Bài đây, bài đây!
Đi Mù Cang Chải theo “quy tắc của Sam”
Bài: N.L.B
Có hành trình nào tiễn khách lên đường trở về bằng nhiều cung bậc cảm xúc như chuyến đi Tú Lệ - Mù Cang Chải (Yên Bái), với buổi sáng quyến luyến trong khí trời tươi mát, nửa bên này của đèo Khau Phạ gửi chút mây mù giá lạnh làm quà, nửa bên kia đỏng đảnh tưới cơn mưa rát mặt, đến lượt Tú Lệ sưởi ấm bằng cái nắng giòn tan, và cánh đồng Mường Lò gieo thêm vương vấn bằng gió chiều thoảng hương lúa mới.
Lữ khách thường chỉ tìm đến Tú Lệ - Mù Cang Chải vào mùa lúa chín, độ giữa thu, khi thung lũng Cao Phạ vàng rực dưới nắng, La Pán Tẩn tầng tầng lớp lớp lúa chín trĩu bông,... Nhưng chúng tôi lại về với vùng núi phía tây của Yên Bái này khi mà nước mới được đổ vào những cánh đồng ruộng bậc thang để bắt đầu vụ cấy, và lác đác vài thửa ruộng được trám bằng màu xanh xen lẫn những khoảng màu của đất. Chúng tôi đi theo “quy tắc của Sam”.
Box: “Sam Walton là cha đẻ của Wal-Mart – đại công ty lớn nhất, thành công nhất trên thế giới. Từ một người bán hàng tạp hoá ở Arkansas, ông đã vươn lên để trở thành một trong những doanh nhân thành đạt nhất thời đại chúng ta… “10 quy tắc của Sam Walton” là một cách nhìn toàn cảnh của người trong cuộc về Sam Walton với những câu chuyện cụ thể để chứng minh cho từng quy tắc” (theo tác phẩm “10 quy tắc của Sam Walton” – tác giả: Michael Bergdahl; NXB Tri thức).
Bơi ngược dòng
Sam Walton – cha đẻ của tập đoàn Wal-Mart nói về quy tắc “Bơi ngược dòng” rằng: “Nếu những người khác đang làm theo cách này thì tại sao chúng ta không thử làm công việc tương tự theo cách mà chưa ai làm?”. Dù không có được cái may mắn là nhóm duy nhất đi trên “cung đường lúa huyền thoại” Tú Lệ - Mù Cang Chải vào lúc người bản địa xuống đồng cấy lúa, nhưng chúng tôi đã lên đường vào thời điểm mà rất ít người có quyết định tương tự (cuối tháng 5). Sam dạy cho người xung quanh phải biết chấp nhận khả năng thất bại đã được dự tính trước và gắng thực hiện mọi việc theo cách mới, chúng tôi cũng bảo nhau bỏ ra khỏi đầu những ý niệm về một “mùa vàng” lúa chín ở Mù Cang Chải, để tìm kiếm những trải nghiệm khác.
Từ Hà Nội, ngược lên quốc lộ 32, qua cầu Trung Hà tới địa phận tỉnh Phú Thọ, bỏ lại sau lưng Thanh Sơn và Tân Sơn, chúng tôi băng qua địa phận huyện Văn Chấn (Yên Bái). Vì khởi hành vào đầu giờ chiều, nên lúc đoàn xe dừng nghỉ ở thị xã Nghĩa Lộ thì trời đã bảng lảng hoàng hôn. Kể từ đây, chúng tôi đi trong đêm, vượt qua nhiều đèo dốc với quãng đường khoảng 50km, Tú Lệ đã ở trước mặt. Tổng cộng là 250km cho đoạn đường đã đi trong nửa ngày. Mù Cang Chải chỉ còn cách đó 50km.
Khau Phạ - con đèo hiểm trở nhất trên tuyến đường 32, nối Văn Chấn với Mù Cang Chải, khiến chúng tôi phải dừng lại lưng chừng nhiều lần không phải vì đường khó đi hay nguy hiểm, mà vì sức hấp dẫn của cánh đồng Cao Phạ bên dưới, như có lời hát mời gọi: “Hãy ngồi xuống đây như loài cỏ tranh” (Lê Uyên - Phương). Chúng tôi ngồi bên đèo để ngắm những khoảng ruộng chưa canh tác hết trên sườn đồi núi, trông như tấm thảm mà trời đất và con người đang chung tay dệt dang dở; để đắm mình vào cái tĩnh lặng ngâm trong bầu không khí trong lành, nhắc rằng mình đang tận hưởng những thời khắc mà khi về với chốn phồn hoa sẽ chỉ còn biết luyến nhớ...
Tú Lệ - Mù Cang Chải là một cung đường của ruộng bậc thang. Những thửa ruộng nhỏ bé đến mong manh, nằm trườn dài ôm ấp lấy núi đồi. Ruộng xếp ruộng, núi nối núi, cứ như thế giăng giăng uốn lượn đầy gợi cảm. Mùa này, trên một khu đồi, có thể thấy được 3 cung bậc màu sắc: màu xanh mướt của ruộng đã cấy, màu trắng đục của ruộng mới đổ nước, và màu nâu vàng của ruộng đất chờ nước về. Những điểm dừng nổi tiếng như La Pán Tẩn, Nậm Khắt, Chế Cu Nha,… sẽ níu chân lữ khách, sẽ quyến rũ mắt nhìn, sẽ thôi miên khứu giác, khi khách thả bước tới đây.
Cam kết thành công và nhiệt tâm
Michael Bergdahl – cộng sự, đồng thời là người tổng hợp và luận giải 10 quy tắc dẫn tới thành công của Sam Walton nói rằng, với Sam, những gì thiếu hụt trong mảng kiến thức, kỹ năng và khả năng thì ông sẽ bù đắp bằng sự quyết tâm làm cho được, đi cùng với đó là thái độ say mê với công việc. Đoàn chúng tôi, có nhiều thành viên chưa từng chạy xe máy lên vùng cao, gồm cả nữ, nhưng đứng trước những con dốc không dưới 45 độ ở Cao Phạ hay La Pán Tẩn, thì chỉ có sự quyết tâm và đam mê khám phá mới có thể lý giải được tại sao họ có thể vượt qua những thử thách ấy.
Thung lũng Cao Phạ hấp dẫn bao nhiêu thì con đường dẫn xuống lại thử thách bấy nhiêu, với những đoạn dốc liên tiếp được “tăng cường” bởi các khúc ngoặt mà mặt đường có thể đi chỉ rộng bằng khoảng ba lần thiết diện bánh xe, ngang dọc rãnh nước tự nhiên và đá sỏi. Trong khi đó, đoạn cuối con đường dẫn vào xã La Pán Tẩn nên gọi là bãi đá cục dựng ngược thì hợp lý hơn, khiến đoàn xe cài số 1 leo lên trong trạng thái sắp “bốc đầu”. Phần thưởng sau những gian nan ấy là cảm giác chinh phục thành công, kỹ năng và kinh nghiệm vượt qua thử thách, thả lòng nhẹ tênh vào cuộc sống ở một nơi không có khói bụi, hiếm có dấu hiệu hay âm thanh của công nghệ cơ khí, và ngôn ngữ của giao tiếp đơn giản là những nụ cười.
Mừng thành tựu của mình và người khác
Trong cuốn “10 quy tắc của Sam Walton”, Michael Bergdahl viết: “Ban giám đốc Wal-Mart được chỉ thị phải khen ngợi cộng sự làm việc tốt. Mr. Sam muốn các vị giám đốc của ông phải trân trọng những gì mà các cộng sự đã làm được cho công ty…”, và một trong những cách cụ thể hoá sự trân trọng đó là tổ chức mừng thành tựu của mình và người khác. Tương tự, ngoài những phần thưởng mang ý nghĩa “tinh thần” của mỗi cá nhân cũng như cả nhóm, chúng tôi cũng tổ chức mừng và nhắc lại thành tích trên mỗi đoạn đường đi qua theo một cách rất thiết thực với… dạ dày.
Người sành ăn truyền tai nhau rằng: “Nếp Tú Lệ, tẻ Mường Lò”; khách đến Tú Lệ đừng quên thưởng thức món xôi nếp dẻo thơm, hạt mọng. Mà đã có xôi, không nên thiếu thịt gà. Ở Tú Lệ không có loại thịt gà mềm nhão và nhiều mỡ như ở hàng quán phố thị, chỉ có giống gà đồi dai thịt và rất đặm. Cần một món để “đưa đẩy” bát cơm tẻ? Đã có canh cua suối ngọt lừ và cà pháo muối. Muốn trung hoà vị giác, hãy gọi thêm đĩa rau tập tàng luộc. Còn gì nữa không? Lên vùng cao mà không thử vài ly rượu ngô thì thật đáng tiếc, mà cua suối rang muối giòn tan và rất bùi sẽ là “mồi” nhậu lý tưởng. Chúng tôi đã tổ chức “mừng thành tựu” của cả nhóm bằng một “bữa tiệc” như thế, chỉ khoảng 70.000đ/người, ngon miệng và đầy đủ. Thêm một lần nữa chúng tôi nghe lời Sam, kiểm soát chi phí, dẫu không dễ để rút ngắn con đường làm giàu như Sam trông đợi, thì cũng để có nhiều hành trình sau nữa.
Tròn hai ngày rưỡi dành cho cung đường lúa, chúng tôi đã nghe theo những bài học của Sam Walton và kiểm nghiệm chúng trên hành trình – rất ấn tượng và ý nghĩa. Tuy vậy, lữ khách còn muốn nghe theo những xúc cảm và trải nghiệm của riêng mình, dù rằng điều này không nằm trong “giáo án” của Sam: chúng tôi sẽ… bơi xuôi dòng, để trở lại Mù Cang Chải vào mùa lúa chín trong tiết Trung thu.
(Tạp chí Doanh Nhân)