What's new

[Chia sẻ] Vanuatu - Xứ sở hạnh phúc diệu kỳ ở nơi tận cùng thế giới

Chuyến đi này em đã thực hiện từ năm 2016, có viết một vài bài trên mạng nhưng vẫn cố chờ xem có bác nào trên Phượt viết về Vanuatu trước không. Nay đã 2019 vẫn chưa thấy có động tĩnh gì về Vanuatu nên em xin phép viết bài kể lại hành trình rất đáng nhớ ấy, hi vọng lôi kéo được thêm bác nào chân có nốt ruồi đến đây và ở vùng đất sống chậm này thì sau 3 năm, có lẽ thông tin tình báo em thu thập được vẫn còn nguyên giá trị.

Năm 2016, Tổ chức nghiên cứu New Economics Foundation ở Anh công bố Chỉ số hành tinh hạnh phúc 2016 (Happy Planet Index – HPI) và Việt Nam xếp thứ 5 trong số 140 nước được khảo sát. Nhiều người còn đang tranh luận về tính xác thực của chỉ số này cũng như các căn cứ và số liệu của nhóm nghiên cứu vì họ không tin rằng Việt Nam có thể xếp hạng cao như thế. Emthì lại quan tâm đến một quốc gia khác mà hầu như người Việt Nam ngày nay không biết đến sự tồn tại của nó: Vanuatu (Va-nu-a-tu). Năm 2016, Vanuatu đứng thứ tư, trên chúng ta một bậc trong danh sách HPI, còn trước đó 10 năm thì nước này đứng vị trí số 1. Thôi thì chép miệng, lại bán thêm sào ruộng để lên đường. Mời các bác cùng em đi tham quan học tập một xứ sở hạnh phúc diệu kì ở nơi chân trời góc bể.

IMG_1594.jpg
 
1. Duyên nợ dẫn đến visa và xuất cảnh

Em đã manh nha có ý định đi Vanuatu được mấy năm, năm 2015 đã đọc cả đơn xin visa của Vanuatu, trong đơn có ghi rõ là lệ phí 3600 VT (Vatu là đơn vị tiền tệ của Vanuatu) và nộp cho Vanuatu Immigration ở Port Vila, Vanuatu với cái địa chỉ có mỗi số hòm thư. Nghe nó cứ mông lung thế nào, danh sách thì có ghi rõ hộ chiếu Việt Nam phải lấy visa trước khi nhập cảnh. Em điện thoại thẳng sang Cục xuất nhập cảnh Vanuatu để hỏi cho ra nhẽ nhưng không ai bắt máy. Lại điện tiếp cho Đại sứ quán Vanuatu ở Úc cũng không có ai nghe máy. Mò mẫm vào trang facebook của Đại sứ quán để nhắn tin. Không có ai trả lời!

Bẵng đi mấy tháng, vào một ngày đẹp trời, facebook tự nhiên báo có tin nhắn của Đại sứ quán nhắn tin hỏi: bạn đi bằng máy bay hay bằng du thuyền? Thế là ngứa tay ngứa chân vào ngay trang web của Air Vanuatu tra vé máy bay. Kiểu quái gì nó lại đang sale các bác ạ. Thế là nhắn lại cho Đại sứ quán rằng em đi máy bay ạ, các bác cần giấy tờ hành tỏi gì em thì xin cứ liệt kê. Nhưng rồi biệt vô âm tín! Em nghĩ quả này lại mấy tháng nữa mới trả lời thì bỏ **. Thế là bị mấy cái vé sale nó ám, em lao vào tìm thông tin, thấy ngoài Đại sứ quán ở Canberra thì còn có một ông lãnh sự danh dự ở Sydney. Lãnh sự danh dự không phải là viên chức Nhà nước, không nhận lương của Chính phủ bất cứ nước nào, được ủy nhiệm để thực hiện các chức năng lãnh sự của/ở các nước nhỏ. Các ông này thường là doanh nhân hoặc kiều dân, đứng ra giúp Nhà nước thôi. Nghĩ chắc chẳng có hi vọng gì nhưng em vẫn gọi. Ai ngờ ông ấy bắt máy ngay lập tức, xong bảo gửi hồ sơ visa cho ông ấy (giá là 50 đô Úc, rất sát với giá của Bộ ngoại giao Vanuatu qui định là 3600VT), chớ có gửi tiền đi Vanuatu. Ông ấy còn cẩn thận dặn, visa chỉ có hiệu lực 6 tháng từ ngày cấp nên không phải vội, mấy tháng nữa gửi cũng được. Trước khi cúp máy mới hỏi câu quan trọng nhất: "Anh mang hộ chiếu của Indonesia phải không?". Em ớ ra: "Không, em mang hộ chiếu Việt Nam ạ". Ông ấy ngần ngừ một lúc "Vịt Ngan à, để xem...", hình như giở sổ tra cứu gì đó xong bảo: "Ok, cứ 2 tháng nữa gửi đơn xin visa là được". Thấy có hiệu lệnh là em quất liền con vé. Email đến tay, mất ngay tấn thóc! Hai tháng sau mới xin visa, dù tỉ lệ trượt visa rất rất rất thấp nhưng vẫn là... hơi liều. Sau mấy hôm thì có visa gửi về là yên tâm đùm cơm nắm lên đường.
Vanuatu visa.jpg

Visa dập dấu kiểu đơn sơ mộc mạc của những nước nhỏ. Giống như visa của Việt Nam vào những năm 90 trở về trước vậy.

Vanuatu là một quần đảo được tập hợp bởi hơn 80 hòn đảo lớn nhỏ ở Nam Thái Bình Dương. Nơi đây là một điểm du lịch nghỉ dưỡng lí tưởng, đến mức nhiều người dân Úc và New Zealand chọn làm chốn dưỡng già lúc hưu trí. Thế nhưng ngoài biển xanh và cát trắng thì Vanuatu còn một điểm đến không thể bỏ qua đó là núi lửa. Núi lửa ở đây không phải chỉ bốc khói nghi ngút như ở Italia hay Indonesia mà đặc biệt ở chỗ là có thể đứng nhìn nó ngay cả khi dung nham nóng đỏ phun lên như suối lửa.

Thủ đô Port Vila của Vanuatu cách điểm gần nhất trên bờ biển Úc là Brisbane khoảng 2 tiếng rưỡi bay, Sydney thì 3 tiếng rưỡi còn Melbourne thì 4 tiếng rưỡi. Vì khoảng cách gần như thế nên nếu ngại đi Bali thì dân Úc sẽ chọn Vanuatu. Tuy nhiên vì giá vé máy bay thì không tương ứng với quãng đường ngắn chút nào, nên nhiều nhà thà ngồi sáu tiếng đi Bali mà vé rẻ còn hơn. Trải dài trong khoảng từ 13° đến 21° vĩ nam, kết hợp với vị trí địa lí là một quần đảo giữa đại dương nên khí hậu ở đây thuộc dạng nhiệt đới xích đạo, nóng ẩm quanh năm. Em chọn thời điểm vào cuối tháng Sáu, là khoảng thời gian đẹp nhất trong năm, không bão, ít mưa, vừa nắng và chưa nhiều khách du lịch vì bọn trẻ con ở Úc chưa được nghỉ học. Lúc này ở đại lục Úc và New Zealand đang là mùa đông giá lạnh, vừa mới qua ngày Đông chí của Nam bán cầu. Người Vanuatu cũng gọi mùa này là mùa đông mặc dù nhiệt độ không bao giờ thấp hơn 22°C, đại khái giống như mùa khô ở miền Nam.

IMG_1474_副本.jpg

Máy check-in tự động của hãng Qantas

Ở một nước nhân công đắt đỏ như Úc, nhất là trong ngành hàng không - dịch vụ sân bay (lương cao, đình công nhiều) thì việc tự động hóa đã được diễn ra khá sớm, cũng bởi lẽ họ cho rằng máy móc thì ít sai hơn con người (và ít đình công hơn). Chuyến bay đầu tiên là chuyến nội địa đi Brisbane, đi Qantas là Hàng không quốc gia, tưởng được phục vụ ai ngờ phải tự in vé, in mã hành lý, xong dán lên quai hành lý và tự bỏ vào băng chuyền. Với những người đi nhiều thì tiện vô cùng, chẳng phải xếp hàng hay phụ thuộc vào ai, họ làm nhoay nhoáy. Ai đi thường xuyên còn có một cái tag gắn chíp của Qantas, treo cố định trên vali, cứ đặt lên băng chuyền là xong, thông tin vé đã tự cập nhật trên hệ thống rồi, hành lý tự biết chủ sẽ đi đâu mà gửi đi theo. Hóa ra việc check-in cũng có gì ghê gớm đâu, vậy mà các em ngồi quầy check-in ở hai sân bay to nhất Việt Nam cứ làm như chức vụ quyền hạn của mình to bằng cái đình. Thực ra thì dùng máy còn có một cái lợi cho hãng là không lằng nhằng vụ hành lý quá cân, quá thì trả tiền, không năn nỉ ỉ ôi, du di gì được với máy ?.

Bay nội địa ở Úc còn dễ hơn đi xe buýt, người ta không kiểm tra giấy tờ tùy thân bao giờ, vé thì đến sân bay ra máy in tự in là xong. Em biết trước là mình bay hai chuyến, trong đấy chuyến thứ hai là quốc tế thì chắc sẽ không làm được trên máy nhưng vẫn thử làm cho biết. Ai ngờ ngay phát đầu tiên đút hộ chiếu vào nó đã không quét được thông tin trên dòng mã. Của vợ em thì quét được. Nên mới nói cái hộ chiếu của nước mình nó chán từ đầu đến chân. Từ ngày bọn Úc lắp cái máy xuất cảnh tự động, em lúc nào cũng phải qua cửa riêng để quét lại hộ chiếu vì máy không đọc được. Đấy là còn may vì các thông tin vẫn chính xác do làm ở Việt Nam, theo dõi trên các hội, những cái hộ chiếu cấp tại các sứ quán Việt Nam ở nước ngoài mới hồi hộp, có chị cầm hộ chiếu cấp tại Đại sứ quán Việt Nam ở Hàn Quốc, trong có đoạn ghi là "Public of Korea" bị Xuất nhập cảnh Hàn Quốc giữ lại vì tội dùng hộ chiếu giả mới dở khóc dở cười! Quay lại với việc check-in, quét mã không được, em tỉ mẩn nhập hết từng thông tin, mã hành lý in ra rồi nhưng đến đoạn in vé thì máy báo là phải ra quầy. Thế là hì hục xách hành lý ra quầy duy nhất có nhân viên. Vì máy thấy hành trình đi Vanuatu và hộ chiếu Việt Nam nên dữ liệu của nó yêu cầu phải có người kiểm tra visa trên hộ chiếu. Bố nhân viên Qantas giở mãi hộ chiếu mà không thấy visa, em phải chỉ cho mới gật gù, chắc cũng choáng với quả visa của em nên xoay ngang xoay dọc một lúc rồi bảo: "Chắc là... được" rồi thả cho đi.

IMG_1482_副本.jpg

Thành phố bò lan ra kiểu Úc không có nhà cao tầng ở ngoại ô với những cánh đồng cỏ để thả... máy bay

IMG_1483_副本.jpg

Ga nội địa sân bay Brisbane với tàu vào thành phố. Phải đi xe buýt sang ga quốc tế.


Em chưa từng xuất cảnh ở Brisbane bao giờ nên lần này cố ý để đi cho biết. Các bác ở Brisbane hay ca tụng thành phố này chứ dân miền Nam nước Úc chúng em, cả Tây cả Ta đều ngán dân Queensland đến cổ. Chả là em muốn được hoàn lại ít tiền thuế của đôi giày và cái ví mới mua nên rụt rè đưa ra cái hóa đơn cho mấy đồng chí xuất nhập cảnh kiêm hoàn thuế ở đây xử lý. Đôi giày để trong vali ký gửi, đã có dấu đóng trên hóa đơn "xác nhận đã ký gửi" của sân bay hẳn hoi mà mấy mẹ này nhất quyết không cho lấy tiền, bảo là phải có hàng thật ở đây thì mới chắc chắn là sẽ đem theo xuất cảnh. Em bảo là xác nhận lù lù đây, cứ giả tiền đi, tội vạ đâu tôi chịu, mấy mẹ giở bài dọa nạt, cái này phải gửi văn bản hỏi ý kiến trên Canberra mới dám quyết. Nếu ở Sydney hay Melbourne thì xong lâu rồi, nhanh lên vì còn cả trăm người khác đang chờ. Ở đây thì vắng tanh, và có lẽ vắng là vì mấy mẹ này. Lúc đầu tưởng mấy mợ hành tỏi dân châu Á, sau thấy bà người New Zealand còn bị quát nạt ghê hơn, soi từng cái dây diện, xong bị đe dọa là nếu đem cái Macbook này trở lại Úc (hàng trị giá trên $900) thì sẽ bị phạt rất nặng. Mình nhìn thấy ngứa mắt lúc sau mình bảo bà New Zealand, bác cứ tự nhiên là đem lại Úc mà dùng, chả có ai rỗi hơi chặn đường lột đồ từng khách, xem khách nào nhập cảnh mang theo hàng đã hoàn thuế cả, thế là bà ấy mới thở phào nhẹ nhõm. Vợ em thì từng sống ở Queensland một thời gian nên bảo ở vùng này, cái gì cũng bảo thủ, người thô lỗ thì thô ra mặt, người đồng tính còn bị kì thị hơn dân Hồi giáo, nên bang Queensland luôn là đại bản doanh của các chính trị gia cực hữu, toàn phát biểu nghe rất ngứa đít. Sau lần này là em bái bai, không hẹn gặp lại luôn.

IMG_1488_副本.jpg

Ngồi chờ đến giờ xuất chuồng

IMG_1490_副本.jpg

Chuyến bay của Air Vanuatu codeshare với Qantas. Sân bay như thường lệ ở Úc, chi chít những cái đuôi đỏ của Hãng Kangaroo bay.

IMG_1491_副本.jpg

Lượn lờ lần cuối trên bầu trời Brisbane rồi ôm phản lao ra biển
 
Last edited:
2. Ấn tượng đầu tiên
IMG_3963.jpg

Máy bay Boeing 737-800 loại nhỏ giống A321-200 bay nội địa của Vietnam Airlines

IMG_1493_副本.jpg

Suất ăn trên máy bay, cơm thịt bò xào rau củ luộc thông thường. Có bánh lamington là bánh ga tô kiểu Úc lăn một lớp dừa khô, các nước Nam Thái Bình Dương nổi tiếng với đặc sản dừa nên đồ tráng miệng hay có dừa. Bia Tusker của Vanuatu, tusker là con lợn rừng, cái răng nanh lợn rừng là một vật trang sức cho đàn ông, là chiến lợi phẩm của con người từ thời nguyên thủy, là biểu tượng của Vanuatu.

IMG_3966.jpg

Trong quyển tạp chí trên máy bay, trong mục quảng cáo cho dịch vụ tài chính, có ông nào chắc bị lừa nên cay quá, khoanh tròn cả mặt kẻ lừa mình trong tạp chí và ghi "Don't trust this man" (Đừng tin tên này). Vanuatu là một thiên đường thuế nên thu hút khá nhiều người nước ngoài đến đầu tư, ở đâu có đầu tư ở đó ắt có dòng chữ đỏ "Chinese spoken".

IMG_3967.jpg

Máy bay hạ cánh xuống Sân bay quốc tế Bauerfield, trông đơn giản như kiểu Sân bay Phú Bài ngày xưa vậy.

IMG_3969.jpg

Chuyến bay hạ cánh lúc 9h30 phút tối

IMG_3971_副本.jpg

Máy bay vẽ màu sắc rất sặc sỡ, đặc trưng cho văn hóa Nam Thái Bình Dương

IMG_3973_副本.jpg

Hàng người chờ nhập cảnh với 98% là người Úc, 2% còn lại thì các bác biết rồi đấy... có 1% là người Pháp


Như thường lệ, khi đưa cuốn hộ chiếu màu xanh lá chuối của mình qua khe kính của quầy xuất nhập cảnh là người ngồi bên kia sẽ bị vài giây chững lại. Anh nhân viên xuất nhập cảnh không biết xử lý ra sao phải xin lỗi em để chạy đi tìm ông sếp. Ông sếp vào phòng lục lọi một lúc lâu mới lấy ra được một cái hộp gỗ to, bên trong có một con dấu bụi mù, to tướng, bằng nửa trang hộ chiếu để đóng. Chuyện là Vanuatu miễn thị thực cho hầu hết các nước, và mọi khi nước nào không miễn cho Việt Nam thì cũng thường không miễn cho người anh em chí cốt Trung Quốc, nên hộ chiếu đỏ tiết canh và hộ chiếu xanh tàu lá là đôi bạn thân. Thế mà ở đây Trung Quốc lại được miễn, nên cái con dấu đặc biệt kia quanh năm chẳng bao giờ được dùng là phải. Cả anh đóng dấu lúc đi và lúc về đều khẳng định đời các anh chưa thấy cái hộ chiếu Việt Nam bao giờ. Vậy là cộng đồng Việt Nam ở đây ít hơn em tưởng, hoặc là đã mang hộ chiếu khác, còn các bác đi công tác thì có visa ngoại giao nên không đóng con dấu này.

IMG_3974_副本.jpg

Xếp giữa hàng mà em vẫn ra cuối cùng!

Em xong thì đã là người cuối cùng và cũng là chuyến bay cuối cùng trong ngày lúc 10 giờ tối. Hai anh xuất nhập cảnh tắt điện đi về, mấy anh soi chiếu an ninh không đợi được, tắt máy về trước, còn mỗi bà chị kiểm dịch hỏi em có mang thức ăn gì không, em thật thà khai có hai quả bơ thế là bị bảo tự ra đằng kia vứt vào sọt rác (phải đứa nào gian chắc chỉ vứt giả vờ cũng xong). Ra đến sảnh thì nhân viên cả sân bay còn phục vụ mỗi mình em. Đổi tiền xong thì anh bên trong cũng tắt điện, ra đến ngoài taxi thì cả sân bay tắt điện luôn!

Bên trong sân bay tối om, ra ngoài cũng tối om luôn, mấy anh lái xe thì da đen thui nên càng tối mà cũng chẳng còn cái taxi nào, bao nhiêu taxi khách ra trước đã bắt về thành phố cả. Mấy anh đứng ngoài vỉa hè thế nào lại vẫy được cho mình một bác tài già, xe thì cà khổ, bẩn bẩn trông cũng ghê. Không còn sự lựa chọn nào đành leo lên xe, giá bác tài thông báo cũng khớp với giá em đã nghiên cứu trước trên mạng, không chặt chém. Bác tài nói được mấy câu tiếng Anh, không tốt lắm, nhưng cũng giởi hơn cả trăm triệu người Trung Quốc rồi, chỉ có điều khi bảo là cho về nhà nghỉ Central Inn thì bác cứ ậm à ậm ờ. Từ sân bay về đến thành phố có 6 cây, nhưng mà đường tối om om nên tưởng như nó dài vô tận. Về đến thành phố thế đ' bác tài lại buột miệng: "Central Inn là cái chỗ nào nhỉ, chưa nghe bao giờ". Bác tài xuống hỏi đường là em bị nghe chửi luôn vì đặt nhà nghỉ không uy tín, có khi bị lừa rồi, trời thì tối nên càng mất bình tĩnh. Kinh nghiệm rút ra là gì, đi chơi, cố gắng mà chọn chuyến bay hạ cánh ban ngày, đỡ bao nhiêu cái phiền hà, lo lắng.

Cuối cùng cũng tìm ra nhà nghỉ, nhưng cửa vào nó lại phải đi vòng ra đằng sau, qua một cái ngõ tối như ngõ phố cổ, đường thì đang sửa, đất đá lởm chởm. Cậu lễ tân ngồi thu lu trong bóng tối, có mỗi ánh sáng xanh của máy tính hắt lên mặt. Trời nực và mồ hôi ra dinh dính trên người như kiểu ở Việt Nam cuối hè, đã lâu không có cảm giác này. Thôi mặc kệ, ngả lưng cái đã, mai tính tiếp.
 
3. Thức dậy ở nơi xa
Sáng ngủ dậy thì thấy nhẹ nhõm hơn hẳn, trời nóng nhưng không khí rất trong lành và thoáng mát, cảm giác không khí còn sạch hơn cả ở Úc, có lẽ do ít xe cộ chăng? Nhà nghỉ ở ngay mặt đường nhưng không ồn ào, phía dưới tầng 1 có một quán ăn kiểu Mỹ. Lần đầu tiên hiểu được cảm giác của khách du lịch từ những nước giàu có đến Việt Nam hơn 20 năm về trước, những người Nhật, người Đức ở nhà nghỉ của nhà em hồi ấy chắc cũng có ấn tượng như em bây giờ.

IMG_3977.jpg

Nhà nghỉ đúng kiểu Việt Nam 20 năm về trước và có lẽ bây giờ ở Việt Nam vẫn có những kiểu nhà nghỉ này ở các thành phố nhỏ. Thế mới biết nước mình đã phát triển nhanh chóng đến thế nào.

IMG_3978.jpg

Toa-lét chung cho dãy phòng dorm giường tầng.

Lúc ấy khách sạn này mới mở nên trên Tripadvisor còn chưa có review nào. Thấy giá rẻ so với mặt bằng chung lại ngay trung tâm nên em quất luôn. Khi đi du lịch, nếu không dám tự lái xe thì vị trí khách sạn ở trung tâm là quan trọng nhất, đi đâu cũng dễ, tiết kiệm chi phí và công sức. Như người ta vẫn nói về 3 yếu tố quan trọng nhất đối với một bất động sản: vị trí, vị trí và vị trí.

IMG_3984.jpg

Quầy lễ tân

IMG_3985.jpg

Chủ khách sạn là người Hoa, và có giấy đăng kí kinh doanh luôn. Địa chỉ khách sạn: Cạnh ngân hàng ANZ :LOL:


IMG_3979.jpg

Phía sau khách sạn là bờ Vịnh với những du thuyền trắng muốt, con đường ven biển đang thi công nên tối qua đi đất đá lởm chởm, giờ sáng rõ thì thấy sạch, đẹp không đến nỗi nào

IMG_3980_副本.jpg

Ngay bên trái là Chợ Trung Tâm, hòn đảo Iririki bên phải giờ là resort nghỉ dưỡng, trước đây là bệnh viện của người Anh

IMG_3987.jpg

Lối vào phía sau, ngay cạnh ngân hàng nên cũng yên tâm, tối đến có bác bảo vệ ngân hàng ngồi ngủ gật

IMG_3986.jpg

Và các đồng chí công nhân đến từ Trung Quốc đại lục. Thấy em đứng láo lơ nên các bác chạy lại hỏi han "đồng hương" ngay, em chỉ biết mỗi câu: "Ủa pú xư trung của rẩn" (Tớ không phải người Trung Quốc) thì các đồng chí ấy đồng thanh: "Xin Gia Ba?" (Singapore?). Em bảo là "Yuê Nán" thế là xì xào một lúc rồi cười, chào đi, chắc chả biết "Yuê Nán" là nước nào.

IMG_1521.jpg

Tầng 1 phía trước khách sạn là hàng bán đồ lưu niệm. Có đoàn xe mô tô bốn bánh chạy qua. Đây là tour đi xe này tự lái vòng quanh đảo. Nhìn cũng lãng mạn phết, mỗi tội ngồi đau mông lắm nên em chả ham.

IMG_1520.jpg

Đi èn èn thế này hóng gió cũng mát
 
4. Chuyện tiền nong
Vanuatu có đồng tiền riêng gọi là tiền Vatu. 1 đô Úc ăn khoảng 80 đồng Vatu. Khách nước ngoài mang theo chủ yếu là đô Úc và đô Mỹ, tiền Euro, tiền Yên đều đổi được cả nhưng phải đổi ra tiền Vatu mới tiêu được, dù hầu như chỗ nào họ cũng nhận đổi tiền Úc cả. Tỷ giá có thể thấp hơn tí 1AUD/75 VUV chẳng hạn. Lần thứ hai, sau lần đi Fiji, mới thấy tiền Úc thực sự là ngoại tệ mạnh.

IMG_1539.JPG

Tiền giấy là tiền polymer, có các mệnh giá 200, 500, 1000, 2000, 5000, 10000. Từ 100 trở xuống thì dùng tiền xu

Các nước đệ tử của Úc đều dùng tiền polymer. Việt Nam ta cũng dùng công nghệ in tiền polymer của Úc nhưng không hiểu sao màu tiền cứ xỉn xỉn và chất polymer thì rất xấu. Tiền Úc dày dặn và đẹp hơn nhiều. Ngay tiền của mấy nước nhỏ tí như Vanuatu hay Fiji này khi cầm đều thấy màu đẹp và chất tốt cả.

Em không mang theo nhiều tiền mặt, đề phòng mất mát nên cứ tiêu đến đâu mới rút và đổi đến đấy. Các ngân hàng ANZ và Westpac của Úc nên cho rút tiền Úc có điều mất phí cao. Có rất nhiều chỗ đổi tiền nhưng cứ chọn chỗ uy tín mà đổi. Em đổi ở Goodies là có tỉ giá tốt nhất. Trong cửa hàng đổi tiền có ATM và rút thẳng được ra tiền Úc luôn, phí thấp hơn ngân hàng rất nhiều! Rút xong thì ra quầy đổi. Ông em họ ở Việt Nam đòi mấy đồng tiền Fiji để sưu tập (vì lần trước đi Fiji không mang đồng nào về), trên bảng tỉ giá cũng có cả đồng Fiji nhưng họ không có tiền. Em đi thêm đến Ngân hàng Quốc dân (National Bank of Vanuatu) mà cũng chịu, không có tiền Fiji, nên tỉ giá để cho vui thôi!

IMG_4182.JPG

Ngân hàng thương mại duy nhất ở Vanuatu với 27 chi nhánh toàn quốc, các ngân hàng Úc thì chỉ có ở thành phố lớn.

IMG_1911_副本.jpg

Đợi rất lâu nhưng cuối cùng câu trả lời là không có tiền Fiji.
 
Từ đây trở đi, em sẽ không chia sẻ theo dòng thời gian nữa, mà chia sẻ theo chủ đề, như thế sẽ đi sâu vào chi tiết và mạch lạc hơn.

5. Năm mươi sắc thái của màu xanh

Hồi học năm hai đại học, em có một ông thầy Tây rất đẹp trai, ngũ nhạc cân đối, mái tóc xám lúc nào cũng chải ngược, rẽ ngôi thẳng tắp và luôn luôn có một sợi cố ý để cong ra trước trán. Buổi học đầu tiên lớp chật cứng chỗ, mấy em nữ trong khoa Kiến trúc xây dựng vốn nam tính mà cũng sồn sồn cả lên. Thế nhưng bài thầy giảng thì chán không thể tả, giọng thầy đều đều không có âm điệu, em kiên cường lắm cũng chỉ được hai tiếng là gục. Mấy thằng láo toét bảo: “Ông này đầu toàn đất”, về sau anh em lịch sự hơn thì nói: “Đầu thầy có sỏi”. Sở dĩ gọi thế là vì thầy dạy môn Cơ học đất. Đặc biệt cái là mỗi khi miêu tả đất đá thầy lại trở nên hăng say lạ thường, bề mặt đất mà thầy coi nó mịn như da người tình, nói đến dung nham phun trào thì mặt thầy đỏ gay như lên đỉnh. Thi cuối kì gần một phần ba bài là hỏi tên các loại đá. Mấy đứa không thuộc mặt chữ, bỏ giấy trắng, ra về quăng sách, ức, chửi: “Học cái này thì cạp đất mà ăn à?”. Lúc ấy em cũng đồng tình thế, cả đời này chắc chẳng bao giờ nhìn thấy mấy loại đá cổ đại chui ra từ mồm núi lửa thì học làm gì. Thế mà đời nào biết chữ ngờ, cuối cùng lại có ngày em bỏ tiền ra đi xem núi lửa.

Đi xem núi lửa phun trào là hoạt động đỉnh cao nhất của việc du lịch Vanuatu. Rất tiếc là không phải ai cũng biết đến, dám đi và có... điều kiện đi. Thủ đô Port Vila nằm trên đảo Efaté, lớn thứ hai, còn núi lửa Yasur lại ở trên một hòn đảo nhỏ hơn tên là Tanna.

Vanuatu map.png


Bản đồ Vanuatu với 3 địa điểm du lịch chính là Đảo Efaté, đảo Espiritu Santo và đảo Tanna.

Khách Tây thường đi Santo là chính, vì có nhiều hồ nước xanh và các khu nghỉ dưỡng sang trọng. Nhưng với em đi Vanuatu là để tìm trải nghiệm khác biệt: xem núi lửa Yasur hoặc xem land diving trên đảo Pentecost. Lúc em đi là cuối tháng 6, đã hết mùa land diving nên cuối cùng chỉ đi núi lửa mà thôi. Ở những đất nước toàn đảo thì đi máy bay là phương tiện di chuyển thích hợp nếu không muốn nói là duy nhất. Hãng hàng không quốc gia Air Vanuatu cũng có một chuyến một ngày bằng máy bay ATR-72. Cuối cùng em quyết định đặt vé của một hãng tư nhân (Air Taxi), bao trọn gói xe đưa ngựa đón, xem chơi ngủ nghỉ và đi bằng một máy bay nhỏ, chỉ có 8 ghế hành khách. Bù lại đường bay linh hoạt hơn, sẽ lượn vòng qua gần miệng núi lửa và có cửa sổ rộng để ngắm cảnh rừng biển. Có ba tour một ngày đi xem núi lửa: sáng sớm, giữa trưa và chiều tối. Tour đi vào lúc hoàng hôn là đắt nhất, vả lại nghe giang hồ đồn là xem lúc chạng vạng mới thấy nó đẹp nhất nên nhấc lên đặt xuống mãi rồi cũng quyết định móc hầu bao. Tất cả chương trình tour chỉ có một ngày, đi từ trưa hôm trước đến trưa hôm sau về, không có ăn tối mà giá khá chát (600 AUD/người) nên bài học thực tế về môn địa chất của ông thầy ngày nào cuối cùng lại thành “đắt giá” là vì vậy. Đã đi núi lửa thì coi như khỏi đi Pentecost vì... hết xèng.

Em đặt tour qua email và họ không hề bắt trả tiền trước, đến sân bay mới phải trả. Chỉ có điều họ hỏi... cân nặng của em! Máy bay bé, nên phải cân đong cẩn thận. Đến hôm ngồi ở nhà nghỉ, thế nào lại vớ được một quyển toàn coupon, quyển này bán ở nhiều cửa hàng lưu niệm, có coupon giảm giá cho rất nhiều dịch vụ ở Vanuatu, mua một quyển mấy chục đô nhưng nếu... tích cực tiêu tiền thì tiết kiệm được kha khá. Quyển của nhà nghỉ đã bị khách xé gần hết coupon, thế nào lại còn sót trang của Air Taxi, em vội bóc tem ngay, thế là giảm được 10%, đủ ăn mấy bữa ? .

Có xe đón em ở nhà nghỉ và đi quanh thành phố để đón thêm hai gia đình nữa.

IMG_1742.JPG

Xe đón một gia đình ở trên resort Hideaway Island này, đợi mãi họ mới đi xuồng từ đảo ra, làm mọi người bị muộn giờ. Một gia đình Tây ba người, sau mới biết là người New Zealand ở Úc. Đảo này có bưu điện duy nhất trên thế giới ở dưới nước. Bưu điện này có một nhân viên của Công ty Bưu điện Vanuatu làm việc hẳn hoi, khách muốn bỏ thư phải đeo bình lặn để lặn xuống bỏ thư vào hòm.

IMG_1743.jpg

Sân bay quốc tế Bauerfield đã cũ và nội thất cực kỳ đơn giản, tương tự như các sân bay Cát Bi hay Kiến An ngày xửa ngày xưa vậy. Chuyến đi này cứ như du hành thời gian về Việt Nam của thời mới mở cửa.

IMG_1744.jpg

Quầy của hãng Air Taxi. Họ có dịch vụ bay thuê chuyến đi tất cả các đảo nên mới gọi là "Taxi". Gia đình New Zealand đang cân hành lý. Họ bất lịch sự và xử sự trịch thượng vô cùng, từ bố mẹ đến đứa con lúc nào cũng vênh váo. Em thì không vấn đề gì, với những đối tượng như thế mình càng phải nhã nhặn, lịch sự chứ chẳng nhẽ ăn miếng trả miếng thì mình khác gì họ.


Đây là lần đầu tiên em tiếp xúc lâu với người New Zealand nhưng mất luôn cảm tình. Có thể có người này người kia nhưng rõ ràng người New Zealand không giống người Úc. (Người New Zealand (và vài người Việt ở NZ hay nửa đùa nửa thật) vẫn tự hào rằng đặc trưng của nước họ là "da trắng và dân chủ", là người Anh sang làm đồn điền, khác với nước Úc ô hợp, tổ tiên là tù nhân). Tuy nhiên thật nực cười vì họ cũng ăn nhờ ở đậu nước Úc nhưng lại cứ tưởng mình "thượng đẳng". Có một chi tiết khá buồn cười là lúc bay về Úc em nhận ra nhà này ngay ở chỗ làm thủ tục nhưng họ lờ đi không chào, và đến lúc vào phòng chờ em còn nghe thấy rõ giọng khinh khỉnh của bà vợ nói về mấy người Úc đi chuyến bay (cùng thời điểm) của Virgin Australia (là hãng giá rẻ), còn họ đi Air Vanuatu - Qantas (ý là hàng không quốc gia). Ghét của nào trời trao của ấy, lúc lên máy bay về Úc, nhà này ngồi ngay sau nhà em. Lúc cho hành lý lên ngăn thì làm rơi bố nó cái ví xuống người em xong giả vờ nhận ra, cười nhạt: "Ơ, anh chị đấy à?". Tởm lợm. Đến lúc bay chuyến nội địa Úc lại... ngồi ngay sau nhà em, nhưng mà chuyến đấy trống ghế nên tự lủi đi chỗ khác.

IMG_1745.jpg

Mấy gia đình cũng đang chờ máy bay trong khu vực cách ly có lẽ là người Bangladesh hoặc Pakistan đi xuất khẩu lao động, không ngờ sang đến tận đây. Thế mới biết ở đâu cũng cần lao động nhập cư, bất luận nước giàu hay nghèo.

Lịch trình là bay sang đến Tanna sẽ lên xe 4WD đi luôn đến núi lửa, đi đến tối mới được ăn mà bên ấy thì cơ sở vật chất còn nghèo nàn sẽ không có gì mà mua. Biết vậy nên cứ chuẩn bị trước cho chắc, trong ba lô ngoài mấy manh áo cộc còn lại toàn là đồ ăn và hai chai nước to tướng lỡ mua từ hôm trước. Ra đến sân bay nghĩ thầm, quả này an ninh không cho mang nước lên thì anh quyết đứng giữa phi trường gân cổ uống cho bằng hết. Ai ngờ anh phi công ra tự giới thiệu với cả đoàn rồi mở một cái cửa ngách để mọi người đi thẳng ra máy bay: oách như đi chuyên cơ riêng! Nhưng thấy máy bay bé tí thì cũng có người tặc lưỡi. Mình xếp đồ vào khoang thì thấy cái túi của anh râu quai nón ngồi trên có cờ của EU và ghi “Đại diện cao cấp của EU về thương mại”, thế là thấy yên tâm hẳn. Chẳng may có mệnh hệ gì, chắc cũng được tổ chức… theo cấp nhà nước. Nhà New Zealand thì có vẻ kinh nghiệm, lấy nút tai ra bịt.

IMG_4035_副本.jpg

Máy bay tí hon của hoàng tử bé

IMG_4037.jpg

Hành lý xếp vào khoang ở đuôi máy bay nên phải cân hành lý và cân khách sau đó tính toán và sắp xếp chỗ ngồi sao cho trọng lượng dàn đều trên máy bay


IMG_4042.JPG

Bên trong khoang máy bay. Đây là máy bay Britten-Norman BN-2 Islander của Anh, loại máy bay nhỏ bán chạy nhất ở châu Âu, đã và đang sản xuất suốt 50 năm nay.
 
Last edited:
Giá trị lôi cuốn khách du lịch đến với Vanuatu nằm ở chính vẻ đẹp thiên nhiên nguyên sơ của nó. Khi máy bay cất cánh nhẹ nhàng rồi từ từ lên cao mới thấy rõ điều ấy. Màu xanh dần hiện lên qua cửa sổ máy bay và rồi trải dài dưới muôn vàn sắc độ khác nhau. Con mắt người lữ khách được thỏa mãn bởi tấm thảm xanh ngập tràn, mịn màng và dịu mát: trời xanh, biển xanh, đồng cỏ xanh và núi rừng xanh. Anh phi công thông báo qua… miệng rằng hôm nay thời tiết tốt, sẽ bay dưới mây. Màu xanh mỡ màng của những cánh đồng cỏ rộng lớn và nhất là màu xanh thẳm của đại dương thật khó mà diễn đạt. Có lẽ những người lập trình của game Đế chế (Age of Empires) cũng từng ngồi máy bay kiểu này chăng mà đồ họa giống hệt như những gì mình đang thấy. Cả không gian khoáng đạt cho đến tận chân trời không có một sự vật nào ngoài hai mảng màu khổng lồ: xanh da trời bên trên và xanh nước biển bên dưới. Rồi nắng vàng. Nhìn thấy rõ cả những chuyển động của sóng trên mặt nước. Gọi tên màu thanh thiên và màu xanh dương không thể chính xác hơn và có lẽ cũng đã đạt đến giới hạn của những gì mà con người có thể mô tả.

IMG_1880_副本.jpg

Chuẩn bãi gỗ trong Đế chế nhé, có bãi gỗ này thì lên đời sớm luôn

IMG_1759_副本.jpg

Bờ biển

IMG_1775_副本.jpg

Một căn nhà nhỏ trên đỉnh núi ở Tanna. (..)Trên ngọn núi cao, có hai người, chỉ có hai người yêu nhau. Thiết nghĩ Tây Nguyên nhà ta mà có những tour đi máy bay ngắm cảnh núi lửa với thác hồ chắc cũng hấp dẫn khách du lịch lắm.


Bạn có biết tại sao ta lại cảm thấy mát mắt khi nhìn vào màu xanh? Tại sao bác sĩ phẫu thuật lại mặc quần áo xanh lá cây hoặc xanh nước biển? Vì trong phòng mổ, các bác sĩ phải tập trung nhìn vào máu của bệnh nhân và ánh sáng của đèn có công suất lớn, màu đỏ là màu có bước sóng lớn nhất trong quang phổ ánh sáng, dễ gây mỏi mắt, thiếu tập trung và làm nhòe các màu khác. Các màu xanh là những màu đối lập với màu đỏ trong bảng màu, bù lại sự cân bằng nên sinh ra cảm giác dễ chịu khi nhìn. Khi làm việc quá lâu trong phòng thì cách thư giãn mắt đơn giản nhất là ra ngoài nhìn vào những tán cây xanh. Chính vì thế mà khi máy bay chao liệng chuẩn bị hạ cánh thì mọi hành khách đều trầm trồ trước những mảng màu như tranh vẽ đang hiện ra trước mắt. Đúng là đắt xắt ra miếng, thị lực như được bồi bổ.

IMG_1763_副本.jpg

Núi đồi chạy ra đến tận biển xanh ngằn ngặt. Nằm trên Vành đai lửa Thái Bình Dương nên những hòn đảo của Vanuatu đều là đảo núi lửa.

IMG_4060_副本.jpg

Máy bay tiến đến gần núi lửa, nền địa chất thay đổi, các mảng xanh lùi lại

IMG_4062_副本.jpg

Và thoáng thấy miệng núi toang hoác, nghi ngút khói qua ô cửa máy bay


Sân bay Tanna bé xíu, mỗi ngày chỉ đón hai đến ba chuyến bay, những dãy nhà lợp mái tôn trông giống như nhà kho hơn. Từ khi máy bay dần hạ cánh cho đến lúc ngồi xe về nhà nghỉ là một màu xanh rì bao trùm lấy không gian. Những cánh rừng nhiệt đới vẫn xanh như chưa hề có bàn tay con người khai phá. Đến tận ngày nay vẫn còn một bộ tộc trên đảo kiên quyết sống theo tập tục từ thời nguyên thủy, họ được chính quyền giúp gìn giữ truyền thống để phục vụ du lịch.

IMG_4066_副本.jpg

Sân bay Whitegrass (Cỏ trắng) làm nghĩ ngay đến Sân bay Cỏ Ống ở Côn Đảo 20 năm trước

IMG_1779.jpg

Phòng chờ trong nhà ga hành khách

IMG_1780.jpg

Quầy làm thủ tục


Trong lúc đang chờ xe của khách sạn đến đón, em bắt chuyện với anh phi công. Tia thấy anh đeo cái túi của Air New Zealand liền hỏi xem có phải anh làm cho hãng ấy không. Anh chàng phi công lúc đầu cũng giữ khoảng cách (người New Zealand mà, không thân thiện như người Úc) nhưng sau tò mò vì ít thấy có khách châu Á như em nên cũng trao đổi nhiệt tình. Thì ra anh này vốn là công nhân kĩ thuật máy bay của hãng Air New Zealand, sau đi học phi công và rồi lái máy bay ở đây. Nếu không biết rõ mà nghe thế thì cũng thấy sờ sợ nhưng thực ra việc lái máy bay ở Úc với New Zealand rất phổ biến, nông dân người ta còn lái máy bay như đi chợ. Em hiểu ra ngay vấn đề và hỏi, anh phi công cũng xác nhận lại: bay ở đây là để tích lũy giờ bay, khi có số giờ bay cao hơn rồi thì có thể về New Zealand lái máy bay to hơn. Em không dám nói với ai trong đoàn: rằng các ông đang tập bay đều ra đây "tập luyện" hằng ngày cả! ? Dĩ nhiên phi công phải có tối thiểu 1500 giờ bay trong trường lái rồi thì mới được phép bay thương mại, hàng không là ngành bị quản lý quốc tế chặt chẽ nhất, tuy nhiên, ngồi sau mấy ông mới có bằng lái thì vẫn hãi. phải không các bác?
 
6. Ngắm núi lửa sục sôi trong hoàng hôn đỏ rực

IMG_1781_副本.jpg

Xe của khách sạn đến đón là xe bán tải... cải tiến. Phía sau là hàng phượng vĩ quen thuộc, có điều ở đây, phượng nở hoa vào mùa hè, tức tháng 12.

IMG_1782_副本.jpg

Gia đình New Zealand chạy ngay lại xe đầu tiên, lên chiếm chỗ trước rất nhanh. Em thấy anh phi công đủng đỉnh nên cũng nán lại. Sau xe này thì có xe cao cầu 7 chỗ đến. May quá không ngồi xe kia vì đường vào khách sạn là đường đất bụi mù, lại xóc. Ăn cỗ đi trước, lội nước theo sau, bên NZ chắc không có câu tục ngữ này ?


Về khách sạn cất đồ xong là tất cả ra xe để lên đường đi núi lửa luôn cho kịp hoàng hôn xuống. Mọi người đều được dặn mang theo áo khoác vì trên đỉnh núi rất lạnh. Nghịch lý phải không các bác? Đi núi lửa nóng mấy triệu độ nhưng khăn áo kín mít.

Mặc dù núi lửa phun trào không phải chuyện đùa, dung nham nóng chảy có thể lấy đi cả nghìn sinh mạng trong một thời gian ngắn, nhưng hàng vạn du khách vẫn đến Vanuatu mỗi năm để được tận mắt chứng kiến cảnh tượng hùng vĩ trong lòng núi lửa. Để đảm bảo an toàn cho khách tham quan, Cục khí tượng địa chất Vanuatu thường xuyên quan trắc và cung cấp thông tin cho người dân về mức độ hoạt động của núi lửa. Có sáu cấp độ từ 0 đến 5, ngày em đến núi lửa đang ở cấp độ 1, cấp độ 3 là chính quyền sẽ không cho phép đến gần núi lửa. Núi Yasur được mệnh danh là “ngọn núi lửa đang hoạt động dễ tiếp cận nhất thế giới” vì xe có thể chạy lên đến sát gần miệng núi lửa nên trên thế giới chỉ có duy nhất ở đây du khách mới có thể dễ dàng tham quan dù núi lửa có mặt khắp nơi trên hành tinh này. Hành khách chỉ có việc xuống xe và leo bộ chừng 30 phút trên một đoạn đường không dốc lắm. Vì thế trong đoàn có cả những bác đã lớn tuổi.

Từ khách sạn đến chân núi phải mất hai tiếng chạy đường đất, hiếm lắm mới có đoạn đường bê tông. Với em thì có thể coi là hơi xóc nhưng với các chị em cô bác Tây thì như kiểu lòng mề lộn tung lên cả. Những con đường đất này được mở cũng là nhờ nguồn viện trợ của Chính phủ Australia. Ở gần thị trấn thì thấy một công ty Trung Quốc đang tiến hành xây những đoạn đường bê-tông đầu tiên trên đảo, họ đang cưa, chặt những cây cổ thụ khổng lồ ven đường.

IMG_1784.jpg

Chợ làng ven đường

IMG_1786_副本.jpg

Đồi núi, đèo dốc trập trùng rất hoang sơ và xinh đẹp. Các bác tài đều có tay lái rất vững

IMG_1788_副本.jpg

Thiên nhiên khoáng đạt vô cùng. Qua đèo Tanna mây bay đỉnh núi, nhớ khi xưa qua đèo qua suối...


Xe dừng ở một khu du lịch đơn sơ dưới chân núi để tiến hành "nghi lễ cho phép" trước khi lên thăm mẹ núi.

IMG_1803.jpg

Vé vào "khu du lịch". Hình in trên góc vé có độ phân giải thấp chứ không phải ảnh mờ đâu nhé các bác

IMG_1805_副本.jpg

Già làng mặc khố rơm ra trước. Ông là người thực hiện nghi lễ xin phép Mẹ Núi và cầu chúc cho đoàn lên đường bình an may mắn.


Đến đây thì có thêm nhiều người của các đoàn khác, tất cả cùng nhập hội để đi một lượt. Có mấy hàng ghế làm bằng thân cây thế này, có biển tên đề từng nước: Úc, New Zealand, Pháp, EU, bọn em định sang ngồi ở hàng "Còn lại" (Others) nhưng có hai ông bà người Melbourne rất dễ thương, gọi bảo: "Hai đứa sang đây ngồi luôn, đã ở Úc rồi thì vẫn tính là người Úc, vợ chồng bác cũng ở Anh mới sang được 50 năm chứ mấy".

IMG_1807_副本.jpg

Dân làng xếp thành vòng tròn, nhảy và hát theo nghi lễ tế thần, phụ nữ có mặc áo, không để ngực trần như "truyền thống" nữa. Nghe đâu bài hát có lời là: "Gió đưa miệng núi lạnh lùng, ra đi đoàn khách quyết không trở về!"


Già làng sau đó đến chào từng "bộ lạc" Úc, New Zealand, Pháp... để cho phép được vào lãnh địa của Thần Núi. Đi vệ sinh xong là cả đoàn lại lên đường. Xe đến gần núi lửa thì một màu xám xịt mênh mông bắt đầu hiện dần ra. Tro núi lửa phủ kín cả một vùng rộng lớn. Trên nền đất, các lớp tro bị gió thổi tạo thành hình những lớp sóng như đồi cát ở Nam Trung Bộ nước ta. Dọc theo hai bên đường là những cây dương xỉ mọc chen nhau, khổng lồ như thể chúng vẫn đứng đấy từ triệu năm về trước. Xe băng qua những khối đá khổng lồ từng bị nung chảy bởi dung nham có màu đỏ như son (gọi là mắc-ma). Anh lái xe giải thích là chúng tôi đang chạy qua lòng một con sông rất lớn trước đây, còn giờ đã cạn khô vì biến đổi khí hậu. Cảnh tượng hùng vĩ giống như trong các phim khoa học viễn tưởng về khủng long và kỷ Jura vậy.

IMG_1810_副本.jpg

Xe đi rất lắc nên khó chụp nhưng vẫn có thể thấy độ khổng lồ của dương xỉ

IMG_4087_副本.jpg

Đường vào "Công viên kỷ Jura"
 
Last edited:

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
59,425
Bài viết
1,175,796
Members
192,098
Latest member
vnae888
Back
Top