What's new

[Chia sẻ] TBG - Chuyện nước Úc

Úc là một cơ duyên - tôi đã đi Úc khá nhiều lần (tính từ lần đầu năm 2006 ) đến giờ có lẽ tính tới cả chục chuyến bay sang Úc. Ngay từ lần đầu, tôi đã được lang thang vào farm, đi săn thỏ, bắt cá, lái máy bay… cho đến giờ, khi mà cả nhà tôi đang sống ở Úc ít lâu. Sâu thẳm trong lòng, từ năm 2006, tôi có lòng cảm mến với con người, cảnh vật nơi đây. Và cảm giác mang nợ với vùng đất này, khi mà sự lười biếng không viết ra những câu chuyện thú vị về vùng đất mà dân Tây gọi là “ down under “ này, dịch ra tiếng Việt sẽ là “ xa tít mù tắp “ hay là xứ Mường Tè, Mù căng chải. Cho đến chuyến đi của Taybacgroup sang Úc năm 2012, tôi quyết tâm phải trả món nợ này, và cũng là chia sẻ với các bạn, nước Úc gần và dễ dàng hơn ta tưởng nhiều! Câu chuyện của tôi về nước Úc sẽ mượn bối cảnh của chuyến đi, và sẽ kể cả những chuyện không có trong chuyến đi này.

Hầu hết anh em ta khi nghĩ đến du lịch Úc, Mỹ … thì luôn cảm thấy có nhiều vướng mắc. Nào là visa, nào là chi phí cao. Phần visa đã có bạn hướng dẫn chi tiết nên tôi không ghi chép lại (https://www.phuot.vn/threads/16015-Kinh-nghiệm-xin-VISA-ÚC). Còn phần chi phí – một rào cản khá lớn đúng không? Đây, giải pháp : Chúng tôi quyết tâm khám phá một phần đất Úc với chi phí thấp nhất mà khi lên dự trù, nhiều bạn ở Úc dọa là không tưởng! Nhưng cuối cùng, chuyến đi đã hoàn tất với chi phí đúng như dự liệu, quá rẻ phải không ( nếu so với các chuyến như Nepal, Mông cổ, với tổng chi phí cũng từ 1500-2000 USD, và nếu so với các quảng cáo đầy rẫy cho tour Úc trị giá 3000-4000 USD cho 10-12 ngày)

1. Lên Lịch trình.

Lịch trình 16 ngày thì khá chặt chẽ và khó khăn nếu muốn khám phá Úc. Để dễ hình dung, nếu Úc rộng như một bàn tay thì trong 16 ngày, chúng ta sẽ đi được ba đốt ngón tay. – cứ xem cái bản đồ hành trình của chúng tôi sẽ thấy. Úc là quốc gia đứng thứ 6 trên thế giới – với gần 7,7 triệu km2, gấp tới hơn 20 lần nước ta. Tôi đã bảo với hội bạn, nếu muốn chơi chơi nước Úc cần khoảng 1 tháng, thế là ít rồi. Nhưng bọn tham việc tiếc tiền ở nhà khẳng định, 2 tuần là tối đa. Và phải đi hết nước Úc – chó nhợn, bọn nó nghĩ Úc như cái tỉnh Hà nội quê nhà chúng, đầu này đến đầu kia chỉ không quá 150 km! Thôi, đành giới hạn tí, hết Úc nghĩa là hết những địa điểm mà tour du lịch cho qua, và cộng thêm khoảng 40% mà tour du lịch không bao giờ dẫn mọi người đến? OK, thế là ổn- Chuẩn bị lên đường. Vậy sẽ đến những ch

Thời điểm cho chuyến đi Úc: đi Úc mùa nào cũng đẹp. Úc là đất nước có khí hậu cũng khá ôn hòa, thiên nhiên đẹp đẽ. Không quá lạnh vào mùa đông ( chỉ có một vài vùng núi cao ở Úc là có tuyết ) và không quá nóng vào mùa hè ( trừ mấy thành phố phía Bắc như Darwin, Carn – nhưng may quá, lịch trình của chúng tôi lại không qua đó ). Thành phố Brisbane nơi chúng tôi đang sống thì khí hậu khá giống Hà nội nhưng dễ chịu hơn. Mùa hè nắng gay gắt nhưng chỉ vào bóng râm là mát dịu rồi, còn mùa đông trời thì cứ nắng se se và lạnh dịu dàng, y hệt những hôm nắng đầu đông ở Hà nội.

Nếu đi Úc, dịp mùa hè ( tháng 12-3 ) thì tha hồ tắm biển và ngắm các em gái chân dài tới bikini phơi làn da rám nắng trên những bãi biển đẹp mê hồn. Mùa thu ( tháng 3-5 ) thì cảnh lá đổ vàng rực cũng lãng mạn không kém. Mùa đông ( tháng 6-9 ) có thể lên núi tuyết ở gần Sydney . Mùa xuân ( tháng 10-12 ) thì cả thiên nhiên cứ phơi phới.
Kem chống nắng: Kem chống nắng là cần thiết. Các nhà khoa học nói là ở ngay trên bầu khí quyển của Úc, đặc biệt là bang Queensland, có một lỗ thủng tầng Ozon, nên ánh nắng ở Úc nhiều tia tử ngoại. Bang này cũng có cái slogan là “ Sunshine state “. Do vậy, tỉ lệ mắc ung thư da ở Úc là rất cao, vậy nên dùng kem là quan trọng. Thường thì ra ngoài trời là đã bôi kem chống nắng rồi. Bọn trẻ con, cứ ra khỏi nhà là bôi kem. Riêng mình thì nghi là các “ nhà khoa học “ ở đây hầu hết để là tay trong của mấy hãng sản xuất kem chống nắng! Thật đấy, nếu vào mua kem chống nắng thì không phải nó bán cái tuýp 50 – hoặc cùng lắm là 250 ml như ở mình, ở Kmart nó bán cái can đựng kem chống nắng 2 lít.

Nhưng lưu ý tránh dịp ngày nghỉ giữa kỳ của học sinh ( đến ngày này là cha mẹ con cái kéo nhau đi chơi khắp nơi nên giá cả cũng tăng hơn ) – để biết những ngày này, mọi người hỏi hộ anh Google với từ khóa School holidays ( và mỗi bang cũng lệch nhau chút xíu )

Thật ra, nói là chọn thời điểm thích hợp cho hoành tráng – chứ thật ra, chúng tôi chọn thời điểm mà Air Asia khuyến mãi, giá thấp nhất. Không may, thời điểm chọn lại trùng với dịp lễ Phục sinh – là dịp nghỉ lễ quan trọng thứ hai, sau lễ Giáng sinh – do vậy, mọi thứ đều bị đắt đỏ hơn, và cũng khá khó kiếm nơi ở.

Chúng tôi chọn lịch trình đi qua các điểm sau:

Sydney và phụ cận ( khu vực Blue Mountain ) : 3 ngày

Albury ( nằm giữa Sydney và Melbourne ) – được giới thiệu là một thành phố “ Úc hơn cả Sydney hay Melbourne “. Từ đây cũng có thể đi chơi khu vực Snowy Mountain – nếu có tuyết. Và hơn cả là được đến thăm và ở lại nhà gia đình một người bạn Úc : 3 ngày

Melbourne và Great Ocean road : 3 ngày

Brisbane và Gold Coast : 3-5 ngày - dĩ nhiên là Gold Coast vì mua vé máy bay của Air Asia tới thành phố này – và ngoài ra, dù ít du khách Việt nam biết – nhưng Gold Coast là thành phố du lịch quan trọng thứ 3 của Úc, với du khách hàng năm là khoảng 10 triệu. Và lúc đặt vé từ 10/2011 thì AA ( AA viết tắt ở đây là Air Asia nhé, không các bạn tra nhầm là American Airline ) chưa bay tới Sydney.

Lý do cá nhân là về Brisbane còn để chăm sóc gia đình một tí!!!
 
Re: TBG - 750 AUD cho 16 ngày lang thang Australia

không biết có phải là chính sách của Avis hay không nhưng em cũng được upgrade xe như bác, lúc em đặt thì chỉ chọn Holden Cruze nhưng đến lúc nhận xe thì là Camry 2.5 AT 6 số, sướng mê!

WP_000185.jpg
 
Re: TBG - 750 AUD cho 16 ngày lang thang Australia

Bác đi chơi đầm lây, sông hồ... ko sợ đụng hội cá sấu úc hả bác , mình nghe nói cá sấu úc khát máu lắm :D
 
Re: TBG - 750 AUD cho 16 ngày lang thang Australia

- Kiemchasu: được upgrade là do lúc đó nó không có xe thôi, nói chung là may mắn

- redfox86: Cá sấu thì ở phía bắc úc có nhiều vì là vùng nhiệt đới, phía nam ít hơn, nhưng nếu có thì cũng có biển báo ... nhìn chung thiên nhiên Úc có những mối đe doạ chính với dân lang bạt:
+ rắn và các loài côn trùng, bò sát
+ quá rộng nên ít nhà cửa, thị trấn ... nên phải mang đủ mọi thứ khi đi xuyên Úc

-------

mình up ít ảnh săn thỏ nhé:

Kết quả săn đêm :

PICT0024.JPG


Săn thỏ khá dễ vì bọn này rất ngờ nghệch

PICT0020+%25282%2529.JPG


Còn chú này bị một phát trúng mông

PICT0023+%25282%2529.JPG


Luck tha hồ mà nhặt

PICT0019-1.JPG
 
Last edited:
Re: TBG - 750 AUD cho 16 ngày lang thang Australia

Con thỏ trông xinh xinh yêu yêu vậy nhưng lại là thảm họa của đất Úc. Nguyên thủy là Úc không có thỏ, mà do dân châu Âu mang đến từ cuối những năm 1860. Bọn này đến thì sinh sôi nảy nở một cách tràn lan đến mức không thể kiểm soát nổi. Đồng cỏ đúng là chỗ của chúng rồi. Dù lúc đầu dân Âu mang đến nhiều giống nhưng giờ có hai loài chính, cùng là thỏ, một con là Rabbit, một con là Hare. Cái con rabbit nó dịch ra tiếng Việt là thỏ nhà vì nó cùng giống với bọn thỏ được nuôi, dù giờ thì nó toàn là thỏ đổng cỏ. Còn con Hare thì là thỏ rừng. Hai con này có kích thước tương tự, nhưng bọn Hare tai dài hơn, và bọn Rabbit thì nhiều hơn. Cùng là thỏ nhưng bọn Rabbit thì có hại hơn là bọn Hare, vì bọn rabbit này nó đào hang chằng chịt dưới mặt đất, tạo ra những cái bẫy đối với gia súc, ngựa, đang phi nước đại mà dẫm đúng hang của bọn rabbit thì sụp chân, gẫy cẳng như chơi. Thế nên bọn Rabbit thì bắn thoải mái, còn bọn Hare thì hạn chế hơn.

Bọn thỏ này đẻ nhanh cực, mỗi năm nó có thể yêu đương đến 5-6 lần, tức là 5-6 lứa thỏ mới ra đời, trung bình là một thỏ mẹ có thể ra được khoảng 20 thỏ con một năm. Đẻ nhanh thế nên nó ăn ngoéo hết cỏ của cừu và bò, nên dân Úc kinh hoàng gọi thỏ là thảm họa, mà lúc nguyên thủy xách thỏ du nhập vào Úc, dân châu Âu không hề nghĩ ra. Không chỉ ăn hết cỏ của gia súc, thỏ còn ăn cả rễ cây… làm đảo lộn hệ sinh thái. Con Rabbit lại dễ nhiễm các loại ký sinh trùng, làm bệnh dịch lan nhanh.

Sau vài choảng “ thảm họa sinh thái “ do thỏ gây ra, dân Úc đã phải phát động những chiến dịch để tiêu diệt bớt thỏ, từ việc phát động chiến dịch săn thỏ, hay thậm chí cả dựng hàng rào dài hàng ngàn dặm để ngăn thỏ. Xem ra cũng không phải là hiệu quả lắm nên giờ đây, thỏ ( Rabbit ) vẫn đầy đồng và săn thỏ được khuyến khích. Và bây giờ, hải quan Úc cũng vô cùng chặt chẽ trong việc kiểm soát các sinh vật ngoại lai nhập cảnh vào Úc, chắc cũng e ngại những ảnh hưởng tương tự dịch thỏ ngày xưa.

Thế là tha hồ mà bắn thỏ không sợ là săn bắn linh tinh nữa nhé. Đọp – đọp và đọp… cứ thế cho đến lúc hết ắc quy chiếu đèn. Thú đi săn là thú chơi vừa tao nhã những cũng nặng sắc màu khát máu của dân Tây. Kể từ thời săn bắn hái lượm, ăn lông ở lỗ đến giờ, cái chất đàn ông dường như vẫn được thể hiện trong cái máu đi săn. May mà đất Úc này thỏ nhiều vô kể nên đi săn cũng dễ và thú. Kết thúc buổi tối, chúng tôi xách về hơn hai chục chú thỏ, đủ ăn cho mấy ngày. Về đến nhà, William cầm chân con thỏ, bẻ nhẹ chỗ khuỷu cho rách da, rồi móc ngón tay vào trong, kéo đánh soạt một cái, toàn bộ bộ da con thỏ được lột ra, dễ dàng như ta bóc một quả chuối, mà có khi còn nhanh hơn bóc chuối ấy chứ. Lần đầu thấy lột da thỏ dễ như thế, cứ nghĩ nó phải thế nào chứ !

Cả ngày loay hoay với các loại súng súng đạn đạn, quần nát những cánh đồng, chúng tôi nhanh chóng chìm vào giấc ngủ sâu, để lại ngoài trời cánh đồng bao la bát ngát và thăm thẳm sao đêm. Trong giấc mơ của tôi, xen kẽ là những em Kangaroo chân dài mông cong nhún nhảy… sáng mai mình sẽ đi săn các em ấy.

xem clip lột da thỏ nhé (bạn này trình diễn lột trong vòng 2 phút - nếu mà bạn ấy làm nhanh chắc chừng 1 phút ):

[video=youtube;GeFr_HuAR1M]http://www.youtube.com/watch?v=GeFr_HuAR1M&feature=player_detailpage[/video]
 
Last edited:
Re: TBG - 750 AUD cho 16 ngày lang thang Australia

Khi buổi sáng còn mờ mờ hơi sương… chúng tôi đã nai nịt gọn gàng... chuẩn bị cho chuyến săn Kangaroo. Ngay xung quanh nhà cũng có một đàn Kangaroo. Tuy cùng là thú hoang, nhưng William không muốn bắn bọn quanh nhà, dù thế nào chúng cũng đã sống ở đây nhiều thế hệ, phần nào cũng như là bọn thú nuôi. Sáng sáng, ở sau nhà, bọn Kangaroo bình thản gặm cỏ, thi thoảng lại chống đuôi chậm rãi nhảy đi nhảy lại, quang cảnh thanh bình ấy, William muốn giữ mãi.

Muốn săn Kangaroo sẽ phải đi xa chừng 10 km, chỗ đó, bọn Kangaroo hoang đang có nhiều. Súng, vẫn dùng loại Shortgun bắn vịt trời hôm qua, chỉ có điều, hôm nay không dùng đạn ghém mà dùng đạn thường. Từ khoảng cách xa tới cả trăm mét, đạn này vẫn giữ uy lực và có thể hạ thủ một con thú cỡ lớn chỉ với một phát.

Chiếc Pickup lại vòng vèo trên những trảng rừng bạch đàn, theo những vệt xe mờ mờ mà cứ mỗi mùa cỏ mọc, vết mờ ấy lại mờ thêm. Thật nếu không phải là thổ dân như William thì bố bảo cũng chả ai dám đi vào những cái vết đường bí hiểm hoang vu trong rừng ấy.
Loanh quanh chán chê rồi William lựa một triền dốc thoai thoải, tấp xe vào một góc kín. Súng vẫn gác trong xe, chúng tôi nhẹ nhàng rón rén vạch đám lá, nhìn ra trảng cỏ ngoài xa. Nơi ấy, mấy đàn Kangaroo đang giỡn đùa trong nắng sớm. Trông thanh bình quá! Ánh nắng vàng ươm trải dài trên trảng cỏ xanh mướt, mấy chú Kangaroo lớn thì đủng đỉnh gặm cỏ, - ơ mà không chỉ cỏ, bọn này nó như chuột, ăn tạp cả cỏ lẫn sâu bọ..- hai cái tai lá mít khe khẽ ve vẩy, cảnh giác với những tiếng động lạ. Còn bọn Kangaroo bé thì tung ta tung tăng. Trong thế giới của chúng, dường như chẳng có mối đe dọa nào cả. Mà quả có thế thật. Úc là xứ mà thú ăn cỏ thì nhiều nhưng thú ăn thịt thì hầu như không có, nếu không kể mấy cái con mèo rừng bé tẹo và mấy con chó hoang Dingo, nên bọn Kangaroo này hình như không có kỹ năng đánh hơi thấy mùi nguy hiểm thì phải. Từ chỗ chúng tôi núp tới chỗ bọn kia đang tung tăng, chỉ vài dăm chục mét, đòm một phát, hẳn là có steak Kangaroo.

Nói thì bao giờ cũng dễ hơn làm. Súng vẫn sẵn sàng trong xe, nhưng tôi nhìn William rồi William lại nhìn tôi, như có một cảm giác e ngại trong việc xuống tay. Cái cảnh thanh bình hiền hòa trước mặt với đàn Kangaroo nhởn nhơ trong nắng sớm kia làm chúng tôi không đành lòng nổ một phát đạn phá vỡ! William ý cũng hơi e ngại, nửa muốn nhường tôi bóp cò, vì dẫu sao, với tôi, đến được đây không phải là chuyện dễ dàng, nửa cũng muốn kệ cho đàn thú kia sống một đời ung dung tự tại. Cuối cùng, gạt sang một bên cái thú săn bắn tàn sát, chúng tôi quyết định lôi đồ ăn sáng ra, thưởng thức một buổi sáng thanh bình và ung dung, kệ cho đàn kangaroo nhung nhăng xung quanh…

Đường đi săn Kangaroo:

PICT0033.JPG


Bọn nó đây, lấp ló sam đám bụi cây:

PICT0018.JPG


Và tung tăng nhảy nhót:

PICT0076.JPG
 
Re: TBG - 750 AUD cho 16 ngày lang thang Australia

Thay vì bóp cò vào đàn kangaroo, tôi quyết định cũng săn kangaroo, nhưng theo một cách khác, săn ảnh. Đàn thú trước mặt tôi, cũng như một thế giới của con người vậy. Một em Kangaroo đang ỡm ờ ở trước, còn bên cạnh là hai cậu chàng đang … đạp nhau. Té ra là chúng đang tranh giành em gái ỡm ờ kia. Kangaroo là thú ăn cỏ, răng thì vuông và to để nhai nên có cắn cũng chả thằng nào đau, hai chân trước thì giờ teo nhỏ tí lại, nanh vuốt chả thấy đâu, đầu không có sừng, chỉ có hai chân sau và đuôi là khỏe. Thế nên có oánh nhau thì cũng khác thường, tức là đạp nhau. Mỗi lần đạp, chúng chống cả người lên cái đuôi to đùng, dạng hai chân sau, lấy hết hơi hết sức đạp một phát. Cậu chàng kia cũng chả phải vừa, cũng chống đuôi lên, giơ hai chân sau, đạp lại phát nữa. Cú đạp này rất mạnh, nếu trúng người thì có thể gây thương tật như chơi. Con Kangaroo kia đứng lên cao tới mét sáu mét bảy, nặng 60-70 kg, như một người tầm vóc. Mà toàn bộ tinh lực nó đặtở chân và đuôi, giúp nó nhảy xa tới dăm mét, tốc độ phi mã với hai chân sau có thể lên tới 50 km / giờ. Nói vậy để biết chân sau nó rất khỏe, vác ra mà đạp nhau thì không còn là chuyện đùa.

Một đàn kangaroo cũng có con đầu đàn, khác với các đàn phượt nhà ta là con đầu đàn này nó xơi hết bọn con gái trong đàn! Nhưng vì nó xơi nhiều quá nên sức nó không bền, chỉ chừng một năm là mấy con đực khác đang hãm tinh trong người bật dậy đòi quyền xực gái luôn. Thế nên thấy bọn kangaroo đạp nhau là chuyện thường tình, đặc biệt là vào mùa sinh sản! Những cú đạp chí mạng này của bọn Kangaroo là để đòi quyền sung sướng của chúng, nhưng khác với bọn thú ăn thịt là bọn này nếu có thua thì chúng vẫn lẽo đẽo trong đàn, tranh thủ hấp tinh chờ lúc giương cờ khởi nghĩa !

Kể chuyện thì vậy, mà lúc muốn chụp ảnh quay phim thì không dễ chút nào, cứ tiến gần khoảng dăm chục mét là bọn này lại lảng lảng ra xa, trong khi cái máyảnh lìu tìu của tôi lại không thể chụp xa ở khoảng cách ấy. Về sau này, đọc sách mới biết là lại gần bọn kangaroo là rất nguy hiểm vì những cú đạp của chúng, chứlúc đó, thật sự chỉ muốn xoa đầu mấy con kangaroo hiền lành kia.

Cuối cùng, cái khó ló cái khôn. Nhìn nắng sáng đang chiếu xiên xiên, tôi quyết định đi một vòng thật rộng sang đầu kia, ngược ánh mặt trời. Bọn này mắt thì tinh nhưng tai không thính, lại đang mải ve gái nên khi tôi bò lổm ngổm từ phía mặt trời lại thì chúng bị lóa mắt, hoàn toàn không phát hiện được. Thế nên tôi cứ thật nhẹ nhàng, từ từ, một tay máy ảnh, một tay máy quay bò thật sát tới chúng. Sát tới mức, có lúc, thấy những đám cỏ mà bọn kangaroo nhỏ đang ăn sột soạt ngay trước mặt mình. Cách chừng 5 mét, tha hồ quay phim, chụp ảnh… rồi tôi nghĩ ra một hành động mà sau này mới thấy là mình thật là dại dột...

Thấy Kangaroo hiền hòa quá, mà quay phim chụp ảnh thì cứ mong có cảnh kịch tính nó mới hot. Nghĩ sao làm vậy, đứng phắt dậy hoa chân múa tay đuổi bọn kia chạy để quay cho đã. Suýt nữa mình là một phần của cảnh quay kịch tính ấy! Bọn Kangaroo đang nhởn nhơ gặm cỏ ve gái kia, bất thình lình bị một thằng vọt lên ngay trước mắt, giật bắn mình co giò phóng. Bọn chúng mà không giật mình thì chắc chắn mình ăn vài phát đạp hội đồng rồi chúng mới té. Mà chỉ đến lúc lù lù trước mắt nhìn cặp giò của chúng đang đạp những phát hoảng hốt trên trảng cỏ mới biết những cú đạp ấy có thể nguy hiểm chừng nào. Nhưng cũng nhờ quả điếc không sợ súng ấy, mới chụp được những bức ảnh như là sờ vào kangaroo.

Giờ thì bọn kangaroo kia cảnh giác lắm, cứ thấy bóng tôi xa xa là chúng chạy biến, thế là đành tạm bằng lòng với những bức ảnh săn được, tôi trở về trang trại...

----

mình lại gần em này ở khoảng cách chừng 3 mét, nắng rực lên nên em ấy không biết, thi thoảng lại nghi ngại nhìn nhưng chói quá nên chả thấy gì :

PICT0068.JPG


Bên cạnh cũng là mấy em khác

PICT0075.JPG


Còn đây là hai chàng đang oánh nhau giành mái, may chưa con, lúc nãy ông ghìm mình được nên không đòm cho một phát chứ không giờ bọn kangaroo lại có truyền thuyết là " chết vì gái ":

PICT0034.JPG
 
Em đang ở Melbourne cũng dư định long dong vòng quanh nước Úc 2, 3 tuần, thấy anh viết hay quá!

Nếu có dịp sang Melbourne, PM em rồi ghé nhà em làm vài chai bia cho vui hen. Nguyên.
 
Nông dân : Đi cấy kiểu Úc

Lăn lê bò toài ngoài rừng bắn thú bắn vịt mãi cũng đến lúc … hết đạn, William nhấc máy gọi điện phét lác một hồi với thằng bạn nối khố rồi quay sang bảo tôi, è, ngày mai thằng cu kia đi cấy lúa, thích đi xem không. Hơ hơ, cấy lúa thì năm nào ở Việt nam chả có hai mùa gieo mạ cấyl úa, Úc cấy xem có khác ta cấy không nhỉ? Mà đã cấy thì đâu chả vậy,cũng chổng mông lên giời cắm mạ xuống đất chứ gì, có khác đây là một anh cu Úc chứ không phải là chị em nông dân nhà ta, “bán mặt cho đất, bán lưng cho giời”. Ơ thế thì đi xem cho biết, chứ chả lẽ Úc là đất nông nghiệp mà mình không biết nông dân sinh sống ra sao về nhà chả có gì để chém gió!

… 8 giờ sáng… nắng đã rực rỡ trêncánh rừng trước nhà… William thủng thẳng lái con Pickup ra giữa sân, nổ máy, châm dầu, lau chùi chán chê, chưa thèm ra đồng. Cái này khác nhà em nhé, nhà em các bà các chị dậy từ lúcmờ sáng,ra đồng dễ đã được nửa buổi rồi! William gọi điện một hồi nữa… loáng thoáng chuyện gió máy gì đó! Ủa, cấy lúa cũng phải xem hướng gió sao? Hay cũng giống ở ta, ra khỏi nhà cũng bước chân phải chân trái, chân nào trước, rồi đi gặp ông nọ bà kia cũng phải xem ngày xem giờ?

10 giờ, gió đẹp rồi! William bảo rồi nổ máy xe! Hở, hóa ra cái vụ gió máy này là thật chứ khôngphải là chuyện giỡn chơi. Chắc đây là một trong những truyền thống của thổ dân Úc truyền cho dân gốc Anh!

Chiếc Pickup lại rồ máy vượt qua những chặng đường cỏ ngập, chạy hướng ngược lại hướng đi săn hôm trước. 5000 hecta nhà William thì nếu chạy mỗi hướng ra một cảnh quan khác cũng là điều dễ hiểu. 5000 hecta là bằng một xã ở đồng bằng nhà ta rồi đấy! Con pickup vòng vèo qua những trảng ruộng trông khô cằn…không một bóng người. Trời, ông bạn kia mà chổng mông cấy lúa ở đây thì chắc có 5 năm mới hết một trảng ruộng này.

Xe phanh kít trước một đám nông dân chừng 3 chú đang đứng … uốngcafé! Tổng cộng hai chúng tôi góp vào là 5 mạng… bỏ bu rồi, Úc thiếu người làm nên giờ mình phải đi cấy với ông bạn kia, không lẽ ghé chơi mà thấy nhà người ta có việc lại không lại giúp!

Vớ vội cái mũ rộng vành rồi nhảy tót xuống đám café kia, William hỏi, thế nào rồi.

Nick rót một tách đưa William rồi nói: ấy, xong được phần ba rồi, còn lại chờ bọn mày đến.

Cha mẹ ơi, hôm nay hắn định cấy khoảng 50 hec, giờ bảo chờ mìnhđến thì quả này dính là cái chắc rồi. 50 hec, còn 2 phần ít cũng phải 30 hec, chia cho 5 chú,mình lãnh một phần là 6 héc, cấy 6 hecta, khác éo gì khổ sai!

William đọc ngay được nỗi hoảng sợ trong mắt tôi, quay lại an ủi: mày cứ yên tâm đi, uống xong tách café này rồi đâu sẽ có đó.
 
Tách café chưa kịp nguội, xa xa ở chân trời bỗng thấy một chiếc máy bay vè vè lượn lại, tay phi công vòng qua ngọn cây, nghêng nghêng cái đầu, giơ tay vẫy vẫy rồi là là lượn xuống, hạ cánh đúng theo vệt đường ô tô mà chúng tôi vừa phi qua. Chiếc phi cơ từ từ tiến vào sát mấy chiếc xe rồi tắt máy. Tôi còn đang há hốc mồm thì tay phi công, mặc bộ áo trắng muốt như y tá, đã nhảy phóc xuống. Giờ tôi mới nhận thấy hai chiếc xe, một xe tải to khoảng 5 tấn, và một xe khác chởmột téc xăng và gàu xúc. Hai chiếc xe này từ từ lùi vào sát máy bay… Một “lão nông” gân guốc điều khiển chiếc gầu xúc sát lên lưng máy bay… gầu mở ra, tuôn xuống dòng thóc giống vàng mượt ! Té ra là dân Aussie này cấy lúa bằng … máy bay.

Ông bạn nông dân trồng lúa chính hiệu kia canh tác khoảng 500 hecta lúa một năm! Năm trăm héc ta, một tay hắn làm hết. Gọi là gia đình làm nông nhưng thật ra chỉ có mình hắn làm chứ vợ thì chỉ chăm hai đứa con và gia đình là chính. Trong 500 hecta ấy, hắn chỉ sở hữu khoảng 50 thôi, còn lại hắn đi thuê. Thuê của các gia đình nhiều đất mà chả làm gì như nhà William. Thế mới biết, chuyện nông dân bỏ ruộng ở quê ra phố sống thì nơi nào mà chả có.

Một gia đình như Nick là mức độ thông thường trong số các gia đình nông dân trồng lúa ở Úc. Mỗi gia đình như vậy canh tác trung bình 500 hecta lúa, sản lượng trung bình khoảng 8 tấn / hec, Cứ tính như giá hiện nay cỡ 250 đô la / tấn, như vậy mình gã này kiếm ngót triệu đô một năm!!!!! Số này chắc bằng cả một xã của ta. Số tiền ấy, trừ đi giống má, thuê máy móc nông cụ, đất đai, mỗi gia đình trung bình sẽ còn giữ lại được một phần ba đến một nửa. Đó là “ lấy công làm lãi “ kiểu Úc.

Úc không trồng lúa nước mà là lúa cạn và là nước trồng lúa có sản lượng cao nhất và tiết kiệm nước nhất. Chỉ trong một khu vực nhỏ tí của Úc chừng 150 nghìn hecsta, lúa chiếm khoảng 11% trong cơ cấu cây trồng của Úc, đem lại khoảng 800 triệu mỗi năm cho nông dân.
Mỗi mùa, việc của Nick là lê la lên các trang web khuyến nông, hỏi han tính toán xem mùa này trồng bao nhiêu lúa, liệu năm nay hạn hán mất mùa gì không đểlên kế hoạch. Sau đó, hắn liên lạc với các công ty giống lúa, các công ty cho thuê máy nông cụ như máy cày bừa,xe tải, máy bay, cuối vụ là máy gặt đập liên hợp để lấy cái giá ngon nhất. Còn lại là phóng xe đi chơi bạn chơi bè, bắn chim bắn thỏ.

…. Hôm nay, Nick bắt đầu vụ “ cấy lúa “ mà giờ dịch ra chính xác phải là “ vãi lúa”. Mỗi ngày, nếu trời đẹp gió thuận, xe chở thóc giống và xe chở xăng, băng chuyền đến điểm tập kết. Máy bay cũng hạ cánh ngay đó. Nick nạp cho phi công tọa độ các mảnh ruộng hắn thuê năm nay. Trong lúc đó, bác lái xe tải nạp đầy một bụng máy bay cỡ chừng 300 ký thóc giống. Chỉ sau 15 phút, chiếc máy bay đã vè vè chạy ra “ đường băng “ mà thật ra chỉ là cái đường đất nện chạy dọc ngang đồng ruộng. Chẳng mấy chốc, chiếc máy bay đã mất hút ở đường chân trời xa xa, “ ruộng” nhà Nick ở tận đó. Còn lại, cả hội lại ngồi tán phét, cà phê cà pháo chờ máy bay về. Mỗi lần “ cấy lúa “ ấy , mất chừng 20 phút!

-----

Em máy bay cấy lúa đây: đang phun thóc giống xuống

PICT0003.JPG


Giờ là em ấy uống xăng - chiếc xe tải phần trên là téc xăng, phần dưới là cái gầu để rót thóc giống

PICT0018+%25282%2529.JPG


Còn đây là xe chở thóc giống. Thóc theo ống hút lên gàu rồi trút vào bụng máy bay

PICT0010.JPG


Máy bay đã đầy, chuẩn bị ra đường băng

PICT0014+%25282%2529.JPG


Đường băng đây, cấy nốt mẻ này anh em mình về đi uống bia.

PICT0001.JPG
 
Đếm cua trong lỗ xơi xơi vậy thì mỗi năm nhà kia chắc kiếm được 300 ngàn! Con số mà bọn dân thành phố làm mửa mật cũng chả mơ! Ấy, mày mà tính thế thì chả mấy chốc tao là triệu phú à, Nick cười ngoác miệng! phải tính năm hơn bù năm kém chứ!

Ơ thế em chả biết có năm nào là năm kém, thấy năm nào kinh tế Úc chả lên ầm ầm?

Mày không biết thôi, năm hạn thì bọn tao đói dài. Cái lúa nó là cây ngắn ngày, nếu mà hạn chút thì bọn thủy nông nó cắt nước của tao đầu tiên, để dành cho bọn cây lâu năm như ruộng nho. Ấy, mới mấy năm trước thôi, tao mua nước để trồng lúa có khi đắt ngang nước uống đóng chai ở thành phố!

Úc là quốc gia khô hạn và việc sử dụng nước tiết kiệm vô cùng quan trọng. Ngành nông nghiệp Úc thường cố trồng các loại cây cỏ ít nước. Thế nên ngay cả trồng trọt mà đơn vị tính nước của Úc vẫn là lít. Lúa, là loại dùng nhiều nước nhất mà theo thống kê thì dân trồng lúa tiêu hết khoảng hơn 1 Megalit (1000 khối ) cho một tấn lúa, vào hàng tiết kiệm nhất quả đất!
(so sánh với Việt nam ta, là khoảng 4500 khối / ha )

Mỗi gia đình nông dân, tùy theo số đất đai mình có, được cấp một cái như là cái quota nước. Với cái quota này, hàng năm gia đình đó sẽ được cấp lượng nước tương ứng với chi phí thấp. Tuy nhiên, tùy loại “ con gì, cây gì “ mà nhu cầu dùng nước của mỗi nông trại khác nhau. Phần còn lại hoặc phần thiếu hụt sẽ được bán / mua.

Không ở đâu nước thật sự được coi như một tài nguyên như ở đây! Nếu nhà bạn cần bán hay mua nước, có thể đăng ký bán / mua như kiểu rao vặt, thông qua các agent hoặc đăng nhập vào các trang web của cơ quan quản lý nước bang. Giá nước cũng biến đổi tùy theo khu vực, và tình hình mưa nắng của mỗi năm. Những năm như 2007, giá nước khá cao vì hạn hán nặng. Giờ, ở các khu vực đất cao đầu nguồn, nước nôi khan hiếm đang được rao bán tới 1500-1700 AUD / 1 ML ( 1000 khối nước ). Tất nhiên ở nhiều nơi nước cũng rẻ, chỉ khoảng 150 AUD cho 1 ML. Nhưng có những điều kỳ quặc, ví như nhiều khi, một gia đình bán quota nước của mình một năm có khi cũng đủ tiền để sống cả năm mà không phải làm gì! (Hic, một gia đình mà tôi được biết, sở hữu lượng đất tầm tầm khoảng năm mười ngàn hecta và quota nước tương ứng – có năm hạn hán, bán quota nước tới cả triệu, vâng, cả triệu đô la Úc, còn năm dư nước thì cỡ trăm hai trăm ngàn).

Logic của thị trường nước, đặc biệt với những nơi nước nôi là hiếm hoi như ở Úc, thì để việc sử dụng nước được hiệu quả nhất, và người nông dân buộc phải lựa chọn loại nông sản nào ít tốn nước nhất, còn ngành khoa học nông nghiệp thì liên tục phải nghiên cứu cải tiến để nghiên cứu các giống cây trồng, phương pháp canh tác tiết kiệm nước tối đa. Hệ thống tưới tiêu nhiều lúc phải dẫn ống nước vào từng gốc cây để đảm bảo không có nước chảy linh tinh khắp nơi.

Những con sông ở Úc không rộng mênh mông như sông của ta, ngay như con sông Murray, con sông quan trọng nhất của Úc, với chiều dài tới ngót 2400 km, cũng chỉ cỡ như sông Lô, sao so sánh được với những con sông rộng mênh mông như sông Hồng, sông Mekong. Con sông Murray này tạo nên một lưu vực rộng lớn hơn triệu cây số vuông, cung cấp nước cho ngành nông nghiệp của toàn bộ bang NSW, bang Victoria, một phần bang South Australia, và phần nam của bang Queensland. Dòng sông này từng nổi tiếng ởViệt nam không phải vì bản thân nó, mà vì qua một bộ phim về cuộc sống của miền quê nước Úc, phim “ Tất cả các dòng sông đều chảy “. Sông ngòi kênh rạch ở Úc cũng khá nhằng nhịt nhưng quản lý nước tưới tiêu khá chặt chẽ, mỗi nông trại đều phải có đồng hồ nước từ sông dẫn lên hệ thống tưới tiêu nội bộ của mình. Ngành thủy lợi Úc quản lý khá nghiêm ngặt việc cung ứng nước này, đồng thời đóng vai trò lớn việc “truyền dẫn nước” trong hệ thống buôn bán nước giữa các nông trại.

… Đi lang thang trong trang trại rộng lớn, William ghé ngang một cái hồ - mà chính xác là cái ao thì đúng hơn , rộng chừng 2000-3000 mét vuông, nhìn cái ao đầy ắp nước, William phàn nàn, năm nay cái ao này lỗ!!! Thấy tôi vẫn ngạc nhiên vì cái ao “lỗ”, William giải thích:

- À, năm nào mà khô hạn, cái ao này trữ nước và mùa mua, rồi bán nước vào mùa nắng, trông vậy mà cũng kiếm được dăm ngàn đấy, nhưng năm nay mưa nhiều nên bán chả được mấy tiền, lại còn công sá rải ống nước, bơm sang rãnh nhà người ta!
Giời ạ, có cái ao con con mà cũng bán tới tiền nghìn, chả trách giờ dân Úc đang được coi là đất nước thịnh vượng nhất thế giới! Cái anh “ cha giàu cha nghèo “ với lý thuyết dòng tiền thụ động, lý ra phải khuyên con nhà người ta đến Úc mà đào ao trữ nước!

-----

Dòng sông quan trọng nước Úc, sông Murray ( Một vài ảnh dưới đây từ internet ):

aaDSCN0105.jpg


Những đường ống này:

irrigation.jpg


sẽ dẫn từng giọt nước tới từng gốc cây

irrigation2.jpg


Còn lượng nước trong hồ này có giá tới tiền nghìn ( là năm nhiều mưa, còn năm khô hạn tới cả chục ngàn có lẻ ):

PICT0014+%25283%2529.JPG


Một cái nhãn nhắc nhở xếp đủ bát cho một lần rửa bát trong máy rửa bát là 15 lít ( hơn một cái xô nước ở ta )

photo%25282%2529.JPG


Trong phòng tắm nhà tôi thì :

một là: nước tắm nhớ chứa vào thùng để tưới cây dưới vườn
hai là: vặn nhỏ vòi tắm để tiết kiệm 12 lít nước / phút

photo%25281%2529.JPG


Trên nhà thì tiết kiệm thế, nhưng ở dưới nhất định phải có nước cho bể bơi để trẻ con còn ì oạp mỗi buổi chiều

P1040064.JPG
 
Last edited:

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
59,180
Bài viết
1,174,134
Members
191,988
Latest member
nhakhoavenus
Back
Top