Trời lạnh có ngủ lều được không ?
Bạn tôi nói luôn ngủ lều mùa hè cũng đã là ‘điên” nữa là mùa đông ! Hì hì, có lẽ mình điên thật chăng.
Nói về chỗ ở ‘ấm hay lạnh’ không thôi thì tôi thấy có mấy loại:
• Điều hòa nóng: chỉ có ở các k/s 3sao trở lên, đa phần ở các thành phố, trị trấn lớn. Cái này chắc không có ở những địa bàn xa xôi, hoặc giá cả không hợp với dân phượt.
• Phòng có lò sưởi: chắc chỉ ở Sapa là nhiều nhất, còn thì mình thấy ít nơi dùng loại này.
• Phòng k/s, nhà nghỉ bình dân, tức là không có cái gì bức xạ nhiệt (trừ cái ‘vốn tự có’).
• Nhà sàn, đa số là có khá nhiều khe hở ‘cho nó mát’. Đa số các homestay cũng thuộc loại này.
• Lều (sẽ bàn kỹ sau).
Ngủ K/S, nhà nghỉ thì khỏi phải bàn, nhưng nếu bạn vẫn muốn ‘thiên nhiên’ vào cả những lúc trời lạnh (với ngủ lều, ngủ bản) thì không phải v/đ nhỏ. Ngoài việc phải chuẩn bị đủ đồ ngủ (lều kín, túi ngủ, đệm, q/a ) thì kỹ năng cũng rất quan trọng. Cái đệm là thứ hay bị mọi người coi thường. Chức năng chính của đệm là cách nhiệt, tránh cái lạnh của mặt đất. Túi ngủ hoặc chăn thường không giải quyết được v/đ cách nhiệt. Có nhiều loại đệm phù hợp ngủ lều. Nhưng loại thông dụng và rẻ nhất là tấm cao su xốp chất liệu NBR (Nitrile Butadiene Rubber).
Đệm này kết hợp với túi ngủ, q/a ấm đảm bảo cho bạn ngủ ngon, trong lều với nhiệt độ ban đêm đến 12ºC .
Hồi giữa tháng 12/2011 nhóm mình đi phượt Mộc Châu. Trời khá lạnh (khoảng 13-15 độ ban đêm). Một số cương quyết ngủ lều, một số nói ít nhất thì cũng phải là nhà sàn. Không bên nào chịu bên nào nên mình đành chia đôi: một nửa ngủ nhà sàn gỗ (với chăn đệm dày), môt nửa vác lều ra rìa rừng thông, sát vườn cải ngủ cho ‘thiên nhiên’.
Tối đến ‘bọn nhà sàn’ ra thăm ‘bọn ngủ bờ bụi’ với tinh thần ‘động viên’. OK mời các bạn vào lều chơi. “Ah, hóa ra trong lều cũng không đến nỗi nào, nhưng tối ngủ chắc là lạnh lắm đây”-bọn nhà sàn nghĩ vậy. Tối hôm sau bọn ngủ nhà sàn mới thú nhận là ngủ nhà sàn gió lùa lạnh quá, không biết ngủ lều còn lạnh đến mức nào…Cuối cùng hóa ra là bọn ngủ lều không lạnh chút nào cả. Tuy vậy cả nhóm vẫn không rõ tại sao nằm giữa trời (dù là trong lều) lại không lạnh bằng nhà sàn.
Qua phân tích kỹ thì thấy rằng:
1. Về nguyên lý thì đất truyền nhiệt kém nên lòng đất bao giờ cũng lạnh chậm hơn (và nóng chậm hơn). Ví dụ điển hình là khi mùa hè ta vào hang, hầm cảm thấy rất mát. Ngược lại, vào muà đông thì trong hang/hầm rất ấm, nước giếng sâu dưới lòng đất cũng rất ấm. Tết vừa qua, gia đình tôi đi thăm khu sông nước-hang động Tràng An/Ninh Bình. Ngoài trời khá lạnh, chỉ khoảng 14 ºC. Khi thuyền vào hang mọi người chờ đợi cái lạnh thấu xương của đá núi thì lại cảm thấy ngược lại: rất ấm áp. Cái lạnh mà con người cảm giác thấy là cái lạnh của không khí phía trên mặt đất. Còn ở độ sâu 0,8m nhiệt độ luôn chậm pha so với nhiệt độ bề mặt khoảng 1 tháng, tức khoảng 3-5 ºC. Nếu xuống sâu hơn nữa thì độ lệch pha còn lớn hơn. Vì vậy nhiệt độ bề mặt đất là bằng hoặc thấp hơn chút xíu nhiệt độ không khí vào mùa đông.
2. Lều ngủ khá kín, nên chống được gió lùa, do không gian hẹp nên giữ được hơi ấm.
3. Vị trí lều thấp sát đất nên ít bị gió thổi vào, làm mất nhiệt.
Chính vì những lý do trên mà vào mùa đông, khi nhiệt độ trên 10 ºC, ngủ lều ở nơi sát đất, khuất gió, sẽ ấm hơn là ngủ nhà sàn, hoặc nhà không kín.
Mùa đông, lều nên dựng nơi khuất gió, không mở cửa lưới.
Trường hợp trời rét đậm, xuống dưới 9 ºC, chúng ta cần đặc biệt cẩn trọng, nếu không sẽ rất khó ngủ vì lạnh. Hồi chúng tôi lên fansipan, ngủ đêm trong lều tập thể (không kín, bị gió lùa) ở độ cao 2800m, nhiệt độ khoảng 5 ºC thì khá là khó ngủ.