Dòng sông quên mình
Trước khi có sự tích về dòng thác, về câu chuyện lưỡi cá sấu, về âm nhạc, về sự hy sinh cho cộng đồng, về câu chuyện ông hoàng An Nam cuối cùng đến đây... Và rất lâu trước khi có dòng sông Đạ Queyon chảy xuống khu vực rừng núi Đại Ninh này. Ở đây có một dòng sông khác: dòng sông dung nham núi lửa. Nó tràn trên bề mặt, phủ lấp những chỗ trũng bằng chất keo sền sệt nóng chảy. Lâu dần chúng nguội và đông kết lại, có thể chúng thâm nhập sâu hơn tạo thành những khối đá macma lục giác, bát giác cao đến hàng chục mét trong lòng đất hoặc chỉ kịp phủ một lớp mỏng trên bề mặt. Riêng ở đây khối macma xâm nhập có độ cao xấp xỉ độ cao ngọn thác là 70m.
Sau những ngày ngập chìm trong "dòng sông lửa", bề mặt đất được tắm mát bởi mưa. Mưa tràn qua bề mặt macma, mưa ngấm xuống từng thớ đá, mưa tạo thành dòng chảy... và dòng nước chỉ đổ ập xuống vách đá kia sau những trận động đất, rung lắc (và có thể cả núi lửa) dữ dội. Bề mặt bị sụt lún xuống, chỗ sâu nhất hơn 70m. Những tảng macma bị vỡ ra khỏi bề mặt, nằm gục xuống chân thác năm này qua năm khác bị nước bào mòn, gió hôn lên, còn cỏ cây thì mọc trùm mơn trớn.
Phía trên đỉnh thác, ở hai bờ dòng sông nhô hơi cao. Lòng sông không sâu lắm, mùa nước cạn có thể đi ra giữa dòng, hoặc đứng ngay giữa đỉnh thác. Dòng sông bào mòn bề mặt dung nham đông kết và quên mình phía dưới mặt hồ kia.
Còn nay, sau những tính toán phát triển kinh tế, dòng sông trở thành nguồn cung cấp nước chính cho thủy điện. Nước trong lòng hồ dâng lên, ngọn thác lọt thỏm dưới lòng hồ những ngày nước cả.
Thác hoang lại trở lại thác hoang, những hoài niệm sử thi nằm lại đáy hồ một thủa quên mình.
CVK
10/12
Ảnh chụp trên đỉnh thác Bảo Đại, Đức Trong, Lâm Đồng