Ca cao góp phần không nhỏ cho Du lịch
Những mô hình du lịch sinh thái trên địa bàn tỉnh Bến Tre, trong các vườn dừa, những vườn cây ăn trái sum suê trĩu quả ở khắp nơi nhất là ở huyện Châu Thành, Giồng Trôm và Chợ Lách, nông dân đã trồng ca cao xen lẫn trong vườn dừa với những hàng trái xanh, đỏ, vàng đeo theo thân cây thật bắt mắt làm sao; tìm hiểu rõ ra ca cao là một loại cây công nghiệp lại góp phần không nhỏ trong tham quan trãi nghiệm và thưởng thức của khách du lịch.
Chương trình sản xuất ca cao chứng nhận UTZ (tiêu chuẩn của Hevetas- Thụy Sĩ) triển khai trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2010- 2014 đã mang lại hiệu quả kinh tế lẫn kỹ thuật. Bến Tre được đánh giá là địa phương thành công trong việc trồng xen ca cao trong vườn dừa, vườn cây ăn trái với sản lượng khoảng 1.400 tấn hạt khô/năm. Tuy nhiên đây chỉ mới đánh giá về kết quả thu từ hạt ca cao mà chưa nhắc đến ca cao còn nhiều công dụng khác từ trái của nó đã đem lại cho người dân, cũng như du khách những sản phẩm mới hấp dẫn và ấn tượng .
Tôi đã tham gia trong đoàn famtrip của các lữ hành du lịch do Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch Bến Tre tổ chức để khám phá vùng sông nước Bến tre, một quê hương đầy tiềm năng và cơ hội cho du lịch sinh thái miệt vườn. Lúc đầu tôi chỉ cảm nhận cây ca cao, vườn ca cao xen lẫn trong vườn dừa, trong vườn cây ăn trái sẽ tăng thu nhập cho nông dân, vừa tận dụng cây bóng râm để trồng xen trong cùng một diện tích,… và đồng thời không chỉ dừng lại ở chỗ tạo sự hấp dẫn cho khách tham quan du lịch sinh thái tại các vườn cây ăn trái miền sông nước xứ dừa mà thôi; ai có ngờ rằng trái ca cao khai thác với nhiều công dụng khác mà người nông dân tận dụng không bỏ một thứ gì, ngoài việc lấy hạt mà lấy cả vỏ, cơm ca cao.
Chúng ta, ai cũng biết người Bến Tre cây dừa không bỏ thứ gì như: trái tươi thì uống nước; trái khô thì lấy dầu, xác dầu thì làm phân; sơ dừa thì làm chỉ để sản xuất các sản phẩm thủ công xuất khẩu, mụn dừa khi tước chỉ xong vẫn dùng làm đất sạch để xuất khẩu trồng cây; gáo dừa và thân cây dùng làm hàng trang mỹ nghệ, kể cả cọng của lá cũng làm vỏ đựng hoa, gỗ thì làm nhà; tàu và lá dừa làm chất đốt,…, đặc biệt nước dừa khô trước đây chỉ để làm nước màu dừa cho các nhà nội trợ, ngày nay nước dừa khô làm thạch dừa xuất khẩu và cả mặt nạ dừa dùng cho những chị phụ nữ dùng làm mịn màn da. Giờ đây, cây ca cao trong vườn dừa, người dân cũng đã tận dụng hết như cây dừa để tạo ra nhiều sản phẩm nhằm góp phần phát triển kinh tế gia đình và phục vụ khách du lịch.
Đúng như tin đồn! khi tôi đến xã Tam Phước, huyện Châu thành, tôi bắt gặp vài điểm thu mua ca cao để lấy hạt ; một đống vỏ ca cao thật nhiều được cất giữ lại phía bên nhà và đậy kỹ lưỡng phòng khi trời mưa, tôi không khỏi ngạc nhiên khi tham quan qui trình lấy hạt ca cao xong mà vỏ không vứt đi, đành phải tò mò tìm hiểu, thật bất ngờ khi ra phía sau vườn là một trại dê mà người chủ sử dụng vỏ ca cao để cho dê ăn và cũng là thức ăn chính của dê, còn cỏ thì lâu lâu mới cho ăn dặm; số vỏ mà những lúc nhiều quá dê ăn không hết bị úng đi thì người dân nơi đây ủ mục để làm phân hữu cơ cho cây trồng.
Đoàn Famtrip thăm vườn ca cao Đại Lộc
Đến huyện Chợ Lách tôi cùng đoàn vào một điểm du lịch mới khai trương vài tháng vẫn còn non trẻ trong kinh nghiệm phục vụ khách du lịch tại xã Sơn Định, huyện Chợ Lách; đó là điểm du lịch sinh thái kết hợp mô hình homestay của điểm du lịch Đại Lộc do anh Tư Thành là chủ cơ sở, nơi đây tôi đã được thưởng thức nhiều sản phẩm ẩm thực như: ăn trái cây tại vườn, bánh xèo hến, ốc gạo, lẫu mắm, bánh canh hến,… đặc biệt là uống giải khát nước cơm ca cao, thưởng thức rượu từ cơm ca cao; bất ngờ nầy đến bất ngờ khác, khiến chúng tôi phải tìm tòi hỏi rõ về cây ca cao tại Đại Lộc.
Anh tư Thành cho chúng tôi biết tại 2ha vườn của anh có rất nhiều ca cao trồng xen, anh không bán trái thô mà làm hạt để bán, anh còn thu mua thêm ca cao ở trong vùng để làm hạt; anh tận dụng vỏ ca cao thảy xuống ao cho cá trê, cá tai tượng ăn ( anh kể cá ăn loại thức ăn nầy thịt ngọt và dẻ, ngon lắm, cá trê thì nấu lẩu mắm, cá tai tượng thì chiên xù) hồ cá của anh không hề bổ sung thức ăn khác; trong công đoạn làm hạt khô ca cao, trước tiên anh ủ cả cơm và hạt để lấy nước cơm ca cao làm thức uống, và làm rượu ca cao, sau cùng còn lại hạt anh mới đem phơi khô hoặc xấy khô để bán; cứ một tấn ca cao tươi thì làm được 15 lít rượu ca cao. Nước cơm ca cao anh pha cùng ít sữa và ít nước đá với giá 10.000 đ/ly, thật tuyệt vời và bổ dưỡng với vị chua ngọt của bột ca cao, vị béo của sửa uống vào thật sản khoái vô cùng; còn rượu ca cao nguyên chất do nhẹ độ rất dễ uống đối với phụ nữ, một chai 500ml giá thành là 80.000đ, còn với giới đàn ông thì pha rượu trắng pha để nhâm nhi với bánh xèo hến, ốc gạo,… là không gì bằng trong một buổi trãi nghiệm đầy thú vị.
Không ngờ cây ca cao trồng xen trong vườn có bóng râm ngoài việc tạo thêm nguồn thu nhập cho người dân đồng thời còn tạo ra sản phẩm du lịch sinh thái và nhiều sản phẩm khác phục vụ khách du lịch; các nhà chuyên gia du lịch trong đoàn khảo sát cho rằng du lịch sinh thái Bến Tre hết sức tuyệt vời về các vườn cây ăn trái, phối hợp cùng các di sản văn hóa và các làng nghề đã nói lên được tiềm năng và phát triển du lịch với nhiều sản phẩm hiện có, nếu trong tương lai tất cả chúng ta chung tay chung sức cùng khơi dậy tiềm năng ấy thì du lịch Bến Tre ngày càng vươn xa và bền vững./.