What's new

[Chia sẻ] TBG - Chuyện nước Úc

Úc là một cơ duyên - tôi đã đi Úc khá nhiều lần (tính từ lần đầu năm 2006 ) đến giờ có lẽ tính tới cả chục chuyến bay sang Úc. Ngay từ lần đầu, tôi đã được lang thang vào farm, đi săn thỏ, bắt cá, lái máy bay… cho đến giờ, khi mà cả nhà tôi đang sống ở Úc ít lâu. Sâu thẳm trong lòng, từ năm 2006, tôi có lòng cảm mến với con người, cảnh vật nơi đây. Và cảm giác mang nợ với vùng đất này, khi mà sự lười biếng không viết ra những câu chuyện thú vị về vùng đất mà dân Tây gọi là “ down under “ này, dịch ra tiếng Việt sẽ là “ xa tít mù tắp “ hay là xứ Mường Tè, Mù căng chải. Cho đến chuyến đi của Taybacgroup sang Úc năm 2012, tôi quyết tâm phải trả món nợ này, và cũng là chia sẻ với các bạn, nước Úc gần và dễ dàng hơn ta tưởng nhiều! Câu chuyện của tôi về nước Úc sẽ mượn bối cảnh của chuyến đi, và sẽ kể cả những chuyện không có trong chuyến đi này.

Hầu hết anh em ta khi nghĩ đến du lịch Úc, Mỹ … thì luôn cảm thấy có nhiều vướng mắc. Nào là visa, nào là chi phí cao. Phần visa đã có bạn hướng dẫn chi tiết nên tôi không ghi chép lại (https://www.phuot.vn/threads/16015-Kinh-nghiệm-xin-VISA-ÚC). Còn phần chi phí – một rào cản khá lớn đúng không? Đây, giải pháp : Chúng tôi quyết tâm khám phá một phần đất Úc với chi phí thấp nhất mà khi lên dự trù, nhiều bạn ở Úc dọa là không tưởng! Nhưng cuối cùng, chuyến đi đã hoàn tất với chi phí đúng như dự liệu, quá rẻ phải không ( nếu so với các chuyến như Nepal, Mông cổ, với tổng chi phí cũng từ 1500-2000 USD, và nếu so với các quảng cáo đầy rẫy cho tour Úc trị giá 3000-4000 USD cho 10-12 ngày)

1. Lên Lịch trình.

Lịch trình 16 ngày thì khá chặt chẽ và khó khăn nếu muốn khám phá Úc. Để dễ hình dung, nếu Úc rộng như một bàn tay thì trong 16 ngày, chúng ta sẽ đi được ba đốt ngón tay. – cứ xem cái bản đồ hành trình của chúng tôi sẽ thấy. Úc là quốc gia đứng thứ 6 trên thế giới – với gần 7,7 triệu km2, gấp tới hơn 20 lần nước ta. Tôi đã bảo với hội bạn, nếu muốn chơi chơi nước Úc cần khoảng 1 tháng, thế là ít rồi. Nhưng bọn tham việc tiếc tiền ở nhà khẳng định, 2 tuần là tối đa. Và phải đi hết nước Úc – chó nhợn, bọn nó nghĩ Úc như cái tỉnh Hà nội quê nhà chúng, đầu này đến đầu kia chỉ không quá 150 km! Thôi, đành giới hạn tí, hết Úc nghĩa là hết những địa điểm mà tour du lịch cho qua, và cộng thêm khoảng 40% mà tour du lịch không bao giờ dẫn mọi người đến? OK, thế là ổn- Chuẩn bị lên đường. Vậy sẽ đến những ch

Thời điểm cho chuyến đi Úc: đi Úc mùa nào cũng đẹp. Úc là đất nước có khí hậu cũng khá ôn hòa, thiên nhiên đẹp đẽ. Không quá lạnh vào mùa đông ( chỉ có một vài vùng núi cao ở Úc là có tuyết ) và không quá nóng vào mùa hè ( trừ mấy thành phố phía Bắc như Darwin, Carn – nhưng may quá, lịch trình của chúng tôi lại không qua đó ). Thành phố Brisbane nơi chúng tôi đang sống thì khí hậu khá giống Hà nội nhưng dễ chịu hơn. Mùa hè nắng gay gắt nhưng chỉ vào bóng râm là mát dịu rồi, còn mùa đông trời thì cứ nắng se se và lạnh dịu dàng, y hệt những hôm nắng đầu đông ở Hà nội.

Nếu đi Úc, dịp mùa hè ( tháng 12-3 ) thì tha hồ tắm biển và ngắm các em gái chân dài tới bikini phơi làn da rám nắng trên những bãi biển đẹp mê hồn. Mùa thu ( tháng 3-5 ) thì cảnh lá đổ vàng rực cũng lãng mạn không kém. Mùa đông ( tháng 6-9 ) có thể lên núi tuyết ở gần Sydney . Mùa xuân ( tháng 10-12 ) thì cả thiên nhiên cứ phơi phới.
Kem chống nắng: Kem chống nắng là cần thiết. Các nhà khoa học nói là ở ngay trên bầu khí quyển của Úc, đặc biệt là bang Queensland, có một lỗ thủng tầng Ozon, nên ánh nắng ở Úc nhiều tia tử ngoại. Bang này cũng có cái slogan là “ Sunshine state “. Do vậy, tỉ lệ mắc ung thư da ở Úc là rất cao, vậy nên dùng kem là quan trọng. Thường thì ra ngoài trời là đã bôi kem chống nắng rồi. Bọn trẻ con, cứ ra khỏi nhà là bôi kem. Riêng mình thì nghi là các “ nhà khoa học “ ở đây hầu hết để là tay trong của mấy hãng sản xuất kem chống nắng! Thật đấy, nếu vào mua kem chống nắng thì không phải nó bán cái tuýp 50 – hoặc cùng lắm là 250 ml như ở mình, ở Kmart nó bán cái can đựng kem chống nắng 2 lít.

Nhưng lưu ý tránh dịp ngày nghỉ giữa kỳ của học sinh ( đến ngày này là cha mẹ con cái kéo nhau đi chơi khắp nơi nên giá cả cũng tăng hơn ) – để biết những ngày này, mọi người hỏi hộ anh Google với từ khóa School holidays ( và mỗi bang cũng lệch nhau chút xíu )

Thật ra, nói là chọn thời điểm thích hợp cho hoành tráng – chứ thật ra, chúng tôi chọn thời điểm mà Air Asia khuyến mãi, giá thấp nhất. Không may, thời điểm chọn lại trùng với dịp lễ Phục sinh – là dịp nghỉ lễ quan trọng thứ hai, sau lễ Giáng sinh – do vậy, mọi thứ đều bị đắt đỏ hơn, và cũng khá khó kiếm nơi ở.

Chúng tôi chọn lịch trình đi qua các điểm sau:

Sydney và phụ cận ( khu vực Blue Mountain ) : 3 ngày

Albury ( nằm giữa Sydney và Melbourne ) – được giới thiệu là một thành phố “ Úc hơn cả Sydney hay Melbourne “. Từ đây cũng có thể đi chơi khu vực Snowy Mountain – nếu có tuyết. Và hơn cả là được đến thăm và ở lại nhà gia đình một người bạn Úc : 3 ngày

Melbourne và Great Ocean road : 3 ngày

Brisbane và Gold Coast : 3-5 ngày - dĩ nhiên là Gold Coast vì mua vé máy bay của Air Asia tới thành phố này – và ngoài ra, dù ít du khách Việt nam biết – nhưng Gold Coast là thành phố du lịch quan trọng thứ 3 của Úc, với du khách hàng năm là khoảng 10 triệu. Và lúc đặt vé từ 10/2011 thì AA ( AA viết tắt ở đây là Air Asia nhé, không các bạn tra nhầm là American Airline ) chưa bay tới Sydney.

Lý do cá nhân là về Brisbane còn để chăm sóc gia đình một tí!!!
 
Re: TBG - 750 AUD cho 16 ngày lang thang Australia

Hai chiếc xe cáu cạnh đây: đằng trước là Holden , sau là Ford.

IMG_6110.JPG


Giờ thì Holden dẫn đầu - trên con đường đất ở Blue Mountain, gần Sydney

IMG_6218.JPG


Đặt hai cái cạnh nhau - chắc dân ta chọn Ford cho nó " phổ thông ". Nhưng dân Úc, từ em bé tí xíu đến bác già sẽ đều có xu hướng chọn Holden
IMG_6397.JPG
 
Re: TBG - 750 AUD cho 16 ngày lang thang Australia

Bác tabalo đang sống ở Aus ah? BÁc định cư hay là đi công tác ở Bris vậy? Các bài viết của bác về Aus thật đầy đủ và rất hay. Em chỉ xin bổ sung một số chi tiết thôi. "Down Under" là một cụm từ để chỉ chung cả nhóm các nước châu Đại Dương ( bao gồm Aus, NZ và các đảo quốc nhỏ xung quanh) do vị trí địa lý rất đặc biệt của châu lục này. Châu Đại Dương là một châu lục nhỏ nhất trong năm châu của thế giới có con người sinh sống, nằm tách biệt hẳn sơ với các nước khác. Cụm từ nào được xuất khá lâu đời, nó có nghĩa chính xác là " dân miệt dưới" (trước đây khi UK còn đô hộ các nước như Aus, NZ... thì đã dùng những nước này để giam giữ các tù nhân được đưa đến từ các thuộc địa của thực dân Anh lúc bấy giờ. Cho nên, " Down Under" là tỏ thái độ khinh khi, miệt thị những cư dân ban đầu ( chủ yếu là các tù nhân). Về sau này, cùm từ này được nhiều người sử dụng như một nickname cho riêng Aus hơn là dùng chung cho cả nhóm nước nữa ( sau này, NZ sử dụng "Kiwi" để làm nickname). Do đó, một phần dân cư của các nước "Down Under" là hậu duệ của những tù nhân khi xưa.
 
Re: TBG - 750 AUD cho 16 ngày lang thang Australia

Cảm ơn bạn đã giải nghĩa thêm về " Down Under ". Quay trở lại bài hát Down Under trên, bài hát này được trình bày năm 1982 và ngay lập tức trở thành một trong những bài hát bất hủ của dân Úc, nó chạm vào được cái chất “ Down Under “ của họ, ngay sau đó, nó cũng nằm ở vị trí top 1 trong bảng xếp hạng của Mỹ, Canada, Anh và Úc. Thậm chí, ở lễ bế mạc Olympic Sydney 2000, bài hát này lại được trình bày. Và năm 2001, bài hát này xếp hạng 4 trong danh sách những bài hát hay nhất của Úc trong mọi thời đại. Down Under đã được trình bày trong nhiều sự kiện thể thao khi có đội Úc tham gia – những bài hát như bài mà chúng ta hay hát đồng thanh trên các sân bóng, sự kiện thể thao. Bài này, giờ thanh niên Úc không còn say sưa như những bài hit khác của Justin Bieber… nhưng chắc chắn là nó vẫn nằm trong sâu thẳm tâm hồn người Úc.

Nội dung bài hát về chuyến phiêu lưu của một chàng trai, gặp nhiều con người ở những miền đất lạ, và niềm tự hào là dân xứ “down under”.

Nghe giới thiệu hoành tráng như trên, nhưng bạn đừng vội nhé, xem lời bài hát thì có thể sẽ “ sốc “ đấy. Nó không phải là những lời khí thế bừng bừng như bài “ Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng “ của ta. Bài hát này, được một anh bạn Úc giới thiệu cho tôi, từ lần đầu đến xứ này. Anh bạn để tôi lơ vơ trên con phố ở Sydney, chui vào một hàng đĩa nhạc, hý hý hoáy hoáy một hồi rồi lôi ra một cái có bài hát này. Hắn bảo, tao thấy đá bóng ở VN bà con toàn hát bài “ Như có Bác Hồ …” nên tao kiếm cái bài hát này để cho mày biết dân Úc hát bài nào trên sân.

Tôi tạm dịch dưới đây, mời các bạn thử xem cái lời bài này nó nhí nhí nhố nhố thế nào nhé:

--------

Phiêu lưu trên chiếc Combie nóng điên ( xem Combie ở dưới nhé )
Trên con đường của dân Hippy, đầu óc mê muội với tài mà,
Gặp một em gái lạ, nàng làm tôi bối rối.
Mời tôi vào và dọn bữa sáng

nàng bảo tôi:

Anh đến từ xứ “ down under “ đúng không?
Nơi gái thì hây hây còn giai thì trộm cướp?
Anh có thấy gì không? Có nghe thấy tiếng ùng oàng ?
Anh nên biến ngay, kiếm chỗ mà trốn.

Mua một mẩu bánh mì từ một gã ở Brussels,
Cao sáu foot tư và cơ bắp cuồn cuộn
Tôi hỏi, “ mày có nói kiểu thổ ngữ của tao không? “
Hắn cười và quăng cho tôi một miếng sandwhich phết Vegemite ( vegemite : một thứ bơ phết bánh mỳ chỉ có ở Úc )

Và trả lời:

Tao đây cũng dân xứ “ down under “
Nơi bia chảy như suối và giai thì say sưa ói mửa
Mày có nghe gì không? Có nghe thấy tiếng ùng oàng?
Liệu mà biến ngay, kiếm chỗ mà té.

Kiệt sức trong một xó bẩn thỉu ở Bombay
Hàm trễ ra, chẳng nói được gì
Tôi bảo gã “ định thử xơi tao hả?
Vì tao đến từ xứ đất giàu ?

Ôi, anh đến từ xứ “ down under “ đúng không?
Nơi gái thì hây hây còn giai thì trộm cướp?
Anh có thấy gì không? Có nghe thấy tiếng ùng oàng ?
Anh nên biến ngay, kiếm chỗ mà trốn.

Điệp khúc:

Chúng ta đến từ xứ “ down under “
Nơi gái thì hây hây còn giai thì trộm cướp?
Có thấy gì không? Có nghe thấy tiếng ùng oàng ?
Liệu mà biến ngay, kiếm chỗ mà trốn.

-------


Đấy , Down Under là thế:

Còn đây, những chiếc Combie ( xe camper van của Volskwagen ). Hãng VW này có 2 chiếc rất nổi tiếng thế giới , 1 là Beetle, và chiếc này là thứ 2.

Chiếc xe này giống như dòng xe gia đình, có thể hoán cải và biến đổi thành rất nhiều công năng. Dân du lịch hay dùng xe này thành chiếc camper van, trong có đủ đồ như giường chiếu, bếp núc, nước nôi. Nó đơn giản, gọn nhẹ nhưng vô cùng bền bỉ của người Đức. Được phát triển sau chiến tranh thế giới lần thứ hai, chiếc xe này trở thành một trong những chiếc xe được yêu thích của các gia đình. Nghe nói, phiên bản xe này vẫn được sản xuất cho đến đầu năm 2010. Còn trên đường ở Úc, bạn vẫn có thể nhìn thấy xe này. Tuy nhiên, giờ đây, nó cũng đang phải cạnh tranh với một số mẫu tương tự như Toyota Hiace, Mazda....

Xem môt vài ảnh về nó nhé:

vw_combie_022.jpg


Một chiếc Combie đủ đồ chơi cho anh em thích du lịch:

800px-VWcampervan.jpg


Trên đường đi, tôi đã gặp những gã, lang thang với một cây đàn guitar, với con combie đủ đồ, nằm khoèo trong một góc rừng, hát hò cả tuần, chán lại đi chỗ khác.

IMG_6221.JPG
 
Last edited:
Re: TBG - 750 AUD cho 16 ngày lang thang Australia

Thêm 1 chút về bài hát Down Under: bài này được coi như biểu tượng cho người Úc (giống như bài Waltzing Matilda) vì do 1 ban nhạc Úc viết và chơi (dĩ nhiên - Men at work) và được dùng làm nhạc chiến thắng vào 1 dịp rất đặc biệt nên in sâu vào lòng người (Úc). Năm 1983, lúc đó tôi còn đi làm, buổi sáng chợt loa phóng thanh trong hãng phát lớn bản nhạc này và những người bạn đồng sự Úc hò heo nhảy nhót kệ cả boss! Thì ra Úc chiến thắng giải đua thuyền buồm trứ danh America Cup! suốt ngày đó và vài ngày sau, đi đâu cũng nghe hát "Do you come from a land down under....Yeah!" âm điệu thoải mái rất country. Và cái tên từ cửa miệng mọi người là Alan Bond!

Vegemite: người Việt trên xứ Down Under gọi là bơ nước mắm kho! bạn thử ngửi mùi thì biết :)
 
Re: TBG - 750 AUD cho 16 ngày lang thang Australia

Vegemite là một thứ "đặc sản" rất đặc trưng của Oz ( giống như kiểu chocolate của Thụy Sĩ). "bơ nước mắn kho" là một từ khá dân dã của ngưởi Việt khi nói đến Vegemite. Mặc dù là món ăn đặc trưng của Oz nhưng không phải 100% dân Úc "chuột" có thể thưởng thức được loại bơ này bởi do mùi và vị rất đăc trưng ( mùi thì very stinky và flavour thì strong và khó nuốt. Khi ăn thì giống như là ăn phải "shit", theo như lời của những người đã thử qua món này) nhưng khi bác đã ăn được rồi thì bác sẽ bị nghiện luôn :D. Cháu sẽ làm một bài giời thiệu về lịch sử của món ăn có thể được coi là quốc hồn của Oz
 
Re: TBG - 750 AUD cho 16 ngày lang thang Australia

Thêm 1 chút về bài hát Down Under: bài này được coi như biểu tượng cho người Úc (giống như bài Waltzing Matilda) vì do 1 ban nhạc Úc viết và chơi (dĩ nhiên - Men at work) và được dùng làm nhạc chiến thắng vào 1 dịp rất đặc biệt nên in sâu vào lòng người (Úc). Năm 1983, lúc đó tôi còn đi làm, buổi sáng chợt loa phóng thanh trong hãng phát lớn bản nhạc này và những người bạn đồng sự Úc hò heo nhảy nhót kệ cả boss! Thì ra Úc chiến thắng giải đua thuyền buồm trứ danh America Cup! suốt ngày đó và vài ngày sau, đi đâu cũng nghe hát "Do you come from a land down under....Yeah!" âm điệu thoải mái rất country. Và cái tên từ cửa miệng mọi người là Alan Bond!

Vegemite: người Việt trên xứ Down Under gọi là bơ nước mắm kho! bạn thử ngửi mùi thì biết :)

Vâng bác, em nghĩ vì nó có cái câu " Do you come from a land down under ", cũng giống như mình khi hát cứ có chữ Việt nam là hát tướng lên vì cái chữ Việt Nam ấy.

Bài này thì đậm chất Country ... kiểu Úc. Nhưng lời nó thì đúng là của dân tứ chiếng bị đày xuống "down under"

Vegemite mà phết một lớp mỏng mỏng thôi, ăn ngon phết, mà em mà dịch thì phải gọi nó là bơ mắm tôm mới đúng. Nhưng có vài bạn ở VN khoái cái này lắm, lần nào về cũng bắt em xách về.
 
Re: TBG - 750 AUD cho 16 ngày lang thang Australia

A, thêm một chi tiết quan trọng: Avis sẽ tự động trừ tiền vé cầu đường trên đường vào tài khoản CC của bạn. Chuyện này quan trọng nhé: ở những đường phải trả phí cầu đường, chỉ có biển báo ( trên biển có chữ Toll Way – màu vàng ), chứ không có trạm thu phí. Các điểm tính phí này thường chỉ gắn camera chụp lại các xe chạy qua. Chủ xe sau đó phải chủ động thanh toán các khoản phí cầu đường – ( thường là vào web của cơ quan giao thông – nhập số xe, khoảng thời gian chạy qua, tên đường rồi số CC của mình), mà với ta còn lớ ngớ nhiều khi không để ý hoặc quên, thậm chí là còn chả biết mình chạy qua đường nào có phí. Nếu trong 2-3 ngày ( tùy bang ) mà không thanh toán thì cơ quan ấy sẽ in các ảnh chụp ra, gửi cho chủ xe và cộng thêm vào mức phí cầu đường ( chỉ từ 2-6 AUD ) thêm một khoản nữa là chi phí hành chính… tổng tới 20-30 AUD. Không thanh toán khoản này thì nó lại tiếp thêm vài lần nữa, cho tới hàng chục, hàng trăm AUD nếu bạn lơ ngơ không biết! Thế nên việc Avis tự trừ cho mình ( vì đã có ký kết với các cơ quan quản lý giao thông ) thì đỡ bao nhiêu lo lắng mệt mỏi. Với các hãng không có ký kết này, hoặc là, bạn phải hỏi ngay khi thuê xe xem họ tính thế nào? Hoặc, bạn phải nhớ các đường có phí đã chạy qua và thanh toán ngay trong 2 ngày.

Lan mạn một tẹo về chuyện quản lý xe cộ ở Úc. Biển số đăng ký của xe là quan trọng – cảnh sát chẳng bao giờ cần hỏi kỹ về ta, về lịch sử lái xe, về bằng lái, về địa chỉ, có khi nó còn biết là ta hay chở ai nữa ấy chứ (!!!). Cảnh sát thường chỉ lấy số xe, hoặc trên đường thì chụp biển số xe, máy móc nó scan rồi ra tất cả thông tin về chủ xe.
Nói thế để các bạn biết là mọi thứ liên quan đến việc ta đang chạy một cái xe trên đường, cảnh sát lôi chủ xe vào để chịu trách nhiệm mà chả cần quan tâm đến lái xe. Khác với VN ta, lái xe thì không phải lúc nào cũng liên quan đến chủ xe.

Khi mua xe, với xe cũ, đương nhiên, chủ xe sẽ xuất cho ta một cái giấy gọi là Road Woothy. Giấy này do một thợ sửa xe ( có đăng ký ) nào đó phát hành. Người thợ này có trách nhiệm kiểm tra xe và đảm bảo rằng xe không có hỏng hóc gì, đủ điều kiện lưu hành trên đường. Nếu có sự cố gì mà do nguyên nhân kỹ thuật thì người thợ máy sẽ khá rầy rà, thậm chí nghiêm trọng thì có thể bị tước giấy phép hành nghề, nên thợ không dám làm ẩu như “ đăng kiểm “ của ta. Giấy này cũng chỉ có giá trị chừng vài chục ngày ( mình không nhớ rõ lắm ) và dùng để sang tên. Người mua xe sẽ mang giấy này, giấy mua bán xe giữa hai bên ký và có trách nhiệm trong vòng 2 tuần phải đi đăng ký đổi tên. Người bán, sau khi ký giấy bán là cơ bản hết trách nhiệm với xe, từ đó trở đi, người mua phải chịu trách nhiệm. Nếu trong 2 tuần này mà mình không đi đăng ký, coi như chiếc xe đó không đủ điều kiện lưu hành ( cả về kỹ thuật cũng như hành chính) và chạy trên đường mà bị kiểm tra thì phạt rất nặng.

Sau khi đăng ký xe xong, tên mình, nhà mình sẽ gắn với cái biển số đã chuyển tên ấy. Từ giờ, mọi chuyện đổ hết lên đầu mình.

Mọi việc vi phạm luật giao thông, phí cầu đường…. nhiều lúc, cảnh sát chỉ dùng camera chụp lại ảnh vi phạm, sau đó gửi bill về nhà để đòi tiền. Phạt ở Úc rất nặng, ( ví như, vợ mình đi không nhường đường lúc vào bùng binh, mà cũng không nghiêm trọng lắm, thế mà bị phạt 300 AUD), và nếu không nộp phạt đúng hạn thì cái tiền phải nộp nó tăng rất nhanh theo cấp số nhân, thế nên ai cũng sợ bị phạt. Chưa kể, nếu bằng lái xe Úc thì còn bị trừ điểm ( tổng cộng có 12 điểm mà không cẩn thận mỗi lỗi bị trừ vài điểm như chơi ), hết 12 điểm thì thi lại bằng từ đầu. Do thế nên nhìn chung dân Úc đi xe rất cẩn thận, và dân Úc cũng hay phàn nàn là dân Á lái xe ẩu, quả đúng thế thật, nhiều lúc lái xe cũng sơ suất do không nắm chắc luật chứ chả phải là cố tình như khi lái ở VN, luật nắm chắc nhưng vẫn cố tình vi phạm ( dễ thấy là phóng nhanh vượt ẩu ). Như vậy, phóng nhanh, vượt ẩu, đỗ sai, đỗ quá giờ, không nhường đường… tất tần tật các vi phạm có khi ta chả biết, đến lúc ở hộp thư thấy có cái bill đòi tiền mới té ngửa, khiếu nại à? OK, nhưng nếu phải để cho cơ quan công quyền trưng ra các bằng chứng, rồi nếu phải ra tòa mà phân xử chuyện đúng sai, thì công sức và chi phí cũng có mà cả núi! Thôi, biết điều thì chịu khó mà lái xe tử tế nhé.

Phí giao thông ở úc cũng khủng, một năm một xe phải trả chừng gần 900 AUD, nhưng trong đó thì cũng tới già nửa là bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự với bên thứ ba rồi, mặt khác, đường Úc rất ít chỗ phải thu phí, và những chỗ không phải thu phí thì đường cũng rất tốt. Nên biết là thu tiền lắm nhưng bà con cũng gật chứ không lắc ầm ầm như ta khi Bộ GT đề xuất thu phí lên đến vài chục triệu hồi năm vừa rồi.
 
Re: TBG - 750 AUD cho 16 ngày lang thang Australia

He he, không phải tại chữ Down Under đâu! bây giờ tụi nhỏ đâu có bao nhiêu đứa biết bài này? không như bài Waltzing Matilda! âm điệu country không như nhạc đồng quê Mỹ, mà laid back kiểu Úc đấy ạ!

Nhảm làm loãng bài của bạn nhiều rồi, thành thật xin lỗi!
 
Re: TBG - 750 AUD cho 16 ngày lang thang Australia

Dân Úc chuột được giáo dục từ nhỏ về tinh thần dân tộc giống như kiệu người dân Nhật, " thà xài hàng nội hơn là xài ngoại". Chính vì thể đối với người công dân Úc chuột chính cống, được sinh ra và lớn lên tại Úc, thường có xu hướng chọn xe Holden hơn là các loại xe khác. Thông một chút thông tin về Holden, Vào khoảng năm 2000, Holden tại thời điểm lúc đó đang đứng trên bờ vục phá sản, bởi vì chất lượng xe không tốt và giá lại khá cao là nhựng nguyên nhân chính. NHững người lãng đạo của Holden lúc đó đã có một quyết định mang tính đột phá và hơi liều lĩnh. Họ đã đặt mua các mẫu động cơ xe từ Đức cùng với license chế tạo để lắp vào các dòng xe của Holden. Quyết định này giống như một canh bạc và họ đã thắng. CHình nhờ những động cơ Đức với chất lượng tốt đã cứu vãn danh dự cho Holden. Người dân Úc bắt đầu quay lại với dòng xe nội địa. Chính phủ cũng hỗ trợ cho Holden khá tốt. Hầu hết các xe công được sự dụng đều là của Holden sản xuất, Trừ những trường hợp do tính chất yêu cầu của công việc thì se chọn các dòng xe tương ứng.
 
Re: TBG - 750 AUD cho 16 ngày lang thang Australia

Cám ơn về bài viết!!! Tôi đã đọc nhiều bài rất giá trị về các địa điểm trước khi đi nhưng giờ mới được 1 bài chứa đựng nhiều chi tiết về văn hóa và cuộc sống của xứ Oz. Tiếp tục đi nhé!
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
36,684
Bài viết
1,135,205
Members
192,398
Latest member
Baooi12
Back
Top