I em tò mò, amakong là rượu gì các bác ơi?
Nhắc đến “vua săn voi” của Tây Nguyên, hẳn nhiều người biết tiếng. Nhưng ít ai biết được bốn người vợ đã đi qua đời Amakông
Trước giờ lên đường, nhà văn Khôi Nguyên, đang công tác ở Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đắk Lắk, cười bí hiểm: “Đi rồi bạn sẽ biết nhiều điều thú vị”. Điều đó thúc giục chúng tôi vượt qua cơn mưa như bão táp trên đất đỏ ba-dan để tìm đến nhà ông.
Mỗi lần lấy vợ là... trắng tay
Lúc chúng tôi đến, vua săn voi đang ngủ. Cô vợ thứ tư của ông phải lay gọi, ông mới chợt tỉnh. Trông ông già yếu đi nhiều so với cách đây vài năm chúng tôi ghé thăm. Thật không ngờ, người thanh niên M’nông gốc Lào trai tráng, dũng mãnh ngày nào giờ đã hơn 90 tuổi (theo những giấy tờ và trí nhớ tiền hậu bất nhất của “vua voi” thì ông sinh khoảng 1900-1917). Gợi chuyện bốn người vợ, Amakông dường như sôi nổi hơn.
Bốn người vợ lần lượt đi qua đời “vua săn voi” từng nổi danh với việc săn bắt và thuần dưỡng 298 con voi rừng. Ông còn săn được cả voi trắng (bạch tượng), cung tiến cho vua Bảo Đại, quốc vương Thái Lan và “xuất khẩu” sang Malaysia, Indonesia... Mỗi con voi rừng khi ấy có giá trị bằng 20 con trâu cày. Nhờ tài săn voi mà Amakông có thể mua cả xe jeep. Cũng cần so sánh chiến tích của ông với những người đi trước đang an nghỉ ở cứ địa giữa đại ngàn dành cho những “vua săn voi”, dũng tượng (gru – những người phải săn được 18 con voi trở lên), cạnh khu du lịch Buôn Đôn để thấy sức mạnh của Amakông một thời. “Vua săn voi” Y Thu Knul (Amakông chính là rể duy nhất của ông) mất 1995, thọ 80 tuổi đã bắt và thuần dưỡng 38 con voi rừng, bò rừng; Y Pũm Byă, mất 1998, thọ 82 tuổi đã bắt và thuần dưỡng cũng 38 con voi rừng, giết được 28 con thú dữ. Amakông chính là ông vua không ngai về săn voi của Tây Nguyên cuối cùng hiện còn sống.
Chính vì sự nổi tiếng ấy mà lần lượt bốn người con gái đã đi qua đời Amakông: M’Liên, H’Khăm Êban... “Vua săn voi” hiện đang sống với người vợ thứ tư, vợ thứ ba hiện đã mất, còn hai người vợ đầu và các con cũng đang sống quây quần trong khu vực. Mấy hôm nay, nghe tin “chồng chung” bị bệnh nên vợ con ông lại đến thăm ông.
Theo phong tục truyền thống của người Mnông- Lào, chỉ khi vợ chết thì người đàn ông mới được lấy vợ khác. Còn không, muốn lấy vợ thì người đàn ông phải bỏ lại tất cả tài sản để vợ nuôi các con. Điều đó đồng nghĩa với việc ông ra đi tay trắng và cùng vợ mới làm lại từ đầu. Amakông cũng không là ngoại lệ, ông chấp nhận trắng tay để theo tiếng gọi của tình yêu.
Vợ đầu tiên của Amakông là con nhà giàu, khi ấy ông là một thanh niên trai tráng và đẹp trai bậc nhất trong buôn làng. Đến 80 tuổi, Amakông lại tiếp tục lấy người vợ thứ tư. Nhiều người cho rằng, nhờ bài thuốc “bổ thận tráng dương” của ông nên ông mới có đủ sức để cùng vợ thứ tư sinh con đẻ cái.
Mẹ vợ thua tuổi con rể
Chị H’Khăm, vợ thứ tư của Amakông, cho biết chính xác tuổi của Amakông hiện nay là 92. Cách đây 12 năm, khi vừa tròn 30 xuân thì, giữa độ tuổi sung mãn, chị đã lấy “vua săn voi”. Bà H’Ni, mẹ của chị H’Khăm ở gần đấy, cứ 2-3 ngày lại xuống thăm con gái và con rể. Ở tuổi 79, tất nhiên trông mẹ vợ của “vua voi” khỏe hơn nhiều so với con rể của mình. “Cách đây 12 năm, thấy hai đứa thương nhau dù biết con rể lớn tuổi hơn tôi, nhưng tôi phải cho thôi. Khi đó, tôi còn đi dự đám cưới chúng nó mà!”- bà mẹ vợ H’Ni cười bảo. Trong lúc đó, cô vợ cuối cùng của “vua voi” bỏm bẻm nhai trầu, ra chiều e lệ lắm.
Amakông và người vợ thứ tư, chị H’Khăm
Bà H’Ni kể lại ngày cưới của “vua voi” rất đơn giản, chứ không có trâu bò nhiều như người ta tưởng, vì Amakông không còn tài sản gì. Sau khi cưới xong, hai người sống trong một túp lều nhỏ, sống nhờ vào tiền lời bán thuốc “tăng lực” của Amakông. Mãi sau này, gói ghém tiết kiệm, họ mới xây được căn nhà sàn hiện nay hai người đang ở, phía trước nhà dành một khu vực để bán thuốc. Sống với nhau 12 năm, hai người có hai đứa con. Cháu lớn là H’Búp hè này lên lớp 6.
Chị H’Khăm kể lại ngày xưa quen nhau khi chồng đã... 80 tuổi. Nhà chị ở gần đó, còn Amakông đang làm việc trong Buôn Đôn. Đây là khu vực có đồng bào M’nông, Lào và Êđê chung sống lâu nay. Khi ấy, “vua voi” ngày ngày diện áo thổ cẩm làm nhiệm vụ cưỡi voi chở du khách, giải đáp các thắc mắc của du khách bằng tiếng M’nông, Kinh và chút ít tiếng Pháp. Sau đó, ông còn làm thuốc “tăng lực” (bài thuốc tên là Tơm Trơng) bán cho du khách, cũng vì chiều lòng giám đốc Vườn Quốc gia Hồ Viết Sắc khuyên ông nên làm, để du khách đến đây du lịch còn có cái gì đó mang về. Khi đó, có một người làm mối (M’Tai - tiếng M’nông) hỏi Amakông có muốn lấy vợ không. Ổng bảo có. Thế rồi, người đó qua hỏi H’Khăm và chị bẽn lẽn gật đầu. Tôi hỏi chị:
- Ngày đó, chị thương ông già (tiếng gọi quen thuộc với “vua voi”) ít hay nhiều?
- Thương nhiều lắm.
- Trước ông già, chị có yêu ai chưa?
- Chưa em ơi.
Quay sang “vua voi”, Amakông cũng nhắc lại những câu nói như vợ vừa nói với chúng tôi. Đôi mắt ông cố nhướn lên nhìn rõ những vị khách lạ đến từ TPHCM nhưng tuổi tác đã không cho ông thực hiện điều đó. Khi nói không rõ tiếng, người vợ thứ tư và mẹ vợ lại “phiên dịch” lại cho khách.
Từ ngày lấy chồng là “vua voi”, hai người không hề có đất nương rẫy như những hộ bình thường. Tất cả đồng tiền sinh sống đều trông vào tiền bán thuốc (thuốc “tăng lực” của Amakông có ba giá: 100.000 đồng, 50.000 đồng, 25.000 đồng). Có một dạo xảy ra chuyện tranh chấp về bài thuốc gia truyền giữa Amakông, con trai “vua săn voi” là y sĩ Khăm Phết Lào và bác sĩ Hồ Việt Sang, Phó Chủ tịch Hội Đông y tỉnh Đắk Lắk, làm cho thuốc của “vua voi” không bán được...
Dù là vợ của vua voi, nhưng chị H’Khăm chưa một lần theo chồng săn voi. Chị chỉ theo anh em trong nhà đi lấy thuốc về bào chế từ củ, rễ, lá rừng. “Bây giờ nhà không còn voi nữa, chúng tôi phải thuê lại voi, luồn rừng 3-4 ngày đêm mới có thuốc mang về đó!” - chị H’Khăm tự hào khoe.
Hiện giờ, người vợ thứ tư này là người “chủ xị” bán thuốc cũng như giao dịch với khách hàng, trong khi người chồng hùng dũng ngày nào mệt nhọc nằm nghỉ trên nhà sàn trong hơi thở dốc. “Vua voi” dũng mãnh như vậy, không chỉ nổi tiếng về chuyện săn voi, ông còn nổi tiếng vì có... nhiều vợ, với bài thuốc “tăng lực” gia truyền, giờ cũng không cưỡng lại được sức mạnh của thời gian...
PHẠM AN HÒA