What's new

Tưởng nhớ Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Dòng người vào viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Sáng 9 / 10 / 2013,

Kéo dài từ trước Lăng

97592086.jpg


Qua trước Bộ Ngoại Giao

97592091.jpg


Trên con phố của địa danh - chiến thắng lịch sử gắn liền với tên tuổi Đại tướng

97592107.jpg


97592111.jpg


97592121.jpg
 
Kỷ niệm nhỏ, mãi mãi không quên về Đại tướng Võ Nguyên Giáp
- Xin thành thực chia buồn sâu sắc đến gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp!...
- Tôi, vinh dự & tự hào được làm "Anh bộ đội Cụ Hồ" dưới sự chỉ huy tài giỏi và một nhân cách lớn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp!...
Có thể nói trong Quân đội nhân dân Việt Nam, 2 ngày lễ trọng đại của dân tộc được những người lính nhớ nhất là ngày 22/12 Ngày thành lập Quân đội và ngày Tết Nguyên đán...
Tôi còn nhớ rõ ngày 22/12/1971, (tôi nhập ngũ ngày 4/9/1971) là ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam, chúng tôi đang là tân binh thuộc C37, D52, Bộ Tư lệnh Thủ đô, đang huấn luyện tại Bãi Lai (Hòa Bình), được nghỉ 1 ngày. Từ sáng sớm, trừ 1 vài anh em được cử xuống giúp anh nuôi làm cỗ "ăn tươi" cho đơn vị, mọi người đều cắt tóc cho nhau, tắm rửa sạch sẽ, ăn mặc quần áo tươm tất để đón ngày lễ trọng đại của quân đội... Chúng tôi còn nhận được tin sẽ có Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến thăm đơn vị nên anh em càng phấn khởi tinh thần. Buổi tối chúng tôi còn được xem phim!...
Bữa ăn trưa ngày 22/12/1971 ngon vô cùng!...Có thịt gà, thịt lợn... nhưng chúng tôi đặc biệt ấn tượng với món "Thịt trâu xào khế"!. Cả đời chúng tôi, những thanh niên 18 tuổi người Hà nội chưa bao giờ được ăn một món ăn ngon như thế này!...
Sau khi ăn cơm trưa (có thể gọi là ăn cỗ hay ăn tiệc cũng đúng) xong, cả trung đoàn chúng tôi tập trung tại 1 khoảng đất rộng để nghe Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói chuyện. Chúng tôi cảm thấy rất vịnh dự & tự hào khi biết Đại tướng dù bận trăm công nghìn việc cũng đến thăm hỏi chúng tôi, những người lính của Quân khu Thủ đô, xưa nay chỉ ăn sung mặc sướng, chưa bao giờ phải chịu đưng gian khổ quá mức...
Mọi người kháo nhau: " Chắc Đại tướng sẽ giáo huấn chính trị đây!". Nhưng chúng tôi quả thực bất ngờ khi nghe những lời đầu tiên của Đại tướng: " Các đồng chí có ăn hết cơm tiêu chuẩn không? Tôi đã rẽ qua nhà bếp thấy anh nuôi làm món Thịt trâu xào khế, món này rất ngon, tôi vẫn rất thích ăn, các dông chí thấy thế nào?". Mọi người đồng thanh: "Báo cáo, rất ngon!...". Đại tướng & chúng tôi đều cười rất vui Vẻ!... Chúng tôi thật sự cảm động trước buổi nói chuyện của 1 Đại Tướng, cấp hàm cao nhất với những tân binh Binh nhì, cấp hàm thấp nhất của Quân đội Nhân dân Việt Nam!... Đại tướng đông viên chúng tôi huấn luyện thật tốt, sau này Đảng, Nhà nước & Quân đội giao nhiệm vụ gì cũng phải hoàn thành xuất sắc!... (Sau này chúng tôi mới biết là chúng tôi được giao quân cho Quân khu 559, Bộ đội Trường Sơn làm nhiệm vụ quốc tế ở Nam Lào thuộc nước bạn Lào).
Sau thời gian huấn luyện, chúng tôi được điều quân tới vùng Cao nguyên Bô lô ven thuộc tỉnh Sa la van (Nam Lào) với nhiệm vụ giúp đỡ nước bạn Lào & bảo vệ con đường Hồ Chí Minh phía tây Trường sơn, dưới sự chỉ huy của trung tướng Đổng Sĩ Nguyên, Tư lệnh Bộ đội Trương Sơn.
Tháng 11/1972 từ chiến trường Nam Lào, tôi nhận được thư của gia đình từ Hà nội gửi vào báo tin: "Gia đình tôi đã được Đảng, Nhà nước & Bộ quốc phòng nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vinh danh & trao tặng "Bảng Gia đình vẻ vang", với chữ ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Bộ trưởng Bộ quốc phong, Tổng Tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam... "
IMG_2282.JPG

Phần thưởng cao quí này cùng với những kỷ nệm đẹp về Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn theo tôi suốt những chặng đường của cuộc sống!...

Năm 2010, cán bộ và nhân dân làng Thượng, xã Bảo Lý, huyện Phú Bình (Thái Nguyên) tặng Đại tướng bài thơ:
Đại tướng anh hùng dễ mấy ai
Đức độ, anh, uy, trí, dũng, tài
Thắng hai đế quốc, bách niên thọ
Hoàn cầu có một, không có hai


Xin được mượn lời của Trung tướng Đổng Sĩ Nguyên để kết thúc vài dòng cảm nghĩ này của tôi:
"Quân đội và nhân dân đều buồn và đau xót khi Tướng Giáp ra đi. Theo tôi thế hệ trẻ cần cố gắng học tập Đại tướng ở tính độc lập, tự chủ, chủ động, sáng tạo, dám nghĩ dám làm, yêu thương nhân dân, bộ đội. Người cũng rất tôn trọng bạn bè, cấp dưới. Đại tướng ra đi, mỗi chúng ta, nhất là quân đội càng phải nâng cao trách nhiệm, nghĩa vụ với Tổ quốc. Đó là cách tốt nhất để tri ân Tướng Giáp". (Nguồn trích dẫn: vnexpress.net)
IMG_2283.JPG

Giấy chứng nhận "Kỷ niệm chương Chiến sĩ Trường Sơn đường Hồ Chí Minh" do Trung tướng Đổng Sĩ Nguyên ký tặng
 
Last edited:
Lễ truy điệu Đại tướng Võ Nguyên Giáp diễn ra trang trọng, nghiêm trang trong sự tiếc thương vô hạn của lãnh đạo nhà nước, quân và nhân dân ta...
05_1.jpg


Sáng 13/10/2013, tại Nhà Tang lễ quốc gia - số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Quân ủy Trung ương đã tổ chức trọng thể Lễ truy điệu theo nghi thức Quốc tang đồng chí Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Quân ủy Trung ương, nguyên Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam; Đại biểu Quốc hội từ Khóa I đến Khóa VII. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban tổ chức lễ tang đã đọc Lời điếu, ôn lại cuộc đời và sự nghiệp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp
03_2.jpg


04_1.jpg

Nụ cười này sẽ theo mãi nhiều thế hệ người Việt Nam

Lễ truy điệu Đại tướng Võ Nguyên Giáp (Nguồn:YouTube)
[video=youtube;-e_I622kcBw]http://www.youtube.com/watch?v=-e_I622kcBw[/video]
 
Last edited:
Chia sẻ đôi điều với các Phượt thủ đạp xe từ TPHCM ra Quảng Bình dự lễ tang Đại tướng

Chào các phượt thủ.
Mình lên diễn đàn phượt chia sẻ với các bạn về sự ra đi của Đại tướng là do xem qua TV thấy có 1 nhóm phượt nhà ta đi xe đạp từ TP Hồ Chí Minh mang theo các vành khăn tang ra Quảng Bình để vĩnh biệt Đại tướng. Thật cảm động.
Cái gì của dương thế thì chỉ là phù du, con người cũng chỉ là cát bụi, cả quân hàm và danh hiệu của người đời phong tặng Đại tướng cũng đã để lại cho hậu thế, xin Đại tướng cho phép được gọi Người bằng Ngài, xưng con cho phải đạo. Xin gia đình phượt nhà ta thông cảm vì những gì tôi viết ra đây chỉ là cảm nhận cá nhân với tất cả những gì trân trọng, thành kính về một vị Đại tướng để chia sẻ với mọi người, ngoài ra không còn mục đích nào khác.
Cuộc đời và tuổi thọ của Ngài quả là một kỳ tích gắn liền với lịch sử Quân đội nhân dân Việt Nam. Từ ngày thành lập 22/12/1944 tại khu rừng Trần Hưng Đạo, Ngài chỉ huy một đội quân 34 chiến sĩ áo vải, chân đất, súng thì oách lắm có mấy khẩu mút cơ tông, súng ngắn. Chỉ huy đoàn quân này là một thầy giáo và người làm báo, chưa hề học qua một trường quân sự nào cả. Thế mà lủa thiêu Phai Khắt, sấm dậy Nà Ngần, cho đến khi tiến đánh Thái Nguyên đã có 450 người và sau này trở thành đội quân Bách chiến, Bách thắng. Còn lạ ở chỗ bất kỳ quốc gia nào trong lịch sử, thành lập quân đội là để chinh phạt thì quân đội Việt nam lại lấy tuyên truyền là chính đúng với tên gọi đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân.
Nhận chức Đại tướng từ năm 37 tuổi (Theo tôi thì ở cái tuổi đó làm chủ tịch UBND huyện còn khó nữa là làm tướng Tổng tư lệnh) cũng vẫn đội quân nông dân mặc áo lính, trang bị thô sơ mà bằng tài trí của mình Ngài đã cùng QĐNDVN đánh thắng cả một đội quân viễn chinh thiện chiến với nhiều lính lê dương khét tiếng của người Pháp trong nhiều chiến dịch quân sự mà tiêu biểu là trận đánh tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điên Biên Phủ.
Chúng ta chỉ biết đến Điên Biên Phủ qua sách vở, qua những bài giảng nên chắc chỉ hiểu được đây là một chiến dịch quân sự có tầm cỡ, nhiều khó khăn gian khổ và sự hy sinh của nhiều liệt sỹ... nhưng qua lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh nói với tướng Giáp "Cho chú toàn quyền chỉ huy. Trận này chỉ được thắng không được thua vì thua là hết vốn" thì mới thấy được sự tồn vong của dân tộc chính là ở chiến dịch này. Giả sử Ngài không đánh bại người Pháp ở Điên Biên, có lẽ Nhà nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa sẽ khó mà tồn tại được.
 
Re: Chia sẻ đôi điều với các Phượt thủ đạp xe từ TPHCM ra Quảng Bình dự lễ tang Đại t

Nhiều người trò truyện đưa ra câu hỏi " Pháp ngu thế nhỉ, sao không đóng quân ở đâu mà lại đóng dưới lòng chảo Điện Biên, nhường cao điểm cho Việt Minh. Thua là phải" Xin thưa rằng tướng Pháp và cố vấn Mỹ chẳng ngu đâu ạ. Mỹ hồi đó đổ ra cả đống của (Tới năm 1953, viện trợ Mỹ cả kinh tế và quân sự đã lên tới 2,7 tỷ trong đó viện trợ quân sự là 1,7 tỷ đôla, năm 1954 Mỹ viện trợ thêm 1,3 tỷ đô la nữa. Tổng cộng Mỹ đã cung cấp cho Pháp trên 40 vạn tấn vũ khí. st) Pháp cử 2 danh tướng (có người từng là anh hùng của trận đổ bộ ở Normandy) là Henri Navarre và Cogny chỉ huy thực hiện kế hoạch, còn chỉ huy quân sự căn cứ điểm là một đại tá ( Ngày 7 tháng 12, Đại tá Christian de Castries được Cogny và Navarre chỉ định chỉ huy tập đoàn cứ điểm, chuẩn bị đương đầu với một cuộc tiến công. Có người hỏi Navarre vì sao lại trao quyền chỉ huy Điện Biên Phủ đáng lẽ phải là một viên tướng, cho một đại tá? Navarre trả lời: "Cả tôi lẫn Cogny đều không trông lon mà xét người nên cũng chẳng sùng bái gì lắm mấy ngôi sao cấp tướng. Tôi khẳng định: trong số các chỉ huy được lựa chọn, không ai có thể làm giỏi hơn Castries".) Với một căn cứ điểm quân sự mà theo người Pháp là bất khả xâm phạm ( các chỉ huy Pháp tin rằng lợi thế công nghệ vượt trội và sự trợ giúp của Mỹ sẽ giúp họ đánh bại được QĐNDVN vốn có trang bị thô sơ hơn nhiều. Jean Pouget sĩ quan tùy tùng của Tổng chỉ huy Navarre, viết: "...có thể khẳng định là không một ai trong số hơn 50 chính khách, các tướng lĩnh đã tới thăm Điện Biên Phủ, phát hiện được cái thế thua đã phơi bày sẵn...". Tướng Navarre viết: “Theo ông de Chevigné vừa ở đó về 2-3 “thật là bất khả xâm phạm. Vả lại, họ không dám tiến công đâu.”. Tướng Cogny thì tin tưởng: “Chúng ta đến đây là buộc Việt Minh phải giao chiến, không nên làm gì thêm để họ phải sợ mà lảng đi”... Theo đánh giá thì khu trung tâm tập đoàn cứ điểm chỉ rộng khoảng 2,5 km vuông đã có tới 12 khẩu 105mm, 4 khẩu 155mm, 24 khẩu cối 120 và 81mm và một số dự trữ đạn dược đồ sộ (tương đương từ 6 đến 9 cơ số đạn trước trận đánh, hơn 10 vạn viên) là quá mạnh. Navarre đã viết trong hồi ký: "Tất cả đều có những cảm tưởng thuận lợi trước sức mạnh phòng thủ của tập đoàn cứ điểm và tinh thần tốt của đạo quân đóng ở đây. Không một ai mảy may tỏ ý lo ngại... Chưa có một quan chức dân sự hoặc quân sự nào đến thăm (bộ trưởng Pháp và nước ngoài, những tham mưu trưởng của Pháp, những tướng lĩnh Mỹ) mà không kinh ngạc trước sự hùng mạnh của nó cũng như không bày tỏ với tôi tình cảm của họ" st)
Kể cả khi giành được thắng lợi ở Điên Biên Phủ, Ngài vẫn tôn trọng, đánh giá cao tài chỉ huy quân sự của các tướng lĩnh đối phương và sức mạnh phòng thủ của tập đoàn căn cứ điểm. Chỉ có người Pháp lúc đó không hiểu nổi tại sao QĐNDVN lại thắng trong vòng chưa đến 2 tháng, họ chủ quan không hiểu được lý luận Chiến tranh toàn dân, sức mạnh của đoàn quân Việt Minh, tài chỉ huy kiệt xuất của Ngài và trí tuệ thao lược của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thua là ở chỗ đó chứ họ không ngu đâu.
Chiến thắng Điên Biên Phủ đã đưa tên Ngài vào danh sách 10 vị tướng tài của thế giới, không phải vì quy mô trận đánh (Điện Biên Phủ chưa phải là một trận đánh tầm cỡ như nhiều trận trong lịch sử quân sự thế giới) nhưng sau trận Điên Biên, nước Pháp bị suy yếu và pháo đài chủ nghĩa thực dân của Pháp xây dựng ở các thuộc địa đã bị phát đạn trái phá Điên Biên của Võ Nguyên Giáp (người được mệnh danh là Napoleon Vietnammien hoặc Red Napoleon) công phá sụp đổ tan tành.
Hãy nghe đối phương đánh giá về quân đội do Ngài chỉ huy.
(Thiếu tá Bi-gia, đã có kinh nghiệm chiến trường chín năm liền ở Đông Dương, tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ từ lúc xây dựng cứ điểm đến khi đầu hàng, đã bày tỏ sự kính trọng của mình đối với Quân đội Nhân dân Việt Nam: “Tôi đã thấy họ khởi sự từ những khẩu súng bất kỳ như súng săn và sau đó, tháng này qua tháng khác, họ được tổ chức thành những nhóm nhỏ, rồi từ các nhóm nhỏ thành trung đội, từ các trung đội lên đại đội, từ đại đội lên tiểu đoàn và lữ đoàn và cuối cùng là thành các sư đoàn đủ quân. Tôi đã thấy tất cả những điều này và tôi có thể nói với các vị rằng họ đã trở thành những người lính bộ binh vĩ đại nhất trên thế giới. Những người lính dẻo dai này có thể đi bộ 50 km trong đêm tối bằng sức của một bát cơm, trên những đôi giày ba-ta và hát vang trên đường ra trận. Theo quan điểm của tôi, họ đã trở thành những người lính bộ binh ngoại hạng và họ đã đánh bại được chúng ta” St.)
 
Re: Chia sẻ đôi điều với các Phượt thủ đạp xe từ TPHCM ra Quảng Bình dự lễ tang Đại t

Hết đánh Pháp đuổi Nhật Ngài lại dẫn dắt đội quân của mình trong cuộc trường chinh “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào” người viết xin trích dẫn một số thông tin thu lượm được để tham khảo.
(Từ 1954 đến 1964
Từ năm 1954 đến năm 1956, Võ Nguyên Giáp chủ trương đấu tranh hòa bình, yêu cầu Việt Nam Cộng hòa thực hiện Hiệp định Geneve vì một Việt Nam thống nhất, không chia rẽ về tình cảm và chính trị. Tuy nhiên, Ngô Đình Diệm đã thẳng thừng bác bỏ yêu sách này bằng Phong trào tố cộng diệt cộng.
Từ năm 1957 đến năm 1958, Đảng Lao động đã có những cuộc họp bàn về cách mạng Miền Nam nhưng chủ trương, biện pháp đấu tranh vẫn chưa thay đổi, phong trào cách mạng tiếp tục bị đàn áp và tổn thất nặng nề.
Tháng 1-1959, khi hy vọng thi hành Hiệp định Genève không còn, Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp Hội nghị (mở rộng) lần thứ 15, Võ Nguyên Giáp giúp Bộ Chính trị và những người cộng sản miền nam do Lê Duẩn đứng đầu ban hành Nghị quyết 15 Bộ Chính trị, khẳng định việc giải phóng miền nam bằng đấu tranh vũ trang, cho phép những cán bộ kháng chiến còn lại ở miền nam tổ chức hoạt động vũ trang.
Năm 1959, được Bộ Chính trị đồng ý, Võ Nguyên Giáp đã quyết định thành lập Đoàn 559 mở đường mòn dọc dãy Trường Sơn để tiếp ứng phong trào cách mạng miền nam Việt Nam. Nhờ việc mở đường Trường Sơn, phong trào cách mạng và hoạt động du kích miền Nam phát triển rất mạnh. Sau 4 năm, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam đã thành lập được một số đơn vị cấp trung đoàn.
Năm 1964, được Bộ Chính trị đồng ý, Võ Nguyên Giáp đã bí mật cử Nguyễn Chí Thanh, Lê Trọng Tấn vào chiến trường Đông Nam Bộ chỉ huy quân giải phóng miền Nam đánh lớn tại Bàu Bàng,Dầu Tiếng, Đồng Xoài... tạo chuyển biến chiến trường và thành lập các Sư đoàn 1, 2, 3, 5, 7, 9 nổi tiếng. Trong đó, Sư đoàn 1 trấn thủ Tây Nguyên, Sư đoàn 2 trấn thủ Quảng Nam, Quảng Ngãi, Sư đoàn 3 Sao Vàng trấn thủ Bình Định, trung đoàn 10 trấn thủ Phú Yên, trung đoàn 20 trấn thủ Khánh Hòa, Sư đoàn 5 trấn thủ khu vực Sài Gòn - Gia Định, Sư đoàn 7 cơ động chiến đấu khắpQuân khu 7 gồm Lâm Đồng, Ninh Thuận, Đồng Nai, Tây Ninh, Bình Thuận, Bình Phước và Sư đoàn 9 di chuyển chiến đấu khắp Tây Ninh và Quân khu 9.
Từ 1965 đến 1972
Năm 1965, chia lửa với Nam Bộ, Hoàng Minh Thảo, người học trò của Võ Nguyên Giáp ở trường Thăng Long được cử vào Mặt trận Tây Nguyên làm Phó Tư lệnh rồi Tư lệnh Mặt trận B3 thay Chu Huy Mân chuyển sang chỉ huy Mặt trận duyên hải Nam Trung Bộ đến khi chiến tranh kết thúc.
Năm 1965, Quân Mỹ bắt đầu thực hiện chiến lược chiến tranh cục bộ. Quy mô quân viễn chinh Mỹ đã lên tới hơn 500.000 ngàn vào cuối năm 1967, cùng với đó là hàng ngàn máy bay, trực thăng và xe thiết giáp. Đối phó với quân Mỹ, Võ Nguyên Giáp vấn kiên trì đường lối chiến tranh nhân dân - "trường kỳ kháng chiến" như Chiến tranh Đông Dương trước đó. Kết quả là hai cuộc tiến công mùa khô 1965-1966 và 1966-1967 của Mỹ đã thất bại, họ đã không thể tiêu diệt được quân Giải phóng và bình định miền Nam Việt Nam trong 18 tháng như kế hoạch ban đầu, và quân Mỹ bắt đầu sa lầy vào một cuộc chiến hao tổn, mệt mỏi và không có dấu hiệu kết thúc. Ký giả James Fox nhận xét: tướng Giáp đã thi hành một đường lối không quá khác biệt nhưng vô cùng hiệu quả, và quân Mỹ đã rút ra được rất ít bài học từ người Pháp trước đó.
Năm 1968, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương tại Hà Nội phát động cuộc Tổng Tấn công và Nổi dậy Tết Mậu Thân. Bản thân ông đã tham gia lập kế hoạch, nhưng khi chiến dịch diễn ra thì ông đang đi chữa bệnh ở Hungary nên không chỉ đạo trực tiếp, ông chỉ về nước vào tháng 5 theo chỉ thị của Hồ Chí Minh. Chiến dịch Mậu Thân làm suy yếu ý chí xâm lược của Mỹ, thúc đẩy phong trào phản chiến ở Mỹ và trên khắp thế giới nhưng về quân sự có những tổn thất không đáng có và có nhiều vấn đề cần rút kinh nghiệm.
Từ 1972 đến 1975
Cuốn hồi ức mang tên "Tổng Hành dinh trong Mùa xuân Đại thắng" do Võ Nguyên Giáp xuất bản lần đầu năm 2001 đã thuật lại những hoạt động của ông vào giai đoạn cuối cuộc kháng chiến chống Mỹ từ năm 1972 đến năm 1975.
Năm 1972, sau đại thắng tại Chiến dịch Đường 9 Nam Lào, với kho vũ khí hùng hậu, Võ Nguyên Giáp chủ trương khuếch trương chiến quả bằng một kế hoạch quân sự ở Tây Nguyên, nơi có khả năng triển khai lực lượng lớn, đánh lớn, gây những khó khăn lớn hơn cho Quân lực Việt Nam Cộng hòa. Kế hoạch này đã bị nhà lãnh đạo Lê Duẩn và Quân ủy trung ương bác bỏ do Tổng Cục tình báo 2 nhận được thông tin là Mỹ và Quân lực Việt Nam Cộng hòa đã sớm biết và đã đón lõng tại Tây Nguyên. Đồng thời do ở gần nên mặt trận Trị-Thiên cũng dễ bổ sung đạn dược, quân số hơn, lại có 2 mục tiêu cực kỳ quan trọng là Huế và Đà Nẵng.
Một phương án mới được đưa ra. Quân Giải phóng sẽ chia quân mở 3 chiến dịch tại Trị-Thiên, Tây Nguyên và Đông Nam Bộ. Sau 2 tháng, trước những thắng lợi lớn trong Chiến dịch Trị Thiênvà quân Giải phóng đã áp sát Huế, các lực lượng bổ sung được tiếp tục đưa vào đây, còn mặt trận Tây Nguyên thì buộc phải ngừng tiến công do hết dự trữ. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đề xuất vòng qua phía tây Huế, chia lực lượng và hỏa lực đánh vào Vùng Chiến thuật I. Tuy nhiên các đơn vị công binh mở đường do thiếu phương tiện nên thực hiện quá chậm, không kịp phục vụ mục tiêu chiến dịch (con đường này sau đó đã phát huy tác dụng vào chiến dịch mùa xuân năm 1975),6 sư đoàn tham gia chiến dịch Trị Thiên gồm 312, 308, 324, 325, 320, 341 đã hành quân đánh trực diện từ phía bắc xuống Vùng Chiến thuật I, nơi có Quân đoàn I và lực lượng tổng trù bị của Quân lực Việt Nam Cộng hòa gồm các Lữ đoàn Biệt động quân, Sư đoàn Dù số 1 và Sư đoàn Thủy quân Lục chiến số 1, được không quân và Hải quân Mỹ chi viện tối đa.
Trên địa hình nhỏ hẹp dài, bên núi, bên biển dẫn đến Vùng Chiến thuật 1, 6 sư đoàn tiến công trong tình cảnh liên tục bị bom rải thảm B-52, pháo kích từ chiến hạm Mỹ, pháo kích từ Vùng Chiến thuật 1. Quân Giải phóng bị chặn lại, chỉ chiếm được nửa phía Bắc tỉnh Quảng Trị. Theo thông tin gần đây cho biết trong suốt 9 tháng chiến dịch, Sư đoàn 312 đã bổ sung quân 13 đợt, mỗi đợt 500 người; Sư đoàn 308, Sư đoàn 320 cũng phải bổ sung hàng ngàn người. Các đơn vị còn lại tham chiến đều thương vong đáng kể. Tổng thương vong lên tới hơn 30 ngàn người (trong đó gần 14.000 hy sinh). Các chiến dịch năm 1972 cũng khiến QĐNDVN sử dụng hơn 300.000 viên đạn pháo, gần 4/5 lượng đạn pháo trong kho, dẫn đến tình trạng thiếu đạn, chỉ còn 100.000 viên cuối năm 1974.
Cuối năm 1972, Võ Nguyên Giáp đã bố trí lực lượng đánh trả cuộc tập kích đường không của Không lực Mỹ suốt 12 ngày đêm. Thất bại trong chiến dịch này buộc Mỹ phải chấp nhận ký Hiệp định Paris với những điều khoản nhân nhượng mà chính họ trước đó đã từ chối.
Năm 1974, để nắm vững tình hình thực tế chiến trường và có quyết sách đúng đắn, Đại tướng cùng Tư lệnh trưởng Đoàn 559 Đồng Sĩ Nguyên và chính ủy Đặng Tính đã vượt hàng trăm cây số đi thăm bộ đội Trường Sơn trên đường mòn Hồ Chí Minh và kiểm tra sự chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy dự kiến vào mùa Xuân 1975.
Năm 1975, Võ Nguyên Giáp đã tán thành đề xuất của Trung tướng Hoàng Minh Thảo chọn địa bàn Nam Tây Nguyên làm hướng tấn công chiến lược, xin ý kiến Bộ Chính trị và cử Đại tướng Văn Tiến Dũng vào Nam chỉ đạo đánh đòn "điểm huyệt" vào hệ thống phòng ngự của Việt Nam Cộng hòa tại Buôn Mê Thuột. Chính ông nhân đà thắng trận Buôn Ma Thuột, trực tiếp ra lệnh Trung tướng Lê Trọng Tấn gấp rút giải phóng Đà Nẵng trong 3 ngày. Chính ông đề xuất và ra quyết định mở Chiến dịch Hồ Chí Minh mà trong đó Văn Tiến Dũng làm Tư lệnh, Lê Trọng Tấn, Lê Đức Anh,Trần Văn Trà làm Phó Tư lệnh, chỉ huy 5 cánh quân với sức mạnh của 20 sư đoàn đồng loạt tiến vào giải phóng Sài Gòn. Mệnh lệnh nổi tiếng nhất của ông chỉ đạo Chiến dịch Hồ Chí Minh là"Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng phút, từng giờ, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam, quyết chiến và toàn thắng".St.)
Tóm tắt trên cũng đủ để ta thấy công lao to lớn của Ngài trong công cuộc giải phóng miến nam, thống nhất đất nước. Đội quân do tướng Giáp chỉ huy so với lực lượng của Mỹ thì đúng là “Trứng chọi với đá, chấu chấu đá xe” nhưng kết cục của cuộc chiến thì hoàn toàn ngược lại với dự đoán ban đầu. Khi chiếc xe tăng 390 do Chính trị viên Đại đội Vũ Đăng Toàn chỉ huy húc đổ cánh cổng chính và tiến vào sân Dinh Độc Lập. Đại đội trưởng Bùi Quang Thận ra khỏi xe 843, lấy lá cờ trên xe của mình đem vào treo lên cột cờ trên nóc Dinh Độc Lập lúc 11 giờ 30 phút ngày 30/04/1975, người Mỹ mới cay đắng nhận ra rằng họ đã hoàn toàn thua một quân đội trang bị thô sơ, thua một quốc gia nhỏ không có tiềm lực cả về quân sự và kinh tế. Như cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Alfred Kissinge đã nói “Nếu như các Ngài chỉ dũng cảm thì chúng tôi đủ sức đè bẹp các ngài, nhưng chúng tôi thua vì các Ngài không chỉ dũng cảm mà còn rất thông minh” và một sỹ quan Mỹ nhận xét "…Có một khuynh hướng đánh giá thấp đối thủ. Trong thực tế, họ là địch thủ giỏi nhất mà chúng ta từng phải đối mặt trong lịch sử".
Có lẽ cũng như cuộc trường chinh của một vị thánh trong lịch sử nước Việt Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn. Cuộc đời binh nghiệp của Đại tướng cũng phải qua 3 lần chinh chiến mà người ta vẫn nói là
Chiến tranh Đông Dương lần 3
Đất nước mới vừa thống nhất ngày 30 tháng 4 năm 1975, đã bị quân Khmer Đỏ vượt biên giới Tây Nam tiến vào Việt Nam và xung đột với Việt Nam trong một thời gian dài, Khmer Đỏ được hậu thuẫn từ Trung Quốc và sau đó có Thái Lan một phần gây xung đột biên giới với Việt Nam từ năm 1975 mãi đến năm 1990 mới chấm dứt, đỉnh điểm là cuộc Chiến tranh biên giới Việt-Trung, 1979 khiến chủ tịch nước lúc đó là Tôn Đức Thắng phải ký sắc lệnh Tổng động viên Quân đội toàn quốc, với tư cách là Bộ trưởng Bộ Quốc Phòng, Phó tổng tư lệnh ông lại một lần nữa chỉ huy quân đội toàn quốc chiến đấu. Kết quả trận này hai bên đều tuyên bố chiến thắng, là một trận quan trọng của Chiến tranh Đông Dương lần 3.
 
Re: Chia sẻ đôi điều với các Phượt thủ đạp xe từ TPHCM ra Quảng Bình dự lễ tang Đại t

Nhưng theo tôi khó khăn nhất của Đại tướng là thời kỳ hòa bình. Trong thời kỳ Ngài đã bộc lộ một trí tuệ siêu việt, một nhân cách lớn mà tôi và thế hệ trẻ cần phải lấy làm tấm gương sáng để học hỏi, noi theo tấm gương của Ngài. Có nhiều tài liệu viết về vấn đề này nhưng đây là một vấn đề rất nhạy cảm, tôi chỉ xin trích dẫn mà không dám bình luận gì thêm.
Trong một thời gian ngắn từ tháng 7 năm 1960 đến tháng 1 năm 1963 ông kiêm thêm chức vụ Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Nhà nước.
Ngày 7 tháng 2 năm 1980, ông thôi giữ chức Bộ trưởng Bộ Quốc phòng nhưng vẫn tiếp tục là Ủy viên Bộ Chính trị (đến năm 1982) và Phó Thủ tướng phụ trách Khoa học - Kỹ thuật. Người thay thế ông ở Bộ Quốc phòng là Đại tướng Văn Tiến Dũng - Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam. Văn Tiến Dũng là một trong những lãnh đạo quân đội lâu năm nhất cùng thời với Võ Nguyên Giáp. Năm 1983 ông được Hội đồng Bộ trưởng phân công kiêm nhiệm thêm vai trò Chủ tịch Ủy ban quốc gia dân số và sinh đẻ có kế hoạch khi Ủy ban này được thành lập (cùng với một số Bộ trưởng các Bộ và Tổ chức khác làm phó)
Năm 1991, ông thôi chức ủy viên Trung ương, Phó Thủ tướng, nghỉ hưu ở tuổi 80. Năm này, theo tác giả Huy Đức, ông là đối tượng của vụ Năm Châu Sáu Sứ nhằm hạ uy tín của ông

Đại tá Phong bình luận:
“Xưa có câu ‘điểu tận cung tàng’ nghĩa là chim hết thì cung bị xếp xó, và vận vào công việc mới của Đại tướng ngày ấy mới thấy đúng làm sao”.
“Lại nữa, vào năm 1984, khi Kỷ niệm 30 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, chẳng hiểu vì lý do gì mà người ta không mời Đại tướng lên Điện Biên dự lễ kỷ niệm,”
“Đại tướng phải lên thăm lại chiến trường xưa và bà con Tây Bắc với tư cách cá nhân. Rồi trong các hội thảo tuyên truyền về Chiến thắng Điện Biên, người ta còn "ngại" không dám nói về vai trò của Đại tướng...”
Nhà báo Nguyễn Như Phong cũng nhắc lại rằng “có một thời kỳ, khu vườn ở 30 Hoàng Diệu nom như vườn hoang, với lá cây rụng đầy, ít người quét dọn và những bức tường cỏ mọc rêu phong”.
“Không thể nói rằng những năm tháng đó đối với Đại tướng là "thoải mái", và càng không thể nói rằng công việc mới mà Đại tướng được giao là vừa ý đối với Người...
“Nhưng tuyệt nhiên không có nửa lời bất đắc chí, không có một lời than thân, trách phận, không có nửa lời trách cứ... Thế mới biết, sức chịu đựng của Đại tướng thật phi thường và đúng là chỉ có bậc Thánh nhân mới chịu được như thế.”
….
“Ngày ông không còn giữ chức Bộ trưởng Quốc phòng, người Quảng Bình buồn, có người lặn lội ra Hà Nội gặp ông để hỏi cho ra mọi nhẽ “Vì sao Bác lại bị thôi chức?” “Vì sao Bác nghỉ” – “Vì sao Bác không có ý kiến?”. Đó là sự thật.”
“ Và ông mỉm cười hiền từ: "Mình vẫn đang làm việc cho cách mạng đấy chứ. Bác Hồ nói, Dĩ công vi thượng”.
Còn ông Nguyễn Quang Vinh chi sẻ cái nhìn từ góc độ một người Quảng Bình:
“Để làm được thế, như ông, có một chữ NHẪN, nhẫn mà không hạ mình, nhẫn mà không hèn, nhẫn không cho cá nhân mình mà cho cả giang sơn.”
Cũng đúng thôi, thời nào cũng vậy, xa xưa bên Tàu có Việt Vương Câu Tiễn và Phạm Lãi, Văn Chủng; Lưu Bang và Hàn Tín, gần thì có Mao Trạch Đông, Lâm Bưu, Bành Đức Hoài, Hạ long, bên Tây thì có Stalin với khủng bố nhà nước trong thời kỳ đại thanh trừng… Làm tướng khai quốc, lập nhiều chiến công hiển hách như Ngài cũng đồng nghĩa với việc có thể phải gặp nhiều khó chịu trong thời bình nhưng hình như Ngài đã tiên liệu được hết mọi việc và cao cả nhất là ngài biết đặt lợi ích của Đất nước lên hàng đầu. Nếu ai trong chúng ta, nhất là các vị có chức, có quyền cũng học tập Ngài đặt lợi ích của Nước, của Dân trên lợi ích cá nhân theo tiêu chí “Dĩ công vi thượng” thì có lẽ mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh. Xã hội công bằng, dân chủ, văn minh” sẽ nhanh chóng trở thành hiện thực.
Về cuối đời, mặc dù tuổi cao, sức yếu nhưng chưa bao giờ Ngài ngừng làm việc vì Dân, vì Nước.
Thời gian cuối đời, ông vẫn quan tâm và đưa ra một số lời bình luận trên mặt báo về tình hình đất nước như có bài báo yêu cầu kiểm định và báo cáo Đại hội Đảng Cộng sản X về Vụ PMU18, hay cuộc gặp gỡ và khuyến khích doanh nhân làm xuất khâu nông sản.
Vào ngày 1 tháng 11 năm 2007 ông gửi thư trong đó bày tỏ sự phản đối chủ trương xây dựng Nhà Quốc hội ở khu di tích 18 Hoàng Diệu. Ông cũng có bài viết thực trạng và kiến nghị 6 vấn đề "cơ bản và cấp bách" nhằm triển khai có kết quả công cuộc đổi mới nền giáo dục và đào tạo của Việt Nam hiện nay.
Vào đầu năm 2009, Võ Nguyên Giáp có nhiều góp ý về các sự kiện lớn của đất nước. Tiêu biểu là việc góp ý về Dự án khai thác bô xít ở Tây Nguyên, không dưới 3 lần, ông đã viết thư yêu cầu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dừng dự án này, vì lý do an ninh quốc gia và vấn đề môi trường.
Vẫn biết “Sinh;Lão;Bệnh;Tử” là quy luật của muôn đời, Ngài vẫn hưởng thọ thì người dân Việt Nam vẫn thấy bình thường nhưng cho đến 18h09 phút ngày 4 tháng 10 năm 2013, lúc Ngài vĩnh biệt chúng ta, người dân Việt Nam mới bàng hoàng vì chúng ta đã mất đi một biểu tượng của dân tộc Việt Nam, một tấm gương về đạo đức, một vị chỉ huy quân sự đại tài, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và cũng là lãnh tụ cuối cùng trong thời kỳ dựng nước, giữ nước. Mọi người dân Việt chợt bừng tỉnh và hiểu ra rằng có lẽ còn nhiều năm nữa nước Việt mới sản sinh được một người yêu Nước, thương Dân hơn chính bản thân mình như Ngài. Bạn bè trên thế giới và nguyên thủ của các quốc gia (kể cả những người đã có thời tham chiến ở Việt Nam) đều vô cùng thương tiếc và đánh giá Việt Nam đã mất đi một thần tượng, một vị tướng đã đánh bại chủ nghĩa thực dân và đế quốc. Một người mà độc lập dân tộc là mục tiêu phấn đấu suốt đời, một vị đại tướng khai quốc thần kỳ đã sống đến 103 tuổi âm.
Có rất nhiều bài báo, nhiều phóng sự nói về Lễ tang Đại tướng, sẽ là thừa nếu tiếp tục viết theo chủ đề này. Ở đây tôi chỉ muốn chia sẻ những điều tôi cho là tâm đắc nhất.
 
Re: Chia sẻ đôi điều với các Phượt thủ đạp xe từ TPHCM ra Quảng Bình dự lễ tang Đại t

Đám tang Đại tướng đúng là “Vô tiền, khoáng hậu” với các điều đặc biệt sau:
1. Từ trước đến nay chưa có một nhân vật nào không phải là Lãnh đạo cao nhất (dân vẫn gọi là “Tứ trụ triều đình”) được hưởng tang lễ cấp Quốc gia;
2. Lãnh đạo Đảng và Nhà nước tạo mọi điều kiện để thực hiện tâm nguyện của Đại tướng “An táng tại quê nhà” tang lễ được bố trí ở 2 vị trí cách xa nhau đến hơn 600Km và đưa tang bằng chuyên cơ;
3. Đám tang Đại tướng phải dùng đến 2 cỗ linh xa, một đưa tang ở Hà Nội, một cỗ được chuyển từ Thành phố Hồ Chi Minh ra Quảng Bình để đón Đại tướng tại Đồng Hới;
4. Có lẽ không phải chỉ ở nước ta mà tang lễ của Đại tướng sẽ đi vào huyền thoại với hàng người dài gần 100Km dọc đường đưa tang (từ nhà tang lễ Quốc gia đến phi trường Nội Bài và từ phi trường Đồng Hới về đến nơi an táng khu vực Vũng Chùa - Đảo Yến thuộc xã Quảng Đông, Quảng Trạch tỉnh Quảng Bình) tiễn đưa Đại tướng.
5. Quân đội nhân dân Việt Nam tổ chức lễ viếng, lễ truy điệu đến cấp Trung đoàn, các Bộ chỉ huy quân sự các tỉnh đều lập bàn thờ và ghi nhận rất đông người đến viếng. Tại nhà riêng Đại tướng ở 30 Hoàng Diệu đã có hơn 1 triệu lượt người đến viếng. Nếu tang lễ kéo dài thì số người vào viếng sẽ đạt kỷ lục đứng đầu tất cả các tang lễ của các danh tướng trên thế giới.
6. Bài phát biểu cám ơn do con trai Đại tướng - ông Võ Điện Biên đọc tại Lễ truy điệu được đánh giá cao, rất cảm động và cũng chưa từng có trong bất kể lễ tang nào từ trước đến nay.

Tôi tự cho mình là may mắn khi được là một người được chứng kiến 02 lễ Quốc tang lịch sử. Tang lễ của Chủ tịch Hồ Chí Minh và tang lễ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Theo dự đoán của tôi có lẽ sẽ lâu lắm mới có lại một tang lễ như thế. Một con người ra đi để lại tiếc thương cho cả triệu người. Ngài đã ra đi nhưng giá trị để lại của Đại tướng đáng để cho chúng ta phải suy ngẫm. Hình ảnh ấn tượng nhất của tôi không phải là hình ảnh hoành tráng trong lễ tang cấp Quốc gia, hình ảnh của những Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quân đội tổ chức tang lễ cho Đại tướng, hình ảnh những sĩ quan, chiến sĩ của Đại tướng khóc thương Ngài mà là hình ảnh những sinh viên, học sinh còn rất trẻ, họ chỉ biết Đại tướng qua trang Lịch sử, những bài báo, những hình ảnh trên TV, họ đã khóc nức nở bên hàng rào số nhà 30 đường Hoàng Diệu, hình ảnh những người dân quỳ rạp và hô to “Đại tướng muôn năm” khi linh xa chở linh cữu của Ngài đi qua các con phố của Hà Nội.
Có lẽ lại là một điều đặc biệt khi phần mộ của Ngài lại nằm bên bờ biển Đông, nơi lãnh thổ của đất nước đang bị nhiều kẻ thù nhòm ngó, phải chăng Ngài muốn dặn lại cháu con giữ toàn vẹn lãnh thổ là một việc thiêng liêng, sống khôn thác thiêng Ngài hiển Thánh trấn giữ nơi hiểm yếu đề phòng kẻ thù nhòm ngó.
Về phần mình tôi xin cầu chúc cho anh linh Đại tướng được tiêu diêu miền cực lạc, vong linh của các liệt sỹ sẽ hướng dẫn che chở cho Ngài. Bằng những tình cảm chân thành nhất xin chia buồn với tang quyến và tôi luôn tin rằng “chắc chắn tinh thần của Đại tướng sẽ hòa vào tinh thần của hàng chục triệu người dân nước Việt biến thành sức mạnh vì một nước Việt Nam hùng cường và thịnh vượng"
Văn dốt nhưng lại viết dài. Xin cám ơn nếu ai ghé qua đọc bài. Trong bài viết có sử dụng nhiều thông tin sưu tầm trích dẫn nhiều nguồn nếu chưa chính xác và bài viết chưa hay xin quý vị độc giả tha thứ. Xin chào và hẹn gặp lại
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
36,760
Bài viết
1,137,464
Members
192,640
Latest member
ae888normsnook
Back
Top