MELBOURNE- ĐẦU XUÂN RỒI
Nhớ tôi đã từng nói đôi ba lần chuyện sống lâu năm ở một nơi nhưng chưa chắc mình biết hết mọi ngõ ngách gần nhà. Mà dù có biết hết, nhớ hết tên các con đường thì lâu lâu vẫn bị bắt bẻ rằng phía sau dãy nhà mặt tiền kia là gì, phía sau những cánh cửa lớn, hàng cột cao ngất có gì? Đôi khi chẳng cần ai hỏi, bản thân tôi nhiều khi đi ngang qua cũng thắc mắc tự hỏi những điều kia nhưng cứ thoái thác chưa có cơ hội, gấp quá thôi để lần sau. Đi mua đồ sale trước đã, chần chừ sẽ hết size.
Như cái thư viện lớn lâu đời ngay trung tâm Melbourne hay còn gọi là thư viện của tiểu bang, State Library, mở cửa vào năm 1856. Đó là tòa nhà mang màu vàng sậm nằm trên một vuông đất lớn, có mái vòm nổi lên ở giữa. Mặt tiền có thể nhìn thấy từ đường Swanston và Latrobe, hai phía còn lại là đường Russell và Little Lonsdale. Tôi đã đi qua đi lại không biết bao nhiêu lần nhưng chưa bao giờ bước vào trong. Chiều nay đi ngang, cũng là những bậc thang ngắn có vài người vừa đứng vừa ngồi, cười cười nói nói. Cũng là thảm cỏ xanh ngắt hai bên với kẻ ngồi người ngả lưng đọc sách, người đang mút kem, người dựa lưng nhau nhìn kẻ qua người lại, nhìn những chuyến xe tram leng keng trước mặt. Mùa hè ở đây còn là nơi lý tưởng để phơi nắng, nhất là với các bạn sinh viên từ đại học RMIT sát bên.
Khác với vô số lần trước, lần này tôi leo lên những bậc thang, đi qua khỏi hàng cột và bước vào bên trong. Wow, rộng thênh và sáng sủa không như diện mạo bên ngoài. Đã qua cái tuổi cắp sách từ lâu nhưng khi nhìn quang cảnh trước mắt tự nhiên muốn học…đại (chứ không phải là đi học lại, ngán quá rồi). Mỗi gian phòng mỗi khu vực trong không gian rộng lớn này đều có tên nhưng tôi không nhớ hết, chỉ rảo quanh xem một vòng.
Phía mặt tiền nhìn ra Swanston St. Lúc này đã sau 4 giờ chiều, nắng tắt lại nhiều mây.
Bên dưới mái vòm.
Một bức tranh vẽ trung tâm Melbourne hơn mười năm trước được trưng bày trong thư viện. Số lượng cầu bắt qua sông Yarra cho đến bây giờ vẫn vậy dù đã cũ nhiều. Các khu mới và khu nửa mới nửa cũ như Docklands, SouthBank được xây lại, khoác lên bộ mặt mới toanh với nhiều chung cư cao tầng, nhiều khu giải trí ăn uống, shops…
Còn các con đường chung quanh ga Melbourne Central bất kể ngày nào giờ nào ít khi vắng người.Gần đây mỗi lần đi loanh quanh khu này tôi lại có cảm giác như đang đi trên những con đường ở Mongkok hay Penang, có đoạn lại giống Thượng Hải. Có lẽ vì quang cảnh hai bên đường, vì âm thanh nghe được, vì những gương mặt thoáng qua. Phần đông là người trẻ, chẳng trách vì có đến mấy trường đại học gần bên. Kể ra vài trường được nhiều người biết đến như đại học RMIT ở sát bên, đi tram thêm 10 phút là đại học Melbourne, thêm 10 phút nữa là chi nhánh đại học Monash. Và vì các quán ăn Tàu mọc lên như nấm, các tiệm tạp hóa Á Châu, các quán chè, đồ ngọt các loại ngày càng nhiều. Nói vậy không có nghĩa là các sắc dân khác vắng mặt. Ý, Hy Lạp, Nhật, Ấn Độ, Việt, Thái và gần đây thêm mấy bạn Afghan, Syrian cũng đông nhưng không đông bằng. Và dĩ nhiên ngôn ngữ ngoại quốc bạn nghe nhiều nhất trên đường là tiếng Quan Thoại và tiếng Quảng.
Ngoài ra còn có các con đường đại diện cho một sắc dân. Khi nói đến tên đường là người ta biết ở đó hàng quán của sắc đân nào đông nhất. Little Bourke có China Town. Lonsdale St có nhiều quán ăn Hy Lạp, mỗi năm Greek Festival được tổ chức tại đây. Lygon St là Little Italy. Collins St/Spring St là Tây rặt, hay còn được gọi là Paris/London End vì kiến trúc từ các khu văn phòng đến cách trang trí các quán ăn (cũng đa dạng), sang và yên ắng.
Bên các nước Á Châu cứ luôn lo chuyện bị Tây hóa, mất hết bản sắc dân tộc còn trung tâm Melbourne nói riêng và cả nước Úc nói chung đã luôn là nơi đa văn hóa, như một nồi lẩu thập cẩm. Hôm trước nghe trên radio nói tính đến hiện tại ở nước Úc ngoài ngôn ngữ chính là tiếng Anh, đang có hơn 250 ngôn ngữ được người dân sử dụng mỗi ngày.
Người Melbourne thường nói bất cứ bạn đến từ nơi nào trên thế giới, khi đặt đến đây sẽ không cảm thấy bị lẻ loi, không lạc lõng vì chắc chắn sẽ bắt gặp đâu đó một chút quê nhà. Có thể là một quán ăn, một món ăn, cách bày trí trong quán cà phê, một bảng hiệu, một miếng giấy quảng cáo dán trên cột điện, một nghệ sĩ đường phố, một con hẻm, góc phố, một nhóm người thoáng qua với trang phục truyền thống. Những người vô gia cư ngồi xin tiền hay ngủ tỉnh bơ giữa tiếng ồn từ mọi phía. Hay chỉ đơn giản nghe được một đoạn nhạc phát ra từ chiếc xe đang chờ đèn đỏ mà chủ nhân quay kiếng xuống, tay trên vô lăng tay kia vừa tì lên cửa vuốt vuốt mái tóc bóng loáng năm phân. Đèn xanh từ lâu mà anh ta còn lo làm dáng, khi đó bạn lại được nghe tiếng kèn xe hiếm hoi dù phương tiện di chuyển chính của người dân ở đây là xe hơi.
Một khúc đường Lygon, khu người Ý.
Quán kem nổi tiếng khu này, đến mùa hè người ta xếp hàng dài dọc bên ngoài. Nhớ lần kia trời mưa lạnh ngắt lại tấp vào, đứng trong quán ăn nhanh cây kem mùi pistachio rồi đội mưa đi tiếp.
Quán pizza Papa Gino’s lúc nào cũng đông nghẹt khách.
Nhắc về người Ý lại nhớ về đạo Chúa và nhà thờ. Ngoài thư viện trung tâm, St Patrick’s Cathedral cũng là nơi lần đầu tiên tôi ghé vào mấy hôm trước. Tôi không theo đạo nhưng được biết Đức Giáo Hoàng John Paul đệ nhị đã từng đến đây. Các sự kiện quan trọng có liên quan đến đạo Chúa ở Melbourne đều được làm lễ tại đây. Và chỉ nơi này tôi mới thấy lại cây đàn organ lớn kiểu như đã thấy trong các nhà thờ bên Châu Âu.
Một góc St Patrick’s Cathedral vào buổi sáng gần giữa tháng Chín.
Và sắc xuân ở một góc trong Fitzroy Gardens. Cây vẫn chưa ra lá, trời còn lành lạnh. Nhớ mười mấy năm trước đến đây khoảng giữa tháng Mười, xanh hơn, đẹp hơn bây giờ. Một điều khác nữa là lúc đó người ta còn cười nói với nhau nhiều hơn, nhìn thẳng vào mắt nhau ‘đắm đuối’ hơn, sống thật hơn là cúi đầu nhìn vào màn hình điện thoại để tìm bắt Pokemon.