Kyoto Gion
Gion với con đường rộng lát đá gần như được giữ nguyên vẹn. Dù 100 năm qua số lượng Geisha đã giảm đáng kể, nhưng nơi đây vẫn đang đào tạo Geisha và duy trì các trà quán cho khách đến thưởng lãm.
Nói tới văn hoá truyền thống Nhật Bản không thể không nhắc tới Geisha cũng như Bushido (Võ Sĩ Đạo), hai loại hình văn hoá độc đáo chỉ nước Nhật mới có. Geisha là nét văn hoá của đàn bà Nhật, Bushido là nét văn hoá của đàn ông Nhật. Nữ giới xứ sở hoa anh đào có thể tự hào vì họ đã sáng tạo nên nền văn hoá Geisha bất hủ, cho dù ngày nay nước Nhật chỉ còn rất ít người làm nghề Geisha và giới trẻ Nhật hầu như chẳng biết mấy về Geisha hoặc Bushido.
Có lẽ chính văn hoá Bushido đã góp phần đưa tới sự ra đời văn hoá Geisha. Ta biết Võ Sĩ Đạo là một hệ thống luân lý đạo đức hoàn mỹ – một bộ giới luật bất thành văn mà người võ sĩ (samurai) phải tuân theo: ngay thẳng, quang minh chính đại, cao thượng, nghĩa hiệp... Là tầng lớp quý tộc Nhật, các samurai sống rất có văn hoá, lấy thi ca, nhã nhạc, thư pháp làm trò giải trí. Từ đó có thể suy ra họ ưa được hưởng sự phục vụ từ phía nữ giới dưới hình thức văn hoá lành mạnh hợp với tâm hồn võ sĩ.
Nói tới Geisha, ta hình dung ngay tới những cô gái trang điểm vô cùng cầu kỳ, mặt thoa phấn trắng, môi tô son đỏ thẫm, tóc búi cao, mặc bộ kimono cực kỳ kiểu cách, đi đứng duyên dáng yểu điệu. Là đại diện cho tầng lớp phụ nữ có văn hoá cao, họ dùng tài nghệ của mình góp vui cho các buổi giải trí của giới mày râu giàu có trong xã hội và qua đó họ được trả thù lao rất hậu.
Nghề nghiệp độc đáo này đòi hỏi họ phải tránh quan hệ tình cảm đối với đàn ông, phần lớn Geisha sống độc thân đến già. Tuy vậy cũng có một số chạy theo tiếng gọi của tình yêu, nhưng Geisha khi đã lấy chồng thì phải giải nghệ. Ai đã xem phim Hồi ức của Geisha (Memoirs of a Geisha) do Chương Tử Di và Củng Lợi thủ vai nữ chính, chắc còn nhớ cảnh gian khổ tập luyện nghệ thuật (hát, múa, thực hành trà đạo, rót rượu ...) của các Geisha tập sự và những giọt nước mắt tủi nhục của họ khi hành nghề phục vụ cánh đàn ông. Rõ ràng, chỉ các Geisha mới hiểu được nỗi vinh nhục của cái nghiệp mà họ theo đuổi.
Nghề Geisha càng phát triển, ngày càng có nội dung phong phú và giàu chất lãng mạn, do đó nó thu hút các cô gái ưa lãng mạn. Nhiều gia đình có truyền thống văn hoá cao cảm thấy tự hào khi con em mình được gia nhập thế giới Geisha. Người làm nghề này không nhất thiết phải xinh đẹp song phải có tài, có chí. Muốn trở thành một Geisha đạt tiêu chuẩn phải mất rất nhiều công sức học tập và rèn luyện. Thông thường những cô gái có chí làm nghề này ngay từ tuổi lên 10 đã được gia đình gửi vào các quán Geisha để được đào tạo một cách bài bản dưới sự hướng dẫn của các “mẹ”, sau ít nhất 5 năm mới ra tập sự phục vụ khách.
Họ phải học rất nhiều thứ, từ cái lớn như ngâm thơ đọc sách kể chuyện, múa cổ điển, hát các bài ca truyền thống, chơi đàn shamisen, thổi sáo shakuhachi, chơi trống, trà đạo, thư pháp, cắm hoa (ikebana), trò chuyện, trang điểm ... cho tới cái nhỏ như cách đóng mở cửa sao cho duyên dáng, cách đi đứng yểu điệu, cách cúi người khi chào, cách tiếp rượu... Chương trình đào tạo ấy sử dụng các kiến thức tâm lý, xã hội - nhân văn rất phong phú. Qua quá trình đào tạo gian khổ, cuối cùng họ trở thành loại người sang trọng có văn hoá ứng xử cực kỳ lịch sự duyên dáng, khả năng giao tiếp vô cùng tự nhiên và có sức hấp dẫn nam giới. Trước khi được công nhận là Geisha chính thức, họ phải trải qua thời kỳ tập sự khá lâu.
Việc đào tạo Geisha rất tốn kém nên chi phí trả cho sự phục vụ của họ cũng rất đắt, chỉ có giới quan lại, quý tộc, nhà buôn, điền chủ mới đủ tiền đến quán Geisha. Theo giá cả hiện nay, chi phí mời 2 Geisha dự một bữa tiệc 2 khách có giá từ 750 USD trở lên. Khả năng gọi Geisha đến phục vụ tại gia là tiêu chí tượng trưng cho địa vị quyền quý của một người. Nhiều kẻ có tiền tranh nhau chọn cho mình Geisha ưa thích và vung tiền cho họ.
Từ sau thập niên 70 thế kỷ XX, dưới ảnh hưởng mạnh mẽ của văn hoá phương Tây và nền văn hoá mới của nước Nhật, nghề Geisha dần dần suy tàn. Nếu đầu thế kỷ XX nước này có hơn 80 nghìn Geisha thì tới nay chỉ còn vài trăm và chỉ tập trung vào mấy đô thị lớn. Cựu đô Kyoto lưu giữ được truyền thống rõ nét nhất: nơi đây có 2 trong số các khu phố Geisha lâu đời và danh tiếng nhất là Gion và Pontocho. Các khu phố Shimbashi, Asakusa và Kagurazaka ở Tokyo cũng nổi tiếng.
Chuẩn mực hành vi được gọi là Geisha đạo (đạo như trong Võ sĩ đạo) đã trở thành một thứ khuôn mẫu lối sống và xã giao của phụ nữ Nhật hiện đại. Xét trên ý nghĩa đó, Geisha là vật truyền tải văn hoá truyền thống Nhật Bản; văn hoá Geisha đã bén rễ sâu sắc trong nền văn hoá đất nước này chứ không hề tàn lụi.
Các nguồn tin mới đây cho biết: sau nhiều thập niên suy giảm, nghề Geisha đang bắt đầu được phục hồi. Theo số liệu thống kê, năm 1965, Kyoto có 76 Geisha tập sự (gọi là maiko); tới năm 1978, số lượng maiko sụt xuống còn 28 và những năm tiếp theo chỉ còn từ 50 tới 80. Năm 2008, lần đầu tiên trong 40 năm qua số maiko ở cố đô Kyoto đã lên tới 100 người. Tuy vậy vẫn còn rất lâu nữa nghề này mới trở lại thời hoàng kim như hồi thập niên 20 thế kỷ XX, khi riêng khu phố Gion có tới 800 Geisha. Giới báo chí cho rằng sự gia tăng số lượng maiko là bằng chứng cho thấy người Nhật đang muốn phục hồi văn hóa Geisha truyền thống của họ.
Tượng đài Geisha
Vài hình ảnh khu Gion
Chúng tôi đi len lỏi vào những con đường nhỏ của khu Gion, và tôi rất thích những vật trang trí đặt trong các tủ kính bên ngoài những quán ăn.