What's new

[Chia sẻ] Vanuatu - Xứ sở hạnh phúc diệu kỳ ở nơi tận cùng thế giới

Chuyến đi này em đã thực hiện từ năm 2016, có viết một vài bài trên mạng nhưng vẫn cố chờ xem có bác nào trên Phượt viết về Vanuatu trước không. Nay đã 2019 vẫn chưa thấy có động tĩnh gì về Vanuatu nên em xin phép viết bài kể lại hành trình rất đáng nhớ ấy, hi vọng lôi kéo được thêm bác nào chân có nốt ruồi đến đây và ở vùng đất sống chậm này thì sau 3 năm, có lẽ thông tin tình báo em thu thập được vẫn còn nguyên giá trị.

Năm 2016, Tổ chức nghiên cứu New Economics Foundation ở Anh công bố Chỉ số hành tinh hạnh phúc 2016 (Happy Planet Index – HPI) và Việt Nam xếp thứ 5 trong số 140 nước được khảo sát. Nhiều người còn đang tranh luận về tính xác thực của chỉ số này cũng như các căn cứ và số liệu của nhóm nghiên cứu vì họ không tin rằng Việt Nam có thể xếp hạng cao như thế. Emthì lại quan tâm đến một quốc gia khác mà hầu như người Việt Nam ngày nay không biết đến sự tồn tại của nó: Vanuatu (Va-nu-a-tu). Năm 2016, Vanuatu đứng thứ tư, trên chúng ta một bậc trong danh sách HPI, còn trước đó 10 năm thì nước này đứng vị trí số 1. Thôi thì chép miệng, lại bán thêm sào ruộng để lên đường. Mời các bác cùng em đi tham quan học tập một xứ sở hạnh phúc diệu kì ở nơi chân trời góc bể.

IMG_1594.jpg
 
IMG_4080_副本.jpg

Đá mắc-ma đỏ, có lẽ là đá bazan

IMG_1790.jpg

Những vệt bánh xe trên mênh mông biển tro

IMG_1792_副本.jpg

Ngọn núi kia rồi

IMG_1796_副本.jpg

Thấy ngay trước mắt mà xe còn chạy khá vất vả mới tới gần được


Khi đến gần miệng núi thì bắt đầu nghe thấy âm thanh của tự nhiên mới dữ dội làm sao. Đầu tiên là những tiếng “sóng” vỗ ầm ầm như ở biển, rồi đến những tiếng nổ như bom phát ra từ phía dưới sâu khiến nhiều chị em phụ nữ phát hoảng. Mỗi đoàn có ba hướng dẫn viên người địa phương đi cùng, một người dẫn đầu, một người bọc hậu và một người đi ở giữa để đảm bảo an toàn. Một bác gái lớn tuổi dù rất sợ phải nắm chặt tay người hướng dẫn nhưng vẫn cố gắng tươi cười để động viên các bạn đồng hành (chắc cũng đang vãi ra quần).

IMG_1813.jpg

Đoàn người tiến đến gần miệng núi, hoàng hôn buông xuống rực rỡ mà huyền ảo

Anh hướng dẫn viên nói rằng mới năm bảy chục năm trước, ông bà anh vẫn còn sinh sống trong bộ tộc. Thổ dân Tanna coi Yasur như một vị thần, là “Mẹ thiên nhiên”. Từ xa xưa họ tin rằng từ núi lửa này sinh ra mưa, sinh ra nắng, cho mùa màng bội thu hay tạo ra giông tố. Nhưng cách tiếp cận thần thánh của họ lại khác với chúng ta, không hề khiếp sợ, thờ cúng mà ngược lại tìm cách thấu hiểu và sẻ chia với “Mẹ thiên nhiên”. Thầy pháp của bộ tộc thường ngồi ở miệng núi lửa để lắng nghe những âm thanh ầm ì hay sôi sục mà đoán biết thần linh đang “giận dữ” hay không hoặc dựa vào “giọng nói” đó để sáng tạo ra những bài hát cho dân làng.

IMG_1812.jpg

Trước khung cảnh hùng vĩ của thiên nhiên cũng thấy có cái gì đó linh thiêng ở đây, chẳng trách người thổ dân, sống biệt lập với thế giới lại tôn thờ núi lửa như vậy

IMG_1815.jpg

Điểm dừng chân đầu tiên đã thấy khói bốc lên nghi ngút.


Đá núi lửa bạt ngàn dưới chân nhưng không hiểu sao lúc ấy không hề có một ý định gì nhặt bất kì hòn đá nào mang về làm kỷ niệm. Sau về nhà thử tra mạng thì thấy ở Hawaii người ta gửi trả lại hàng đống đá núi lửa trót nhặt và hiện ra ngay một bài có hai bác già người Việt ở Mỹ viết blog kể phải bay trở lại Hawaii để trả lại đá vào núi lửa vì từ ngày mang hòn đá về thì đủ thứ tai họa xảy ra. Việc này cũng có lý của nó, giống như đá phong thủy, những hòn đá ở đây mang đầy năng lượng, khi đem vào nhà nó sẽ làm thay đổi hẳn dòng năng lượng trong nhà và gây ra những biến đổi về sức khỏe cũng như tâm lý, dẫn đến các chuyện không hay mà người ta tưởng là lời nguyền.

Bất chợt một tiếng nổ vang trời phát ra, mặt đất rung lắc nhè nhẹ và rồi dung nham đỏ rực phun lên, hàng trăm tia lửa nóng bỏng tung lên trong ánh hoàng hôn thật là một cảnh tượng ngoạn mục không bút mực nào tả xiết. Phải cảm nhận bằng tất cả các giác quan mới thấy được hết cái phi thường của Mẹ thiên nhiên. Mùi lưu huỳnh bốc lên, tro bụi bay ào ào chạm vào da thịt, gió trên đỉnh núi cao gào rú và nguồn nhiệt lượng khổng lồ trong lòng đất vẫn trào dâng mãnh liệt. Gió mạnh như quạt ba tiêu, đứng cũng khó vững, mà sau lưng là vách núi. Tro bám hết vào mặt mũi, tóc tai, quần áo, tối về cởi tất dốc ra còn thấy tro.

IMG_1818.jpg

Dung nham phun lên, tưởng như đến cả... chân mình!

IMG_4112_副本.jpg

Dung nham phun trào dữ dội, nhìn thấy rõ từng dòng "nước" bắn lên tung tóe. Cảnh vật như siêu thực

IMG_1842_副本.jpg

Tôn Ngộ Không có rơi vào đây cũng tèo, thảo nào bị Hồng Hài Nhi đốt cho cháy đen thui. Gió thổi lồng lộng mà vẫn cảm thấy nóng mặt
 
IMG_4097_副本.jpg

Một nhóm đi trước đã tới tận rìa núi xa nhất, nom còn đáng sợ hơn sống lưng khủng long ở Tà Xùa nhiều phải không ạ?

IMG_1825_副本.jpg

Gió rất mạnh, đi lại cũng phải bám chặt chân xuống đất, căn bản còn do tâm lý sợ tèo nữa

Không ai muốn rời đi, mọi người đều cố nán lại đợi núi lửa phun trào thêm nhiều lần nữa để ngắm và để chụp ảnh (là chính). Cứ thế trời dần tối, màn đêm phủ xuống thì ngọn lửa kia càng sáng rực, những dòng dung nham bắn lên rõ mồn một. Em hình dung như đây là cái lò rèn khổng lồ của một vị thần mà mỗi một nhát búa nện xuống là một âm thanh kinh thiên động địa vang lên và muôn ngàn tia lửa bắn ra. Trời tối mịt thì cả đoàn mới tạm thỏa mãn và lục tục kéo nhau xuống núi. Nhiều người vượt cả vạn dặm đến đây theo đúng nghĩa đen (từ Mỹ) đã được vừa ý ra mặt. Lúc sau có xem video một bạn người Hàn Quốc đi tour ban ngày thì thấy chán hẳn, không đẹp bằng lúc hoàng hôn. Bạn Hàn Quốc này từ Fiji sang, phải đi đến lần thứ 3 mới thành công, hai lần trước đều bị hủy hoặc vì núi lửa hoặc vì thời tiết, vậy mới biết là mình may mắn, không phải khi nào cũng xem được.

Vanuatu 1.8.JPG

Do không có máy ảnh chuyên nghiệp nên không tự tay ghi lại được khi trời tối, chỉ biết há hốc mồm nhìn. Đành chọn một tấm ảnh kiểu bưu thiếp. Nhưng đúng là ngoài đời, khi mặt trời lặn hẳn thì nhìn giống như ảnh này thật. Ảnh: Andrew J Swann.

IMG_4120_副本.jpg

Mang theo cờ quạt đi rồi thì cũng phải tranh thủ đánh dấu "chủ quyền" tí ạ. Hai ông bà người Mỹ cũng chép miệng bảo: biết thế nhà mình cũng mang cờ đi. Người Mỹ mà, làm gì cũng phải có cờ sao vạch dẫn đường chỉ lối.

IMG_1858.JPG

Quay xuống thì có ngay hòm thư duy nhất trên thế giới ở... miệng núi lửa. Em đã chuẩn bị sẵn bưu thiếp dán tem, hí hoáy viết địa chỉ và bỏ vào hòm. Hai ông bà Mỹ lại xuýt xoa, tiếc thế, nhà tôi không biết có hòm thư. Bưu thiếp về đến Úc chỉ sau một tuần, còn về đến Việt Nam sau một tháng. Chả biết bưu điện Nga thế nào, chứ hóa ra thua cả bưu điện Vanuatu, làm mất của em cả đống bưu thiếp mua ở Sankt-Peterburg.


Ra khỏi khu vực miệng núi lửa thì cả một không gian bao la hiện ra trước mắt. Ngoài ánh sáng mập mờ ở phía đỉnh núi lửa thì xa tít tắp đến tận chân trời không hề có bất kì một ánh đèn nhân tạo nào. Cả không gian đen đặc lại. Nhưng chỉ cần ngửa cổ nhìn lên trời thì một thế giới hoàn toàn khác lại hiện ra: cả dải ngân hà đang lấp lánh, chạy dọc trên trời, thật gần đến mức có thể đưa tay ra chạm được. Trong lúc đứng đợi mọi người xuống núi hết thì có nói chuyện với mấy anh lái xe. Mấy anh đứng trong bóng tối nên không nhìn thấy đâu ngoài hàm răng trắng sáng. Các anh bảo công ty tổ chức tour này là công ty riêng của Ông Bộ trưởng Du lịch. Họ cũng tò mò hỏi xem mình đến từ đâu, lần này thì em không để các anh ấy chơi trò đoán tên nước nữa mà nói luôn là Việt Nam (để đoán chắc kể hết tên các nước trên Trái Đất cũng không đúng). Mấy anh lắc đầu: "Chưa nghe thấy bao giờ, cũng chưa từng có khách Việt Nam đi đến núi lửa này bao giờ". Một anh già hơn ồ lên một tiếng: "À biết rồi, trước tôi đã từng làm việc với mấy người Việt Nam rồi". Em hỏi: "Ở Vanuatu phải không ạ?". Đáp: "Không, hồi tôi làm trên tàu cá ở American Samoa cơ, có mấy người Việt Nam". Vậy là những ngư dân đi xuất khẩu lao động ở ta đã đi đến tận American Samoa, còn xa hơn đây nữa, có lẽ là làm việc trên những tàu đánh cá của Đài Loan.

Mọi người lên xe để quay về khách sạn. Những bản làng dọc con đường mấp mô không hề có bất kì một tia sáng nào của cái “văn minh” mà chúng ta đang hưởng thụ. Một đoàn làm phim của Australia đã mời những thổ dân ở đây đóng bộ phim “Tanna”, ra mắt tại Liên hoan phim Cannes lần thứ 72 (2015). Bộ phim kể về câu chuyện tình có thật của một đôi trai gái, vì không muốn tuân theo cuộc hôn nhân giữa hai bộ tộc do tộc trưởng sắp xếp mà đã dẫn nhau lên miệng núi lửa ăn nấm độc tự sát. Từ đó (năm 1987), các bộ tộc trên đảo từ bỏ tập tục sắp đặt hôn lễ mà thuận theo sự lựa chọn của tình yêu. Tất cả các diễn viên là những người chưa một lần trong đời biết đến một bộ phim là gì, đừng nói là diễn xuất, họ chỉ đơn thuần thể hiện lại những gì họ vẫn làm trong cuộc sống thường nhật. Phim rất hay và bối cảnh trong phim (đảo Tanna) thì tuyệt đẹp.

IMG_4240.PNG

Phim này em xem bằng điện thoại qua App Air Vanuatu trên chuyến bay về lại Úc

Đèn xe rọi sáng mới thấy bên đường vẫn có những người dân đang đi lại, vác củi, bế con hay xách nước trong đêm đen như mực. Con sông cạn khô khi trước khiến em băn khoăn một câu hỏi: liệu văn minh đi cùng với sự tàn phá môi trường có thực sự đem lại hạnh phúc cho người dân nơi đây, khi mà nụ cười vẫn thường trực trên môi họ, những người không biết đến tivi nhưng lại sở hữu một không gian sống bao người thèm muốn?
 
Last edited:
7. Trên hòn đảo hoang (sơ)

Còn một chuyện chưa kể thế này, là trên xe cùng đi núi lửa với em là một đôi người Pháp. Biết em đến từ Việt Nam thì họ ngạc nhiên lắm, anh chồng tự giới thiệu: bà nội anh là người Việt Nam, ông nội thì da trắng ở mãi đảo Martinique (lãnh thổ hải ngoại của Pháp bên Ca-ri-bê). Em cũng không tiện hỏi sao hai cụ lại lấy nhau. Tiếng Anh của hai vợ chồng rất kém, nói câu được câu không, tiếng Pháp của em thì chỉ dừng lại ở un, deux, trois. Nghĩ thời thế cũng thật lạ kì, ông mình và ông hắn ngày bé đi học đều đọc thuộc lòng bài đầu tiên rằng “Tổ tiên chúng ta là người Gô-loa” (Nos ancêtres étaient des Gaulois), hắn lại còn mang dòng máu Việt, thế mà cuối cùng hai người ngồi đây lại không nói được với nhau câu nào.

Rồi em thiu thiu ngủ, hai vợ chồng biết em ngu tiếng Tây nên phát loa hết công suất, nói liên tục suốt hai tiếng đi, hai tiếng về. Tiếng Pháp vốn ngọt ngào mà thành như búa bổ, có lúc em nghe loáng thoáng thấy Vietnamien, hình như có cả Annamite, bỏ mợ, hay là chúng nó nói xấu mình? Em cay lắm, quyết tử thủ đến tận lúc về khách sạn, trong đầu cố nhớ lại khi mẹ dạy lúc bé để rặn ra được một câu sao cho thật tự nhiên. Em bước xuống xe, thản nhiên nói: “J’ai tellement faim. Je voudrais manger quelque chose.” (Tớ đói quá, giờ chỉ muốn ăn cái gì một tí). Cô vợ trợn mắt như Trương Phi còn anh chồng thì dừng nói đột ngột như hóc xương cá, hai vợ chồng ngồi chết lặng một lúc trong xe. Em nhảy chân sáo đi vào ăn tối hẳn hai miếng bifteck à point cho đã!

Chả là trước khi đi núi lửa, trong bếp họ đã nói ai muốn ăn gì thì đặt trước để họ chuẩn bị vì đi về sẽ rất đói. Em đặt luôn một con tôm hùm và hai miếng bít tết. Ở với Tây Lông bên Úc chả mấy khi được ăn tôm tươi bên bờ biển nên sang đây phải tranh thủ. Ai ngờ nhà bếp nướng tôm kĩ quá, bị khô, thành ra bò lại còn ngon hơn tôm.

IMG_1866.jpg

Bữa tối bên bờ biển sóng vỗ rì rào

IMG_4131_副本.jpg

Ngồi cạnh ngọn lửa hồng lách tách bên bờ biển thật thi vị. Mọi người chắc đã mệt nên đều đi ngủ cả, vả lại trực tiếp xem cả cái hồ lửa kia thì ngọn lửa này thành ra con vi khuẩn


IMG_4134.jpg

Phòng ngủ của resort, mỗi gia đình được tiêu chuẩn một căn nhà tranh vách đất.

Về phòng cởi tất ra mới thấy tro đen đầy trong hai bít tất mới tài. Túi quần, túi áo đầy những là tro bụi! Em đi tắm thì phát hiện ra chân có một vết bẩn đen xì, trông như vết cháy xém, kì cọ mãi không sạch, không hiểu ở đâu ra, ban đầu cứ tưởng là tro. Cuối cùng mới tìm ra thủ phạm là dòng chữ đen trên túi bóng mang theo. Túi này đựng mũ nón, chai nước, để sau đuôi máy bay, động cơ nóng quá làm chảy cả nhựa trên túi, thế là lúc ngồi xe em đặt túi dưới chân, cái dòng chữ màu đen ấy nó lem hết sang chân em, phải một tuần sau mới kì đi hết sạch được! Em ngủ luôn rất sâu giấc, phòng kín nên không thấy muỗi gì, những có đặt chuông báo thức để dậy ngắm bình minh.

IMG_4159_副本.jpg

Đây là phòng nhà tranh vách nứa nếu trả ít tiền hơn. Căn của em thì có ban công gỗ và nhìn ra biển

IMG_4138_副本.jpg

Lối đi xuống bờ biển. Hoa nở tưng bừng khắp nơi. Tất cả ốp bằng đá cuội trông rất đơn sơ mà đẹp

IMG_4140_副本.jpg

Nhìn ngược lại thấy phòng ngủ của mình

IMG_4148_副本.jpg

Một hồ nước bán nhân tạo trong khuôn viên. Nước xanh một cách lạ kì

IMG_4152_副本.jpg

Và bình minh lên, chỉ có âm thanh của biển và gió, đẹp đến nao lòng. Hai vợ chồng em đều sinh ra và lớn lên ở những vùng biển, cảnh này đã ngắm nhiều lần nhưng lần nào ngắm bình minh trên biển ở bất cứ nơi đâu đều thấy nao nao khó tả, do chìm trong vẻ đẹp của biển hay do nỗi nhớ nhà thoáng qua?
 
IMG_4162_副本.jpg

Ra sân bay để về thôi. Một phần mái nhà ga bị bão thổi bay nhưng chưa có kinh phí tu sửa, tuy vậy thảm cỏ ở sân bay trông còn đàng hoàng hơn nhiều sân bay ở nước mỗ

IMG_4163_副本.jpg

Máy bay ATR 72-600 của Air Vanuatu dành cho các khách VIP đi đường chính ngạch, em thì đi đường tiểu ngạch thôi còn ngắm cảnh

IMG_1875_副本.jpg

Biển ở Vanuatu có vô số đảo nhỏ xinh, có đăng bán, đủ mọi hình thù, trong đấy có cả đảo hình trái tim...

images.jpg

...Ảnh lấy trên mạng vì những đảo hình trái tim dễ thương thế này ở Nam Thái Bình Dương kha khá nhiều


IMG_1888_副本.jpg

Đảo Iririki ở giữa Vịnh Mele bên bờ thành phố. Đảo này được một công ty Úc mua và dùng làm resort. Nước biển xanh nhiều mầu ảo diệu không cần chỉnh sửa

IMG_1883_副本.jpg

Nhà dân và công sở hiếm hoi mới có căn hai tầng

IMG_1886_副本.jpg

Cây xanh nhiều không cần tả, không khí trong lành dễ chịu như sống ở miền quê thanh bình


IMG_1893.jpg

Hạ cánh

IMG_4177_副本.jpg

Rời sân bay về với cái máng lợn cũ à nhà nghỉ cũ. Ở đây người ta vào sân bay đi máy bay, có khi đi nước ngoài, mà đỗ xe máy với ôtô như kiểu vào quán cà phê vậy, không lo ai lấy, mấy bác chuyên nghề trông xe ở Việt Nam sang đây chắc thất nghiệp.
 
8. Tân Đảo
Trên thế giới chỉ có bốn nước tên bắt đầu bằng phụ âm “V”, ngoài quê choa thì Vatican và Venezuela đều được đông đảo dân ta biết đến. Còn Vanuatu thì xa xôi quá, hầu như không ai nghe nói đến bao giờ. Vậy mà ít người biết rằng đây lại là nơi chôn nhau cắt rốn của hàng nghìn đồng bào Việt Nam. Người Việt đã từng đặt chân đến mảnh đất ấy cả trăm năm về trước, hình thành một trong những cộng đồng người Việt ở nước ngoài đầu tiên trong lịch sử. Ngày nay, con cháu của những bậc tiền nhân đi tiên phong vẫn còn tiếp tục sinh sống tại nơi được mệnh danh là xứ sở hạnh phúc nhất thế giới này.

Cặp vợ chồng người Pháp đã kể ở cuối bài trước không phải đến từ Pháp mà sinh ra và lớn lên ở một lãnh thổ hải ngoại của Cộng hòa Pháp tên là New Caledonia. Trước khi độc lập vào năm 1980, Vanuatu có tên tiếng Anh là New Hebrides (tiếng Pháp: Nouvelles-Hébrides). Cùng với New Caledonia (tiếng Pháp: Nouvelles-Calédonie), đây là hai quần đảo thuộc địa của thực dân Pháp tại Nam Thái Bình Dương, cách bờ Đông Australia khoảng 1500 cây số. Những người Việt Nam (trong văn bản của Pháp ghi Annamite) đầu tiên được ghi nhận đặt chân đến đây lại là phạm nhân và tù chính trị vào khoảng năm 1911.

Năm 1923, 145 người lao động Bắc Kỳ đầu tiên chính thức đến New Hebrides theo diện mộ phu (tức là người phu được tuyển mộ). Những người này đi xuất khẩu lao động có hợp đồng 5 năm ký với các công ty tuyển dụng của Pháp để vào làm trong các đồn điền. Cùng khoảng thời gian đó cũng có một số lượng lớn người lao động chọn đi làm công nhân mỏ kền (tức niken) ở New Caledonia. Những người nông dân Việt Nam gọi New Hebrides là Tân Đảo, còn New Caledonia là Tân Thế Giới (từ đây sẽ gọi bằng tên Việt cho dễ đọc).

IMG_1565_副本.jpg

Những đồn điền dừa mênh mông được trồng bởi bàn tay người Việt Nam.

Cho đến cách đây một vài năm, em mới biết đến sự tồn tại của hai cộng đồng người Việt ở Tân Đảo và Tân Thế Giới với một lịch sử lâu đời và rất thú vị. Năm 2007, hãng phim tài liệu TFS của Đài Truyền hình thành phố Hồ Chí Minh đã quay một bộ phim tài liệu rất công phu tên là “Ký sự Tân Đảo”, có chiếu trên sóng truyền hình và phát hành cả đĩa DVD nhưng mình đi tìm mua thì không nơi nào còn bán (giờ trên Youtube mới có). Mấy năm trước, một đài hải ngoại và VTV cũng đã có mấy tập phim, nhưng chủ yếu là quay ở Tân Thế Giới, cơ sở hạ tầng rất tốt như ở Pháp. Đoàn của VTV và mình giống nhau ở chỗ cùng tham khảo một tư liệu là cuốn sách Bí ẩn Đặng (Nhà xuất bản Phụ nữ, 2010) nói về ông Đặng Văn Nha, một tỉ phú đô la gốc Việt ở New Caledonia. Tiếc rằng dịch giả của cuốn sách này gọi sai ngay cái tên quan trọng nhất, New Caledonia thì dịch là Tân Đảo (lẽ ra là Tân Thế Giới) còn Vanuatu mới là Tân Đảo. Ngay hôm qua, trước khi đăng post này, VTV1 có phim tài liệu "Dưới bóng dừa Vanuatu". Đoạn dưới đây ta sẽ cùng tìm hiểu về Việt kiều Tân Đảo.

ND1.JPG

Người lao động Việt Nam tại Tân Đảo, đàn ông cầm gậy dài để hái dừa. Ảnh: Tân Đảo xưa và nay

Người Việt đầu tiên em gặp không phải ở Vanuatu, mà ở bên Brisbane. Trong số khách ngồi chờ lên máy bay chỉ có mấy người tóc đen, và dễ dàng nhận ra một bác gái có những nét Việt Nam khác hẳn hai cô gốc Hoa ngồi gần đấy. Mình còn đang băn khoăn không biết có đúng người Việt không thì bác nói trong điện thoại để khẳng định luôn: “Con thổi cơm đi, tối mẹ về ăn cơm, mẹ đang trên đường sắp về đến nơi rồi”. Em suýt nữa phì cười vì giọng Bắc, gọi là “thổi cơm” và đi máy bay quốc tế mà cảm thấy giống như đi xe khách vậy.

Hôm đầu tiên đi ăn sáng, vào quán đồ ăn nhanh, em đang định gọi cái đùi gà với ít khoai tây thì giật mình vì trên thực đơn có ghi món “nem”. Nem nhé, chứ không phải chả giò. Cái món nem ở đây, dù đầu bếp là Tây hay Ta thì cũng cuốn trong bánh đa nem (bánh tráng) chứ không có kiểu gói vỏ bột mì như spring roll – chả giò ở bên Úc. Lại nhớ chuyện một anh Tây học tiếng Việt ngoài Hà Nội, ngồi ăn ở chợ bến Thành kêu một đĩa nem, người bán dọn ra đĩa nem chua. Ăn vào phải nhè vội, thế là anh học được thêm từ mới “chả giò”. Hôm về Hà Nội ăn bánh cuốn, anh tự tin gọi hai suất chả giò, chị bán hàng đon đả bưng ra: một đĩa chả, một đĩa giò.

IMG_1536.jpg

Từ “nem” đã đi vào ngôn ngữ địa phương để gọi món ăn Việt Nam truyền thống này

Trên con phố chính Kumul Highway nhộn nhịp, em nhanh chóng tìm được quán ăn Việt Nam duy nhất với những người phục vụ bàn là người bản xứ da sẫm màu. Em nhận ra ngay khuôn mặt Việt Nam của anh chủ quán. Vậy mà anh đã là thế hệ thứ tư sinh ra ở Vanuatu, nhưng kinh ngạc hơn cả là tiếng Việt của anh vẫn cực kỳ lưu loát như người trong nước, mà tiếng Pháp thì nghe qua không thể biết là người Việt. Tiếng Việt được coi như thứ di sản văn hóa quý giá nhất, nên các gia đình nào ở đây mà có hai vợ chồng đều là người Việt thì họ luôn cố gắng để con cái nói tiếng Việt tốt nhất có thể.

IMG_4025_副本.jpg

Ngồi trong quán nhìn ra hè phố. Anh chủ quán áo đen, phía xa một bác (có lẽ là) Việt kiều áo xanh đang ngồi uống cà phê phin.

IMG_4024_副本.jpg

Bên trong quán ăn Việt Nam duy nhất ở Vanuatu


Phở dọn ra chỉ có tương ớt chứ không có tương đen. Trong thực đơn có ba món nem là “nem tôm”, “nem cá” và “nem lợn”(!?). Em ăn hết bay một đĩa nem, một bát phở, một bát bún. Ở nhà mà ăn thế thì bố sẽ chửi là “tục”. Nhưng nước dùng phở, mà nhất là bát bún sao mà ngon quá, tưởng như lâu lắm rồi không được nếm thứ gì tương tự. Có đi khắp Úc Đại Lợi, Huê Kỳ hay Gia Nã Đại cũng không tìm được một hàng nào bán thứ nước dùng chua dịu ấy. Ăn hai miếng, chẳng hiểu sao em lại nhớ về thời còn lang thang ở Hà Nội, cảm thấy mình đang ngồi ăn dưới trưa nắng, ở vỉa hè, của một gánh hàng rong trên một con phố rợp bóng cây tên là Hoàng Tích Trí. Lắm khi ăn một bát bún chạy ba quãng đồng cũng bõ.

IMG_1918_副本.jpg

Bát bún cực kỳ đơn giản mà ngon tuyệt

IMG_1738_副本.jpg

Đĩa nem ở Port Vila

Từ đấy là em cắm chốt ở quán ngày hai bữa luôn, ăn gần hết... thực đơn

IMG_1908_副本.jpg

Đây là sợi miến "tự chế" của nhà hàng vì có lẽ không nhập được miến sang chăng?

IMG_1739.jpg

Phở Tân Đảo, ăn đứt phở Nga các bác ạ

IMG_1910.jpg

Nói các bác lại bảo em tham ăn chứ cơm rang cũng ngon ạ, nhất là món tương ớt tự làm ăn như ở nhà
 
9. Từ “chân đăng” đến Việt kiều Tân Đảo
Chị chủ quán thì không ngờ em là người Việt, em phải tự động chào trước, vì “Người Việt ở bên này ít lắm em à. Sống rải rác chứ không ở trên tỉnh, có việc mới đi lên tỉnh thôi. Hai cụ đẻ ra ông nội chồng chị ngày xưa sang đây đi phu cho Pháp, từ lâu lẩu lầu lâu rồi.” Người Việt ở đây gọi người bản địa là “dân Đen”, tiếng bản địa Bislama là tiếng Đen, nhiều người Việt nói tiếng Đen thành thạo. Lên phố hay lên city thì gọi là “lên tỉnh”, về Việt Nam thì gọi là “về Việt” hay “đi Việt”, "ở bên Việt" rất là đặc trưng. Chị kể tiếp: “Dân Đen hiền lành lắm, em thấy ở đây nghèo thì nghèo nhưng tuyệt nhiên không có trộm cướp, ăn xin bao giờ. Em đi dọc phố thì thấy đu đủ nó mọc đầy bên đường đấy, đói thì hái mà ăn, đào đâu cũng có khoai, không lo chết đói. Nhưng phải cái nói trước quên sau, huấn luyện để mà làm được phục vụ bàn cũng mệt lắm.”

IMG_1718.jpg

Trên biển hiệu của một Công ty xây dựng có ghi Doanh nghiệp Dinh Van Tu, là một người thuộc dòng họ Đinh.


Người Việt đến đây chỉ cần chịu khó làm ăn thì cũng có của ăn của để. Em giới thiệu là người Việt Nam thì dân đây không ai biết, nhưng hỏi có biết ông Đinh Văn Thân không thì ai cũng biết. Người hướng dẫn viên du lịch nói với em rằng ông Đinh Văn Thân là doanh nhân đầu tiên ở Vanuatu và là người giàu nhất Vanuatu. Ông từng làm Chủ tịch hội đồng quản trị hãng Air Vanuatu. Ở ngoài cảng có tàu hàng Dinh I, Dinh II, nghe đâu do Vinashin đóng. Nếu ông Thân không rút lui khỏi chính trị thì có lẽ ông đã là Thủ tướng gốc Việt đầu tiên ở nước ngoài. Em ông là Dominique Đinh cũng làm chính trị, rất nổi tiếng. Con cháu đều làm ăn phát đạt trong nghề xây dựng và bất động sản. Bố mẹ ông Đinh Văn Thân đều là người Việt, bố ông sang đây làm “chân đăng”.

Đầu thế kỉ 20, nhiều người nông dân ở những vùng quê đồng bằng Bắc Bộ đông dân, hay bão lũ quyết tâm xa quê một thời gian, đi lao động để thoát khỏi đói nghèo. Xem đoạn phỏng vấn một cụ bà đã gần trăm tuổi thì cụ kể: “Tôi đi lễ nhà thờ về, người ta rủ: “Cô Sen, cô có đi mộ phu không?”. Đi Nam Kỳ hoặc đi Tân Thế (Giới). Nghe đâu đi Nam Kỳ thì bọn chủ cao su nó nóng nảy, thế là đi Tân Thế. Bà mẹ tôi thương, bảo 5 năm chỉ như giấc ngủ ngày ấy mà. Chứ lúc ấy tôi 17 tuổi, biết gì đâu.

clo16.JPG

Hội quán Công nông đoàn Tagabe ở Port Vila. Ảnh: Tân Đảo xưa và nay

Cứ năm đàn ông thì mới có một phụ nữ. Hầu hết là đi để đổi đời, nhưng cũng nhiều người con gái, trốn nhà đi để khỏi phải lấy chồng. Họ gọi nhau là những người “chân đăng”. Đến nay nguồn gốc của từ “chân đăng” này vẫn còn chưa rõ ràng, nhưng theo một số người mà em tiếp xúc thì họ cho rằng các cụ ngày xưa hay nói: “Đăng ký cho tôi một chân đi Tân Đảo/Tân Thế (Giới)” nên từ đó mà ra. Cuộc sống của người làm phu vất vả khổ cực, làm việc nặng nhọc mà vẫn bị đánh đập dã man, đàn bà thì bị hãm hiếp, đàn ông thì làm việc quần quật đêm ngày (bổ 400 kg dừa một ngày, phụ nữ 200 kg), nhiều người chịu không nổi phải tự chặt một ngón tay để xin về, rồi dần dần chặt tay cũng không được về nữa. Lương thì được 80 quan (franc) một năm, họ bị coi như những “nô lệ da vàng”. Tuy nhiên khi ở nhà thì không ai biết những điều kiện lao động ấy. Sang đến nơi rồi không còn đường lui, mọi người chỉ còn biết bảo nhau cố làm cho hết hạn hợp đồng rồi sẽ được tự do. Nhưng nhiều người trong số họ đã chết trước khi có cơ hội trở về quê hương.

Đến năm 1940, khi Chiến tranh thế giới thứ hai nổ ra thì việc đi lại giữa Tân Đảo và Việt Nam bị cắt đứt. Cộng đồng người Việt chủ yếu là người Bắc, nghe thông tin qua đài thì ủng hộ Việt Minh, ủng hộ cụ Hồ. Mọi người ăn mừng khi nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời và phải mất mấy năm liền đấu tranh đến ngày 30. 6. 1946 mới dám liều lĩnh kéo lá cờ đỏ sao vàng lên ngang hàng với cờ Pháp. Các hội người Việt treo ảnh lãnh tụ Hồ Chí Minh trong hội quán, gửi về nước hàng triệu quan để đóng góp cho kháng chiến.

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, nhiều người Pháp thù hận người Việt ở Tân Đảo và công khai chửi bới, dùng bạo lực, phá hoại tài sản của người Việt. Các tổ chức của người Việt bèn nhân cớ này đấu tranh đòi quyền được hồi hương. Cả hai chính quyền miền Bắc-miền Nam trong nước đều cử đại điện sang kêu gọi bà con về. Kết quả là 90% về miền Bắc, 10% ở lại vì có nhiều con cái, tài sản, không ai về miền Nam.

Vanuatu-Vu-Hoang-va-ba-con.jpg

Phái viên Vũ Hoàng của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (áo com-lê sẫm màu, đứng giữa) cùng bà con Việt kiều Tân thế giới hồi hương. Ảnh: Tân Đảo xưa và nay

Cuối cùng thì vào ngày 30. 12. 1960 con tàu Eastern Queen (Nữ hoàng phương Đông) đã đưa 551 người rời Tân Đảo để cập bến Hải Phòng ngày 12. 1. 1961. Đích thân Thủ tướng Phạm Văn Đồng ra đón kiều bào ở cảng. Trước đó vào năm 1959, Chính phủ đã ký hẳn một Nghị quyết không số Về việc đón tiếp kiều bào ở Thái Lan, Tân Đảo, Tân Thế Giới về nước, đây cũng là tiền đề cho sự thành lập Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài sau này.

Nếu ai đã từng đi tham quan Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch ở Hà Nội hẳn sẽ từng nhìn thấy đội xe con phục vụ Cụ Hồ được triển lãm trong phòng kính. Trong đó có một chiếc Peugeot 404, loại xe đời mới nhất của Pháp lúc bấy giờ, mới bắt đầu sản xuất từ năm 1960. Đây là món quà của bà con Tân Đảo góp tiền mua tặng Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa, một Việt kiều đã lái thẳng xe từ Hải Phòng lên Hà Nội giao tận tay cho Văn phòng Phủ Thủ tướng.

ND2.jpg

Chiếc xe Peugeot 404 (Pơ-giô 404) mang biển HNC 232 được mệnh danh là chiếc xe vạn dặm, không phải vì số ki-lô-mét đi được mà vì kiều bào mang về từ Tân Đảo xa xôi. Cụ Hồ cho là xe quá xịn, đến tận cuối đời khi tuổi cao sức yếu mới quyết định dùng. Trên biển chú thích này, tiếng Việt ghi Tân Đảo nhưng phần tiếng Anh lại ghi sai là New Caledonia

Trong hai năm 1963, 1964 có thêm 11 chuyến tàu nữa đưa hàng nghìn người từ hai quần đảo xa xôi về nước, rồi họ lại tản ra theo phân công của các đơn vị, nhiều người đi mãi Tuyên Quang, Lào Cai có người đi vùng mỏ Quảng Ninh, người thì ở lại ngay Hải Phòng. Thế hệ thứ hai sinh ra ở Tân Đảo, nói tiếng Việt sõi như bất kì người Việt nào trong nước, nhưng giờ mới lần đầu tiên được đặt chân lên đất mẹ.

Đến hết bao cấp thì thế hệ Việt kiều Tân Đảo thứ hai lại kéo nhau quay lại Tân Đảo và Tân Thế Giới vì trong nước đói kém. Sau năm 1980, Vanuatu bất ổn chính trị cũng khiến nhiều người rời sang Tân Thế Giới, lấy hộ chiếu Pháp và giờ cộng đồng người Việt ở đấy cũng đông hơn nhiều.

Em tìm đến nghĩa trang thành phố. Trong cả một vùng cỏ xanh mướt rộng lớn có một khu vực được quây lại riêng biệt bằng hàng rào ống kẽm, sạch sẽ ngăn nắp, thấp thoáng những mái ngói lăng mộ như ở Việt Nam. Em cực kỳ xúc động khi đọc thấy những tên người Việt Nam, quê quán Việt Nam (xã, tổng, huyện, tỉnh) trên những bia mộ. Năm sinh của nhiều người từ mãi cuối thế kỷ 19, đến nay đã hơn một trăm hai mươi năm. Có bia mộ của những người phu dũng cảm, đứng lên chống lại bọn chủ hà khắc và bị chính quyền thực dân chém đầu.

IMG_1722_副本.jpg


IMG_1724_副本.jpg


IMG_1725_副本.jpg


Nhưng ấn tượng nhất với phải là hai câu đối chữ Hán viết trên hai cây cột xây theo lối ở cổng đình làng Bắc Bộ:

“Thán dã đồng bào hồng Bắc khứ
Ta hồ ngã chủng cách nam quy”


Nghĩa là:

“Than ôi, đồng bào ta đã theo chim Hồng đi về phương Bắc
Tiếc thay, dòng giống cốt nhục này phải quay về với trời Nam”


69359475.jpg
 
Last edited:
10. Bên lagoon xanh xanh (Ăng-lê hay Phờ-răng-xê?)

Hầu hết các tour đi trong ngày tại Vanuatu được kinh doanh và tổ chức bởi người nước ngoài. Để hiểu thêm về một vùng đất, em lựa chọn tour duy nhất do người bản địa làm chủ kiêm hướng dẫn viên. Trọn một ngày đi vòng quanh đảo, vừa tận hưởng thiên nhiên tuyệt đẹp, mình vừa biết thêm nhiều điều đáng quý.

Thông thường khách du lịch sẽ bay từ Port Vila sang thành phố Luganville, đảo Espiritu Santo. Santo là đảo lớn nhất, có nhiều bãi biển đẹp và được coi như thánh địa của dân lặn biển. Em đã đi Tanna xem núi lửa hết xiền, đành quyết định đi một vòng quanh đảo Efate.


IMG_1647.jpg

Một tấm biển chỉ đường hay ho

Người hướng dẫn viên tên John, nói tiếng Pháp khá lưu loát và tiếng Anh rất trôi chảy. Đi du lịch ở các vùng thuộc địa cũ của Pháp thường gặp khó khăn vì ít người biết tiếng Anh. Nhưng riêng Vanuatu thì không, ai ai cũng làu làu hai thứ tiếng. Đang nói chuyện tiếng Anh chỉ cần hỏi một câu tiếng Pháp là người đối diện cũng đổi sang một thứ tiếng Pháp trong trẻo ngay lập tức. Điều đặc biệt ở chỗ, không cần phải người làm trong ngành du lịch mới nói hai thứ tiếng mà đám trẻ con cũng vậy. Hôm đi trên máy bay sang Tanna, hai mẹ con người Pháp định cư ở đây nói chuyện với nhau, bà mẹ chỉ nói tuyền tiếng Pháp nhưng thằng bé cứ trả lời lại bằng tiếng Anh. Có những sự lý thú như vậy bởi Vanuatu khi trước (tức là New Hebrides/Nouvelles-Hébrides) không phải thuộc sở hữu của riêng người Pháp.

Ngày 4. 9. 1774, thuyền trưởng James Cook đã đặt tên hai quần đảo mới trên bản đồ là New Caledonia và New Hebrides dựa theo tên của những vùng đất quê hương ông. Caledonia là tên tiếng La-tinh của Scotland, còn Hebrides là một quần đảo phía tây Scotland có hình dạng tương đồng với New Hebrides.

Người Pháp sau đó đã đến và chiếm được New Caledonia dưới thời Napoleon III còn New Hebrides thì không kiểm soát được hoàn toàn và phải đi đến một thỏa thuận độc nhất vô nhị với Đế quốc Anh: thành lập một chính quyền chung Anh-Pháp vào năm 1906. Chính quyền cộng quản (Condominium) trên danh nghĩa là quản lý chung nhưng thực tế mỗi bên lại có một hệ thống riêng của mình. Người Pháp lần lượt có chính quyền, tòa án, cảnh sát, nhà tù, bệnh viện, trường học (dạy tiếng Pháp), tiền tệ (Franc des Nouvelles-Hébrides) và thậm chí cả tem bưu chính riêng. Người Anh cũng có một hệ thống quan liêu y hệt chỉ khác là hoạt động bằng tiếng Anh.

The_Landing_at_Tana_one_of_the_New_Hebrides,_by_William_Hodges.jpg

(Thuyền trưởng Cook) Cập bến đảo Tana, thuộc quần đảo New Hebrides, khoảng 1775-1776, sơn dầu trên ván, tác giả William Hodges, Bảo tàng Hàng hải quốc gia London

Trẻ em đi học sẽ vào một trong hai hệ thống giáo dục. Tội phạm khi đưa ra xét xử có quyền được lựa chọn bị xử theo luật common law của Anh hoặc civil law của Pháp. Cảnh sát mỗi bên mặc một đồng phục khác nhau và thi hành án khác nhau để phù hợp với mỗi hệ thống luật. Người nước ngoài nhập cảnh có thể chọn một trong hai hệ thống xuất nhập cảnh tùy thích. Nhưng cuối cùng ngôn ngữ mới là vấn đề phức tạp nhất. Toàn bộ giấy tờ văn bản phải dịch ra hai thứ tiếng, người này không hiểu tiếng người kia, các quan còn thế nữa là dân thường chỉ biết tiếng địa phương. Sau khi độc lập, Vanuatu chọn Bislama làm quốc ngữ và giờ họ có đến ba ngôn ngữ chính thức.

Còn hiện tại thì sao? Dân lao động trình độ thấp chỉ nói được tiếng Bislama và người bản địa chỉ nói tiếng Bislama với nhau. Học sinh cấp ba thì có thể nói được cả ba thứ tiếng nhưng học trường Pháp thì tiếng Anh không tốt và ngược lại. Xu thế chung là mọi người chuyển sang học tiếng Anh vì nó là ngôn ngữ quốc tế và để phục vụ làm ăn kinh tế với Úc, New Zealand và Trung Quốc. Tiếng Pháp còn tồn tại được ở đây là vì hằng năm một lượng lớn khách du lịch từ New Caledonia sang, nơi người dân chỉ dùng tiếng Pháp.

Quay lại với người hướng dẫn viên. Tiếng Anh của John khá tốt, đủ để giới thiệu các địa danh du lịch và kể những mẩu chuyện nhỏ, thỉnh thoảng có vài từ không biết thì lại hỏi mình. Chỉ có một điều buồn cười nhất với tiếng Anh của người bản địa là bị ảnh hưởng của tiếng Pháp, nên những từ bắt đầu bằng phụ âm“h”, khi phát âm họ đều bỏ đi hết và các âm “ch” thì đều phát âm thành “sh”. Những từ “h” là âm câm và mượn từ tiếng Pháp như hour (ao-ờ), honour (o-nờ), hotel (ô-ten), Hollande (Ô-loong-đờ), champagne (sâm-panh), chef (sép) thì đúng nhưng bắt đầu đến home (ôm), high (ai), hat (át), choice (soi), church (sớc) thì loạn xị ngậu. Mình nghe qua mấy câu thì bắt được quy luật, và vỡ lẽ vì sao trong sách sử ở Việt Nam lại phiên âm tên ông Churchill (Chớc-chiu) thành “Sớc-sin”. Còn dân nói tiếng Anh, nhất là Trung, Nhật, Hàn thì nhiều lúc cứ đứng nghệt mặt ra không biết người ta đang nói gì.

Đi vào mùa chưa đông khách nên chỉ có hai vợ chồng em một xe với John và một tài xế. Con đường nhựa quanh đảo chất lượng khá tốt. Mình thắc mắc về hãng sản xuất xe chưa từng nghe qua thì được biết đây là xe cũ của Hàn Quốc sản xuất, tuổi đời khoảng 10-15 năm thì Hàn Quốc họ thải ra và bên này nhập về, giá tầm 500-700 triệu VND. Hầu hết trên đường phố chỉ thấy loại xe 9 chỗ này, và biển xe đều gắn chữ B (viết tắt của “bus”). Muốn đi đâu, cứ ra đường vẫy là có xe dừng lại, dài hay ngắn cũng mất 100 Vatu (khoảng 20000 VND). Lái xe trông da đen bặm trợn chứ hiền lắm, mình còn 80 cũng cho đi. Đối với dân Úc thì thế là siêu rẻ, rẻ hơn cả xe ôm Việt Nam, nhưng với thu nhập của dân ở đây thì vẫn là đáng kể. Xe con thì ít hơn, nên nhiều khi biển chỉ có ba con số. Cả Vanuatu được khoảng 300.000 dân nên hai người nghe mình kể Việt Nam có 90 triệu dân thì hoa mắt chóng mặt, xòe tay ra đếm mà không hình dung được là bao nhiêu người. Vì vậy nên số điện thoại ở đây chỉ có 5 số, nhìn ngồ ngộ.

IMG_1665.jpg

Phương tiện giao thông chủ yếu của người dân

Ngoài những bãi tắm cát trắng mịn trải dài đặc trưng của các hòn đảo Thái Bình Dương nói chung thì nơi đây còn một cảnh quan đặc biệt, đó là blue lagoon. Lagoon tiếng Việt là “đầm phá”, loại địa hình ven bờ biển, gần giống như một hồ nước mặn hoặc lợ, ngăn với biển bởi một dải cát nhưng có cửa thông với biển. Ở miền Trung nước ta cũng có nhiều đầm phá lớn, như phá Tam Giang nước chảy rất xiết, nhưng ở đây thì khác, bởi mặt nước các lagoon thường rất tĩnh và nhất có màu xanh ngọc lam đẹp đến nao lòng. Ở đảo Efate chỉ có duy nhất một lagoon, còn Santo thì có khá nhiều. Nhớ khi đi học vẽ, từng được nghe thầy giảng về một sắc độ của màu xanh lơ gọi là “màu hồ thủy”, đến nay mới được thấy tận mắt ngoài đời thực. Trên một cành cây to, có lẽ phải năm bảy chục tuổi, người ta buộc một sợi dây thừng, mình đu dây và nhảy ùm xuống hồ như tarzan luôn. Trông trên phim thì dễ thế mà đu cũng khó, bị tuột tay hai lần, lần thứ ba mới ra được giữa hồ.

IMG_1595_副本.jpg

Blue lagoon đẹp mịn màng

IMG_1616_副本.jpg

John đã chuẩn bị một "bữa ăn nhẹ" đề phòng khách đu dây nhiều bị đói


IMG_1633_副本.jpg

Trên đường... bách lý

IMG_1650_副本.jpg

Qua những làng quê yên bình.

IMG_1651.jpg

Một trường học được người Nhật viện trợ. Người Nhật đã sớm vươn ảnh hưởng của họ ra Thái Bình Dương. Chẳng phải Nobita cứ ước mơ mãi về dừa xanh cát trắng ở Hawaii đấy sao.

IMG_1653.jpg

Cửa hàng tự phục vụ bên đường, không ai thu tiền. Dừa 100 vt/quả.

IMG_1656.jpg

Nhưng em muốn ăn thử mẫy chuỗi hạt đậy lồng bàn này thì không có giá, rất may là sau đó có mấy em bé chạy ra thu tiền
 
IMG_1663.jpg

Hạt ăn bùi như lạc, là hạt của quả này, em chỉ nghe John nói tên bằng tiếng Bislama nên chịu không biết là quả gì

IMG_1658.jpg

Váy vóc, quần áo để đi lễ nhà thờ trắng phau. Đức tin sâu sắc vào đạo Thiên Chúa là một đặc trưng của người Nam Thái Bình Dương, gần tương tự như người Mỹ đen


Tiếp theo trong chương trình tour là tham quan một ngôi làng truyền thống với những tiết mục ca múa dân gian. Vào đến cổng làng thì có một anh thổ dân gõ mõ ra đón

IMG_1666.jpg

Anh này vừa thấy em xong thì quay ngoắt đi...


IMG_1667.jpg

...Hóa ra anh gọi đội ra đánh hội đồng khách lạ. Giống làng quê Bắc Bộ cổ truyền vcđ ? Vũ khí của các anh còn có hình dạng thú vị nữa, vợ em về sau cứ xin mãi mà các anh không cho. Cần câu cơm là của quý, cho thì mất ăn à

IMG_1672_副本.jpg

Lúc đầu các anh làm mặt hầm hè, tay dao tay thước như muốn tiêu diệt bọn em thật. Trong ảnh thì cười mà trong quần thì (xin lỗi các bác) tí nữa... són đái

IMG_1676_副本.jpg

Theo truyền thống, khi phát hiện ra những kẻ lạ mặt không có vũ khí và tỏ thái độ thân thiện thì dân làng sẽ nhảy múa tiếp đãi. Chụp ảnh cùng bọn trẻ con dễ thương.


Điệu nhảy của dân làng

IMG_1679_副本.jpg

Bữa trưa buffet bên bờ biển với toàn món cây nhà lá vườn

IMG_1680.jpg

Khoai bọc bột mì chiên, nộm đu đủ xanh, thế là đâu chỉ nước mình mới có "Mùi đu đủ xanh"

IMG_1681.jpg

Bò xào, gà kho (chặt và để da đúng kiểu châu Á) và sắn luộc


IMG_1682.jpg

Món lap lap quốc hồn quốc túy với cốt dừa ở trên và cơm trắng. Cốt dừa tự làm nên ăn khác hẳn loại đóng hộp. Lap lap là món làm bằng quả xa-kê, chuối, khoai nghiền nát rồi gói lá chuối và nướng trui dưới đống lửa, đè đá lên. Nhiều khi có ăn kèm thịt nhưng ở đây ăn với cốt dừa thôi.
 
Last edited:
Hành trình tiếp tục sau bữa trưa. John cho xe dừng lại bên một đồn điền dừa để quyết cho chúng tôi xem một thứ... đặc biệt. Đó là con nhện dừa! Anh nhanh nhẹn bắt được một con trên hàng rào và cho nó bò thoải mái trên người. "Con nhện này lành lắm, không có độc" John bảo. Xong anh bắt em xòe tay ra và thả vào. Em cũng nhắm mắt nhắm mũi cho nó bò trên tay một lúc rồi... phóng sinh luôn. Nó to vậy nên bò lổm ngổm trên tay cũng ghê ghê là.

IMG_1569.JPG

Con nhện bò lên mặt John

Xe chạy khỏi thủ đô tầm 30 cây số là khung cảnh đã hoàn toàn thay đổi, những đồng cỏ mênh mông và núi non trùng điệp hiện ra. Bên đường là những cây đa cổ thụ khổng lồ cả trăm năm tuổi, có khi rễ phụ to bằng thân cây dừa. John giải thích rằng gốc đa là nơi tập hợp của một bộ lạc khi cần họp bàn chuyện gì, người thổ dân tin rằng cây đa là nơi trú ngụ của những linh hồn có sức mạnh bảo vệ dân làng cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Vì ngày xưa nhà tranh vách lá thì mỗi khi có bão biển mạnh, mọi người lại chui cả vào gốc đa để trú. Mình nói với anh là tổ tiên tôi cũng tin vào loài cây này như thế, anh ngạc nhiên lắm mặc dù không hình dung ra được nước Việt Nam xa xôi ở đâu.

Em đã chui vào một gốc đa như thế, nó lớn đến mức gần như có cả một hệ sinh thái thu nhỏ dưới gốc cây. Có một loài cua dừa (coconut crab), con trưởng thành có thể lớn đến 4kg, thịt ăn rất ngon, hay đào hang dưới gốc đa. John nói rằng các nhà hàng ra sức bắt để phục vụ du lịch đến nỗi trên đảo này đã hết sạch cua dừa, cua đang chế biến trong nhà hàng đều là chở từ các đảo khác về. Em tự nhủ rằng sẽ thử các đặc sản khác chứ nhất quyết không ăn loài cua dừa đang bị đe dọa.

IMG_1644_副本.jpg

Bên một gốc đa "nhỏ", chụp cùng người để so sánh kích thước. Những cây to ở giữa cánh đồng thì Cây đa Tân Trào phải gọi bằng cụ

IMG_4009_副本.jpg

Trong một gốc đa

the-biggest-land-living-arthropod-in-the-world-coconut-crab-in-tree.jpg

Cua dừa, loài động vật chân đốt lớn nhất sống trên cạn. Ảnh từ
trang này.

10_VATU.jpg

Cua dừa khắc trên đồng xu 10 Vatu
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
59,425
Bài viết
1,175,799
Members
192,098
Latest member
vnae888
Back
Top