What's new

Tà cú - Kê gà - Đi tìm chốn thanh tịnh (22-24/06/2012)

Cuối tuần muốn chạy trốn sự náo nhiệt ồn ào, rủ bỏ mọi công việc vác balo lên đường đi tìm chốn yên bình mà tịnh tâm. Dành chút khoảng lặng để nhìn lại bản thân tìm cảm hứng cho ngày mới.

Lịch trình chi tiết:

Ngày 1: (tối 22/06)
- Có mặt đúng 19h30 tại ngã 3 Amata.
- 20h: xuất phát theo hướng QL1A
- 21h30: ăn tối dọc đường
- Dự kiến 23h30 tới chân núi Tà Cú. Tiến hành leo núi đêm.
- Chỗ này chưa leo ban đêm bao giờ nên không chắc về tốc độ, dự kiến leo trong 3h. Ngủ đêm cắm trại trên núi, sáng xuống.

Ngày 2: (23/06)
- 6h: thu dọn lều trại, đồ dùng, vs cá nhân
- Tranh thủ ghi hình tại tượng Phật niết bàn dài 49m.
- Vô Chùa Linh Sơn Trường Thọ.
- 7h30: xuống núi đi Phan Thiết
- Ăn sáng dọc đường
- Ghé chùa Ông (Quan Đế Miếu)
- Lang thang trường Dục Thanh, tháp Chàm Poshanu, lầu ông Hoàng…
- Ăn trưa, kiếm đặc sản như (các món từ con Dông, gỏi ốc Giác, răng mưc…..)
- 15h: quay lại Phan Thiết đi chợ mua đồ nấu nướng cho bữa tối ngoài biển
- 16h: xuất phát đi mũi Kê Gà
- Tìm vị trí hạ trại ngoài biển, chuẩn bị BBQ. Ngủ đêm ngoài biển.

Ngày này nếu còn thời gian ghé Bàu Sen – Bàu Trắng cho biết hồ nước ngọt nơi đây.

Ngày 3 (24/06)

- 5h:dậy đón bình minh, ngắm ông mặt trời
- 6h: thu dọn lều trại, đồ dùng, thu gom rác…
- Làm liveshow hình, các mẫu bikini….
- 8h:xuất phát về lại thành phố theo cung đường ven biển…..
Do lượt về thời gian thư thả nên cứ tà tà mà chạy, tha hồ mà bắn phá làm show trên cung đường này. Dự kiến về nhà trước 18h

Chi phí dự tính:

Khoảng 500k/ người
Xăng: xế-ôm tự chia

Vật dụng cần đem theo:

Về y tế:

- Thuốc trị đau bụng đi ngoài, thuốc cảm, hạ sốt.
- Dầu gió, băng dán cá nhân.

Về đồ đạc cá nhân:


- Giấy tờ tùy thân, giấy tờ xe đầy đủ.
- Khăn tắm, áo khoác, mũ rộng vành, khẩu trang, bao tay, vớ khoảng 3 đôi, vài bộ quần áo gọn nhẹ…
- Lều bạt, túi ngủ.
- Đèn pin, pin dự phòng, bật lửa.
- Kem dưỡng da chống nắng, thuốc chống muỗi.

Đồ dùng chung cho Đoàn:

- Bếp than . Nồi khoảng 2 cái
- Cafe G7, tô chén bằng nhựa, dao…

Note: Thu cọc mỗi mens 100k. Tiền cọc sẽ không hoàn trả vì bất cứ lý lo gì vì vậy cần cân nhắc trước khi đăng kí.
Lịch trình có thể thay đổi phù hợp với hoàn cảnh và thời gian.


Thông báo lịch off, sẽ chốt danh sách vào ngày này vì vậy những mens nào đặt gạch nhưng không đi off coi như cancel. Những mens vắng mặt có lý do chính đáng cần liên hệ với Thớt trước và sau ngày Off.

Lúc 18h ngảy thứ 6 (08/06/2012)
Quán cafe Boulevard
172C Điện Biên Phủ, P.17. Q.Bình Thạnh
 
Last edited:
Tà Cú leo đêm cũng ko khó khăn gì.Mọi người cứ thong thả leo.Đem đồ nhiều chút lên ăn tối và sinh hoạt cho vui.Leo khoảng 1500m là đi đường bằng rồi.Nên cũng đỡ mệt.Đừng lo.Tà Cú còn 1 cung đường đi ngắn hơn.Nếu đi cung đó thì sẽ đi thẳng lên ngay tượng Phật nằm.Có điều hôm bữa GH leo bị lạc 1 lần rồi.Chưa có thời gian để đi lại.Do cung đó giờ ko ai đi,nên bụi gai nhiều.hih.Còn Kê Gà thì hạn chế ăn hàng quán hen.Ăn thì nhớ hỏi giá.Ở đây nhiều mem phượt bị chém rồi.hih.Ghé Bàu Sen nước ngọt gì đó thì chạy hơi xa đó.^^...Nếu như vậy thì nên cắm lại luôn tại đồi Cát.Đẹp hơn là cắm tại Kê Gà.Nhưng có điều biển Kê Gà tắm thì sạch hơn.hihi.
 
(Thông tin về điểm đến hy vọng hữu ích)
LINH SƠN TÀ CÚ

· THIÊN NHIÊN TRẦM MẶC

Núi Tà Cú là một địa danh gắn liền với di tích lịch sử văn hóa chùa Linh Sơn Trường Thọ đâm sắc cổ kính, nằm giữa khung cảnh rừng cây xanh chập chùng và lẩn khuất bóng mây. Đã từ lâu với khách hành hương đi chùa Núi không những thành tâm lễ Phật, lạy Tổ mà còn là dịp đắm mình trong cảnh quan thiên nhiên hoành tráng để thấy lòng thanh thản, an nhiên.

Với khí hậu điều hòa như vậy nên núi Tà Cú rất phong phú về kỳ hoa, dị thảo. Theo điều tra khảo sát của Viện qui hoạch lâm nghiệp thì có đến 178 loài động vật, và 77 loại thảo dược quí hiếm. Nhiều danh mộc như căm xe, trắc, gỗ, giáng hương, sao, bằng lăng... Trong rừng, trên thân cây biết bao giống phong lan đeo bám, nhiều nhất là ngọc điểm, thủy tiên, nhất điểm hồng và bên vách đá cũng rực rỡ những cánh thạch lan, hồ điệp... Có mặt trong các loài hoa, mỗi độ xuân về hoa mai vàng, hoa vông đỏ nở thơm nức cả cánh rừng.

Núi Tà Cú là rừng bảo tồn thiên nhiên quốc gia, không những giàu tiềm năng về thực vật mà còn coi là vương quốc của nhiều loài cầm thú hoang dã và chim muông quí hiếm. Triền núi có nhiều dòng suối tuôn nước trong ngần như vắt ra từ đá tảng. Vị ngọt lịm của nước làm cho khách hành hương cứ tưởng là uống được nước Cam lồ trong truyền thuyết. Từ năm 1996, Chính phủ quyết định vùng núi Tà Cú là khu bảo tồn thiên nhiên.

Đường lên chùa Núi dài hơn 2.000 mét, qua nhiều chặng dốc cao với những địa danh rất ấn tượng. Như ở chặng đầu dốc Đá bàn hạ rồi Đá bàn thượng và có người gọi là Đá Ông Địa. Cạnh đó có dòng suối chảy róc rách len dưới chân tảng đá lớn thờ Thổ thần. Càng lên cao, dốc càng gắt cũng là lúc gặp dốc Bằng Lăng bởi quanh đây có nhiều cây bằng lăng, hoa nở tím ngát một góc rừng. Rồi tiếp đến là dốc Yên Ngựa với một khối đá lớn mặt phẳng như bộ phản nằm nghiêng bên khe suối nên còn có tên gọi là Giếng Tiên gợi khách hành hương hình dung được một bàn cờ các vị tiên chưa tàn cuộc còn lưu dấu. Nếu ngồi trên cabin cáp treo, có thể nhìn thấy toàn cảnh của gần nửa phía núi. Dưới kia là thị trấn Thuận Nam ôm trong lòng con đường quốc lộ 1A với xe cộ rộn ràng, và những cánh vườn thanh long trái chín mọng tít tắp thẳng hàng. Xa xa là ngọn hải đăng Khê Gà in lên nền biển xanh mêng mông. Cabin đưa khách nhẹ nhàng lướt trên những ngọn cây cổ thụ và có lúc xuyên qua những đám mây bay còn ẩm lạnh hơi sương để tưởng mình đang ở cảnh tiên bồng.
....còn tiếp....
 
Last edited:
· CAO SƠN CỔ TỰ

Quần thể chùa Núi được hình thành dựa theo thế núi có chùa trên, chùa dưới đều quay mặt theo phái Bắc tông thường thấy. Dù qua nhiều lần trùng tu nhưng vẫn giữ được nét cổ kính với mái cong lợp ngói, lưỡng cong chầu nguyệt đã nhuốm dày bao lớp rêu phong tồn tại với thời gian. Các chú chuẩn đề ở vòng linh phù được chạm khắc trên vách đá sau chùa Tổ mới thấy phần nào dấu tích của phái Mật tông. Nói lên một thời các bậc cao tăng đại lão đã tu luyện pháp thuật làm phương tiện tu chứng nhằm đạt hai chữ Chơn-Không.

Cảnh Tịnh độ nhân gian với ba pho tượng Phật Di Đà (7m), Quan Thế Âm và Đại Thế Chí (6,5m) hiện nay là một trong bảy cấp của cảnh Tịnh độ đạo tràng theo quán kinh và kinh Di đà do sư trụ trì Thích Vĩnh Thọ phác thảo từ năm 1960. Màu vôi trắng toát của các pho tượng nổi lên giữa màu xanh cây rừng tạo nên cảnh hùng vĩ siêu nhiên. Ban sớm có những đám sương mù lởn vởn như trộn lẫn vào lớp đá hoa cương đang phiêu bồng giữa thực và mộng. Vị trí trung tâm chùa Linh Sơn trường thọ gồm chùa trên, chùa Tổ. Chùa xây dựng từ khoảng năm 1870-1880 do sư tổ Hữu Đức và các chư hậu tổ tiếp tục trùng tu. Qui mô cấu trúc chùa Tổ có 3 gian, giữa là chánh điện thờ Phật, bên tả nhà giám tự, bên hữu là nơi thờ Tổ Hữu Đức. Có trên một trăm bậc đá tam cấp rêu phong, ngược dốc từ cổng tam quan lên chùa Tổ đã tôn lên vị thế tôn nghiêm và nhìn thấy mái chùa điểm xuyết lên nền trời xanh lồng lộng. Đặc trưng nghệ thuật kiến trúc, Phật giáo mang phong cách kiến trúc thời Nguyễn.

Ở triền núi hướng đông của chùa Tổ là chùa Long Đoàn được sư Tâm Tố hiệu Viên Minh tạo dựng sau khi Tổ Hữu Đức viên tịch. Lối kiến trúc mang tính pha tạp với phong cách hiện đại nhưng nóc chùa hình tháp, mái ngói âm dương được hài hòa thanh thoát.

Ngôi chánh điện với bức tường xây bằng đá chẻ trọng rất bề thế giữa khu đất rộng có nhiều cây ăn trái lưu niên tạo nên màu xanh sinh thái tự nhiên hài hòa với cảnh sắc núi rừng.

Tổng thể di tích Linh Sơn trường thọ tự không thể tách rời những kiến trúc tượng Phật, tháp mộ, miếu thờ, ao thất bảo được xây dựng sau này. Công trình mang tính đồ sộ và độc đáo nhất là pho tượng Phật Thích ca mâu ni nhập niết bàn dài 49 mét, cao 13 mét với tư thế nằm nghiêng. Lưng tựa vào vách núi, gối đầu lên tay. Khởi công xây dựng từ năm 1962 và gần 4 năm sau mới hoàn thành. Có người từng đi khắp đất nước chưa thấy pho tượng bào có kích thước lớn và nghệ thuật như vậy. Đến nay, vẫn có những thắc mắc không hiểu sao lúc bấy giờ, nơi thâm sơn cùng cốc, đường lên hiểm trở mà chỉ bằng sức lực con người lại chuyển hàng ngàn tấn sắt thép, xi măng làm nên kỳ công đó. Góp vào đó phải kể đến kiến trúc sư Trương Đình Ý, pháp danh Quảng Lưu đã phát nguyện cống hiến công sức và trí tuệ của mình vì đạo pháp.

Trong khuôn viên chùa có tháp mộ Tổ và các chư hậu tổ. Chuyện kể rằng trước khi Tổ Hữu Đức sắp tịch, có một đệ tử là sư cô Thái Thị Tràng nhờ chuyên tâm tu niệm, khắc kỷ tu thân đã tiên tri được nên tự chất củi thiêu mình thoát hóa trước Tổ. Lại có chuyện, sau khi Tổ tịch, Bạch Hổ lâu nay theo hầu Tổ cũng về phủ phục bên mộ Tổ buồn rầu, chẳng hề ăn uống và mấy hôm sau nằm chết bên tháp. Do vậy mà cạnh tháp Tổ có một nấm mộ gọi là mộ Bạch Hổ do nhà chùa mai táng.

Phía chân tượng Phật nằm, ven bãi đá ngổn ngang mọc đầy những cây thuốc ngũ gia bì, chuối đá... có một hang đá, cửa vào rất hẹp chỉ đủ một người. Luồn vào trong có tảng đá bằng phẳng là nơi Tổ thiền tịnh nay trở thành chỗ thờ. Bước chân đầu tiên vào buổi khai sơn Tổ đã coi nơi này là “Như lai tịnh thất”. Vào sâu nữa bằng con đường nhiều ngóc ngách, bóng tối âm u trong lòng đá như vô tận. Lối đi càng sâu càng thấy trút xuống dần, gặp nhiều ngã, nhiều vực thăm thẳm và hơi lạnh từ đá xông ra. Người đi thám hiểm vào hang sâu thường đốt nhanh cắm dọc lối đã qua để định hướng quay về. Tiếng nước chảy róc rách từ khe đá vang vọng chân ngôn huyền bí khó mà diễn đạt bằng ngôn ngữ trần thế. Có người kể, ngày xưa quăng vào hang trái bưởi hoặc quả dừa nếu đánh dấu thì khoảng những ngày sau sẽ gặp trôi trên biển Khê Gà... Những chuyện mang vẻ kỳ bí và linh diệu và Hang Tổ đến nay vẫn còn trong tâm tưởng người mộ đạo.

...còn tiếp....
 
· TRẦN HỮU ĐÚC VỚI BƯỚC ĐƯỜNG HÀNH ĐẠO

Ngưỡng mộ trước những di tích đậm bản sắc tín ngưỡng trong bối cảnh thiên nhiên đầy quyến rũ, khách thập phương sẽ thầm nghĩ từ cơ duyên nào mà đưa đẩy thiền sư Trần Hữu Đức vượt ngàn trùng để rồi dừng chân nơi này. Đất có linh, núi có thiêng cũng phải từ một sức mạnh vô hình được khơi dậy màu nhiệm đáp ứng nỗi khao khát của tư tưởng con người. Giá trị siêu phàm của pháp thuật (SIDDHI) mà thiền sư Hữu Đức ở chỗ dày công khổ luyện biến năng lực tự phát của tâm hồn như dòng nước xoáy trở thành hồ gương phẳng lặng phản chiếu hình ảnh thế gian. Bởi ngài thấu triệt tinh thần mật tông đích thực để trở thành bậc đại trí nguyện độ chúng sinh. Tà Cú với tiềm năng đa dạng được thiên nhiên ưu đãi rồi nức tiếng Linh Sơn từ rất xa xưa, gắn với những ngày khổ hạnh tu luyện của Tổ Hữu Đức.

Nguyên quán của Tổ thuộc làng Bạc Má, quận Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên (nay là huyện Tuy An, Phú Yên) và sinh ra trong một gia đình quí tộc. Thân phụ ngài Trần Thái Công, thân mẫu bà Nguyễn Thị Từ là những bậc hiền đức từ tâm. Tổ với tục danh Trần Hữu Đức sinh vào giờ Tý, ngày mùng 8 tháng 2 năm Nhâm Thân thời Gia Long thứ 11 (tức năm 1812). Thời thơ ấu, ngài đã phát hiện tư chất thông minh lạ thường. Trong các bữa cơm chỉ một ít mùi cá thịt là ngài không bao giờ đụng đến. Những suy nghĩ đầy trí tuệ, nhân hậu đến người lớn tuổi cũng phải trầm trồ thán phục. Năm lên 10 tuổi, ngài được song thân cho theo thầy học tập. Với trí khôn trời phú, đức tính hiền từ ngài sớm am tường thi lễ. Vào năm 17 tuổi, song thân lần lượt qui tiên, sau 5 năm ngài xong việc cư tang báo đền chữ hiếu, ngài quyết chí rời mái ấm, sản nghiệp của gia đình xuôi vào nam tìm đường tu tập. Tuy còn trẻ nhưng ngài sớm nhận ra nỗi trầm luân, cảnh bi thương sinh ly tử biệt của kiếp người luôn đọng lại trong tâm tưởng. Cùng lúc trước hoàn cảnh xã hội đương thời bao chuyện nhiễu nhương đã thôi thúc ngài thực hiện ‎ý nguyện thoát tục để bắt đầu cuộc hành trình đạo pháp từ đó.

Trên mảng thuyền nan lướt sóng theo mùa gió, suốt 3 ngày liền thiền sư Hữu Đức cập bến Phan Thiết, tìm đến chùa Phước Hưng bái yết sư trụ trì là ngài Trí Chất đại sư xin thọ giáo. Thiền sư Hữu Đức nói lên lòng phát nguyện xuất gia cầu học diệu pháp của Như Lai. Coi đó là con đường cứu độ lấy bản thân và phổ hóa cho mọi người hầu đền ơn dày trả nghĩa nặng của song thân. Thiền sư Hữu Đức được nhận làm môn đồ và đặt pháp danh là Thông Ân. Từ đây ngài hết dạ chuyên tâm tu học, tròn việc ở cửa thiền môn tịnh thất. Ngài tập trung vào việc dùi mài kinh điển, giữ nguyên giáo luật suốt 13 năm trời không bao giờ tỏ ra xao lãng. Sau đó bổn sư trụ trì tịch, ngài lo xong việc cư tang lại ra đi tìm nơi thanh tịnh để suy nghiệm với hoài bão đạt được cội phúc vô ưu, giải thoát kiếp người. Rời chùa Phước Hưng, ngài đến làng Kim Thạnh, xứ Bàu Trâm (nay thuộc xã Hàm Minh, Hàm Thuận Nam) dựng lên ngôi thảo am vừa tu thiền, vừa bốc thuốc tế độ dân làng. Tiếng đồn về đức trọng tài cao của vị thiền sư trẻ (lúc ấy ở tuổi 31) lan dần khắp nơi xa gần. Dân làng góp nhau dựng lập ngôi chùa là Kim Quang tự để sư Hữu Đức hành đạo.

Ở đây được 30 năm, sư Hữu Đức nghĩ đến bước đường hoằng pháp lợi sanh không đành tự đại. May duyên lành lại đến, Hòa thượng Bửu Tạng người cùng quê trên đường đi hóa đạo ghé ngang xứ Bàu Trâm. Nhà sư Thông Ân Trần Hữu Đức được tin liền đến đảnh lễ cung thỉnh hòa thượng về chùa và được truyền đại giới (250 giới). Thấy đường tu tập là phải ẩn mình, có nơi tịnh niệm sư Hữu Đức lại ra đi. Đến một nơi có tên gọi là Bàu Siêu (theo dân địa phương còn nói có lúc ngài tu trong một gộp đá trên bờ biển Khe Gà). Không lâu, thiện nam tín nữ được tin lại kéo đến xin thọ giáo ngày càng đông, nhưng với tuổi đời đã cao mà tâm nguyện tu tịnh chưa thành nên ngài lặng lẽ băng ngàn lên núi Tà Cú. Nơi đây rừng thiêng nước độc, nhiều thú dữ không dấu chân người. Sư Hữu Đức đến được Đá bàn hạ rồi tiếp tục lên Đá bàn thượng tạm dừng chân làm nơi khổ luyện. Nhưng chỉ được mấy tháng thôi, ngài lại đưa mình lên tận núi cao rồi chọn được một hang đá sâu thẳm, cạnh gốc cây đại thụ vừa tĩnh lặng vừa bí ẩn làm tịnh mất tọa thiền.

...còn tiếp...
 
· HUYỀN THOẠI THUỞ KHAI SƠN

Giữa hoàn cảnh núi cao, khí hậu khắc nghiệt, cách biệt với dân cư thì nhà sư sẽ sống ra sao, nhưng được lý‎ giải từ những môn đồ kế tục. Nhờ pháp thuật cao siêu mà Tổ thuộc dòng Lâm tế chánh tông thứ 40 đạt được sức mạnh chuyển hóa vạn vật xung quanh. Pháp thuật Siddhi mà Tổ tu luyện có khả năng biến tư tưởng (MANAS) hạ tiện thành bảo vật, biến than thành kim cương sáng chói, biến thuốc độc thành thuốc trường sinh (nói theo Govinda trong Les Fondements de la Mystique tibétaine). Biết bao huyền thoại về Tổ Hữu Đức suốt 16 năm khai sơn với sự nhiệm màu của trí huệ, đại hùng. Theo nhiều người truyền tụng, có một Bạch Hổ luôn phủ phục bên hang Tổ, quấn quít theo chân Tổ bất cứ đi đâu, mãi cho đến ngày Tổ tịch thì cũng chết theo. Trên cánh rừng chùa núi có cặp chim hồng hoàng cao cát với bộ lông rất đẹp, xuất hiện từ khi có Tổ. Tiếng chim hót lên cũng là báo hiệu có khách thập phương dưới chân núi sắp lên, rồi bay lượn dẫn đường không sai một bước. Bữa ăn hàng ngày của Tổ là lá rừng rau lũi ở vách núi, nước uống lấy từ khe đá trong hang. Có người kể về sự linh ứng của Tổ còn đến sau này, đó là khi xây pho tượng Phật nằm 49m, nhu cầu vận chuyển sắt thép, xi măng lên núi rất đã khó. Trong khi khối lượng cát xây cần phải đến gấp chục lần lại giữa địa hình sườn núi đá phủ kín mà không phải đưa từ dưới lên. Trước ngày thi công, tùy theo thời gian của thợ hồ, sư trụ trì lúc ấy cho trữ nước dùng vào các mái chứa rồi bít kín các lỗ mạch nước chảy hàng ngày, thắp nhang rồi niệm chú. Sáng ra, từ các mạch nổi trào ra những đụn cát nhuyễn dùng được cho công trình.

Vào năm Tự Đức thứ 33 (1880), Hoàng thái hậu Từ Dũ lâm trọng bệnh, mắt mù lòa nhưng các ngự y, danh y tài giỏi ở triều đều bất lực. Nhà vua châu tri khắp thần dân trong nước kêu gọi ai cứu được mẫu hậu sẽ trọng thưởng. Bởi tiếng đồn về danh đức, pháp thuật của Tổ từ lâu, vị quan đầu tỉnh Bình Thuận lập tức viết biểu mẫu tâu lên vua. Vua Tự Đức hạ chiếu sai sứ xin rước Tổ về triều chữa bệnh cho Hoàng thái hậu. Nhưng vì đã nguyện không bao giờ xuống núi nữa mà chỉ trao cho sứ thần các chú chuẩn đề và thảo dược cùng cách sử dụng, không thể về triều theo chiều chỉ của vua. Quả là linh nghiệm, sau khi uống hết các chú chuẩn đề và thuốc, Hoàng thái hậu vượt qua căn bệnh hiểm nghèo, nhanh chóng bình phục là điều không ai tưởng đến. Vua Tự Đức tỏ lòng cảm phục Tổ và ân đức ban sắc phong bốn chữ “Linh Sơn Trường thọ” cho nơi Tổ sáng lập và tu tịnh.

· CÁC CHƯ HẬU TỔ

Đại lão hòa thượng Tổ sư Hữu Đức viên tịch vào ngày mùng 5 tháng 10 nănm Đinh Hợi 9tức 1888), thọ 76 tuổi, tăng lạp 53. Tổ biết trước ngày thoát hóa của mình nên họp đồ chúng báo việc phó chúc cho đệ tử Tâm Tố hiệu Viên Minh thay Tổ trông nom chùa, tiếp dẫn hậu lai. Sư Tâm Tố cùng với các sư Tâm Hiền, Tâm Sơn, Tâm Luật là lớp đệ tử đầu tiên khi dựng lập Chùa Núi. Sư Tâm Tố kế vị Tổ rồi lập chùa Long Đoàn. Cho đến niên hiệu Thành Thái, nhằm ngày 30 tháng chạp Quý‎ Tỵ, y theo phép trả tỳ của Tổ, ngài chọn giữa khuya khi đồ chúng đã xuống núi, nổi lửa tự thiêu mình thoát kiếp. Ngài Nguyên Tiền hiệu Minh Tước thay thế trụ trì cùng với ngài Nguyên Chấn (hiệu Thiện Hòa) và ngài Tịnh Hạnh. Sau này sư Minh Tước qua đời người kế vị là ngài Đỗ Quảng Thành hiệu Thiện Thắng. Ngài quê đảo Phú Quý‎, có tâm tu hành và cũng là người có công đứng ra trùng tu Tổ đình lần thứ nhất. Những công trình kiến trúc bằng đá chẻ làm tường chánh điện, nhà đông-tây lợp ngói và khai thông con đường mới từ nhà chùa xuống núi ngày nay có phần công sức lớn của ngài. Hòa thượng Thiện Thắng hành đạo tại chùa núi hơn 60 năm, tăng lạp được 42 tuổi. Ngài viên tịch ngày 11 tháng 9 năm Canh Thìn.

Kế vị trụ trì là nhà sư Đào Bạch Cẩn pháp danh Tục Châu, hiệu Vĩnh Thọ và đệ tử pháp danh Tục Huệ làm giám tự. Trong chiến tranh kháng Pháp, tai họa ập đến cửa thiền, ngài Tục Huệ bị bắn chết. Lúc này nhà sư Vĩnh Thọ bị cách trở tận Phú Yên cho mãi đến khi hòa bình năm 1954 hòa thượng mới về lại Tổ đình và bắt đầu một số chương trình trùng hưng, kiến tạo cảnh quan làm nơi qui hương cho chúng sinh. Trong đó phải kể đến công trình xây lại Tháp Tổ, trùng tu ngôi Tổ đình và phác thảo Tịnh độ đại tràng còn dang dở đến nay. Hòa thượng Thích Vĩnh Thọ mất ngày 14 tháng 11 năm Nhâm Tuất (1982), thọ 75 tuổi.

· THẮNG CẢNH DI TÍCH TÀ CÚ NGÀY NÀY

Một phần chân núi được bao bọc bởi cánh đồng, vườn cây Thanh Long và thị tứ dân cư, nhưng núi Tà Cú giữ được đặc điểm sinh thái tự nhiên của rừng nhiệt đới còn rất đa dạng và phong phú. Gần đó, hướng đông bắc còn có suối nước nóng Bưng Thị với nhiệt độ 780C. Núi trở nên Linh Sơn, Tổ trở nên linh hiển là từ những điều kỳ diệu của Linh sơn trường thọ từ thuở nguyên sơ của Tổ Hữu Đức tu tập, dựng chùa thổi vào thiên nhiên lung linh huyền ảo và mở ra một tiềm năng lớn về du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, nghỉ dưỡng. Không xa là bãi bờ biển đẹp, cát trắng mịn màng nối từ La Gi đến tận Khe Gà, Thuận Qu‎ý (Hàm Thuận Nam) chạy theo tuyến đường về thành phố Phan Thiết. Năm 1993, Bộ Văn hóa thông tin công nhận di tích danh lam thắng cảnh núi Tà Cú là di tích lịch sử văn hóa.

Song song với các công trình khai thác du lịch, dự án cáp treo với nguồn đầu tư của Công ty du lịch Bình Thuận gần 64 tỷ. Trạm ga đi cách đường bộ lên núi vài trăm mét. Từ đó với tuyến cáp treo có 25 cabin, mỗi cabin chở được 6 người di chuyển trên đường cáp dài 1.550 mét lên đến chùa Linh Sơn. Du khách sẽ thấy yên tâm, thoải mái và thú vị khi ngồi trên cabin được hoàn thiện bằng một hệ thống cáp tuần hoàn hiện đại nhất Châu Âu hiện nay do tập đoàn Doppelmayr, Cộng hòa Áo sản xuất. Nhờ sử dụng hệ thống kỹ thuật cao nên khi cabin vào ga sẽ tự động dừng lại đủ thời gian cho khách lên xuống an toàn. Hai đầu của tuyến cáp là trạm ga, một công trình kiến trúc độc đáo tựa mình trên những khối đá hoa cương vừa là nơi khách tạm dừng chân hoặc ngồi ngắm cảnh ở nhà hàng có sức chứa hàng trăm khách.

Ở chân núi Tà Cú cũng thừa hưởng một địa thế tự nhiên với rừng nguyên sinh và nhiều khe suối có thể tạo ra những thác nước, hồ tắm mát từ hơi đá núi. Đang nhen nhóm ở đây một khu du lịch có diện tích rộng 24 ha gồm các dịch vụ nhà nghỉ, nhà chờ, quảng trường, vườn hoa.

Khai thác khí hậu mát mẻ, độ ẩm cao ở lưng chừng sườn núi tưởng chừng có một bầu trời Đà Lạt đâu đây. Cạnh trạm ga có một công viên cây cảnh tự nhiên, một bộ sưu tập ngàn hoa vùng nhiệt đới. Khi đứng trên núi cao nhìn về hướng biển đông xanh ngát, khách có lúc cảm nhận ra bao điều vang vọng như lời thơ của nhà thơ Nguyễn Ngu Í (Ngê Bá Lí):

“Nhè nhẹ sương bông ôm núi lịm

Êm đềm cây cỏ đắm trong mơ

Tiếng chuông đâu bỗng run lòng đá

Ngó xuống trần ai thấy mịt mờ”


(Trích từ Huyền thoại xứ biển - Phan Chính )
trích theo: thanhuubinhtuy
...hết....
 
Buổi tối leo núi nên mua thêm bánh mì, chà bông, dưa leo để tối ăn thêm cho đỡ đói, mì gói ăn sống cũng được đó nhưng có điều là ăn xong uống nước nhiều.
 
@nang: cám ơn bạn tư vấn nha, sẽ chuẩn bị vài thứ, trừ mì gói, ăn sống sợ Tào Tháo=))
@Kim: Mình xuất phát từ SG, có hẹn với lanrung gặp ở bên Nguyễn V Trỗi, chưa có địa điểm cụ thể:(. Bạn xuất phát ở SG thì đi chung đi
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
59,370
Bài viết
1,175,418
Members
192,073
Latest member
santarivietnam
Back
Top