Tây Nguyên là một xứ không giống miền nào. Bảo là Bắc hay Nam rõ không phải. Bảo là Trung chẳng hẳn đúng. Mục thời tiết trên TV thường nói "các tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên...", tức là Tây Nguyên riêng ra một kiểu, chí ít cũng là về mặt... thời tiết...
Năm tỉnh (Kon Tum, Gia Lai, Daklak, Dak Nông, Lâm Đồng) chung cao nguyên miền Tây, na ná khí hậu, nhưng đa dạng với các sắc dân đặc trưng, những phong tục riêng biệt, những lễ hội đâm trâu, thi voi đặc sắc, những bộ quần áo sặc sỡ...
Kon Tum nằm cạnh một dòng sông, đúng ra là một nhánh nối ra sông Krông Pơ Cô. Nó như một thị xã phố núi êm đềm.
Ngay trên con đường chính song song với con sông là nhà thờ gỗ nổi tiếng. Nghe nói một thày tu người Pháp đã lập nên nhà thờ này, xây dựng nó trong năm năm, từ 1913 đến 1918. Vài tháng nữa nó sẽ tròn 90 tuổi.
Người ta kể rằng nó được dựng lên chỉ bằng một chất liệu duy nhất: gỗ, không có đến một cái đinh. Xứ rừng núi, đinh cũng làm bằng gỗ: mộng mẹo với các con xỏ... Tĩnh lặng và êm đềm. Những câu hỏi trườn ra: Không biết nhà thờ này đã trải qua thời chiến thế nào nhỉ...
Chiều vàng suộm nối với hoàng hôn sậm. Buổi tối ở Kontum, ra ngồi quán bia ven sông, cạnh chiếc cầu lớn. Một người đàn ông phương Tây cô đơn trong nét trầm buồn, thu lu một góc. Quán vắng hiu, chỉ có hai thằng. Loanh quanh rồi cũng nhập vào một bàn cho nó vui.
Cha này sáng mắt lên mừng rỡ vì ở xứ đìu hiu đang buồn như chấu cắn lại gặp được một thằng hầu chuyện. Ngồi bi bô một lúc, lại có thêm mấy chú Tây ba lô đi qua, chõ vào hỏi: Chúng mày có nói tiếng Anh không vậy? Cha kia hấp háy mắt trêu: Chút ít thôi! Thế là khều vào luôn, làm thành một bàn xôm tụ...
Ai ăn uống gì, nấy tự trả tiền, chỉ có câu chuyện là tình cho không biếu không. Chúng mách nhau về đường đi, trao đổi kinh nghiệm, rồi tán chuyện tiếu lâm trên trời dưới biển, cười hô hố. Phượt là thế, lang bạt kỳ hồ, lê lết đánh bạn với tất cả mọi người trên đời.
Tán chuyện với bọn này, mới thấy mình phượt chả là cái đinh gì so với chúng.
Jeremy, tuổi U 60, tiếng Việt bẻ đôi không biết, đường xá mù tịt, các hiểu biết về VN chỉ thông qua một cuốn sách hướng dẫn nhàu nát quăn quẹo Thế mà gã một mình từ New Zealand qua Sài Gòn, rồi bắt xe đò thẳng lên Đà Lạt. Nghỉ một đêm, sáng ra thuê một tay xe ôm biết nói tiếng Anh, cứ chìa sách ra chỉ mà lang thang khắp Tây Nguyên.
Đến Kontum, tay xe ôm bị ong đốt sưng phù mỏ, phải nằm bẹp tại khách sạn. Jeremy cũng không bỏ qua cơ hội lang thang phố núi rồi đi uống bia một mình...
- Sao ông liều thế, chả biết gì về xứ lạ mà cũng dám đi...
- Hehe, có gì đâu, đi để nhìn và đi để sống.
Đấy, nó nghĩ thế đấy, làm như cứ dừng lại là chết không bằng, nên xểnh ra là phượt.
Ngà ngà rối, tạm biệt. Tưởng là phải đến sang năm mới gặp lại. Ài dè hôm sau khi đến Phước Sơn lại gặp hai gã này đang lang thang kiếm khách sạn. Jeremy nheo mắt cười, hất đầu sang phía bác xe ôm: Hầy, gã này khỏe rồi, ong đốt thế mà gã vẫn đi được đấy...
Tôi giới thiệu cho Jeremy biết: Người Tây Nguyên cực khỏe. Và tính cách của họ cũng khỏe. Tính cách ấy khó bị bẻ gãy trong các trường hợp gặp khó khăn.
Tay xe ôm gật gù tán thưởng: Yesss! và nhe răng cười rạng rỡ. Hàm răng của bác ấy vươn lên trên khuôn mặt đen tái còn meo méo vì ong đốt, hắt ra tia nắng vàng khượm của mặt trời đang xuống núi.