Tiếp theo
Tranh thủ lúc nghỉ, A Đu hái mấy quả nho nhỏ màu tím thẫm, gần giống như quả phúc bồn tử, ăn có vị chua chua ngòn ngọt. Hỏi tên thì A Đu cũng lắc đầu, chỉ biết là ăn được theo kinh nghiệm. Gần đó có 1 bụi cây gần giống như vậy, nhưng quả màu đỏ tươi. A Đu bảo đừng có ăn, ăn không được đâu. Lại thêm một kinh nghiệm đường rừng không được đặt tên như thế.
Vách đá dựng đứng
Đi đến đoạn cả vách đá dựng đứng chừng hơn hai chục mét, không có đường nối sang đỉnh bên cạnh. Buộc phải men theo vách, lần bám để đu xuống. A Vảng vẫn cười và bảo đường này đám dê vẫn chạy qua được. Nhìn xung quanh không hề thấy bóng con nào. Cũng không dám không tin, đành cứ thế ngửa mặt lên trời mà bám vách lần dần xuống, chứ tuyệt không dám nhìn xuống phía dưới sâu hun hút. Các bác làm phim hành động có muốn làm những đoạn phim leo núi như của Holywood thì cũng chỉ cần đến đây là thừa cảnh mà quay. Qua được đoạn này, ngẩng đầu nhìn lên thì thấy hai anh chàng A Vảng với A Đu là chỉ còn như hai chấm nhỏ xíu ở tít phía trước.
Đi mải miết chừng 1 tiếng rưỡi, thì tới được độ cao 2500m. Đến đây thì A Vảng mới kể hết rằng đoàn trước đó cũng chỉ lên được tới đỉnh cao thứ 3 trong ba đỉnh cao nhất của dãy Tà Sùa. Và nếu muốn đi thêm 1 trong đỉnh kia thì tối thiểu cũng phải thêm 1 ngày nữa và đồng nghĩa với việc còn phải mang đồ đạc đi theo. Ngồi xuống thở một chút với biển mây trắng tràn ngập dãy núi phủ xanh. Nhìn lại đoạn đường gập gềnh trên sống núi chon von. Chúng tôi đành quyết định sẽ chỉ đi lên tới điểm cao thứ 3 đó.
Những đỉnh núi chìm khuất trong biển mây
Con đường vẫn tiếp tục, càng lên gần tới đỉnh, càng nhiều bụi cây cao và dày rậm. Các bụi trúc mọc khá dày. A Vảng chỉ cho một bãi phân gấu khô. Ở bản Tà Sùa, mọi người vẫn kể cho nhau nghe về câu chuyện của một gã trai Mông trong bản, người đã từng bị gấu tát mất mũi, cắn nát tai chừng mười năm trước. Gấu bình thường ít khi tấn công người, và thường lẩn tránh người. Nhưng khi nuôi con nhỏ, gấu mẹ khá hung dữ. Gã trai Mông khi ấy đã bắn bật gấu mẹ xuống vực. Tưởng gấu đã chết, nên lần xuống để tìm. Nào ngờ, gấu tỉnh dậy, quay lại tấn công. Gã nằm áp sát xuống đất để tránh những cái tát của gấu mẹ, đến lúc chán, gấu mẹ bắt đầu bỏ đi thì gã lại phạm một sai lầm là ngẩng đầu dậy để nhìn xem sao. Gấu phát hiện ra gã chưa chết, liền quay lại cắn xé. Tai và một phần mặt của gã mất đi là vì thế. Thợ săn trong bản giờ vẫn còn, nhưng thú săn thì đã ít đi nhiều.
Bám vách cheo leo và dừng đứng, leo thêm chừng 1 tiếng nữa. Tới 11h30, cả 4 anh em lên được tới đỉnh có độ cao 2650m. (Thiết bị thay đổi chỉ số liên tục dao động xung quanh mốc 2650m, lúc tăng lúc giảm). Niềm vui cũng đã ngập tràn. Từ đây bước một chút là đã sang đất Sơn La. Nhìn lên phía Bắc là hướng về đỉnh cao nhất của dãy Tà Sùa, phía Nam là đỉnh cao thứ hai. Hai đỉnh này là hai nơi có hai cột cờ của ta và của Pháp. Mong sao cho con đường từ Trạm Tấu sang Bắc Yên sớm hoàn thành không chậm hơn dự kiến.
Đánh dấu, ghi tên 4 anh em lên tới một đỉnh của dãy Tà Sùa. Và bãi đá làm mốc nơi chôn dấu mốc.
Chúng tôi lấy giấy bút ra ghi lại thời điểm, ghi lại tên bốn anh em rồi cho vào hai lần túi ni lon (vốn là hai túi đựng kẹo), hàn kín lại rồi chôn xuống đất ở vị trí bằng phẳng nhất trên đỉnh. Sau đó lấy vài tảng đá nhỏ xung quanh xếp lại cẩn thận lên trên. Hi vọng rằng nếu lần sau có đoàn nào lên sẽ đào thấy tờ giấy ấy. Còn nếu có dịp quay lại, nhất định sẽ mang theo 1 chiếc hộp chắc chắn để làm nơi ghi dấu cho các đoàn đi sau. Cách đó không xa, trên một thân cây khô nhỏ bên cạnh, mấy anh em còn nhìn thấy một sợi dây đeo máy ảnh hiệu Fujifilm. Không biết là ai đó đi trước đã cố tình buộc lại đây làm dấu kỷ niệm.
Biển mây nhìn từ trên đỉnh dãy Tà Sùa
Ngồi nghỉ ngơi một lát, chụp mấy kiểu ảnh để làm kỷ niệm trước khi máy cạn pin. Hơn 12h trưa, chúng tôi bắt đầu quay xuống. Con đường về Tà Sùa chừng 6 tiếng đồng hồ đi liên tục để về đến nhà Phàng A Vảng. Cả nhà đã ngồi quây quần bên bếp lửa chờ đón mọi người trở về.
Chúng tôi rời Tà Sùa, tuy chưa gặp được những cô Phùa như trong bài viết từng được đọc, nhưng chúng tôi đã gặp được những cô Phùa nhỏ nhắn, xinh xắn sống trên những ngọn núi chìm đắm giữa biển mây. Những con người ấy đang tiếp tục cuộc sống ở vùng đất mang tên Núi Cao (Tà Sùa) này và vẫn không ngừng thổi bùng lên cuộc sống giữa núi và mây.
Cô Phùa bé nhỏ của bản Tà Sùa
HOÀNG HÀ MAI.
[/COLOR]
[/JUSTIFY]
Tisina,