Làng Việt cổ Đường Lâm
Đường Lâm nằm cách Hà nội khoảng hơn 50 km, cách thị xã Sơn Tây – Hà Tây chừng 5 cây số về phía đông bắc.
Từ Hà nội, bạn có thể tới Đường Lâm bằng xe ô tô, xe máy và thậm chí là xe bus theo tuyến Hà nội – Sơn Tây, sau đó bắt xe ôm đến ngôi làng nổi tiếng với danh hiệu “Làng có hai vua”.
Nếu đi đoàn đông bằng ô tô to thì xe chạy đến trước cổng làng Mông Phụ, sau đó quý khách có thể tự mình đi bộ để khám phá ngôi làng Việt cổ đá ong này.
Thời gian: 1 ngày
Các địa điểm du lịch tại làng cổ: Tham quan vào buổi sáng, tránh đến vào buổi trưa vì đó là giờ các gia đình đi nghỉ trưa.
- Đình làng Mông Phụ: Từ cổng làng – cũng là một di tích đặc biệt với ngôi nhà hai mái đốc, đi vào một đoạn là tới đình, một công trình tiêu biểu mang đậm nét văn hóa của nông thôn Bắc Bộ.
- Các căn nhà cổ được xây dựng bằng đá ong có niên đại hàng trăm năm tuổi. Có khoảng 45 căn nhà cổ ở đây, du khách nên tìm đến nhà ông Huyến, ông Lê, anh Hùng… Đó là những ngôi nhà cổ nhất và đẹp nhất ở làng Mông Phụ, đồng thời chủ nhân của chúng cũng là những người có kiến thức sâu sắc về lịch sử Đường Lâm, sẵn sàng kể chuyện với du khách.
- Bạn sẽ có cơ hội được tiếp xúc với các văn tự cổ như gia phả của các dòng họ, các gia đình, bia ký hoặc những bức hoành phi câu đối. Trong một số ngôi nhà cổ có nghề truyền thống làm tương, với những bình (chum) ủ tương xếp đầy khuôn viên nhà.
- Nhà thờ Thám hoa Giang Văn Minh: ngay trong làng.
- Những con đường làng theo cấu trúc xương cá nằm giữa những tường bao nhà cổ bằng đá ong, trải đầy rơm rạ vào mùa gặt nhưng rất sạch sẽ và thoáng mát.
- Bạn nên tặng quà cho chủ nhân các ngôi nhà cổ vì họ không thu phí du lịch của khách tham quan.
Các địa điểm du lịch khác quanh làng: Tham quan vào buổi chiều sau khi ăn trưa, theo con đường phía bên trái đình làng rời khỏi làng khoảng hơn 1km là đến khu di tích lăng và đền của Đường Lâm.
- Đền thờ Phùng Hưng: Nằm trên một khu đất cao, xung quanh cây cối tỏa bóng xanh mát. Đền thờ Phùng Hưng mới được tu tạo lại nên có một số điểm khác với ngôi đền cũ trước đây.
- Lăng Ngô Quyền: Cách đền Phùng Hưng khoảng 500 mét về phía bên trái. Lăng khá rộng rãi, trước mặt lăng là những cánh đồng lúa trải dài bát ngát, không khí mát mẻ, trong lành.
- Xung quanh còn có các di tích khác như: Rặng Duối buộc voi chiến của Ngô Quyền khi xưa ( cách 15 mét), đồi Hùm nơi Phùng Hưng đánh hổ cứu dân…
- Chùa Mía (Sùng Nghiêm tự): Nằm ngay một ngã ba trên đường tới khu di tích lăng và đền, thờ bà chúa Mía, trong chùa có rất nhiều tượng được làm bằng đồng, gỗ hoặc đất sét, không gian thanh tịnh và êm ả.
Di chuyển: Đi bộ hoặc thuê xe đạp của dân địa phương, không có dịch vụ chuyên nghiệp, nên khi tới làng bạn hãy thương lượng để thuê xe đạp với chi phí ~ 20K/1 xe.
Ăn uống: Các món ăn dân dã được ưa thích ở Đường Lâm là Gà quê luộc, mướp hương xào, rau muống luộc chấm tương Mông Phụ, kẹo dồi (một thứ quà quê bán ở quán nước cổng làng), nước chè tươi…
Dịch vụ ăn uống ở Đường Lâm còn khá hạn chế, chỉ phục vụ được một số ít người và hết sức đơn giản, do đó, khi tới làng Mông Phụ, bạn nên tìm quán ăn để đặt cơm trưa trước, sau đó mới đi khám phá ngôi làng cổ.
Lúc về có thể ghé thành cổ Sơn tây đón hoàng hôn.
Bắn bất kỳ chỗ nào bạn có cảm hứng h iếp ảnh