Nhan nhản dịch vụ thi nhau “bắt chẹt”, làm khổ… du khách
(Dân trí) - Đi du lịch dịp Quốc khánh 2/9 đến thị trấn Cát Bà, huyện Cát Hải, Hải Phòng, hàng ngàn lượt du khách phải ấm ức móc túi để trả dịch vụ kiểu “trời ơi đất hỡi”; các dịch vụ thi nhau bắt chẹt du khách trả thêm những khoản tiền quá đắt đỏ.
Chiều ngày 1/9, xuất phát từ bến Bính - TP Hải Phòng để đi tàu cao tốc ra đảo Cát Bà, hàng ngàn khách đi tàu phải xếp hàng chờ cả tiếng đồng hồ mới chen chân được lên tàu qua cánh cửa sắt hé mở, hai người đàn ông khuôn mặt khá căng thẳng, họ yêu cầu khách đưa vé tàu nếu không thì bị lôi trở lại lục soát khiến những người đứng chờ phía sau phải la ó.
Xuống đến tàu, trong khung cảnh ngột ngạt hiện rõ khi có cả người già, phụ nữ và trẻ nhỏ phải chen chúc tìm chỗ đứng ngồi trên tàu vì chỗ ngồi trên tàu đã kín người.
http://dantri4.vcmedia.vn/2PM9NXEQMsZhNqiuV52C/Image/2012/09/IMG_1659-3a442.JPG
Ùn ứ, chen lấn giành vào cửa đi tài tại bến Bính - TP Hải Phòng chiều ngày 1/9.
Chỗ ngồi kín, nhiều du khách phải đứng hoặc đi ra phía sau đuôi tàu.
Hầu hết các chuyến tàu cánh ngầm chở khách từ bến Bính ra đảo đều quá tải, dù đã khá nhiều lần lực lượng làm nhiệm vụ, công an giao thông đường thủy đi xuồng máy đến “sờ gáy” chủ tàu chở khách quá tải. Thế nhưng, tình hình cũng không hề thay đổi hay thuyên giảm số người trên tàu để chiếc tàu vận hành an toàn. “ Đông nghịt người thế này, nhưng mấy đồng chí công an kia tìm đến chỉ để “vặt” chủ tàu ra rồi nhắc nhở mấy câu… “gặt hái” xong thì lại cho tàu chạy thôi anh ơi” - Chị Trần Minh Thường, một khách du lịch đến từ Hà Nội cho biết.
Chứng kiến của PV Dân trí vào chiều 1/9, khuông tàu cánh ngầm hiện đại có hơn 50 ghế, đã kín chỗ, tính cả ghế phụ, kẻ đứng người ngồi đếm không xuể lên đến cả trăm người. Bình thường vé tàu cao tốc chặng bến Bính - Cát Bà là 150 ngàn, nhưng ngày lễ đã tăng giá lên thành 180 ngàn. Anh Tuấn - du khách Bắc Giang than vãn: “ Đơn vị quản lý tàu và cơ quan chức năng TP Hải Phòng buông lỏng giám sát quản lý nên mới thế. Lần trước tôi đi tàu, giá vé được niêm yết công khai, hôm nay thì không thấy đâu mà lượng người lên tàu thì đã gấp đôi so với qui định nhưng cũng chẳng thấy ai giám sát, xử lý cả”.
Chuyến tàu này chở khách ra đảo chậm 1 giờ đồng hồ so với dự kiến, vừa bước lên bến, hàng chục người đàn ông trạc tuổi 40, mỗi người đi trên một chiếc xe máy chạy ào đến “bủa vây” khách xuống tàu, níu kéo khách đi xe. “ Anh chị ơi, đi xe ôm đi, mỗi cuốc em chỉ thu 10 ngàn thôi” - một người lái xe ôm mời gọi rồi áp sát xe cùng những “chiến hữu” đồng nghiệp giáp lá cà mời chào khách đi xe. Dưới cách áp sát, tấn công liên miệng của đám xe ôm, chúng tôi đành nhượng bộ chấp nhận mất 100 ngàn để họ đưa đoàn 10 người về nhà nghỉ, chỉ cách bến tàu vài trăm mét đường chim bay.
Cánh xe ôm với đội quan lên đến trên 500 người quần thảo, chèo kéo du khách đi xe.
Hệ thống nhà nghỉ trên đảo Cát Bà thì muôn hình vạn trạng, ngoài cánh xe ôm tiếp thị, còn có nhiều người phụ nữ bán quán nước gần bến tàu ra sức mời gọi, hứa sẽ có người dẫn đến tận nơi có phòng đẹp, ưng ý nhất mà chỉ thu tiền cong bằng tiền chạy xe ôm. Khảo sát một vòng khu đảo dịp lễ Quốc Khánh, ngoại trừ khu khách sạn Vip gần bãi tắm Cát Bà có giá tiền tính bằng đô, các khách sạn còn lại có giá từ trên 1 triệu đồng đến vài triệu đồng. Hệ thống nhà nghỉ bình dân được mặc định giá bèo nhất là 300 ngàn, bình thường là 500 ngàn đến trên 1 triệu đồng
Giá đồ ăn ở Cát Bà thì vô cùng đắt đỏ, một gia đình hai người lớn và hai trẻ con vào ăn tối ở một quán ăn ghi rõ chữ “bình dân” nhưng không hề thấy “bình dân” tý nào. Quán ăn to rộng, khách vào ra nườm nượp nhưng tuyệt nhiên không hề thấy một tấm biển bảng có ghi giá từng loại đồ ăn để khách biết. Thế nên, đêm 1/9, một đôi bạn trẻ phải móc hầu bao hơn 1 triệu đồng để trả cho một bữa ăn chỉ có nước ngọt, bia, tôm, ghẹ biển cùng cơm ăn mặn.
Đáng chú ý hơn là sự kêu ca của đôi vợ chồng đến từ Hà Nội về việc bát ghẹ chỉ 1 con ghẹ và một ít rau muống có giá “cắt cổ”: 280 ngàn đồng; đĩa thịt rang có giá: 100 ngàn đồng; bát cà muối chừng 20 quả cắt đôi cũng có giá 20 ngàn đồng. Đôi vợ chồng họ cho biết: “ Chúng tôi chỉ gọi 1 con mực nướng nhỏ, 1 con ghẹ 4 lạng luộc rau muống, 1 đĩa thịt rang cùng cơm, cà pháo, trứng rán mà nhà hàng Hoàng Phương đã tính giá lên đến 640 ngàn đồng. Thật quá chát chúa!”.
Bát ghẹ 1 con và rau muống có giá 280 ngàn đồng tại một nhà hàng ở Cát Bà.
Hóa đơn của nhà hàng Hoàng Phương tính giá 640 ngàn đồng cho bữa tối 2 vợ chồng và 2 trẻ con đến từ Hà Nội.
Ngoài dịch vụ xe ôm, dịch vụ cho thuê xe đạp, xe xích lô ban đêm ở Cát Bà cũng là dịch vụ “hốt bạc”. Một chiếc xe cho thuê 1 giờ đồng hồ là 50 ngàn. Theo ước tính, có vài ngàn lượt khác thuê một ngày, một chủ cho thuê xe đã đút túi vài chục triệu đồng một cách ngon lành.
Dịp nghỉ lễ, tại Cát Bà đã trở nên náo nhiệt, rầm rộ hơn bất cứ lúc nào. Trên đảo không hề thiếu một dịch vụ vui chơi, giải trí nào. Nếu du khách có nhu cầu đi nghe nhạc được nhạc công nhiều nước biểu diễn tại các khách sạn lớn; du khách đi sàn; đi Bar; thư giãn… và đặc biệt là những lời nhỏ nhẹ được chủ lái xe ôm thỏ thẻ với khách đàn ông rằng: “Anh có đi tìm cô em vui vẻ không, ở đây nhiều, anh tha hồ lựa chọn giá chỉ vài trăm ngàn thôi. Ok chứ? Nếu anh đồng ý em chở đi, em chỉ lấy tiền công chạy xe thôi”.
Trước khi đi thăm Vịnh Lan Hạ, xe ôm hứa chỉ lấy 10 ngàn đồng ra bến tàu, thế nhưng khi đưa 4 người khách ra bến, gã xe ôm đã mời mọc làm giá trước với chủ tàu thống nhất rủ rê nếu khách đồng ý thì mỗi khách phải trả 180 ngàn để được tham quan Vịnh Lan Hạ và đảo Khỉ.
Một chỗ ngồi gồm 1 chiếc bàn và 4,5 chiếc ghế giá 100 ngàn đồng dành cho khách "ngồi nhờ" trên đảo, chưa tính chi phí khác.
Ra đến đảo, chưa kể tiền mua sắm, ăn uống hay dịch vụ tắm nước ngọt, thuê quần áo, khách muốn lên ngồi nghỉ bên trong căn nhà lá thì phải đóng phí mỗi bàn 100 ngàn cho người quản lý cho thuê dịch vụ.
Nói chung, tất cả các dịch vụ đáp ứng nhu cầu du khách tại Cát Bà luôn sẵn sàng, duy chỉ có điều là du khách khi đến vui chơi, nghỉ dưỡng tại đây cần phải luôn chuẩn bị sẵn tiền để có thể trả thêm cho những khoản bị bắt chẹt theo kiểu “trời ơi đất hỡi” như đã nói ở trên. Cõ lẽ, Cát Bà phải làm một cái gì đó để hạn chế tối đa tình hình đang tồn tại để xứng đáng là điểm thăm quan, du lịch, nghỉ dưỡng dành cho du khách trong nước và ngoài nước có được sự thiện cảm nhất?!.
Ông Bùi Trung Nghĩa - Chủ tịch UBND huyện Cát Hải cho biết: “ Để đảm bảo cho an toàn cũng như cảm giác an tâm và thỏa mái của du khách khi đến du lịch tại huyện đảo Cát Hải trong dịp nghỉ lễ 2/9, địa phương đã thông báo, quán triệt với các đơn vị kinh doanh các dịch vụ từ vận tải, khách sạn đến ăn uống trên địa bàn nghiêm cấm chặt chém, lừa đảo du khách”.
Lãnh đạo UBND huyện Cát Hải cũng cho biết đã chỉ đạo lập đoàn thanh kiểm tra, chỉ đạo các cơ quan chức năng liên quan kiểm tra cơ động các điểm dịch vụ. Nếu như phát hiện sai phạm, đoàn thanh kiểm tra sẽ xử phạt theo chức năng. Trường hợp các đơn vị sai phạm nghiêm trọng, đoàn kiểm tra sẽ báo cáo UBND huyện để UBND huyện ra quyết định xử phạt. Theo đó, UBND huyện Cát Hải cũng đã chỉ đạo thiết lập đường dây nóng: 0983565670 để du khách có thể phản ánh trực tiếp việc bị chặt chém, lừa đảo… Tuy nhiên, theo ghi nhận của PV Dân trí, cho đến thời điểm chiều ngày 2/9, chưa một trường hợp nào bị phát hiện và xử phạt như lời khẳng định của lãnh đạo địa phương.