Lạ lẫm Bhutan
Được sự đồng ý của một người bạn đồng hành Tây Tạng tôi xin post lại bài viết sau chuyến đi Bhutan năm 2008 của bạn ấy ở đây để các bạn quan tâm tới đất nước được coi là "tiểu Tây Tạng" này có thêm thông tin tham khảo
Bài và ảnh của Truc Nguyen
Đêm cuối cùng ở Bhutan, một du khách người Đức thốt lên: “Tôi đã gặp những người Bhutan rất nghèo, nhưng họ vẫn luôn vui vẻ yêu đời. Họ đã cho tôi biết thế nào là hạnh phúc!”
Không phải ngẫu nhiên mà nhiều người đặt cho Bhutan danh xưng mĩ miều “cõi tây phương cực lạc cuối cùng” (the last Shangri-la). Giữa một thế giới quay cuồng với bao bộn bề lo toan, đất nước nhỏ bé bên rìa Himalaya này cho người ta cảm giác chạm đến niết bàn.
Một đất nước khuôn phép
Nằm lọt thỏm giữa hai “chàng khổng lồ” Trung Quốc và Ấn Độ, Bhutan gần như đứng bên lề mọi cuộc chơi toàn cầu hóa. Ở đây có rất nhiều chuyện lạ. Ngay khi đặt chân xuống sân bay Paro, chúng tôi đã hết sức ngạc nhiên khi thấy đàn ông nước này… mặc váy! Đó là “gho”, quốc phục dành cho nam giới, gồm độc một chiếc áo khoác dài ngang gối được buộc lại ở thắt lưng, không có quần (mặc quần short bên trong). Đi kèm với gho là giày và vớ cao đến đầu gối. Trang phục cho nữ giới là “kira”, gồm áo tay dài và váy quấn như xà-rông dài đến gót chân. Bhakta, hướng dẫn viên của chúng tôi, cho biết đây là quốc phục mà người Bhutan bắt buộc phải mặc khi đi làm hoặc đến những nơi tôn nghiêm. Vừa nhanh nhẹn thị phạm cách mặc “gho”, anh vừa giải thích: “Người lạ mới nhìn vào thì thấy rất rườm rà, nhưng chúng tôi mặc quen rồi thì thấy thoải mái lắm. Ở đây trẻ em ba tuổi đã được mặc gho và kira.”
Chuyện áo quần chỉ là một trong rất nhiều quy tắc chuẩn mực mà chính phủ Bhutan đưa ra để bảo tồn bản sắc dân tộc. Mọi thứ ở đất nước với dân số 700.000 người này đều lề lối, ngăn nắp và truyền thống một cách đáng ngạc nhiên. Nếu những tòa nhà đẹp đẽ là phấn son tô điểm cho bộ mặt một đất nước thì Bhutan là khuôn mặt mộc mạc nhất mà tôi từng biết. Nhìn vào một căn nhà ở Bhutan, thật khó nói đó là nhà dân hay công ty, nhà hàng, khách sạn, cửa hàng…bởi tất cả đều được xây theo cùng một lối kiến trúc đặc trưng của Bhutan, với tường quét vôi trắng và những khung cửa sổ bằng gỗ đều tăm tắp.
Ở Bhutan không có chỗ cho sự lộn xộn. Bảng hiệu quảng cáo bị cấm vì chính phủ cho rằng chúng sẽ làm xấu cảnh quan đô thị. Chính phủ áp đặt mức phí 200 USD/ngày đối với du khách để hạn chế lượng người nước ngoài vào Bhutan, nhằm tránh làm xáo trộn cuộc sống của người dân. Sự khuôn phép còn thể hiện qua cách lái xe của người Bhutan. Là nước duy nhất trên thế giới không có hệ thống đèn giao thông, song “kẹt xe” chưa bao giờ là nỗi bận tâm của người dân nước này. Chúng tôi đã tròn xoe mắt ngạc nhiên khi thấy cảnh sát giao thông đứng “múa” tại một ngã tư ở thủ đô Thimphu. Vào năm 1999, chính phủ đã lắp một cột đèn ngay tại chốt giao thông này, nhưng nó không tồn tại được lâu vì người dân cảm thấy những tín hiệu đèn xanh đỏ phiền phức hơn những cái khoát tay nhịp nhàng của viên cảnh sát! Năm 1999 cũng là năm đầu tiên người Bhutan biết đến tivi và Internet. Hai tiện nghi này may mắn không bị đào thải như chiếc cột đèn giao thông vắn số kia!
Thoạt nghe nhiều người dễ nghĩ Bhutan là nước lạc hậu, song quốc gia khép kín này lại đi tiên phong trong việc giải quyết nhiều vấn đề mà người dân toàn cầu đang đối mặt. Từ tháng 12-2004, Bhutan đã cấm buôn bán thuốc lá và trở thành nước không khói thuốc đầu tiên trên thế giới. Những chiếc bao nilông dùng trong mua sắm đã bị cấm tiệt tại Bhutan từ hơn hai năm trước. Chúng tôi chỉ để ý chuyện này khi đóng gói đồ đạc về nước và phát hiện trong phòng còn rất nhiều túi giấy đựng những món đồ mua từ cửa hàng bách hóa.
Bữa cơm của những người hạnh phúc
Với GDP đầu người khoảng 1.400 USD, người dân Bhutan không phải là những người giàu nhất thế giới, nhưng họ hẳn là những người hạnh phúc nhất. Từ ba thập niên trước, Quốc vương Jigme Singye Wangchuck đã đưa ra khái niệm “Tổng hạnh phúc quốc gia” (GNH) với câu nói nổi tiếng: “Tổng hạnh phúc quốc gia còn quan trọng hơn tổng sản phẩm quốc nội”. Công thức làm nên hạnh phúc của Bhutan là: Hạnh phúc = phát triển kinh tế xã hội bền vững + bảo vệ môi trường + bảo tồn và phát huy văn hóa + chính quyền cai trị tốt. Khi tôi hỏi chỉ số hạnh phúc của người Bhutan là bao nhiêu, Bhakta nói hạnh phúc là một khái niệm không thể đong đếm bằng con số cụ thể. Anh chỉ biết rằng bản thân mình cảm thấy hài lòng với cuộc sống, đó là hạnh phúc. “Quốc vương chăm lo chúng tôi rất tốt, giáo dục và y tế hoàn toàn miễn phí. Khi người dân ở nông thôn cần xây nhà, họ đến Sở lâm nghiệp mua gỗ với giá bằng 1-2% giá thị trường. Tôi nghĩ người Bhutan hạnh phúc vì họ ít khi lo lắng.” – Bhakta nói.
Trong những ngày ở Bhutan, chúng tôi có dịp đến dùng cơm tối tại nhà một người dân. Như người Thái Lan, người Bhutan nào cũng kính vua thờ Phật. Chủ nhà dành một căn phòng riêng để thờ cúng, trong đó không thể thiếu ảnh hoặc tượng của đại sư Liên Hoa Sinh, người đưa Phật giáo vào Bhutan, và Shabrung, người có công thống nhất Bhutan vào thế kỉ 17.
Chúng tôi ăn tối tại phòng khách, với bốn bề là tranh ảnh của nhà vua và các thành viên hoàng gia. Nụ cười hiền từ của quốc vương soi xuống bữa ăn đạm bạc của thần dân ngài. Bữa tối gồm cơm gạo lứt (người Bhutan chủ yếu ăn loại gạo này), với các món chế biến từ rau củ như khoai tây, măng tây, cà chua…Món mặn duy nhất là thịt mỡ kho keo, vừa khô vừa cứng. Bữa cơm không có sơn hào hải vị mà sao dư âm của nó đọng lại rất lâu. Tôi nhớ hoài hình ảnh chị chủ nhà lần lượt xúc cơm, gắp thức ăn vào dĩa cho bố mẹ già, sau đó cho cậu em trai bị thiểu năng, xong đâu đấy mới lo phần ăn cho mình. Tôi nhớ câu nói của bà mẹ già trong lúc tay không ngừng lần tràng hạt: “Chúng ta đến từ những nơi khác nhau, nhưng có thể ngồi dưới cùng một mái nhà để ăn một bữa cơm tối, như vậy là hạnh phúc rồi!”
Thật là một lời giải thích đơn giản cho một khái niệm tầm cỡ như Tổng sản phẩm hạnh phúc quốc gia! Tôi biết mình cũng như ông du khách người Đức kia sẽ nhớ đến điều gì nhất khi rời khỏi đất nước bé nhỏ này.
Box:
- Bhutan có diện tích 47.000 km2, trong đó 72% được rừng che phủ. Với bầu không khí trong lành và môi sinh được bảo tồn hoàn hảo, Bhutan còn được gọi là “Thụy Sĩ của phương Đông”.
- Năm 2006, Quốc vương Jigme Singye Wangchuck nhường ngôi cho con trai của mình là Jigme Khesar Namgyel Wangchuck, sinh năm 1980. Sau đó, chính Quốc vương Singye kêu gọi tổ chức bầu cử để đem lại dân chủ cho Bhutan.
- Tháng 3-2008, Bhutan tổ chức cuộc tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội, chấm dứt chế độ quân chủ tồn tại 100 năm qua để chuyển sang chế độ quân chủ lập hiến.
- Có hai cách để vào Bhutan, bằng đường bộ qua biên giới Ấn Độ hoặc bằng đường hàng không từ Thái Lan, Nepal hoặc Ấn Độ. Chính phủ Bhutan quy định tất cả du khách nước ngoài đến Bhutan đều phải đăng kí qua một công ty du lịch được Sở du lịch Bhutan cấp phép hoạt động. Giá tour được các công ty chào như nhau là 200 USD/ngày/người, bao gồm tất cả các khoản chi phí như khách sạn, ăn ngày ba bữa, xe đưa đón, hướng dẫn viên, vé vào cổng các di tích. Giá này chưa bao gồm tiền vé máy bay, lệ phí visa, lệ phí sân bay,…
Những gương mặt trẻ thơ sau giờ tan trường
Bảng hiệu khách sạn nằm khiêm tốn ở góc phố thủ đô Thimpu
Cảnh sát điều phối giao thông ở thủ đô Thimpu
Tu viện Punakha nằm bên dòng sông Mochu ở thành phố Punakha
Đàn ông Bhutan trong quốc phục "gho"
Tăng lữ trong 1 tu viện ở Bhutan
Đường phố ở Paro, thành phố nằm ở phía tây Bhutan, nơi có sân bay duy nhất của nước này (họ đi toàn xe hơi không ạ)