What's new

[Chia sẻ] Tây Tạng mùa đông - về phía Đông Lhasa

Chuyến đi với tôi kết thúc đã 3 ngày, còn với một số bạn giờ mới kết thúc.

Chuyến đi tôi chỉ có duyên đi theo, không tham gia lên kế hoạch hay bất cứ gì khác, thảnh thơi mà tận hưởng.

Hình như tôi đã qua mất cái thời có thể viết những bài với cảm xúc tràn đầy, dù thực sự vẫn tràn đầy xúc động về một vùng đất có thể làm người ta say mê.

Tây Tạng, Tây Tạng, đã có nhiều topic trong diễn đàn này viết về nơi đó. Thêm một topic vốn cũng không có nghĩa gì.
Tuy nhiên các chuyến đi trước đây đều là đi về phía Tây của Lhasa, nay chuyến đi của chúng tôi hướng về phía Đông, đi vào vùng Niyingtri (Lâm Chi) và sang đất Chamdo (Xương Đô).

Về Tây Tạng, Yilka đã có topic khá chi tiết: Trung Hoa tây du kí; hay Backpackervn đầy cảm xúc trong Mây trắng Tây Tạng..., và June với chuyến đi hành hương Kailash kinh điển: Tây Tạng những ngày xanh nắng hạ,... do đó tôi chỉ làm người cóp nhặt lại những gì trên cung đường đã qua, sẽ rơi rụng theo thời gian, và không biết bao giờ mới viết xong.

Nếu không bao giờ viết xong, thì cũng coi như là tình cảm với Tây Tạng cũng sẽ còn lưu mãi.
 
Last edited:
Re: Tây Tạng mùa đông - Đi về phía Đông Lhasa

Những người cuối cùng đã về đến Hà Nội an toàn và khoẻ mạnh. Còn bàn nhau về nịnh Chitto viết topic thật chi tiết, nhìn thấy bài mừng quá!!!!!

Đúng là "Vạn sự tuỳ Duyên", thầy nhỉ!

Ủng hộ anh Chitto kéo dài topic tới vô hạn!!!
 
Tibet - Tây Tạng

Khi tìm hiểu một vùng đất như Tây Tạng, thực sự tôi không biết nên bắt đầu từ đâu. Có lẽ nên nói ngay từ tên gọi vậy.

Người Tây Tạng gọi vùng đất mình ở và dân tộc mình là Bob. Từ đó mà người Hán đời Đường gọi họ là Tu-bo / tu-fan (Thổ Phồn - đất của người Phồn), rồi người Ả rập giao thương gọi là To-bhot nghĩa là người Bhot ở trên vùng đất cao, từ đó truyền sang phương Tây thành ra từ Tibet ngày nay.

Còn người TQ thì gọi họ là người Tạng, và vì ở phía Tây của Trung quốc nên gọi là Tây Tạng. Và người Việt chúng ta quen với tên này hơn.

Tương tự như vậy, các địa danh trên đất Tibet đều có tên tiếng Tạng gốc, có thể phiên âm Latin. Thế nhưng do nền văn hóa Hán quá mạnh nên chúng ta (và cả người phương Tây) nhiều lúc chấp nhận tên tiếng Hán mà quên đi tên gốc. Vì thế trong topic này tôi sẽ dùng tên gốc cùng với phiên âm Hán Việt của từ tiếng Hán.

Tibet hay Tây Tạng - như vậy đều không phải là tên gốc của cư dân vùng đất này. Tiếc thay nó đã thành phổ biến và chính họ khi nói về mình cũng dùng từ này.

Topic của Yilka đã viết khá nhiều về lịch sử và Phật giáo Tây Tạng, tuy nhiên topic này tôi cũng vẫn sẽ viết lại sơ lược vài điều, để hành trình có nhiều ý nghĩa, và để chính mình không chỉ là một khách qua đường hời hợt của vùng đất kì lạ này.
 
Tibet từ sơ sử đến đế quốc

Những cư dân lâu đời nhất trên cao nguyên Tibet đến từ phía Bắc, vùng Amdo - Thanh Hải từ hàng nghìn năm trước Công nguyên.

Khoảng 1000 năm trước Công nguyên, nền văn minh Zhangzhung đã phát triển ở phía Tây của Tibet, với núi Kailash là trung tâm. Các vương quốc Zhangzhung tiếp nối ảnh hưởng đến toàn bộ phía Tây và Tây Bắc của Tibet, và lan sang phía Đông. Những vương quốc xa xưa này không để lại nhiều dấu vết và thư tịch, chỉ biết rằng họ đã có chữ viết riêng, lối chữ Tibet cổ.

Đạo Bon bản địa hình thành và phát triển trong vương quốc Zhangzhung (từ khi nào cũng không rõ). Đạo Bon sơ kì - cũng như chính Zhangzhung rất ít dấu tích để lại.

Khoảng 100 trước Công nguyên, tại phía Đông, vùng đồng bằng sông Yarlung Zangpo gần Lhasa ngày nay, một thủ lĩnh địa phương là Drigum Tsenpo chống lại Zhangzhung, đuổi các tu sĩ đạo Bon đi, và trở thành vị vua phía Đông, xây dựng lâu đài Yumbullagang làm thủ phủ của mình. Ông bị người Zhangzhung giết, nhưng người Tibet ngày nay đều coi ông là vị vua Tibet đầu tiên.

Trong khi Zhangzhung thực sự vẫn tồn tại, những người Tibet phía Đông quanh sông Yarlung Zangpo đã huyền thoại hóa Drigum Tsenpo và đặt ra các vị vua huyền thoại nối dòng từ ông, họ chờ đợi trong suốt 700 năm.

Cho đến những năm 600, vị thủ lĩnh vĩ đại của người Tibet phía Đông đã xuất hiện: Songtsan Gampo (Tùng Tán Cam Bố) trở thành vi vua hùng mạnh, dẹp tan lực lượng Zhangzhung, thống nhất Tibet từ Đông sang Tây, xây dựng nên vương quốc rộng lớn của mình. Theo huyền thoại của người Tibet phía Đông, ông là vị vua thứ 33 tính từ Drigum Tsenpo.

Songtsan Gampo đã xây dựng vương quốc vững mạnh, tiêu diệt Zhangzhung ở phía Tây, đe dọa nhà Đường TQ ở phía Đông, Nepal ở phía Nam, Nam Chiếu ở phía Đông Nam. Ông cưới công chúa Nepal là Bhrikuti làm vợ đầu, Đường Thái Tông phải gả công chúa Văn Thành cho ông làm vợ thứ hai. Ông đã chọn vùng đồng bằng gần Yarlung Zhangpo làm thủ đô, và dựng lên cung điện trên quả đồi cao, mà ngày nay chính là cung Potala.

Vốn chống lại Zhangzhung, Songtsan Gampo cũng không ưa đạo Bon. Chính vì thế khi hai người vợ theo Phật giáo mang đến những pho tượng Phật, ông đã nhiệt tình ủng hộ và cho xây hai ngôi đền để đặt các pho tượng của tôn giáo mới. Tầng lớp quý tộc Tibet đã chuyển sang tôn sùng Phật giáo thay cho đạo Bon bản địa.
 
Từ đế quốc đến bị trị

405px-Tibetan_empire_greatest_extent_780s-790s_CE.png


Đế quốc Tibet mở rộng trong gần 200 năm sau đó, đến khoảng năm 790 thì cực đại như trong bản đồ, với 10 triều vua tính từ Songtsan Gampo.

Sau cái chết của Langdarma, vị vua thứ 10 tính từ Songtsan Gampo (thứ 42 theo truyền thuyết), năm 841 chính quyền trung ương sụp đổ, các lãnh chúa phân chia và đánh nhau trong khoảng vài trăm năm.

Khoảng 1240, Mông Cổ tiến quân chiếm Tibet và nhanh chóng thành công, thiết lập một hệ thống hành chính cai trị đại diện, vẫn để các lãnh chúa có quyền trên đất riêng. Chính quyền này tồn tại trong hơn 300 năm nữa.

Năm 1578, Khả Hãn nhà Nguyên tặng danh hiệu Dalai Lama cho vị lãnh đạo Phật giáo phái Gelugpa, từ đó được coi là lãnh đạo tinh thần cao nhất của Phật giáo Tibet.

Vị Dalai Lama thứ 5, với tài năng của mình đã thống nhất Tibet, và trở thành Dalai Lama vĩ đại nhất, thực sự lãnh đạo Tibet về mặt chính quyền. Từ đây Dalai Lama không chỉ là lãnh tụ tôn giáo mà còn là nguyên thủ quốc gia. Các Dalai Lama đều giữ ngoại giao tốt với triều đình TQ. Tuy nhiên do truyền thống tái sinh, các Dalai Lama không kế nhiệm liên tục mà luôn có những khoảng trống, và vì thế cần hội đồng các Cao tăng, cũng như Panchen Lama (Ban Thiền Lạt ma) nắm quyền những khi trống ngôi hoặc Dalai Lama còn quá trẻ.

Nhà Thanh đã đặt quyền cai trị của mình lên Tibet, các Dalai Lama lên ngôi phải được sự chuẩn y của hoàng đế. Đây chính là cái lý mà TQ sau này cho rằng Tibet thuộc cai trị của mình. Nhà Thanh cũng đã lấy nhiều phần đất thuộc Tibet làm thành các tỉnh Vân Nam, Tứ Xuyên, Thanh Hải. Tibet ngày nay thu hẹp rất nhiều cũng vì điều này. Và mọi người có thể thấy dấu ấn Tibet ở khắp các tỉnh này.

Đầu thế kỉ 20, Anh muốn đưa quân cùng lính Ấn vào Tibet, nên đã xảy ra chiến tranh. Đến 1912 Anh phải rút quân. Từ 1912 đến 1951 Tibet thực sự được độc lập. Nhưng rồi sự độc lập đó chấm dứt khi Trung Quốc đưa quân lên.

Năm 1959, Dalai Lama thứ 14 rời khỏi Tibet, và nay Tibet nằm dưới quyền kiểm soát của TQ.


Tibet ngày nay

tibet-location-map.jpg
 
Last edited:
Re: Tây Tạng mùa đông - Đi về phía Đông Lhasa

Anh ơi, viết thật nhiều nhé! Hóng bài của anh! Em cũng mới đi Tibet tháng 09, đến giờ vẫn bị ám ảnh tinh thần:((
 
Re: Tây Tạng mùa đông - Đi về phía Đông Lhasa

Tất nhiên lịch sử nào cũng có sự tính thay đổi của nó. Tibet không thể đòi hỏi toàn bộ những vùng đất rộng lớn trong quá khứ để trở lại thành một đế quốc được. Cũng tương tự như đế quốc Khmer đã từng bao trùm gần như một nửa Đông Nam Á không thể đòi các phần miền Trung, miền Nam Việt Nam, Bắc Thái Lan... được, và Việt Nam cũng không thể đòi hỏi phần đất thời vua Minh Mạng từng cai trị bao gồm đến cả thành Nam Vang (Phnompenh) và Trấn Ninh (Xiengkhuang - Lào) được.

Đế quốc Tibet đã tan rã, các vùng Amdo, Kham nay đã thuộc các tỉnh khác của Trung Quốc nên cũng không thể đòi về đất Tibet.

Chỉ có điều TQ lập ra Khu tự trị dân tộc Tạng (Tibetan Autonomous Region - TAR) nhưng thực ra không có tự do cho người Tibet, và người Hán đã nhanh chóng tràn ngập các miền đất tươi tốt, dồn người Tibet về các vùng xa xôi khó khăn.

Đặc biệt Cách mạng Văn hóa trong 10 năm (1967 - 1976) đã phá hủy hầu hết tất cả các công trình văn hóa của người Tạng xây dựng trong hơn một nghìn năm, cướp phá rất nhiều báu vật, giết hại rất nhiều người. Hầu hết những công trình ta thấy ngày nay đều là tu sửa, dựng lại từ sau năm 1982.

Trong tôi cũng có một sự mâu thuẫn. Một mặt vừa ghét người Hán đã lấy mất nhiều thứ của người Tibet, cướp đi tự do của họ; một mặt cũng khâm phục hệ thống giao thông, điện mà người Hán xây dựng trên đất này. Đôi lúc tự hỏi: Nếu các Dalai Lama vẫn còn ở tại Potala, liệu tôi có được vào thăm cung điện này không? Chặng đường dài luôn luôn bị công an TQ giám sát và xét hỏi giấy phép, nhưng liệu đường sá có được như thế không nếu không có người TQ ?
 
Re: Tây Tạng mùa đông - Đi về phía Đông Lhasa

Xem qua ảnh trên fb của Lymy và June đã thấy phê rồi. Mà lại thêm cụ Chít và cô June nghiên cứu bao năm rồi nữa. Chuyến này về lại một kho thứ mới. Khi nào mọi người tụ tập thì ới em hóng với nhé.
 
Lược sử Phật giáo Tibet

11099871565_f8e7a86580_o.jpg


Lịch sử của Tibet không thể tách rời khỏi lịch sử của Phật giáo.

Như trong phần trên đã viết, người Tibet hiện nay công nhận dòng vua tại khu vực sông Yarlung Zangpo là vua Tibet, còn vương quốc Zhangzhung đã suy tàn không còn dấu tích, và một số phế tích của vương quốc Guge ở phía Tây thì không được coi là chính thống.

Zhangzhung tôn sùng đạo Bon, tôn giáo bản địa thờ các vị thần tự nhiên, và có chịu ảnh hưởng của Hindu giáo với các vị thần dữ tợn, các nữ thần của các hồ nước, núi cao. Sau khi đạo Phật phát triển, đạo Bon cũng phải tự mình biến đổi, đặt ra một vị giáo chủ cổ xưa tương tự như đức Phật Thích Ca, và bị Phật giáo hóa đến nỗi ngày nay người ta không còn biết đạo Bon sơ kì như thế nào nữa. Đạo Bon còn lại đến nay có nhiều yếu tố giống Phật giáo nên về hình thức khó mà phân biệt.

Khi Songtsan Gampo phát triển sức mạnh vào những năm 620, ông chấp nhận những vị tăng sĩ Phật giáo từ hai phía: Nepal phía Nam và nhà Đường phía Đông, đều là Đại thừa. Đại thần của vua đã sang Ấn Độ và tạo nên chữ Tibet mới.Thời kì này không có người Tibet đi tu, mà chỉ có các tu sĩ nước ngoài giảng dạy Phật giáo cho triều đình, còn dân chúng vẫn thờ đạo Bon.

Tiếp sau Songtsan Gampo, nhiều đại thần quay lại với đạo Bon. Sau 5 đời vua, Trisong Detsen (Ngật-lật Song-đề-tán) là con của công chúa Kim Thành từ TQ, nên là một Phật tử. Ông đã mời hai Đại sư từ Ấn Độ sang là Santaraksita và Padmasambhava.

Padmasambhava (nghĩa là vị Tôn giả từ hoa sen - Liên Hoa Sinh đại sư) được coi là sinh ra từ hoa sen là bậc Đạo sư nổi tiếng nhất. Ông đã đi nhiều nơi ở Tibet, truyền thuyết là đã đánh nhau với các pháp sư đạo Bon ngay tại đất gốc của đạo này là núi Kailas. Hai đại sư đã thành lập tu viện Samye năm 755, và lần đầu tiên đào tạo tu sĩ cho người Tibet. Do đó Liên Hoa sinh cũng được coi như Sư tổ của toàn bộ Tu sĩ Tibet. Ông có tác động sâu rộng tại Tibet đến nỗi được coi là Đức Phật tái sinh. Ông cũng được gọi là Guru Rinpoche (Đạo sư – bậc vô cùng quý báu) là tổ của các dòng tái sinh. Ông là tác giả của rất nhiều tác phẩm, trong đó có cuốn Tử thư huyền bí.
 
Last edited:
Lược sử Phật giáo Tibet

Dòng tu từ Liên Hoa Sinh là dòng chính thống duy nhất trong suốt hơn 200 năm tại Tibet. Lúc này nghiễm nhiên chỉ có một dòng nên không cần phân biệt và cũng không có tên riêng. Ảnh hưởng của Phật giáo Tibet lan rộng ra khắp xung quanh cùng với sự bành trướng của đế quốc. Thậm chí dòng Mật tông này còn truyền đến tận Nhật Bản, Việt Nam.

Vị vua tiếp theo sùng bái Phật giáo là Tri Ralpacan (Xích-tổ Đức-tán), Phật giáo phát triển rực rỡ với rất nhiều tác phẩm nghệ thuật, đồng thời bộ Y thư Tibet nổi tiếng cũng được hoàn thiện trong thời kì này.

Ba vua: Songtsan Gampo, Trisong Detsen, Tri Ralpacan được tôn là ba vị vua của chính pháp, ba vị Hộ giáo vương.

Tuy nhiên ngay sau Ralpacan, vua Glangdama (Lãng-đạt-ma) tiêu diệt Phật giáo, quay lại với đạo Bon. Các tu viện Phật giáo bị phá hủy, kinh sách bị đốt. Chỉ có một số ít Lama chạy vào núi và các cư sĩ là thoát được. Những người này lưu giữ dòng tu từ Liên Hoa Sinh được gọi là dòng Nyingmapa (Ninh Mã).

Glangdama cũng là vua cuối cùng của đế quốc Tibet thống nhất, ngay sau đó Tibet tan rã trong hàng trăm năm.

Trong thời kì Tibet bị phân chia, vào thế kỉ 11, bên cạnh dòng Nyingmapa đã phát triển thêm các phái Kagyupa (Ca-nhĩ-cư) và Shakyapa (Tát-ca). Dòng Skyapa có thế lực rất mạnh, đến nỗi người ta gọi một giai đoạn lịch sử là giai đoạn Shakyapa.

Hình ảnh Liên Hoa Sinh gặp trong các ngôi chùa, với ánh mắt dữ tợn và bộ ria đặc trưng. Tôi sẽ quay lại viết kĩ về các hình tướng và biểu tượng của vị Đại sư này trong những bài sau, khi đến các tu viện Ninh Mã.

padmasambhava_small.jpg
 
Last edited:
Lược sử Phật giáo Tibet

yabse-sum.jpg


Vào giữa thế kỉ 14, dưới thời Mông Cổ cai trị chung, Đại sư Tsongkhapa (Tông-khách-ba) người Tibet đã hệ thống và cải cách Phật giáo và hình thành tông phái thứ tư: Gelugpa (Cách-lỗ). Tông phái này ngày càng lớn mạnh, và để phân biệt với ba tông phái cũ đội mũ đỏ, tông phái này đội mũ vàng nên còn được gọi là Hoàng mạo. Tsongkhapa là người đã đưa các nữ thần Tara của đạo Bon vào thành các vị Độ mẫu của Phật giáo, lập ra các tu viện Ganden, Drepung, Sera.

Đệ tử của Tsongkhapa theo truyền thống tái sinh. Sau khi đệ tử đời thứ nhất mất mới đi tìm đứa trẻ là tái sinh. Lãnh đạo tông Gelukpa đời thứ tư là Sonam Gyatso được mời đến Mông Cổ thuyết pháp, và được tôn là Dalai Lama, nghĩa là vị Đạo sư trí tuệ như biển cả. Ngài đã tôn các hóa thân hai đời trước của mình làm Dalai Lama, và như vậy tự nhận mình là Dalai Lama đời thứ ba.

Các Dalai Lama đến thứ tư đều chỉ có vai trò lãnh đạo tôn giáo trong tông phái của mình và khu vực, và sinh hoạt tại tu viện Drepung. Nhưng Dalai Lama đời thứ 5 là Ngawang Lobsang Gyatso (1617 - 1682) là một nhà chính trị tài năng đã thống nhất được Tibet, và có quyền lực bao trùm toàn bộ một vùng rộng lớn, ảnh hưởng đến cả triều Mông Cổ, Mãn Châu, được gọi là Dalai Lama Vĩ đại.

Dalai Lama 5 đã cho xây dựng lại cung điện nhỏ của Songtsan Gambo xưa kia trên đỉnh đồi thành cung điện Potala rực rỡ huy hoàng, đồng thời cho dựng nhiều tu viện khắp nơi, trong đó có Zhongzanlin tại Shangri-la, phái Gelugpa phát triển và nắm quyền lực tuyệt đối như một triều đình Tibet.

Dù sau đời Dalai Lama thứ 5, các Dalai Lama đều kém hơn hoặc mất khi quá trẻ nên không để lại dấu ấn gì, nhưng những nền tảng mà ông để lại vẫn đủ vững chắc để thể chế Dalai Lama tồn tại đến tận ngày nay, và trở thành biểu tượng tinh thần tối cao của người Tibet.
 
Last edited:

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
36,681
Bài viết
1,135,140
Members
192,381
Latest member
Khoa11zz
Back
Top