Re: Những cuộc rong chơi của 2 kẻ ...thích lang thang,ký sự bến phà(5).
Rồi đây cầu Vàm Cống cũng sẽ xây dựng,phà Vàm Cống (dân địa phương còn gọi là “cầu bắc”)sau khi hoàn thành nhiệm vụ lịch sử,sẽ chỉ còn trong ký ức,người dân 2 bên bờ lâu lắm mới quên đi những kỷ niệm gắn liền với bến. Riêng tôi , sẽ nhớ mãi “cầu bắc” xưa với những chuyến phà đưa tôi qua lại suốt những năm đầu đời khi lên tỉnh học và sau này không thể nào quên con “đò dọc”một thời gian khó.
Khoảng cuối thập niên 70,đầu thập niên 80 do nhiều nguyên nhân,hằng triệu người Việt đã vượt biển ra đi,thành một phong trào kéo dài hàng chục năm .Thời đó ,ra đi là không nghĩ có ngày trở về,là chắc chắn sẽ mất đi những người thân yêu ruột thịt;cha con,ông cháu sẽ không còn gặp lại, một mất mác làm đau lòng rất nhiều người khi bỏ xứ.
Tôi cũng nằm trong số đó,đi nhiều lần ,nhưng không tới đâu.Một ngày tháng 4 năm 1980,tôi rước một người bạn từ Sài Gòn về để đi Rạch Giá,chuẩn bị cho chuyến vượt biên tối hôm ấy,vợ và thằng con 4 tuổi của tôi đã vào Rạch sỏi theo một nhóm khác từ hôm qua.Khoảng 16 giờ chiều về tới Vàm Cống,tôi ghé nhà lấy chiếc xe đạp để làm phương tiện di chuyển tại nơi tập kết (cho có vẻ tự nhiên),cũng là để chào và nhìn mặt Ba tôi cùng các em lần cuối.Vào nhà ,thấy Ba tôi , ở trần với quần “xà lỏn”,đang ngồi ăn cơm cùng mấy đứa em.Tôi không can đảm nhìn ông,chỉ lí nhí…thưa Ba con đi , rồi dắt vội chiếc xe đạp,rời khỏi nhà.Ba tôi không nói một lời,không hỏi một câu,nhưng biết là tôi đi đâu,dù trong quá trình chuẩn bị tôi chưa hề nói gì về chuyện vượt biên với Ba tôi.Và chắc chắn rằng ,cũng như tôi,Ba tôi hiểu sẽ khó có ngày gặp lại!
Ra đến “cầu bắc”,chúng tôi đi ngay xuống bến đò dọc vì chưa có phà,đò cũng vừa đủ chỗ cho 2 người cùng chiếc xe đạp.Tôi đứng chen chúc nơi phía mũi .Khi đò vừa đẩy ra xa,tôi chợt nhìn lên thấy Ba tôi đang đứng trên bến,vẫn quần “xà lỏn” , ở trần,nhìn theo.Và cũng tức thì,nước mắt bỗng tuôn trào ,tuôn trào không ngớt,trên má tôi,bất kể ánh mắt ngạc nhiên của những người chung quanh.
Chắc là Ba tôi vừa buông đủa,không kịp mặc áo,chạy vội ra bến đò,nhìn theo thằng con trai ….mà không biết có còn gặp lại?Đò dần ra đến đuôi cồn Cái Cùng,Ba tôi vẫn còn đứng đó,nhìn theo,chắc lúc này Ông đang khóc!
Đuôi cồn Cái Cùng là chỗ cái nhà kho màu xanh nước biển.
Chuyến đi không thành,tôi liền viết thư cho thằng em đang định cư ở Mỹ : anh sẽ không đi nửa,mầy đừng trông!
Ba tôi,bây giờ 93 tuổi,vẫn còn minh mẫn,hầu như mỗi tuần tôi đều về Vàm Cống chơi,cho Ông thấy mặt.Phà bây giờ dễ đi lắm,không phải đợi lâu,chỉ khoảng 15,20 phút là lên tới bờ bên kia.
Long Xuyên ngày 17 tháng 8 năm 2010.
(Hiệu chỉnh và bổ sung xong ngày 12-10-2012).