19. Lake Qinghai
Với diện tích 4.583km2, cao 3.266m so với mặt nước biển, mực nước trung bình 21m, tối đa đạt tới 32,8m, hồ Thanh Hải (tiếng Trung: 青海湖, bính âm: Qīnghăi hú) là hồ rộng nhất và đẹp nhất của Trung Quốc. Đây cũng là hồ nước mặn lớn thứ hai thế giới, dung tích chứa nước đạt 1.050km3, chỉ sau Great Salt Lake ở Mỹ.
Tạp chí Khoa học địa lý quốc gia Trung Quốc đã bình chọn 5 hồ đẹp nhất Trung Quốc trên các tiêu chí về thiên nhiên, vẻ đẹp, sạch, sự đa dạng các loài và tính độc đáo về văn hóa. Năm hồ này gồm có hồ Thanh Hải ở phía tây tỉnh Thanh Hải, hồ Kanas ở phía tây khu vực Tân Cương, hồ Namtso thuộc Tây Tạng, hồ Thượng Đế thuộc phía bắc tỉnh Cát Lâm và Hồ Tây ở phía đông tỉnh Triết Giang.
Hồ Thanh Hải nằm trên bồn địa của cao nguyên Tây Tạng, giữa Hải Nam và Hải Bắc của châu tự trị Tây Tạng, cách thủ phủ của tỉnh Thanh Hải là thành phố Tây Ninh khoảng 100km về phía tây. Người Mông Cổ gọi hồ Thanh Hải là “Koko Nor” còn người Tây Tạng lại gọi đây là “Tso Ngonpo”.
Bốn mặt hồ đều có núi cao bao quanh, phía bắc là Đại Thông Sơn, phía đông là Nhật Nguyệt Sơn, phía tây là Tượng Bì Sơn, phía nam là Thanh Hải Nam Sơn nên hồ giống như một tấm bảo lục lớn nằm giữa thung lũng cỏ xanh. Nhiệt độ trung bình hàng năm của hồ là 15 độ C. Hồ có 23 con sông và suối đổ nước vào, nhưng không có hệ thống thoát nước ra ngoài. Trước thập niên 1960, hồ có 108 sông nước ngọt chảy vào, nhưng đến năm 2003 thì 85% các cửa sông đã khô cạn, kể cả sông Buha - nhánh lớn nhất của hồ. Do nhiều nguyên nhân tự nhiên và do việc chăn thả gia súc, cải tạo đất thái quá, mức nước trong hồ rút xuống, khiến hồ Thanh Hải đang bị đe dọa. Do sự chuyển động của các cồn cát, các phần đáy hồ nằm cao đã bị lộ ra, hàng loạt các hồ nhỏ bị tách rời ra khỏi phần chính còn lại của hồ.
Đôi khi, người dân địa phương đi hành hương vòng quanh hồ. Họ thường mất tới khoảng 18 ngày cưỡi ngựa hay 23 ngày đi bộ mới có thể đi hết vòng hồ. Phía tây hồ, có hòn đảo rộng lớn tới mức “nếu buổi sáng con dê mẹ bắt đầu gặm cỏ xung quanh hồ theo chiều kim đồng hồ còn con dê con gặm theo chiều ngược chiều kim đồng hồ thì chúng chỉ gặp nhau vào buổi đêm”. Trên đảo có một thánh đường và một vài viện tu khổ hạnh gọi là “Mahādeva, Trái tim của Hồ”, vốn là một tu viện Phật giáo. Mùa hè, người ta không sử dụng thuyền nên các thầy tu chỉ vào đất liền và những người hành hương chỉ có thể đến thăm thánh đường vào mùa đông, khi mặt hồ đóng băng liên tục suốt 3 tháng.