Kbal Spean hay còn gọi là dòng sông Linga nằm trên núi Kulen cách thành phố Siem Reap khoảng 50km về phía Bắc. Cũng giống như sông Hằng của Ấn Độ, sông Linga được coi là dòng sông thần thánh, dòng sông rửa tội, ban phúc cho người Khmer.
Vào thế kỷ thứ 10, nhà vua Hashavarman II – III đã cho đắp đập ngăn dòng chảy của sông Kbal Spean, biến dòng sông trở thành một dòng chảy êm ả, hiền hòa như một dải lụa xanh chảy qua rừng già trên núi Kulen. Chưa đủ, nhà vua còn biến dòng sông trở thành một kiệt tác nghệ thuật có 1 không 2 trên thế giới. Dưới lòng sông có rất nhiều Linga và Yoni được điêu khắc bởi những nghệ nhân Khmer trong vòng 100 năm ngăn sông, phá rừng, đục đẽo và điêu khắc trên đá.
By QB,CD,TL
Chừng đó thông tin đã đủ thúc giục chúng tôi quyết định hành trình cho ngày cuối cùng ở Campuchia chính là sông Linga. Cho dù những ngày qua, mải leo trèo và khám phá di sản thế giới ở Campuchia, trong cái nắng chang chang và gió gay gắt, da dẻ đen sạm lại, phải uống nước rất nhiều nhưng niềm ham muốn được tiếp tục thưởng ngoạn dòng suối thiêng đó đã khiến chúng tôi trở nên mạnh mẽ, và quyết tâm háo hức đi bằng được. Phải mất hơn một tiếng, xe tuk tuk mới đưa chúng tôi đến dưới chân núi.
Để đến được ngọn suối thần Linga đó, chúng tôi sẽ phải leo một chặng khoảng 1.500m nữa. Con đường rừng được khai phá rất nhỏ. Nó đúng nghĩa là một con đường rừng bởi rất nhiều đoạn chỉ một người đi qua. Hai bên là những thảm thực vật, những cây to có nhiều rễ rủ từ trên xuống, loằng ngoằng, chui xuống đất, rồi lại leo lên thân cây. Trông chúng không khác gì những con trăn to quấn quanh thân cây. Mặt đất cũng nổi đầy rễ cây ngoằn ngoèo, xen lẫn là nhiều tảng đá to.
Đường đi thực sự là một thử thách, nhất là đối với ai “nặng cân”. Thi thoảng, ven đường rừng có bảng gỗ rất xinh xắn viết các con số chỉ độ cao để du khách có thể biết được mình đang ở độ cao nào và bao nhiêu km nữa mới có thể đến được sông Linga. Những bước chân leo đường rừng thật mệt nhọc trong cái nắng gay gắt. Cứ thế, mồ hôi mẹ mồ hôi con hết khô lại ướt, hết ướt lại khô, tôi chùm lên đầu chiếc khăn kẻ Khmer. Bây giờ mới thấu hiểu tại sao người dân Campuchia với tiết trời nóng như đổ lửa mà vẫn dùng khăn. Chiếc khăn đã trở thành vật bất ly thân đối với họ, nó được làm bằng vải, nên nhẹ nhàng, che nắng chứ không nóng, lúc cần, có thể quấn quanh người, quanh... hông thay cho quần.
Thi thoảng chúng tôi phải hú lên gọi nhau, và đợi bạn đồng hành. Cuối cùng cũng đã nghe thấy tiếng suối thoang thoảng nhẹ nhàng. Phải băng qua một tảng đá rộng khiến tôi tưởng như mình đang đi trong một lòng chảo bằng đá nóng ran dưới chân, đi tiếp một chặng đường rừng nữa tôi mới thấy được sông Linga. Ấn tượng đầu tiên đó là con sông có lẽ khi chảy đến đây đã trở thành một con suối nho nhỏ, chạy quanh co uốn khúc từ trên đỉnh núi xuống.
Dưới lòng sông, với mức nước của mùa khô, cả ngàn chiếc Linga xen kẽ Yoni hiện ra thấp thoáng. Xin được nói thêm đôi chút về Linga và Yoni. Linga là biểu hiện đặc tính dương, Yoni là biểu hiện đặc tính âm, Linga kết hợp với Yoni trở thành biểu tượng cho sự sáng tạo của thần Shiva. Tương truyền, tục thờ Linga Yoni gắn với tập tục thờ cúng âm lực, coi âm vật của người đàn bà là nguồn gốc của mọi sự sáng tạo, thờ sinh thực khí để cầu sự sinh sôi nảy nở của cư dân nông nghiệp nói chung và dân tộc Khmer nói riêng.
Thật sững sờ trước cả ngàn Linga và Yoni lớn - nhỏ đủ kích thước đang lộ ra dưới đáy sông. Những bức phù điêu khắc tượng thần đang nằm, các vũ nữ Apsara nhảy múa xung quanh dựa theo sử tích Khmer và Ấn Độ Giáo. Có lẽ giai đoạn này, nghệ thuật điêu khắc Khmer không chỉ ảnh hưởng theo phong cách Hindu mà bắt đầu có sự thâm nhập của dấu ấn Phật giáo.
Thật đặc biệt, bởi trong hành trình trên sông Linga phía bên phải có một pho tượng nổi bật từ dưới đáy sông, rõ rệt hình một vị thần có ba mặt và nhiều tay. Thành thực mà nói, tôi chợt liên tưởng đến Đức Phật Bà Quán Thế Âm chùa nhà ta.
Cảm giác linh thiêng òa đến. Chúng tôi quỳ xuống bên pho tượng dưới đáy sông. Ngẫm nghĩ, mà hình như cũng không ngẫm nghĩ gì cả. Im lặng chiêm ngưỡng và chắp tay thành kính. Các bạn đồng hành cũng im lặng chiêm ngưỡng. Gió rừng thổi nhẹ từ đại ngàn, mặt nước xanh những màu xanh kỳ lạ. Những chiếc Linga – Yoni đã nằm đây hàng ngàn năm qua.
Những câu hỏi ở đâu bất giác lại nảy sinh: “100 năm qua, đời này nối tiếp đời kia, miệt mài với dòng sông, những nghệ nhân nào đã làm lên biết bao kiệt tác như thế này? ” Anh bạn nhiếp ảnh đi cùng chúng tôi quỳ xuống bên bờ sông, lấy một viên thuốc thả xuống nước. Có lẽ anh định dùng nước sông để uống thuốc, nhưng nghĩ thế nào, anh lại thả nó xuống. Cô gái người Bỉ ngạc nhiên, nghĩ rằng anh làm rơi vật gì đó xuống nước. Nhưng anh giải thích: “Tôi bị ốm, và đang phải uống thuốc, tôi chợt nghĩ rằng, viên thuốc này để nhằm nguyện cầu sức khỏe cho tất cả mọi người, để không ai phải dùng đến thuốc nữa!”. Cô gái nghe xong mỉm cười, ra dấu hiệu chúc sức khỏe!
Xưa kia, người dân Khmer vẫn được lội xuống tắm tắp bên sông thiêng. Nam thì ngồi thiền trên Linga để cầu xin sức mạnh, nữ thì ngồi trên những chiếc Yoni để cầu nguyện. Tất cả hòa với dòng sông Linga, như những đứa con trở về với Mẹ bình yên, uống nước đầu nguồn như uống sữa mẹ. Tiếc thay bây giờ, Ban quản lý đã dùng những sợi dây bao quanh sông không cho phép ai được lội xuống sông.
Chỉ còn vài ánh nắng nhạt xuyên qua kẽ lẽ lọt xuống đáy sông, muôn ngàn ảnh hình hiển hiện linh thiêng giữa mối giao cảm con người – thiên nhiên – thần thánh.
Chúng tôi lại ngược rừng, tìm đường xuống chân núi, nơi chiếc xe tuk tuk đang chờ từ sáng. Khi trở về, tôi đã có lúc hối tiếc vì mình đã không nghĩ ra rằng nên uống nước sông ngàn Linga. Tôi đã mải mê ngắm nhìn mà chợt quên mất điều đó. Nhưng thôi, có lẽ điều tôi đã được, đó là cảm giác của sự bình an khi đứng bên dòng sông ngàn Linga. Đành tự an ủi rằng sẽ có lúc tôi quay trở lại, để được hưởng sự bình an đó và chắc chắn sẽ nhớ uống nước sông Linga, để nghe dòng sông thiêng đang chảy trong mình, nhắc nhở mình rằng mọi việc sẽ bình an nếu ta biết lắng nghe!
(Ảnh sưu tầm từ một số nguồn)