Vị trí
La Hiên là tên một rặng núi thuộc dãy Trường Sơn Nam nằm trên địa bàn xã Phú Mỡ, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên. Núi có độ cao trên 1.318 mét so với mặt nước biển. Đường chim bay từ chân Tây Bắc đến Đông Nam khoảng 20km, nhưng đi bộ khoảng 10 ngày mới tới.
Cảnh quan
Sườn núi phía Tây có những buôn làng Ba Na (Gia Lai). Sườn Đông Nam có buôn làng Ba Na của huyện Đồng Xuân. Người Ba Na cư trú ở sườn phía Đông Nam trên độ cao 1100m. Các làng phía Hà Đang gồm buôn Dơm, buôn Dao, buôn Ma Lươm, buôn Ma Hơ, làng Cà Te, phía Thồ Lồ gồm buôn Ma Quân, buôn Ma Kham, buôn Hà Cát, buôn Ma Dú, buôn Ma Choai, buôn Ma Hàm thuộc hệ Tô Lô. Chân núi phía Tây Bắc (An Khê) là nơi phát tích của phong trào Tây Sơn, cũng là quê hương của ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ. Chân núi phía Đông Nam là nơi mà ông Nguyễn Nhạc phát động xây dựng căn cứ Tây Sơn Hữu Đạo gồm Thồ Lồ, Hà Đang, Hà Cát, Ma Dú.
Nhìn từ xa La Hiên như một mái nhà doi ra chắn gió mưa. Trên rặng La Hiên có hòn núi nhỏ mà dân trong vùng gọi là Hòn Ông và một hòn khác kề bên gọi là Hòn Bà. Người Ba Na Tô Lô là dân bản địa lâu đời nhất. Chuyện xưa kể rằng vốn họ ở bờ biển, hải đảo, vùng biển ngày nay là của Phú Yên, Bình Định, Quảng Ngãi. Do chiến tranh bộ tộc liên miên cho nên bộ tộc Tô Lô phải lên núi cao ở để có thể chiến đấu, bảo tồn. Họ xây dựng buôn làng trên sườn núi cốt để nhìn rõ bốn phương. Người Ba Na Tô Lô di chuyển dần lên phía Tây, hình thành nhiều buôn làng ở Gia Lai, Kon Tum.
La Hiên là núi linh thiêng, tương truyền là nơi tiên ở; giữa ngọn núi là nơi quanh năm mưa. Trên núi có một cái giếng tiên, nước toả ra bốn bên đổ ra thành đầu sông Bà Lá, sông Cà Lúi và sông Hà Đang, sông Hà Cái (tức Bà Đài). Bên cạnh giếng có bàn cờ đá, có ghế ngồi được coi là của những ông tiên, khi trăng thanh mưa tạnh là các tiên đến đánh cờ.
Sự kiện
Rặng La Hiên xưa kia là nơi Nguyễn Hào Sự dùng làm căn cứ luyện tập binh sĩ, đồng thời là chiến lũy chống Pháp rất vững chắc, bởi trước mặt là dòng sông Cái (hạ lưu của sông Trà Bương, Cà Bương) ba bên là núi rừng trùng điệp. Pháp đã nhiều lần mang quân tấn công, nhưng tất thảy đều bị ngăn chặn, gây nhiều tổn thất cho quân lính viễn chinh.
Sau này khi Nguyễn Hào Sự cùng nghĩa binh thất bại thì Pháp đã tiến hành xây dựng cứ điểm quân sự trên núi, mà nhân dân Đồng Xuân gọi là thành Bồ. Tương truyền, trong quá trình xây dựng, Pháp bắt nhiều dân công là nhân dân địa phương và tù binh khiêng những tảng đá lớn từ chân núi lên nhưng khi lên được tới lưng chừng núi thì trời bỗng tối sầm lại như mực đen, khiến các dân công và chỉ huy Pháp không thể tìm thấy đường đi nữa. Nhưng khi bỏ cuộc đi xuống khỏi núi thì trời bỗng nhiên bừng sáng trở lại. Sau hàng chục lần khiêng đá lên núi không thành, Pháp đành cho xây 4 trụ đá quanh hòn Ông và cho trồng bồ lên chính giữa 4 trụ nhằm yểm tướng, nghĩa là làm cho hào kiệt nước Nam mất nhuệ khí, không còn sức phản kháng, hưng binh chống lại bọn chúng.
Khi vừa mới xây xong, trời đang nắng chang chang bỗng tối sầm lại và trút cơn mưa như thác đổ làm nghiêng ngã các cột trụ đá. Gió to lại nổi lên làm cuộn bay chiếc bồ, trên núi đá hòn lớn hòn nhỏ lăn xuống như vãi trấu khiến bọn giặc Pháp thất điên bát đảo bỏ chạy tán loạn.
Các cụ cũng kể thêm rằng, mấy ngày sau, khi đã hoàn hồn, bọn Pháp lại kéo binh lính lên núi La Hiên đóng quân, nhưng trưa đó trời bỗng nổi cơn cuồng phong kéo phăng bọn chúng lăn lông lốc xuống chân núi, lá cờ Tam Tài rách bươm và biến mất trong rừng sâu. Chúng đành bỏ cuộc, thôi không lên đóng quân trên núi nữa, nhưng lại bố trí đồn binh chung quanh chân núi. Đêm đến, những lúc tối trời, khi vừa mới canh hai thì có hàng đoàn binh sĩ nước Nam với gươm giáo, súng hỏa mai bước đi rầm rập, hô vang “xung phong” khiến giặc Pháp phải bao phen kinh hoàng đởm mật. Hiện tượng này cứ lập đi lập lại mãi đến nỗi bọn chúng phải cho dời trại binh đóng ra xa hơn.
Lượm trên Vietgle.