What's new

“Thái Lan có gì mà đi chơi miết ở bển vậy cha nội?”

Thailand có gì mà đi chơi miết ở bển vậy cha nội?

....



“Thailand có gì mà đi chơi miết ở bển vậy cha nội?” - thằng bạn cắt khố đâm hông một câu ngang xương. Tức cành hông, tăng-xông lên gần tới đỉnh!



“Tui thấy tour dài nhất đi bên đó có 7 ngày, ông làm gì cứ rị mọ tới tới lui lui như đi trốn nợ vậy cà?” – nó bồi thêm. Cái thằng cà chớn! Nói thiệt là nhỏ lớn giờ số lần tui xài tiếng Đan Mạch chỉ đếm trên đầu mấy ngón chưn, vậy mà bây giờ muốn qua bển sống để nói cho thả giàn!



“Nói với ku như nước đổ đầu vịt Thanh Đa à! Mày cất cao cổ cò cổ vạc, vác chiếu qua nhà tao để tao kể cho mà nghe. Trợn mắt cái gì, chuyện Thailand còn hay hơn Nghìn đêm lẻ một, vậy mày phải vác chiếu đi là phải rồi còn ừ à gì nữa”.



Mạnh miệng nói xong, tôi cũng phải 3 chân 4 giò lên mạng tìm tòi thông tin hỗ trợ. Lạc vô xứ nhà lá này thấy thiệt là hứng chí, nhưng xem đi xem lại thấy thông tin sao mà ít hều vậy cà. Thông tin chỉ đâu đó Bangkok, Pataya, xa lắm là Chiangmai, Phuket, thỉnh thoảng có thêm mấy miệt khác mà thông tin sao trống huơ trống hoắc. Mấy ông cất công viết cuốn Lonely Planet Thailand dày cộp, gấp 3 lần cuốn Vietnam, mấy anh hai ở TAT chổng mông viết brochure du lịch cho hầu hết các tỉnh thành Thailand… vào mục này xem chắc ngửa cổ than trời, đấm ngực bùm bụp… buồn tình dữ lắm á. Thailand mà chỉ vậy làm gì hàng năm cả 20 triệu du khách đổ xô (trừ 2010 bạo động giảm xuống còn 14T, gần gấp 3 Vietnam!). Thôi, nhân tiện trả lời bạn hiền, tui chen vô đây thêm ít ít, có gì mấy ảnh đọc được cho tiền tip mình kiếm gì đó mần chơi, hén!




Tài hèn sức mọn, không tham vọng gõ một topic “lộng lẫy” ( - như khói trời, của cô Tư miệt đất mũi; như “Cá khoai lộng lẫy” – của tờ Sài Gòn Tiếp Thị; như “Côn trùng lộng lẫy” – của Tuổi trẻ Cuối tuần; … mà có thể mai mốt ai đó đi Tibet, India… cám cảnh dân tình nhọc nhằn đóng phân bò thành bánh làm chất đốt mà chơi luôn cái tựa “Cứt khô lộng lẫy” chắc cũng được hoan nghênh… - lại cái tật lan man rồi), cái thằng motdoidirong tui chỉ dám chen vào đây tám chút lúc hưỡn. Mà dù gì, nó cũng là “Thông tin du lịch Thailand”, phải không ku. Rảnh rỗi, không vác chiếu qua nhà tao được mày vào đây đọc cho nó tăng pageview của anh hai mày. Có hưỡn hơn nữa rủ mấy em tuổi teen mối ruột đăng ký vài chục cái nick vào đây bấm nút Thanks lia lịa, cho anh hai mày qua một đêm bỗng đổi đời như mấy em Vietnam đưa đồ - à quên, Vietnam ai-đồ thì càng tốt. Nghen ku!

* *
*​




Thailand, những ngày đầu năm thật khác!



Những triền đồi, những bãi bồi ven sông lau trắng miên man trong nắng mới. Đám lau sậy ngày thường còi cọc xấu xí xác xơ tơi tả vì gió vì mưa, vì đám gia súc ngược ngạo dẫm nát giờ kiêu hãnh phô phang rừng cờ lau trắng trong thanh khiết. Đám gió hung hăng dữ tợn ngày nào giờ lả lơi ve vuốt ôm ấp đẩy đưa… làm sông chiều không dậy sóng xanh chỉ xô bờ những con sóng bạc đầu, bạc đầu, miên man….




P1040248.jpg

Những triền lau bạt ngàn Sukhothai



Miền nhiệt đới đã qua ngày qua những ngày hè. Lũ sen hồng sen bạch đã tàn đã úa, đã nhường lại sông nước ao hồ cho đám súng hừng hực sức sống rừng rực đỏ vươn cao. Cái nắng vàng rực những ngày đông chói chang Thailand, đám súng càng rực rỡ phô trương hơn… vì chúng biết giờ là thời khắc huy hoàng của chúng.



P1040092.jpg

Súng trong Sukhothai Historical Park



Nhưng chúng đã lầm! Mùa này chỉ có lũ sen là thảo hiền nhường nhịn thôi. Coi nè, bọn hướng dương hoàng tộc con cháu thần mặt trời chúng tao chẳng thèm liếc lấy một cái với bọn súng hèn mọn chúng mày đâu. Thẹn thùng, lũ súng khép nép ôm nụ khi nắng lên, chỉ có hướng dương kiêu hãnh nhìn thẳng vào mặt trời cháy bỏng, chẳng thèm cần lấy một mảnh Rayban, dù là kính dzỏm mua ở Trương Định, cho nó gọi là!



P1011634.jpg

Những cánh đồng hướng dương Lopburi


“Nè khoan phát biểu nghen mậy! Biết thế nào mấy cũng càm ràm “Mấy cái bông đồ yêu đó tui dzìa miền Tây thiếu giống gì”, tao đưa ra cái hình này là quê mình hết có à nghen!”.



P1040286.jpg

Hoàng hôn Sukhothai chiều nắng đẹp (lộng lẫy!).​




…..


Còn ít nhất 99 chương hồi nữa!
 
Thailand có gì mà đi chơi miết ở bển vậy cha nội? - 18

Thailand có gì mà đi chơi miết ở bển vậy cha nội? - 18



“Ăn Tết đã quá xá luôn hén. Lặn mất đất cả tháng luôn!”. Nó cà khịa. “Ừa, Tết mà. Mà mầy hổng có ăn Tết sao khằng khựa anh hai mầy dzậy?”.



“Ừa, nhưng mà lâu quá hổng “đi đâu” thấy ngứa ngáy chân cẳng”. “Ừa, thôi để tao tăng tốc lên, dắt mầy đi chơi bù hén. Ăn Tết nhiều quá giờ mập như con heo (sorry mầy nghe heo) giờ siêng năng chút cho nó ốm lại chứ kiểu này phọt phiếc bể tè le trái me dốt, làm ăn gì nữa hén”.



“Okie, nhất đại ca!”.



* *
*



Shukhothai Historical Park không chỉ có Wat Mahathat là rạng ngời, dù đây là ngôi chùa rộng nhất. Những ngôi chùa khác trong khuôn viên khu trung tâm (có 3 khu và bạn phải trả tiền vé cho từng khu) dù không hoành tráng như Mahathat nhưng cũng chẳng kém phần, có phần còn trội hơn nhờ khuôn viên bao quanh là những hồ nước lấp lánh xanh, dập dờn đỏ những bông súng rực rỡ.



P1040064.jpg

Trong khuôn viên trung tâm Sukhothai Historical Park


P1040183.jpg



P1040195.jpg

Những ngôi chùa ngoài khuôn viên trung tâm​



Tuy nhiên, nếu mê mãi lang thang trong khu trung tâm để khi đến 2 khu còn lại vào buổi chiều, bạn sẽ mất đi một phần hứng thú, nếu bạn thích chụp hình nhưng không đầy đủ dụng cụ đồ chơi. Đơn giản là những ngôi chùa, những pho tượng đều quay về hướng đông, do vậy, khi bạn đến nơi vào buổi chiều, sẽ bị ngược nắng. Do vậy, cách tốt nhất là bạn hãy dành ít nhất 2 ngày cho nơi này, để có những tấm ảnh đẹp, cũng như có nhiều những khoảnh khắc chiêm nghiệm lý thú thay vì mải miết chạy đua với thời gian, với bóng nắng…



P1040180.jpg




P1040207.jpg

Khoan thai những cánh tay Phật.​




Mà trên đời, có ai chạy đua hơn thời gian?



P1040307.jpg

Chiều xanh nhẹ rơi…



P1040286.jpg

…hay hoàng hôn lộng lẫy – đều tuyệt vời những cảm nhận riêng​




Để khi chiều về, bạn lãng đãng trên những con đường râm mát hay lặng lẽ bên bãi cỏ xanh mượt mà nhìn hoàng hôn đổ bóng, nhìn chiều rời chầm chậm trên chùa xưa tháp cũ, để nhìn ngày đi đêm tới, mới hay “thế thôi đã hết một đời” *…




* Lấy ý từ thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường.


___________________

Còn ít nhất 82 chương hồi nữa!
 
Thailand có gì mà đi chơi miết ở bển vậy cha nội? - 19

Thailand có gì mà đi chơi miết ở bển vậy cha nội? - 19



“Chèn đét ơi, Sukhothai hay quá há! Ở đó còn gì hay hay nữa không anh hai?” Lâu lắm mới nghe nó nói được câu mát ruột. “Dĩ nhiên là còn chứ. Cách Sukhothai không xa có 1 National Historical Park nữa cũng lung linh không kém, nhưng để hồi khác tao kể cho, bi giờ đổi không khí cho nó đỡ nhàm chán đi”.



“Ừa, ông nói có lý ghê ta. Đi đâu giờ? Á, bữa giờ thiên hạ trên cõi ta bà súng ống ầm ầm nghe vừa sợ sợ nhưng lại vừa hấp dẫn. Ông có đi khu nào có súng ống xe tăng gì ở bển dắt tui đi coi. Có gì tui núp sau lưng ông, ông hứng đạn giùm… nghen!”. Nó làm như mình nó là khôn! “Mười tám đời con rùa đen nhà mày! Mầy ăn gì mà khôn quá xá cỡ thợ mộc vậy? Nhưng không sao, tao dắt mày đi”.



“Vậy mới là anh hai mình chứ”, lại ngon ngọt, tưởng đâu tui là con nít :gun . “Trong thời gian tao lục lọi lại thông tin, mầy xem qua mấy cái hình, đoán thử mình sắp đi đâu không hén?”


“Lại câu bài”. Nó lầm bầm phát ghét – mà đúng ghê :T !



P1230337.jpg

Hàng rào kẽm gai, xe quân sự, binh lính đầy đường… Thailand những ngày đó cũng hừng hực chả kém Bắc Phi bây giờ…



P1240204.jpg

… và qua những con đường chiến sự… những thánh đường lộng lẫy rực rỡ dưới trời xanh, món quà tưởng thưởng xứng đáng cho kẻ du mục…




* *
*​



___________________

Còn ít nhất 81 chương hồi nữa!
 
Bác có thể chỉ giùm mấy cái list với địa chỉ cho em đi từ BKK xuống TP Sung thani gì đó để em đi phà ra Kok Samui chơi mấy hôm được ko ah, đi Bus hay đi Tầu hỏa ấy... Em thích đi thì vạ vật nhưng ăn chơi ngủ nghĩ ngắm nghía thì thần tiên ạh, vậy mối đi Kok Samui. Thanks bác!
 
Last edited by a moderator:
Thailand có gì mà đi chơi miết ở bển vậy cha nội? - 20

Thailand có gì mà đi chơi miết ở bển vậy cha nội? - 20



“Haizzz, có người hỏi ông cách đi đứng gì đó ở Thailand cà? Mà cái khu vực thí chủ đó hỏi ông có biết hông, ông có đi chưa mà sao tui thấy la huơ lạ hoắc dzị? Mà tui nói thiệt nghen, cái gì ông biết, có đi thực tế rồi thì tám, còn chưa đi mà lật LP ra đọc để trả lời thì không hay lắm đâu, vì thực tế với LP nhiều khi cách xa mấy con dao quăng lận đó” – nó làm cho tui một tràng làm như tui tham sân si (như nó) lắm dzị.
“Biết rồi, khổ lắm, nói mãi. May mà vùng đó tao lượn lờ qua hết rồi nên cũng “dư sức qua cầu”. Yên tâm đi ku”.



“Thiệt hả, đi rồi sao chưa thấy kể, sao nghe thí chủ kia nói thì dường như khu đó hấp dẫn lắm mà”.
“Thì từ từ, chuyện đâu còn đó mà ku. Khu bờ đông của “bán đảo” nam Thailand này nổi tiếng nhất là cụm 3 đảo Koh Tao, Koh Phangan, Koh Samui, may mắn là tao lướt qua cả 3 rồi. Trong 3 đảo thì Koh Tao mới đưa vào khai thác du lịch gần đây, còn hoang sơ nhất và nếu thích lặn biển thì chỉ có ở đây là OK nhất trong cụm 3 đảo này, Koh Samui đã được khai thác du lịch lâu đời nhất, từ những năm 70 đã là thiên đường dân du lịch hippy, nên giờ đã được xây dựng nhiều nhất, thương mại nhất, còn Koh Phangan thì đâu đó giữa giữa, mà tao cũng thích Koh Phangan nhất :L”.


“Đi đứng thì cũng dễ ợt thôi hà. Thường thì khách đi tàu lửa hoặc xe bus từ Bangkok xuống Surat Thani để đi đảo từ đây. Đi mất khoảng 10-12h, rất nhiều chuyến trong ngày, xuất phát từ bến xe Nam Bangkok, Sai Tai Mai. Có cả xe đêm, nếu muốn tiết kiệm thời gian và 1 đêm khách sạn. Đến Surat Thani vào ban ngày có rất nhiều tàu thủy đi từ đây sang Koh Samui (2h-6h/ cứ mỗi 1-1.30h có 1 chuyến), Koh Phangan (2.30-6h/ 10 chuyến/ngày), Koh Tao (4h – chỉ có 2 chuyến/ngày). Sở dĩ có khoảng dao động lớn về thời gian đi tàu là tùy thuộc vào tàu nhanh và tàu chậm (và giá cũng chênh lệch, nhưng tàu chậm bây giờ ít chạy lắm). Giữa các đảo với nhau thì liên tục có tàu chạy qua chạy về mất khoảng 30p đến 60p/chuyến.”



“Ông có đi dzậy không mà ông chỉ người ta dzậy?”. “Không hoàn toàn 100% như dzậy, có vài phần giống vài phần khác, nhưng thông tin này tao kiểm chứng hết rồi. Tao thì bụi đời, con nhà nghèo cha mẹ đông, nên tao đi chung với ngư dân cho nó tiết kiệm, để dành tiền ăn chơi nhảy múa :T. Mỗi đêm từ Chumphon (tỉnh tiếp giáp với Surat Thani) có 1 chuyến phà đêm đi Koh Tao, giá chỉ 1/3 giá tàu nhanh, lại tiết kiệm 1 đêm nhà trọ nên tao đi chuyến phà này từ Chumphon ra Koh Tao. Từ Koh Tao tao chạy qua chạy lại mấy đảo kia bằng tàu nhanh, như đã nói trên. Còn khi từ đảo về đất liền, cũng ngoài cung đường đã nói trên, vào buổi tối đều có 1 chuyến phà chậm (rì) từ Surat Thani ra các đảo và ngược lại. Do vậy, khi từ Koh Samui về, tao đi cũng đi chuyến phà đêm đó. Pà mẹ Việt nam anh hùng, đêm đó biển êm, tàu đi nhanh nên đến bến cảng ở Surat Thani lúc chỉ mới hơn 3am, khách xuống tàu về nhà hết, tao biết về đâu đành nằm nướng tới nướng lui một mình trên tàu đến gần 6am mới vác balo xuống tàu. Giờ kể lại mới thấy sao mình gan cùng mình dzị luôn hổng biết!”.



“Thôi, nghe ông kể tui cũng thấy ớn thí mồ. Mai mốt có đi tui đi tàu nhanh ban ngày thôi chứ đi ban đêm lỡ có gì…haizzz. Thôi ông kể tiếp hành trình đi ngang qua vùng binh lửa đi”. “He he, gõ nãy giờ cũng mệt rồi :shrug:, thôi để tao post 1 cái hình “cụ rùa” ở Koh Tao mà tao chụp trong một buổi sáng mệt mỏi ở Koh Tao, chuyện binh lửa từ từ sau hén.”




P1200163-1.jpg

Một góc Koh Tao yên bình lúc sáng sớm – cụ rùa này bằng đá….!!!


* *
*​

___________________

Còn ít nhất 80 chương hồi nữa!
 
Thailand có gì mà đi chơi miết ở bển vậy cha nội? - 21

Thailand có gì mà đi chơi miết ở bển vậy cha nội? - 21



Tôi đi Nam Thailand những ngày bom đạn vẫn ì đùng. Tình hình nghiêm trọng, những công sự chiến hào kẽm gai bao cát khắp nơi khắp chốn, những binh lính súng ống ken đầy ở mọi nơi, những chuyến xe quân sự, thiết giáp ầm ầm trên phố… Ngay cả roaming điện thoại di động cũng tắt luôn, khi tôi chỉ mới trên chuyến xe chạy xuôi nam về gần đến Pattani. Có lẽ họ sợ việc kích hoạt thuốc nổ bằng ĐTDĐ nên vấn đề roaming cũng phải bị kiểm soát.


Pattani, thành phố nằm bên bờ đông bán đảo Malay ngày trước từng là thủ đô của vương quốc nhỏ Pattani, bao gồm 3 tỉnh Yala, Pattani và Narathiwat bây giờ. Mãi cho đến thế kỷ XVIII, tuy là chư hầu của vương triều Sukhothai, rồi Ayuthaya, nhưng Pattani vẫn là 1 vương quốc tách biệt. Khi Ayuthaya sụp đổ vào 1767, Pattani đã giành được độc lập và tách hẳn khỏi Siam. Nhưng đến thời Rama I, vương quốc nhỏ bé này lại bị Siam thống trị. Rồi đến 1909, nó bị sáp nhập hoàn toàn vào Thailand.


Từ thời rất xa xưa, Pattani tuy là vương triều nhỏ nhưng đã giao thương với nhiều quốc gia Âu, Á khác do là cửa ngõ thuận tiện ra vào khu vực. Người Bồ Đào Nha, Hà Lan, Anh, Nhật… đã đến đây kinh doanh buôn bán từ TK XV, XVI… nên vùng đất này rất đa dạng về văn hoá. Tuy nhiên, vấn đề trở ngại lớn nhất của vùng đất này hiện nay là tôn giáo. Với 88% dân số theo đạo Hồi, mối bất bình của cư dân trong vùng với những ưu tiên cho Phật giáo của Thailand ngày càng âm ỉ và lớn dần, để bùng phát vào 2004. Và cho đến giờ, mọi việc vẫn chưa yên ắng, binh lửa vẫn âm ỉ triền miên từ đó đến giờ và bao nhiêu dân thường đã thiệt mạng vì cuộc nội chiến tôn giáo nơi đây.



P1240206.jpg

Matsayit Klang, thánh đường Hồi giáo lớn thứ 2 trên đất Thái.​



Tôi đã nhận được bao nhiêu là lời dặn dò, bao nhiêu là khuyên can của người chủ nhà trọ rộng thênh thang vắng tanh vắng ngắt chân tình dặn dò, những người phục vụ trong quán… nhưng tôi đã “bất tuân”, và có những thời khắc đáng nhớ tại miền đất đẹp không bình yên này. Nếu được quay lại, tôi vẫn sẽ đi.


P1240213.jpg

Thánh đường cổ nhất Pattani, Matsayit Kreu-Se – vẫn còn dang dở​



Tôi đã có một đêm dài lang thang trên phố nhìn nam thanh nữ tú hò hẹn nhau trên góc phố hay bên triền sông, với những chiếc khăn choàng che ngang bay bay trong gió… những nhóm thanh niên địa phương tụ tập đàn hát đánh cờ một cách yên ả, thanh bình… với trà và bánh ngọt. Tôi đã có 1 đêm lê bước mòn mỏi đi kiếm bia vác ra bờ sông ngồi uống thì được yêu cầu phải quấn chai trong giấy báo. Đêm đó trăng lạnh, lòng tôi cũng hơi lạnh….



P1240220.jpg



P1240222.jpg

Khuôn viên mộ của Hoa Kiều, Lim To Khieng đặc tính Hoa, trong khi thánh đường ông xây theo lại phong cách Arab.


Tuy nhiên, tôi vẫn không bỏ đi, ngày hôm sau tôi nhảy xe ôm đi viếng thánh đường Hồi giáo lớn thứ 2 ở Thailand, Matsayit Klang, rồi thánh đường cổ nhất Pattani, Matsayit Kreu-Se, xây dựng 1578, xây dựng bởi 1 Hoa Kiều, Lim To Khieng, còn gọi là “unfinished Mosque” vì một lời nguyền của người chị của ông. Thánh đường Matsayit Kreu-Se rất nổi tiếng vì nơi đây đã xảy vụ thảm sát 78 người dân Pattani vào 2004, sau cuộc biểu tình và tấn công vào trụ sở quân đội của các thanh niên Hồi giáo.



P1240240.jpg

Pattani những ngày bom lửa​



Rồi tôi đi, trên chuyến xe rời Pattani có hơn một nửa là binh sĩ đi phép và gần một nữa là những cư dân Hồi giáo địa phương mến khách… Tôi đi tiếp vào vùng đất còn đang giao tranh dữ dội hơn nơi miền nam Thái…




___________________

Còn ít nhất 79 chương hồi nữa!
 
Thailand có gì mà đi chơi miết ở bển vậy cha nội? - 22

Thailand có gì mà đi chơi miết ở bển vậy cha nội? - 22



“Haizzz, nào giờ tưởng ông người Khmer chứ đâu biết ông đẻ gần kho đạn Long Bình đâu! Tui mém nữa là banh xác rồi. Ông có nổ cũng vừa vừa thôi chứ nổ gì quá mạng dzậy. Tui nghe ông không mà tui thấy bên Thái bom rơi đùng đoàng, đạn bay cheo chéo…”. Nó lại làm một chặp, như mọi khi. “Vậy hả ku, bây giờ mới biết hả, còn nhiều chuyện chưa ngờ đâu ku?”.


“Thôi,ông bớt giỡn đi, mình kiếm chỗ nào yên bình đi cái như tui ớn bom đạn lắm rồi”. “Dễ ợt, đi chơi lễ không. Tết nhứt lễ hội xứ Nam mình thấy ớn, mình đi miệt nào của Thái xem lễ hội bên đó ra sao hén.”


* *
*​


Tháng 3 chưa phải là tháng lễ hội chính, tháng 4 với mùa vui Song Kran hay tháng 11 với Loi Krathong mới là lễ chính. Nhưng những ngày cuối tháng 3, đầu tháng 4 lại là mùa lễ hội vui của các gia đình có các bé trai. Ở Thái, vào chùa làm chú tiểu, đi tu là để cầu phúc, trả ơn cha mẹ và lễ hội mừng các bé đến tuổii có thể vào chùa, thụ phong sắc giới được, gọi là lễ Poi Sang Long còn là lễ hội chính trong cuộc đời các bậc nam giới cũng như những gia đình có con trai.


P4020442.jpg

Cổng làng rực rỡ cờ hoa ngày Poi Sang Long



Poi Sang Long, lễ hội truyền thống thụ phong chức sắc chú Tiểu cho các cậu bé dân tộc Thai Yai hoặc Shan là 1 điểm nhấn khá đặc biệt trong suốt cuộc đời của các bậc nam giới Thái Lan. Các cậu bé ở độ tuổi 7-14 sẽ trải qua một nghi thức đặc biệt, nhiều màu sắc trước khi chính thức được thụ phong sắc giới. Lễ hội này đặc biệt hấp dẫn, nhiều màu sắc ở vùng Tây Bắc Thái, nơi có nhiều dân tộc Thai Yai, Shan sinh sống. Các vùng miền khác cũng có nhưng đơn giản hơn.


P4020403.jpg


P4020402.jpg

Những bé trai ngày Poi Sang Long


Thời gian của Poi Sang Long có thể thay đổi theo từng khu vực, nhưng thường lễ hội trong 3-4 ngày.


Ngày thứ nhất, ngày “Hae Sang Long”. Các cậu bé được cạo tóc, lông mày được cắt tỉa cẩn thận, sau đó được tắm bằng các loại lá cây đặc biệt, rồi sẽ được trang điểm và trang hoàng quần áo rực rỡ sắc màu, những chiếc sarong, dải băng đầu, những búi tóc lớn theo truyền thống tổ tiên, rồi dùng hoa trang trí. Sau khi được trang điểm gương mặt và chuẩn bị trang phục, những bé trai sẽ được gọi là “Sang Long”. Chúng sẽ đi thăm viếng những người lớn tuổi trong họ hàng và xin lời chúc phúc từ họ.


P4020396.jpg



P4020338.jpg



P4020427.jpg

Đường làng ngày vui.



P4020437.jpg

Chúc phúc​



* Bài có sử dụng thông tin từ internet của TAT
___________________



Còn ít nhất 78 chương hồi nữa!
 
Thailand có gì mà đi chơi miết ở bển vậy cha nội? – 23

Thailand có gì mà đi chơi miết ở bển vậy cha nội? – 23




Tôi lang thang nước Thái, lạc bước đến Mae Hong Son vào những ngày tháng 3, nắng mùa xuân đã hanh hao ấm rải trên miền cao nguyên. Miền đất này vẫn chưa yên, do Burma rất gần bên, những đội quân du kích của các dân tộc ít người vẫn qua về giữa 2 bên, những dòng người tị nạn vẫn âm thầm len chảy sang, trong bóng rừng đại ngàn âm u... Nhớ ngày nào tập tễnh những bước lang thang đầu, nghe các bạn Tây Balo tám đến Mae Hong Son tỉnh cực tây của Thailand, nghĩ đến những Mường Tè, Sìn Hồ… đã từng lạc bước, chỉ nuốt thầm tiếng thở dài vào trong, lòng tự hỏi lòng “bao giờ mình tới được?”.



Tôi cũng không biết gì đến Poi Sang Long. Chỉ khi mới vừa đến MHS, đang lang thang vô định, tôi tình cờ tạt ngang vào 1 cái bàn nhỏ ven đường, khi thấy trên bàn có đặt 1 tấm bảng nhỏ: “Tourist Information”. Một ông chú người địa phương sau khi giới thiệu các điểm đi thăm viếng như Làng cổ dài, Làng người Hoa Vân Nam, chùa tháp, đền đài, … bỗng nhiên chú hỏi: “Mầy có biết gì về Poi Sang Long? Muốn đi coi chơi không?”, rồi hướng dẫn tôi đi đến một ngôi làng. Tôi chạy ngay đến đó nhưng tiếc thay là làng đổi lịch, vì vị trụ trì chùa bị bệnh hay sao đó. Đang ngậm ngùi quay về, thì mấy anh lính trẻ, đang kiểm soát người trên đường, chận tôi lại, hỏi tôi đi đâu…và các anh dùng sách song ngữ Anh-Thái để trao đổi với tôi. Sau đó, các anh túm 5 tụm 3 bàn bạc sôi nổi, gọi điện thoại một hồi, rồi chỉ tôi đi đến một ngôi làng khác, rất xa… Rồi tôi đi, tôi gặp Poi Sang Long, và tôi cũng biết thêm lý do tại sao rất nhiều du khách sẽ quay lại Thailand, không chỉ một lần!



* *
*



P4020369.jpg

Chờ ai? Sao buồn?​




Sau khi được tắm rửa sạch sẽ, chăm chút trang điểm, các cậu bé sẽ được các bậc phụ huynh cõng trên vai (ngày xưa là cỡi ngựa) đi thăm các bậc cha ông trong làng để được chúc phúc, tặng quà và các "chú tiểu tương lai" cũng sẽ chúc phúc lại ông bà.



P4020474.jpg



P4020435.jpg

Lớn ngồng vẫn được cõng trên vai! Đã quá há!



Cuộc đi diễu hành này rất lý thú. Có dàn kèn trống với các nhạc cụ rất lạ theo suốt hành trình để tiền hô hậu ủng. Các bậc cha anh cõng các bé cũng rất phấn khích, vừa cõng vừa nhảy múa rất ư là hồn nhiên (có lẽ họ phải tuyển chọn và tập trước chứ cỡ như tôi mà cõng mấy nhóc này, trong trời nắng nóng như thế này đi được vài chục bước là lăn quay ra rồi!!!). Các "nhạc công" là thanh niên làng thay phiên nhau chơi các nhạc cụ dân gian lạ lẫm nhưng cứ xập xèng réo rắt thánh thót đa âm sắc…, lúc ngừng chơi thì uống rượu (!) và nhảy múa... rất vui. Đường làng (rất vắng vẻ & thanh bình khi không có cuộc diễu hành) bỗng trở nên rất vui và rộn ràng khi đám rước đi qua.


P4020410.jpg

Cái gì đây? Kèn hay trống?



P4020371.jpg

Làm sao gõ hết một lần tất cả các chiêng này? Vậy mà các chàng này vẫn làm được. Dễ ợt hà.​



Buổi tối, các bé và gia đình không về nhà mà về chùa. Ở chùa bây giờ có dựng rạp, làm sân khấu,… lễ hội cũng diễn ra tưng bừng tại đây...


P4020010.jpg

Thoát xiêm y về lại đời thường.



P4020113.jpg

Quá phê?​


Ngày thứ ba, ngày “Kam Sang”. Những bé trai sẽ được diễu hành qua đường phố một lần nữa trước khi chúng trở về chùa để làm nghi thức lễ trang trọng, thụ phong sắc giới.





___________________

Còn ít nhất 77 chương hồi nữa!
 
Thailand có gì mà đi chơi miết ở bển vậy cha nội? - 24

Thailand có gì mà đi chơi miết ở bển vậy cha nội? - 24



“He he he, cái lễ Poi Sang Long gì đó chỉ có nhiêu đó hả, chỉ có mấy chú bé lên kiệu vai đi lòng vòng là xong hả? Cũng dzui nhưng mà tui tưởng có gì đó dzui hơn nữa chứ! Không có cảnh chen lấn vặt hoa bẻ cành bứt lá hả, không có cảnh rải tiền bay bay trong gió lãng mạn pà kố hay nhét tiền từng ngoạm vào tay Phật, để trên đầu Thánh hả, không có cảnh đốt vàng mã siêu mẫu chân dài, Lexus đời mới khói nhang nghi ngút mơ màng hả… Dzậy, theo thiển ý ngu ngu của tui là hổng dzui lắm đâu?” Nó đào đâu ra mấy cái thứ này mà dùng liên hoàn cước tấn công tui dzị hả trời, mà nói thiệt hay nói chơi hổng biết. Nó mà chơi thêm chiêu “Hoàng tảo thiên quân” là tui xụi lơ luôn chứ chẳng chơi đâu! Thằng này cũng hay sảng thần hồn lắm, hổng chừng chiều tối qua mới té giếng!!!



“Thôi, tui đùa ông chơi chứ tui thấy cái lễ Poi Sang Long đó hay thiệt, nhất là khi tui tìm hiểu kỹ càng thấy nó mới có ý nghĩa làm sao. Tui sao thấy thương cho mấy đứa con nít xứ mình quá! Phải chi….! Mà thôi, ông tiếp đi, xong rồi ông lôi tui đi miệt khác chứ dạo này ông anh cò cưa trái dưa gang dữ quá rồi nhen”. “Ừa, thôi để tao kể cho hết hén, giờ cũng đang tháng 3 nè, biết đâu có mấy huynh đệ tỷ muội lại muốn sang Thailand dự Poi Sang Long thì tao với mầy đi kiếm mấy anh TAT lấy tiền cò đi ăn chơi nhảy múa nghen.”



* *
*​



Thật tình, vì lười nhác, tôi không tìm được tài liệu nói về ý nghĩa của Poi Sang Long. Những thông tin tôi chia sẻ ở đây là tôi trao đổi với người dân địa phương, phụ huynh của các bé và những người chủ các nhà nghỉ trên những cung đường tôi ngang qua.



Những ngày Poi Sang Long là những ngày hội của làng chứ không chỉ riêng của những gia đình có các bé. Trong làng, như những ngày Tết xưa quê Việt, mọi người nghỉ ngơi, quét dọn nhà cửa sạch sẽ, trang hoàng rực rỡ… xong rồi họ đến chùa dựng rạp, cũng trang hoàng lung linh khắp chốn. Ở chùa, họ dựng bếp, các cô các dì cùng nhau trổ tài nấu nướng trong lúc các bé trai cùng phụ huynh tung tăng trên đường. Không thua tài kém nghệ, các cô các dì còn có luôn 1 ban nhạc ngay tại chùa. Họ chơi với rất nhiều loại nhạc cụ và cũng rất chuyên nghiệp. Cho dù đang chơi xôm tụ, một hai cô dì bỏ dàn nhạc để lại vào bếp lo cho món nấu đang nấu dở dang thì cũng không sao, luôn có người thay thế ngay. Do vậy, ở chùa không khí cũng rộn ràng không kém.



P4020461.jpg

Các dì các cô cũng tưng bừng khua chiêng gõ trống​



Còn các bé, sau những cuộc diễu hành trên phố, đến trưa ngày thứ 3 là tụ tập về chùa để bắt đầu làm lễ thụ giới. Coi như mấy ngày qua các chú được vui chơi thỏa thích, được tôn vinh lên tận mây xanh, những cuộc vui con trẻ cuối trước khi bước vào những ngày tu tập, để trả ơn cha mẹ, báo hiếu cho ông bà, tu thân tích phúc cho mình và cho xã hội mai này.



P4030045.jpg

Trả hết những “phù hoa” phù du, về lại đời…



P4030059.jpg

Bắt đầu thụ giới



Buổi lễ của ngày 3 được tổ chức rất trang nghiêm. Các bé quỳ trong đại sảnh, ngay trước các vị sư đạo cao đức trọng, trước bóng Phật uy linh. Phụ huynh (và những kẻ tò mò như tôi) thì ngồi vòng ngoài. Các vị sư giảng dạy cho bé những điều hay lẽ phải, những giáo lý đơn giản để làm người tốt, để trọn đạo tu hành… Trong khi đó các chú, do vẫn còn luyến tiếc mấy ngày vinh quang vừa qua, cứ ngọ ngoạy không yên, nhiều chú hồn nhiên ngáp ngắn ngáp dài… Nhìn những gương mặt ngây thơ trong những chiếc áo trắng mong manh quỳ trước những vị sư đạo cao đức trọng càng thấy các bé mới non nớt nhỏ nhoi làm sao và thấy các bé mới may mắn hạnh phúc làm sao…



P4030132.jpg

Đã thành người mới



P4030182.jpg

Chụp hình với người thân và chuẩn bị chia tay…​



Khi vị trụ trì giảng xong, ông bắt đầu hướng dẫn bé choàng lên người chiếc áo cà sa nho nhỏ. Lúc này, một vài bé bắt đầu cầu cứu phụ huynh giúp bé choàng áo cà sa, trong lúc đó một sô phụ huynh khác tiến lên cúng dường và trao đổi gửi gắm các vị sư trưởng giúp đỡ dạy dỗ thiên thần bé nhỏ của mình những ngày nương bóng từ bi…. Giờ phút chia tay đã đến. Các chú tiểu quyến luyến chia tay cha mẹ anh chị nội ngoại (nhưng không hề có tiếng khóc nhè nào cả), gia đình cùng nhau chụp hình khoảnh khắc đáng nhớ… bịn rịn quyến luyến một hồi rồi chia tay. Các bậc phụ huynh cũng rất lo lắng vì lần đầu tiên để con nhỏ xa nhà một mình như vậy, nhưng họ cũng tỏ ra rất hạnh phúc khi thấy con trẻ bắt đầu tập làm quen với kinh kệ, với những dạy dỗ của nhà Phật, mong sao mai này lớn lên làm người tốt cho đời. Đại sảnh dần dần vắng vẻ, các chú tiểu đứng mếu máo vẫy tay chào người thân lần cuối, rồi lon ton theo chân các sư huynh lui dần vào sau đại điện. Cuộc sống mới, những ngày mới đang bắt đầu.



………….



10 ngày sau, sân chùa lại rộn ràng. Hôm nay là ngày lễ “tốt nghiệp” của các chú tiểu, sau những ngày gửi thân vào chùa để thụ phong sắc giới, để ngâm nga câu kinh Phật trả ơn cha, báo hiếu mẹ, tu thân mình. Các bậc phụ huynh vô cùng vui sướng khi chia tay một cậu bé con hôm trước, giờ đón về 1 vị tiểu sư phụ chững chạc hơn hẳn, dù chỉ sau mấy ngày.


P4100104.jpg

Chính thức được thụ phong…



Buổi lễ trong chùa được bắt đầu, các chú tiểu vẫn quỳ trước các vị sư để nghe những lời giáo huấn rằng việc tu thân không chỉ ở trong chùa mà cả khi các chú về nhà, và cả cuộc đời dài mơ hồ phía trước…. Rồi các chú được trao những tấm bằng, mà các chú và phụ huynh vô cùng hãnh diện. Họ sẽ treo tấm bằng ở nơi trang trọng nhất trong nhà, để hãnh diện về đứa con của mình, cũng để nhắc nhở bé rằng giờ đây bé đã là người của nhà Phật. Các bé chia tay quyến luyến với các huynh trưởng đã giúp đỡ dạy dỗ mình trong những ngày qua, rồi chia tay với các bạn đồng môn, hãnh diện ra về cùng gia đình.



P4100124.jpg

Cô đơn​




Còn tôi, kẻ cô đơn lạc loài, vẫn ngồi lặng ở một góc vắng bên hiên chùa ngày xuân nắng vàng rờ rỡ, dõi mắt trông theo bóng liêu xiêu của một chú tiểu nhỏ, đơn độc chia tay mọi người, lầm lũi một mình ra về. Nhìn bóng áo vàng nhỏ nhoi lầm lũi một mình một bóng, trong cảnh huyên náo ồn ã ấm áp của những cuộc đoàn viên… tôi mới thấy, trong những khúc vui hoan ca luôn còn đó những nốt trầm...




___________________


Còn ít nhất 76 chương hồi nữa!
 
Thailand có gì mà đi chơi miết ở bển vậy cha nội? - 25

Thailand có gì mà đi chơi miết ở bển vậy cha nội? - 25



“Poi Sang Long hay hén! Tui thích. Sang năm tui đi! Tui thề! Tui hứa!” Tôi thở dài: “Ừ, thôi thì mầy có ý định là cũng tốt lăm rồi. Còn có thực hiện được ý định đó không là chuyện khác. “Con ma nhà họ Hứa” là bộ phim số 1 thế giới do tập thể diễn viên quần chúng Việt thể hiện. Chưa có nước nào so bằng đâu. Nên tao tin mầy.”



“Ủa, theo như ông kể thì cả lễ hội này kéo dài gần nửa tháng lận, bộ ông ở Mae Hong Son chừng đó ngày để ăn cái lễ này hả? Hay ông cóp nhặt thông tin trên net rồi đưa vào đây? Tui chưa vào PM xem, chứ không chừng cũng có huynh đệ tỷ muội nào théc méc giống tui lăm đó!” Sao thằng này bữa nay thông minh đột xuất vậy ta! “Mầy bữa nay hay ghê ta! Tao cũng tính sẽ nói, chưa kịp nói là mầy đã “phát hiện ra Châu Mỹ” rồi. Bữa nay mầy được, thưởng mầy chai bia hén!”



“Thực ra, tao cũng ăn may thôi, cái lễ Poi Sang Long ở đây là tổng hợp những ngày Poi Sang Long khác nhau ở các tỉnh khác nhau của miền Tây Bắc, rồi Bắc Thái đó. Cái lễ tao “tường thuật” ở đây là từ Mae Hong Son qua Pai, Chiangmai, qua Nan, rồi Phrae… mới xong đó. Tao làm gì có thời gian ở lì một chỗ đâu! Cũng may là thời gian tổ chức Poi Sang Long linh hoạt tùy thuộc từng địa phương nên tao mới có may mắn xem như dự lễ từ đầu đến cuối.”



“He he, dzậy đi chơi cũng cần may mắn hén! Còn giờ, ông dắt tui đi đâu. Mấy bữa nay tui bắt đầu thấy chộn rôn Bun Pimai, Songkran rồi đó. Tui thấy mấy công ty du lịch bắt đầu quảng cáo tour đi Thai ăn Songkran ở Pattaya (!?). Ông có định dắt tui đi ăn Songkran không?” Dạo này ku con cũng bắt đầu chịu khó đọc báo rồi, ghê ta nơi! “Thôi, mới vừa Poi Sang Long xong giờ qua Songkran, 2 cái lễ hội liền nhau nó loãng, nó mất sự thu hút. Mà cũng còn lâu mới tới Songkran, tao sẽ dắt mầy đi đến đó trước Apr 13, mầy yên tâm. Tuy nhiên, để tao cho mầy xem cái hình Songkran để mầy yên tâm. Còn bây giờ, tụi mình đi một chỗ nào yên yên chút cho nó “lắng đọng tâm hồn” hén”.



“Thì ông muốn sao tui nghe dzậy chứ tui dám ho hé gì đâu cha nội. Thôi, đi nhanh nhanh chiều về còn đi nhậu!!!”


* *
*



P4131051.jpg


P4131075.jpg

Ngày vui Songkran



P4130824.jpg

Gái đẹp Songkran​



……………………



Tôi đến miền đất này những ngày cuối đông nắng mỏng chỉ đủ làm sáng lên những chiếc lá vàng khô nhẹ đùa chạy lạo xạo trên đá xưa ngàn năm tuổi.


Sáng sớm, vắng tênh cả khu vườn xưa đá xám một thời huy hoàng trên con đường Angkor từ Siam xuôi nam về Siemreap. Những phiến đá tinh xảo lung linh những người xe của ngàn năm cũ như đang mỉm cười với lũ lá vàng, những vết chân chim… tung tăng đùa.



P1151616.jpg



P1151612.jpg

Di tích của vương triều Khmer trên đất Siam ngày cũ.​



Tôi lang thang trong vườn xưa… hồn chơi vơi mong theo đá xám về ngày xưa ngày đó….


___________________

Còn ít nhất 75 chương hồi nữa!
 
Thailand có gì mà đi chơi miết ở bển vậy cha nội? - 26

Thailand có gì mà đi chơi miết ở bển vậy cha nội? - 26



Nakhon Ratchasinama hay thường được gọi ngắn gọn Khorat là 1 tỉnh rất nổi tiếng về du lịch ở Thailand, nhưng không phải với du khách Việt. Nói đến Khorat, trước tiên là Khao Yai – Khao Yai Nattional Park, rừng quốc gia “già” nhất và cũng được viếng thăm nhiều nhất của Thailand. Phim The Beach với tài tử Leonado Dicaprio cũng được quay một phần ở đây chứ không chỉ ở biển đẹp Phuket mà thôi. Khu rừng chỉ với khoảng 2.65km2 này có đến gần 300 con voi hoang đang lang thang đây đó, chưa nói đến hàng đàn những bầy thú hoang khác cho thấy sức hấp dẫn của nó, nhất là đối với các khách trẻ khoái các cung đường trekking, hiking…



Nhưng tôi không đến Khorat để trekking, hiking vì tôi vốn lười nhác và tôi đi một mình. Do vậy, tìm kiếm đồng bọn hợp ý để đi trekking không phải là chuyện dễ. Thứ nữa, điều quan trọng nhất nhưng tôi nói sau là tôi không có dụng cụ chuyên nghiệp cho những chuyến đi loại này. Vậy tôi đến Korat để làm gì?


Tôi đến Khorat vì Phimai! Vì con đường Angkor từ Xiêm La ghé ngang qua Ai Lao về Chân Lạp.


P1151554.jpg

Con đường “di sản Angkor” từ Siam về Cambodia
(Prasat Pra Viharn là tên tiếng Thái của Prasat Preah Vihear của Cambodia)​


Không nổi tiếng như Angkor, dĩ nhiên, Phimai National Historical Park, được xây dựng bởi quốc vương Khmer Jayavarman V và hoàn tất bởi quốc vương Khmer Suriyavarman I, từ cuối TKX đến đầu TK XI, 1 thế kỷ trước khi Angkor được khởi công. Và tuy có vẻ khiên cưỡng, nhưng cũng có chút hợp tình, các tài liệu du lịch địa phương cho rằng Phimai là nguyên mẫu, là cảm hứng cho Angkor hùng vĩ sau này.



P1151588.jpg



P1151571.jpg

Phimai, một buổi sáng ngày xanh…


P1151606.jpg

… vũ nữ Apsara ngàn năm tuổi, vẫn đẹp lộng lẫy, múa trên thảm lá vàng khô..​


Vậy sao bạn không ghé Phimai, chỉ 37baht từ Khorat hiền hòa, chỉ 1.30g từ Khorat vắng tênh cả những mùa du lịch cao điểm.



* *
*​



“Trời ơi, sao kỳ này dzô đề nghe ngọt xớt như ca 6 câu dzậy anh Hai? Nhưng mà, theo ngu ý của tui, ông nên giới thiệu tour này không phải cho người Việt mà cho người Cambodia đi! Chắc họ cũng muốn tìm hiểu quá khứ hào hùng của cha ông chứ tui thấy với dân xứ Nam chỉ đi Angkor 1 ngày là thấy OK rồi. Tui có thấy cái tour du lịch nào mà đi Angkor tới 2 ngày đâu (!?). Ông chắc không cần giới thiệu mấy cái chỗ đi lòng vòng xa lắc xa lơ đó đâu!” Nó lại ca cẩm. “Nói như mầy nghe hổng lọt lỗ tai chút nào hết. Thì tại dân mình nghèo, chưa có nhiều tiền nhiều thời gian, cả thói quen đi du lịch cũng còn mơi mới, nên mình giới thiệu từ từ, rồi bà con người ta đi chứ!”



“Ủa, ông mới đi chùa về hả? Sao bữa nay đổi dạ từ bi vậy? Ok, nếu ông làm thì tui cũng ủng hộ 2 tay 2 chân thôi! Chỉ sợ… haizzzzzzzzzzzzzzzzz”



___________________

Còn ít nhất 74 chương hồi nữa!
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
55,666
Bài viết
1,170,972
Members
192,322
Latest member
WilliamAlexander
Back
Top