Nước Lào cũng...gần giống nước ta
Một chiều cuối tuần Hà Nội nóng như chảo lửa. Nghe nói khi ấy, Lào cũng đang vào thời điểm nắng nóng nhất trong năm. Với tâm trạng háo hức, mong chờ muôn thưở của những kẻ lang thang khi đứng trước những chặng đường dài, “súng ống” lỉnh kỉnh vác trên vai, ba lô nhẹ hều, mình cùng 2 anh, chị đồng nghiệp, lếch thếch, xách tông, Bến xe Nước Ngầm thẳng tiến. Theo mình được biết, đây là bến xe duy nhất ở Hà Nội có xe khách đi thẳng sang Luangprabang hoặc Vientaine.
Trước khi yên vị được trên xe, bọn chúng mình cũng đã phải trải qua lắm nỗi gian nan, vì cái vé...nằm sàn.
Do chủ quan, ko gọi trước nhà xe, nên anh bạn đi cùng, chật vật canh chừng từ sáng đến tận chiều, trước khi xe xuất bến vài tiếng, mới kiếm được 3 suất nằm sàn.
Sau 25 tiếng nằm, ngồi lăn lóc trên sàn xe, đi qua 900km, hầu hết là đường núi trập trùng, 3 đứa đến được Luang lúc gần 10 giờ đêm. Đường đến Luang có bạt ngàn núi xanh, trời thăm thẳm biếc, đường quanh co, và thi thoảng nổi lên trên nền xanh của rừng là vài cây đỗ quyên đang nở hoa, rực đỏ một khoảng trời. Là lần đầu trải nghiệm của chị gái đi cùng, nhưng những cung đường này với mình là sự quen thuộc đáng yêu.
Luang có nhiều nét tương đồng với phố cổ Hội An, nhưng nhịp sống ở Lào “thanh cảnh”, chậm rãi hơn Việt Nam ta vài bậc.
Hầu như mọi người dân trên đất Lào đều sống với tâm niệm: “Sống nhẹ nhàng như không”. Có thể do trẻ em ở Lào thường vào chùa để tu dưỡng từ hồi tí xíu, vì từ nhỏ đã được dạy về đạo Phật, nên tâm của họ tuyệt đối tịnh, sự đố kỵ, bon chen, tranh giành hầu như không có cơ hội tồn tại. Chẳng thế mà ở Lào không quá khó để bắt gặp một nhà hàng treo biển đóng cửa vì bận đi…nghỉ hè, hay những quán café giữa thủ đô Viên Chăn không mở cửa, cho dù đó là ngày thứ 7, CN cuối tuần.
Luang thanh tịnh & dịu dàng, trong lành như một cơn gió đêm thu.
Được bao bọc bởi 2 con sông Nam Khan & Mekong, nên dù ban ngày, Luang nóng như đổ lửa, nhưng hễ đêm xuống là mát mẻ như mùa thu. Gió hây hây thổi, không khí trong lành, tịnh không một hạt bụi. Mát lạnh.
Dọc bờ sông là hàng hà sa số cây hoa Osaka vàng ruộm những chùm hoa hình chuông, là bằng lăng tím ngắt, là phượng đỏ cháy rực trời. Trên sông, đôi ba chiếc thuyền con thong thả buông lưới. Cảnh tượng bình yên đến nao lòng.
Lang thang trên con đường dọc sông vào ban ngày và ban đêm, thả lòng mình trôi theo những an nhiên thật nhẹ, có lẽ là cách “du lịch” phù hợp nhất khi đến Luang.
Một cách khác để có thể cảm trọn Luang là leo hơn trăm bậc đá, lên đỉnh núi Phousi vào thời điểm hoàng hôn. Trước không gian rộng lớn ấy, lòng mình thư thái lạ. Cả dăm chục người đứng quanh đó như không tồn tại, mà chỉ còn mình với hoàng hôn đỏ rực, đang đốt cháy một ngọn núi, một dòng sông.
Là khu du lịch nổi tiếng nhưng Luang dường như không hề bị làn sóng “du lịch hóa, đô thị hóa” chạm tới. Luang vẫn mang trong mình những nét nguyên sơ như đến từ thời quá vãng.
Những chú mèo nằm lim dim ngủ trên bậc tường, mặc mọi ồn ào của thế giới.
Những con đường hoa đại phủ trắng lối, thơm lừng.
Những ngôi chùa cổ nằm giữa trung tâm thành phố nhưng không ồn ào, vẫn thanh tịnh đến nỗi khi ngồi trong đó, mình có cảm giác như những ngôi chùa này có thể thu hết vào lòng mọi nỗi niềm hỉ nộ ai ố của nhân gian, và trả lại cho người ngồi đó một sự an nhiên tuyệt đối.
Con phố chính của Luang, nơi có hàng chục mái chùa cổ, xếp san sát nhau dọc hai bên đường, buổi tối biến thành khu chợ đêm sầm uất. Chợ đêm chủ yếu bán đồ handmade, vải vóc…do người Lào làm, nhưng cũng ko tránh được những khu với rặt đồ Tàu. Khu chợ mở cửa từ khá sớm, nhưng chỉ 9:30 ~ 10:00 pm người buôn bán đã lục tục dọn hàng, kéo nhau ra về, mặc những du khách “đến muộn” tiếc rẻ với theo. Nhưng, ngay sau khi các hàng quán dọn đi, con phố này lại trở về đúng nghĩa là phố cổ, với nét đẹp xưa thật xưa. Đèn lồng chăng khắp chốn. Cả con phố trở lại tĩnh lặng như chưa từng có vài tiếng oằn mình làm khu mua sắm cho dân tứ xứ trước đó.
Hai quán ăn đêm duy nhất mở cửa đến 11 giờ đêm, nằm ngay trong khu chợ đêm đã vãn, leo lét ánh đèn, làm mình không khỏi liên tưởng đến cảnh buôn bán đêm đìu hiu trong Gió lạnh đầu mùa, như càng tô điểm thêm cho cái sự điềm nhiên của nơi đây.
Ngay cả địa điểm nổi tiếng như thác Kuangsi với nhiều lượt du khách ghé thăm mỗi ngày, dường như cũng chẳng có nhu cầu gồng mình lên, thay đổi cho phù hợp với các nhu cầu của hàng ngàn du khách. Nó vẫn ung dung tồn tại với những nét đẹp gần như là xưa cũ, với những thói quen, nếp sống được bảo lưu từ ngàn đời trước. Thế nên mới có thể bắt gặp từng đàn trâu hồn nhiên băng qua đường, những ngôi trường với khuôn viên là bãi đất đầy cỏ dại.
Sau khi đi qua 3 miền đất của Lào, mình nhận ra rằng, đó dường như là nét đặc trưng không lẫn vào đâu được của Luangprabang: sự tồn tại một cách điềm nhiên.
Còn Vang Viêng, vùng đất cách Luangprabang chỉ bảy giờ đi xe khách, lại mang dáng vẻ khác nhiều so với Luang.
Nếu Luang nhẹ nhàng, dịu dàng đến mức thở cũng phải dè chừng vì sợ “kinh động”, thì Vang lại mang dáng dấp của một thanh niên mới lớn, tập vào đời, với thật nhiều ồn ào, náo nhiệt.
Có lẽ lý do nơi đây nhiều Tây ba lô đến vậy là do giá cả ở Vang chỉ bằng một nửa so với Luang, lại có rất nhiều trò chơi, nhiều thứ mạo hiểm, hấp dẫn người trẻ. Hơn nữa, so với Luang, cảnh đẹp ở Vang cũng không thua kém gì. Với mặt trời đỏ ối, nhuộm tím ngắt những dãy núi, mỗi bình minh, mỗi hoàng hôn, và những cây cầu cũ kỹ treo bắc ngang sông Nam Soong, rười rượi mát mỗi chiều về, những cây Osaka vàng rực hoa trước cửa chùa, với ngôi chùa có cây đa to, hễ chiều đến lại trở thành nơi tụ tập của hàng ngàn con chim, hót váng trời...
Trước khi sang đây, mình đã được một cậu bạn người Nhật từng đi qua Vang chia sẻ: “Vang viêng là thiên đường của giới trẻ, thiên đường của những kẻ du lịch bụi đấy, Chị ạ! Nơi ấy đầy ắp những người trẻ tuổi, rong chơi không màng tháng ngày. Nhưng, là một nơi đáng để thử khi đến Lào.”
Tưởng nó nói chơi, nhưng khi sang tận nơi thì thấy quả đúng như vậy.
Sau này, mình thường nghĩ đến cụm từ “cái ổ” khi hình dung về Vang Viêng.
Vang nhỏ xíu, đi đi, lại lại đều bắt gặp những gương mặt khá quen. Nhưng cách vài bước chân lại có một quán café “giường nằm”, quán bar, nhà nghỉ, đại lý du lịch. Hình ảnh mình bắt gặp khá nhiều khi ở đây là các thanh niên Tây ba lô tụ tập thành nhóm, lang thang khắp Vang, ngây ngất bên men rượu, say sưa bất kể giữa trưa nắng hay buổi tối. Ấn tượng nhất trong số này có lẽ là anh giai Tây phương, áo chấm bi, ngày ngày xách chai rượu, chân nam đá chân xiêu, vật vờ đi ngang qua cửa dorm chỗ mình ở.
Ở lại Vang viêng 2 ngày. Ngày đầu, bọn mình chọn tour cave tubing, kayak & thăm hang từ một đại lý tour gần dorm nghỉ. Dorm bọn mình nghỉ chủ là người Việt, nhưng “chém” kinh quá, nên hầu như bọn mình ko sử dụng dịch vụ gì ở đó. Tưởng tour thì sẽ ba chấm lắm, ai dè…cũng đủ vui. Đủ để thu được vào tầm mắt cả con sông Nam Song xanh biếc, với lũ trẻ con hồn nhiên “truổng cời” tắm sông, với những cây cầu treo cũ kỹ, bắc ngang sông. Đủ để ngắm thỏa thích núi non Vang hùng vĩ. Đủ để thi thoảng buông tay chèo, để kayak trôi tự nhiên, hưởng thụ không khí mát lành nơi đây. Và, cũng đủ để uống no nước của dòng Nam Song. Ngày sau thì long nhong trên xe đạp, vượt nắng gió đến với ngôi đền có cây Osaka rực rỡ vàng, cây cầu dài chói lọi đỏ.
Ban đêm, cả lũ đi bộ, lang thang, rồi tạt té vào Sakura Bar – có lẽ là quán bar nổi tiếng nhất ở Vang – để uống whisky pha cocacola miễn phí & xem “cinema”.
Sakura Bar phổ biến đến nỗi, bất kỳ chỗ nào ở Vang cũng có thể bắt gặp một thanh niên mặc áo ba lỗ với khẩu hiệu: “Drink triple, see double, act single” mà bar này phát trong chương trình khuyến mãi của họ (2 vodka drinks đổi 1 áo).
Các thanh niên say sưa uống, say sưa nhảy nhót, hát ca, chơi beer pong, tán ruồi…
Hai chị em mình, gái Châu Á, lại nhát chết, vả lại chưa say, dù đã uống beer Lào huyền thoại vào bữa tối, nên không “làm liều” được, chỉ lấy việc ngắm nghía thiên hạ, mà bọn mình gọi vui là “xem cinema”, làm vui.
Hai đêm ở Vang, đêm nào cũng tạt vào đó, vào “giờ vàng” để uống free, xem xiếc.
Thú phết.
Tựu chung lại, Vang Viêng là một nơi đủ thú vị để mình lưu lại đó khá nhiều cảm tình.
Điểm dừng chân cuối cùng là Viên Chăn – thủ đô của Lào.
Thủ đô của Lào cũng không khác Hà Nội là bao, khác chăng chỉ là Chùa Một Cột của Hà Nội bên Lào sẽ là That Luang, Hoàng thành Thăng Long sẽ là Patuxay...
Vì cũng toàn phố xá, xe cộ, khói bụi nên cảm giác ngột ngạt như đang ở giữa Hà Nội đột nhiên ập tới, ngay khi vừa đặt bước chân đầu tiên lên Viên Chăn.
Nhưng, thủ đô mà. Cái gì cũng phải có sự đánh đổi nhất định.
Không muốn làm hỏng cảm giác tịnh tâm ở Luang, ồn ào náo nhiệt nhưng vẫn là Lào style ở Vang Viêng, bọn mình không đi đâu nhiều.
Chỉ ấn tượng với những quán café, quán ăn đóng cửa ngày thứ 7; cốc café to gấp hơn đôi lần so với cốc bia ở Hà Nội, bia Lào, và chuyến xe “bão táp” xuất phát từ Viên – chuyến xe đáng ra phải đưa bọn mình về Hà Nội chỉ sau 20 giờ, đã trở thành 36 giờ mới về tới bến với 11 tiếng chờ đợi mỏi mòn.
Kết thúc chuyến đi vào 4:30 sáng thứ 2, đã "tiêu" quá cả ngày nghỉ cuối cùng, cả bọn lử đử lừ đừ, lại còn khốn khổ vì phân vân có nên đi làm hay không. Cuối cùng, vì cơn gió mát rượi sáng sớm, vì sự điên rồ thuộc bản ngã, cùng chút sức lực còn lại, cả bọn đã hạ quyết tâm vẫn đi làm như thường.
Phê pha.
Lào tươi mát. Lào dịu dàng. Lào thanh tịnh. Lào đáng yêu.
Nước Lào cũng giống nước ta,
Cái cửa là để đi ra, đi vào
Nước ta cũng giống nước Lào,
Cái cửa là để đi vào, đi ra….
)
Một chuyến đi thú vị từ đầu tới cuối.
Thèm bia Lào. Chẹp chẹp.