What's new

[Chia sẻ] Vũng Tàu phiêu lưu ký

topic này mở ra để giới thiệu và chia sẻ cùng các bạn những góc nhìn về Vũng Tàu. nơi mà bao lượt khách du lịch mãi say đắm đi về cũng là nơi mà bao người con ra đi vẫn hoài mong nhớ. đêm nằm mơ nghe tiếng sóng biển, mỉm cười với hoài niệm, thầm mong một ngày quay trở lại để được lần nữa áp má vào nắng chiều và lắng nghe từng giọt hoàng hôn rơi...
 
Lang thang phố đêm Vũng Tàu

Khi ánh mặt trời khuất dần dưới làn nước biển, thành phố bớt dần không khí ngột ngạt của cái nắng ban ngày, cuộc sống đêm của phố biển mới bắt đầu. Vũng Tàu vào đêm với những ánh đèn màu rực rỡ như thắp sáng cả một góc trời. Và nếu ai đó có một lần dạo Vũng Tàu đêm mới cảm nhận hết đằng sau cái vẻ náo nhiệt, ồn ào của một đô thị trẻ, của một thành phố trẻ, Vũng Tàu cũng có những khoảng lặng thật yên bình…


BÁT PHỐ ĐÊM

"Đến Vũng Tàu, không thể bỏ qua thú vui đi dạo biển đêm. Đẹp và cực kỳ thú vị!". Đó là nhận xét của khá nhiều người khách khi đến Vũng Tàu. Và phố đêm Vũng Tàu còn có một cái thú khác đó là dạo biển đêm, ghé vào một quán cà phê nào đó dọc bờ biển để vừa nhâm nhi ly cà phê thơm nồng trong không khí se lạnh của những làn gió biển thổi vào, vừa ngắm biển đêm rực sáng bởi ánh điện hắt xuống từ bên đường hay từ những chiếc thuyền đậu trên mặt biển…

Khác hẳn sự lặng lẽ ban ngày, khi ánh mặt trời vừa tắt, những khu vui chơi công cộng như hoa viên Trưng Vương, công viên Bãi Trước, Mũi Nghinh Phong… như chợt bừng tỉnh bởi bước chân người qua lại. Có nhiều lý do khiến họ đến những nơi này. Người thì chọn đây là điểm để kết hợp vừa đi hóng mát vừa đi bộ tập thể dục. Người thì lại chọn đây là điểm để tránh cái ngột ngạt, oi bức trong các khu dân cư. Còn với nhiều bạn trẻ, những nơi này còn là "điểm hẹn tình yêu" khá lý tưởng… Gặp anh Lê Hoàng Minh ở 56/12 Phan Đăng Lưu, TP. Vũng Tàu khi anh đang đưa gia đình đi chơi tại công viên Bãi Trước, anh cho biết: "Suốt ngày bị bó trong nhà, không khí thì oi bức nên tối đến, vợ chồng tôi tranh thủ đưa các cháu đến đây chơi cho mát, cũng là để chúng được vui chơi trong môi trường xanh với thiên nhiên, cây cỏ". Điều này đã giải thích vì sao tối nào không cứ gì công viên Bãi Trước mà phần lớn các điểm vui chơi công cộng đều tấp nập người đến vui chơi, dạo mát.

Một chọn lựa khác lại được đa phần là các bạn trẻ chọn lựa là đi dạo ven biển. Hệ thống đường Hạ Long - Quang Trung - Thuỳ Vân vốn rộng là thế nhưng khi tối đến lại trở nên đông đúc bởi dòng xe cộ ngược xuôi, qua lại. Và thú vui đi "bát phố" còn thu hút cả sự tham gia đầy nhiệt tình của khách du lịch có dịp ở lại Vũng Tàu qua đêm."Lợi thế nhất của Vũng Tàu là có tuyến đường ven biển rất đẹp. Lần nào đến đây chơi tôi cũng thu xếp dạo một vòng trước khi về nghỉ", chị Ngọc Hoa, du khách đến từ quận 3. TP. Hồ Chí Minh cho biết.

Sau một vòng dạo chơi hết Bãi Trước – Bãi Sau, điểm đến tiếp theo sẽ là các quán cà phê nằm dọc trên đường Hạ Long – Trần Phú men bên sườn Núi Lớn, Núi Nhỏ. Khoảng hơn 8 giờ tối, chúng tôi có mặt tại quán cà phê Ô Cấp 1, quán đã không còn một chỗ trống. Trong dòng người đông nghịt trong quán còn có không ít du khách nước ngoài đến đây thư giãn. "Các quán cà phê ở đây khá đẹp, lại nằm ngay cạnh bờ biển. Ngồi trên quán, tôi có thể bao quát được hết khu vực biển Bãi Trước, ngắm dòng người qua lại phía dưới đường Hạ Long. Vừa được thư giãn, lại được ngắm mọi người qua lại trên phố cũng khá thú vị", chị Ngọc Hoa nói thêm. "Sài Gòn cũng có cà phê, đôi khi còn đẹp và ngon hơn cả các quán ở Vũng Tàu, nhưng cái hơn của Vũng Tàu là có không khí trong lành, mát mẻ của khí trời chứ không ngột ngạt và đậm mùi máy lạnh như ở Sài Gòn", anh Mạnh Hùng, người bạn ngồi cùng bàn góp chuyện. Và cũng chính vì lý do này mà khiến nhóm bạn của anh lần nào xuống Vũng Tàu cũng đều đến quán cà phê ven biển nào đó ngồi để hít thở không khí trong lành của phố đêm.

Và để "trang bị" cho chiếc xe của bạn đủ nhiên liệu để dạo phố đêm, một địa chỉ đã được nhiều người nhớ mỗi khi muốn đi chơi khuya là cây xăng Bến xe (192, Nam Kỳ Khởi Nghĩa). "Cây xăng này mở cửa cả đêm, chị đến lúc nào cũng được phục vụ nhiệt tình", Hoàng, cậu bé đi cùng mách nước khi thấy tôi băn khoăn nhìn xuống đồng hồ xăng với ánh mắt ái ngại
.
PHỐ ĂN ĐÊM

Sau chuyến bát phố, nếu bạn cảm thấy đói và muốn có cái gì đó lót dạ, bạn có thể tìm đến phố ăn đêm nằm quanh rạp Điện Biên từ đoạn đường Trưng Trắc - Trưng Nhị, Đồ Chiểu vòng sang Lê Lai, Lý Tự Trọng và Lý Thường Kiệt. Đến đây, bất kể giờ nào bạn cũng có thể gọi cho mình những món ăn, thức uống nóng sốt không thua gì vào giờ bán ban ngày. Theo chị Mai, chủ quán hủ tiếu Mai nằm ở góc đường Lý Thường Kiệt – Lý Tự Trọng, quán ăn đêm ở khu vực này phục vụ suốt đêm. Càng về đêm, khách đến đây càng đông. "Cao điểm là từ khoảng 11 giờ đêm đến 1 giờ sáng. Khi ấy các quán bar, vũ trường mới đóng cửa, khách chơi ở những nơi này mới đi ăn bữa khuya. Những người làm việc đêm cũng ghé đây", chị Mai cho biết thêm. Khách đến đây có thể gọi cho mình những món ăn đặc sản như cháo hào, cháo hải sản 15 – 20.000 đồng/tô đến những món thật bình dân chỉ vài nghìn đồng như bánh mì, bánh bao và nước mía.

Còn với những khách thích lai rai cùng bạn bè thì có thể tìm đến quán ăn Cây Me Ngọt nằm ở góc đường Lê Lai – Lý Tự Trọng. Khi chúng tôi đến quán, đồng hồ tay đã chỉ con số hơn 1 giờ sáng thế nhưng dường như giờ đây quán mới thật sự đông khách. Khách hàng đến đây không phân biệt sang, nghèo, tất cả đều ngồi bên chiếc bàn gỗ nhâm nhi các món ăn đặc sản của quán với các món lẩu, cá biển, khô mực, khô đuối… Vừa ăn vừa xuýt xoa bởi vị cay của ớt trong các món ăn, lại vừa xuýt xoa bởi cái se lạnh của đêm miền biển ngấm vào trong từng thớ thịt. Trở về nhà sau một đêm qua các phố vui Vũng Tàu đêm trong khung cảnh trời đêm tĩnh mịch mới cảm nhận được hết nét yên tĩnh, thanh bình, đầy những làn gió biển của thành phố Vũng Tàu.
 
Thiền Viện Chơn Không

Thiền viện Chơn Không tọa lạc tại số 36/11 Viba, phường 6, TP.Vũng Tàu, trên triền của ngọn núi Lớn là một điểm tham quan rất thanh bình dành cho du khách bởi cảnh vật nơi đây yên tĩnh, nếp chùa trang nghiêm. Từ trung tâm TP. Vũng Tàu theo con đường núi Lớn (đường Trần Phú), dừng chân gửi xe lại dưới chân núi, bạn sẽ phải vượt qua con đường nhựa quanh co uốn khúc để đến với thiền viện này.

Về lịch sử xây dựng, vào tháng 4 năm 1966, hòa thượng Thích Thanh Từ đã đến khai phá vùng đất Hòn Chụp - Núi Tượng Kỳ (Núi Lớn) và cho xây dựng Pháp Lạc Thất. Đến năm 1971, tu viện Chơn Không được thành lập.Và cho đến tháng 8 năm 1995 thì tu viện chính thức đổi tên là Thiền viện Chơn Không như ngày nay. Vị hòa thượng Thích Thanh Từ đã giao việc quản lý hòa thượng Thích Thông Nhẫn làm chủ trì.

Qua hết một con dốc khá cao, hai bên là vách đá và những hàng cây xanh mát là bạn đã thấy thấp thoáng cổng chùa vững chãi hiện ra trước mắt. Bước vào khuôn viên chùa là một khung cảnh thiên nhiên tĩnh lặng. Đi hết đường Tiêu Dao là đến chánh điện. Từ chánh điện, bạn có thể phóng tầm mắt để chiêm ngưỡng thành phố Vũng Tàu với Bạch Dinh ẩn hiện trong rừng hoa sứ, hay tượng chúa Kitô phía xa xa...

Tại thiền viện này đang trong quá trình hoàn thành một dự án du lịch mới - du lịch thiền. Theo đó, thiền viện Chơn Không sẽ trở thành khu du lịch văn hóa Thiền đầu tiên của Vũng Tàu với nhiều công trình như: Khu vườn đá Phương Đông, khu thiền Yoga, khu biểu diễn thư pháp, khu giới thiệu và nấu các món chay dưỡng sinh, khu vườn thuốc Nam chữa bệnh miễn phí, khu hoa viên, khu xây dựng tượng đức Phật, bảo tàng Phật giáo, khu trà đạo...
Hiện nay, thiền viện còn tổ chức những lớp học thiền, ngoài ra hai tuần một lần vào chủ nhật còn có ngày thọ bát để phật tử khắp nơi đến học thiền và sinh hoạt theo thanh quy từ sáng đến chiều. Một lần đến với thiền viện Chơn Không bạn sẽ cảm nhận được vẻ đẹp thanh tao của nó, vốn dĩ được ẩn hiện trong từng công trình kiến trúc, trong những con người...

thienvienck.jpg


chanhdienck.jpg


lauchuongd.jpg


tvchonkhong03.jpg


tvchonkhong04.jpg


tvchonkhong05.jpg
 
Last edited:
Bánh khọt Vũng Tàu

Nhắc đến thành phố Vũng Tàu, người ta không chỉ nghĩ đến các món hải sản tươi ngon mà còn "điểm danh" một món ăn mà ai từng nếm qua đều nhớ: bánh khọt Vũng Tàu.

Từ Bà Rịa đến Vũng Tàu có nhiều quán bánh khọt, nhưng địa điểm được nhiều du khách lẫn người dân địa phương chọn làm “chốn dừng chân” là quán bánh khọt gốc Cây Vú Sữa, số 14 Nguyễn Trường Tộ.

IMG_0906_GF.jpg


IMG_0907_GF.jpg


Quán bài trí sơ sài, biển hiệu đơn giản, bàn ghế nhựa bình dân nhưng từ 6giờ30 sáng đã phải mở cửa phục vụ thực khách. Nếu đi nhóm đông, bạn phải đặt chỗ trước.


Bánh khọt Vũng Tàu được làm từ bột gạo xay và nhân tôm tươi, cộng với... những bí quyết riêng của chủ quán mà nhiều nhà hàng ở những nơi khác không có được.


Bột bánh được chuẩn bị và xay kỹ từ hôm trước - đây là điểm quan trọng để chiếc bánh xốp mịn. Tôm cũng phải chọn những con thật tươi. Sau đó, đổ bánh lên những chiếc khuôn inox hình tròn có tráng một lớp dầu bên dưới và đặt những con tôm tươi vào trong lòng bánh.


Bánh chiên xong được phủ một lớp bột tôm mịn lên trên mặt bánh, rưới thêm một lớp hành lá lên trên, vừa ngon miệng vừa bắt mắt.


Bánh khọt Vũng Tàu khi ăn có vị giòn ở lớp da bên ngoài, nhưng bên trong lại mềm, thực khách không bị ngán nếu ăn nhiều.


Bánh khọt ăn kèm với nước chấm chua ngọt, thêm chút ớt cay và đu đủ, ngó sen bào sợi. Nước chấm cũng phải pha theo một tỷ lệ chính xác để không chua quá và có vị ngọt vừa đủ.


Bánh khọt ăn đúng cách phải cuốn với xà lách hoặc rau cải, ăn kèm với các loại rau sống như húng, quế, tía tô...


Vào những buổi sáng hiu hiu gió, thật thú vị khi được thưởng thức những chiếc bánh khọt ngon giòn và ngắm mặt trời mọc ở thành phố biển…



Bánh khọt đúng là chỉ ăn ở Vũng Tàu mới ngon thật. Bánh khọt được làm từ bột gạo, đổ lên bộ khuôn gồm nhiều chiếc chén nhỏ bằng đất nung trên bếp than hồng. Khi bánh chín sơ mới mở nắp ra cho tôm vào.


Bánh chín, rắc lên trên mỡ hành và một ít tôm chấy (ruốc tôm) hoặc bánh mì khô. Cả bộ khuôn bánh được nhấc lên bàn cho khách khi còn nóng hôi hổi. Khách tự vớt những chiếc bánh trắng có tôm đỏ hồng,cháy xém cạnh ra, chấm với nước mắm có đồ chua, ăn kèm rau sống như rau cải, xà lách, dấp cá… thoáng một cái, chục chiếc bánh khọt đã hết veo. Miệng vẫn còn thòm thèm…
Bí quyết của món bánh khọt là phần bột. Bột phải xay từ tối hôm trước để qua đêm, sáng hôm sau đổ bánh mới giòn, không bị nhão, chảy. Ngoài ra tôm phải tươi, rồi nước chấm cũng phải pha rất khéo, vừa độ chua, độ ngọt, mặn dịu để có thể ngâm cả chiếc bánh khọt trong chén nước chấm ấy mà không bị rát lưỡi. Có nhiều người nội trợ lại thích thêm ít bột nghệ cho bánh khọt có màu vàng ươm, thêm đậu xanh hay nước cốt dừa vào bột gạo để có những hương vị khác nhau.


Những chiếc bánh tưởng chừng như rất đơn giản nhưng cũng đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỉ của người thực hiện, chỉ cần khác đi một tý, bánh được vớt sẵn trên đĩa cho khách, tiện thì tiện thật nhưng lại mất đi niềm hứng thú được nhìn người ta đổ bánh, được sờ tay vào khuôn đất nung nóng phỏng tay để lấy ra cái bánh cháy cạnh của mình.


Cứ như vậy, dần dần ai cũng nghĩ rằng, bánh khọt là đặc sản riêng của Vũng Tàu, vì chỉ ăn ở đó mới cảm nhận được vị ngon và hương vị riêng của nó.

Ngoài ra Quán Bánh Khọt Cây Đa trên đường Lý Thường Kiệt vừa ăn bánh vừa uống nước dừa là hay nhất xứ (quán này nằm gần trường Châu Thành cấp 2 Vũng Tàu (cũ), giờ là cấp 1 Hạ Long và trường chuyên Lê Quý Đôn nên là điểm dừng chân, tụ tập của không ít thế hệ học trò)

Bonus: đối diện Bánh khọt Cây Đa còn có quán kem Sài Gòn, ăn cực kì ngon. không thử luôn thì phí.

IMG_0908_GF.jpg


IMG_0903_GF.jpg


IMG_0904_GF.jpg
 
Last edited:
Xe đạp đôi du ngoạn

Hè về. Phố biển Vũng Tàu mát rượi. Con đường chạy dọc bờ biển từ Bãi Sau qua Bãi Dứa, về Bãi Trước rộng thênh thang, phẳng lì, ít xe hơi qua lại, là nơi lý tưởng để du khách dạo biển, nhất là với những ai muốn thưởng ngoạn cái thú du ngoạn bằng xe đạp đôi…lãng mạn chẳng kém gì cảnh trong phim Hàn Quốc!

Tại phố biển Vũng Tàu, các điểm cho thuê xe đạp đôi có khá nhiều quanh các khu du lịch, khách sạn. Ngoài xe của người dân, nhiều khách sạn cũng mua vài chiếc dựng trước cổng để phục vụ nhu cầu thuê xe của khách lưu trú. Vì vậy, đến Vũng Tàu, bạn có thể dễ dàng thuê cho mình một chiếc xe đạp đôi với giá từ 15.000 – 20.000 đồng/giờ và chỉ cần để lại chứng minh nhân dân làm tin.
Thời gian thích hợp nhất để đi xe đạp đôi dạo biển là từ khoảng 16 – 20 giờ. Thời tiết lúc này không quá nắng, nóng nên cũng không khiến bạn đổ nhiều mồ hôi. Tuyến đường được du khách ưa thích khi dạo biển với xe đạp đôi là Thùy Vân – Hạ Long – Quang Trung chạy từ Bãi Sau, qua Bãi Dứa, về Bãi Trước và quay trở lại. Vào những buổi chiều cuối tuần, tuyến đường này nhộn nhịp xe đạp đôi. Trên tuyến đường này, du khách sẽ chinh phục dốc Nghinh Phong, ngắm tượng vua Kitô trên đỉnh núi Nhỏ, thắng cảnh Hòn Bà phía xa xa, rồi đổ dốc xuống Bãi Dứa. Tại đây, bạn có thể tham quan di tích Niết Bàn tịnh xá, ngắm những quán cà phê cheo leo trên sườn núi. Cuối hành trình, du khách thường chọn công viên Bãi Trước để nghỉ ngơi, ngắm cảnh.
Hoàng hôn buông xuống, Bãi Trước thật lãng mạn. Những tia nắng đủ sắc màu còn sót lại của một ngày lấp ló dưới những tán dừa soi mình bên biển Bãi Trước tạo nên không gian kỳ bí, huyền ảo. Khi màn đêm về, công viên Bãi Trước lung linh ánh điện. Đối diện công viên Bãi Trước là khách sạn Grand- khách sạn cổ nhất Vũng Tàu, được xây dựng từ những năm 1870 của thế kỷ XIX cũng đầy quyến rũ. Xa xa phía biển Bãi Trước là hàng trăm chiếc tàu cá neo đậu sau những ngày lao động vất vả. Nếu may mắn, bạn sẽ được chứng kiến cảnh thu hoạch tôm cá của ngư dân sau một ngày kiếm sống trên biển. Bạn cũng có thể mua cho mình những món hải sản tươi sống yêu thích với giá cả phải chăng rồi đem về khách sạn, nhà hàng nhờ chế biến để tối đến có thể ngồi lai rai ngay bên bờ biển.
Tiếp tục đi thêm về phía trước gần 1km nữa, bạn đã đến di tích Bạch Dinh- một tòa nhà trắng được xây dựng trên sườn núi Lớn từ năm 1900, làm nơi nghỉ mát của các quan chức Pháp lúc bấy giờ. Đến Bạch Dinh, bạn còn được nghe kể chuyện về vua Thành Thái, vị vua yêu nước, kháng Pháp thời nhà Nguyễn bị giam cầm tại đây. Bạch Dinh còn trưng bày nhiều cổ vật quý như đồ gốm nhà Thanh vớt được từ xác tàu đắm tại vùng biển Hòn Cau – Côn Đảo; bộ sưu tập súng thần công cổ… Ngoài giá trị lịch sử, Bạch Dinh còn có một giá trị khác, không nơi nào có được là rừng cây giá tỵ và những cây sứ hàng trăm năm tuổi. Khi hoa sứ nở rộ, Bạch Dinh như đựơc vây bọc giữa rừng hoa và mùi hương thơm ngát.
Sau một vòng dạo biển bằng xe đạp đôi, hẳn sẽ mang lại cho bạn sự thư giản, sảng khoái về tinh thần. Xe đạp đôi đã trở thành một sản phẩm du lịch không thể thiếu của nhiều du khách khi đến Vũng Tàu.


Hướng dẫn: Với giá 15.000 đồng/giờ cho loại xe có "chuột nhún" và 10.000 đồng/giờ cho những loại xe còn lại cũng đủ để những người yêu thích thú chơi này có thể đạp đi khắp nơi từ Bãi Trước ra Bãi Sau, từ Bãi Dâu sang Bãi Dứa. Khi đến thuê xe, bạn chỉ cần để lại một số giấy tờ tuỳ thân hay chứng minh nhân dân, bằng lái xe, hoặc một vật gì bất kỳ để "làm tin"… Khách khi đến thuê xe được nhận một tấm danh thiếp từ phía chủ. Khi hư hỏng dọc đường khách có thể gọi điện về tiệm, chủ tiệm kinh doanh sẽ cử người tới nơi khách đứng để sửa chữa, bảo hành xe hoặc đưa khách quay trở lại tiệm đổi xe mới.
 
Đình thần Thắng Tam

Trên khắp đất nước Việt Nam, ở các làng xã ngày xưa đều có Đình thần. Đình thần là nơi thờ phụng Thành Hoàng – người có công khai phá dựng làng, dựng nước tại địa bàn sở tại, tiền hiền và hậu hiền – những người tiếp nối đến mở đất dựng làng, dựng nước.
Đình làng còn là nơi sinh hoạt tín ngưỡng, văn hoá và tinh thần của cư dân trong một cộng đồng được xác định bởi một đơn vị hành chính cơ sở. Trải qua thời gian tồn tại lâu dài, do những biến động của lịch sử, một số làng, xã đã không còn đình làng. Tại ba ngôi làng tiền thân của Vũng Tàu còn ba ngôi đình. Có thể nói đình làng Thắng Tam là biểu hiện đặc sắc của đặc trưng văn hoá độc đáo của ngư dân miền biển – Vừa có những đặc điểm chung của đình làng Việt Nam, vừa có những nét riêng trong thờ cúng và sinh hoạt văn hoá – tín ngưỡng.
Theo truyền ngôn, Đình Thần Thắng Tam được xây dựng từ đời vua Minh Mạng (1820 – 1840). Hiện nay, đình thần còn lưu giữ 2 đạo sắc của nhà Nguyễn phong cho các vị thần được thờ tại đình là Thiên Y A Na, Đại Càn Quốc Gia Nam Hải, Thượng Đẳng Thần, Cá Ông, Thuỷ Long Thần Nữ… Theo truyền thuyết Đình Thần Thắng Tam thờ chung cả ba người đã có công xây dựng nên ba làng thắng ở Vũng Tàu, đó là Phạm Văn Dinh, Lê Văn Lộc và Ngô Văn Huyền. Chuyện kể rằng: thuở ấy hải tặc Mã Lai và Tàu Ô thường hay đột nhập cửa sông Bến Nghé đón đường cướp bóc tiền bạc, hàng hoá, bắt cóc người trên các thuyền buôn. Để bảo vệ thương thuyền của người Việt, vua Gia Long liền phái ba đội quân đi trên ba chiếc thuyền. Mỗi đội quân do một viên xuất đội thống lĩnh. Đổ bộ lên bán đảo Vũng tàu, họ đã lập trại và đặt tên cho doanh trại, đồn binh của mình là Phước Thắng. Ba đội quân vừa làm việc nước – bảo vệ sự thanh bình của bờ biển cửa ngõ, vừa khai hoang lập làng, làm ăn sinh sống. Trong vòng mấy năm, phần lớn hải tặc Mã Lai và Tàu Ô bị diệt trừ. Số ít còn lại chẳng dám sách nhiễu thương thuyền nữa. Năm 1822, Minh Mạng ban chiếu khen thưởng chức tước, phẩm hàm cho đội quân cho giải ngũ và ban thưởng phần đất mà họ có công khai phá. Từ ba vị trí của ba đội quân dần dần hình thành nên ba làng thắng. Làng thứ nhất gọi là làng Thắng Nhất do Ông cai đội Phạm Văn Dinh chỉ huy. Làng Thắng Nhì do Ông cai đội Lê Văn Lộc chỉ huy. Làng Thắng Tam do Ông cai đội Ngô Văn Huyền chỉ huy. Dân các làng Thắng vừa làm ăn sinh sống vừa bảo vệ an ninh bờ biển. Sau khi ba đội Ông chết, Triều đình ban sắc phong cho ba ông.

Đình thần Thắng Tam lúc đầu xây dựng chỉ là nhà tranh vách lá. Năm 1835 mái được lợp ngói, năm 1965 được trùng tu mới như hiện nay. Kiến trúc Đình Thần Thắng Tam có Cổng Tam Quan, Nhà Tiền Hiền, Hội Trường, Ngôi Đình Trung, sân khấu võ ca. Trong đình bài trí nhiều đồ lễ, chạm trổ tinh xảo, sơn son thếp vàng lộng lẫy. Đình thần thắng tam kiến trúc theo lối nối tiếp. Đó là một nhà gồm bốn ngôi nhà nối liền nhau bằng một lối đi bên hông: Tiền Hiền – Hội Trường – Đình Trung – sân khấu võ ca. Ngôi tiền hiền được lợp bằng ngói âm dương, trên mái có hình “Lưỡng long chầu nguyệt” đắp nổi. Đầu các đòn tay, xà gồ, cột đều chạm khắc hình rồng. Nội thất nhà Tiền Hiền bày bốn bàn thờ: bàn thờ thổ công, Tiền Hiền và Hậu Hiền, Tiền Vãng và Hậu Vãng ( tức thờ thổ công, tiền hiền và hậu hiền, dân làng đến trước đến sau)

Hội trường là nơi sinh hoạt của Hội viên thuộc hội đình ( hội đình thắng tam hiện nay có hơn 500 hội viên, có ban hương chức thôn hội chia làm 10 bậc từ thấp đến cao).
Tiếp sau phần hội trường là ngôi đình trung có cấu trúc tương tự ngôi tiền hiền. Ngôi đình trung bài trí 10 bàn thờ theo lối 3-4-3: thờ Thần Nông, Thiên Y A Na, Ngũ Đức, Thánh Phi, Hậu Hiền – Thần, Hội Đồng, Phụ Án Và Tiền Án – Cao Các, Thiên Sư, Ngũ Thơ, Ngũ Tự và Tiền Hiền ( bốn bàn thờ phía giữa nằm vượt lên phía trước). Khác với nhiều nơi, thần nông được thờ ngoài trời, ở đình thần thắng tam, thần nông được thờ bên trong.

Sân khấu võ ca là nơi diễn tuồng, hát bội khi đình thần có lễ.
Ngoài những giá trị mang ý nghĩa lịch sử, văn hoá, đình thần thắng tam còn lưu giữ những lễ hội in đậm văn hoá dân gian và bản sắc dân tộc. Hàng năm Đình Thần Thắng Tam đều có tổ chức lễ hội cầu an trong 4 ngày, từ 17 đến 20 tháng 2 âm lịch. Đây là thời điểm kết thúc và mở đầu cho một mùa thu hoạch tôm cá. Việc tổ chức cúng tế lễ vật tế thần, cách dâng hương quỳ lạy, chiêng trống kèn nhạc … của lễ hội cầu kỳ và nhiều vẻ. Lại có những tục kiêng kỵ trong tế lễ được lưu truyền, gìn giữ và chấp hành đầy đủ từ xưa đến nay. Chẳng hạn, người có tang không được trực tiếp thực hiện các nhiệm vụ trong nghi lễ, heo dùng để tế lễ phải có bộ lông thuần màu…

Trong quá trình lễ hội của đình, người ta thường tổ chức nhiều trò vui giải trí như múa lân, hát bội … đình thần thức suốt đêm, tiếng trống, tiếng nhạc tiếng hát làm huyên náo, rộn ràng cả một vùng suốt mấy ngày đêm.

Lễ hội đình Thần Thắng Tam là một hoạt động văn hoá đặc sắc của ngư dân miền biển Vũng Tàu. Du khách viếng thăm đình Thần Thắng Tam vào dịp có lễ hội, hẳn đó là chuyến tham quan thú vị và sinh động nhất trong chuyến du lịch Vũng Tàu.
MIẾU BÀ
Miếu Bà nằm bên trái khu Đình Thần Thắng Tam, còn có tên Miếu Ngũ Hành. Tên gọi ấy phản ánh các đối tượng được thờ cúng trong miếu.

Tương truyền miếu bà được xây dựng vào cuối thế kỷ XIX. Lúc đầu nó chỉ là ngôi nhà tranh vách do ngư dân Thắng Tam xây dựng để thờ Ngũ Hành, tức năm yếu tố vật chất: Kim, Mộc, Thuỷ, Hoả, Thổ (theo tư tưởng triết học Trung Quốc mà Việt nam ảnh hưởng). Ngoài Ngũ Hành, Miếu Bà còn thờ hai vị hộ quốc được vua phong Thượng Đẳng Thần là bà Thiên Y-A-Na và Thuỷ Long Thần Nữ. Điều này chứng tỏ tính riêng của ngôi miếu khi chủ nhân của nó là những người sống bằng nghệ chài lưới trên biển.

Miếu Bà được kiến trúc theo lối một gian hai chái. Trên mái có hình Lưỡng Long Vhầu Nguyệt. Bên trong có 8 bàn thờ. Bàn giữa chính điện thờ 5 bà Ngũ Hành và hai vị Thượng Đẳng Thần. Trên có bày tượng 5 Bà và bộ ngũ sự, hai bên có thờ 5 Cô, 5 Cậu, hai vị Thượng Đẳng thần không có tượng. Tiếp theo bên trái là bàn thờ Quan Công, Quan Bình và Châu Xương là những bậc trung nghĩa và sẵn sàng cứu hộ những người đi biển khi họ gặp chuyện không may. Bên phải là bàn thờ Ông Địa – Thổ Công. Phía sau là bàn thờ Tiền Hiền và bàn thờ những người giàu lòng nhân ái, độ lượng trong làng.

Hàng năm, Miếu Bà lễ hội vào ba ngày từ 16 đến 18 tháng 10 âm lịch. Quản lý miếu và tổ chức điều hành lễ hội là những người trong ban điều hành. Hội viên của Miếu bà chỉ giành cho nữ giới. Ban điều hành cũng chỉ do các bà phụ trách (ba bà cố vấn, sáu bà trong ban điều hành với 160 hội viên).

Lễ hội Miếu Bà là ngày sôi động và linh đình. Ngoài việc cúng tế thần linh người ta còn tổ chức múa lân, các trò vui, ban đêm tổ chức hát tuồng. Vốn có tiếng hiển linh, vào các ngày hội người từ thập phương về hành hương, phụng cúng rất đông. Miếu bà và lễ hội Miếu Bà là nét đặc sắc của văn hoá dân cư ven biển Bà Rịa – Vũng Tàu.

31.JPG
 
Last edited:
LĂNG CÁ ÔNG
Nằm trong khu Đình Thần Thắng Tam phía bên phải. Lăng Cá Ông được xây dựng cùng thờ kỳ với Miếu Bà, nghĩa là khoảng cuối thế kỷ XIX. Hiện nay trong lăng còn bảo tồn xương Cá Ông khổng lồ do ngư dân Vũng Tàu vớt được từ hơn 100 năm trước đây.
Truyền thuyết về Cá Ông hiện còn lưu truyền ở Vũng Tàu và từ rất sớm đã được chép trong thư tịch cổ, rằng: Cách đây hơn 100 năm (giữa thế kỷ 19) có một đầu cá to lớn trôi dạt vào bãi Tầm Dương. Đầu cá lớn đến nỗi ngư dân không thể đưa vào bờ được. Họ phải xóc cờ rào lại chờ cho thịt rữa sạch rồi tháo từng khúc xương đưa vào miếu thờ.
Lăng Cá ông Thắng Tam có tới ba sắc phong do vua ban tặng. Vua Thiệu Trị ban hai đạo sắc vào năm thứ năm (1846), Vua Tự Đức ban cho đạo sắc vào năm thứ ba (1850). Hiện nay vào ngày 16/8 âm lịch, cứ ba năm một lần những người quản lý Lăng được gọi là hội “Lương hữu Vạn Lạch” lấy một xương trong Lăng đem thờ trong ba tủ kính. Vào ngày Vía Cá ông, ngư dân và khách thập phương tụ hội vê đông vui nhộn nhịp. Ngời ta đến đây cầu mong sự bình yên may mắn trong chuyến đi biển, xin xăm báo trước điều tốt lành, rủi ro và xem hát, vui chơi giải trí...

Lăng Cá ông có kiến trúc theo lối cổ xưa. Bên trong bày ba tủ kính lớn đựng xương tương xứng với nó là ba bàn thờ. Hai bên tả, hữu có thêm hai bàn thờ của Bà Sáu (Thần Rùa) và tổ nhạc. Ngư dân Vũng Tàu quan niệm rằng mỗi khi có Cá ông chết tấp vào bờ, người nào trông thấy đầu tiên thì được xem như con trưởng của Cá ông. Khi làm lễ an táng, người đó phải chịu tang và thực hiện các nghi lễ tang ma như là đám cho cha đẻ mình vậy.

Lễ hội “Nam Hải Đại tướng quân” - Danh hiệu Cá ông do vua Thiệu Trị ban tặng được tổ chức trùng với ngày Vía (ngày mất) của cá. Lễ hội kéo dài trong ba ngày từ 16 đến 18/8 âm lịch hàng năm, gồm có : Lễ cúng ông, lễ nghinh ông (đón cá) gồm nhiều ghe thuyền trang trí lộng lẫy, thắp đèn sáng trưng chạy vòng biểu diễn ngoài biển. Những hình thức tế lễ Cá ông mang đậm màu sắc riêng của cư dân miền biển, nhưng trong lễ hội người ta cũng dành một buổi cúng Tiền Hiền, một buổi tế lễ thần linh - như việc tổ chức cúng tế trong đình làng ...

Khu di tích Đình Thần Thắng Tam, bao gồm cả Miếu Bà và Lăng Cá ông ẩn chứa những giá trị văn hóa quý báu của cư dân miền biển Vũng Tàu. Những nét đẹp về phong tục tập quán dường như được “hóa thân” trong từng chi tiết kiến trúc của di tích, của phong cách sinh hoạt tổ chức lễ hội. Khu di tích Đình Thần Thắng Tam và những lễ hội liên quan của nó đã bảo lưu được những di sản qúy giá. Hiện nay, không kể các ngày lễ hội là những ngày có rất đông du khách hành hương mà những ngày thường khu Đình Thần Thắng Tam cũng chào đón rất nhiêu khách du lịch trong và ngoài nước đến thăm viếng.


Vị trí: Khu di tích nằm tại đường Hoàng Hoa Thám, phường Thắng Tam, thành phố Vũng Tàu


Hàng năm lễ hội Ðình Thần Thắng Tam được tổ chức trong 4 ngày từ 17 đến 20 tháng 2 âm lịch. Ðây là lễ hội cầu an, là thời điểm kết thúc và mở đầu cho một mùa thu hoạch tôm cá.

Ðình Thần Thắng Tam Phần lễ diễn ra rất cầu kỳ: cúng tế, lễ vật tế thần, dâng hương quỳ lạy, chiêng trống, kèn nhạc... và có rất nhiều điều kiêng kỵ như heo dùng để tế lễ phải có bộ lông cùng màu, người có tang không được tham gia vào việc nghi thức tế lễ. Phần hội có nhiều trò vui chơi giải trí như múa lân, hát bội...

Lễ hội Ðình Thắng Tam là một hoạt động văn hoá đặc sắc của ngư dân miền biển Vũng Tàu. Lễ hội mang đậm nét văn hoá dân gian và bản sắc dân tộc.
 
Đua chó ở thành phố biển

Nếu có đến thành phố biển Vũng Tàu, bạn và gia đình đừng quên bỏ qua cơ hội: Đến sân vận động Lam Sơn để xem... đua chó.

Lạ lẫm nhưng hào hứng và hấp dẫn là xem đua chó trên sân vận động Lam Sơn, thành phố Vũng Tàu, sân có sức chứa 5.000 người là trường đua chó duy nhất tại Việt Nam.Tổ chức hàng tuần vào tối thứ bảy và một số chiều chủ nhật, hấp dẫn nhiều khách tham dự, hầu như trận nào cũng kín người, không khí luôn sôi động trên sân.
Đến sân vận động Lam Sơn, chuyến du lịch của bạn sẽ càng thêm hấp dẫn và thú vị khi bạn được tận mắt chứng kiến những chú chó GREYHOUND khỏe mạnh và sung mãn chạy với tốc độ 60km/h


Nhọc nhằn dự án trường đua
17 năm “thai nghén” ý tưởng, 3 năm nghiên cứu, thuyết phục hàng chục cơ quan Nhà nước, cuối cùng ông Nguyễn Ngọc Mỹ cũng có được giấy phép xây dựng trường đua chó ở Vũng Tàu. Là Việt kiều sống ở Úc, nghề nghiệp chính là kỹ sư xây dựng, song do quá đam mê với môn đua chó, nên khi về nước ông quyết tâm cho ra đời bộ môn giải trí này tại quê hương.
“Ông có phiêu lưu không khi đua chó còn quá xa lạ với người Việt Nam. Đua ngựa hấp dẫn là thế mà còn hết trồi lên lại sụt xuống, đằng này lại đua chó?”, tôi hỏi, ông Mỹ trả lời: “Đã gọi là làm ăn thì phải biết chấp nhận phiêu lưu chứ, nhưng tôi tin mình sẽ thành công”.Vậy là một dự án liên doanh giữa SES (Sport Entertaiment Service - Công ty Dịch vụ giải trí thể thao, do ông Nguyễn Ngọc Mỹ làm Tổng giám đốc) và ngành du lịch Bà Rịa - Vũng Tàu ra đời. Ngành thể thao Tỉnh cũng được mời tham gia, vì sân vận động Lam Sơn được chọn làm nơi xây dựng trường đua chó.
Vừa mới triển khai xây dựng được vài ngày, lãnh đạo Tỉnh nhận được hàng chục lá đơn của người dân khiếu nại SES chiếm dụng sân vận động, không còn chỗ cho thanh thiếu niên trong Tỉnh tập luyện. Tuy nhiên, khi hiểu ra thì mọi chuyện khá suôn sẻ. Đua chó chỉ diễn ra hai tối trong tuần (thứ Bảy và Chủ nhật), trên đường chạy vòng ngoài sân, nên không ảnh hưởng gì. Chẳng những vậy, mặt sân còn được trồng cỏ, làm mới lại hoàn toàn, đá bóng thật tuyệt.


Xem đua chó …
Như môn đua ngựa, đầu tư cho đua chó cũng tốn kém và lắm công phu. Ôm theo vòng đua rộng 6 mét, dài 294 mét, người ta xây một đường trượt để cho một con “thỏ mồi” chạy phía trước. Do có mùi “đáng ghét” nên “thỏ mồi” này sẽ hút các “vận động viên chó” đuổi theo như trong một cuộc săn thật sự (tốc độ có thể lên đến… 60 km/giờ). Con nào về trước, con đó thắng cuộc. Tuy nhiên, khác với ngựa, đường chạy cho chó được chuẩn bị kỹ lưỡng hơn. Quan trọng nhất là lớp cát phủ lên bề mặt. Cát được xử lý theo mẫu lấy từ trường đua của Úc: Không được mềm quá (chó sẽ bị lún, không chạy nhanh được) và cũng không được cứng quá (chân chó trầy xước sẽ bị nhiễm trùng).
Nhưng xem đua chó mà không ủng hộ “phe” nào thì thật đơn điệu và chán ngắt. Ủng hộ tích cực nhất thì chỉ có cá cược, và đây có lẽ là phần hấp dẫn nhất của loại hình giải trí này. Theo ông Mỹ, sẽ có 2 mức cá cược: Dưới 50.000 đồng cho khách ngồi ở tầng 1 và không giới hạn cho khách VIP ngồi ở tầng 2. Việc quản lý và chi trả tiền thắng cược cho khách đều thực hiện bằng máy tính, vừa nhanh lại vừa chính xác. Máy liên tục thông báo tỷ lệ thắng độ của mỗi con chó cho người chơi. Tỷ lệ này lên xuống tùy theo tổng số tiền đặt vào. Ít người đánh, tỷ lệ sẽ càng cao. Chỉ 30 giây sau khi cuộc đua hoàn tất, người thắng cuộc sẽ được nhận tiền ngay.
Nếu trong đua ngựa, ngựa được xếp theo nhóm để tranh đua công bằng, thì chó cũng dự đua theo nhóm: Những con nào có thành tích xấp xỉ nhau ở lần đua trước sẽ chạy chung. Ngựa đua có tên Bạch Tuyết, Hùng Cường, Madonna… thì chó đua cũng có tên. Tuy nhiên, do được nhập từ nước ngoài về, nên có lẽ chúng sẽ phải mang kèm một tên Việt Nam cho phù hợp. Chứ như Jimmy, Bill, Black hay White… thì mệt cho người bình dân quá! Nhưng điều quan trọng nhất là, chó tự chạy không cần ai điều khiển như ở đua ngựa, nên tránh được hiện tượng “bán độ” như trong đua ngựa. Mỗi con dự tranh sẽ mặc một màu áo khác nhau, có kèm số hiệu (mang suốt đời). Có camera theo dõi tốc độ và xác định thành tích nên ăn gian cũng khó. Ngoài ra, mỗi lần đua đều có sự giám sát của đại diện 4 bên, gồm: Công ty SES, Công ty Du lịch Bà Rịa - Vũng Tàu, ngành thuế và Sở TDTT. Ông Mỹ hồ hởi cho biết: “Mọi việc đều được kiểm soát chặt chẽ và theo International standard (tiêu chuẩn quốc tế)”. Điều làm cho người giám đốc 56 tuổi này hãnh diện không kém là khu khán đài 3.000 chỗ được ông cải tạo lại rất đẹp và lịch sự. Tầng dưới dành cho khách bình thường, tầng trên dành cho khách VIP - được trang bị máy lạnh. Trẻ em được miễn vé vào cửa.


Và… trại “VIP” dành cho chó đua
Nói đến đua chó mà không đề cập đến “nhân vật chính” thì quả là thiếu sót. Không phải chó nào cũng đua được, mà phải là giống Greyhound - cao, to, mõm nhọn, có tập quán săn bắt theo bầy. Chó nhập từ Úc, nhưng thật sự lấy giống Ireland, mỗi con về tới Việt Nam có giá gần… 2.000 USD.
Nếu có dịp đến Bà Rịa, bạn hỏi người dân địa phương trại nuôi chó đua ở đâu thì ai ai cũng biết. Từ ngoài đường lớn vào, lần theo một con đường đất độ 2 km là đến khu trại nuôi chó rộng 10 hécta, có tường đá bao quanh. Bốn dãy nhà hình chữ nhật dùng làm nơi cho chó ở. Mỗi con được nhốt trong một ngăn riêng và có thể chạy ra ngoài hóng mát qua một ô cửa nhỏ. Trong nhà, mỗi con đều có nửa chiếc ghế bố dùng làm nơi “ngả lưng qua đêm”. Chó Greyhound thật hiền, chúng chẳng hề sủa khi có người lạ, mà cũng không “lớn tiếng” dù sống cạnh nhau cả chục con. Nằm biệt lập với dãy chuồng là nhà ăn. Dưới quyền chỉ huy của một “bếp trưởng” người Úc, tại đây mỗi ngày 4 nhân viên người Việt có nhiệm vụ chế biến thức ăn cho chó. Bữa sáng đơn giản, chỉ gồm bánh khô được trộn sẵn các vitamin và nguyên tố vi lượng. Bữa ăn chiều thì phức tạp hơn: Thịt kangaroo được cắt lát, nhào trộn với một số chất và định lượng cẩn thận trước khi cho chó ăn. “Tại sao lại là thịt kangaroo?”, tôi hỏi. Ông Mỹ đáp: “Thật ra, chó ăn thịt nào cũng được, nhưng mua thịt trâu, thịt bò ở trong nước thì không kinh tế. Đành nhập thịt kangaroo từ Úc về”.
Chó đua không bệnh tật nhiều. Thường gặp nhất là sán lãi. Tuy nhiên, trại nuôi cũng có riêng một bác sĩ thú y. Cách xa nhà ăn 20 mét là bệnh viện dành riêng cho chó đua: Một dãy nhà khá rộng gồm nhiều phòng ốc, trong đó có cả phòng chụp X-quang và phòng giải phẫu. Chó Greyhound được 2 tuổi là có thể đua được. Mỗi con có thể thi đấu phục vụ trong 4 năm. Mỗi sáng, tất cả chó đua được luân phiên dắt ra ngoài tập luyện.
Đua chó, môn giải trí còn xa lạ tại nước ta. Cũng như những cái mới khác, nó cũng tạo ra lắm “dị ứng” cho nhiều người. Chưa ai khẳng định được kết quả, nhưng ông Nguyễn Ngọc Mỹ tin rằng, đây cũng là một cách để tạo ra nét hấp dẫn mới cho ngành Du lịch nước nhà. Cạnh ta, chỉ có Trung Quốc là có môn đua chó này. Các nước trong khối ASEAN thì chưa có. Đến thành phố biển Vũng Tàu, ban ngày khách du lịch tắm biển, tối đến xem đua chó, cũng có cái để giải trí. Không chỉ vậy, đua chó cũng tạo công ăn việc làm cho nhiều người. Trong tương lai, ông Mỹ dự định mở xí nghiệp sản xuất chế biến thực phẩm tại chỗ dành riêng cho các chú khuyển đua này, lập xưởng cơ khí làm chuồng lồng phục vụ thi đấu. Xa hơn, ông Mỹ còn tính đến việc gây giống chó đua và xuất khẩu chó con sang các nước lân cận khi có nhu cầ
 
Chó đua
Hàng ngày, các nhân viên nuôi dạy chó phải đưa chó ra hồ tắm để chúng tập lội nước. Lịch tập luyện cho chó cực kỳ nghiêm túc. Chiều nào cũng phải cho chó ra đường chạy để dạy chúng thi đấu. Mỗi con đều phải gắn chíp (lý lịch chó) để biết bố mẹ chúng là ai, ngày sinh tháng đẻ, có mắc bệnh gì không. Ra đường đua nếu con nào không có lý lịch là bị loại ngay.

Thức ăn cho chó đua công phu cũng không kém. Thức ăn chủ yếu là thịt kangooro, thịt phải tươi và nhập khẩu chính hiệu từ Australia. Đầu bếp cũng phải qua một khoá huấn luyện nấu để cho chó ăn hết khẩu phần và đúng hàm lượng chất. Những chó có thai lại có chế độ dinh dưỡng riêng. Đến khi sinh sản cũng hưởng chế độ riêng nhằm có sữa cho con bú. Khi cai sữa, chó con sẽ được tách riêng ra khỏi mẹ để vào lớp huấn luyện trước khi thuần thục để bước vào đường đua. Chó con sau 6 tuần tuổi thì cai sữa để ăn xúp được nấu từ gạo-bí đỏ-cà rốt-thực phẩm khô và thịt kangooro.

Khi chó được 4 tháng tuổi, trọng lượng từ 3 đến 14kg, đây chính là thời gian để các nhà chuyên môn bắt đầu tập trung tuyển chọn, sàng lọc chó đua. Chuồng nhốt chó phải thông, thoáng, sạch sẽ, có sân chơi khoảng 40m2 để chúng vận động nhằm tạo phản xạ và giúp phát triển chi.

Chó đua càng lớn thì chuồng cũng rộng theo, sân tập vận động cũng tăng. Chó đua tại Vũng Tàu mỗi ngày ăn 2 bữa chính và phụ. Bữa phụ vào cữ 9 giờ 30 sáng và chính vào 16 giờ 15 phút. Sau 5 tháng huấn luyện, khi đã 15 tháng tuổi là chó có thể đăng ký đua.


Đua chó
Hay nói đúng hơn là cá độ chó. Nhưng cá như thế nào? Tại đường đua Vũng Tàu đã có hướng dẫn trên hệ thống tote. Nhưng đây cũng chỉ là “tài liệu tham khảo” hơn là cách chỉ cho người cá cược thắng độ.

Trước hết, người chơi phải biết cự ly đua, số chó đua, thời gian xuất phát và thứ hạng… Mặc dù có thông tin đủ về 8 con chó đua thì trước giờ xuất phát cũng nên xem lại có trường hợp nào thay thế để quyết định móc túi đánh cược. Ngoài chuyện xem độ ổn định chuyên môn của từng chú chó, theo dõi số lần thắng, thứ hạng trong tổng số lần đua của từng con…, không giống như đua ngựa, đua chó không phân theo hạng cân mà tuỳ theo thành tích của từng vòng đua trước để xếp chó ngang nhau vào từng đợt đua. Đầu tiên, chó đua sẽ đua ở hạng C, tiếp đến là lên hạng B, rồi hạng A và AA. Cuối cùng là AAA. Mỗi khi một con lên hạng là sẽ lên thi đấu ở vòng đua nhanh hơn và ngược lại. Số tiền thưởng trên hệ thống tote giúp người chơi suy đoán cách lựa chọn số đeo của chó khi cá cược. Đây cũng là thông số để biết.

Tiền mua vé tối thiểu là 10.000 đồng. Có 3 loại thắng giải áp dụng cho mọi đợt đua là Win, Exacta và Trifecta. Thắng nhất là Win nếu con chó của bạn về nhất. Thắng nhất-nhì (Exacta) là 2 con mình cá về nhất - nhì và thắng nhất-nhì-ba (Trifecta) là thắng đậm nhất nếu trúng cả 3 hạng cá đầu và có thể ôm trọn tiền thưởng. Tổng số tiền người chơi trích ra 30% nộp thuế, 70% còn lại chi thưởng. Số thưởng đợt này không người trúng sẽ được dồn cho đợt sau.

Ngày 19.8 mới đây, anh K - một người có “khiếu” về cờ bạc liên tục méo mặt than trời vì thua, còn vợ anh do thấy chồng vui cũng chơi theo và lạ là thắng liên tục 5/8 đợt đua với số tiền thưởng hơn 3 triệu đồng. Hỏi bí quyết thì chị tủm tỉm cho biết là không quan tâm tới thông số của tote mà chỉ quan sát chân, đít chó trước khi vào đua. Con nào chị ưng là đánh, thế là thắng.

Ngược với chị L, anh P.B sau khi được chủ sân hướng dẫn cách chơi, cách lựa chọn và nghiên cứu khá say sưa bảng thành tích của từng con khi quyết định lựa chọn thì lại thua liểng xiểng tới gần 2 triệu đồng. Trong khi đó, trước khi ra về, chị T thấy có một chú chó mang tên giống con trai mình là Quang Minh bèn đánh và thắng cú chót. Thế mới biết là may hơn khôn chứ chẳng tài cán gì.

Thường là đua chó thì thua chó chứ mấy ai có may mắn như một người chơi tên H - trong một tối trúng tới 22,5 triệu đồng. Đêm 7.10, đoàn nhà báo TPHCM xuống Vũng Tàu tham dự Hội nghị quốc tế về đua chó thì tất cả khi chơi đều thú nhận là khó có cửa thắng. Vâng, nếu thắng thì chủ trường đua sập tiệm à. Còn lâu nhé.

Thay cho lời kết
Khi được hỏi ấn tượng của ông sau 6 năm Cty TNHH dịch vụ thể thao-thi đấu-giải trí đi vào họat động, ông Nguyễn Ngọc Mỹ không ngần ngại cho biết là hài lòng với lĩnh vực mà ông đang đầu tư cả đua ngựa ở TPHCM và đua chó ở Vũng Tàu. Nếu đua ngựa, nhiều người chơi còn chưa tin độ trung thực vì còn lệ thuộc vào nài, thì đua chó lại “thật thà” hơn, vì chó tự chạy theo con thỏ bông mồi để xác định thắng thua.

Được biết, đua ngựa mỗi năm trường đua Phú Thọ của ông Mỹ đang đầu tư có doanh thu là trên 150 tỉ đồng và nộp ngân sách khoảng 7 tỉ đồng, đua chó ít hơn, chỉ là 15 tỉ đồng và hàng năm ông cũng nộp trên 1 tỉ đồng vào ngân sách địa phương. Một con số doanh thu không phải doanh nghiệp nào cũng có thể làm được. Chính vì vậy mà ông Nguyễn Ngọc Mỹ đang ấp ủ tiếp tục xây dựng trường đua ở TPHCM, Cần Thơ, Hà Nội. Nhưng với ông điều hài lòng hơn cả là chuẩn bị sẽ xuất khẩu cả chó đua từ Việt Nam. Chỉ từ 240 con chó đua Greyhound nhập khẩu từ Australia thì bây giờ trang trại của ông đã có trên 700 con chó đua thuần chủng hoàn toàn do ông tự lai tạo.

Được biết, SES-VN đã có quyết định tăng cường vốn cho liên doanh để đẩy mạnh hoạt động và mở rộng sang một số tỉnh lân cận để hỗ trợ cho du lịch theo kiểu đua chó lưu động. Không chỉ thế dự kiến trong năm 2006, Cty của ông Mỹ sẽ xuất khẩu chó đua sang một số nước trong khu vực với giống chó mà ông đang nuôi, với giá là 2.000USD/con. Nghề chơi nào cũng lắm công phu, nhưng không phải ai cũng thành công như ông Chủ tịch CLB Doanh nghiệp Việt Kiều tại TPHCM Nguyễn Ngọc Mỹ khi biết nhìn xa, trông rộng để đầu tư vào đua chó và ngựa ở Việt Nam…
 
Sự kiện và lễ hội 2010

Dulichbui's Blog- Sở Văn hóa, Thể Thao và Du lịch tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu đã công bố các Sự kiện & Lễ hội của tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu trong năm 2010 trên trang thông tin chính thức của mình.

Theo đó năm 2010 Tỉnh Bà rịa Vũng Tàu sẽ tổ chức nhiều sự kiện & lễ hội hấp dẫn như Festival Diều Quốc tế lần 2 (từ ngày 24 đến 29/3/2010), Festival ẩm thực thế giới (cuối tháng 7 năm 2010), Lễ hội caravan Văn hóa du lịch Biển (dự kiến từ ngày 21 đến ngày 23 tháng 09 năm 2010),...
Click the image to open in full size.
Chi tiết các sự kiện lễ hội như sau:

1- FESTIVAL LƯỚT VÁN BUỒM QUỐC TẾ.
Với sự tham gia của nhiều cá nhân và nhóm vận động viên lướt ván buồm và lướt ván diều trong nước và quốc tế.
Thời gian: Dự kiến tổ chức từ ngày 26 đến ngày 30-1-2010
Địa điểm: CLB thể thao biển KDL Biển Đông TP.Vũng Tàu.

2- KHAI HỘI VĂN HÓA DU LỊCH BR-VT NĂM 2010.
Hướng về đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long Hà Nội, điểm nhấn chính là: Tái hiện nghi thức bắn súng thần công, Kỷ niệm 45 năm Chiến thắng Bình Giã.
Thơi gian: Từ mùng 1 đến mùng 10 tết Canh Dần (từ ngày 14 đến 24 tháng 2 năm 2010)
Chương trình khai hội gồm các hoạt động chính: Lễ khai hội VH-DL BR-VT 2010 vào tối mùng 8 tết tại Mũi Nghinh Phong TP.Vũng Tàu và Đêm hội “Bình Giã – Khúc ca khải hoàn” tái hiện nghi thức Lễ bắn súng thần công vào tối mùng 5 tết tại xã Kim Long ,Huyện Châu Đức..

3- FESTIVAL DIỀU QUỐC TẾ LẦN THỨ 2:
Chủ đề: “Vũ điệu Biển Đông”.
Festival với sự tham gia của 25 đoàn và cá nhân từ các câu lạc bộ ,hội nghệ nhân diều quốc tế và Việt Nam tham gia biểu diễn các con diều đẹp, mới lạ nhất.Tại Festival còn tổ chức biểu diễn kỷ thuật điều khiển diều bay phức tạp do các nghệ nhân diều hàng đầu thế giới đảm trách
Thơi gian: từ ngày 24 đến 29/3/2010.
Địa điểm: Bãi Sau Thành phố Vũng Tàu.

4- ĐẠI HỘI THỂ DỤC - THỂ THAO LẦN THỨ 5 TỈNH BÀ RỊA – VŨNG TÀU.
Đại hội tập hợp các VĐV xuất sắc ở các địa phương từ cấp xã đến huyện, tỉnh tham gia thi đấu các môn thể thao có thế mạnh của địa phương như: Cờ vua, cờ tướng, bi sắt- petan , bóng chuyền bãi biển, Vovinam, thể dục thể hình, Taekwondo…để tuyển chọn các VĐV tham dự Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ IV/2010.
Thời gian: Đại hội khai mạc vào tháng 4 kéo dài đến tháng 8-2010.

5- GIẢI BÓNG CHUYỀN BÃI BIỂN NỮ QUỐC TẾ:
Giải thi đấu với sự tham gia 20 đội đến từ 15 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự.
Thời gian: từ 22 đến 25/4/2010.
Địa điểm: Khu du lịch Biển Đông, Thành phố Vũng Tàu.

6- HỘI CHỢ HÀNG CÔNG NGHIỆP NÔNG THÔN CÁC TỈNH PHÍA NAM:
Hội chợ dự kiến với 400 gian hàng tham gia của các doanh nghiệp, đơn vị, tỉnh thành các tỉnh phía Nam .
Thời gian: Từ ngày 26 tháng 4 đến ngày 3 tháng 5 năm 2010
Địa điễm: Khu tam giác Bãi Trước.

7- FESTIVAL ẪM THỰC THẾ GIỚI:
Festival Ẩm thực quốc tế tại Vũng Tàu giới thiệu các món ăn đặc sản địa phương của Việt Nam và giao lưu với các nền văn hóa ẩm thực của khoảng 80 đoàn tham dự đến từ 70 quốc gia trên thế giới .
Festival còn thực hiện những hoạt động đặc biệt khác: Tọa đàm chuyên đề văn hóa Ẩm thực của nhiều phong cách khác nhau trên thế giới. Biểu diễn nghệ thuật, kỷ thuật nấu ăn… do các giáo sư, nghệ nhân danh tiếng trên thế giới như Giáo sư Trần Văn Khê, Vua bếp thế giới Jan Cancook và một số đầu bếp hàng đầu Việt Nam tham gia thực hiện, Biểu diển nghệ thuật ca nhạc đường phố ,diểu hành carnavan…
Thời gian: vào cuối tháng 7 năm 2010
Địa điễm: Đường Thùy Vân ,Bãi Sau .

8- LỄ HỘI CARAVAN VĂN HÓA DU LỊCH BIỂN VÀ LỄ HỘI NGHINH ÔNG.
Thực hiện trên cơ sỡ nâng cấp Lễ hội Nghinh Ông để khai thác văn hóa biển truyền thống, kết hợp lễ hội hóa trang, caravan đường phố để tôn vinh văn hóa biển tôn vinh nghề biển, tục thờ cúng cá Ông.Lễ hội tổ chức hoạt động hội chợ sản phẩm biển, ẩm thực biển…
Thời gian: dự kiến từ ngày 21 đến ngày 23 tháng 09 năm 2010
Địa điễm: Đình Thắng Tam, đường phố Vũng Tàu khu vực Bãi Sau

9- FESTIVAL QUÀ TẶNG VIỆT - VIET SOUVENIR
Chủ đề: “Hồn Việt”.
Festival quà tặng Việt Nam lần đầu tiên tổ chức tại BR-VT nhằm mục đích khôi phục giá trị thẩm mỹ, văn hóa của quà lưu niệm, tôn vinh giá trị của các làng nghề thủ công mỹ nghệ Việt Nam đem đến cho khách du lịch sản phẩm độc đáo mang giá trị tinh thần và giá trị sử dụng cao.
Festival sẽ quy tụ đại diện của gần 60 làng nghề thủ công mỹ nghệ Việt Nam, cơ sở có quà tặng nổi tiếng để cùng giao lưu trao đổi kinh nghiệm, mở rộng liên kết, hợp tác…
Thời gian:Trung tuần tháng 11/2010.
Địa điểm: Khu du lịch Biển Đông và Trung tâm Thương mại Imperial Plaza, Đường Thùy Vân , TP.Vũng Tàu


Theo Sở Văn hóa Thể Thao & Du lịch tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
36,720
Bài viết
1,136,053
Members
192,486
Latest member
HanhQuang
Back
Top