What's new

Những ngày ở Nam Du

Bài viết được đăng lại từ chính trang blog cá nhân của mình
Phần 1: Tàu cập bến
Với nhiều người, đặc biệt là những ai có máu la cà thì miền Tây Nam Bộ từ lâu đã được “dán mác” vùng đồng bằng màu mỡ, nơi có hệ thống sông ngòi kênh rạch chằn chịt, những vườn cây ăn trái xanh tốt tươi kề bên đồng lúa bạt ngàn và những khu chợ nổi trên sông tấp nập người mua kẻ bán. Hầu như ít ai chọn miền Tây là điểm đến cho các chuyến du lịch biển. Cũng phải, biển ở miền Tây là biển phù sa quanh năm nước đục, nó không thể bắt mắt bằng các bãi biển cát trắng tinh dọc duyên hải miền Trung. Toàn vùng Tây Nam Bộ chắc chỉ có biển Mũi Nai ở Hà Tiên là có bờ cát tương đối đẹp cho khách du lịch đến tham qua. Tuy nhiên biển đảo ngoài khơi lại là một câu chuyện hoàn toàn khác.

Ở miền Tây hiếm tỉnh nào lại có nhiều tiền năng du lịch như Kiên Giang. Nơi đây có sự góp mặt của tất thảy mọi cảnh quan, từ kênh rạch, sông ngòi, đồng bằng, núi non, hang động, rừng rậm cho tới biển đảo. Đảo ngọc Phú Quốc từ lâu đã quá nổi tiếng về những bãi biển hoang sơ được các tạp chí du lịch nổi tiếng trong và ngoài nước đánh giá rất cao. Nhưng ngoài Phú Quốc ra thì Kiên Giang vẫn còn vô số đảo lớn nhỏ khác phải kể tới như quần đảo Bà Lụa, quần đảo Hải Tặc, quần đảo Nam Du, đảo Lại Sơn, hòn Tre, và tận cùng nhất là đảo Thổ Chu. Mỗi nơi lại có mỗi cách hớp hồn người yêu biển đảo bằng vẻ đẹp riêng của mình. Trong số đó quần đảo Nam Du có lẽ là nơi chứa nhiều nét ấn tượng hơn cả.

Tất nhiên Nam Du từ lâu đã là một trong những nơi mà thằng “máu me” du lịch bụi như mình nhắm tới. Sau rất nhiều cố gắng trong việc dụ dỗ, rủ rê, lôi kéo bằng nhiều “thủ đoạn” khác nhau, cuối cùng thì mình cũng tìm được ba người bạn đồng hành để lập ra đội hình ABCD (tên viết tắc của 4 đứa) thẳng tiến “thiên đường biển đảo” Nam Du.

Xuất phát từ bến xe Miền Tây lúc 10 giờ 45 phút đêm, bọn mình dự định sáng hôm sau sẽ có mặt tại thành phố Rạch Giá để kịp chuyến tàu cao tốc ra đảo. Không khó lắm để tìm một hãng xe chất lượng cao chạy ngay trong đêm về Rạch Giá, nhưng nếu là dịp cuối tuần thì bạn nên đặt vé trước một ngày để đảm bảo đúng lịch trình. Xe Phương Trang cứ nửa tiếng có một chuyến xuất bến, xe Mai Linh, Kumho và Tuyết Hon (một hãng địa phương có uy tín chuyên chạy tuyến Sài Gòn - Rạch Giá) chất lượng cũng không kém cạnh.

Bọn mình tới bến xe Rạch Sỏi lúc 4 giờ rưỡi sáng, quá sớm so với dự kiến. Từ đây nhà xe Phương Trang có bố trí phương tiện trung chuyển về bến tàu Rạch Giá nhưng vì mãi loay hoay trong bến xe nên cuối cùng bốn đứa đã lỡ chuyến. Vậy là đành chọn cách đi xe ôm ra cảng sau lời mời mọc nhiệt tình của chú lái xe, tốn tiền nhưng nhanh chóng hơn và không sợ không mua kịp vé tàu.

Bến tàu khách Rạch Giá nằm ở đường Nguyễn Công Trứ. Đây là nơi xuất phát của tất cả các hãng tàu lớn nhỏ đưa khách đi các đảo, gần nhất là đảo Hòn Tre chỉ mất một tiếng ngồi tàu và xa nhất là đảo Thổ Chu với hai ngày lênh đênh trên biển. Các tàu đi Phú Quốc luôn nhộn nhịp hơn hẳn vì lượng khách tham quan rất đông. Tàu cao tốc duy nhất đi Nam Du là tàu Ngọc Thành, mỗi ngày một chuyến ra khơi và quay về. Chuyến đi bắt đầu vào lúc 8 giờ 30 sáng từ cảng Rạch Giá và chuyến về đất liền khởi hành lúc 12 giờ 15 phút trưa từ quần đảo Nam Du. Trên đường đi và về tàu Ngọc Thành có cập cảng Hòn Tre và Hòn Sơn để rước và trả khách. Đối với những ai ra Nam Du vào dịp cuối tuần thì tốt nhất nên đặt trước vé khứ hồi để tránh tình trạng cháy vé.

Nói thêm một chút về quần đảo Nam Du. Quần đảo thuộc huyện Kiên Hải tỉnh Kiên Giang, cách đất liền Rạch Giá 65 hải lý (1 hải lý bằng 1852 mét), gồm có 21 đảo lớn nhỏ (người dân gọi là hòn) chia thành 2 xã là Nam Du và An Sơn. Hòn Củ Tron (hay hòn Lớn, hòn Nam Du) là đảo lớn nhất, cùng với Hòn Mấu và Hòn Ngang là ba nơi dân cư tập trung đông nhất, các hòn khác chỉ thưa thớt vài nóc nhà, một số hòn hiện vẫn không có người ở. Bến tàu cao tốc đặt tại hòn Củ Tron do duy nhất hòn này có cầu cảng vững chắc cho tàu khách neo đậu.
img_0567.jpg

Một góc bến tàu hòn Củ Tron
Sau ba giờ đồng hồ lênh đênh trên biển, nhắm mắt nhắm mũi chịu đựng cảm giác lắc lư theo từng cơn sóng dồn dập thì cuối cùng bọn mình cũng tới được hòn Củ Tron với cái đầu không thể lâng lâng hơn. Nhưng vừa bước chân lên cầu tàu là đã nhận ra ngay mùi vị đặc trưng của biển, mát mẻ và dễ chịu vô cùng. Hàng hóa và hành lý cũng nhanh chóng được dỡ khỏi tàu. Đa phần các loại thực phẩm đều phải nhập từ đất liền ra do việc thiếu thốn nước ngọt làm cho việc trồng trọt hay chăn nuôi trên đảo gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên đây lại là thiên đường của các loài hải sản. Ngay từ khi ra khỏi tàu cao tốc thì bọn mình đã bị ấn tượng bởi những thau sò tộ, ốc giác và ốc voi bày bán la liệt trên cầu tàu. Những con sò tộ béo núc ních chỉ cần nhìn sơ là đã muốn đặt ngay lên bếp than rồi cho thêm tí mỡ hành vào. Con ốc voi khổng lồ vỏ màu cam đang bò trong thau đảm bảo bốn đứa ăn không hết. Cuối bến tàu còn có một vựa hải sản tươi sống ngày ngày đóng thùng chở vào đất liền. Kế bên vựa hải sản có một công trình nho nhỏ, hỏi ra mới biết đó là nhà bia tưởng niệm các nạn nhân của cơn bão Số 5. Đối với nhiều người trên đảo bão Số 5 vẫn là một quá khứ đau xót và kinh hoàng.
img_4103.jpg


img_4104.jpg
Hai anh em bán ốc giác ở bến tàu​
img_4101.jpg
Bia tưởng niệm các nạn nhân của cơn bão Số 5 nằm quay ra hướng biển​
Cũng giống như đa phần các đảo khác, hiện Nam Du vẫn chưa tiếp cận được với hệ thống điện lưới quốc gia mà chỉ dùng điện từ nhà máy phát điện ngay trên đảo. Nhưng điện cũng chỉ có từ năm giờ chiều cho tới mười một giờ đêm, còn lại người dân phải tự trang bị bình ắc quy, nhà nào khá giả hơn thì sắm máy phát điện mini để sử dụng. Khoảng hai năm gần đây lượng du khách kéo đến nhiều nên đảo cũng đã xuất hiện nhiều dịch vụ tối thiểu phục vụ khách tham quan. Ban đầu bọn mình dự định nghỉ tại nhà trọ Kim Yến, nhưng khi đến nơi thì đã hết sạch phòng do trùng dịp cuối tuần. Vậy là chị Yến giới thiệu cho mình nhà trọ Quang Nhi đối diện. Chủ nhà trọ là anh Nhựt, anh chắc cũng lớn hơn mình chừng vài tuổi (Quang Nhi là tên hai đứa con của anh). Anh có hai nhà, một cái để ở và bán cà phê, còn một căn cho du khách thuê với giá sáu mươi ngàn một người. Căn nhà cho thuê có một phòng ngủ chính thức và hai phòng ngủ “không chính thức” được cải tạo từ phòng khách và phòng bếp, đủ sức chứa cho mười người. Tính ra thì bọn mình cũng rất may mắn khi tìm được một căn nhà khang trang rộng rãi thế này để lưu trú. Ngoài cho thuê nhà ra thì anh Nhựt còn cho thuê xe máy và bà xã anh cũng kiêm luôn việc nấu nướng khi khách có nhu cầu.
img_3896.jpg


img_0570.jpg


img_3726.jpg


img_0470.jpg
Nguồn hải sản trên đảo rất phong phú, cả tươi và khô​
Bọn mình không vội nghỉ ngơi ngay mà ra quán cô Năm Nương gần bến tàu ăn trưa. Quán cô Năm chắc là quán nổi tiếng nhất ở đây. Đồ ăn cô làm rất ngon và giá tiền cũng vừa phải. Hôm đó cô làm món cá thu muối chiên và canh chua cá diển phướng. Đây là lần đầu tiên mình ăn một nồi canh chua nấu bằng cá biển ngon tới như vậy (sau này mới biết cô Năm là thợ nấu chính hiệu, đám tiệc ở các hòn thường hay chạy qua đặt cô nấu đồ ăn, hôm mình về cô đang nhận nấu cho một đám cưới ở hòn Ngang). Quán cô Năm chỉ bán điểm tâm buổi sáng và cơm buổi trưa, còn buổi chiều muốn ăn phải đặt trước cô mới chuẩn bị. Bốn chục ngàn một phần cơm hai món và năm chục cho ba món, nghe qua thì hơi mắc nhưng thật sự nó quá rẻ cho những gì bốn đứa được thưởng thức.
img_3987.jpg
Món canh chua cá diển phướng cô Năm nấu trên cả tuyệt vời​
Sau khi đánh chén no nê ở quán cô Năm bọn mình quay về nhà trọ nghỉ ngơi. Xế chiều hôm đó đội hình ABCD khởi hành đi Bãi Cây Mến – bãi biển đẹp nhất Nam Du như lời mấy anh xe ôm giới thiệu.
_______________

Thông tin về tàu cao tốc Ngọc Thành:

Đối với những ai có ý định đi Nam Du vào dịp cuối tuần hay ngày lễ thì nên đặt trước vé khứ hồi để tránh tình trạng hết vé. Số điện thoại đặt vé là 0773.863019. Còn trong những ngày bình thường khách có thể đến mua vé trực tiếp ở văn phòng tàu cao tốc Ngọc Thành tại số 16 Nguyễn Công Trứ, Rạch Giá hoặc quầy bán vé của bến tàu Rạch Giá trước giờ tàu khởi hành. Tại đây cũng có bán vé của các hãng xe Mai Linh, Phương Trang, Kumho, Tuyến Hon về lại Sài Gòn và các tỉnh miền Tây khác.

Nếu không mua được vé tàu cao tốc bạn có thể hỏi thêm thông tin để mua vé tàu thường (tàu Hồ Hải) để ra Nam Du, tuy nhiên sẽ tốn nhiều thời gian di chuyển và dễ say sóng hơn.
 
tiếp theo và hết

Phần cuối: Hải đăng Nam Du
Bốn giờ rưỡi chiều tàu cập lại cảng Củ Tron. Bọn mình thanh toán tiền cho anh Sáu xong xuôi thì cũng tranh thủ trở lại nhà trọ nghỉ ngơi, lát nữa còn có bữa cơm chiều mình đã dặn trước ở quán cô Năm. Hôm nay cô Năm nấu cho tụi mình món canh chua, mực xào và thêm hai ký sò tộ nướng mỡ hành. Đã vậy cô còn khuyến mại thêm mỗi đứa một con sò quạ và một dĩa gỏi dưa leo trộn khô mực “ăn cho biết”. Tụi mình hỏi cô còn cơm cháy không thì cô vừa cười vừa thú thiệt: “Ai xin cơm cháy tui mừng lắm, tại không ăn đổ bỏ cũng vậy hà”. Nói xong cô đem ra nguyên một dĩa cơm cháy, còn tặng thêm một dĩa cá kho khô để bốn đứa ăn kèm cho ngon.
img_3990.jpg

Sò tộ nướng mỡ hành, một ký được mười mấy con
Bọn mình đánh chén xong xuôi, bước ra khỏi quán cô mà đi muốn không nổi. Vừa định ra cầu cảng hóng gió thì nghe có tiếng gọi từ quán nước mía gần đó. Thì ra là hai anh phụ tàu khi nãy rủ tụi mình vào ngồi chơi. Lúc này chắc cũng đã tỉnh rượu, hai anh đang đợi một nhóm khách du lịch thuê tàu anh Sáu đi câu mực vào ban đêm. Họ ngỏ lời rủ rê tụi mình đi chung nhưng vì vừa mới ăn no, mà lúc này trời bắt đầu thổi lại, sóng có vẻ còn dữ dội hơn ban sáng nên bọn mình cũng không hăng hái tham gia lắm, với lại một phần cũng ngại do mình đâu hỗ trợ được đoàn khách kia được gì mà đi cùng.

Ngồi nói chuyện với hai anh một chút nữa thì mới biết một anh quê gốc ở đây, còn anh bán cá chả quê ở Châu Đốc. Anh đi bán khắp nơi, hầu như tỉnh nào ở miền Tây cũng có dấu chân anh bước tới. Có lúc anh cũng bỏ lên Sài Gòn, Bình Dương tìm cơ hội nhưng công việc không được như ý nên đành quay lại nghề cũ. Anh tâm sự thà bán bánh mì cá chả để được đi đây đi đó chứ nhất quyết không ở nhà làm nông. Cha con anh ra Củ Tron này bán cũng mới tầm vài tháng trở lại đây thôi. Đúng thật là một người có máu phiêu lưu thứ thiệt.

Anh còn lại là dân chính gốc Củ Tron. Anh nói đùa: “Đang học lớp một thì cô giáo chết nên thôi học từ đó”. Mình hỏi anh từ đây lên hải đăng Nam Du có xa không thì anh nói xa lắc, sức anh đi tầm hai tiếng mới tới. Anh nói mấy người trên đó cũng siêng xuống dưới này chơi lắm, do trên đó ngoài đồn biên phòng và trạm hải đăng ra thì cũng không còn ai. “Công nhận ai gan không sợ ma mới dám ban đêm ban hôm lội xuống đây chơi được”, anh cười.

“Hồi trước bão Số 5 biển ăn sát vàotận chân núi, sau cơn bão người ta cho xây bờ kè mới được như vầy”, anh nói với một giọng trầm ngâm. Mình hỏi anh hồi đó bão chắc dữ dội lắm phải không. “Bão hả? Lúc nó vô đây đâu có ai dám ra khỏi nhà đâu, ra là bị mấy tấm thiết bay trúng cắt cổ chết như chơi”. Anh giải thích thêm: “Hồi đó đâu được như bây giờ, bão lớn vô không tàu nào ngờ tới, cũng có ai trang bị phương tiện liên lạc gì đâu nên thiếu thông tin. Vùng biển này trước giờ vốn êm, quanh năm suốt tháng không có bão bùng gì hết nên người ta không phòng bị gì. Bão lần đó chết nhiều lắm”.

Anh nói chính xác vô cùng. Miền Tây mình xưa nay làm gì có bão lớn bao giờ. Vùng đất này có lẽ là nơi được thiên nhiên ưu đã nhiều nhất Việt Nam. Trên bờ thì ruộng vườn xanh tốt, còn dưới biển thì cá tôm đầy đàn. Rồi đùng một cái, bão Số 5 quét qua theo một cách mà không ai có thể ngờ tới. Lúc đấy Kiên Giang và Cà Mau chịu thiệt hại nặng nề nhất bởi đây là hai tỉnh có đội tàu đánh cá lớn nhất nhì ở miền Tây. Không biết bao nhiêu con tàu cùng bao nhiêu sinh mạng con người đã vĩnh viễn nằm lại ngư trường Minh Hải – Kiên Giang này. Thiên nhiên cho con người rất nhiều điều, mà cũng lấy từ con người không ít thứ.

Bốn đứa ngồi tán dóc với hai anh một hồi lâu thì lát sau hai người phụ tàu còn lại chạy xe tới, khách chuẩn bị khởi hành nên họ phải ra cầu cảng chuẩn bị trước. Anh bán cá chả sau khi nhờ cha đặt vé về cho bọn mình vào ngày mai xong thì cũng cùng mọi người ra khơi. Tụi mình còn ngồi đấy thêm một chút nữa, ngắm trời đêm, nghe sóng vỗ và đón gió mát từ biển thổi vào.

Thật lạ là ở bãi Chệt này càng về đêm cuộc sống lại càng nhộn nhịp. Mấy quán cà phê ở đây quán nào cũng đông kín người đến nói chuyện rôm rả hay tụ tập xem bóng đá. Người ta hát Karaoke tới hơn nửa đêm mới chịu nghỉ. Thậm chí đến tận khuya khi đã nằm ngủ trong nhà trọ rồi mình vẫn còn nghe thấy tiếng người chạy xe máy qua lại trước cửa liên tục. Thật khó mà hình dung được hòn đảo nghèo nằm tận ngoài vịnh Thái Lan xa xôi này người ta lại có thói quen sinh hoạt thâu đêm như vậy.
img_4014.jpg
Bãi Chệt nhìn từ trên cao​
Sáng hôm sau bọn mình dậy sớm để lên hải đăng Nam Du. Ban đầu cả bọn định bụng sẽ cuốc bộ để vừa tập thể dục vừa ngắm cảnh, nhưng khi chợt nhớ tới lời của anh phụ tàu đêm qua thì lại thấy hơi ái ngại, vì lỡ nếu về không kịp là phải đợi qua ngày hôm sau mới có tàu về lại đất liền. Thế là mọi người quyết định sẽ đi xe ôm lên hải đăng, còn lượt về sẽ dành cho việc đi bộ.
img_4001.jpg
Hải đăng Nam Du nằm trên đỉnh hòn Củ Tron. Cạnh hải đăng là một đồn biên phòng túc trực. Bọn mình vào lớ ngớ thế nào mà các anh bộ đội kêu lại uống nước trà hỏi chuyện. Mọi người ai cũng vui tính, bởi lẽ ngoài các anh ra thì chỉ có khách du lịch mới chịu khó leo đến tận đây tham quan. Bọn mình đi loanh quanh rồi xin phép leo lên ngọn hải đăng gần đó để ngắm cảnh. Từ ngọn hải đăng này có thể phóng tầm mắt bao quát hết tất cả các đảo lớn nhỏ của quần đảo Nam Du. Chưa bao giờ thấy biển đảo quê hương lại hùng vĩ và đẹp đến vậy.
img_4016.jpg

Biển bạc
Loanh quanh trên ngọn hải đăng được một lúc lâu thì bọn mình phải quay về để chuẩn bị cho kịp chuyến tàu trưa. Đường về dốc xuống nên không tốn nhiều sức lực là mấy. Quả đúng như lời anh phụ tàu nói hôm qua, ai “nặng bóng vía” lắm mới dám gan ngay ban đêm ban hôm mò xuống bãi Chệt chơi. Vì từ ngọn hải đăng cho tới tận ngã ba rẽ xuống bãi Ngự hoàn toàn không có lấy bất kỳ một ngôi nhà nào. Dọc hai bên đường là đám cây rừng chằn chịt, lâu lâu lại nghe thấy những tiếng kêu kỳ khôi của con chim nào đấy. Nhiều đoạn cây cối đan cành vào nhau tạo thành một mái vòm che nắng cho con đường. Qua những đoạn ấy đang trưa mà vẫn thấy mát lạnh trong người. Xuống thấp một chút nữa thì chỉ toàn những dãy cỏ lau úa tàn kéo dài mấy trăm mét, mỗi lần có cơn gió thổi qua là ngọn lau lại dập dờn liên tục.
img_4035.jpg


img_4043.jpg
Tới ngã ba B và C về lại nhà nghỉ trước, còn mình và D rẽ xuống bãi Ngự để tham quan. Từ trên núi trông quang cảnh bãi Ngự cực kỳ ấn tượng với làn nước xanh ngắt cùng vô số tàu bè neo đậu. Mình đi qua đoạn đường bị nổ mìn hai hôm trước, thì ra bãi Ngự nằm cạnh con đường này. Nghe nói ngày xưa vua Gia Long khi chạy nạn có ghé ngang qua đây, đó cũng là lý do giải thích cho cái tên hiện tại của nó. Hình như bất kỳ thứ gì liên quan đến hoặc dành cho vua chúa thì đều có chữ “Ngự” đi kèm: chuối Ngự, xoài Ngự, Ngự bào, giếng Ngự, v.v…
img_4096.jpg

Một vịnh nhỏ gần bãi Ngự
Ở hòn Củ Tron dân cư tập trung đông đúc nhất tại hai khu vực là bãi Chệt và bãi Ngự. Ngoài ra mình có biết thêm vài bãi khác là bãi Nhum, bãi Đá Đỏ và bãi Cây Mến, trong đó bãi Cây Mến do chỉ có một nhà dân nên còn sạch sẽ, bãi Nhum và bãi Đá Đỏ mình chưa kịp tới nên chưa biết, hai bãi còn lại đều rất nhiều rác. Cũng không thể trách được người dân do trên đảo vẫn chưa có bất kỳ một nhà máy xử lý rác thải nào. Tại nơi mà nguồn điện và nguồn nước sạch vẫn còn thiếu hụt thì các vấn đề khác chưa phải là vấn đề đáng để bàn bạc.
img_4087.jpg

Toàn cảnh bãi Ngự
Trưa hôm đó bọn mình lên tàu cao tốc quay về đất liền. Tạm biệt Nam Du mà lòng ai cũng ngậm ngùi vì chẳng biết đến bao giờ mới có lại có dịp ghé thăm những hòn đảo xinh đẹp ở biển trời Tây Nam này một lần nữa.

Mà thật ra lúc này cũng chỉ có BCD về lại Rạch Giá. Còn mình? Mình đã quyết định sẽ ghé lại hòn Sơn vài ngày. Sài Gòn đang hãy còn nóng, mà mình thì cũng hãy còn sung sức…
 
Holy crap!!!! Biển của Việt Nam thì quá đẹp rồi :|
Bác @soiphieudieu ơi cho em xin 3 bức ảnh nhé. 1 bức 2 anh em bán ốc - 1 bức cái nhà hớt tóc. Nhìn nghệ thuật chết đc. Tiệm hớt tóc mà tấm gương bị bể hơn một nữa. - 1 bức các cái chòi lá tạm bợ bên bờ biển huyền ảo!!!

Khi nào bác đi tiếp cho em đi với ạ :D Hự hự ... hoãn mọi chuyến đi!
 
Đẹp và hoang sơ quá . Thank bác đã chia sẻ những thông tin quý giá . Nhất định năm nay phải vào Nam Du 1 chuyến . Con đường cỏ lau đó đẹp thật .
 
nhóm 4 đứa tụi mình chi phí là 2 triệu 1 đứa nhé. Bao gồm tiền vé xe SG-RG đi và về, tiền tàu cao tốc đi và về, tiền thuê tàu đi các đảo, tiền thuê xe máy trên hòn Củ Tron, tiền nhà nghỉ và tiền ăn uống thả ga.
 
Gió cũng dag định trở lại Nam Du đây , chi phí trọn gói tính ra 1 ng chắc tầm 1tr5 thôi ,vì có quen nhìu nên chỉ chọn những phương án rẻ nhất .
Mình tính sơ sơ chi phí tùy theo phương án bạn chọn :
1.Nếu đi chi phí tự túc :
tiền xe SG-RG khứ hồi ~400k
Tiền tàu cao tốc khứ hồi ~ 400k
Tiền thuê 1 tàu đi tham quan : 1tr2- 1tr5 ( tàu chở được khoảng 10-12 người)
Thuê tàu câu mực giá 1tr6 1 đêm
Tiền thuê phòng tại hòn lớn 1 ngày 120-150k
Tiền ăn uống nọ kia : tùy bạn ăn gì và nhưng hải sản thì rẻ va tươi (ăn uống 3 ngày thả ga hải sản thì 1 ng ~ 600k)
2. Chi phí đi trọn gói home stay 3 ngày
-tiền xe SG-RG khứ hồi ~400k
Tiền tàu cao tốc khứ hồi ~ 400k
- Tiền trọn gói ăn ở (ăn cơm canh cơ bản chưa có hải sản) , đưa đi các đảo tham quan, cung cấp xe ,xăng, đưa đi câu mực ...trong 3 ngày là : 1tr6 / người
- Tiền mua hải sản riêng : tùy bạn
3. Đi dạng phượt balo cắm trại ngủ lều
- Xăng : 300k (SG-RG)
- Tàu khứ hồi Nam du RG : 200k
- Ngủ lều ,cám trại tại các hòn : 0 k
- Thuê tàu tham quan : 500k ( chủ tàu lặn biển săn cá cho mình ăn ,bao ăn hải sản)
- Tiền cơm nước 1 bữa 4 người ~ 50-60k
- Tien thuê tàu câu mực bao ăn : 1tr 1 nhóm (cái nay tùy nhóm nếu thích thì đi)
- Tien thuê xe ôm lên hải đăng 70k 1 người đi và về
Một số thong tin cơ bản cho cac bạn tham khảo
 
Last edited:
Thật ra nếu đi tự túc thì cũng không tốn bao nhiêu tiền. Nếu tính từ Rạch Giá thì chi phí bao gồm:
- Vé tàu cao tốc: 210 ngàn một chuyến. Khứ hồi 420 ngàn
- Nhà nghỉ ở hòn Củ Tron: Mình ở nhà nghỉ Quang Nhi 60 ngàn/1 người (chỗ này anh Nhựt cho thuê nguyên căn tính theo đầu người)
- Thuê xe máy đi bãi Cây Mến: 130 ngàn/1 xe bao gồm tiền xăng. Thuê xe đi lên Hải Đăng là 70 ngàn/người. Tốt nhất là thuê xe máy của chủ nhà trọ để đi 2 địa điểm trong cùng 1 ngày cho đỡ tốn kém (lưu ý đường lên Hải Đăng khá dốc).
- Thuê tàu tham quan các đảo: Nêu thuê tàu lớn đi cho an toàn. Hôm mình đi thuê tàu Duy Tân là một triệu sáu một ngày (tàu chở được khoảng mười mấy người)
- Ăn uống: Nếu có đem theo dụng cụ thì mua hải sản về tự tay chế biến là rẻ nhất, không thì ra quán cô Năm Nương ăn bao ngon và no: Phần 2 món giá 40 ngàn, 3 món là 50 ngàn.
Những ai thích đi ít người như mình thì tốt nhất nên đi với đoàn 4 người cho đỡ tốn kém tiền thuê tàu đi các đảo :D
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
36,716
Bài viết
1,135,917
Members
192,472
Latest member
thienthu3545
Back
Top