Sáng hôm sau theo chương trình, cả hội lại lên xe đi tham quan hồ Tonle sap. Lại thuê tiếp xe hôm qua, 30 đô cho cả ngày. Phải nói giá vận chuyển dịch vụ du lịch ở Cam rẻ hơn ta nhiều mặc dù xăng đắt hơn ta, quy ra khoảng 27.500đ/lit. Vì sao vậy? Có nhiều lý do nhưng phần lớn do giá xe ô tô bên này quá rẻ so với bên ta nên chi phí khấu hao thấp hơn nhiều. Xe sang, đời mới bên này nhiều như... lợn con, nhìn phát mê, nhiều nhất là anh Lech sụt, đủ loại mẫu mã.
6h30 cả hội lục tục kéo xuống ăn sáng. Với giá phòng chưa tới 300k tiền ta mà có kèm ăn sáng ngay giữa TP du lịch này thì thật là dễ chịu.
Xong xuôi lên đường đến hồ Tonle sap. Mùa này là mùa nước cạn nhưng cũng phải đi cho biết. Thế mà lại hay, mùa nước nổi thì cũng chả khác gì bên ta
Nhà Giang hồ
Lòng vòng khoảng gần tiếng thì đến nơi, bỏ xe trên bờ thuê thuyền đi. Giá vé 6 đô/người, vì mùa nước cạn nên chỉ cho phép 5 người/thuyền, quân ta thuê 2 thuyền trực chỉ hồ Tonle sap
Lại xem anh wiki nói về cái hồ này dư lào :
Tonlé Sap hay Biển hồ Campuchia là một hệ thống kết hợp giữa hồ và sông có tầm quan trọng to lớn đối với Campuchia. Đây là hồ nước ngọt lớn nhất Đông Nam Á và được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới năm 1997.
Tonlé Sap có nghĩa là "sông nước ngọt lớn" nhưng thông thường được dịch là "Hồ Lớn" trong các ngôn ngữ khác; "Biển Hồ" là cách gọi của người Việt chỉ tầm vóc rộng lớn của hồ nước này khiến không thấy bến bờ.
Thường thì vào mùa khô từ Tháng Mười Một đến Tháng Năm hồ khá hẹp và nông, tầm sâu chỉ khoảng 1 m với diện tích 10.000 km². Vào mùa mưa bắt đầu từ Tháng Sáu, thay vì sông Tonle Sap rút nước từ hồ ra sông Mê Kông thì sông chảy ngược dòng, tiếp nước vào hồ khiến mực nước hồ dâng cao và tăng diện tích hồ thành 16.000 km². Với lượng nước đó, hồ có thể sâu đến 9 m, làm ngập lụt đồng ruộng và cây rừng trong khu vực. Vùng ngập nước biến thành nơi sinh sản lý tưởng của nhiều loài cá nước ngọt. Đến Tháng Mười thì nước lại rút xuống theo sông Tonle Sap ra sông Mê Kông.
Vì địa thế đặc biệt với hệ thống thủy văn đổi dòng hai lần mỗi năm hồ Tonle Sap là một trong những hồ nước ngọt có hệ sinh thái đa dạng và phong phú. Phù sa cùng chất bổ từ hạ lưu bồi bổ lòng hồ nên Tonle Sap có sản lượng cá lớn đáng kể trên thế giới. Ngư nghiệp trên hồ nuôi sống 3 triệu người và cung cấp 75% sản lượng cá nước ngọt cùng 60% lượng chất đạm cho dân Campuchia.
Có nguồn cho rằng vì lượng phù sa đổ vào hồ, Tonle đang bị lấp cạn dần. Tuy nhiên các cuộc khảo cứu cho biết lòng hồ chỉ nhận khoảng 0,1-0,16 mm/năm từ hơn 5.000 năm nay nên nguy cơ hồ bị lấp cạn không đúng. Lượng phù sa không những không làm hại mà còn giúp ích giữ môi trường Tonle Sap luân chuyển.
Cũng vì hồ Tonle Sap điều tiết mà hạ lưu sông Mê Kông bớt nạn lũ lụt vào mùa mưa, và ngược lại vào mùa khô khoảng 50% lượng nước sông ở châu thổ sông Cửu Long là do hồ Tonle Sap bù vào.
Hồ Tole sap cách trung tâm thành phố Siem Riep khoảng 30 phút chạy ôtô. Quanh hồ tập trung nhiều cộng đồng người Việt và người Chăm, sinh sống tại các làng nổi bên hồ.
Xuống thuyền đây rồi nhá. Bác tài còn trẻ măng mới ngoài hai mươi mà trông già, nói tiếng Anh được, rất vui vẻ, câu cửa miệng là so zì. Henry và Thành suốt chuyến cứ hỏi han đủ thứ. Thuyền này có Tun, Thanh, Thành, Henry và Po
Theo bác tài, phải một tiếng men theo các kênh rạch này mới ra tới hồ. Có đoạn cạn quá quân ta phải nhảy xuống đẩy giúp