Re: Myanmar - Sạch sành sanh chi phí một chuyến đi
Nhóm mình mới đi Myanmar về trong tháng 11 nên có một số thông tin chia sẻ với các bạn để cập nhật tình hình và sắp xếp chuyến đi cho phù hợp.
1. Visa:
Có thể xin visa tại LSQ ở TP.HCM hoặc ĐSQ ở Hà Nội. Phí xin visa ở SG là 35USD và 10 ngày có visa kể từ ngày nộp. Tương ứng khi nộp ở HN Là 25USD và 7 ngày.
Thủ tục xin visa cực kì đơn giản và chẳng có phiền hà gì, chỉ việc điền vào form visa application (download trên mạng), nộp 2 hình 3x4, phí visa và ngồi đợi trong khoảng thời gian như đã nói ở trên là đã có visa. Có thể nộp giùm, không nhất thiết phải tự đi nộp. Trong thời gian đợi visa chẳng ai buồn hỏi han gì đối với visa mình đang xin. Trong đơn xin visa nên ghi địa chỉ lưu ý ở Myanmar (ghi bất kì nơi nào mình dự tính đi).
Thời hạn hiệu lực của visa là 3 tháng kể từ ngày cấp visa. Thời hạn lưu trú trên đất Myanmar là 28 ngày.
Lưu ý, kể từ tháng 11/2012, luật đầu tư của Myanmar có hiệu lực nên sẽ có rất nhiều người đến Myanmar, và do đó thời gian cấp visa có thể kéo dài hơn nếu có nhiều người xin visa. Mình chỉ đoán vậy thôi, nên hỏi rõ bên LSQ hoặc ĐSQ sẽ chi tiết hơn.
2. Phương tiện di chuyển:
- Máy bay: Hiện tại đã có đường bay từ Bangkok qua Mandalay nên không cần thiết phải đến và đi khỏi Myanmar từ Yangon. Đi và về 1 chỗ sẽ nhàm chán và tốn thời gian cũng như chi phí vận chuyển. Bạn nào đi sau nên chú ý chi tiết này để lên kế hoạch phù hợp hơn. Như tụi mình là đến Mandalay và về từ Yagon nên đỡ tốn thêm 1 chặng trên đất Myanmar.
Đối với các chuyến bay nội địa: thông tin với các bạn là cả 3 hãng Air Bagan, Air Mandalay, Air Yangon đều không có kiểu bay vòng tròn 1 lượt để đón khách kiểu transit, hình như chỉ có Asian Wings mới có kiểu transit này. Từ nơi này bạn có thể bay trực tiếp đến nơi khác mà không phải dừng lại ở đâu hết. Vé máy bay chỉ được xuất vé trong vòng 3 ngày kể từ ngày bay và sau khi mua vé máy bay xong thì trong vòng 1 ngày trước khi bay phải xác nhận lại có bay hay không (???) với đại lý vé của hãng đó thì mới được bay. Nếu bạn không xác nhận thì xem như không bay và sẽ không được hoàn tiền lại. Mình bay Air Mandalay gặp trường hợp này, không biết các hãng khác có giống vậy không.
Hầu hết máy bay của các hãng nội địa đều là máy bay nhỏ, đa phần là ATR 42, ATR 72 hoặc Fokker, nhưng nói chung thời tiết tốt thì bay vẫn OK như Airbus. Các hãng bay đều có văn phòng vé ở khắp các địa điểm chính ở Myanmar nên rất tiện để tự đặt vé. Giá vé chặng Bagan - Heho của Air Mandalay như tụi mình đi có giá là 84USD, của Air Bagan là 83USD. Các chặng khác sẽ đắt hơn hoặc rẻ hơn tùy theo khoảng cách nhưng nhìn chung như vậy đã là quá đắt.
- Xe bus: Các điểm du lịch chính của Myanmar như Yangon, Inle, Bagan, Mandalay đều có hãng xe bus đến các điểm còn lại (có không dưới 2 hãng cho từng chặng). Chất lượng xe bus tốt, có máy lạnh và đều là xe 45 chỗ ngồi, giá vé xê dịch trong khoảng 15USD cho từng chặng. Chất lượng đường xá nhìn chung ổn. Đoạn đèo dài lê thê nằm giữa chặng Mandalay và Heho đã được sửa lại nên tuyến bus Yangon - Inle (tuyến này cũng phải đi qua đèo này) hoặc Bagan/Mandalay - Inle không còn gặp trở ngại gì nữa. Các bạn lưu ý điểm này để có kế hoạch đi bus đêm cho tiết kiệm thời gian và tiền bạc. Như nhóm tụi mình do theo thông tin cóp nhặt từ các nguồn không chính xác nên buộc phải bay chặng Bagan - Heho làm tăng chi phí không đáng. Thời gian đi bus giữa các chặng chỉ trong khoảng 13h trở lại, nếu so với thời gian dành để bay là 5h thì đi bus khả quan hơn (5h là thời gian chờ bay 2h đi + 2h đến + thời gian bay 45 phút).
- Tàu lửa: đa phần tàu lửa Myanmar chạy rất rất chậm và muốn mua vé phải bắt buộc đến ga mua, không cho làm dịch vụ. Đi từ Yangon đến Mandalay phải mất cả ngày và đêm mặc dù khoảng cách không quá 600km. Có thể đi chặng Mandalay - Bagan hoặc ngược lại bằng tàu lửa đêm để tiết kiệm, mất khoảng 9-10h, tàu khởi hành cũng khá đúng giờ. Giá vé chặng này là 10USD cho ghế mềm (upper class), chất lượng thì như tàu chợ Việt Nam thôi tuy có qua 1 số đoạn theo mình nghĩ là do địa chất yếu nên cả đoàn tàu nhún cả 4 hướng y như chơi trò thú nhún.
- Tàu thủy, phà: chặng Mandalay - Bagan có loại này nhưng không nên đi vì mất khá nhiều thời gian vô ích. Nếu có thời gian và muốn thử cho biết thì đi.
3. Khách sạn:
Từ thời điểm này đến hết tháng 4 là mùa cao điểm nên khách sạn đa phần fully booked. Không có nhiều khách sạn trên đất Myanmar để lựa chọn vào mùa cao điểm. Nếu đi vào mùa này nên liên hệ khách sạn book trước thì mới có chỗ để ở. Nhóm tụi mình đã gặp tình trạng dở khóc dở cười vì không có khách sạn nào để book trong cả 4 điểm đến do không book trước 1 khách sạn nào, làm mất khá nhiều thời gian và tăng chi phí cho chuyện này. Các bạn đi sau nên lưu ý để tránh.
Ở khu vực Nyaung Swhe (hồ Inle) có rất ít khách sạn nhưng lại đông khách nên vào mùa cao điểm thường phải book trước ít nhất 1 tháng thì may mắn mới có. Trường hợp nếu không book được khách sạn tại Inle, các bạn có thể đến TaungGyi cách đó khoảng 40km để tìm khách sạn. TaungGyi là thành phố thủ phủ của bang Shan nên có nhiều khách sạn to lớn, tiện nghi mà lại rẻ hơn ở Inle. TyaungGyi giống như Đà Lạt ở Việt Nam do nằm ở độ cao hơn 1400m, tiện nghi và giàu có nhưng rất lạnh vào mùa đông.
Mình thấy ở Inle có khách sạn Teakwood là ok nhất, giá phòng đôi là 40USD. Hoặc cũng có thể book resort trên hồ Inle với giá vé ít nhất là 70USD/phòng đôi và phải tốn thêm tiền 15,000 kyats/ghe đi lại giữa làng Nyaung Shwe và resort.
4. Một số thông tin khác:
- Đa phần người Myanmar ở thời điểm hiện tại nói tiếng Anh không tốt lắm, ngoại trừ 1 số người lớn tuổi có học do được thừa hưởng nền giáo dục từ thời thuộc địa. Nhưng nhìn chung không có trở ngại trong việc giao tiếp.
- Đổi tiền: Hầu hết tại Yangon, Inle, Bagan, Mandalay đều có các chi nhánh ngân hàng để đổi tiền. Các bạn chỉ nên đổi tiền tại ngân hàng thì mới được tỉ giá cao và tiền mới. Lưu ý tiền USD mang đi đổi: không quan trọng năm phát hành của tiền USD nhưng phải thẳng, mới, không có dấu vết (thường các tiệm vàng ở VN hay đóng dấu lên USD khi đổi sang USD).
- Giá cả:
+ Nước uống khoảng 300 kyats/ chai 1 lít (khoảng 7000VNĐ), không đắt.
+ Taxi: đa phần là xe tuk tuk, ở Yagon thì có thêm xe con. Chi phí taxi khoảng 0.6USD/km, tính gọn cho các bạn dễ trả giá.
+ Ăn: khoảng 3-4USD/ buổi hoặc cao hơn nếu muốn chất lượng tốt hơn.
- Ăn uống:
Ở Bagan và Inle nhìn chung có nhiều quán ăn hợp khẩu vị. Ở Yangon mặc dù to lớn nhưng khó tìm quán ăn hơn, có thể đến quán KSS ở gần chùa Sule để ăn fast food hoặc ăn ở các quán ở khu China Town (cách chùa Sule khoảng 10 phút đi bộ). Ngoài ra theo thông tin của một số bạn là có KFC ở Yagon nhưng tụi mình không tìm ra và kể cả người dân cũng khẳng định không có KFC ở Yangon. Ở Mandalay có thể ăn ở quán Golden Duck, ở Yangon cũng có quán này nhưng không biết có giống nhau không.
- Internet: các ks và các điểm công cộng ở Myanmar hiện nay đều có Wifi, tuy tốc độ rất kém nhưng cũng là 1 bước tiến đáng kể.
......