúp giải mã để trả nó về vị trí xứng đáng.
 
Chùa Hang


Cách thị xã Trà Vinh (tỉnh Trà Vinh) chỉ khoảng hơn 5km, chùa Kam Pong Chrây hay còn gọi là chùa Hang tọa lạc tại khóm 4, thị trấn Châu Thành, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh. Chùa được xây dựng cách đây gần 400 năm. Gọi là chùa Hang, bởi cổng chùa được xây dựng có hình dáng giống như một cái hang và tên chùa Hang được nhiều người biết đến hơn là cái tên Kam Pong Chrây.
Cách thị xã Trà Vinh (tỉnh Trà Vinh) chỉ khoảng hơn 5km, chùa Kam Pong Chrây hay còn gọi là chùa Hang tọa lạc tại khóm 4, thị trấn Châu Thành, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh. Chùa được xây dựng cách đây gần 400 năm. Gọi là chùa Hang, bởi cổng chùa được xây dựng có hình dáng giống như một cái hang và tên chùa Hang được nhiều người biết đến hơn là cái tên Kam Pong Chrây.
Giống như các ngôi chùa khác của người Khmer Nam bộ về phong tục tập quán, tín ngưỡng... nhưng chùa Hang có rất nhiều cái riêng độc đáo khác. Chùa được xây dựng trên khuôn viên rộng đến gần 10 hecta với hàng ngàn cây xanh lớn nhỏ, trong đó có nhiều loại cây như: Sao, dầu, me... có tuổi thọ hơn trăm tuổi với cành lá đan xen nhau tạo bóng mát quanh năm cho cả một khuôn viên rộng lớn của ngôi chùa.
Do khuôn viên rộng, có nhiều cây cổ thụ kết hợp với sự yên tĩnh thanh tịnh của chùa nên nơi đây cũng là nơi trú ngụ của hàng chục loài chim, cò quý hiếm với hàng vạn con bay về mỗi ngày tạo thành những mảng trắng xóa trên các cành cây vào những buổi chiều tà. Rồi sáng sớm, các loài chim, cò sinh sống ở đây kéo nhau thành từng đàn đi đâu đó tìm kiếm thức ăn, đến chiều mới bay trở về chùa tìm nơi trú ngụ. Riêng loài chim bù nông quý hiếm, thì thường kéo cả đàn đi ăn cả tháng mới quay trở lại và cứ y như rằng, khi những chú bù nông dễ thương kia bay về là đúng lúc thủy triều dâng.
Nổi bật nhất là ngôi chính điện giữa khuôn viên, nằm ẩn mình giữa những tán cây được xây dựng theo lối kiến trúc mang đậm dấu ấn phật giáo Khmer, mái ngói uốn cong với những tượng thần hình chim mặt người kết hợp với những phù điêu, hoa văn rất đẹp mắt, lôi cuốn. Các vị lão làng nơi đây kể lại, vào những năm 1637 chùa do những người thợ lành nghề từng xây dựng hoàng cung tận Campuchia sang đây xây dựng. Sư Chệt là vị sư trụ trì đầu tiên của chùa. Đến nay chùa đã qua 22 đời sư trụ trì.
Bom đạn chiến tranh đã làm cho ngôi chùa nhiều lần ngói tan, cột đổ. Năm 1968 máy bay Mỹ đã dội không biết bao nhiêu bom đạn xuống khuôn viên ngôi chùa này, hàng chục vị sư, phật tử đã ngã xuống để bảo vệ cho ngôi chùa. Hậu quả chiến tranh làm chùa như đống đổ nát. Một điều khá đặc biệt là qua các đợt đạn bom kia, chỉ duy nhất ngôi tượng phật Thích ca là còn nguyên vẹn. Sau ngày hòa bình lập lại các vị sư cùng phật tử ở đây bỏ ra biết bao công sức để xây dựng lại ngôi chùa khang trang như ngày hôm nay. Hiện tại chùa Hang còn lưu giữ được rất nhiều loại kinh cổ rất xưa, trong đó đặc biệt nhất là kinh tự được ghi trên lá buông hàng trăm năm tuổi được giữ gìn cẩn thận. Ngoài mục đích lưu truyền đạo lý của phật pháp cho muôn đời sau, thì những bài kinh được viết trên lá buông này còn được xem như là những cổ vật quý.
Hiện tại phật tử chùa Hang chỉ còn lại duy nhất nghệ nhân Thạch Tư hơn 60 tuổi là còn giữ được nghề viết chữ trên lá buông. Cây buông là loài cây giống như cây kè, được các nhà sư mang từ Campuchia về trồng, nó có lá dài trên 3 mét thân cây lâu năm cao hơn 6 mét và hiện tại ở Trà Vinh chỉ còn hai chùa là còn trồng được cây này, đó là chùa Sam Rong Ek ở phường 8, thị xã Trà Vinh và chùa Xoài Xiêm mới ở huyện Trà Cú. Muốn viết được chữ trên lá buông, người viết phải dùng ngòi viết bằng kim loại mài nhọn, khi viết xong dùng lọ đèn môi (loại đèn lòng đốt bằng dầu lửa) pha với dầu trong chà lên, sau đó đem phơi cho khô thì lấy dầu lửa chùi lại thì chữ hiện ra rất rõ và sắc nét. Ngày xưa lá buông chủ yếu dùng để viết các bài kinh, nhưng ngày nay chữ viết trên lá buông chủ yếu là để làm quà cho du khách. Ngoài việc viết chữ trên lá buông, nghệ nhân Thạch Tư ở chùa Hang còn lưu giữ được nhiều nghề truyền thống khác như hội họa, điêu khắc, đặc biệt là vẽ ảnh trên gỗ và trên lá thốt nốt. Đây cũng là những món quà hấp dẫn cho du khách mỗi khi có dịp đến với chùa, hiện tại tranh vẽ trên lá thốt nốt do nghệ nhân Thạch Tư vẽ không kịp phục vụ khách tham quan chùa. Phần lớn các tác phẩm của ông đều được gắn với các tích truyện của nhà phật hoặc phong cảnh hữu tình nên thơ của chùa Hang nên được du khách thập phương rất thích thú.
Từ năm 2002 đến nay, các vị sư ở chùa Hang còn được biết đến như những nghệ nhân điêu khắc độc đáo. Bằng những gốc cây được góp nhặt, đào bới từ khắp nơi mang về, qua bàn tay khéo léo và trí tưởng tượng thông minh của các vị sư nó đã trở thành những tác phẩm vô giá như: Long - Lân - Quy - Phụng, đại bàng vồ hỗ dữ hay bộ sưu tập 12 con giáp... từng đoạt được nhiều giải thưởng cao ở các hội chợ triển lãm. Nhiều tác phẩm được du khách ngã giá đến hơn trăm triệu đồng, nhưng các vị sư ở đây không muốn bán mà cố gìn giữ như những kỷ vật.
Nổi bật nhất trong hơn 200 tác phẩm hiện có tại chùa Hang là tác phẩm “Cửu Long” được các nhà sư ở đây khởi công chạm trỗ từ giữa năm 2004 đến nay đang vào giai đoạn cuối để cho ra mắt công chúng. Tác phẩm này được hình thành từ một bộ rễ cây quý mang về từ tỉnh Vĩnh Long, được chạm trỗ hết sức công phu với hình 9 con rồng quấn quýt nhau tượng trưng cho chín dòng sông của ĐBSCL, một vùng đất đang trên đà phát triển mà khi hoàn thành tác phẩm này có chiều cao hơn 4 mét, chiều rộng hơn 4,5 mét và nặng trên 2 tấn. Đây được xem là tác phẩm đồ sộ nhất từ trước đến nay ở chùa Hang.
Sư cả Thạch Xuông cho biết:
- Chùa được nhiều người biết đến và đã được công nhận “Cơ sở thờ tự văn minh”. Tuy nhiên, chỉ để khách đến đây thắp nhang lễ phật không thôi thì chưa đủ. Chúng tôi tạo dựng nghề này một mặt tạo điều kiện cho các vị sư và phật tử của chùa có cái nghề tạo điều kiện gìn giữ nét độc đáo văn hóa phật giáo, văn hóa dân tộc.
Tiếng lành đồn xa, hiện nay mỗi ngày chùa Hang đón hàng chục đoàn khách thập phương đến lễ phật và để chiêm ngưỡng những vẻ đẹp, những nét độc đáo của chùa.
 
Chùa Âng


Là một trong những ngôi chuà cổ nhất trong hê thống chuà Khmer ở Trà-Vinh. Chùa cách trung tâm thị xả khoảng 7 km (4miles). Ẩn mình trong rừng cây cổ thụ của Ao Bà-Om.. Chùa toạ lạc trên khu đất rộng 4 mẩu thuộc ấp Tà-Cụ xả nguyệt-Hoá quận Châu-Thành. Chùa có lối kiến trúc cổ kính, độc đáo hài hoà trong cảnh sắc thiên nhiên.
Về đại thể, những ngôi chùa Miên đều có kiến trúc giống nhau với chính diện ở trung tâm khuôn viên chùa trải dài theo hướng Đông-Tây, mái cong nóc nhọn, những chi tiết trang trí ở mỗi chùa mỗi vẻ tùy theo vị Sãi cả, hay những nghệ nhân,với trình độ kỹ thuật ở từng thời kỳ xây cất. Nói chung, trên đầu cột giáp mái chùa thường có tượng thần "KRUD" mình người đầu chím bay lên đỡ bốn mái chồng lên nhau bằng gỗ quý, lợp ngói kiểu vẩy rồng, có trang trí rất nhiều tượng rồng, đặc biệt rồng ở chùa Miên đầu mảnh mai, thân loài cá, lưng có dao mác nhọn uốn cong về phía đuôi, có sừng nhọn.
Ngoài ra, còn có những hình tượng điêu khắc hình tiên nữ và chằng tinh phục sức cầu kỳ, trên chót vót nóc chùa khắc hoa những đầu người rất tinh xảo.Đã vậy, những vòng rào bao quanh khu chính diện còn có những hình đầu sư tử, hoa sen trên mỗi cột rào. Có chùa còn cho xây tháp để bảo lưu tro cốt những vị sư sãi.
Khi bước vào bên trong khu chánh điện, chúng ta sẽ thấy những màu sắc sặc sỡ vẽ hình rồng rắn, hoa lá, tiên nữ, nhũ vàng chân viên hoa sen trên mỗi thân cột bằng gỗ sơn mài đen, cùng những tượng Phật bằng đồng, bằng đá trắng với những tư thế đứng, ngồi khác nhau, sự đóng góp của đồng bào Khmer trải qua bao đời này nay vẫn còn lưu giữ.
Lịch sử xây dựng một ngôi chùa Miên từ lúc bắt đầu đến khi hoàn thành, cũng kéo dài qua nhiều đời Sãi Cả ( hay còn gọi là Lục-Cả ) có khi đến trăm năm. Chùa Miên không những là nơi diễn ra những sinh hoạt tôn giáo xã hội, mà còn là nơi tồn trữ, phổ biến những kinh điển giáo lý, văn hóa phẩm, văn học nghệ thuật Khmer.
Đặc biệt chùa Miên còn là nơi để thanh niên Miên trước khi ra đời cưới vợ, phải đến "tu học" để trở thành con người có tri thức, đức hạnh. Mỗi chùa cổ có ít nhất từ 10 dến 15 vị sãi, trong đó một Sãi cả trụ trì và hai Sãi phó,và một ACHAR (gọi là hoằng pháp, chuyên dạy giáo lý). Sãi củng có hai bậc: một là SAMANE (từ 20 tuổi trở xuống) và hai là PIKH'U còn gọi là Tỳ khưu (từ 21 trở lên). Hai bậc tu này khác nhau ở chỗ SAMANE thọ 105 giới, còn PIKH'U thọ 227 giới.
Đa số người Miên theo đạo Phật Tiểu Thừa, nên không có Tu-nữ. Họ không ăn chay mà đi khất thực, và thờ một vị Phật duy nhất là Đức Thích Ca.
 
Đúng là đạo hình. Mình đã nói ở trên mà. Chủ yếu là post lên cho các bạn cần thông tin để lượt phượt mà lại lười sưu tầm thôi! hehehehehe!
 
Trước hết, rất cảm ơn bạn đã tham gia forum và viết bài cho forum.

Tuy vậy, cũng rất mong bạn lưu ý là khi copy từ bất cứ nơi đâu về (mà không phải do bạn viết), thì cũng nên cho biết chính xác nguồn. Bạn hãy ghi rõ nguồn lấy từ đâu, kể cả ảnh nếu không phải bạn chụp.

Forum rất chào đón thành viên, nhưng cũng rất tôn trọng bản quyền của tất cả các bài viết của bất kỳ ai. Trong phần Thông báo bên trên đã có một topic riêng về phần bản quyền bài viết, nếu có thời gian bạn tham khảo.

Mong rằng sẽ đọc những bài viết mang tính cảm nhận, trải nghiệm của riêng bạn, những kinh nghiệm thực tiễn chứ không phải chỉ là bài copy trên mạng, vì việc đó tớ chắc là mọi người đều có thể làm được.

Bên cạnh đó cũng xin góp ý thêm chút, đó là nếu những bài viết mang tính "nhóm" như chỉ chụp ảnh người tham gia, mặt người, cảnh trêu nhau,..., thì tớ nghĩ bạn có thể post vào phần Hồi ức về các chuyến đi, có lẽ sẽ phù hợp hơn.

Thân mến.
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
59,253
Bài viết
1,172,454
Members
191,728
Latest member
toanazz11
Back
Top