What's new

[Chia sẻ] Oman-Kazakhstan: vừa đổ xăng, vừa chạy loạn, vừa bập bẹ Ả Rập lẫn tiếng Nga

Cuối tháng 9 vừa qua, để tái khởi động sau đại dịch em đã có một chuyến hành trình mở màn khá là trắc trở trong tình hình ngành du lịch quốc tế vẫn đang dặt dẹo phục hồi. Mấy bữa nay cả thế giới đang hướng về Trung Đông nơi có FIFA World Cup tốn kém nhiều tiền của và nhân mạng nhất trong lịch sử, nên em thiết nghĩ viết bài chia sẻ về chuyến đi đến khu vực này cho hoà chung không khí thời sự. Sau khi đi về thì em cũng đã viết một số bài trên báo, Facebook rồi website nhưng thực sự không phương tiện nào tạo cảm giác thoải mái và thân quen như viết trên Phượt được. Vì thế bài viết này em viết theo dòng thời gian, trên đường thấy gì ghi nấy theo phương pháp truyền thống để mọi người cùng đọc và bình luận như thường lệ.

World Cup thì em đã đi 4 năm trước ở Nga rồi nên không có nhu cầu đi tiếp, nhất là nó lại ở Qatar, một nước mà chỗ ở cho khách đi xem bóng đá còn không đủ nói gì đến các điểm tham quan du lịch. Vì thế em đi từ cuối tháng 9 đến giữa tháng 10 để đỡ đông khách hơn. Chuyến đi này phải đổi lịch trình đến mấy bận, cũng nhiều phen mất ngủ vì lo vé lo visa lo chỗ ăn chỗ ở nhưng mà đi du lịch tự túc thì đó cũng là chuyện thường tình, chỉ có điều mình bỗng nhận ra thế giới này vẫn đang bất ổn vô cùng, và thấy may mắn khi mình sống sót qua đại dịch và vẫn có việc làm để mà cầm tiền đi sống vội. Kết quả của những sự phát sinh này là dẫn đến em đi qua 6 nước: Malaysia - Oman - UAE - Kazakhstan - Kyrgyzstan - Thái Lan, không tính thêm Dubai, Bali chỉ transit trong sân bay. Thú vị ở chỗ đa phần các nước này đều là các nước Hồi giáo và dầu mỏ cứ múc lên mà bán nhưng không đâu giống đâu, thậm chí một trời một vực để thấy rằng thế giới nói chung và thế giới Hồi giáo nói riêng đa dạng vô cùng.

Nếu chỉ có 2 mạng như trước giờ vẫn đi thì không quá khó nhưng lần này vác theo thằng con 3 tuổi nên cường độ chật vật tăng lên khá nhiều. Ngày về đến Úc trời mưa xuân tầm tã mà đứng trong phòng khách sạn nhìn ra phấn khởi vô cùng vì đã về đến nơi không sứt mẻ gì, kể cả hai kiện hành lý!

IMG_4733.jpg

Biển điện tử chào mừng đến Oman sau khi đã nhập cảnh thành công! Qua cánh cửa này là đặt chân lên bán đảo Ả Rập huyền bí.


IMG_4734.jpg

Không khí World Cup đã rộn ràng, ngay cả ở các nước lân cận Qatar. Các bác Qatar chơi lớn khiến anh em Trung Đông đều được mở mày mở mặt và tranh thủ đợt này mở toang cửa đón khách du lịch, nước nào cũng có visa World Cup kể cả Ả Rập Xê-út (Ả Rập Saudi) nghìn năm đóng cửa.
 
1. Chưa đi đã nướng tiền nghìn

Hai nước chính trong hành trình này là Oman và Kazakhstan, các nước còn lại chỉ là nhập cảnh một đêm để cưỡi ngựa xem hoa và nghỉ ngơi quá cảnh. Chắc chắn sẽ có bác muốn hỏi là tại sao em lại có cái lịch trình kì lạ như vậy vì kết hợp hai nước chẳng liên quan là Oman và Kazakhstan. Thực ra là sau gần 3 năm dịch giã, nhà em cũng muốn làm một chuyến hoành tráng, đi Thổ Nhĩ Kỳ và Iran 1 tháng nhưng xong nghĩ lại, thấy lôi thằng con đi ăn kebab ròng rã như vậy sẽ bị xã hội lên án, nên đành rút lại đi một nước nhẹ đô là Oman và một nước nặng đô hơn là Iran trong 2 tuần rưỡi.

Việc đi Iran là mục tiêu đã chuẩn bị vô cùng kỹ lưỡng cả mấy năm nay rồi, em đã dành 2 năm đại dịch để ngồi đọc hết các bài cả Tây lẫn Ta, và thấy tiền rial xuống còn bằng nửa tiền đồng thì phải tranh thủ quất. Em có tay đồng nghiệp cũ là người Iran nhưng cũng đã thành Iran kiều sau mười mấy năm xa xứ. Gửi hồ sơ visa đến Đại sứ quán Iran xong thì mới nhấc máy gọi điện thông báo cho ông bạn. Tay này kinh ngạc vì nghe thấy có người đi du lịch Iran, lại vác cả vợ con theo, càng không tin Iran có cấp visa du lịch. Mình bảo là ông lạc hậu quá rồi, người ta đi Iran đầy, ảnh chụp đẹp lắm.

Iran Visa.png

Visa tuy là e-visa khai hồ sơ trên mạng nhưng vẫn phải nộp các giấy tờ gửi đến Đại sứ quán Iran ở Canberra. Phí visa là 138 đô Úc một mạng, phí bảo hiểm y tế 25 đô Úc một đầu và tiền séc + thư bảo đảm 20 đô nữa. Đứt đuôi con nòng nọc 500 AUD.

Gửi hồ sơ đi ngày 12/8 thì ngày 29/8 có visa về email. Nhanh hơn vài ngày so với trang web Đại sứ quán ghi là 14 ngày làm việc. Có điều xin đi 14 ngày thì cho đúng 14 ngày chứ không phải hạn 30 ngày như mọi người thường được trước Covid. Có visa thì mình hí hửng gửi cho tay bạn Iran kiều. Buổi tối thì chị vợ hắn gọi điện như hỏi cung: Đi đâu? Làm gì? Tại sao đi? Mang bao nhiêu tiền? Mình lại tưởng chị này làm thêm ngoài giờ cho Vệ binh Cách mạng nhưng hoá ra là anh chị lo cho nhà mình. Không phải lo chuyện an toàn, vì cả mình và họ đều biết Iran an toàn, người dân thân thiện nhất Trung Đông mà chị lo chính quyền quan liêu nó hạch sách làm mất hình ảnh đất nước chị.

Ngoài việc rà soát lịch trình, chị điều động cả họ hàng nội ngoại hai bên, người thì sẵn sàng ra sân bay, trải thảm Ba Tư đón, người thì đưa thẻ nội địa cho tiêu, người dẫn đi mua thảm, người đặt vé máy bay... dù em chối đây đẩy là không cần. Vừa buồn cười vừa ấm lòng với sự hiếu khách của người Iran.

Vì Iran là điểm chính nên Oman chỉ dự kiến 4 ngày. Tuy nhiên nếu muốn vào Iran miền bắc và ra khỏi Iran miền Nam, hay vào ra Iran nói chung để sang nước tiếp theo chỉ có 3 nước là Thổ Nhĩ Kỳ, UAE và Oman. Hai nước kia thì xin visa du lịch đều oái oăm, Thổ Nhĩ Kỳ thì visa (không rõ có) yêu cầu giấy mời, UAE thì bắt phải đi máy bay hai hãng Emirates và Etihad cắt cổ. Chỉ còn Oman vừa có hãng giá rẻ SalamAir rất hợp lý, visa lại nộp online dễ dàng và khá hấp dẫn vì còn ít khách du lịch.

Vì thế chiến lược mua vé là từ Úc sang Oman, sau đó từ Oman đi Iran, ngắt làm hai chặng để nhỡ visa trục trặc hay gì thì còn tách chặng được. Do có con nhỏ nên không muốn bay một mạch quá dài, lại muốn dừng chơi dọc đường và trải nghiệm nhiều hãng bay khác nhau nên em cố tình chọn mãi mới có vé như sau:
MEL (Australia) - DPS (Indonesia)/KUL (Malaysia) với Malindo Air/Batik Air
KUL (Malaysia) - MCT (Oman) với Oman Air
MCT (Oman) - BKK (Thái Lan) với Oman Air
BKK (Thái Lan) - MEL (Australia) với Thai Airways
MCT (Oman) - IKA (Iran) với SalamAir
SYZ (Shiraz) - MCT (Oman) với SalamAir

Oman Visa.png

E-Visa Oman yêu cầu hộ chiếu Việt Nam phải có visa một trong các nước: USA, UK, Canada, Úc, Nhật hoặc Schengen. Thời gian xử lý chỉ qua một đêm là có.

Visa Oman có 2 loại: 26M (nhập cảnh 1 lần, lưu trú 30 ngày, phí OMR 20) và 36M (nhập cảnh nhiều lần, lưu trú 30 ngày, thời hạn 1 năm, phí OMR 50). Thông thường thì ai cũng nộp loại 26M thôi vì Oman có gì mà chơi lắm, nhưng vì em còn bay về Oman từ Iran nữa nên đành nghiến răng chọn loại 36M. 1 rial Oman (OMR) = 60.000 VNĐ = 4 đô Úc!
Riêng quả visa này luộc của nhà em 600 AUD nữa. Thực ra cũng vì muốn tận dụng visa này để dùng Oman làm bàn đạp, đi nhiều nước Trung Đông khác do visa có hạn 1 năm.

Lưu ý rằng visa Oman phải dùng trong vòng 30 ngày kể từ ngày cấp (use by date) mà quy trình cấp của họ thì rất nhanh nên nhiều người nộp quá sớm trước khi đi thì chưa kịp đi visa đã hết hạn sử dụng. Khi nhập cảnh rồi thì thời hạn mới bắt đầu tính 30 ngày. Visa Iran cũng tương tự nhưng có hạn sử dụng là 3 tháng.

Thế nhưng người tính không bằng trời tính. Dân Iran thân thiện dễ mến quanh năm cho đến đúng.... cái đêm nhà em chuẩn bị khởi hành! Một ngày trước hôm đi thì báo chí bắt đầu rần rần tin biểu tình ở Iran do một thằng cha cảnh sát gạt trúng vào má làm chết một cô gái người Kurd đang bị tạm giam vì tội quấn khăn “lả lơi”. Đêm trước Đổi mới… à quên đêm trước khi ra sân bay thì vợ chồng lão bạn gọi:
– Đm, hay thôi nhà ông bà để khi khác đi Iran vậy.
– Iran biểu tình cả 5 năm nay rồi có hết đâu

Chị vợ sốt sắng nhảy vào:
– Nhưng mà lần này khác, thành bạo động rồi, cảnh sát nó múc dân giãy đành đạch ngay trên phố. Đại học Tehran gần chỗ ông bà đặt phòng là điểm nóng nhất, ngày trước tôi dạy ở đấy tôi biết.
– Thế nhà tôi tránh Tehran, đi Isfahan là chính vậy
– Isfahan còn nát hơn Tehran
– Yên tâm, nhà tôi đi nhiều rồi, sợ đếch gì, cứ trùm khăn che tai là được
– Thế thì ông bà cầm lấy số máy bàn này của ông già tôi, sang đến nơi thì tìm bốt điện thoại công cộng mà gọi, nó cắt sóng di động rồi, chắc sẽ cắt internet đến nơi thôi, Whatsapp các kiểu bị chặn rồi.

SalamAir ticket.png

Tấm thiệp mời trên bàn, thời gian địa điểm rõ ràng... mà cuối cùng đành phải hoá vàng

Hai vợ chồng mình đêm đấy như ngồi trên đống lửa, vừa tức vừa tiếc, cãi nhau chí choé, ông bà nội ngoại ở Việt Nam cũng nắm được tình hình, Zalo ting ting liên tục. Máy bay từ Úc hạ cánh xuống Malaysia thì hội nghị hai bên thống nhất được việc không đi Iran nữa vì còn thằng cháu quý hoá của các cụ, có gì các cụ làm thịt, vợ chồng son thì khác. Xung quanh Oman chỉ có mỗi Kazakhstan và Kyrgyzstan là miễn visa cho hộ chiếu xanh lá dong quyền lực. Vậy là chuyến này đi toàn những nước ngồi trên đống dầu và được Allah phù hộ.

“Ta nhất quyết xăng Ba Tư đắt hơn xăng Ka-dắc
Mường tượng rằng caviar Kazakh ngon hơn trứng cá muối Iran”
 
2. Treo Malindo bán thịt Batik

Dù trong lòng còn nặng trĩu kế hoạch đi Iran bị phá sản nhưng ra đến sân bay vẫn thấy rạo rực vô cùng. Thực ra thì sau khi Việt Nam mở cửa nhà em cũng đã về Việt Nam được một chuyến khá mĩ mãn rồi nhưng chủ yếu là giải quyết công việc và những tồn đọng suốt 2 năm dịch giã nên chẳng chơi được gì. Lần này mới thực sự là một chuyến đi nước ngoài đến những miền đất lạ, đúng không khí "ngày xưa". Tuy nhiên sân bay hoang vắng vô cùng, khách đi các hãng chủ yếu là về thăm quê, thăm gia đình, họ hàng. Dĩ nhiên khách Úc đi Indo và Malai cũng nhiều nhưng không ăn thua gì so với trước đây. Các nhà hàng quán ăn và cả cửa hiệu miễn thuế trong sân bay đóng cửa gần hết.

IMG_6280.JPG

Bồi hồi rung động đến quầy check-in

Có gì mà hồi hộp ạ? Bởi lẽ chuyến bay này có giá rất rẻ nhưng thông tin về nó thì khó kiếm vô cùng dù nó bay từ một nước có ngành hàng không và nghề quay Youtube/review chém gió chuyến bay trên mạng phát triển hàng nhất thế giới! Điểm đầu tiên là bay hãng nào? Vé mua trên mytrip.com ghi hãng là Malindo và code chuyến bay OD là của hãng này nhưng khi lên trang web của hãng thì nó ra Batik Air, nơi Malindo vừa sát nhập. Tra code PNR vé trên trang web của Malindo thì toàn báo lỗi, may sao sang trang của Oman Air tra thì nó lại ra nhưng vẫn lăn tăn thế nào.

Thứ hai là bay đi đâu? Vé ghi bay đi Kuala Lumpur nhưng nó lại có transit ở Denpasar Bali. Thế là bay kiểu gì? Bay kiểu xe đò các bác ạ. Từ Melbourne đến Bali sau đó thả bớt khách xuống và nhét thêm khách lên bay tiếp đi Kuala Lumpur. Thế đến Bali thì có phải xuống máy bay nhập cảnh không? Ông check-in ở Úc bảo là không, cứ ngồi yên trên máy bay 1 tiếng rồi đi tiếp. Nhưng cuối cùng đến Bali thì cả máy bay xuống hết còn trơ lại nhà em, đang tưởng mỗi nhà mình đi KUL thì tiếp viên lại nhắc: "Ơ cái nhà ông bà này không xuống à?". :LOL:

Tiếp theo là máy bay có màn hình gì xem và có gì ăn không? Cũng chính vì quá nhiều người có cùng những câu hỏi như em mà không thể nào liên lạc với cái hãng củ chuối à nhầm... quả sầu riêng này nên có hẳn một hội trên Facebook để mách nước cho nhau. Nghe đồn là đồ ăn trên máy bay bán hết rất nhanh nên không muốn nhịn đói thì mang thức ăn nguội đi hoặc đặt ăn trước. Vấn đề là cả email và điện thoại không ai trả lời bởi vì có quá nhiều người Úc đòi tiền hoàn vé từ năm Covid thứ nhất đến nay vẫn chưa nhận được.

Nhân đây chia sẻ luôn kinh nghiệm cho bác nào sẽ đi hãng này. Muốn liên lạc với họ chỉ có cách gọi số ở Malaysia
+603 - 7841 5388
Giờ hoạt động: 9.00 - 18.00 (GMT+8)
Email tốn công vô ích vì 2 tháng sau lúc mình về đến Úc rồi họ mới trả lời email!

Gọi cũng phải chờ tầm 15-20 phút thì có người nhấc máy. Đầu tiên là xác nhận PNR có tồn tại không, kinh nghiệm mua vé qua mấy trang trung gian là cứ phải thế cho chắc. Nhân viên xác nhận là PNR này đúng (dù không thể verify trên trang web Malindo - và vì thế cũng không thể tự mua suất ăn được). Tiếp theo là mua suất ăn. Họ hỏi mình muốn đặt ăn gì? Thế các anh có những món gì? Chúng em có mỗi món gà teriyaki thôi ạ!? Và anh cũng chỉ được đặt trước 1 suất thôi ạ! Hết 5.24 AUD.

IMG_3555.JPG

Món gà trứ danh mà các bạn Tây nói là không thể nuốt nổi

Thực ra để ăn lúc nóng thì cũng nuốt được, chỉ là không ra cái kiểu gì thôi. Trên máy bay mình mua thêm 2 suất nữa vì mình ngồi hàng ghế 20. Đội ngồi cuối hình như phải nhịn 6 tiếng sang đến Indo. Máy bay không có cái màn hình nào cả. Ai mang sách thì có cái đọc, Tây thì thường có phim tải sẵn trên điện thoại, ai không có gì thì ngủ.

IMG_6293.JPG

Gà gật mãi thì cũng sang đến sân bay Denpasar, Bali - thiên đường du lịch của người Úc

Sân bay tỉnh lẻ nhưng khá là hoành tráng, do lượng khách du lịch khá đông. Ai chuyển tiếp đi Kuala Lumpur thì bị lùa đi thành một hàng có người đón đầu, người bọc hậu. Họ thở phào vì thấy nhà em lóc cóc đi ra cuối cùng. Tất cả phải đi lên đi xuống cầu thang vòng vèo rồi cởi giầy cởi "tất", đưa hành lý kiểm tra an ninh. Em hỏi anh an ninh là đằng nào chúng tôi cũng đi Malaysia, không nhập cảnh Indonesia thì bắt chúng tôi xuống kiểm tra an ninh làm quái gì? "Ơ, tại quy định nó thế!". Đúng là biết đã về đến châu Á thân yêu! Sân bay thì to mà điều hoà thì tiết kiệm, nóng vkl!

Cuối cùng khi lên máy bay đi Malai lại lên đúng cái cửa vừa xuống và ngồi đúng chính xác cái ghế vừa ngồi từ Úc sang.
 
3. Một thoáng/tối Malay

Xuống đến sân bay Kuala Lumpur thì điều hoà mát lạnh, đúng khí chất của một nước đốt ga làm điện. Nhưng sân bay tĩnh lặng vô cùng so với trước đây khiến cái lạnh càng thêm lạnh lẽo. Đi mãi mới đến chỗ nhập cảnh thì bắt đầu thấy tiếng Việt lao xao khiến hơi âm ấm lòng. Ở tất cả các quầy, bất luận là Ấn hay Việt đều thấy hành khách, ngoài hộ chiếu thì còn cung kính đưa thêm một tập giấy A4. Thấy em nói tiếng Việt với con, bạn đằng trước quay lại hỏi: “Anh ơi, lấy hành lý chỗ nào ấy nhỉ?”. Bạn này có cái cờ dẫn tour của hướng dẫn viên du lịch nhét ở túi bên ba lô.
Mình thấy kỳ lạ nhưng vẫn trả lời:
– Hành lý ở phía sau, phải nhập cảnh đã mới lấy được em ạ
– Thế em bay tiếp đi Kathmandu thì cứ đưa vé máy bay cho họ để nhập cảnh lấy hành lý phải không ạ?
– Đúng rồi, nếu mà hành lý không đi thẳng điểm cuối.

IMG_3569.JPG

Chụp tại sân bay Kuala Lumpur. Cũng sánh vai với các cường quốc năm châu đấy chứ. Vietjet Air có hẳn một khu vực riêng ở giữa sân bay, trong quầy lấp ló cái cân Nhơn Hoà huyền thoại.

Bạn vào một quầy và nhà em vào một quầy. Cán bộ Immigration của Malaysia mặc đồ đen từ đầu đến chân, đeo dây xích bạc sáng loáng nhưng trông vẫn giống bảo vệ tiệm vàng thế nào ấy. Em đưa nhõn có 3 quyển hộ chiếu, anh này hơi ngạc nhiên nhưng vẫn hỏi:
– Anh đi đâu tiếp?
– Tôi đi Oman
– Vé?
– (Đưa tờ A4)
– Đặt phòng khách sạn?
– (Đưa thêm tờ A4)
Anh ra hiệu cho nhìn vào camera chụp ảnh. Thụp! Thụp! Thụp. Ba con dấu là vào.

Ở quầy bên cạnh, người ta đang hỏi một chị Việt Nam trung niên bằng tiếng Anh: “Chị đi Kathmandu làm gì?”, “Đi Kathmandu”, “Tôi hỏi là đi Kathmandu làm gì?”, “Đi Kathmandu”, “XXX, đi LÀM GÌ chứ có hỏi ĐI ĐÂU đâu?”, "À à à... du lịch”. Nhà em lấy xong hành lý ký gửi rồi thì cậu hướng dẫn viên và chị nọ vẫn chưa được vào. Cậu hướng dẫn viên xem chừng không được nhập cảnh, đang lấy điện thoại gọi, trong khi cả đoàn mặc đồng phục tour du lịch thì đã nhập cảnh đứng bên này!

Trước khi lên máy bay ở Úc thì các bạn tiếp viên không cho mình mang xe đẩy của thằng bé lên máy bay dù xe của mình là loại gấp siêu gọn nhét vừa khoang đựng hành lý xách tay. Các bạn bảo do máy bay của chúng em bé mà hàng của anh thì to, chịu không thấu nên anh cứ để em đem xuống khoang hàng, rồi đến Malaysia nhân viên sẽ đem lên tận cửa máy bay. Mình chịu thua nhưng thầm nghĩ làm gì có mùa xuân ấy. Lần trước nghe lời dụ dỗ của Bamboo đã phải bế con sã cánh ra đợi nhập cảnh ở Việt Nam rồi. Y như rằng xuống máy bay chẳng có cái xe nào cả, lại hùng hục vác thằng con đi cho nhanh. Đến khi hành lý ký gửi ra hết, hành lý quá khổ ra hết băng chuyền rồi vẫn chẳng thấy xe của mình đâu. Hỏi quầy hành lý thất lạc thì họ nhắn Whatsapp tí tách gì đấy một lúc: "À, xe đẩy của anh đang đợi anh ở cửa xuống máy bay ạ! Do nhà anh xuống nhanh quá nên xe đẩy chưa kịp lên. Giờ sẽ có người mang từ đấy ra đây, chắc phải đợi tầm 30 phút!!!"

Trong lúc đang chờ đợi, nghe mình nói tiếng Việt thì có một chị Việt Nam khác tiến lại gần mình hỏi: “Anh xem giúp em, hộ chiếu người này không biết ở đâu mà ghi nơi cấp là Oen-ling-tơn.” Chị đang ngồi ghế thì nhặt được một quyển hộ chiếu Việt Nam của ai bỏ quên. Hỏi ra thì không phải của đoàn khách tour kia. Mình thật thà:

– Rơi mất hộ chiếu thì chết rồi, còn đi đâu nữa, em đem nộp cho cảnh sát sân bay thôi.
– Không được anh ạ, giá mà rơi ở Mỹ hay châu Âu thì em nộp ngay chứ những nước thế này thì một là họ cũng kệ, hai là họ nghi ngờ thì còn rắc rối thêm cho bạn này. Em đang nhờ đại lý ở Việt Nam để tra thông tin của bạn này vì bay cùng chuyến với chúng em.
– Cái này thì hãng họ mới biết chứ đại lý làm sao tra được! Nhưng tra ra thì cũng liên lạc làm sao được vì số Việt Nam có gọi được đâu. Nếu có Zalo thì may ra.
– Nên em cứ đứng đây từ nãy giờ xem bạn ấy có quay lại không

Bạn ấy không quay lại và bạn hướng dẫn viên nói trên cũng không được vào.
IMG_3561.JPG

Mình tính đi tính lại thì quyết định ở khách sạn Sama-Sama Hotel cạnh sân bay. Khách sạn này vốn thuộc chuỗi Pan Pacific, chất lượng 5 sao (tiêu chuẩn châu Á) nhưng giá khá mềm, mua trên agoda giá 360 MYR. Cái tiện nhất là vì nó ở cạnh sân bay, có xe điện của khách sạn đón chứ thực ra ăn uống đắt, được cái có bể bơi nhìn thấy... đài kiểm soát không lưu vì nhà hàng nhìn ra sân đỗ máy bay vẫn chưa mở cửa lại.

Hỏi bạn tiếp viên trên máy bay thì bạn bảo phải đi chợ đêm Jalan Alor Bukit Bintang ăn mới đã. Cũng máu chiến tin lời người địa phương hướng dẫn thì nó ôi thôi là xa, ông Grab chạy con xe nội địa Malaysia mình chưa từng thấy bao giờ, đi lòng vòng vào phố mất hơn tiếng đồng hồ mới đến nơi. Chợ đêm đông kinh khủng, người đi nườm nượp trên vỉa hè, dưới lòng đường bốn phương tám hướng. Hàng ăn thì nhiều san sát đến mức không biết chọn quán nào trong khi chân tay thì bủn rủn ra vì đói rồi. Cuối cùng ngồi đại một hàng nửa Hoa nửa Mã vì thấy có món phụng trảo (chân gà hấp xì dầu). Chị bồi bàn trung tuổi bước ra, hỏi nhà mình từ đâu đến, bảo Việt Nam thế là chị nói "Đây cũng người Việt Nam đây", mà chị là người Việt gốc Hoa, đổi giữa tiếng Tiều, tiếng Anh với tiếng Việt nhoay nhoáy. Món phụng trảo thì ra lại của một xe bán đồ dim sum trước cửa nhà hàng nên phải trả tiền luôn, còn nhà hàng lại bán các món hải sản, một hình thức cộng sinh khiến khách không thể phân biệt được hàng nào với hàng nào vì nhân viên và bàn ghế đan xen lẫn nhau cả.
IMG_6320.JPG

Nhà em như mới từ trên núi xuống vì lâu lắm rồi không thấy nhiều người đến như thế. Phía xa thấy trùng trùng dân đi như sóng thì hãi. Nhìn ngó một lúc xong rồi líu ríu kéo nhau về vì nhỡ dính Covid thì bỏ bu, đường vẫn còn xa lắm.

Xăng 95 ở Malaysia chỉ có 2.05 MYR bằng 10.700 VNĐ do Nhà nước trợ giá. Mình bảo rẻ quá thì ông Grab bảo là xăng 98 không có trợ giá nên tăng bung cả trần. Nghe việc trợ giá xăng có vẻ rất hợp lý vì bảo vệ dân nghèo nhưng thực ra Nhà nước Malay phải nai lưng ra để gánh khoản trợ giá xăng này, dự kiến năm nay sẽ tiêu đến 80 tỉ MYR (18 tỉ USD). Tiền đấy lẽ ra có thể làm được bao nhiêu công trình khác. Quan trọng hơn việc xăng rẻ chỉ có lợi cho đa phần người thu nhập cao hơn trong xã hội (có xe riêng), nhất là các doanh nghiệp lớn hưởng lợi to trong khi thuế của dân lấy ra cào bằng. Các chính trị gia Malaysia biết nhưng vẫn làm bởi lợi ích của các doanh nghiệp sân sau là quá lớn dẫn đến Thủ tướng tham nhũng hàng tỉ đô đi tù, khủng hoảng chính trị hai năm qua và cuộc bầu cử mới nhất tháng 11 này đã đưa ông Anwar Ibrahim, một chính trị gia anh hùng đã bị các đồng đội tham nhũng của ông cho rũ tù hai lần vì tội "quan hệ đồng tính".

IMG_3573.JPG

Máy bay Oman Air đông nghịt hành khách. Oman Air đang gồng gánh ước mơ của Chính phủ Oman, muốn biến Muscat trở thành điểm trung chuyển mới ở Trung Đông, cạnh tranh với Dubai, Abu Dhabi, Sharjah, Doha. Muscat có lợi thế là gần Ấn Độ và Pakistan hơn. Vì vậy hiện nay mới có chính sách visa mở hơn cho khách transit và giá vé cũng mềm hơn. Hộ chiếu Việt Nam transit hơn 6 tiếng được lấy visa nhập cảnh 72 giờ.

Thế nhưng thủ tục check-in lâu vô cùng và đến khi vào phòng chờ thì vé của em lại báo lỗi không đi qua cửa quét cuối cùng được. Thôi thì thông cảm vì người ta chưa thấy khách Việt Nam đi du lịch Oman với visa hạn 1 năm bao giờ nên phải gọi đi gọi lại mãi, hình như gọi sang tận Oman.

IMG_3578.JPG

Bữa ăn của Oman Air toàn món ăn Malaysia, cả máy bay thơm nồng mùi... cà ri. Ăn cũng được trừ món xa-lát bún thì vừa mặn vừa chua.
 
4. Oman - lãng đãng hương trầm

IMG_3869.JPG

Sảnh đến của sân bay Muscat Oman

Bước xuống sân bay Muscat là một cảm giác dễ chịu. Không gian rộng rãi thoáng mát, hai bên băng tải đi bộ là đá cuội tiểu cảnh trong ánh đèn tim tím rất huyền ảo. Sân bay mới cứng, mọi thứ đều bóng lộn, sáng loáng từ phần inox bọc cột nhà, sàn đá granite, gỗ ốp trần, ghế gỗ, ghế kim loại, vách kính hay cả khung biển quảng cáo các cảnh đẹp ở Oman. Sân bay này mới khánh thành năm 2018, tiêu tốn 4,4 tỉ USD là dự án lớn nhất trong lịch sử Oman.

Sân bay có công suất giai đoạn 1 là 20 triệu hành khách trong khi sân bay cũ đã đang đón 17 triệu hành khách mà dân số cả nước chỉ có 4,5 triệu người. Vì thế sân bay chủ yếu phục vụ khách châu Âu transit qua Oman để đi châu Phi, châu Á và ngược lại. Ông sếp em có quen một ông sếp khác là Trưởng ban quản lý dự án ga hành khách sân bay Oman. Ông kia kể là một hôm các quan chức Oman gọi ông lên yêu cầu: "Tôi muốn sân bay phải có thác nước". Các ông BQL người Tây ngơ ngác và kịch liệt phản đối: "Tại sao lại phải có thác nước?". Đáp: "Không bàn nhiều, tôi thích có thác nước thì các ông phải làm thác nước!"

IMG_3594.JPG

...Và kết quả là thác nước dát vàng của các bác ấy đây

Một điều đáng gây chú ý hơn cả khi đi trong sân bay là mùi hương. Một mùi thơm khá quyến rũ, không phải hoá chất mà có cái hăng hắc, nồng nàn của thảo mộc. Người Trung Đông thường xịt nước hoa nồng nàn thì rõ rồi nhưng từ máy bay đi xuống làm gì có người Trung Đông nào. Cả không gian lãng đãng mùi hương trầm mặc này khiến không khí xung quanh bỗng toát lên chất Ả Rập một cách lạ thường trong khi thần kinh lại có một cảm giác thật thư thái. Khi đứng xếp hàng đợi nhập cảnh thì mình mới nhìn ra cái máy xông đang ra sức phun tinh dầu lên khắp không trung, tạo mùi thơm cho cả... sân bay. Thật là chưa từng thấy bao giờ, việc xịt nước hoa cao cấp cho cả sân bay mênh mông!

IMG_3875.JPG

Thầm nghĩ mình không bằng cái thùng rác các bác ạ vì thùng rác cũng được xịt nước thơm!

Khu nhập cảnh chia làm hai: một bên cho người có thẻ cư trú và một bên cho khách quốc tế, công dân Oman và các nước GCC vùng Vịnh chỉ có đúng 1 quầy riêng. Phía thẻ cư trú thì đông nghịt, chủ yếu là nhân dân tiểu lục địa Ấn Độ anh hùng và vợ con cha mẹ đi cùng. Có hàng đoàn người lao động đông đến hàng trăm đi vào cùng lúc.

Chà, chưa từng thấy ở đâu có cái quầy nhập cảnh đẹp như vậy. Quầy hình bầu dục (khác hình hộp thông thường), ốp gỗ vân và ốp hoa văn khắc trên những tấm thép trang trí mài nhẵn rất xịn. Chỗ ngăn cách hành khách đứng giữa hai quầy thôi mà cũng làm bằng một thanh đá màu vàng kem vân nâu đỏ, cong cong như chiếc ngà voi, hai đầu bịt inox.

IMG_3590.JPG

Khu vực nhập cảnh, nhìn về phía những người có thẻ cư trú và gia đình. Bên phải ảnh là máy xông tinh dầu.

Thế nhưng tốc độ xử lý hộ chiếu của các anh thì không mê được. Lúc đầu tưởng là do hộ chiếu nước ngoài cần kiểm tra kĩ nên lâu, nhưng nhìn sang hàng Oman & GCC có mỗi một bác mặc áo dài, đội vòng đen, vải phủ trắng toát, đúng đại gia Ả Rập, vẫn chờ mòn mỏi. Người ngồi trong quầy cũng nhìn lơ đãng ra khoảng không là đủ biết đúng hệt Việt Nam ta, vì máy tính nó tải chậm quá!

Một nhà chồng Tây (có visa lao động) và vợ châu Á cũng bị hỏi khá lâu, giấy A4 lôi ra cả cục. Trong quầy là các anh mặc quân phục màu nâu đất, đội mũ bê-rê đen, nhưng dường như quyền to hơn là ở mấy anh dân sự chắp tay sau đít đứng bên ngoài, mặc áo dishdasha trắng, quấn khăn rằn masar.

Đến lượt nhà em, sau cú sốc nhẹ đầu tiên khi nhìn thấy quốc huy nước ta, anh immigration mân mê một lúc rồi giở đi giở lại hết các trang (trắng trơn), anh bất thần giật mình tỉnh ra, hỏi:
– Người anh em, cậu đã đi Oman lần nào chưa?
– Chưa, chúng tớ là khách du lịch, lần đầu tiên mới đến Oman. Tớ có visa online của Oman loại 1 năm, nhập cảnh nhiều lần đây.

Anh trầm ngâm suy nghĩ mà không hỏi gì, nhìn nét mặt và hành động thì chắc là: tại sao hộ chiếu trắng trơn thế này (đại dịch 2 năm nay anh ạ), sao lại nhà này có visa nhập cảnh nhiều lần nhỉ (để tôi từ Iran về ông ạ), nước mình có cái quái gì mà du lịch 1 năm (chính sách của nước các ông cho thì tôi xin thế thôi).
– Người anh em, cậu có visa Schengen hay Mỹ không?
– Không, nhà tớ có visa nhập cảnh nhiều lần của Úc thôi
– Thế sao người anh em không có visa Úc trong hộ chiếu?
– Úc người ta không dán visa vào hộ chiếu 10 năm anh rồi người anh em. Đây, visa trên điện thoại.

Anh quay lưng lại và kêu một tiếng thật dõng dạc: “Việt Nammmmm” khiến cả sân bay nghe thấy. Anh ngúng nguẩy quay mông đi đến chỗ một người anh em khác giàu kinh nghiệm hơn. Khi quay lại, anh hỏi là có thẻ căn cước của Úc không? Úc không cấp thẻ căn cước (nước gì quái đản thế nhỉ? – anh nghĩ), có bằng lái xe thôi ạ. Thế thì dùng tạm. Anh cho bằng lái của hai vợ chồng lên máy quét, lần đầu tiên thấy nhập cảnh dùng bằng lái xe luôn!

Cầm con dấu lên rồi anh vẫn còn chần chừ:
– Thế người anh em có công ăn việc làm gì bên Úc không?
– Tớ làm XXX cho YYY của Úc ạ
Cuối cùng thì anh cũng chụp ảnh từng người và thụp cho 3 thụp. Hoá ra là vì em đi cả nhà, lại có visa 1 năm nhiều lần khiến họ sinh nghi là sang đi làm vì chưa từng thấy trường hợp như vậy bao giờ.

Ở quầy bên cạnh, anh cầm hộ chiếu tuyết tùng Li-băng vẫn đang ra sức vung tay giải thích.
Oman visa stamps.png

Buồn cười là lúc về lại gặp chính anh này đang ngồi huấn luyện cho một cậu trẻ măng. Anh mãi mới nhận ra nhà mình, còn mở hộ chiếu ra xem có đúng chữ viết tay không. Mà tức là mình dặn thế rồi, thằng em mới vào nghề nó lại tương ngay con dấu đè lên dấu visa. Lộn ruột!
 
5. Thuê xe tự lái

Một việc mà rất nhiều khách du lịch đến Oman được trải nghiệm là thuê xe tự lái. Oman có hệ thống đường nhựa rất tốt, xe cộ thưa vắng và quan trọng là bằng lái nước nào cũng vào lái bình thường, như bằng lái Úc của vợ chồng em không cần kẹp thêm gì. Một chi tiết nữa là trẻ con ở Oman phải ngồi ghế baby car seat như ở Úc nên em đoán rằng lái xe ở đây cũng khá an toàn vì tiêu chuẩn thế là cao rồi. Các điểm du lịch ở Oman cách nhau cũng khá xa, phương tiện công cộng không có, riêng thủ đô Muscat đã dài 40km chiều ngang thì không thuê xe cũng ốm. Bố em ngày xưa đi qua đấy đã bảo là taxi đắt đến mức không dám đi, nghe cũng hãi.

(Nói thêm về taxi thì cũng khá đắt, đi 7 km từ sân bay, đường thẳng tắp mà hết 6 OMR. Vì nghề lái taxi chỉ có dân Oman mới được làm. Đi rẻ hơn rất nhiều thì tải app Otaxi (nhớ chuyển vùng trong điện thoại thành Oman mới có app), 7-10 km chỉ hết 1.5 OMR. App này buồn cười ở chỗ là không có nút đặt điểm đến mà chỉ có nút gọi xe đến đón mình, lên xe rồi mới nói tài xế là đi đâu. Nên chọn khách sạn gần những điểm cần đi. Nếu chỉ transit thì nên ở gần sân bay.)

Có rất nhiều hãng cho thuê xe ở sân bay Muscat, cả quốc tế kiểu Hertz, Avis, Europcar cho đến các hãng nội địa chữ loằng ngoằng. Trước khi đi nhà em đặt xe của hãng InterRent ở sân bay Muscat vì thấy giá hợp lý. Nhưng dù đọc bao nhiêu review cũng không rõ cái văn phòng hãng này nằm chỗ nào, chỉ biết là có xe ở sân bay. Thôi thì nhắm mắt đưa chân. Nhập cảnh xong ra sảnh đến thì thấy hãng InterRent có một cái biển bé xinh… đặt trên quầy của Europcar! Được cái là thủ tục nhập cảnh lâu bao nhiêu thì thuê xe nhanh bấy nhiêu. Cô nhân viên ngồi quầy cười vui hỏi han và còn bảo: "Anh nhớ đi Nizwa nhé, đẹp lắm", làm mình lại nhảy số tanh tách trong đầu để nhét thêm Nizwa vào lịch trình. Bạn còn nói ngọt khiến em chấp nhận móc ra thêm 20 OMR mua bảo hiểm xe 4 ngày. Chỉ phải cái tiền đặt cọc xe khá chát: 150 OMR tính ra bằng 390 USD!

IMG_3598.JPG

Treo đầu InterRent, bán thịt Europcar

Được cái xe sedan mới cứng, bóng lộn, mới đi có 6000 cây số. Tất cả các xe cho thuê khác trông đều mới cóng như vậy. Ghế của trẻ con thì phải lắp thêm vào, trả thêm tiền thuê (6,3 OMR/ngày). Đi vòng vèo xuống đến tầng trệt lấy xe (vã mồ hôi hột vì ngoài trời 38 độ C!) thì bác giao xe đã lấy xe ra lối đi, bật sẵn điều hoà mát lạnh. Sau mới biết là bên này người ta đi vào siêu thị mua cái gì chẳng hạn, thì xe vẫn bật điều hoà chạy bình thường, không thì người chui vào xe dưới nắng sẽ thành kebab ngay.

IMG_3644.JPG

Xe thuê của hãng MG, xe thuê thì biển đỏ nên nhìn màu biển biết ngay ai là khách du lịch còn chặt chém phải không ạ? Nói đùa thế thôi chứ hoàn toàn không có chuyện giá cho khách nội địa và khách quốc tế khác nhau chút nào.

Em thuê giá 12,3 OMR/ngày thì giới hạn đi 250km/ngày, đi hơn thì phải trả thêm tiền trên cây số. Như vậy 4 ngày thì đi được 1000km, lúc đầu còn nghĩ sao đi hết được, thế mà đến lúc trả xe còn thiếu có 50 chục cây nữa là tròn 1000. Oman lái xe bên phải và người đi đường nhìn chung khá lịch sự, tuân thủ luật giao thông và mình có chen làn xếp đèn đỏ thì người ta cũng nhường cho đi.

IMG_4735.JPG

Đường từ sân bay về thành phố 6 làn thẳng tắp, lác đác vài chiếc xe, hai bên có trồng cây xanh còn nhìn đằng xa chỉ thấy đất trống đồi trọc núi đá và nhà cửa trắng phau phau.

Việc đầu tiên sau khi nhận xe và loạng choạng lái ra đường là đi đổ xăng. Sướng nhất là xăng rẻ, của nhà giồng được mà, xăng 91 là 0,229 OMR, nên một lít xăng là 13.740 VNĐ. Cứ múc tẹt ga mà vít phải không các bác? Lúc đầu em cứ nghĩ như lời đồn rằng mấy nước dầu mỏ này thì xăng rẻ hơn nước lã định mua xăng về gội đầu cho tiết kiệm, nhưng mà xem nước đóng chai trong siêu thị chỉ có 0.08 OMR một lít nên mới biết khủng hoảng kinh tế đến nơi rồi, xăng thế này vẫn đắt quá. Iran xăng có 5 cent Mỹ (1200 VNĐ) một lít thôi.

IMG_3605.JPG

Đang ở Úc đổ xăng 30.000 VNĐ/lit quen tay, sang đây thấy rẻ quá đâm ra cứ nhẩm mãi tưởng sai tiền

IMG_6393.JPG

Do chương trình ban đầu chỉ định transit lượt đi 1 đêm nên đặt khách sạn Novotel gần sân bay. Tuy gần nhưng cũng là 10 cây số. Khách sạn cũng không quá đắt so với Novotel, tầm 45 USD bao ăn sáng (đặt trên Accor), khách sạn bình dân khác trong thành phố tầm 35 USD (không có loại rẻ hơn) .
 
6. Chết đuối vớ được Wizz Air và visa UAE

Mình ngồi trong khách sạn để tìm vé máy bay. Ngoài cửa sổ là muôn trùng núi đá dưới nắng chói chang và trăm ngàn ngôi nhà hình hộp trắng muốt xếp cạnh nhau như trong truyện cổ Ả Rập; trên tivi, tổng thống Raisi mới đi New York chửi Mỹ về đang gân cổ uý lạo dân chúng còn cảnh sau là lửa bập bùng cắc cùm cum trên đường phố Shiraz. Hãng SalamAir có cho hoàn vé nhưng mà hoàn bằng... voucher hạn dùng một năm, sau khi trừ phí đi thì thu về được (voucher) 300 USD mà không biết bao giờ mới dùng được tiếp. Thế là mới ngày thứ 2 của chuyến đi đã lo chạy loạn, xoay xở tìm đường đi tiếp.

IMG_3600.JPG

Raisi là người thuộc phe thần quyền bảo thủ, là thành viên của Hội đồng Chuyên gia, tương tự như Trung Ương Đảng của ta, nơi bầu ra Giáo Chủ (Lãnh tụ tối cao). Giang hồ cho rằng Raisi sẽ là người kế vị Khamenei làm Lãnh tụ tối cao vì thế dẹp yên cuộc biểu tình năm nay là thử thách lớn đầu tiên với Hắc y giáo chủ này.

Vấn đề là không có đường bay từ Oman đi Kazakhstan, kiểu gì cũng phải quá cảnh UAE. Các hãng Emirates và Etihad có vẻ vẫn như vừa loạng choạng đứng dậy sau cơn dịch thập tử nhất sinh nên ghế thì không nhiều mà giá cao chót vót. Cuối cùng một anh hùng xuất hiện, 2 người lớn 1 trẻ con, bay sang Astana (6 tiếng) cả hành lý, cả thuế phí mới có 400 USD. Đó là hãng Wizz Air.

Thế nhưng anh hùng nào mà chả có tật, mỡ đấy mà húp: phải self-transfer ở Abu Dhabi. Vé tìm trên Skyscanner ghi rõ là phải self-transfer, vào tiếp Mytrip còn ghi là: “cậu có vẻ rẻ vl như vậy là do bọn tớ mua hai vé cọc cạch ghép vào nhau đấy”, tức là Muscat (MCT) – Abu Dhabi (AUH) và Abu Dhabi (AUH) – Astana (NQZ). Em lẩm bẩm thế quái nào mà vé của cùng một hãng lại không cho hành lý đi thẳng đến điểm cuối được. Mà không chỉ hành lý, phải nhập cảnh để đến quầy check-in lấy boarding pass cho chuyến Astana nữa. Ai cũng biết là bay Etihad hay Emirates thì họ sẽ lo visa UAE không vấn đề gì, nhưng đây lại là hãng Wizz củ chuối này. Vào trang web của hãng thì không có vé MCT đi NQZ, phải mua lẻ từng chặng thì lại có (!?).

Em gọi số tổng đài của hãng hàng không, đợi tầm 10 phút thì có một anh nghe máy, accent nặng trịch hơn cả Nga (thực ra là giọng Hungary). Anh mới nghe qua đã bảo “Ok ok, hành lý đi thẳng chứ, cứ bay không vấn đề gì.” Em thấy mùi đ’ tin được, nên phải lấy ví dụ: tôi bay từ London đi Budapest, sau đấy lại bay Budapest đi Paris thì hành lý có đi thẳng được từ London đi Paris không? “À, à không nhé, hãng khác thì được chứ hãng Wizz Air của tớ thì không nhé, phải nhập cảnh Budapest để lấy hành lý và check-in cho chuyến Paris”. Thế thì chỉ còn cách lấy visa UAE, chẳng nhẽ phải thuê agent nộp visa!?

Wizz Air AUH-NQZ.png

Thao tác nộp visa UAE rất đơn giản dễ hiểu, cần có ảnh trang thông tin hộ chiếu và ảnh thẻ (rất may là hai món hàng này đã thủ sẵn để dọc đường thỉnh kỉnh tuỳ cơ ứng biến). Còn phần vé máy bay chỉ đính kèm mỗi cái ảnh chụp màn hình vé máy bay vì hãng siêu nhân/rẻ này còn không có cả file pdf vé như các hãng thường.

Rất may là nhân dân Ấn Độ anh hùng ngoài dạy đại số tuyến tính trên Youtube, còn chia sẻ nhiều kinh nghiệm trên Tripadvisor. Có anh mách nước một mẹo rất hay là cứ vào trang xin visa của hãng Etihad, điềm nhiên như mình nhiều tiền đi hãng này, rồi quất con vé giá rẻ với đặt phòng khách sạn của mình vào là xong. Thế là mình mua vé trước khi có visa, “Liều thân, thì cũng phải liều thế thôi!”. Sau đó em nộp loại visa UAE 48h, loại này miễn phí và bắt buộc phải nộp vé máy bay. Loại này oái oăm ở chỗ phải quá cảnh 8 tiếng trở lên, lẽ ra trong ngày em có thể bay đi Astana luôn (cách nhau 5 tiếng) nhưng sợ trượt vs thế là em đành mua vé bay Astana ngày hôm sau cho chắc. Thôi thì vào Abu Dhabi coi nó ra răng.

Em nộp lúc 12h đêm thì lúc 2h sáng dậy đi toilet thấy email trên điện thoại báo thị thực của hai vợ chồng đã về làng. Riêng thằng con thì có yêu cầu phải bổ sung visa du lịch của bố hoặc mẹ và giấy khai sinh. Giấy khai sinh thì đã tải lúc đầu rồi, giờ đào đâu ra visa du lịch, em nộp thêm thị thực của bố vừa được cấp rồi submit. Sáng ra dậy đi tè lần nữa thì thấy nốt của thằng cún đã về. Trên có ghi rõ đơn vị bảo lãnh là hãng Etihad, thế mới tài tình! Vậy là giắt visa vào cạp quần, nhà em ung dung ra phi trường.

UAE Visa.png

Visa UAE của Abu Dhabi cấp. Các anh ngủ ngày cày đêm, làm việc thần tốc vậy nhẽ nào chả tiến bộ nhất vùng Vịnh! Lưu ý là khi vào trang kiểm tra visa có một nút nhỏ ở bên tay phải với chữ Actions, bấm vào đấy thì mới có bản pdf của visa.

À mà bay là chuyện mấy hôm nữa. Bây giờ phải kiếm cái gì bỏ bụng đã.
 
Last edited:
7. Bún bò Muscat

Bữa đầu tiên mà nhà em ăn ở Oman thực ra lại là… bún. Tìm trên Google Maps thì không thấy có quán Việt Nam nào ở Oman nhưng rồi lang thang trên mạng, tình cờ lại thấy có một người quảng cáo bán bún phở và trà sữa mà chẳng thấy địa chỉ quán. Sang đến nơi mới biết ở Muscat làm gì có địa chỉ, nhà có số nhưng phố không tên, thế mà các bác lái xe vẫn tìm ra lối mới tài. Chị chủ quán gửi cho toạ độ quán trên Whatsapp thế là liền phóng xe tới vì cũng không quá xa, coi như mình cũng đã dự phần vào công cuộc khai hoá văn minh Viễn Đông ở xứ này!

IMG_3607.JPG

Tên quán rất dễ hiểu dễ nhớ :ROFLMAO:

Hỏi nhị vị chủ quán là sao không đặt tên có chữ Việt Nam cho dễ tìm, tên thế này ngang đánh đố. Câu trả lời rằng để thêm hai chữ “Việt Nam” hay chữ “Nhà hàng” lại mất 5000 USD chạy giấy tờ, vả lại để là quán cà phê thì... đỡ bị chính quyền kiểm tra thường xuyên! Đúng là để ý ngoài đường thì thấy hằng hà sa số quán đều ghi là Coffee Shop nhưng trong thì bán từ bún tom yum đến thịt kho adobo vậy. Thế quán hôm nay có món gì? Dịch giã khó khăn, quán chỉ có hai món là bún bò và chả nem. Lúc sau có một đôi người Việt nữa cũng vào quán, nữ Bắc nam Nam, kêu lên: “Kiểu *** gì mà ngày nào cũng chỉ có hai món này vậy shop?”

Tuy gọi là bún bò, có sa tế rất cay ăn kèm nhưng nước dùng và thịt thì nấu kiểu phở. Vì không có bánh phở nên luộc bún khô thành sợi bún tươi thay thế. Chiêu này thì bọn tớ còn lạ gì, cuối tuần nào chẳng dùng! Nhưng quán không có cơm, vì thế ông con được ăn ké cơm và canh rau mùng tơi của cháu bác chủ quán. Anh chị trước ở Qatar, rồi sang Dubai, giờ sang đây lập nghiệp vì người Việt bên này còn ít. “Bên này nó vẫn còn đang phát triển, phố xá không bằng Hà Nội” Anh, một công nhân từng đêm đêm xây sân vận động World Cup, bảo thế.

O_K Bài 6 (2).JPG

Bún bò, chả nem và canh rau mùng tơi ở Muscat

Cô em gái đang đút cơm mùng tơi cho con nói: “Em ở bên Dubai. Hôm nay bay sang đây chơi. Bình thường em lái xe mà lần này lười nên hai mẹ con đi máy bay.” Bữa ăn này cũng là bữa đắt nhất trong suốt chuyến đi Oman (11 OMR) thế mà anh chị chủ bảo khách Tây vẫn mò được đến ăn đông lắm. Bọn Tây quả thực là ma mọi, không hang cùng ngõ hẻm nào không biết! Tiền em còn chưa kịp đổi, có đồng 20 đô Mỹ đưa cho đôi còn lại trong quán đổi vì thấy chị có bán SIM điện thoại. Ông anh thì chỉ cho cách cài Tomato VPN để vượt tường lửa vào Zalo. Facebook thì không bị chặn nhưng chầm chậm tà tà, còn Messenger lại bị chặn, tức là các app nhắn tin gọi điện qua mạng bị bọn nhà mạng nó chặn để bắt dân dùng dịch vụ điện thoại đường dài của nó.

Từ quán này đi ra một khu trung tâm thương mại rất gần. Trung tâm này có IKEA (Hà Nội có IKEA không?) và đủ loại cửa hàng để mua sắm khác. Bên trong sáng choang, đèn đóm lấp lánh và quan trọng là mát lạnh. Buổi tối ngoài trời đã bớt nóng vì đỡ nắng nhưng vẫn còn hầm hập lắm. Dĩ nhiên đi bộ một lúc cũng quen nhưng do vừa ở Úc đang đầu xuân mưa phùn sùi sụt sang đây nên hệ thống sinh học vẫn còn đang điều chỉnh.

IMG_3610.JPG

Nhà em tìm mua cái dashcam để gắn trên ôtô quay cảnh đường đi cho đẹp mà phải hỏi đường cho chắc vì rộng quá. Hay một cái là ở đây chỗ nào cũng mở đến 11h-12h đêm, lúc này là 11h đêm mà mọi người vẫn nhộn nhịp đông như họp chợ! Quá là lạ so với ở Úc 9-10h đã đóng cửa tắt đèn có nhau.
 
8. Hố sụt Bimmah

IMG_3643.JPG

Ăn sáng ở khách sạn Novotel Muscat được cái khá đa dạng và nhiều món buffet, cả nóng cả nguội.

IMG_3639.JPG

8h kém xuống ăn sáng nhưng khách cũng đã khá đông so với giờ sinh hoạt ở đây vì mọi người thường thức đến 12h đêm hôm trước. Khách nội địa là chủ yếu vì ăn mặc trang phục truyền thống nhưng cũng có lác đác khách quốc tế và người Đông Á như mấy bạn Thái Lan nhìn phát biết con nhà đại gia đi du lịch.

Ăn xong thì lên đường, điện thoại bật Google Maps nên phải nghe đài phát nhạc Ả Rập lúc í ới lúc xập xình, mà hoá ra lại khá hợp với cảnh. Điếm đến hôm nay là thành phố Sur cách 210 km từ Muscat. Từ Muscat muốn đi Sur thì qua Quốc lộ 17, xuôi hướng Đông Nam chạy dọc Vịnh Oman. Mới đi chục cây đã phải vượt qua con đèo Al Amarat ngoằn ngoèo hùng vĩ. Vừa bẻ lái vừa lác mắt ngắm cảnh nên không chụp được bức ảnh nào đành dùng ảnh của nhiếp ảnh gia trên mạng để các bác thấy sự hùng vĩ của nó. Muscat vài trăm năm trước, tuy là thủ đô của Đế quốc nhưng thực tế vẫn là một tiểu quốc tách biệt với phần còn lại của Oman cũng vì những dãy núi đồ sộ này.

EG1Ns60X0AANUOs.jpg

Đèo Al Amarat. Ảnh: Abdul Fatah Al-Ghafri

Đường quốc lộ 6 làn, hạn chế 120 km/h và cột đèn trên dải phân cách cứ nối đuôi nhau chạy tít tắp mù khơi. Xe rất thưa vắng, lác đác vài xe tải. Có một vài đoạn sửa đường mịt mùng bụi cát nhưng cũng là mở rộng đường ở những khe núi hẹp hay khúc cua gắt. Ngoài ra thì cứ vít ga thôi vì làng xóm ở cách cao tốc một đoạn giống Tây, không bám theo đường quốc lộ như ở Việt Nam ta.

Dọc cung đường này thì điểm du lịch nổi tiếng nhất là Hố sụt Bimmah (Sinkhole). Dân địa phương cho rằng hố này do thiên thạch rơi xuống mà tạo thành nên công viên trên mặt đất đặt tên là "Sao sa" (Hawiyyat Najm) còn các nhà địa chất thì kết luận nó là do nước ngọt bào mòn đá vôi mà thành. Giữa một khu vực tương đối bằng phẳng, chỉ cách bờ biển có mấy trăm mét, bỗng có một khoảng trống sụt xuống với nước xanh biêng biếc.

IMG_3651.JPG

Hố sụt Bimmah và công viên bên trên. Giữa vùng núi đá này mà trồng cây là cũng tốn kha khá nước bơm đây. Đằng xa là mặt biển.

Buổi trưa công viên vắng lặng, có cả sân chơi của trẻ con nhưng nếu trượt cầu trượt thì... khả năng bỏng đít rất cao. Bác bảo vệ ngồi phòng trực ban điều hoà mát rượi chỉ thò đầu ra nói cứ đi tự nhiên. Có một cầu thang bê tông đi từ mặt đất xuống. Trong hồ/hố chỉ có hai bạn Tây (Ban Nha), nữ bơi ngửa còn nam quay drone trong khi thông thường trên ảnh thấy cũng khá đông khách du lịch.

IMG_6430.JPG

Nước chỉ hơi mằn mặn vì không phải nước biển và âm ấm bơi cực kỳ thích

IMG_6428.JPG

Bơi một vòng xong thì ngồi trên tảng đá cho các bạn cá làm dịch vụ mát-xa chân


Đến Sur thì cũng đã gần 3 giờ chiều. Google chỉ đường cho em đến hàng ăn thì nó cho đi ngay vào giữa khu dân cư thay vì đi đường cái và em đã ăn đủ với những cái gờ giảm tốc trước khi đến được nhà hàng. Đường ở Oman có những cái gờ giảm tốc to vĩ đại, không phải là gờ nữa mà phải gọi là con lươn vắt ngang đường mới đúng. Húc phải thì chỉ có tung đít như kiểu đi xe điện đụng trong công viên vậy. Rất nhiều chỗ không những không có biển báo, mà còn chả có vạch sơn, xe xóc, đầu chạm trần xe rồi mới biết! Dần dần thì rút ra kinh nghiệm là vào khu đông dân cư, hoặc ngã ba ngã tư (giữa hoang mạc) đều có gờ giảm tốc, nhất là khi thấy xe đằng trước bò thật chậm thì liệu hồn mà đi chậm lại, chậm dưới 15 km/h không thì trong xe ai đang nhịn tiểu sẽ có kỉ niệm nhớ đời và hạnh phúc gia đình lại bị đe doạ nghiêm trọng.

Do đường có những chướng ngại vật nguy hiểm như thế nên em không ngủ lại ở thành phố Sur, mà chỉ dừng ăn rồi đi tiếp đến khu bảo tồn rùa biển Ras al Jinz cách 50km để không phải đi đường lúc tối trời.
 
9. Ăn ở Sur tiện nói về Frankincense

Thành phố đã đi ngủ trưa! Phố xá vắng lặng như thời chiến, đến các cửa hàng treo biển “Foodstuff” cũng đóng nốt. May sao thánh Google lại đưa lối dẫn đường cho đến một nhà hàng gọi là New Sur.

Trong nhà hàng không có một khách nào khác ngoài nhà mình, bàn ghế còn bọc ni lông mới cứng nhưng khách đến lấy đồ mang đi thì khá đông. Nhà hàng bán các món Ấn Độ và món Trung Hoa (nấu kiểu Ấn Độ). Những nhà hàng Ấn này chiếm đa số ở Oman và đặc biệt là có rất nhiều nhà hàng kiểu Hyderabad. Như nhà hàng này thì anh bồi bàn khuyên nên thử món cơm biryani Hyderabad là ngon nhất.

Gọi thức ăn xong (gà nướng, cà ri tôm, biryani cừu, bánh mì dẹt và sữa chua lassi xoài xay) thì anh bồi bàn hỏi: "Ơ, thế không ăn xa-lát gì à?". Thì ra bữa ăn ở Oman (nói riêng và Ả Rập nói chung) là phải có xa-lát rau sống. Vì thế món đầu tiên ra là xa-lát Fattoosh. Đây là món Li-băng, gồm có cà chua, dưa chuột, cà rốt, củ cải thái quân cờ cùng các loại rau sống như rocket, bắp cải tím/xanh hay xà lách rồi vắt chanh, rắc hạt sumac. Đặc trưng nhất là có bánh mì Ả Rập (khubz) cắt miếng mỏng chiên giòn trộn ăn cùng. Rau vừa giòn, vừa ngọt, vừa chua chua, hơi ngăm ngăm cùng bánh giòn tan ăn thú vị và giải khát vô cùng. Về nhà mình cũng học cách làm xa lát này, mùa hè ăn rất mát ruột.

IMG_6473.JPG

Fattoosh salad

Về món Hyderabadi biryani, điều đáng nói ở đây là có đến hai thành phố cùng mang tên Hyderabad, một ở bang Telangana của Ấn Độ và một ở tỉnh Sindh của Pakistan. Khi nói đến Hyderabadi biryani là thường nói đến món ở Ấn Độ, bắt nguồn từ bếp cung đình của Nizam (vua). Loại biryani này đặc biệt vì cơm đổ vào nấu cùng thịt đã ướp gia vị chứ không nấu riêng như loại thường nên phải canh lửa cực kỳ chuẩn xác để cơm không cháy mà vẫn ngấm trong khi thịt vừa chín mà lại vừa mềm. Một nguyên liệu đặc biệt của món này là thịt quả đu đủ đem xay, một loại quả được sản xuất nhiều nhất thế giới ở miền Nam Ấn Độ. Trong khi bên Pakistan thì món cơm này gọi là Sindhi biryani với nguyên liệu đặc trưng là có thêm quả khô như mận, mơ, nho.

O_K Bài 6 (4).JPG

Từ trái qua, từ trên xuống: Xa-lát Fattoosh (bánh mì khubz cắt mỏng chiên giòn ăn kèm rau sống rắc bột sumac), cơm saffron, gà nướng tandoori, mango lassi, nước sốt cà ri (hỏi cà ri thì họ thấy gọi nhiều món rồi nên mang ra mỗi nước!), biryani Hyderabad, bánh chapati.

Cơm dọn lên thơm phức, trông giống món Ấn mà lại có quả khô kiểu Pakistan. Nhưng chẳng quan trọng bằng việc thịt cừu mềm và đậm đà vô cùng với hạt cơm đã thấm đẫm hương vị của nước hầm. Có lẽ nhà hàng mỗi ngày làm một nồi cơm 50 lít thì mới đủ lượng để nấu món này ngon và ra nhanh như vậy.

Mình có thắc mắc về chữ Hyderabad này bởi lẽ có một bộ lạc/nhiều dòng họ ở Muscat gọi là Lawatia gồm toàn những thương nhân giàu có, đã định cư ở Oman trên 300 năm, đến từ Hyderabad vùng Sindh. Ở khu cảng Muttrah trung tâm thành phố, có một khu phố cổ Sur al-Lawatia của những dòng họ này thuộc dạng gated community, xây tường bao đóng kín suốt hàng trăm năm nay (dân gian gọi là “cấm thành”), mãi gần đây mới mở cửa cho du khách chiêm ngưỡng những toà nhà cổ rất đẹp vì các đại gia đã chuyển dần ra ngoại ô xây biệt phủ. Những thương nhân này nắm giữ toàn bộ ngành buôn vàng bạc đá quý và frankincense của Oman suốt nhiều thế kỷ.

Ai là người Công giáo Việt Nam, hoặc ai có bạn Tây theo đạo Thiên Chúa, nói đến nhũ hương (frankincense) và mộc dược (myrrh) thì họ sẽ biết ngay.
Ma-thi-ơ 2:7-11 (Phúc Âm Matthew)
“Khi vào đến nhà, thấy con trẻ cùng Ma-ri, mẹ Ngài, thì sấp mình xuống mà thờ lạy Ngài; rồi bày của báu ra, dâng cho Ngài những lễ vật, là vàng, nhũ hương, và mộc dược” (câu 11).


Kinh Thánh kể rằng khi Chúa Hài Đồng sinh ra thì có ba nhà thông thái từ phương Đông, xem thiên văn thấy có vì sao xuất hiện mà tìm tới. Khi tìm được đến nơi thấy Chúa thì họ tặng cho ba thứ quà quý báu chính là vàng, frankincense và myrrh. Frankincense và myrrh là nhựa của hai loài cây mọc trên những hoang mạc toàn đá ở Oman. Mỗi lần khai thác, người ta đẽo một lỗ nhỏ trên thân cây để nhựa chảy ra rồi vón cục lại. Những cục nhựa cây này được phân hạng theo kích thước to nhỏ.

site_1010_0010-1000-667-20151105152055.jpg

Cây frankincense ngoài hoang mạc trơ sỏi đá ở Oman. Ảnh: Ko Hon Chiu Vincent chụp cho UNESCO

Khi sử dụng, người ta sẽ nướng đỏ một hòn than, cho vào trong lư hương rồi đặt nhựa cây lên trên. Một mùi hương rất quyến rũ, quý phái như nước hoa sẽ toả lên khắp không gian tạo ra ngay lập tức một không khí Ả Rập huyền bí mà linh thiêng khó tả. Mùi hương giống gỗ trầm này có tác dụng làm thư thái thần kinh, tẩy uế và ru hồn ta mê say. Các linh mục Công giáo cầm cái lư hương bốc khói đi đi lại lại trong nhà thờ mà chúng ta nhìn thấy chính là đốt một trong hai loại hương này. Mùi thơm ở sân bay mà em nói đến ở trên cũng chính là mùi frankincense này để thấy được sự giàu có và chịu chơi ở Vương quốc Oman (của nhà trồng được!)

O_K Bài 6 (6).JPG

Món quà lưu niệm đáng mua nhất ở Oman. Frankincense và myrrh cùng lò đốt. Frankincense đắt hơn nên... thơm hơn myrrh nhiều,

Trong văn hoá ấm thực Oman thì đến cuối bữa ăn người ta thường đốt lên một ít nhũ hương này để khách ngồi thư giãn cho tiêu cơm. Còn đây là quán Ấn nên cuối bữa ra tính tiền chỉ có mukhwas (hạt thì là tây bao đường) ăn cho thơm miệng!
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
59,425
Bài viết
1,175,785
Members
192,098
Latest member
vnae888
Back
Top