8. Tất nhiên, anh không thể bỏ dở cả chuyến công tác mà tức tốc trở về Việt Nam theo chân cô. Anh có bực dọc nhưng chẳng bận tâm nhiều lắm. Anh nghĩ thật đơn giản, cô vẫn thường bảo đời sống ngắn ngủi lắm, đừng bỏ qua cảm xúc của mình, giống như trong những câu ca dao “Bảy mươi chống gậy ra đi/Than thân rằng thuở đương thì không chơi/Bảy mươi chống gậy ra ngồi/Xuân ơi, xuân có tái hồi được chăng?” Giờ anh văng theo cảm xúc cô lại phản ứng thì thật là không phải. Mà cô không phải là người hẹp hòi, cũng không cố chấp, anh hiểu rõ điều đó, thậm chí còn rất rõ ràng, dứt khoát, cái gì không đáng để tâm cô cho luôn ra khỏi trí nhớ. Nhưng anh quên mất cô chỉ là một phụ nữ, dẫu đã rời nhà từ năm mười ba tuổi để vào nội trú, và cả chục năm rồi sống một mình giữa đô thị ồn ào, phù phiếm, thì sâu thẳm trong lòng vẫn thèm muốn được chăm sóc, được yêu thương.
Giờ nghĩ lại anh thấy mình bạc thế, tận lúc bước vào tuổi sáu mươi, anh mới có dịp chùng lại lòng mình, trên phím tơ đời không bao giờ ngừng lặng. Chẳng còn ái tình hươu vượn, chẳng còn công việc tít mù, thậm chí, đến cả vợ anh cũng chẳng còn thiết tha gì ngó ngàng đến anh nữa. Đến tuổi sáu mươi, vợ anh mê mải đi chùa chiền, mê mải tập dưỡng sinh với mấy bà bạn cùng phố, tháng có đến mươi ngày lên chùa phụ việc không công, còn mười ngày đi chơi chùa khác… Lúc già mới có cảm giác tủi thân, anh mới thấy thương cô hơn, đã phải đi bên cạnh đời anh một đoạn khá dài, nhưng cũng may cho cô, vì biết đâu nếu cứ dính lấy anh cô sẽ còn khổ nữa… Mà hình như lúc già anh cũng độ lượng hơn thì phải, chứ hai mươi năm trước khi nhảy vào cuộc đời cô anh đâu có nghĩ đến sướng khổ cô được hưởng hay phải chịu, anh chỉ lái đời cô theo cảm xúc của anh thôi.
Quay trở lại cái chuyến đi lịch sử, kết thúc những ngày Venice thơ mộng, có cả phiêu lưu, cả ngọt ngào, cả bực dọc, anh trở lại Sài Gòn. Anh đã mua quà cho cô, chuẩn bị sẵn những lời xin lỗi. Thực ra thì ngay tối đi chơi về muộn quá đà ấy, anh đã gọi điện cho cô rồi, nhưng cô không nghe máy, sau đó, tối nào anh cũng gọi mà chẳng thấy có tín hiệu gì. Lúc đó anh đã nghĩ đang phải đối mặt với một cơn giận dỗi thật dài, nhưng rồi sẽ ổn thôi…
Xuống sân bay là anh đến ngay căn hộ của cô (hay là của cả anh nữa nhỉ) trong ngõ nhỏ. Hoa lan tiêu vẫn nở chói chang, cánh cổng xam xám vẫn im lìm, nhưng khoảng sân nhỏ đầy lá rụng. Một tín hiệu thật không lành, cô ốm chăng? Anh lấy chìa khóa ra mở cổng, nhưng không mở được nữa. Ổ khóa đã được thay rồi. Anh gọi điện cho cô, nhưng không liên lạc được. Cô định giở trò gì đây, đuổi anh ra khỏi đây chắc? Anh bực quá thể, lại phải gọi điện đến chỗ làm của cô, anh chưa gọi bao giờ, may mà còn biết tên công ty mà tìm số điện thoại. Cô trực điện thoại nhã nhặn trả lời rằng cô đã nghỉ việc. Chuyện lớn rồi, anh giật mình đánh thót, hỏi lại, nghỉ hẳn à? Cô kia bảo đúng thế, nếu là khách hàng cần giải quyết công việc, vui lòng liên hệ với người này… Anh chạy đi tìm chủ nhà, may mà cũng ở gần ngay đó, bà chủ nhà bảo, cô chuyển đi hết rồi, bà không biết cô đi đâu, nhưng đồ đạc của anh thì vẫn ở trong nhà, bà thay ổ khóa vì đợi khách thuê mới, giờ sẽ mở cửa cho anh lấy đồ thôi.
Căn phòng chắc mới vắng cô được một tuần thôi, mà sao lạnh lẽo. Mọi thứ im lìm đến đáng sợ. Không còn cái đèn ngủ với giá sách, căn gác xép trống trải làm sao. Đồ đạc của anh, thực ra chỉ là quần áo với mấy cuốn sách thôi, cô đã đóng gọn gàng trong hộp, để trong góc nhà. Anh mang đống đồ về, mở vội mở vàng với hy vọng có cái thư gì đó cô gửi cho anh chăng? Trách mắng, giận dữ, cay đắng,… gì cũng được. Miễn là có thông tin gì đó chứ không phải là thứ im lặng buông bỏ đến tuyệt vọng này. Tất nhiên, vẫn là cô anh từng biết, không có gì hết. Không một chữ, không một lời, không một dấu tích gì để lại.
Sau đó, anh có tìm cách để liên hệ với cô. Thoạt tiên là cô bạn người Sài Gòn của cô, giờ anh mới thấy, đó là người bạn duy nhất của cô mà anh biết. Nhưng thứ duy nhất biết về cô ấy là số điện thoại, mà gọi điện cho cô ấy thì cũng không liên lạc được. Cảm giác thật của anh lúc ấy sao mà bơ vơ. Có thể cô sẽ không tin đâu, nhưng anh thấy hụt hẫng, lạc lối hoàn toàn. Chưa có sự nhớ nhung dày vò, nhưng hoàn toàn mất phương hướng.
Lúc ấy anh đã nghĩ, tìm đến gia đình cô chăng, nhưng anh đâu có số điện thoại cũng chẳng có địa chỉ rõ ràng, anh chỉ biết mang máng là ở vùng đấy, nếu muốn tìm thì phải ra Bắc, hỏi han có khi cũng mất đến cả dăm bữa nửa tháng. Mà công việc của anh thì bộn bề. Anh nghĩ, cứ tạm gác đấy, có thể, rồi một ngày nào đó, cô sẽ gọi cho anh, hoặc giả là anh lại liên lạc với cô qua số điện thoại cũ này. Nhưng chẳng bao giờ ngày ấy tới.
Anh cũng nghe ngóng thông tin về cô, có người bảo cô ra Bắc rồi, có người lại bảo cô vẫn ở Sài Gòn này thôi, có người lại bảo cô ra nước ngoài rồi. Bắc cũng rộng, Nam cũng rộng, mà thế giới còn rộng nữa, anh tìm sao nổi một người chạy trốn. Đấy là khi định đi tìm cô anh mới có ý nghĩ đấy thôi, chứ còn lúc lập kế hoạch đi chơi thì đâu anh cũng thấy nhỏ tí, đâu cũng thấy quen thuộc, đi hết cả rồi, biết hết cả rồi…
Hai mươi năm, bằng một người trưởng thành rồi, giờ anh không còn hy vọng gì gặp lại cô nữa hết. Đúng ra thì sau đấy một năm, trí nhớ của anh về cô đã phai nhạt rồi, đời người có quá nhiều mối nhợ, cô chỉ là một sợi dây mỏng mảnh vô cùng trong cả mối đó. Thi thoảng, khi thấy một cái dáng hao gầy, anh giật mình nghĩ đến cô, nhưng rồi hóa ra không phải, thế là chút ký ức tàn lại bị xóa dần đi. Giờ đây, khi tâm trí khắc khoải về cô, anh cũng không hình dung ra gương mặt của cô nữa, hai người cũng chẳng có tấm ảnh chụp chung nào, anh cũng không bắt mình mường tượng ra đôi mắt, gương mắt, dáng người cô. Cái đọng lại trong tâm trí anh là tiếng quạt máy xè xè và gian gác gỗ đầy tiếng mọt, và mỗi sáng pha cà phê anh lại màu hoa lan tiêu, như những chiếc chuông nhỏ màu cam, vừa kiêu hãnh vừa thầm lặng.
Những lúc ngồi uống cà phê một mình trong gian bếp, anh thầm nguyền rủa tuổi già, đã tước đi của người ta sức lực và nhiệt huyết thuở trẻ trung lại còn không cho phép người ta dung nạp nhiều điều mới, mà lại cứ hiện lại những tháng ngày, những kỷ niệm, những con người đã cũ. Đã thế, nó lại còn ban phát cho người ta những thứ mà tuổi trẻ lẽ ra phải như sự độ lượng, lòng cảm thông và cả sự nhạy cảm nữa.
Hôm qua, khi anh dọn lại tủ sách cũ, trong đống sách văn học, anh thấy một cuốn sách đã nhàu, mất cả bìa trước, anh định đem ra bọc lại. Anh nhìn chữ ký, mới nhớ cuốn sách này của thày hiệu trưởng trường cấp ba của anh. Thày nổi tiếng là người liêm khiết và nghiêm khắc. Một lần anh bị kỷ luật, vì tội gì anh chả nhớ nữa, bị thày “mời” lên phòng, để nghe giáo huấn rồi ngồi tại chỗ viết bản kiểm điểm. Lúc thày có việc ra ngoài, anh thấy trên bàn có cuốn sách, bị để khuất dưới mấy cuốn sổ họp hành gì đấy. Anh đã cho luôn vào cặp, lúc ấy chỉ tò mò xem đấng thày giáo già này đọc gì mà thôi. Hóa ra là một cuốn tiểu thuyết cực kỳ thú vị, anh đọc xong, vẫn có ý nghĩ sẽ trả lại cho thày. Nhưng rồi anh bận học hành thi cử, ra trường cũng chẳng có lúc nào trở lại nhà thày. Rồi khi anh còn đang ở Sài Gòn, cách đây đến ba chục năm rồi, thì nghe tin thày mất, anh có ngậm ngùi nhưng cũng chẳng có lúc nào ra được… Thành ra, anh giữ cuốn sách đến tận bây giờ. Đó là cuốn “Đức Mẹ mặc áo choàng lông” của Sabahattin Ali, anh bỏ dở việc dọn giá sách để ngồi đọc lại. Trong cái vắng lặng của khu nhà, cuốn sách sao mà buồn thế. Lại còn gây chấn động đến anh, bởi như được khải thị, anh nhớ ngay đến cô, đến Venice, đến những bữa ăn cô bỏ dở… Lúc ấy, anh đứng bật dậy, phải rồi, hẳn là cô đã không nói, hẳn là cô đã định báo cho anh tin ấy trong một ngày tuyệt đẹp ở Venice… Nhưng đời sống, muôn đời có kẻ ném đá vào bình pha lê hạnh phúc, mà giờ anh mới biết, kẻ ném đá đó là anh…
Giờ đây, anh còn biết phải làm gì? Anh còn có thể làm gì được nữa? Nhắn tin tìm cô như tìm trẻ lạc ư? Không, anh thú nhận, anh không can đảm như bố anh, dù trong huyết quản chảy đẫm dòng máu phóng đãng của ông. Anh lại càng không can trường như mẹ anh. Anh sẽ chẳng làm được gì hết, hòng tìm lại cô của ngày nào. Bởi nếu có được dòng máu can đảm ấy, hẳn anh đã không phải ôm nỗi dày vò đắng đót những ngày tháng này.
***
Tuy nhiên, tôi biết là trong tâm khảm anh vẫn mong một sự run rủi tình cờ nào đó, mà tìm được chút manh mối về cô. Vì vậy, những độc giả thân mến có quan tâm đến những dòng này của anh, mà thấy có một phụ nữ nào giống như anh miêu tả thì vui lòng liên hệ với anh. Chắc nhân vật của chúng ta sẽ rất cảm ơn và còn hậu tạ nữa.