What's new

Những cuộc rong chơi của 2 kẻ...thích lang thang,ký sự bến phà.

Doigiaymoi

Phượt gia
Đi phượt thì chắc chắn cũng phải qua sông,hoặc bằng cầu,bằng ghe xuồng hay bằng phà.Về miền Tây mà không qua phà Mỹ thuận thì chưa thể gọi là đã tới miền Tây.Ngòai ra còn có phà Rạch Miễu,phà Vàm Cống,phà Cần thơ là 3 phà lớn,trong số đó chỉ còn Vàm Cống là đang hoạt động.Theo kế hoạch,phà này cũng sẽ được thay thế bởi một cây cầu,cho nên việc biết thêm những thông tin về bến phà tồn tại gần thế kỷ này có lẽ cũng thú vị cho dân phượt.Vậy xin mời các bạn phượt đáng yêu xem chơi cho biết.




Lịch sử 300 năm hình thành và phát triển của Sài gòn không thể tách rời với sự hình thành và phát triển của miền lục tỉnh ngày xưa tức là miền Tây Nam bộ ngày nay.Như ta đã biết,Sài Gòn từ khi được thành lập là thủ phủ của miền đất phương Nam,là cửa ngỏ giao thương với thế giới.Việt Nam là một nước nông nghiệp,mà nguồn nông sản chính yếu lại xuất xứ từ vùng sông nước miền Tây,nên hệ thống giao thông nơi đây cũng phát triển song song với sự phát triển chung của khu vực.Vì sông rạch vùng này như mạng nhện (hình thành một hệ thống giao thông thủy vô cùng quan trọng),đường bộ phải nối liền bằng vô số cầu;tuy nhiên sông Tiền và sông Hậu là 2 nhánh sông lớn của Mekong ở hạ lưu,mặt sông rất rộng,trước đây chưa có khả năng xây cầu,nên phải sử dụng phà để vận chuyển các phương tiện qua sông.
Phà Rạch Miễu là gạch nối giửa Bến Tre,tỉnh nghèo nhất đồng bằng sông Cửu Long,với Mỹ Tho .Đây có lẽ là bến phà hiếm hoi của miền Tây mà bến ở bờ này không thấy bến ở bờ bên kia vì phải vòng qua một cù lao xa dịu vợi,là cồn Phụng. Bến Tre lại không nằm trên trục đường chính qua nhiều tỉnh thành nên từ xa xưa đã như một ốc đảo ít người nơi khác tới lui vì vậy Phà Rạch Miễu cũng ít được biết đến,qui mô và nhịp độ hoạt động cũng không cao.Từ bến phà đi non 10km thì đến thị xã Bến Tre.Năm 1980 tôi có dịp đi qua đây vài lần,đường đá lổi xổi nhà cửa thưa thớt,không có gì đáng nhớ.Nhưng tôi lại có một kỷ niệm không quên tại một địa danh nằm trên khu vực phà Rạch Miễu này.Đó là cồn Phụng.
Tại cù lao này, Kỷ sư Hóa học Nguyễn thành Nam,sau khi tốt nghiệp ở Pháp về ,qui tụ một số quần chúng lập nên giáo phái Đạo Dừa,gọi như thế bởi vì Ông chỉ uống nước dừa (thay cơm?).Tôi còn nhớ báo chí lúc bấy giờ rất thường hay đăng tải về những hoạt động “bất bình thường” của một nhà khoa học tốt nghiệp bên Tây.Chẳng hạn như ông đã thiết kế một “am” nhỏ trên ngọn một cây tre cao(chắc nhờ những kiến thức khoa học mà ông sở đắc) , có một hệ thống thang bắt lên từ dưới đất ,hằng ngày ông lên đó tu tập!Về sau ông dần tạo nơi đây thành như một giang sơn riêng mà tại đó ông được tôn sùng như “Giáo chủ” với pháp danh “Thích Hòa Bình Nam Nguyễn Thành”.Ông không còn ở trên ngọn cây tre mà xuống ngự trong một thuyền rồng đầy màu sắc nơi đầu cồn Phụng.Năm 1971,sinh viên Cao Đẳng Nông nghiệp Cần Thơ Khóa 1,khi thực tập tại đây,có được tham quan nơi nầy.Vì đây là đất cù lao ven sông,thường xuyên ngập nước khi thủy triều lên , nên nhà cửa cư dân đều là nhà sàn.Có lẽ tất cả họ đều là đệ tử của ông Đạo Dừa, tụ tập đông đúc,tạo thành một xóm mà nhà cửa được nối liền bằng một hệ thống cầu ván tạm bợ đi liên tục từ nhà này sang nhà khác.Cũng giống như sự “bất bình thường”một cách “quái chiêu”của “giáo chủ” đạo Dừa,các “con đường” cầu ván ở đây đều có tên hẳn hoi,mặc dù bề rộng không tới 2 mét,nào là đường Nguyễn Huệ,đường Lê Lợi,đường Hai Bà Trưng…lại có cả Đại Lộ Trần Hưng Đạo nửa,mà nếu đi không khéo khách bộ hành có thể lọt xuống…sàn như chơi!May phước,nhóm thực tập của tôi chỉ toàn “đực rựa”,nếu có mấy chị đi theo không chừng phải tiếp giúp vì có cô sụp kẻ , lọi giò! “Đại lộ”này là đường chính dẫn đến “Việt Nam Phật Quốc Tự” nơi có thuyền rồng Bát Nhả neo đậu.Rất tiếc lần đó chúng tôi không gặp được Giáo chủ. Phà Rạch Miễu ,với tôi chỉ có thế.Bây giờ đã xây cầu, tôi chưa có dịp qua.


attachment.php



Phà Mỹ Thuận,bắt đầu hoạt động từ năm 1910,là cụm phà quan trọng nhất trên hệ thống giao thông bộ của Đồng bằng sông Cửu Long,vì hầu như tất cả những gì nằm phía hửu ngạn sông Tiền đều phải nhờ bến phà này để về Sài gòn,đi khắp nước hoặc ra thế giới.Phương tiện giao thông bộ thuộc các tỉnh gồm Vĩnh long,Đồng Tháp,An Giang, Trà Vinh,Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu,Cà Mau,Rạch Giá đều phải qua bến này.Thật ra,trên sông Tiền cũng còn một bến phà nhỏ khác chia sẻ một phần nhiệm vụ của phà Mỹ Thuận,đó là phà Cao Lãnh,mới lập sau này ,tuy nhiên Cao Lãnh cũng chỉ dành cho một số xe cộ đi hoăc đến Long Xuyên,Châu đốc và đôi khi là Rạch Giá lúc kẹt phà Vàm Cống .Trong trường hợp này xe cũng phải qua một bến phụ khác tại thành phố Long Xuyên,đó là bến phà An Hòa.

Như ta biết,Mỹ Thuận là gạch nối quan trọng nhất trên hệ thống giao thông đường bộ giửa đồng bằng sông Cửu Long và Sài gòn.Sau gần 1 thế kỷ tồn tại,Mỹ Thuận đã góp phần vô cùng lớn lao trong công cuộc phát triển vùng đất mới phương Nam.Lịch sử sẽ ghi nhận điều này như một sự kiện quan trọng của thời mở nước.Riêng với những người dân Nam bộ lớn tuổi đã từng qua lại bến phà này chắc không thể nào quên được những xâu nem đặc hửu,những chục bánh phồng sửa,những bịch kẹo dừa,kẹo chuối…những xâu chim ốc cao,le le,gà nước… và nhất là những sọt ốc gạo mà một thời trở thành món quà thông dụng mang về cho gia đình của nhiều hành khách khi đi ngang qua đây.(Lại càng không thể quên được khi vội vã mua những xâu nem-giá-nào-cũng-bán chỉ có chút xíu nem trong lớp vỏ lá chuối dầy ,hoặc những chiếc bánh- ích- nhân-khoai-lang-thế-đậu-xanh bán xong chạy mất !!!)…..và…
… Với những ai đã từng xem phim “ Người tình”,do đạo diễn Jean-Jacques Annaud thực hiện dựa theo cuốn tiểu thuyết L’Amant của nữ văn sĩ Pháp Marguerite Duras sẽ thấy hình ảnh tái hiện của chiếc phà Mỹ Thuận vào những năm đầu của thế kỷ trước,nó vượt qua khoảng mênh mông của sông Tiền với cuộn khói tuôn ra đen nghịt về phía sau.Tôi nhắc đến điều này bởi vì đây là cuốn tiểu thuyết ra đời muộn màng của Bà M.Duras sau 50 năm viết văn.Cuốn tiểu thuyết đã trở thành hiện tượng trên văn đàn Pháp vào thập niên 80 thế kỷ trước,ngay khi nhà Editions de Minuit xuất bản năm 1985,nó dẫn đầu trong số sách best sellers ,và mang về cho tác giả giải thưởng Goncourt theo một cách chưa có tiền lệ.(Vì Goncourt là giải thưởng chỉ dành cho những người viết mới với tác phẩm đầu , có tính khám phá.)Trường hợp của Marguerite Duras là một ngoại lệ vô tiền khoáng hậu!Tôi nhắc tới điều này bởi vì trong truyện Bà đã nhiều lần nhắc tới việc qua phà để đi Sài gòn học,vì Bà sinh trưởng và lớn lên tại Sa Đéc,nơi mẹ Bà là hiệu trưởng một trường trung học.Và trong một lần vượt sông Tiền bằng phà(rất tiếc không hiểu sao nhà văn không nêu đích danh đó là phà Mỹ Thuận,mà viết “… chuyến phà trên đường Vĩnh Long – Sa Đéc”)Bà,15 tuổi rưởi ( Jane March,nử minh tinh Anh,đóng) đã gặp Người Tình ( Lương Gia Huy ,Hồng Kông,đóng) .Nhà văn Sơn Nam làm cố vấn về một số hình ảnh Nam bộ xưa,cảnh quay bến phà,nơi Jane March mua miếng chuối chiên ăn và sắp sửa xuống phà cùng với chiếc xe đò cũ kỷ được thực hiện tại bến sông trước nhà thờ Bò Ót huyện Thốt Nốt,thành phố Cần Thơ.Tôi đã tình cờ đi ngang qua đây khi đoàn làm phim đang tác nghiệp.Âu đây cũng là một thông tin thú vị liên quan đến phà Mỹ Thuận.

attachment.php



Đến năm 2000,nhờ sự hổ trợ về mặt kỷ thuật của các chuyên gia người Úc,cầu Mỹ thuận hoàn thành chấm dứt 90 năm hoạt động không ngơi nghĩ của bến phà Mỹ Thuận.Xây dựng cầu Mỹ Thuận là một bài học quý giá ,nhờ đó đội ngủ chuyên viên và công nhân Việt Nam đã tiếp tục tự thực hiện việc xây dựng các cây cầu lớn còn lại.
Năm 1918 phà Cần thơ hoàn thành,giúp cho các phương tiện giao thông đường bộ phía hửu ngạn vượt sông Hậu về Sài gòn.Lúc bấy giờ con đường từ Long xuyên xuống Cần thơ cũng tương đối tốt,đã được trải đá.Thiên phóng sự “Một tháng ở Nam kỳ” của Phạm Quỳnh đăng trên báo Nam Phong vào cuối năm 1918 có viết: “Con đường từ Long Xuyên đến Cần Thơ tốt lắm ,giữa đổ đá,hai bên trồng cây, cái xe bon bon chạy giữa coi phong cảnh rất là ngoạn mục”.Và như thế,phà Cần Thơ ,ngoài các tỉnh Cà Mau,Bạc Liêu,Sóc Trăng,vào thời điểm này còn đảm nhận nhiệm vụ đưa phương tiện vượt sông Hậu cho cả phía Long xuyên.Kinh và lộ Cái Sắn được làm từ năm 1925 và hoàn thành năm 1930 sau 5 năm thi công,lúc bấy giờ phà Vàm cống đã hoạt động được 5 năm,chia sớt nhiệm vụ với bến Cần thơ để giải quyết nhu cầu qua lại của các phương tiện đi hoặc đến các tỉnh Long Xuyên,Châu Đốc,Rạch Giá,vào thời này.
Do nhu cầu phát triển,lần lược hai cầu Mỹ Thuận và Rạch Miễu được xây dụng và đã đi vào hoạt động.
 
Những cuộc rong chơi của 2 kẻ...thích lang thang,ký sự bến phà (2).

Ngày 24 tháng 4 năm 2010 cầu Cần thơ chính thức thông xe,chấm dứt 92 năm ròng rã qua lại của không biết bao nhiêu chuyến đò tại bến Bắc Cần thơ.Rồi đây,5 năm,10 năm hay rất lâu hơn nửa, chúng ta và con cháu sẽ chỉ còn nghe buồn não nuột câu hát điệu dân ca…..
….về bến Ninh Kiều thấy chàng đợi người yêu.Em xinh tươi trong chiếc áo bà ba,em đi mau kẻo trể chuyến phà đêm qua bến Bắc Cần thơ….


attachment.php




Cầu Cần Thơ.

Viết đến đây tự nhiên tôi thấy cay cay trong mắt.Tại vì giọng ca mượt mà của Hương Lan buông theo cái giai điệu trầm buồn mà Trần thiện Thanh đã gieo vào bài hát một cách tuyệt vời , hay tại vì bỗng nhiên chợt nhớ đến những kỹ niệm xa cũ trên các chuyến đò qua lại ngày xưa , có lẽ vì cả hai.Và có lẽ nhiều người trong chúng ta,những ai đã từng một lần gắn bó với Cần thơ,đã từng biết bao nhiêu lần qua lại Bắc Bình Minh,cũng đều thấy ngậm ngùi mỗi lần nhớ lại bến cũ!
Nghe đâu thành phố Cần Thơ đang dự định xin phục hồi lại bến phà cũ để giải quyết vận chuyển cho một số cư dân địa phương qua lại chợ Cần thơ và Bình minh, không phải vượt cầu theo một cung đường quá xa.Điều này thật cần thiết, nhất là cho những người là công nhân viên chức đang làm việc tại khu công nghiệp Trà Nóc hay Cần Thơ ,trong đó còn phải kể đến nhiều sinh viên ,học sinh đến từ bờ Bắc sông Hậu.Nếu bến phà được tái lập nó cũng có thể sử dụng để phục vụ cho những du khách muốn tìm cảm giác qua sông bằng phà,nhìn ngắm cái mênh mông của sông Hậu, mà họ sẽ không có dịp thưởng thức nếu chỉ ngồi trên xe chạy theo đường quốc lộ.
Như vậy,3 cây cầu lớn đã lần lược hoàn thành,thay thế cho các bến phà xưa.Bây giờ ,chỉ còn lại bến Vàm Cống.
Tôi sinh năm 1948,tại nhà thương Chú Hỏa,đường Arras Sài gòn,nay là bệnh viện phụ sản Từ Dủ,đường Cống Quỳnh.Được 2 tuổi thì Má đưa chị Hai và tôi về quê Ngoại sống tại chợ Vàm Cống thuộc làng Bình Thành Tây,quận Lấp Vò,tỉnh Long Xuyên(sau này mới thuộc Sa Đéc,rồi Đồng Tháp hiện nay).Phà Vàm Cống hoạt động từ năm 1925,trước khi tôi sinh ra 23 năm,nhưng có lẽ sẽ chấm dứt hoạt động khi tôi còn tại thế!Nói như vậy để thấy rằng cuộc đời tôi đã và sẽ gắn liền với bến phà này rất nhiều năm.Sau này người ta gọi là phà chứ hồi nhỏ chúng tôi gọi là bắc (le bac,tiếng Pháp),Bắc Vàm Cống.

attachment.php



Bến"Bac" Vàm Cống,phía bờ Lấp Vò,với chiếc phà "cá nóc"một đầu,vàothập niên 1940-1950.


Như ta biết,ở những vùng cao dân tộc ít người,địa danh thường do dân bản địa đặt,hiếm khi trùng lắp,ví dụ Mã Pí Lèng,Kong Rẫy…còn vùng đồng bằng tên bằng tiếng kinh,đôi khi nhiều địa phương ở xa nhau lại có tên giống nhau,ví dụ địa danh “An hòa” trong Nam ngoài Trung đều có,hoặc như An Giang có Huyện Chợ Mới,ngoài Bắc cũng có một huyện Chợ Mới,ở tỉnh Bắc Kạn , riêng tên Vàm Cống , tôi dám chắc không tìm thấy một nơi chốn thứ 2 có cùng tên.Hai từ “vàm” và “cống” nghe nó mộc mạc quê mùa sao ấy.Về nghĩa từng chữ thì cũng thật đơn giản,vàm là nơi ngã 3 sông đổ ra biển,rạch đổ ra sông hay sông nhỏ ra sông lớn (Vàm Cái Sắn,Vàm Láng,Vàm Sác….,cống là đường ống chôn dưới đất để dẫn hay thoát nước.Tôi cũng không hiểu sao có cái sự kết hợp của hai từ này,vàm thì hiểu được vì đúng nơi bến phà là điểm khởi đầu của một trong những con sông nhỏ (gọi kinh thì đúng hơn),là sông Lấp Vò nối liền 2 nhánh Hậu giang(phía Long Xuyên) và Tiền giang(phía Sa Đéc),còn cống thì đúng là chợ tôi cũng có một cái cống nhỏ,hiện nay không còn,đúc bằng xi măng,đường kính chắc chừng 1,5 mét,dẫn và thoát nước cho một cánh đồng khoảng 10 ha,cống nhỏ và chẳng nằm trên trục giao thông chính,chẳng gây cái sự gì phải khiến khách đường xa chú ý mà có tên;lẽ nào Vàm Cống chính là sự kết hợp của 2 từ đó?

attachment.php


Ông Ngoại của tác giả,đứng trên phà "cá nóc" năm 1952.

Khoảng tháng 9 năm 1987,bạn của em tôi,tên V.,công tác tại Hội Văn Học Nghệ Thuật tỉnh Đồng Tháp dẫn một Ông già hom hem,đi dép nhựa,quảy cái bị Robin màu xanh dương sờn rách về chơi.Chúng tôi bày một cuộc nhậu rượu đế vui vẻ,thích thú nghe ông ta nói chuyện.Ông ấy nói tao đi ngang cái phà Vàm Cống này nhiều lần rồi,trong lúc chờ đò tao ưa kể chuyện tiếu lâm làm mấy con mẹ bán bánh bò,bánh tiêu,bán hột vịt lộn…cười lộn ruột,mấy con mẻ khoái tao lắm!Hôm nay tao ghé đây để tìm hiểu về cái địa danh Vàm Cống,tụi bây có đứa nào biết hông?hay chỉ cho tao người nào biết để tao hỏi.Đó là nhà văn Sơn Nam ,ông già Nam Bộ nổi tiếng.Ông ngủ lại một đêm,sáng hôm sau,tôi mời ông một bửa cháo lòng và một chầu cà phê sửa .Bà xã tôi xin ông cho ít chữ vào sổ tay,làm kỷ niệm.Ông ghi:Ghé chợ Vàm Cống giữa tháng 9-1987 , chuyến đi công tác.Vui.Sơn Nam.Rồi Ông già quảy bị ra đi.Từ đó tôi không có dịp gặp lại,chẳng biết ông có tìm ra được xuất xứ của địa danh Vàm Cống hay không,trước khi Ông qua đời?

attachment.php


Di bút nhà văn Sơn Nam.
Trước năm 1950 thì tôi không rõ,nhưng từ lúc tôi biết cho đến nay,bến phà phía bờ Long Xuyên cũng được gọi là bến phà Vàm Cống,hồi trước có một sân bay cũng mang tên sân bay Vàm Cống,bây giờ trạm kiểm dịch động vật của Chi Cục Thú Y An Giang cũng tên Trạm Kiểm Dịch Vàm Cống,hiện tại có một chợ Vàm Cống thứ hai nằm trên địa phận thành phố Long xuyên,nằm trên phía tay phải đường dẫn xuống phà….và nếu từ Long xuyên đi xuống khu vực này người ta cũng nói đi xuống Vàm Cống , mặc dù nó thuộc địa phận Tỉnh An Giang,cách nơi mang tên Vàm Cống đến hơn 1.500 mét bề rộng của dòng sông Hậu!

attachment.php


attachment.php


Chợ Vàm Cống trên bến phà phía bờ Long Xuyên.

Như trên đã nói,cả nước Việt Nam chắc không có nơi thứ hai tên Vàm Cống,phải chăng danh xưng này chẳng đẹp đẻ gì nên không địa phương nào muốn đặt?Về con người tôi chưa thấy có thằng cha con mẹ nào tên là Trần văn Vàm Cống hay Nguyễn thị Vàm Cống,.Tôi nói thằng cha,con mẹ là nhằm để chỉ những người “tương đối” lớn tuổi như tôi,khi mới đẻ ông bà,cha mẹ họ còn quê mùa,đặt tên con không cần đẹp,vậy mà chẳng có ai đặt tên cho con là Vàm Cống,chí ít cũng để kỉ niệm nơi sinh ra con,trong khi họ dễ dàng đặt tên là thằng Đực,con Lủng….;thiệt sự dù nghèo rớt mồng tơi,tiền bạc không có chứ từ đẹp thì ai cũng sẳn,không cần vay mượn vẫn có thể dễ dàng đặt tên cho con,coi như món quà nhỏ mọn tặng đứa bé lúc chào đời,Vàm Cống chắc chắn “đẹp” hơn Đực,Lủng…vậy mà sao không thấy ai dùng để đặt tên con!
Tôi dài dòng như thế để muốn nói lên một điều nếu không có bến phà thì chắc ít ai biết tới Vàm Cống.Chiếc phà đã chở cái tên Vàm Cống từ bên này sông Hậu về bờ bên kia,Long Xuyên.Bến phà đã làm cho tên Vàm Cống được ghi lên bản đồ vì là một nút giao thông quan trọng trên quốc lộ xuôi về biên giới phía Tây Nam.Vàm Cống ít nhất cũng thành một cái tên khó quên cho những ai đã từng một lần tạm nghĩ chân để chờ vượt qua dòng Bassac.
Cái việc chờ phà này thực sự cũng có nhiều chuyện để nói,thoảng qua như việc nhà văn hóa Sơn Nam từng ăn hột vịt lộn kể chuyện tiếu lâm mà tôi đã kể,riêng tôi thì phà Vàm Cống đã quen thuộc từ thuở nhỏ đến bây giờ,nên có rất nhiều kỷ niệm không quên.
Giòng sông Hậu vào mùa nước lũ có vẻ rộng hơn và chảy rất xiết về phía hạ lưu.Có lẽ vì vậy mà người Pháp đã làm bến phà không ngoài bờ sông Cái như Cần Thơ hay Mỹ Thuận,mà thụt vô phía trong vàm của sông Lấp Vò khoảng 500 mét,để phà dễ cập bến những khi gió to sóng lớn,nhờ cồn Cái Cùng che chắn phía thượng lưu,nhất là vào mùa mưa bão.Con đường quốc lộ từ Sài Gòn về(đoạn từ Mỹ Thuận về đến phà Vàm Cống lúc này là đường liên tỉnh 8) chạy thẳng từ phía Lấp Vò ra không đến sát bờ sông Hậu mà ngoặc về tay phải,cặp theo đoạn đầu sông Lấp Vò,thêm 200 mét thì đến bến,có một cầu dẫn nối bờ sông và một phao nổi(pontong),dân quê tôi quen gọi là “cầu bắc”.Nhắc tới Lấp Vò,có một bài thơ khuyết danh đọc thấy thú vị,tôi xin trích lại như sau:

“Chợ Lấp Vò,chợ Lấp Vò,
Cảnh tình nhà đủ lại người no.
Dọc ngang phố cất ngay từng vạt,
Qua lại buồm giương thẳng cánh cò.
Gió thổi đằng đồng hơi rỉ rả,
Nước lừa khúc vịnh chảy quanh co.
Cho hay mỗi thứ đều theo thú,
Thanh lịch sao bằng thú vị nho!”
 
Last edited:
Những cuộc rong chơi của 2 kẻ ...thích lang thang,ký sự bến phà(3).

attachment.php


Cầu Mỹ Thuận thay thế Phà Mỹ Thuận.
Nhà Ngoại tôi tại chợ Vàm Cống cũ,mặt trước quay xuống sông Lấp Vò,mặt sau nhìn ra cánh đồng nhỏ 10ha mà tôi đã nói,bên kia đồng là con lộ xe chạy từ Sài Gòn về(đường liên tỉnh 8).Ngày xưa,nhà cửa thưa thớt,từ sau hè nhà Ngoại,tôi có thể nhìn thấy “xe hơi” chạy trên lộ xa xa bên kia ruộng lúa,giống như chạy tắt qua đồng,nên bọn trẻ chúng tôi hay hát như sau:

“Thành Long chạy tắt đường đồng,
Mấy chị chưa chồng lại muốn Thành Long.”


attachment.php


Bến phà Vàm Cống,bờ An Giang (nhìn từ trên phà đang vượt sông).

Viết về phà bắc,cầu đường thì dính dáng tới xe cộ.
Vào khoảng thập niên 50,60 thế kỷ trước,miền lục tỉnh này có mấy hảng xe đò lớn,nổi tiếng như Thuận Thành,Tam Hửu,Thành Long.Thành Long có trước hơn hết,nhưng cũng ngừng hoạt động sớm nhất.
Theo nhà văn Sơn Nam,thời trước làm tài xế xe du lịch là làm nghề sang trọng,Ông viết: “khoảng năm 1920,làm tài xế cho xe du lịch là nghề sang trọng,đầu đội kết(mũ lưỡi trai),mắt mang kiếng đen,mình mặc áo bành tô vàng,quần lãnh đen,chơn đi một đôi giày bố trắng”.Thật ra,không chỉ tài xế xe du lịch mà làm tài xế xe đò cũng danh giá lắm,là niềm mơ ước của nhiều thanh niên.Do tính chất nghề nghiệp,họ thường xuyên đi đó đi đây,liên tục lên xuống chốn thị thành,tiếp cận văn minh đô thị nên là những người đi trước thời đại so với dân quê lục tỉnh.Tài xế giỏi lại được các chủ xe cưng chìu,lương cao.Tôi có người bạn kể rằng Ba anh ta là tài xế xe đò vào thời này,thường mặc âu phục sang trọng,mang giày “béc ca na”(giày mỏ vịt),nón Tây,mang “soi” mát gọng vàng.Khi xe lăn bánh thì giống như thuyền trưởng một con tàu,vì đang nắm trong tay an nguy của mấy chục con người trên dặm đường thiên lý!Khi xe về đến bến thì mọi việc đã có chú “lơ” lo.Tài xế lúc bấy giờ không uống rượu đế,thỉnh thoảng uống bia và thường thì dùng rượu Tây đắc tiền , như Martel,Cognac…thuốc thì hút loại Con mèo Craven A hay 555 hộp thiếc!Thường xuyên xa nhà,có tiền,ăn mặc sang,nhiều phụ nữ săn đón,nên tài xế xe đò thường có nhiều vợ và con rơi!Họ ăn xài phun phí,nhiều người lại mê cờ bạc nên rốt cuộc cũng chẳng giàu có gì , làm vợ con tài xế có khi còn khổ hơn vợ con ông thợ cấy ngoài đồng,vậy mà…mấy chị chưa chồng lại muốn Thành Long!

attachment.php


Làm ”lơ” là việc cực nhọc,đưa đón khách lên xuống xe,mang xách bưng bê hành lý,khiêng vác hàng hóa cồng kềnh lên mui,canh chừng xe cộ khi lên xuống phà và khi về đến bến , tài xế buông “vô lăng”kiếm chỗ nghĩ ngơi,lơ phải lo quét dọn vệ sinh,lau rửa xe cộ.Họ là những người nghèo,ít học có chút sức khỏe và thường cũng hơi “du côn”(cũng có khi do làm nghề này lâu ngày không hung dữ cũng thành “du côn”).Mà biết sao được,khi hàng ngày luôn tiếp cận với biết bao người nơi các bến xe phức tạp,tranh giành hành khách ,tiếp xúc nhiều hạng người trong xã hội,người đàng hoàng không hiếm nhưng chỉ là khách qua đường ,còn kẻ trộm cắp , cướp giật thì nhởn nhơ vì đây là nơi chúng kiếm sống,không bản lĩnh thì bị ăn hiếp,bỏ nghề,về ruộng chăn trâu.

attachment.php


Sông Hậu nhìn từ phà Vàm Cống (hường lên Long Xuyên).


Có một anh tên là Bé Sói,lớn hơn hơn tôi khoảng 6,7 tuổi nhà nghèo nên học hết lớp Tư (là lớp 2 ngày nay)thì nghĩ học,học trò lúc bấy giờ nhiều người lớn tuổi lắm,anh Bé Sói là một thí dụ,lại to con nên được người chú dắt theo làm lơ xe đò.Trong một lần khi đến bến xe An Đông(về sau là bến xe Pétrus Ký),Sài Gòn,trong lúc đang chuyển mấy bội gà trên mui xuống cho hai mẹ con một cô bé bạn hàng ,anh thấy một tên lưu manh đang cuỗm chiếc giỏ đệm của khách anh vội nhảy xuống giật lại ,tên cướp cạn la lớn mầy muốn chết hả rồi cùng vài đồng bọn nhào đến đánh đá túi bụi,anh vội rút cây “ma-ni-vênh”(tay quay,nhiều xe hơi,lúc bấy giờ dùng dụng cụ này để quay máy khởi động xe,thay vì dùng điện bình accu) dưới băng ghế mà anh thủ sẳn,quật lại,lính tới ,cả bọn bỏ chạy,để lại lời hăm sẽ có ngày gặp lại . Đó là chuyến làm lơ cuối cùng của Bé Sói , anh không về ruộng chăn trâu mà trở lại trường Tiểu học Bình Thành Tây,không phải học lại mà để ôm bình cà rem bán cho học trò.
Hồi đó kem cây thành phẩm là những bánh dày độ 2 , 3 phân , hảng trang bị cho người bán dạo một bình thủy hình trụ cao 4 , 5 tấc đường kính khoảng 2 tấc,đậy bằng nắp bấc,chứa kem mà chúng tôi gọi là cà lem,người bán cắt từng miếng nhỏ vuôn vức rồi dùng que tre ghim bán cho người ăn. .Anh kể lại chuyện này cho chúng tôi nghe khi cắt “cà lem” bán vào giờ ra chơi, rồi kết luận tao cũng có học được chữ nghĩa nên cũng biết “ kiến-nghĩa-bất-di-dô-dỏng-dả , lâm nguy bất cứu mạt anh hùng!”phải hông tụi bây.Cô bé bán gà sau này thôi theo mẹ buôn gà , về làm vợ anh Bé Sói,cùng anh vô trường bán quà vặt ,chồng bán “cà lem”,vợ bán xôi.Họ có hai đứa con ,ngoan hiền , giờ chơi tiếp cha mẹ buôn bán , học cũng giỏi nhưng nhà nghèo nên theo ngành Sư phạm(có học bổng),làm giáo sống thanh bạch.Nếu làm lơ,chưa chắc Anh được cái kết có hậu này . Thật ra,với nhiều người , làm lơ là bước chuẩn bị để lên ngồi ghế “sốp phơ”,ôm “vô lăng”,đổi đời cực nhọc.Bằng không thà về bến phà bán hàng rong , gần nhà , có khi an cư,lạc nghiệp.
Tại bến bắc Vàm Cống,dọc theo bờ sông dẫn tới cầu dẫn,người ta làm một hành lang có rào chắn,có mái che để khách bộ hành đứng chờ phà.Đây cũng là nơi mưu sinh của một số dân nghèo mua bán đồ ăn,thức uống.Hàng ngày,họ có mặt ở đây lúc phà bắt đầu hoạt động,nơi chỗ được xác định , không ai sắp xếp , chỉ là sự chia sớt không gian để những người nghèo cùng kiếm sống , họ là những người có chỗ “kinh doanh” tương đối cố định.Một số khác thì lên xuống theo những con đò qua lại ,có người đội trên đầu một xề bánh bò bánh tiêu , hoặc dưa hấu , khóm xẻ thành miếng sẳn ,vai mang giá gỗ để đặt xề lên khi có khách mua. Lại có cả người ăn xin thường xuyên hiện diện;có người bị mù mắt nhưng biết đàn bầu , ca vọng cổ thật mùi mẫn ,người khác lại chơi được guitar ,ca tân nhạc , tùy theo thị hiếu , hành khách sẽ tụ tập lại gần người mình thích để thưởng thức trong khi chờ xuống đò qua sông và thường thì họ cũng không tiếc chút tiền lẽ loi có trong túi, thưởng cho người nghệ sĩ nghèo giúp mình giải khuây trong giây lát.Đôi khi có ông “nha sĩ”nhổ răng không đau,bày trên tấm ny long cáu xỉn nào kềm,nào kéo,nào thuốc không tên,cùng một lô răng xương vàng ố …oang oang quảng cáo chuyên trị răng sâu,chuyên nhổ răng nhức bằng phương pháp …gia truyền nếu đau…không lấy tiền .Nhìn thấy “phòng” răng của ông ta hầu như ai cũng ghê,vậy mà thỉnh thoảng cũng có người can đảm cho ông đè miệng cạy nhổ máu me um xùm!Thỉnh thoảng lại có một nhóm sơn đông mãi vỏ , làm trò ảo thuật , bán thuốc gia truyền trị đủ thứ bịnh ,đặc biệt có thuốc xổ lãi dành cho con nít bị mắc “cam tích”,chang bang cái bụng uống vô xổ liền ,không xổ cũng… không lấy tiền!Xổ thiệt.Có thằng bé con được “bà dà” mua viên thuốc màu hường hình nón giống như cái bánh ,cho ăn ,lúc sau “ chơi” cho một vùa “bánh tằm”lúc nhúc.Đó là có lần đi qua tôi nghe một người nói,chứ chưa chứng kiến cái sự xổ lãi chớp nhoáng nào.Cũng thấy vùa lãi trắng hếu và đôi khi cũng thấy người mua thuốc đem về nhà!Tất cả họ ,một năm đôi ba lần về bến bắc Vàm Cống,làm ăn được thì ở lâu,nếu không thì đi nơi khác,thỉnh thoảng lại quay về, riết thành quen mặt,như người bản xứ.
Ngoài phần hành lang kể trên,dọc đoạn đường khoảng 100 mét còn lại là các hàng quán bán cà phê cơm nước cho khách qua đường lúc đợi bắc , chờ xe.Phía đối diện ,là dãy phố lợp thiếc,cũng kinh doanh như thế.Như vậy , không kể những dân địa phương có nhà trên đoạn đường này,rất nhiều người ở nơi khác đã một hoặc nhiều đời , sống cùng nhịp qua -lại của các con phà theo năm tháng.Ngày xưa,xe cộ ít,số lượng phà cũng không nhiều,tải trọng lại nhỏ,chạy chậm,phà phải chờ có xe lớn mới vượt sông nên thời gian chờ phà rất lâu,có khi phải mất đến 2 giờ hoặc hơn,thông thường cũng phải hơn một giờ mới có chuyến.Trước khi rời bến , phà gióng còi báo hiệu như trống trường báo giờ vào lớp,nhà tôi trong chợ Vàm Cống,cách bến phà khoảng 500 mét,nghe tiếng còi rúc lên như trâu rống,tiếng còi rất đặc trưng,không lẫn với tiếng nào khác(kể cả tiếng “ trâu thật” rống).Thường thì phà báo hiệu đến 3 lần trước khi rời bến nên đôi khi nghe hồi 1 vẫn còn chạy ra kịp,không phải đợi chờ.
Chiếc phà,trước năm 1960 chỉ có một đầu cho xe lên xuống,tương tự như mấy chiếc “chẹt” ngày nay,ở giửa phình rộng ra như bụng cá nóc,nên gọi là “phà cá nóc”,chỉ chở được vài ba chiếc xe hơi,vì vậy trên phao nổi (pontong),nơi phà cặp bến,người ta làm một mâm xoay để khi xe xuống đến đây,các công nhân sẽ xoay cho đuôi xe nằm ngay trước mỏ bàn đò,rồi theo hiệu lệnh của họ , tài xế sẽ cho xe lùi xuống phà.Vai trò của người lơ xe lúc này rất quan trọng,bằng hiệu lệnh tay, họ giúp cho tài xế “de” đúng hướng,đồng thời kịp lúc dùng cục “canh” bằng gỗ chèn bánh (phía sau) khi xe đã lùi đến đúng vị trí qui định,đồng thời cũng chèn thêm một cục “canh” phía trước bánh để xe đứng yên khi phà tròng trành lúc vượt sông.
Tới bến,người lơ có nhiệm vụ rút canh và coi chừng phía sau,tài xế theo sự hướng dẫn của công nhân phà cho xe vượt lên mâm xoay,các công nhân lại đẩy cho mâm xoay đến vị trí mà đầu xe hướng thẳng lên cầu dẫn,chạy lên bờ.Không như phà 2đầu ngày nay,máy nằm ở giửa nên mặt sàn phà nằm ngang,phà cá nóc ngày xưa chỉ có một đầu , máy nằm phía sau lái , sàn phà vì vậy nghiêng từ trước ra sau ,điều này buộc người lơ xe phải chèn bánh xe thật kỹ lưỡng cả bánh trước và bánh sau để xe không bị xê dịch trong lúc vượt sông , nhất là những tháng ngày giông bão.
 
Last edited:
Những cuộc rong chơi của 2 kẻ...thích lang thang,ký sự bến phà(4).

attachment.php


Những tai nạn xưa,không còn hình ảnh,xin xem cảnh tai nạn năm 2010.

Đã xảy ra tai nạn thương tâm trên loại phà một đầu tại bến băc Vàm Cống này.Đó là vào khoảng năm 1958,khi một chiếc xe đò “de” xuống phà,một hành khách vô ý chạy lùi lại tấm vách phía trên hầm máy,do phà nghiêng,mà cũng do tài xế vào “ga” quá lớn để vượt qua mỏ bàn đò,không thắng kịp và lơ cũng không quan sát ,lại không chèn kịp bánh xe ,người khách bị ép giữa đuôi xe và tấm vách,không cứu được.Sau tai nạn này người ta cho vẻ lên tấm vách hình sọ người với xương gác tréo kèm theo một câu : Nguy hiểm chết người,cấm đứng nơi đây!Sau đó người ta còn làm thêm một gờ cao để chận xe như ta đã thấy trên các “chẹt” ngày nay.Từ đó không còn tai nạn tương tự xảy ra .
Nhưng lại có một tai nạn khác cũng rất thương tâm mà tôi đã chứng kiến khi một lần về quê nghĩ cuối tuần(lúc này tôi đang học lớp Nhứt,trường Nam tiểu học tỉnh thành Long xuyên,1959).
Phà cá nóc,có bụng phình to,nhưng nơi tiếp giáp mỏ bàn thì hẹp,nhất là đối với xe đò,xe hàng lớn xác , tại đó có 2 trụ lớn , mỏ bàn đò được kéo bởi dây cáp giắt qua 2 pu-li gắn trên đầu trụ này, rồi dẫn tới một cái tời.Công nhân phà sẽ quay tời để nâng hoặc hạ mỏ bàn đò.Tai nạn xảy ra vì một khách bộ hành cố vượt chỗ này khi xe di chuyển qua mỏ bàn : tài xế thì lo theo dõi dấu tay của lơ , lơ thì lo nhìn bánh xe và mỏ bàn để hướng dẫn tài xế , người đàn ông thì thật bất cẩn , vội vã một cách “quê mùa tội nghiệp”,cố lách qua khe hẹp vừa lúc xe tăng tốc vượt lên mỏ bàn,nhiều người thấy nguy la lớn nhưng không kịp để ngăn chặn …nên trở thành tiếng la hãi hùng vì chứng kiến ngay trước mắt một thảm cảnh đau lòng!Đầu người khách bị nghiến bởi thành xe và trụ cáp trong một thoáng khi xe vừa vượt qua chỗ nối thân phà và mỏ bàn,lúc này xe có lắc , tuy nhẹ nhưng cũng đủ để không còn cơ hội cho người đàn ông.Tôi còn thấy trong cái giỏ đệm ông xách trên tay thò ra mấy ổ bánh mì và một con “cúp bế”!

attachment.php


attachment.php



Phà là nơi ông đi qua,bà đi lại,một cái chết thương tâm như thế đã nhanh chóng lan truyền ra khắp xứ,không chỉ ở cái chợ Vàm Cống quê mùa của tôi.Sau tai nạn này,người ta lại kỹ lưỡng hơn trong điều hành lên xuống phà,người đi bộ đi trước rồi mới cho xe hơi lên hoặc xuống sau.Từ năm 1960,có phà 2đầu rộng rãi và an toàn hơn nên 2 tai nạn kể trên chỉ xảy ra một mỗi thứ 1 lần trong lịch sử phà Vàm Cống từ ngày thành lập đến nay.

attachment.php


attachment.php


attachment.php


Hành khách đi xe đò sau khi lên bờ vội vả đến khúc cua đầu bến phà,chỗ xe dừng lại cho khách lên,tiếp tục cuộc hành trình,tại đây có cột mốc ranh chia 2 địa giới,Long xuyên và Sa Đéc.Tôi xin nói thêm về cái ranh giới đặc biệt này,lúc bến “bac” Vàm Cống mới hoạt động(1925),có lẽ để tiện việc quản lý bến phà về một phía (Long Xuyên),nên chỉ một đoạn đường khoảng non 200m,từ khúc quanh đến cầu dẫn xuống phà là thuộc địa phận tỉnh Long Xuyên.Tôi đã may mắn tìm gặp lại cột mốc ranh đã tồn tại hơn 70 năm qua,tại bến đò Vàm Cống cũ.Nhân đây cũng xin nhắc lại,kể từ năm 2006,bến phà Vàm Cống chuyển hẳn sang địa điểm mới,nằm ngay bờ sông Hậu,phía dưới Vàm Cái Sức(đầu kinh Lấp Vò-Sa Đéc).Như vậy,nếu xét về mặt địa lý thì bến phà Vàm Cống thật sự chỉ hoạt động liên tục trong 81 năm.Bây giờ bến cũ vẫn còn cầu xưa,nhưng thật tiêu điều.Cùng với Mỹ Thuận và Cần thơ,phà Vàm cống này đã gắn liền với lịch sử phát triển của một phần đất Tây Nam tổ quốc,xứng đáng nằm trong danh sách những địa phương góp phần trong sự nghiệp phát trển khu vực,nên chăng ngành du lịch (An Giang),phục hồi lại bến phà xưa,dựa theo các hình ảnh tư liệu cũ,với những chiếc phà 2 đầu thời đầu thập niên 60 thế kỷ trước,để đặc biệt vận chuyển cho những khách du lịch muốn tìm lại cảm giác qua sông nơi bến cũ?


attachment.php



Như ta biết,hồi xa xưa khi hệ thống giao thông bộ chưa phát triển thì người ta buộc phải vận chuyển bằng đường thủy.Với hệ thống kinh rạch chằng chịt như mạng nhện , thiên nhiên đã cung cấp cho Nam Bộ một lợi thế rất quan trọng giúp việc lưu thông vận chuyển hàng hóa thật là thuận tiện.Từ khoảng năm 1885 nhiều tỉnh , quận xa xôi đã cất xong nhà lồng chợ,tòa bố,bưu điện…và…bến tàu.
“Chớp nháng thẳng bon dây thép kéo.
Mây tuôn đen kịt khói tàu bay”.
Tàu mà Tôn Thọ Tường gọi đây là tàu thủy,lúc bấy giờ còn chạy bằng máy hơi nước chụm bằng cũi nên khói mịt mù.Tàu thủy đưa đò thoạt tiên đi về vùng Thủ Dầu Một,Tây Ninh(miền Đông)nhưng lần hồi triển khai nhanh chóng với mạng lưới khá dày,dọc 2 bờ sông Tiền,sông Hậu lên Phnom Pênh,Biển Hồ và Hạ Lào(không thể xa hơn vì thác Khône cản trở).
 
Những cuộc rong chơi của 2 kẻ ...thích lang thang,ký sự bến phà(5).

Tàu thủy đưa đò thực chất là vận chuyển hàng hóa.Ba tôi cũng từng là thủy thủ trên những chuyến tàu này.Tôi còn nhớ mỗi lần tàu Ba tôi đi ngang qua chợ Vàm Cống thường hay chạy thật chậm rồi “súp lê” nhiều tiếng để tôi chạy ra đón,rất vui mừng và hảnh diện với mấy thằng bạn trong xóm vì có Ba-chạy-tàu.Tàu Ba tôi đi còn có chức năng kéo ghe,nên trên mui có một sợi dây treo nhiều “trái khế” màu đen,khi có dắt ghe thì kéo lên ,nếu không thì hạ xuống.Đôi khi Ba tôi cũng tranh thủ ghé qua nhà ,mang về ít quà Nam Vang,rồi đón xe đò đuổi theo khi đoàn dừng lại đâu đó bên phía sông Tiền,để chờ thuận con nước.

attachment.php


Vận tải thủy,từ xa xưa vẫn là phương tiện chính trong lưu thông hàng hóa vùng sông nước.


Tuy nhiên,có một loại hàng không thể dùng ghe,thuyền để vận chuyển vì chậm.Một ghe chài,có gắn máy dầu hàng trăm mã lực,chở gạo từ Long xuyên hay Cần thơ đi Sài Gòn trung bình phải mất từ 2 đến 3 ngày đêm.Cá đồng nếu vận chuyển bằng phương tiện này thì sau khi cập bến Chánh Hưng sẽ có một số đem phơi khô hoặc nhận mắm!Thật ra ,từ thời Tự Đức,nghề mua bán cá đồng đã có,với phương tiện chuyên chở là ghe gọi là “ ghe rổi”.Người ta phải thường xuyên thay nước trong ghe,mùa hạn gặp nhiều chặng khô cạn,chèo chống không được phải nhờ trâu kéo.Năm 1880,có 216 chiếc “ ghe rổi” chở khoảng 4.500 tạ cá tươi về Sài gòn,Chợ lớn,Biên Hòa.(M.Gérard:La région de Ca Mau vers 1898.Tập san SEI,số 3,1968).
Sau này khi đường sá phát triển,giao thông bộ thuận tiện,cá đồng lục tỉnh chuyển sang chở bằng “xe hàng”.Khu vực Long Xuyên và vùng phụ cận cá đồng được vận chuyển bằng ghe đến tập kết tại Bắc Vàm Cống , phía bờ Lấp Vò,tại cây-số-Sài-gòn-172km.Vậy là nơi đây hình thành một bến mới, gọi là “bến cá”.Tại đó người ta thu mua cá đồng chủ yếu là cá trê,cá lóc,cá bông,lươn...nơi thu mua gọi là vựa cá,có mấy vựa cá nổi tiếng mà nhiều người còn nhớ như Thanh Liêm,Tư Lợi,Phước Thành….Cá đồng được phân loại và cho vào “rộng” trong các thùng làm bằng tôn tráng kẽm kích thước khoảng 60x100x80cm,nắp có nhiều lỗ cở đồng xu 5,chừng 2cm.Từ chiều,các thùng cá được bốc lên xe hàng rồi vận chuyển suốt đêm,nhờ trời mát,nên ít hao hụt,tới Sài Gòn ,vô Chánh Hưng hay vào chợ cá Trần Quốc Toản(góc đường 3/2 và Nguyễn Tri Phương bây giờ)kịp thời phân phối ra các chợ nội thành và vùng phụ cận.
Khu vực Vàm Cống chỉ có một chợ chính ,cách bến phà khoảng 500m,nhà lồng chợ được xây dựng năm 1952 (mà bây giờ đã trở thành chợ cũ).Chợ hoạt động từ rất sớm đến khoảng 10 giờ sáng thì tan.Buổi chiều,muốn mua thực phẩm đột xuất,má tôi phải lội bộ trên con đường nhỏ men theo cánh- đồng -Thành-Long-chạy-tắt,ra bến cá,ở đây có một chợ chồm hổm,bán thịt cá,rau cải đầy đủ nhưng ít hơn chợ chính.Má tôi mất năm 1957,khi tôi mới 9 tuổi,nhưng hình ảnh Má tôi xách con cá lóc tòn teng đi xa xa trên cánh đồng mùa khô,về từ chợ chiều bến cá Vàm Cống,vẫn còn mãi trong tôi.Khoảng năm 1956,một trận hỏa hoạn xãy ra tại dãy nhà trên lộ xe,đối diện với khu chợ chiều này,may không có thương vong,chỉ một con heo bị chết cháy!
Từ ngày thành lập đến nay,tất cả những chiếc đò sử dụng tại phà Vàm Cống đều tập trung nghĩ tại bến phía bờ Long Xuyên.Phia bờ Sa đéc,ngay đầu cầu dẫn xuống pontong ,có một đồn lính,khi tôi biết,lúc cần gọi đò người ta bắn mấy phát súng , phà đậu bên kia sông,nghe súng hiệu chạy qua ngay vì biết có xe, hoặc quan trọng hơn,có cấp cứu.Dù cách con sông nhưng nhà thương Long Xuyên vẫn gần hơn Sa đéc.Tôi đã biết có mấy lần bắc Vàm Cống chở cấp cứu nhờ súng gọi.
Một trong những lần mà bây giờ tôi còn nhớ,đó là khoảng đầu những năm 60 thế kỷ trước,một buổi sáng khi chợ vừa tan,mọi người đang thu dọn để về,Bà Tám quét chợ và con trai vừa gom xong những đống rác cuối cùng,tôi đang đứng trước thềm bỗng nghe một tiếng nổ lớn từ phía nhà máy xay lúa,thấy một miếng tôn bay liệng trên trời,mọi người ở chợ không ai biết chuyện gì xảy ra.Nhiều người hiếu kỳ kéo nhau chạy về phía có sự cố và tin tức nhanh chóng được loan ra :.. nổ nồi “ súp-de” , người chụm lò bị phỏng nặng,thằng Tèo hoảng hồn nhảy xuống sông bị nọc cầu đâm lòi phèo rồi!....thằng T..è..o..nào thằng Tèo con Bà bảy Còm hả….? Người ta xôn xao ,hỏi han rối rít,chợ vừa tan lại trở nên rần rần người lớn con nít.Một hồi thì 2 xe lôi kéo ngang qua nhà tôi, Chú Sáu Tong chụm lò mình mẫy bị phỏng lột cả da,còn Chú Tèo thì máu ướt cả cái khăn choàng tắm đang rên rỉ trong lòng người hàng xóm.Ai đó đã nhanh chân chạy ra cầu bắc nên tôi nghe nhiều tiếng súng nổ ngoài vàm.Chiều cùng ngày chiếc phà buổi sáng đưa Chú Sáu Tong đi qua sông lại đưa chú trở về quê yên nghĩ,kết thúc một cuộc đời nghèo khó trong đau đớn tận cùng!
Chắc chắn bắc Vàm Cống còn nhiều chuyến đò đưa người đi cấp cứu,nhưng vì phải đi học ,đi làm xa nhà suốt 20 năm tôi không chứng kiến được vụ nào đáng nhớ như thế.
Từ năm 1960 bắc Vàm Cống bắt đầu có những chiếc phà 2 đầu thay thế cho phà “cá nóc”,lần lượt tăng tải trọng,100 rồi 200 tấn.Một điều đặc biệt là vào thời gian này các bến phà lớn như Mỹ Thuận,Cần Thơ,Vàm Cống tuy có loại vé cho xe 2 bánh và người đi bộ nhưng không thấy ai mua vì người soát vé không bao giờ hỏi tới,cho nên chỉ có xe 4 bánh và phương tiện vật nuôi cồng kềnh như xe bò…mới bị thu phí.

attachment.php



Năm 1981,sau nhiều năm xa quê,vì hoàn cảnh tôi lại trở về Vàm Cống sinh sống.Lúc này kinh tế rất khó khăn,người ta đi lại buôn bán không nhiều nên phà đưa khách qua lại cũng chạy cầm chừng,khi nào đầy xe,đủ khách mới vượt sông,mà chỉ chạy chậm chậm để đở hao dầu.Phà chỉ hoạt động ban ngày , chính thức từ 5 giờ sáng đến 21 giờ đêm.Lúc 19 giờ mỗi bờ còn 1 chuyến xuôi ngược,21 giờ chỉ còn 1 chuyến xuất phát phía bờ Long xuyên chạy sang bờ Lấp Vò rồi sau đó trở về nghĩ .Nếu trể chuyến này khách phải chờ khi nào có xe đột xuất,thường là xe tải chở hàng tươi sống hoặc thỉnh thoảng là xe Hồng thập tự chở bệnh nhân đi cấp cứu,khi đó đi phà khỏi tốn tiền vì không còn ai bán vé.

Thời này,trể một chuyến phà phải đợi có khi đến 2 giờ mới qua được sông,nhiều người không thể chờ nên sử dụng một phương tiện khác rất phổ biến đó là “ đò dọc”.Mà không hiểu sao lại gọi là “đò dọc” trong khi chỉ để vận chuyển khách ngang sông ?Có lẽ ,dù không hợp lý nhưng cũng là cách để phân biệt với những chiếc phà.Đó là những chiếc ghe nhỏ tải trọng cở 200,300 giạ lúa,có mui hoặc nửa mui ,chạy bằng máy dầu hay xăng thường từ 4 (Kohler 4) đến 9 ngựa (BS9,Yanmar,Kubota…)gắn ngoài,chở người và xe đạp,xe gắn máy qua sông.Tùy theo ghe lớn hay nhỏ mà chở nhiều hay ít khách,nhưng thường thì khẳm lừ,vì họ phải tận dụng tài chuyến của mình,phải chở cho đầy,bất kể hiểm nguy.Nhiều lúc chưa thấy phà qua nên khách dùng “đò dọc”,đò khá đầy mà vẫn phải chờ,khách la quá thì nổ máy chạy ra,vừa ra thì có khách lại cặp vào,rước khách,lúc đầy nhóc thì phà cũng vừa tới,đò dọc chạy ra xa không ai trở lên cầu được,tức ói máu!


attachment.php




Nghĩ cho cùng đó cũng bởi vì miếng cơm manh áo,làm nghề lương thiện nhưng cũng phải chút ma le!Tỉ như ông bán thuốc sơn đông trên bờ, sau trò ảo thuật đốt giấy ra tiền,thì bán thuốc xổ lãi,bán một hồi thì xin “ bẽo dẻng(biểu diển) cho quý khách xem con khỉ nó đ...ẻ ra….con…gà!...hầy,…ngộ lói thiệt ..đây là một màn “lộc láo” nhưng… trong khi chờ “lợi” xin quý khách dành cho chúng tôi một phút quảng cáo thuốc dưỡng thai hiệu nhành mai do ông chủ của chúng tôi là…rồi bên này một người mua….bên kia một người mua…bên…và cứ bán cho tới khi phà qua,mọi người rụt rịt xuống phà và con khỉ đẻ sẽ chờ tới chuyến sau….!

attachment.php



Không phương tiện cứu hộ,sông thì mênh mông,đò thì chở khẳm,vậy mà vẫn cứ vượt sông kể cả những lúc sóng to gió lớn,mưa bão tối trời . Bây giờ nghĩ lại tôi thấy mình ngu ngốc quá , nhất là khi đi cùng vợ và 2 con bé bỏng!May sao,cả mười mấy năm tồn tại , những chiếc đò dọc này chưa từng gặp nạn.Sau thời đổi mới,kinh tế phát triển,nhu cầu đi lại tăng nhanh,phương tiện vận tải dồi dào,phà làm ăn có lãi ,không còn chờ xe như trước,thời gian đợi phà và vượt sông rút ngắn,người ta không còn liều mạng cùng những chiếc “đò dọc” ấy nửa.Không có khách,đò cũng nghĩ,các ghe chuyển qua chở thuê hoặc trở thành tiệm tạp hóa nổi,len lỏi vào các xóm dân cư trong các kênh rạch nhỏ để mua bán.”Đò dọc” bị xóa sổ hoàn toàn.

attachment.php
 
Last edited:
Re: Những cuộc rong chơi của 2 kẻ ...thích lang thang,ký sự bến phà(5).

Gửi bác Doigiaymoi : Tôi đã viết thư cho bác đề nghị bác lưu ý cách viết bài, bác hãy viết vào sau các topic mà bác đã mở, không tạo thêm topic mới.

Nếu bác cần hỗ trợ thì hãy gửi thư hoặc viết cho Mod có thể biết, tránh tình trạng mỗi bài viết bác lại tạo thêm một topic mới.

Chúc bác mạnh khỏe.
 
Re: Những cuộc rong chơi của 2 kẻ ...thích lang thang,ký sự bến phà(5).

Chào Chitto,
Rất cảm ơn về nhắc nhở này,ấy chẳng qua do hổng biết cách viết thôi,mò mấy ngày trời mới viết và post ảnh lên được.
Chúc các cháu vui và trang nhà luôn phát triển.
Doigiaymoi.
 
Re: Những cuộc rong chơi của 2 kẻ ...thích lang thang,ký sự bến phà(5).

Chào Chitto,
Có phải viết tiếp như thế này hông?Thiệt sự tui cũng chưa đọc thấy cái thư trước của Chitto,nên có chậm sửa sai.Mà hổng biết sửa như thế này có đúng không:>Sửa bài viết>enter...và viết tiếp?
Doigiaymoi.
 
Re: Những cuộc rong chơi của 2 kẻ ...thích lang thang,ký sự bến phà(5).

Bác cứ tiếp tục (giống như các bài trên) viết vào topic này.

Ngày mai topic này của bác sẽ ghép vào topic trước của bác, các bài này sẽ được xóa để topic liền mạch.
 
Re: Những cuộc rong chơi của 2 kẻ ...thích lang thang,ký sự bến phà(5).

Chào Chitto,
Xin cảm ơn Chitto đã hướng dẫn.Luôn tiện hỏi thêm,hình như,cùng 1 topic,mỗi ngày chỉ post 1 lần?Vì hôm qua khi tui tiếp tục post cho hết phần Ký sự bến phà thì bị báo lỗi số từ hơn 10000,có nghĩa là cộng luôn phần mới vừa post 1 giờ trước đó?
Doigiaymoi.
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
59,332
Bài viết
1,175,251
Members
192,051
Latest member
paraditech
Back
Top