What's new

[Chia sẻ] Trung Đông - Israel - Jerusalem - Palestine

Tôi không biết nên bắt đầu topic này như thế nào nữa.

Không giống những chuyến đi và những topic trước, hình như có gì đó khiến tôi chậm lại, phải chậm lại, từ từ với tất cả những gì sẽ chia sẻ. Khi lập topic "Vùng nóng Trung Đông" bằng điện thoại tại nơi đó, tôi cũng chưa thể viết nhiều. Và khi topic bị mất đi, cũng là một điều níu kéo.

Lập topic về cả chuyến đi có lẽ cũng hơi quá dài, mà tôi thì thích nhìn sâu về từng miền đất nhỏ hơn là cả một khoảng mênh mông. Cũng vì thế, có lẽ topic này sẽ bắt đầu và chủ yếu viết về Jerusalem, nơi tôi đã từng mong ước đến, và đã đến, trong một chuyến hành trình đầy trắc trở nhưng cũng thật sâu, rất sâu.

Có lẽ tôi viết sẽ rất chậm, mong mọi người thông cảm...
 
Re: Trung Đông - Israel - Jerusalem

Chuyện đi Jordan:

Sau khi vào Israel, chúng tôi đến Tel Aviv, đến ĐSQ Jordan tại Tel Aviv để hỏi. Nhưng họ nói chỉ xét Visa sau khi nộp 3 tuần. Hộ chiếu Việt Nam được xếp cùng một giỏ với mấy nước có khủng bố như Pakistan, Afganistan. Thất vọng lần 1.

Chúng tôi ra một công ty dịch vụ du lịch ở ngoài, họ nói làm dịch vụ chắc chỉ nửa ngày là xong, đồng thời có Re-entry visa Israel để quay lại. Đến chiều quay lại hỏi thì họ trả lời: "sớm nhất cũng phải sau 2 tuần". Thất vọng lần 2.

Đến Jerusalem, lại cố lần nữa, nhân viên công ty dịch vụ nói cũng phải 2 tuần. Tuy nhiên nếu mua tour đi Petra của họ, họ có thể lo cho, và nói có vẻ rất chắc chắn. Chúng tôi quyết định mua tour 2 ngày Petra, đi từ cửa khẩu Eilat-Aquaba. Đến hôm sau họ viết mail nói là "tao cũng không chắc được cho mày, mày phải xuất cảnh Israel, sang Jordan nếu người của tao giúp lo được nhập cảnh thì tốt, không thì chúng ta đành chấp nhận có rủi ro là chúng mày có thể không đi được Jordan, tao cũng chẳng kiếm được đồng nào". Lại phấp phỏng.

Sáng hôm sau ra cửa khẩu, phải xuất cảnh Israel trước. Tưởng bọn Tour giúp gì, nó chẳng giúp gì hết. Hải quan Israel nói: Mày chỉ có Single Visa, nếu mày quay về trong ngày thì được, qua ngày mai thì đừng mong vào lại. Thất vọng lần 3 trong khi vẫn phấp phỏng phía trước. Ra làm việc lại với nhà Tour, chuyển thành tour 1 ngày. Sang Jordan thì nhà tour bên Jordan làm được, đóng cho cái dấu nhập cảnh loại riêng dù không có visa. Thực ra với dấu đó có thể ở lại khu vực Aquaba trong vòng 1 tuần, tuy nhiên buộc phải trở lại để về Israel trong ngày. Do vậy chuyến đi Petra trở nên gấp rút. Cũng tiếc nhưng không có lựa chọn nào khác.
 
Re: Trung Đông - Israel - Jerusalem

Chuyện vào-ra Israel:

Khi từ Ai Cập sang Israel trong lúc Ai Cập đang biến động, nhân viên cửa khẩu Israel đã nói rõ: Chúng mày có thể quay lại đây để về Ai Cập trừ khi chúng tao đóng cửa khẩu vì biến động chính trị ! Vào đất Israel thấy ngay một hãng thông tấn chầu chực phỏng vấn người từ Ai Cập sang về tình hình bên đó.

Israel - Jordan: Như trong bài trên, với visa Single Israel, người VN có thể xuất cảnh sang Jordan rồi quay lại trong ngày.

Israel - Ai Cập: Sau khi thăm Petra, chúng tôi đã nằm lại Eilat một ngày và suy nghĩ rất căng xem nên từ Israel về hay quay lại Ai Cập để đi tiếp lịch trình đã định. Khi quay lại Ai Cập tức là phải đánh liều, vì không còn Visa vào Israel nữa, bước chân đi không thể quay lại. Cuối cùng vẫn quyết định quay lại Ai Cập, với hi vọng đi các thành phố khác Cairo, hoặc tránh khu có hỗn loạn.

Sáng hôm sau đi ra cửa khẩu Eilat - Taba, cửa khẩu vắng tanh chẳng có ai qua lại. Khi thấy mình đi Ai Cập, nhân viên cửa khẩu rất ngạc nhiên. Nói lý do là phải bay về nhà từ Cairo, thì lúc đó cô nàng nói rằng: Chúng mày được phép quay lại Israel trong vòng 48 giờ !!! Hết sức bất ngờ. Tức là nếu gặp nguy hiểm, chúng tôi vẫn có cửa quay lại Israel, dù Visa đã hết hiệu lực. Thực tình không rõ chính sách đó luôn như vậy hay chỉ áp dụng trong thời gian đặc biệt đó, ưu đãi riêng khi Ai Cập đang loạn?

Sang đến Ai Cập, chúng tôi gặp một cô gái người TQ vừa từ Cairo chạy loạn đến. Cô ấy mô tả sự kinh khủng của chặng đường: bị khám xét kĩ lưỡng 17 lần, tất cả các đồ điện tử đều bị soát kĩ, đồ ghi thông tin bị thu; mua vé xe bus nhưng xe bus bỏ khách mà chạy, phải đi taxi tốn rất nhiều tiền, không ăn không ngủ hơn 24 giờ (bình thường bus đi 5 giờ). Cô ấy nói là ở Cairo rất loạn, tất cả các đường bộ, đường sắt, đường không nội địa đều dừng, các điểm du lịch hoàn toàn đóng cửa, dân chúng gậy gộc giữ nhà và canh bọn hôi của, người nước ngoài có thể là mục tiêu tấn công...

Nghe thế thì chúng tôi cũng không có bụng dạ nào quay lại. Nhất là như bác N. với cả bao tải "súng ống" to nhỏ, hàng mớ ảnh nhạy cảm chụp ở Cairo trước đó, thì càng nguy hiểm. Thế là quay lại Israel, thậm chí chưa làm thủ tục nhập cảnh Ai Cập nữa ! Tức là cái re-entry visa xin trước đó còn chưa dùng. Rồi từ đó bay thẳng về chứ không quay lại Cairo nữa.

Cuối cùng, với Single Visa, nhưng chúng tôi có đến 3 dấu nhập cảnh, 3 dấu xuất cảnh của Israel.

Qua sự vất vả của chuyến đi, mới thấm thía câu của TGM Ngô Quang Kiệt. Cũng vì chuyện Visa và máy bay, nửa sau hành trình chúng tôi hoàn toàn bị động và không thể đi được nước nào khác nữa, dù quanh vùng có Morocco không yêu cầu Visa, Síp nữa..

Bác N. mang hộ chiếu Canada qua lại các cửa khẩu như vào rạp xem phim. Giơ hộ chiếu ra, nhòm mặt, đóng cộp dấu, là xong.
 
Last edited:
Dead Sea

Con đường từ Eilat đi lên phía Bắc, băng qua những hoang địa khô cằn, dần dần dốc xuống. Bên đường, tôi bỗng thấy một bức tường có một vạch ngang ghi "SEA LEVEL". Thì ra đó là điểm đánh dấu nơi đất đã thấp hơn mực nước biển. Rồi thỉnh thoảng có những cây cột đề "-100 m" , "-200 m" đánh dấu độ sâu so với mặt biển. Tôi đang đi vào lòng chảo cạn sâu nhất thế giới.

Cuối cùng, chúng tôi cũng gặp Biển Chết, vùng nước mặn cô lập ở nơi sâu nhất của lòng chảo, hơn 400m dưới mực nước biển. Biển Chết đã đi vào Kinh thánh, vào nhiều tài liệu cổ, là một vùng nước hoàn toàn không có sự sống, khác với các biển khác.

Từ trên đỉnh một ngọn núi nhìn xuống, Biển Chết xanh thẫm nằm cạnh một vùng đất đá hoang vu. Bên kia là dãy núi thuộc Jordan. Bản thân mặt nước Biển Chết cũng được chia đôi giữa hai quốc gia.

48894465.jpg
 
Sodom

Phía Tây của Biển Chết có những rặng núi đá bị phong hóa tàn tạ. Gió từ hàng triệu năm thổi miên man qua những đỉnh núi này. Có lẽ xưa kia còn có những trận mưa lớn nữa, nên đá núi mòn mỏi và bị đào khoét ngang dọc. Thỉnh thoảng giữa vùng đá mọc lên những cột đá vặn vẹo, nghiêng ngả, chờ một ngày nào đó sẽ đổ sụp xuống.

Giữa đám đá đó, tôi thấy một tấm biển đề "Lot's wife" bên đường, nhưng không kịp chụp ảnh, và nhìn theo hướng biển đó thấy lô nhô vài cột đá với hình thù kì dị. Trong số đó, đâu là bà vợ của Lot ? Rồi xa hơn, tấm biển đề "Sodom city mountain". Thì ra đám núi xa đó là hình ảnh của một thành phố tội lỗi Sodom xưa trong Kinh thánh.

Kinh Do Thái kể rằng: Vào thời của tổ phụ Abraham, em trai của ông là Lot sống ở thành phố Sodom. Ngày nọ Thượng đế Jehovah đã đến chỗ Abraham và nói sẽ hủy diệt thành phố vì nó quá tội lỗi xấu xa. Abraham cầu xin Thượng đế hãy tha cho nơi đó nếu ở đó có được mười người tốt. Thế nhưng ở ngoại trừ gia đình Lot bốn người, không một ai nữa có lòng tốt. Bởi thế Thượng đế báo cho Lot hãy rời bỏ nơi này không được quay lại nhìn. Khi Lot rời đi thì lửa từ trên trời giáng xuống tiêu hủy toàn bộ Sodom. Vợ của Lot vì quay lại nhìn nên bị biến thành một cột muối.

Cột muối vợ của Lot, nếu từ xa xưa, khi người Do Thái viết ra bộ kinh đó, chắc cũng không còn. Thôi thì hãy cứ tưởng tượng một chút vậy. Cũng như tưởng tượng rặng núi kia chính là thành phố giàu có nhưng tội lỗi đã bị thiêu hủy bởi một quyền năng vô hạn...

48894475.jpg
 
Re: Trung Đông - Israel - Jerusalem

Visa là cả một câu chuyện dài bác ạ.

(3) Jordan: Visa rất là nan giải, vì không có ĐSQ ở VN, phải làm thông qua ĐSQ ở Trung Quốc, và phải trước ít nhất 3 tuần. Nhưng đợt trước tôi làm thì ĐSQ ở TQ yêu cầu phải có người mang tận tay sang chứ không chấp nhận gửi Bưu chính. Có cách nữa là gửi hồ sơ sang ĐSQ Jordan ở Israel bằng đường email trước ít nhất 3 tuần. Chúng tôi cũng đã gửi sớm, tuy nhiên khi sang đến nơi họ nói vì có quá nhiều mail nên họ không biết và cũng không trả lời được.
=> Chúng tôi không có được Visa Jordan.

Sau khi vào Israel, chúng tôi đến Tel Aviv, đến ĐSQ Jordan tại Tel Aviv để hỏi. Nhưng họ nói chỉ xét Visa sau khi nộp 3 tuần. Hộ chiếu Việt Nam được xếp cùng một giỏ với mấy nước có khủng bố như Pakistan, Afganistan. Thất vọng lần 1.

Chúng tôi ra một công ty dịch vụ du lịch ở ngoài, họ nói làm dịch vụ chắc chỉ nửa ngày là xong, đồng thời có Re-entry visa Israel để quay lại. Đến chiều quay lại hỏi thì họ trả lời: "sớm nhất cũng phải sau 2 tuần". Thất vọng lần 2.

Đến Jerusalem, lại cố lần nữa, nhân viên công ty dịch vụ nói cũng phải 2 tuần. Tuy nhiên nếu mua tour đi Petra của họ, họ có thể lo cho, và nói có vẻ rất chắc chắn. Chúng tôi quyết định mua tour 2 ngày Petra, đi từ cửa khẩu Eilat-Aquaba. Đến hôm sau họ viết mail nói là "tao cũng không chắc được cho mày, mày phải xuất cảnh Israel, sang Jordan nếu người của tao giúp lo được nhập cảnh thì tốt, không thì chúng ta đành chấp nhận có rủi ro là chúng mày có thể không đi được Jordan, tao cũng chẳng kiếm được đồng nào". Lại phấp phỏng.

Sáng hôm sau ra cửa khẩu, phải xuất cảnh Israel trước. Tưởng bọn Tour giúp gì, nó chẳng giúp gì hết. Hải quan Israel nói: Mày chỉ có Single Visa, nếu mày quay về trong ngày thì được, qua ngày mai thì đừng mong vào lại. Thất vọng lần 3 trong khi vẫn phấp phỏng phía trước. Ra làm việc lại với nhà Tour, chuyển thành tour 1 ngày. Sang Jordan thì nhà tour bên Jordan làm được, đóng cho cái dấu nhập cảnh loại riêng dù không có visa. Thực ra với dấu đó có thể ở lại khu vực Aquaba trong vòng 1 tuần, tuy nhiên buộc phải trở lại để về Israel trong ngày. Do vậy chuyến đi Petra trở nên gấp rút. Cũng tiếc nhưng không có lựa chọn nào khác.

Em có cảm giác rằng bên Jordan rất có ác cảm với người mang hộ chiếu Việt Nam. Tại nơi em ở, có ĐSQ của Jordan. Vợ em tới xin visa thì nó bảo 3 ngày là có. 3 ngày sau quay lại, nó bảo rằng hồ sơ xin visa cho người mang hộ chiếu Vn phải gởi về Amman để thẩm tra, mất ít nhất 2 tuần. Em bèn gọi cho hãng tour bảo hủy, cậu nhân viên bán tour bảo em bình tĩnh, để cậu hỏi xếp của cậu ấy xem sao. Ngẫu nhiên là xếp của cậu ấy là người Jordan, lại có quan hệ thân thiết với ĐSQ. Vài hôm sau vẫn thế, vẫn phải chờ 2 tuần.

Khi đã có visa rồi, bay tới Amman thì bọn immigration nó bắt đứng chờ, bọn nó không dám quyết định mà phải chờ lịnh của xếp. Sau hỏi ra mới biết có bọn buôn người đưa dân ta qua Jordan lao động, rồi xảy ra nhiều việc đáng tiếc, khiến người Jordan nghe Vn là sợ. Hic
 
Re: Trung Đông - Israel - Jerusalem

Càm ơn Chitto, chuyến đi của bác lại rơi vào thời điểm nóng của khu vực nhưng có nhiều trải nghiệm. Mặc dù ai cũng biết là phài nên có visa để tránh bị động nhưng với những quốc gia không có cơ quan ngoại giao ở VN thì đành đi rồi xem sao. Một ngày cũng đủ để đi Petra nên vẫn không uổng lắm.
 
Israel

Những bức ảnh màu sắc trên không phải là lúc chúng tôi từ Eilat lên Tel Aviv lần đầu, mà là những lần sau. Lúc đi, chúng tôi bắt chuyến xe đêm kia.

Cũng là một câu chuyện nhỏ, khi đến Eilat là buổi chiều tối, lại là chiều Thứ Bảy, là ngày nghỉ sabath của người Do Thái, do đó trong ngày sẽ không có xe bus từ cửa khẩu về trung tâm Eilat, thế nhưng lại có một chuyến cuối lúc 19h20 (giờ Israel, Ai Cập chênh với VN 5 tiếng). Chuyến xe này được cái chạy rất chi là vòng vèo. Khoảng cách địa lý chắc chỉ 7km, nhưng nó lượn qua lượn lại đến gần nửa giờ. Chúng tôi là những kẻ đi chơi, nên có chuyến city tour thế cũng không lấy làm sốt ruột, ngược lại, hào hứng là khác.

Đến bến xe, thấy có chỗ ghi locker, mừng vì nghĩ rằng sẽ gửi được đồ, vào mua vé chuyến 1 giờ đêm đi Tel Aviv, khoảng 6 giờ sáng đến. Ai dè khu locker không hoạt động, thế là dự định quẳng đồ ở đó rồi dạo quanh đành vứt. Bữa ăn đầu tiên trên đất Israel lúc đó có vẻ khá đắt: 30 sekken (khoảng hơn 8 usd) cho một cái kebbap và một lon nước ngọt, nhưng rồi về sau biết rằng giá đó cũng là bình thường ở nơi đây.

Điều hay là ở Israel tất cả các điểm đổi tiền đều có chung một tỉ giá: 1 usd ăn 3,6 sekken, dù ở bến tàu, bến xe, ngân hàng, hay cửa nhà nghỉ.

Chuyến xe đêm rời Eilat lúc 1 giờ, mang theo ba người Việt Nam ngáp ngắn dài.
 
Bến xe Tel Aviv

Tel Aviv đón chào chúng tôi với một bầu trời sầm sì nặng nề. Vào giờ này cả thành phố im lìm và tối om. Xe bus đỗ xịch ở bên vỉa hè, mọi người xuống xe để vào bến (ai không vào bến thì ra phố luôn). Còn sớm quá nên chúng tôi quyết định vào bến để nghỉ một lát, chứ bên ngoài lạnh và mưa ướt quá.

Ngay ở cửa vào đã phải kiểm tra an ninh. Khắp Israel, cứ chỗ nào công cộng là kiểm tra an ninh. Hey, hạ đồ xuống, có một ông già sẽ khám xét, và ông ta nhìn người khách mà quyết định xem có lục tung lên hay chỉ khám qua loa. Giời ạ, rồi cũng vào trong bến. Vào trong rồi mới biết mình đang đứng ở tầng thứ 7 của bến. Bến xe là cả một khối nhà nhiều tầng, với tất cả các loại cửa hàng bên trong. Các đường vòng đưa xe lên các tầng, và khách phải chọn đúng cửa mà ra.

Ngồi trong bến xe, giở LP, bản đồ và các thứ ra ngâm cứu, chờ các quầy mở cửa. Rồi hỏi vé, rồi lấy thông tin. Hôm đó là sáng Chủ nhật rồi, tấp nập người. Nhưng nhiều nhất là lính. Lính nhiều lắm, sau ngày nghỉ, họ lại đến bến xe để tỏa đi các nơi. Và cùng với lính là súng ống... Không tiện chụp họ, nên cũng chỉ có vài bức ảnh xa xa.


49209179.jpg
 
Mang súng và Cầu nguyện

Israel là quốc gia duy nhất trên thế giới mà từ khi tái lập quốc đến giờ toàn dân đều bắt buộc phải gia nhập quân đội, bất kể nam hay nữ. Và lính nam đi đâu cũng mang theo vũ khí của mình. Vì thế việc gặp hàng chục cây súng trên đường, ở bến tàu xe,... là chuyện quá thường. Có lúc trong chuyến xe có đến 1/3 là lính và cũng chừng ấy khẩu súng.

Với nữ thì thỉnh thoảng mới thấy người có súng, nhưng mặc quân phục thì cũng rất nhiều. Mà họ dáng chuẩn, mặc đồ quân phục rất đẹp. Bên vai mỗi người đều thêu phù hiệu, có rất nhiều loại theo các quân binh chủng, đơn vị khác nhau, màu sắc cũng khác nhau. Có lần có cậu lính chạy ra xe đánh rơi cả 2 viên đạn trên đường, chúng tôi gọi để báo thì hắn ta nói với lại "tao đang vội, mặc kệ đi".

Cùng với việc đi lính, cầu nguyện hàng ngày cũng là nghĩa vụ của mỗi người Israel. Với nam giới, khi cầu nguyện, họ đeo một thứ dụng cụ bằng da gọi là Tefillin lên đầu và quấn chặt trên cánh tay trái, và cầu nguyện thành kính ở bất kì đâu tiện lợi. (Viết về cái này sẽ rất dài, và có lẽ nên để sau).

Vì thế, cảnh một người lính quấn dây da cầu nguyện như thế này có thể bắt gặp dễ dàng:


49209960.jpg
 
Last edited:
Re: Trung Đông - Israel - Jerusalem

Hình như hàng năm dân Do Thái khắp nơi trên thế giới đều có thể về Istrael thực hiện nghĩa vụ quân sự. Tớ đọc đâu đó kể chuyện một cô gái Mỹ nghỉ hè về Istrael đi lính. Nhưng cũng đúng là có một thứ chủ nghĩa Do Thái quốc tế, muốn kết luận mọi thứ trên đời này đều do chúng nghĩ ra.
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
59,413
Bài viết
1,175,695
Members
192,089
Latest member
Thai192001
Back
Top