3- “Yersin phượt 3”: Đây là chuyến đi dài nhất, hay nhất, quan trọng nhất và có kết quả nhất của Yersin.
Năm 1893: Cuộc khám phá Tây Nguyên kéo dài 7 tháng, với đòan lúc đông nhất lên đến 80 người, đủ ngựa nghẽo và cả voi tháp tùng. Nhiều chi tiết hay được viết trong hồi ức "Bảy tháng nơi xứ Thượng".
Chuyến này chia làm nhiều chặng:
a) Chặng 1: Ngày 24.2.1893 Yersin rời Sài Gòn đi Biên Hoà, Tân Uyên bằng xe hơi, sau đó thuê thuyền độc mộc đến Trị An, qua Trà Cú.
Từ Trà Cú đi Tánh Linh, đi bộ trong rừng ba giờ. Từ Tánh Linh đi Phan Thiết vòng qua phía Nam rặng núi Ông, đi bộ một ngày rưỡi.
Từ Phan Thiết, đi Nha Trang bằng đường cái quan, sau đó trở lại Phan Rí.
b) Chặng 2: Ngày 8.4.1893, rời Phan Rí đi Tánh Linh, qua làng Kalon-Madai, một làng Chăm nằm ở chân núi, vốn là một địa điểm giao lưu quan trọng giữa vùng núi và vùng xuôi.
Từ Kalon, trèo dốc liên tục đến làng Lao Gouan (một ngày đường).
Ngày 14.4 đoàn rời Lao Gouan tiến về phía Bắc, vượt dòng Da Gnine (tức Da Nhim) đến làng Rioung, nằm gần nhánh thứ hai của sông Đồng Nai là Da Dong (tức Da Dung).
Rioung (có thể là làng Riong Bolieng ngày nay) là một làng Thượng chuyên về nghề rèn,
Ngày 25.4 Yersin đến Ta La, vùng phụ cận Djiring (Di Linh). Cạnh đó là dòng Da Riame, một chi lưu của sông La Ngà.
Đi qua làng Yane xuống thung lũng sông La Ngà, đến làng Droum (có lẽ là làng Kondroum ngày nay).
Men theo hữu ngạn sông La Ngà, vượt sông một lần nữa ở gần Barth Nui (Bác Nui) trở về Tánh Linh.
Trước khi thực hiện chặng ba, từ ngày 22.5 đến 28.5 Yersin khảo sát vùng hữu ngạn sông La Ngà từ Bác Nui đến Cao Cang.
c) Chặng 3:
Ngày 30.5.1893: từ Tánh Linh đi Phan Rang.
Men theo tả ngạn sông La Ngà trở lại Droum. Từ đây, vượt sông La Ngà qua bờ bên phải, đi qua một loạt các làng đều mang tên Tô La, đến Tia Lao, hướng đến núi Tadoum (tức Tadoung).
Ngày 11.6, đến Bross, thung lũng sông Đồng Nai, phía Bắc là ngọn núi Tadoung. "Ngọn núi này nhìn từ xa tựa như một chiếc mũ lớn nhọn đầu đặt trên cao nguyên”.
Từ Tadoung, xuống núi trở lại Rioung. Từ đây đi đến bờ sông Da N'Tâme (tức Da Tam), một chi lưu của sông Da Nhim.
Ngược dòng Da Tam, đến các làng Kréan (gần núi Mnil), Brenne (tức Prenn, gần thác Prenn); sau đó đi về phía Tây-Bắc, bắt đầu leo núi.
Sau gần một giờ leo núi, ra khỏi rừng thông và phát hiện ra cao nguyên Lang Bian.
Lúc này là 15g30 ngày 21.6.1893. Trong nhật ký hành trình, Yersin ghi vắn tắt "3h30: grand plateau dénudé mamelonné" (3g30: cao nguyên lớn trơ trụi, nhấp nhô gò đồi).
Yersin chỉ nghỉ ở đó 15 phút. Lúc 15g45, ông vượt suối Cam Ly đi về phía Tây - Bắc, đến làng Deung vào lúc 17g55.
Sau đó vượt dòng Da Dong (tức Da Dung) và đến 18g15 thì đến làng Dan Dia (Dan Ya) hay Lang Ia (Lang Ya).
Nghỉ đêm tại Dankia, sáng hôm sau Yersin vượt dòng Da Dung trở lại Deũng, đến làng Ankroët.
Rời Lang Bian trở lại Rioung. Từ Rioung qua thung lũng Da Nhim trở về Phan Rang.
Đó là đọan đường Yersin gặp nhiều trục trặc. Lúc đó Yersin mới 30 tuổi, đang phượt mà gặp cướp cũng bỏ phượt đuổi theo chúng cả ngày để đánh nhau với hy vọng bắt sống tên đầu sỏ.
Kết quả: Yersin bị vỡ xương mác chân phải, ngực bị đâm một mũi giáo, nửa ngón cái của bàn tay trái bị chặt đứt.
7 giờ sáng hôm sau, đòan của ông lại lọt vào giữa một đàn voi rừng hung dữ. Yersin suýt bị voi dẵm, trong khi các thành viên khác đã bỏ chạy, còn ông đang bị thương nặng, không chạy được.
Nhưng may thay, vào phút chót, con voi đầu đàn lại bỏ đi.
Ngày 26.6 Yersin được cáng về Phan Rang máu me đầy mình.
Ra Nha Trang chữa trị và nghỉ xả hơi.
d) Chặng 4:
Ngày 8.9 Yersin rời Nha Trang, theo đường cái quan trở lại Phan Rang, trở lại Tánh Linh.
Từ Tánh Linh, ông về Biên Hoà, từ đó về Sài Gòn, kết thúc chuyến phượt quan trọng nhất trong đời, kéo dài bảy tháng.