What's new

[Chia sẻ] Sài gòn ẩm thực lang thang ký

tibet3217

Phượt thủ
Nói đến Huế người ta nghĩ đến bún bò , bánh bèo... Nhắc đến Hà Nội người ta nhớ Phở , chả cá , nem rán... Miền Tây thì có bún mắm , bún cá ...Nhưng khi đến Sài Gòn , người ta lại khá vất vả khi chọn cho mình một món ăn đặc thù ...Nhưng nghĩ lại đó chính là đặc thù của Sài Gòn . Vùng đất cởi mở , dung nạp tất cả những món ngon vật lạ khắp các miền đất nước ...đủ để cho những người con xa quê ở bất kỳ nơi nào cũng có cơ hội gợi nhớ về quê hương ...

Đi nhiều nơi , ăn nhiều món ...nhưng tôi luôn nghiệm ra một điều tất cả những món đó ăn ở Sài Gòn luôn luôn là ngon nhất .

BÚN BÒ HUẾ

Chẳng biết vì sao gọi là bún bò khi ở Huế tôi ăn ở lề đường , nơi các o các mệ bán thì it khi thấy thịt bò ...chỉ có thịt heo ,giò heo, chả tôm , đôi khi là huyết ....nhưng vị của nó thì không thể nào quên được ...một chút ngọt ngào của xương , thóang hương nhẹ nhàng của ruốc và rau xắt nhỏ đầy vun trong rổ trước mặt đủ bạn cảm thấy đầy là món ăn ngon lành nhất của Huế

Vượt gần cả ngàn cây số , vào Sài Gòn , bún bò đã thay đổi một cách chóng mặt đến mức lần đầu tiên ăn bún bò tại Huế tôi đã tỏ ra nghi ngờ không biết đấy có phải là nơi chính gốc của món mà tôi đã trót say mê ... Bún bò ờ sài Gòn phô trương sự giàu có của chốn đô thành với nguyên liêu cực kỳ phong phú . Từ thịt bò đủ loại ( tái , nạm , gân ) đến giò heo đủ loại ( nạc , gân , móng ... ) lại thêm các loại chả ( cua , tôm ) và cách nêm cũng bắt đầu nặng mùi hơn ; Rau không thái nhỏ mà để nguyên cho thực khách tự do lựa chọn ...Bún bò được bán ở nhiều nơi , nhiều lúc..và đang dần trở nên phổ biến ở sài Gòn đến mức người ta bắt đầu nói :" chán cơm thém bùn bò " thay cho câu "chán cơm thèm phở" có gốc từ xứ Bắc ...

Và những quán bún bò đã đi qua đời tôi

- Quán bún bò chị Hà( Phú Nhuận ) . Quán chỉ bán vào buổi sáng . Đi trên đường Lê Văn Sỹ đến gần nhà thờ Vườn Xoài thì có một ngõ hẻm . Queo vào đó khoảng vài mét là quán của chị . Chị Hà là người Bắc nên nấu bún bò có nét rất riêng - Thịt bò được cuộn vào một lớp gân rồi đem hầm nên rất mềm và thơm . Giá từ 13 - 16.000 / tô
- Bún bò chị Lan ( Quận 1 ) trong khu chung cư trên đường Bùi Viện ....Ăn được ..có điều cho bột ngọt hơi bị nhiều . Giá khoảng 18.000đ/ tô
- Bún bò sông Hương ( quận Tân Bình ) trên đường Cách mạng Tháng 8 đối diện với hồ bơi Tân Bình . Phong cách Huế nhưng mùi ruốc hơi nặng . Chả ở đây khá ngon . GIá 20.000/tô
- Bún bò Lữ Gia ( quận 11 ): Phong cách Huế - giá khoảng 16.000/ tô . Ăn được . Rau xắt nhỏ như ở ngoài Huế
- Bún bò Nguyễn Văn Thủ ( quận 1 ) . Đối diện trường Trần Văn Ơn có một ngõ nhỏ . Quẹo vào đấy đến cuối đường sẽ gặp một hàng bún bò do một gia đình người Huế nấu . Quán chỉ bán buổi sáng . Ăn rất được , nhất là món gân và nem nướng . Giá từ 15.000 - 18.000 đ/ tô
- Bún bò 3A : phong cách nhà hàng - Ăn được tương tự như quán Hỷ - 30.000 - 40.000/tô
 
BÚN MẮM​

Mắm là một đặc sản của các tỉnh miền Tây Nam Bộ . Tôi cũng không rõ cách chế biến mắm như thế nào .Mắm sống ( chưa chế biến ) nhìn rất ghê và có mùi rất khủng khiếp nhưng sau khi chế biến nó lại có một hương vị hơi nồng một chút nhưng thật khó phai với những ai đã từng thưởng thức

Mắm được chế biến nhiều kiểu khác nhau như mắm kho , chưng với trứng ...nhưng ở Sài Gòn , phổ biến nhất là bún mắm . Bún mắm cũng có nhiều trường phái : bún mắm Sóc Trăng , Bún mắm Kiên Giang , Bún mắm Châu Đốc ...Nhưng có sự phân biệt ...nơi nào nấu bún nước lèo thì có cho thêm một loại gia vị gọi là ngải bún , vị nhẹ nhàng hơn , mùi mắm chỉ thoang thoảng ( bún nước lèo Sóc Trăng là đại diện ) , còn nơi nào nấu bún mắm thì mùi nồng hơn , vị ngọt đậm hơn ... ( bún mắm Châu Đốc )

Vào những chiều mưa dầm rả rích , ghé vội vào một quán bún mắm ven đường . Mùi mắm ngọt ngào pha lẫn mùi sả nồng ấm luôn làm cho bạn quên đi cảm giác cô đơn . Và tô bún quả thật là một kiệt tác nghệ thuật với những miếng mực trắng nõn , miếng thịt cá mềm mại , pha sắc đỏ của những con tôm đất , điểm xuyến vào đó là những miếng thịt heo quay giòn rụm . Còn dĩa rau kèm theo là cả một vùng đất Nam Bộ hiện hữu với giá sống , hẹ xanh , rau đắng nho nhỏ cọng , kèo nèo và cọng bông súng nằm thảnh thơi như chờ đợi sự thưởng thức cuối cùng của người ăn ....

Bạn còn chờ đợi gì nữa mà không ghé đến cáx quán sau để thưởng thức

- Bún mắm Hậu GIang ( quận 6 ) : Lề đường đường Hậu Giang - Gần ngã tư Hậu GIang - Nguyễn Văn Luông . Ăn ngon tuy hơi không được vệ sinh lắm -Giá 18000 - 20000 / Tô
- Bún mắm Nhựt Tảo ( quận 10 ) - Gần chợ Nguyễn Tri Phương. Mùi mắm hơi nồng một chút nhưng cũng rất ngon - GIá 15.000 / tô
- Bún mắm chợ Trần Hũu Trang ( Quận Phú Nhuận ). Nằm trong con hẻm bên hông chợ Trần Hữu Trang . Một trong những quán hiếm hoi bán món này vào buổi sáng . Mùi mắm co pha vị ngọt của thơm ... Giá 13.000 - 15.000/ tô
- Bún mắm chùa Dược Sư ( Quận Bình Thạnh ) . Nằm trên đường Lê Quang Định , đối diện với chùa Dược Sư . Quán này có món mắm me để ăn chung với mực hoặc đầu cá lóc rất ngon . Giá 22.000 / tô
- Bún mắm Lê Văn Sĩ ( quận Tân Bình ) . Nằm đầu môt con hẻm lớn ngay bùng binh Lê Văn Sĩ , Nguyễn Trọng Tuyển . Ăn được . Giá 22.000/ tô
- Bún mắm Thủ Đức . Nằm ở lề đường vào khu Tam Hà ( không nhớ tên đường ) - Ăn rất ngon Có thêm rau nhút trong dĩa rau tạo phong cách đặc biệt . Giá : 15000 - 18000/ tô
 
BÚN RIÊU​

Món này có gốc ở xứ Bắc . Nguyên liệu chủ yếu là cua đồng xay nhuyễn nhưng nấu được một bán riêu cua ngon đúng điệu hoàn toàn không phải là một vấn đề dễ dàng . Chẳng biết món này xuất hiện ở Sài Gòn từ lúc nào nhưng nó cũng không ngoại lệ khi được biến đổi cho phù hợp với khẩu vị đa phong cách của dân Sài Thành . Bên cạnh cua đồng , cà chua dân Sài Gòn còn cho nấu thêm với tôm khô , cho vào tô bún ít huyết heo , đậu hũ ... đôi khi có thêm cả da heo , chả cây làm cho tô bún thêm phong phú hấp dẫn . Một số nơi còn có ốc luộc hoặc ốc xào ...Nhưng dù có thay đổi gì thì nó vẫn không thể không có mắm tôm , chút ớt hiểm làm cay sè đôi môi và chút nước me để làm dịu đi cái gắt của mắm tôm

Món bún riêu khá bình dân , có thể thấy nó ở hang cùng ngỏ hẻm , trên lề đường hoặc kẽo kẹt trên gánh bún nghèo của một người phụ nữ đảm đang gánh vác chuyện buôn bán nuôi sống gia đình . Nó mang lại chút mát mẻ trong những ngày hè nóng nực và chút ấm áp trong những ngày đông giá lạnh ...

Ghé các chỗ sau đây nhé các bạn

- Bún riêu Vườn Chuối ( Quận 10 ) : Trước đây ở chợ Vườn chuối nay đã dời về ngã tư Ngô Quyền và Vĩnh Viễn . Bún nấu với tôm khô và cua đồng , khá ngon - Giá : 6000 - 8000/ tô
- Bún riêu Đinh Tiên Hoàng ( quận 1 ) : Ngay ngỏ hẻm kế bên sân vận động Hoa Lư : Nấu theo kiểu Bắc - có ốc - giá 7000 - 8000 / tô
- Bún riêu Thanh Hải ( quận 3 ) : Trên đường Kì Đồng - Nằm trong hẻm đầu tiên bên tay phải đi từ Trần Quốc Thảo xuống ( 14/12 Kì Đồng ). Phong cách Bắc - có kèm món ốc xào chuối khá ngon - GIá 10.000 - 12.000 / tô
- Bún riêu Phú Thọ ( quận 11 ) . Trước bán ở ngã tư Nguyễn Tri Phương - Hùng Vương rất đông khách . Sau bị công an đuổi nên dời về Phú Thọ trên đường 3/2 , gần nhà sách Phương Nam - Giá 7000 - 8000/tô
- Bún riêu ÔngTạ ( quận Tân Bình ) : Nằm trong hẻm rất nhỏ kế bên quán Đại chúng mì gia trên đường Phạm Văn Hai . Chỉ bán vào buổi chiều . Quán này có món đậu hũ khá ngon vì được chiên dòn - Giá 8000 - 10000/ tô
 
BÁNH XÈO​

Món này thì không biết gốc tích xuất phát từ đâu ...Nhưng thấy ở miền Tây người ta hay làm món này . Nhớ thời còn sinh viên , đạp xe xuống nhà nhỏ bạn ở Gò Công ( Tiền Giang ) mệt nhoài . Nhảy ùm xuống tắm sông rồi ướt loi ngoi ngồi chồm hổm bên gốc dừa , Trong chiều nhạt nắng , khói đốt đồng ngai ngái mùi rạ non , một tiếng xèo ...và một chiếc bánh vàng , giòn rụm , có thêm chút đậu xanh , cổ vịt băm nhuyễn làm nhưn , giá trăng trắng ...Cuộn vội trong chiếc lá cải xanh đưa lên miệng mà cảm thấy cuộc sống quả thật là thiên đường

Dân Sài Gòn lười không muốn đổ bánh ở nhà , nên kéo nhau ra quán ngồi ăn . Nhưng quả thật cho dù người đổ bánh làm ngon thế nào đi chăng nữa mà ăn món bánh xèo trong phòng máy lạnh thì vẫn có cảm giác vô duyên như gặp phải một người đẹp không có tri thức.

Sau này lại xuất hiện thêm một loại bánh xèo được gọi là bánh xèo Miền Trung . Kích thước nhỏ hơn và phần nhân cũng khiêm tốn hơn với vài lát thịt ba rọi , vài con tôm nhỏ ...nhưng được cái giá của nó cũng mềm nên loại bánh xèo này hay xuất hiện ở các khu công nhân , khu lao động ... Tôi cũng đã từng ngồi ăn loại bánh xèo này dưới cầu Tân Thuận , bên dòng sông lờ đờ trôi ...và không hề có cảm giác bình an như những ngày xưa cũ . Cuốn bánh xèo trong chiếc bánh tráng nhỏ và đưa vào miệng tôi chỉ cảm giác đời mình thật đen tối như tâm trạng của giáo Thức trong Đời Thừa của nhà văn Nam Cao

Tôi luôn thích ghé vào quán bánh xèo khi trời mưa , ngồi kế bên bếp lò đỏ rực , nhìn chị chủ quán đổ một vá bột màu vàng ươm của nghệ , rồi bỏ vào đó một vài lát thịt ba rọi , vài con tép bạc , chút đậu xanh , chút giá rồi đậy nắp lại . Rồi như một trò ảo thuật , vài phút sau đó khi giở nắp ra tôi đã có ngay một chiếc bánh giòn rụm , vàng ươm ... Và không bao giờ chậm trễ , tôi đưa chiếc lá chuối xanh mướt hứng lấy chiếc bánh ấy , bẻ nhanh phần giòn nhất của chiếc bánh bỏ vào miệng rồi nhắm mắt lại .... Tôi thấy mình vùn vụt quay về với một thời đã qua

Ghé mấy quán sau nha bạn :

- Bánh xèo Cách mạng tháng 8 ( quận 10 ) ... Quán này đối diện với bưu điện Chí Hoà , gần mấy chỗ bán thịt chó ... Ăn được ... Giá khoảng 10.000đ/cái
- Bánh xèo Trần Mai Ninh ( quận Tân Bình ) : đi đường CMT8 , qua ngã tư Bảy Hiền , đến nhà thờ Đắc Lộ có một ngã 3 , quẹo vào đó vài chục mét sẽ thấy quán bánh xèo này . Quán đã từng lên báo nên rất đông khách , chờ mỏi mệt ... Giá : 10000đ/cái
- Bánh xèo 110c Ngô Quyền ( quận 5 ) : Nghe nhiều người khen , nhưng ăn vào thấy cũng bình thường ...GIá 20.000 - 22.000 / cái
- Bánh xèo Đinh Công Tráng ( quận 1 ) - đối diện với nhà thờ Tân Định là đường Đinh Công Tráng ( số 46A )... Bánh xèo theo trường phái nhà hàng , bột có pha trứng , dầu mỡ tràn trề ...ăn chừng 1 cái là thấy lưng lửng ...Giá 25.000đ/cái
- Bánh xèo Ăn là ghiền ( quận Phú Nhuận ) : nằm ngay ngã tư Trần Huy Liệu - Nguyễn Văn Trỗi . Tuy mới ra đời nhưng nhanh chóng có " số má " vì chịu khó tạo ra những phong cách "dựng tóc gáy "về nhưn bánh như ; bánh xèo nhưn nấm , nhưn rau mầm , nhưn cổ hũ dừa .... Ai nói tôi ngu tôi chịu chứ ăn bánh xèo ở đây có cảm giác như đang ăn bột kẹp rau ..Giá từ 25.000 - 30.000 đ/ cái
 
PHÁ LẤU BÒ

Thời sinh viên , có những hôm cả nhóm cúp tiết lang thang đầu đường xó chợ thì điểm đến cuối cùng luôn luôn là một quán bán phá lấu bò trong ngôi chợ nhỏ ở quận 5

Khó có thể nhớ hết tên các bộ phận của con bò được lấy làm nguyên liệu cho món phá lấu : nào phèo , nào lá xách , nào gan , nào phổi , nào bao tử .... Tất cả các món đó được làm sạch rất công phu . Phải rửa nhiều lần với muối , cạo sạch chất bẩn , rửa lại vói nứơc gừng hoặc rượu trắng rồi đem nấu với nứơc cốt dừa co pha chút cari . Món phá lấu có ngon hay không là do kĩ thuật nêm nếm của người nấu

Cả nhóm xúm xít xung quanh chiếc xe phá lấu của dì Liên mặc sức thưởng thức mùi thơm ngọt ngào của nước cốt dừa bốc lên từ nồi phá lấu đang sùng sục sôi . Không vội vã , không hấp tấp , dì Liên cầm kéo cắt từng miếng phá lấu cho vào một cái chén nhỏ rồi chan nứơc dùng ngập những miếng phá lấu đó . Ổ bánh mì giòn rụm được bày ra cùng với chút rau răm và chén mắm me loáng thoáng chút đỏ của ớt làm cho món phá lấu bò trở nên quá ngon trong một buổu chiều lang thang khắp sài Gòn không định hướng

Bây giờ đôi khi đi ngang các trường tiểu học hay hồ bơi , tôi vẫn thấy người ta bán món phá lấu này nhưng nhìn màu sắc đỏ tươi hay vàng thắm của chúng tôi lại thấy ơn ớn vì biết rằng màu thực phẩm không bao giờ lại có màu tươi như thế nên đành nhắm mắt làm ngơ .... rồi chạy vội đến quán phá lấu quen thụôc gọi liền 2 chén và nhấm nháp ....

Trong đám bạn ngày xưa , chẳng ai còn quay lại quán xưa ... tôi ăn và thoáng chút ngậm ngùi

- Phá lấu Dì Liên ( quận 5 ): Nằm gần trường Ba Đình . Đi đường Nguyễn Văn Cừ đến ngã 3 Phan văn Trị thì chạy thẳng vào đến trường Ba Đình sẽ gặp quán phá lấu này ...Bán từ sáng đến chiều . Giá 5000đ/ chén
- Phá lấu Nguyễn Biểu ( quận 5 ) . Nằm đầu con hẻm trên đường Nguyễn Biểu giữa Phan Văn Trị và Nguyễn Trãi - Giá 5000 đ/ chén
- Phá lấu Nguyễn văn Trỗi ( Quận Phú Nhuận ) . Nằm trên đường NGuyễn Văn Trỗi gần ngã tư Nguyễn Văn Trỗi - Trần Huy Liệu - Giá : 6000đ/ chén
- Phá lấu chợ Hồ Thị Kỷ ( quận 10 ) ... rẽ vào chợ hoa Hồ Thị Kỷ sau đó chạy vòng ra phía sau trường Hồ Thị Kỷ sẽ thấy một khu chợ . Trong khu này có hai hàng phá lấu - giá : 8000đ/ chén
 
BÁNH HUẾ

Lại một chiều mưa đổ một cách vội vã , tôi và em ngồi trong quán Nam Giao nhỏ bé trong một con hẻm trên đường Lê Thánh Tôn đối diện với chợ bến Thành . Quán để đèn vàng ấm áp và mắt tôi như nhoè đi trong hơi nóng của ly trà sen thơm thoang thoảng . Tiếng hát của Khánh Ly cứ chơi vơi , chơi vơi...
- Ăn chi đây anh ?
Em luôn đánh thức tôi bằng một câu hỏi vô cùng thực tế như thế và đương nhiên tôi biết đó cũng chỉ là một câu hỏi cho có vì sau đó luôn luôn món bánh bèo sẽ được dọn lên

Người Huế khéo tay nên chế biến được rất nhiều loại bánh vừa hấp dẫn vừa ngon . Nào là bánh bèo , bánh nậm , bánh ram ít , bánh bột lọc ....hầu hết các loại bánh này được làm tự bột gạo . Bánh bột lọc có pha chút bột năng cho trong bánh . Nhân được làm từ thịt ba rọi , tôm đất ... và được hấp cho chín . Các loại bánh nậm , bánh bột lọc được gói trong lá chuối . Bánh bèo được đổ trong chén và hấp chín . Nhưn của bánh bèo là tôm đất giã nhuyễn

Bánh Huế theo chân những người phụ nữ Huế vào Sài Gòn . Bản tính người phụ nữ Huế khắt khe nên các món bánh không bị biến đổi nhiều ngoài việc nứơc mắm được pha loãng hơn và các món bánh gói bằng lá chuối được lột sẵn chứ không để nguyên để người ăn tự lột ....

Bánh bèo được để nguyên trong chén xếp trong một chiếc mẹt nhỏ xinh xinh , trên mỗi chiếc bánh bèo là màu đỏ nhạt của thịt tôm giã nhuyễn và kế bên là chén nứơc mắm có màu vàng trong vắt , điểm xuyến vào đó là vài lát ớt xanh cay xé đầu lưỡi .

Làm sao quên được khuôn mặt xinh xắn của em chăm chú nhìn từng chiếc bánh , tiếng hít hà của em khi ăn trúng miếng ớt cay ... tất cả đã trở thành những kí ức , những kỉ niệm mà sau này khi lang thang ngoài đường phố Sài Gòn mà không có em ....anh luôn nhớ một cách quay quắt

Anh sực nhớ lâu rồi không ghé Nam Giao

-Bánh huế O Xuân ( quận 1 ) : gánh bán các loại bánh Huế nắm trên đường Nguyễn Hữu Cầu , bên hông chợ Tân Định ... rất ngon giá 12.000 đ/dĩa
- Bánh bèo Đường rầy ( quận Phú Nhuận ) . Ngay đường xe lửa số 6 có một điểm bán hoa Thạch Thảo , rẽ vào con hẻm , chạy thêm một đoạn sẽ thấy quán bánh bèo . Bánh bèo ở đây dày cơm và ăn chung với xíu mại chứ không phải tôm chấy . Giá : 10.000 đ/ dĩa
- Bánh bèo Nam Giao ( quận 1 ) : Quán nằm trong hẻm trên đường Lê Thánh Tôn , đối diện với chợ Bến Thành . Bán nhiều món Huế - Bánh bèo giá 20.000 đ/ phần
- Bánh Huế Đặng Văn Ngữ ( quận Phú Nhuận ) . Nằm đầu một con hẻm trên đường Đặng Văn Ngữ , ngay ngã 3 Đặng Văn Ngữ , Huỳnh Văn Bánh . Giá 8000 đ/ dĩa
- Bánh Huế 3A ( quận 1 ). Có nhiều quán nhưng ăn tương đối được là quán nằm trong một con đường nhỏ kế bên trường THCS Nguyễn Du quận 1- giá từ 20.000 - 22.000 đ/ phần
 
BÚN THỊT NƯỚNG​

Trời chạng váng tối , cái nóng hầm hập của những ngày hè làm tôi như phát điên lên như một con thú bị giam hãm . Mở toang cửa sổ để mong đón một cơn gió .... Và trong những cơn gió nhẹ hiếm hoi lùa qua cửa sổ , một mùi thơm len lỏi đánh thức các giác quan của tôi ...đó chính là mùi thịt nướng ....

Trong một thời gian rất lâu trong thời kỳ bao cấp , nhà hàng xóm của tôi rất thích làm bún thịt nướng ...còn tôi thì thích cái mùi thịt nướng vào những ngày cuối tháng ... Hình ảnh cả gia đình xúm xít xung quanh một đĩa thịt ba rọi , xếp nó vào vỉ nướng rồi đặt lên rên một chiếc bếp than đang hừng hực lửa luôn tạo cho tôi một cảm giác ấm áp . Và tiếng mỡ cháy xèo xèo , bùi thịt nướng bốc lên quấn quýt cùng với làn khói lùa đi khắp hẻm nhỏ mang lại cho những người sinh sống quanh đó một sự ghen tỵ . Không hẳn là vì miếng ăn mà là vì sự hạnh phúc gia đình mà họ đang có

Thời mở cửa những hàng bán bún chả ( cách gọi bún thịt nướng theo kiểu miền Bắc ) xuất hiện ngày càng nhiều góp thêm phần phong phú cho ẩm thực Sài Gòn . Thịt thì ngày càng nhiều hơn nhưng không làm sao kiếm được cái mùi thịt nướng đầy quyến rũ ngày nào vì ở các hàng bún chả người ta luôn làm những ống khói để hút khói lên cao

Bún thịt nướng ở sài Gòn có 2 trường phái : theo phong cách Bắc ( được gọi là bún chả ) . Thịt được nướng là thịt ba rọi , ướp với gia vị rồi nướng . Khi dọn ra , thịt nướng được kèm với chả viên ( là thịt băm chiên ) ngâm trong một chén nước mắm chua ngọt cùng khá nhiều xu hào thái mỏng ngâm chua . Bún để riêng . Và rau ăn kèm thường là salad , rau quế và vài cọng ngò thơm .
Còn theo phong cách Nam ( chắc xuất phát từ Bình Dương , hay Thủ Đức ) thì thịt được nướng thường là thịt nạc thăn , ướp gia vị mà trong đó mùi chủ đạo là sả băm . Miếng thịt khi nướng xong có màu đỏ cánh gián , chút vàng của sả rất hấp dẫn . Bún là bún Thủ Đức có sợi nhỏ hơn loại bún bình thường . Người ta bỏ hết tất cả vào một tô : Rau sống xắt nhỏ , dưa leo , giá , một miếng bún và thịt nướng xếp lên trên , chan thêm miếng mỡ hành , rắc thêm ít đậu phộng giã dập

- Bún chả Xuân Tứ ( Quận Tân Bình ) . Ngay ngã 3 Phạm Văn Hai - Nguyễn Văn Trỗi . Ăn được - giá : 18000/ phần
- Bún chả Sân bay ( quận Tân Bình ) . Nằm trên đường Trường Sơn vào sân bay . Ăn khá được - giá : 18000 - 20000/ phần
- Bún chả Hàng Mành ( quận 3 ) . Nằm trên đường Trần Quốc Thảo gần ngã tư Trần Quốc Thảo - Điện Biên Phủ . Ăn ngon - giá : 18000 - 20.000đ/ phần
- Bún chả Món ngon Hà Nội trên đường Đinh Tiên Hoàng , đối diện với trường Tiểu học Đnh Tiên Hoàng gần ngã tư Đinh Tiên Hoàng - Điện Biên Phủ . Giá : 20.000 - 25.000đ/phần
- Bún thịt nướng rạp Hưng Đạo .( quận 1 ) Chỉ bán vào buổi chiều . Nằm trên lề đường kế bên rạp Hưng Đạo , ngay ngã 3 Trần Hưng Đạo - Nguyễn Cư Trinh - giá : 15.000/ tô
- Bún thịt nướng bà Tám ( quận 3 ) : nằm trên đường Võ Văn Tần đoạn gần đường Nguyễn Thượng Hiền , kế bên phở Lệ . Giá 16.000 - 18000 đ/ tô
- Bún thịt nướng Thủ Đức . Nằm trên đường Kha Vạn Cân góc chợ Thủ Đức . Ăn rất ngon . Giá : 16000 - 18.000 đ/ tô . Ngoài thịt nướng ở đây còn bán nem nướng ( thịt xay nhuyễn ép vào cây đũa rồi đem nướng ) khá ngon
- Bún thịt nướng Hải Đăng ( quận Tân Bình ) . Đi trên đường CMT8 về hướng ngã tư Bảy Hiền , qua công viên Lê Thị Riêng sẽ thấy một ngã 3 nhỏ đó là đường Chấn Hưng ( hay còn gọi là vườn rau ) - Quán bán bún thịt nướng và chả giò khá ngon nên rất đông - vệ sinh kém - giá : 15.000 - 17.000 đ/tô
 
Không thể bổ sung lời giới thiệu cho từng món, mình bổ sung địa điểm vậy

A. Bún bò huế
1/ Quán Thành Nội ở Trần Cao Vân, gần hồ con Rùa. Quán kiểu gia đình, bán trưa và tối. Bún bò đơn giản, bún chả cua thì mình thấy ngon nhất. Bánh bèo và bột lọc thì không ngon lắm, theo mình
2/ Bún bò O Rớt trong hẻm Trần Huy Liệu, đầu hèm là biển khu phố văn hóa thi phải. Mình không nhớ địa chỉ. Bánh bèo tôm tươi và chả tôm ở đây an vừa ý mính nhất.

B. Bún ốc: giống kiểu bắc nhất và mình ăn được nhất là ở đường Hàm Nghi, đối diện Như Lan và gần ngã 3 Tôn Thất Đạm. Bán buổi sáng

C. Bún chả kiểu bắc: hẻm 26 Lê Thánh Tôn. Thích thịt viên ở đây ít độn mỡ và tỏi như Vân Anh hay Xuân Tứ
 
CANH BÚN​

Món này chắc là một biến thể của bún riêu vì nguyên liệu nấu không khác mấy : cũng cua đồng , cũng cà chua , cũng đậu hũ , cũng mắm tôm ... Có khác chăng là rau ăn kèm . Bún riêu thường ăn chung với rau muống chẻ , rau thơm , giá sống và miếng rau salad xắt nhỏ , còn canh bún thí ăn chung với rau muống luộc , rau nhút hoặc cần nước

Ở Sài Gòn , canh bún được nấu theo hai trường phái . Trường phái Bắc thì nấu mộc không cho màu đỏ của hạt điều vào bún và chỉ có cua đồng , đậu phụ và không kèm theo bất kỳ nguyên liệu nào khác , ăn kèm với rau muống luộc , rau nhút hoặc cần nước . Trường phái Nam thì nồi canh bún phải có màu đỏ hấp dẫn và ngập tràn huyết , đậu hũ , chả miếng...có nơi còn cho cả giò heo ....

Chẳng hiểu sao canh bún rất gần gũi với giới học sinh , sinh viên ... chắc có lẽ nhìn nó bình dân , dễ ăn mọi lúc mọi nơi ... Những hàng canh bún đông nghẹt áo trắng quần xanh mỗi khi tan trường luôn làm cho tôi nhớ đến một thời đã xa ...

Hồi xưa , tôi hay lê lết ở những quán này
- Canh bún nghĩa địa ( quận gò vấp ) : Nằm trong khu mộ cổ trên đường Trần Bình Trọng . Ngay lối vào của cafe Tưởng Niệm hồi xưa . Là địa chỉ quen thuộc của dân trung học Võ Thị Sáu , Hoàng Hoa Thám , Phan Đăng Lưu ... Ăn vừa ngon , vừa rẻ vừa có cảm giác hồi hộp khi ngồi xì xụp trên một đống gò mả ... Giá khoảng 6000 - 8000/ tô
- Canh bún Phan Văn Trị :( Quận gò Vấp ) : Chạy qua ngã 5 Bình Hoà , theo Phan Văn Trị đổ ra Lê Quang Định sẽ gặp quán này nằm bên tay phải . Phong cách Nam ... Ăn rất được .. Giá : 10.000đ/tô
- Canh bún cổng xe lửa số 6 ( Phú Nhuận ) : Đi trên đường Lê Văn Sỉ theo hướng ra Trần Huy Liệu đến đường rầy xe lửa thì quẹo phải , đi thêm vài chục mét sẽ thấy quán này . Quán bán canh bún phong cách Nam nhưng không có nhiều huyết ...có kèm rau nhút - giá từ 8000 - 10000/ tô
-Canh bún bờ kè ( quận Tân Bình ): Đi theo bờ kè kênh Nhiêu Lộc về hướng Tân Bình . Quán nằm trên lề đường gần ngã 3 Phạm Văn Hai . Nấu theo phong cách Bắc ... giá 6000 đ./ tô
- Canh bún Bắc Hải ( quận 10 ) : Đối diện với trường THCS Bắc Hải ... Phong cách Bắc . GIá 5000đ/ tô

Ngoài ra còn có bánh đa cua nấu theo kiểu Hải Phòng . Cách nấu tương tự nhưng sợi bún là một loại bánh tráng cắt dọc . Ăn cũng khá ngon . Các quán bán món này nằm trong khu sân bay . Đi vào đường Hồng Hà ... đến gần ngã ba trung tâm huấn luyện sẽ thấy một ngã 3 khác, rẽ vào đó , đến ngã tư đầu tiên thì rẽ phải thì sẽ gặp quán này ( hình như là đường Hậu Giang )
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
59,131
Bài viết
1,173,898
Members
191,953
Latest member
i9betcpro
Back
Top