Tuyền thuyết về đảo Song Ngư!
Nhìn từ đất liền, đảo Ngư có hai đỉnh, vì vậy còn được gọi là đảo Song Ngư. Trên thực tế, đảo Ngư là hai hòn núi mọc từ đáy biển lên, đứng sát nhau. Ngọn lớn hơn cao 133 m, ngọn kia cao 88m. Hai ngọn núi - đảo này gắn với một câu chuyện cảm động về đức hy sinh vì cộng đồng.
Tương truyền, ngày xửa ngày xưa vùng biển này rất dữ, rộng mênh mông và phẳng lì, không có đảo, không có vịnh. Rất nhiều thuyền đánh cá đã bị nhấn chìm ở nơi này; rất nhiều người đã thiệt mạng. Trước tình cảnh này, có hai anh em là hai người làm nghề chài lưới rất giỏi, rất yêu thương nhau tự nguyện làm vật hiến tế cho trời đất để đổi lấy sự bình yên cho dân chài. Trong một đêm trăng thanh, gió mát, hai anh em lên thuyền, ra biển làm lễ cúng tế trời đất rồi tự gieo mình xuống biển. Bất chợt biển nổi những con sóng khổng lồ, rồi giữa muôn trùng con sóng có hai hòn đảo từ từ nhô lên. Kể từ khi hai hòn đảo này xuất hiện, vùng biển này bình yên hẳn. Sóng vẫn mênh mông nhưng trở nên dịu êm. Những trận cuồng phong ít đi. Nước biển ở nơi đây trong xanh hơn, tôm cá nhiều hơn. Để tưởng nhớ công ơn của hai anh em đã hiến thân mình vì sự bình yên của cả vùng biển, nhân dân đã gọi hai hòn đảo này là Song Ngư.
Chùa Ngư trên đảo
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đảo Ngư là một trong những hòn đảo chiến lược quân sự quan trọng của Quân khu 4. Đảo Ngư như là một “vọng gác” tiền tiêu, theo dõi sát sao hoạt động của máy bay và tàu chiến địch. Ngoài ra đây cũng là nơi “ém quân” của tàu thuyền chở hàng vào Nam. Vì vậy đảo Ngư cũng là mục tiêu bắn phá của quân địch.
Trong thời gian chiến tranh, từ đất liền nhìn ra thấy đảo Ngư luôn luôn có khói bom, khói đạn. Các chiến sỹ trên đảo đã chiến đấu anh dũng, bắn hạ được 11 máy bay, bắn cháy, chìm 9 tàu chiến. Đảo Ngư là đơn vị Anh hùng. Có nhiều chiến sỹ đã anh dũng hy sinh ở nơi này. Một đài “Tổ quốc ghi công” được xây dựng trang trọng trên đỉnh núi cao nhất để tưởng nhớ công lao của các anh.
Chiến tranh đi qua, đảo Ngư trở lại bình yên, nhưng nơi đây vẫn ngày đêm có mặt các chiến sỹ. Họ miệt mài luyện tập, nâng cao cảnh giác để sẵn sàng đối phó với mọi tình huống bất trắc. Họ có hai nhiệm vụ: Sẵn sàng chiến đấu và cứu hộ ngư dân gặp nạn. Mỗi năm các chiến sỹ trên đảo cứu được hàng chục người và tàu thuyền.
Cũng như từ thuở xa xưa, đảo Ngư là một điểm tựa quan trọng đối với nhân dân trong vùng và những tàu thuyền qua lại nơi này. Cứ nhìn thấy đảo Ngư sừng sững là mọi người vững trong dạ.