Vì sao du khách ''một đi không trở lại''?
(VietNamNet) - Đại biểu Quốc hội đã tỏ ra hết sức lo lắng về chất lượng, thái độ phục vụ của du lịch Việt Nam khi bàn về dự thảo Luật Du lịch ngày 26/5.
Nâng giá, ép giá khách, khách quay lưng
Sự nghèo nàn về dịch vụ ở các điểm du lịch làm khách không muốn quay lại?
''Tại sao nguyên tắc dự luật đặt ra chỉ dừng lại ở đảm bảo an ninh, an toàn cho khách mà không hướng tới vấn đề lớn hơn và cũng là lý do người ta quyết định đi du lịch: Đó là chất lượng của hoạt động du lịch có đảm bảo hay không?''. ĐB Trương Thị Mai (Trà Vinh) đặt một câu hỏi lớn.
Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Võ Thị Thắng khi trình bày dự án Luật trước Quốc hội đã thừa nhận hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh dịch vụ kém, ảnh hưởng đến quyền lợi của khách du lịch. ''Tôi nghe nói có những địa phương trong năm nay do hiện tượng nâng giá, ép khách du lịch đã bị khách du lịch quay lưng. Nhà nước cần thiết phải can thiệp vào những hiện tượng này'', bà Mai lớn tiếng.
Nâng Tổng cục Du lịch lên thành Bộ
''Tôi nghĩ phải khẳng định sớm Tổng cục Du lịch là cơ quan tham mưu cho Chính phủ để quản lý nhà nước về du lịch. Chúng ta phải sớm tính toán và định hình được về tổ chức, nên đưa Tổng cục Du lịch thành Bộ Du lịch'', ĐB Trần Công Kích kiến nghị. Đồng tình với ĐB Kích, ông Nguyễn Văn Mễ (ĐB Thừa Thiên - Huế
thuyết phục Quốc hội: ''Hiện nay có 33 nước có Bộ Du lịch, 37 nước có ngành du lịch do cấp bộ đảm nhiệm. Ở một số nước lớn như Ấn Độ, Mexico, Brazil hoặc gần chúng ta như Campuchia, Malaysia, Thái Lan cũng đã thành lập bộ chuyên ngành để lo vấn đề này''.
''Đây là vấn đề ai cũng thấy và lo lắng cho hình ảnh du lịch Việt Nam trong lòng khách du lịch quốc tế và ngay cả khách nội địa. Ngành du lịch chỉ biết có khoảng 30% khách du lịch quốc tế quay trở lại Việt Nam. Nhưng ngành du lịch có biết bao nhiêu khách không quay trở lại vì những hình ảnh chưa đẹp, vì chất lượng phục vụ kém?''. ĐB Trương Thị Mai tiếp tục cật vấn.
Theo bà Mai, cần quy định trong luật trách nhiệm cụ thể hơn về hành vi ứng xử văn hoá, về thái độ trung thực khi cung cấp dịch vụ, ý thức cải tiến nâng cao chất lượng phục vụ du khách.
''Chúng ta cảm thấy ngượng!''
Đồng tình với bà Mai, ông Trần Thanh Khiêm (ĐB Cà Mau) nhận xét, môi trường tự nhiên, môi trường xã hội cho du lịch phức tạp và đáng lo ngại. Ông kể lại chuyện ''mắt thấy tai nghe'': ''Tại điểm du lịch phổ biến diễn ra cảnh lôi kéo khách, buôn bán linh tinh, rồi cả móc túi... Đến khu di tích thì thấy bất ngờ trên tường vẽ đủ thứ mất văn hoá nhưng từ tháng này đến tháng kia không ai xoá''.
''Nó không an toàn, không văn hoá, rồi môi trường tự nhiên thật là ô nhiễm, rồi đủ thứ khác... Nhìn một số di tích lịch sử và những nơi danh lam thẳng cảnh của Việt Nam, chúng ta phải cảm thấy ngượng'', giọng ông trầm xuống.
ĐB Huỳnh Văn Chính (Đà Nẵng) đề xuất bổ sung vào luật cấm các công ty lữ hành cắt xen hoặc thay đổi lộ trình du lịch, phương tiện du lịch và các chế dộ phục vụ trái với hợp đồng đã ký. ''Thường thường cứ nói một đường là ở khách sạn 3 sao nhưng đưa người ta đến 1 sao, 2 sao, làm khách rất kêu vì chuyện này'', ông dẫn chứng.
Ông Chính cho biết Đà Nẵng đã quy định cấm người lang thang xin ăn, làm phiền hà du khách; cấm trẻ em đi bán kẹo, cao su dạo mời chào khách ở một số khu vực. ''Khi ai đó phát hiện ra thì chỉ cần điện thoại tới thì Thành phố thưởng ''nóng'' 200 nghìn đồng. Chỉ tốn 10 triệu đồng thôi thì không còn tình trạng đó nữa và du khách cảm thấy rất hài lòng'', ông phổ biến kinh nghiệm.
Đâu chỉ ngành du lịch mới làm du lịch
Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, là thành quả của mọi người, mọi ngành. Theo bà Trương Thị Mai, khách du lịch sẽ lưu lại những hình ảnh đẹp đẽ hơn khi không những chỉ có người cung cấp dịch vụ mà còn có cả những người dân ở những đô thị du lịch, điểm du lịch, khu du lịch cư xử văn hoá, niềm nở, lịch sự.
''Điều đó còn góp phần xây dựng hình ảnh Việt Nam, chứ không chỉ du lịch Việt Nam. Cho nên, đối với cộng đồng dân cư, cần cụ thể hơn những quyền lợi họ được hưởng, về trách nhiệm và nghĩa vụ họ phải làm'', bà Mai kiến nghị.
Nhiều nơi cộng đồng dân cư đã phải nhường đất cho dự án du lịch. ĐB Huỳnh Thị Dã Thanh (Ninh Thuận) chuyển tải đến Quốc hội tâm tư của cử tri: ''Cộng đồng dân cư ở những nơi này lo lắng liệu sau khi không còn đất chăn nuôi thì họ làm gì để đảm bảo cuộc sống. Họ có quyền tham gia và hưởng lợi ích từ dự án du lịch không?''.
''Ở đây không chỉ những làm du lịch mà cả anh công an cử khẩu và chị tiếp viên hàng không và chị bán hàng, tất cả có một nếp sống văn minh, văn hoá thì tạo được một hành lang tốt cho hoạt động du lịch'', ĐB Huỳnh Văn Chính cũng ''nhấn'' vai trò mọi người đối với phát triển du lịch.