What's new

Đường lên Tây Tạng

Chào cả nhà: đọc loạt bài "Ba người đi Tibet" của bác Baxu tự nhiên thấy...sướng. Bao nhiêu kỉ niệm về Tây Tạng như có dịp bùng dậy.
Ngày nay, muốn đi Tây Tạng cũng khá dễ dàng, quá nhiều tour chào mời. Tuy nhiên, 99.9% khách du lịch muốn đến Tây Tạng đều phải bằng đường bay, hoặc tàu lưả. Tôi nằm trong 0.1% còn lại: đi...chui bằng đường bộ.
Chuyến đi này đã cách đây 4 năm (năm 2004), hình ảnh cũng bị thất lạc gần hết, post lên đây cũng chỉ như một cách gợi lại miền kí ức khó quên. Và tìm một sự đồng cảm, chia sẻ...


Bài 1: KÍ ỨC NGÀN NĂM

Từ nhỏ tôi đã mê đọc Kim Dung và rất ghét lão ác tăng Cưu Ma Trí- quốc sư nước Thổ Phồn ( Tây Tạng ngày nay) - độc ác dám đuổi bắt chàng Đòan Dự hiền lành. Trong trí tưởng tượng ấu thơ, Tây Tạng hẳn là vùng đất tòan vực sâu , núi cao đầy bí hiểm với những ông sư áo đỏ hung ác , mặt mũi dữ tợn, võ nghệ cao cường. Lớn lên, tôi …hết ghét Tây Tạng bởi anh chàng diễn viên đẹp trai Bratt Pit và hình ảnh rặng Himalaya hùng vĩ phủ đầy tuyết trắng trong bộ phim “Bảy năm ở Tây Tạng”. Nhưng tôi chỉ thật sự bị ám ảnh, mê tìm hiểu về Tây Tạng khi đọc cuốn “Con đường mây trắng” của Gonvida -vị tu sĩ, nhà nghiên cứu văn hóa- về thế giới tâm linh huyền bí của người Tây Tạng. Trong giấc ngủ, nhiều lần tôi mơ có dịp đặt chân đến vùng đất của các chư thiên này…

Từ chuyến đi không thành
Một người bạn, đi Tây Tạng về và tặng tôi vài cái… vỏ sò với hình thù khá lạ. Quái! Tây Tạng, nơi được mệnh danh là nóc nhà thế giới lại có thứ chỉ tồn tại dưới biển sâu(?!). Thấy tôi thắc mắc anh giải thích một tràng: “Tây Tạng xưa kia là… biển. Khỏang 40 triệu năm trước, bán đảo Ấn Độ di chuyển, va chạm vào lục địa Châu Á đội lên thành Hi Mã Lạp sơn và cao nguyên Tây Tạng ngày nay. Vì thế, người ta vẫn còn tìm thấy nhiều dấu vết của động vật sống dưới biển đã hóa thạch và nhiều hồ ở Tây Tạng là hồ nước mặn”. Nói xong, anh nhìn tôi: “Thiên hạ đi Tây Tạng bằng đường bay nhiều rồi. Đường bộ nghe nói hay lắm nhưng ít ai dám đi vì phải vượt qua một đỉnh đèo tử thần cao trên …5200m. Mày có dám đi không?”

Không cần đợi lời “thách thức” của người bạn. Lẽ ra, cái mộng đi Tây Tạng đã được tôi thực hiện từ năm ngóai. Tháng 5-2003, lúc dịch SARS đang bùng nổ ở Trung Quốc ,chúng tôi đã đến Thành Đô hỏi xe đi Lhasa –thủ phủ Tây Tạng. Ai cũng lắc đầu, nhiều người còn không biết Lhasa là đâu. Té ra, Tây Tạng còn quá ngăn cách và xa lạ ngay cả với nhiều người Trung Quốc. Cuối cùng , một công ty du lịch chỉ cho chúng tôi biết bến xe đi Lhasa nhưng phải trả tiền “cò” 100 tệ (khỏang 200 ngàn). Vừa leo lên xe,chúng tôi đã bị “sốc” khi tài xế đưa cho chúng tôi 2 gói thuốc màu đen và cho biết đó là thuốc chống chóang độ cao. Leo lên xe rồi dù tiếc đứt ruột nhưng đành phải xuống xe trở về vì cảm thấy quá nhiều bất an: khỏang đường dài hơn 3000 km mất 3 ngày 4 đêm đi qua tòan là hoang mạc, thảo nguyên không bóng người…giữa đường lỡ gặp chuyện gì bất trắc cũng không biết xử lí thế nào, nên dù tiếc đứt ruột cũng đành xuống xe trở về.

Tuy nhiên giấc mơ Tây Tạng cứ ám ảnh tôi mãi không thôi . Đi một mình thì vốn tiếng Anh của tôi coi như sổ tọet ở đất nước Trung Quốc –vốn ít người biết ngọai ngữ . Cũng như lần trước, tôi phải cầu viện “ Lão giang hồ” một người được mệnh danh là Sơn Trung Quốc dù anh chính tông là người Việt 100%.

Lão giang hồ Sơn "Trung QUốc" và tui tại cưả khẩu Đông Hưng (Móng Cái)
Tibet1.jpg



Xây lại giấc mơ xưa
Ngòai đường hàng không thông dụng gần như tuyệt đối, muốn đến Lhasa (Tây Tạng) bằng đường bộ trên lí thuyết có bốn đường: từ Vân Nam ; Thành Đô; Tây Ninh (tỉnh Thanh Hải); Urumqi (Tân Cương) . Đường từ Vân Nam chưa nghe có ai đi vì quá quanh co,hiểm trở, sương mù dày đặc. Từ Urumqi đi Lhasa phải qua 2 con đèo cao trên 6000m, mất vài ngày. Đường 109 từ Thanh Hải đi Lasha khả thi nhất vì tốn ít thời gian hơn.

Khi biết chúng tôi dự định đi Tây Tạng, mọi người ai cũng bảo: “Hay đấy! Nhưng... khùng”. Họ nói có cơ sở vì mùa Xuân, Hạ, thậm chí Thu là mùa du lịch. Nhưng gần như không có sách hoặc người nào khuyên nên đi du lịch vào mùa Đông, nhất là Tây Tạng, nơi mà nhiệt độ xuống đến âm vài chục là bình thường. “Đi giữa thảo nguyên bao la, hoang vu không một bóng người, xa xa là dãy núi phủ tuyết trắng xóa. Biết thêm về một Tây Tạng khác vào đông… chẳng phải có cảm giác mạnh hơn sao?”.

Năm nay trời lạnh quá nhanh, mới cuối tháng 10 mà có nơi nhiệt độ đã xuống 0 độ C. Trước đó vài ngày tuyết đã phủ trắng xóa tại Thanh Hải, Cách Nhĩ Mộc (những địa danh sẽ đi qua). Bò, cừu, người chết hàng loạt vì lạnh đột ngột. Chuẩn bị sẳn mười đôi vớ, 8 cái áo lạnh ,áo thu đông, khăn len che kín đầu và tai…” cũng chỉ là “liệu pháp tinh thần”, hạn chế đến thấp nhất những gì không hay có thể xảy ra. Tôi lại phải lọ mọ lôi lại đống dây nhợ, sách cũ từ thời còn sinh hoạt tại hội du khảo Trẻ TP để “dợt” lại những kĩ năng: xem sao, nút dây, dựng lều, tìm đường… phòng khi bất trắc.

Trung tuần tháng 11, tôi và anh Sơn “Trung Quốc” lên đường. Ra đến Hà Nội thì được biết chuyến tàu liên vận từ Hà Nội đến Nam Ninh-Trung Quốc (2 chuyến/tuần) đã hết vé. Không thể chờ đợi, chúng tôi quyết định lên xe đò xuống Hạ Long rồi bằng tàu cánh ngầm đến biên giới Móng Cái qua cửa khẩu Đông Hưng, rồi đi xe lên Nam Ninh, đi tàu lên Tây An.

Lộ trình chuyến đi Tây Tạng
tibetmap.jpg



Sang- hèn vùng đất thánh.
Điểm đầu tiên của con đường lữ hành đi về vùng đất chư thiên chính là Trường An ( ngày nay là thủ phủ Tây An của tỉnh Thiểm Tây). Nơi đây, năm 641, vua Tây Tạng là Tùng Tán Cương Bố ( Songtsen Gampo ) đem quân đến vây thành Trường An và “ép” vua Đường Thái Tông gả công chúa Văn Thành - người mang đến Tây Tạng một báu vật: bức tượng Phật Thích Ca bằng vàng (hiện đang được thờ tại ngôi đền Đại Chiêu (Jokhang) linh thiêng nhất Tây Tạng). Đây cũng chính là điểm xuất phát của con đường tơ lụa cổ đại với từng đòan thương nhân, ngựa, lạc đà mang theo không chỉ hàng hóa mà còn là một nền văn hóa phương Đông đến tận trời Âu…

Khi chúng tôi đến nơi thì cố đô Tây An vẫn còn chưa thức giấc. Con đường vắng lặng như tờ. Chỉ có vài bóng người thấp thoáng, lầm lũi đạp xe trên đường còn những hàng cây khẳng khiu trụi lá trước gió đông khắc nghiệt. Mở cuốn Lonely Planet tìm chỗ trọ, tôi bỗng giật mình khi giá rẻ nhất trong các địa chỉ đưa ra: phòng đôi bình thường 680 tệ/ngày (khỏang 1,3 triệu), trong khi thực tế thì …biến hóa khôn lường. Với kinh nghiệm của người bạn đường Kim Sơn- một “con ma xó” quá hiểu biết về Trung Hoa- chúng tôi chẳng trông mong gì tìm được một nhà trọ mặt đường vừa túi tiền kẻ lang bạt. Sau hơn một tiếng lết bộ trong các ngõ nhỏ cùng với chiếc ba lô du lịch nặng trĩu, cuối cùng chúng tôi cũng tìm được cho mình một chỗ trọ lí tưởng: Phòng hai giường có hệ thống sưởi với giá bất ngờ: chỉ 40 tệ/ngày (khỏang 80 ngàn VND), rẻ hơn được 15 lần so với Lonely Planet (dĩ nhiên chất lượng không thể sánh bằng) chỉ hơi phiền là phải dùng nhà vệ sinh công cộng “dơ không chịu nổi”…

Đối mặt binh mã dũng
Nói đến Tây An là người ta nói đến Binh Mã Dũng- khu lăng mộ Tần Thủy Hòang. Nằm cách Tây An khỏang 30km, muốn đến đấy bằng cách rẻ nhất thì tìm xe búyt số 306 giá chỉ tám tệ/ người (khỏang 16 ngàn) cho cả hai chuyến đi lẫn về, 10 phút có một chuyến. Bãi xe lớn chứa cả vài trăm chiếc xe chật ních trước lăng mộ Tần Thủy Hoàng. Mùa đông nhưng nơi đây vẫn đông đúc khách vì đó là nơi yên nghỉ của người mà hơn hai ngàn năm trước kết nối các tường thành của sáu nước để biến nó thành một kì quan thế giới mà không một người Trung Hoa nào không cảm thấy tự hào khi nhắc đến : Vạn Lí Trường Thành ! Cũng chính ông đã tạo ra đội Binh mã dũng được xem như kỳ quan thứ 8 của thế giới.

Lăng mộ Tần Thủy Hoàng
tibet3.jpg


Khi đến nơi, dù đã nghe nói khá nhiều nhưng chúng tôi cũng thật sự sững sờ: ba căn hầm khổng lồ, mỗi hầm lớn như một sân vận động đang chứa hàng ngàn người lính đất nung to bằng người thật với vóc dáng cực kì uy mãnh. Mỗi bức tượng đều có gương mặt diễn tả tâm trạng khác nhau, sống động đến không ngờ. Tùy theo chức vụ mà trang phục, thế đứng của mỗi bức tượng được tái hiện phù hợp. Thế mà nhà khảo cổ đứng cạnh cho biết đây chỉ là một phần nhỏ nằm ngòai rìa ngôi mộ, đỉnh mộ chính là ngọn đồi nằm cách đây khỏang một cây số.

Tuy nhiên, một trong những điều tôi kinh ngạc nhất khi đến đây không phải là những di tích của khu lăng mộ (điều này tôi đã hình dung được qua sách báo, phim ảnh) mà chính là cụm công trình bảo tồn, trưng bày hiện vật. Chỉ riêng nó đủ là một công trình kiến trúc có giá trị. Tất cả được làm đến mức hòan hảo nhất. Có phòng chiếu video vòm với 10 màn ảnh cực lớn, tái hiện lịch sử khu lăng mộ, trong các phòng trưng bày có các máy vi tính để có thể tra bất cứ thông tin liên quan, có cảnh sát túc trực bảo vệ 24/24…Vì thế, dù giá vé vào cổng 90 tệ / người (khỏang 180 ngàn) nhưng ai cũng cảm thấy xứng đáng. Sử sách có ghi rằng lăng mộ Tần Thủy Hòang được khảm đầy kim cương và ngọc trai, phía trên trần thể hiện mặt trăng, mặt trời và những vì sao. Chim chóc được tạc bằng đá quí, đặt trong các khu rừng thông làm bằng ngọc lục bảo, các dòng sông chảy trong lăng mộ chứa đầy thủy ngân… Thực hư thế nào không biết nhưng đối dịên thực tế mới thấy điều đó còn quá bé nhỏ so với giá trị văn hóa thực sự mà nó đem lại.

Bộ xe ngựa bằng đồng cực kì tinh xảo đã gây kinh ngạc thế giới về kĩ thuật đúc đồng từ thời Tần
tibet2.jpg
 
Last edited:
hihi, ổng là sếp em mà. Sau này ổng mới đi với anh Trần Xuân Hùng, nhưng đi bằng đường bay, đến Lasha thuê xe ô tô chạy, đi sang lắm :D
 
Ôi...ngày xưa cũng vì những bài báo này của bác mà em quyết đi Tây An bằng được...hóa ra bác là người viết loạt báo ấy đấy àh...
 
Bài 2: Cao nguyên Thanh Tạng

Nhắc đến Tây Tạng, mọi người đều nghĩ đến khu tự trị ngày nay. Nhưng ít người biết rằng, cách đây không lâu, cả cao nguyên Thanh Hải cũng thuộc về Tây Tạng. Ngòai việc không hề có sự khác biệt về điều kiện địa lí tự nhiên, đây còn là nơi ngự trị của các đời Panchen Lạtma… Trong tâm khảm người Tây Tạng, cao nguyên Thanh Hải bao giờ cũng là một phần linh thiêng không thể tách rời…

Cực thứ ba của trái đất
Không phải ngẫu nhiên mà thế giới ví Tây Tạng là cực thứ ba của trái đất. Ngòai việc giống Nam và Bắc cực là cùng có điều kiện khí hậu vô cùng khắc nghiệt. Chính tại đây, các nhà khoa học trên thế giới đã sửng sốt khi phát hiện rằng người Tây Tạng là giống dân duy nhất trên thế giới có một số gen đã bị biến dạng để thích nghi với môi trường. Mới đây, tại một sườn núi cách Lhasa, thủ phủ của Tây Tạng, 85 km các nhà khoa học đã tìm thấy 19 dấu chân và tay người, sống cách đây 20.000 năm.

Vào thế kỉ 7, dưới thời vua Tùng tán Cương bố (người kiến tạo kinh đô Lhasa) Tây Tạng- thế giới của tâm linh với 16000 tu viện lớn nhỏ- trở nên hùng mạnh, trải rộng lãnh thổ từ nam Mông Cổ đến chân Hy mã lạp sơn, kiểm sóat luôn một đọan con đường tơ lụa bao gồm cả TP Kasgar (Tây Bắc Trung Quốc).

Khu tự trị Tây Tạng ngày nay có diện tích 1,2 triệu km2,( gần gấp 4 lần diện tích Việt Nam) nhưng dân số chỉ vài triệu người. Hiện tại, Tây Tạng còn khá cách biệt với thế giới bên ngòai do không có vận tải đường thuỷ, đường sắt .Giao thông chủ yếu giữa Tây Tạng và các vùng khác trong nước thường chỉ thông qua đường quốc lộ và đường hàng không.

Người Tây Tạng chụp hình kỉ niệm tại nhà ga thủ phủ Tây Ninh
tibet25.jpg


Những thành phố “xám”
Cách Tây An không xa, nhưng Tây Ninh (thủ phủ tỉnh Thanh Hải) khác hẳn. Cỏ cây khô cằn một màu xám ngoét. Không màu xanh . Không sự sống. Lần đầu tiên trong chuyến đi , tôi có cảm giác sợ hãi mơ hồ.Trời lạnh tím tái mặt mũi: âm 5 độ C. Thấp thóang qua hàng cây hai bên đường trụi lá ,trơ xương là những căn nhà nhỏ bằng đất nằm lọt thỏm giữa một “biển” đồi núi xám xịt .Lạnh lẽo. Cô nhân viên khách sạn loay hoay cầm cuốn hộ chiếu lật ngược lật xuôi. Hình như cô chưa bao giờ làm thủ tục đón khách nước ngòai. Một phòng 2 giường, có máy sưởi với giá 80 tệ/ ngày (160 ngàn) cũng là cái giá chấp nhận được.

Thủ phủ Tây Ninh buổi tối chẳng có gì. Lội bộ dọc suốt những con đường quanh nhà ga chúng tôi chỉ thấy phần nhiều là người ăn xin. Những gương mặt vô hồn mang đầy nét khắc khổ của những con người thuộcvùng đất Tây Tạng xưa kia đang ngồi co ro bên vệ đường trong cái lạnh cắt da chờ đợi chút lòng thương hại. Không một lời nói. Không một tiếng cười. Trước nhà ga, một dãy những tấm bạt được căng lên, bên trong là một cái chảo to trên cái bếp nghi ngút khói đựng từng tảng thịt lớn cắt từ đầu bò yak : quán ăn của người Hồi đấy. Tôi vào một quán, kêu một tô thịt lớn đầy ụ với giá chỉ 2 tệ. Hơi khó ăn vì mùi khá đặc trưng. Anh chủ quán người Hồi đội cái nón trắng, hai gò má bầm tím vì lạnh vì nắng, râu quai nón rậm đen nhưng cặp mắt rất hiền nhìn chúng tôi có vẻ ngạc nhiên. Anh chỉ nói được chút ít tiếng Phổ thông, khi bíêt chúng tôi từ Việt Nam đến anh tròn mắt ngạc nhiên: “ Sao lại du lịch ở những nơi xa xôi, hẻo lánh thế này. Lần đầu tiên tôi gặp người Việt Nam ở đây đấy”.

Quán ăn của người Hồi
tibet22.jpg


Nhà ga ở thành phố Golmud (hình như dịch là Cách Nhĩ Mộc)- cửa ngõ quan trọng vào Tây Tạng, nơi có con đường sắt duy nhất, có đường quốc lộ khá tốt nối từ Cách Nhĩ Mộc đến Lhasa (sẽ hòan thành vào năm 2007)
DSCN3568.jpg


Đàn bò yak và Thanh Hải hồ
Chuyến xe búyt bị hủy vì đầu đông, quá ít khách. Chúng tôi đành phải bao chiếc xe giá 300 tệ đến Thanh Hải hồ- một trong những hồ nước mặn cao nhất thế giới. tỉnh Thanh Hải có diện tích 720 ngàn km2 ( gấp đôi diện tích Việt Nam) mà dân số chỉ có 4,9 triệu người (hơn một nửa dân số TPHCM) nên suốt chặng đường gần cả trăm cây số không thấy bóng người cũng là chuyện dễ hiểu. Được hơn nửa đường, chúng tôi bỗng gặp cơn mưa tuyết. ngồi trong xe đóng kín mít cửa mà còn nghe gió rít liên tục. Tuyết bay mù trời, trắng xóa.

Ngòai kia, thấp thóang trong cơn mưa tuyết, một cô gái Tây Tạng với trang phục truyền thống đang ngồi bất động (với một sự nhẫn nại truyền đời) bên vệ đường để chăn đàn bò yak đang bình thản chậm rãi nhai mớ cỏ khô hiếm hoi còn sót lại trên thảo nguyên khô cằn. A! Tây Tạng đây rồi. Anh Kim Sơn –người cùng đi với tôi- bỗng reo lên. Tôi tự hỏi: Chúng ta đã gặp những người Tây Tạng tại thủ phủ Tây Ninh rồi còn gì? Không, đàn bò yak- biểu tượng của Tây Tạng đó.Anh Sơn giải thích. Chính nó là người bạn song hành cùng người Tây Tạng qua hàng ngàn năm nơi điều kiện khắc nghiệt nhất thế giới này: biên sai nhiệt độ trong ngày có khi lên đến hơn 40 độ, khắp nơi chỉ là núi non, đất đai khô cằn, không khí loãng… Chính tại cao nguyên Thanh Tạng này, các nhà khoa học trên thế giới đã sửng sốt khi phát hiện rằng người Tây Tạng là giống dân duy nhất trên thế giới có một số gen đã bị biến dạng để thích nghi với môi trường. Quá trình biến dạng này đã kéo dài khỏang 10 ngàn năm, chứng minh họ đã sống tại vùng này hơn 10 ngàn năm. Ở những độ cao trên 4,5 ngàn mét hầu như chỉ có bò yak tồn tại cùng người Tây Tạng: lông da để làm áo, sữa để uống, làm bơ, thịt để ăn thậm chí phân của nó là thứ chất đốt cực ấm, không mùi giúp người Tây Tạng vượt qua những cơn giá rét kinh người.

Cô gái Tây Tạng chăn cừu
tibet2b.jpg


Con bò yak và tui (đứng phía tay phải)
tibet2f.jpg


Những câu chuyện huyên thuyên liên quan đến đàn bò yak làm chúng tôi đến Thanh Hải hồ lúc nào không biết. chỉ đến khi bác tài xế khẽ nhắc: “đến rồi”, chúng tôi mới giật mình: một mảng nước xanh xa đến hút tầm mắt, hèn gì mà người Trung Hoa xưa vẫn tưởng đây là biển. Với diện tích 4635 km2 (gấp đôi diện tích thành phố HCM) , ở độ cao 3200 m, một trong những hồ nước mặn lớn và cao nhất thế giới này, Thanh Hải hồ còn có đảo chim là nơi hơn 100 ngàn lòai chim quí hiếm di trú…Theo nhiều nhà khoa học, Tây Tạng ngày xưa vốn nằm dưới đáy biển. Cách đây khỏang 40 triệu năm, bán đảo Ấn Độ di chuyển, va chạm vào lục địa Châu Á mà đội lên thành Hi Mã Lạp sơn và cao nguyên Tây Tạng ngày nay. Vì thế, người ta vẫn còn tìm thấy nhiều dấu vết của động vật sống dưới biển đã hóa thạch và nhiều hồ ở Tây Tạng là hồ nước mặn. Tuy nhiên, thật đáng buồn, ngòai việc phải mua vé 20 tệ/người ( khỏang 40 ngàn ) chúng tôi lại còn bị chèo kéo mua đồ lưu niệm, chụp hình. Một đọan Thanh Hải hồ bị băm nát bởi các tác phẩm kiến trúc nhái Mông Cổ, Tây Tạng một cách kệch cỡm. quanh khu du lịch dọc theo bờ hồ còn bị quây bởi hàng rào kẽm gai(?!)…

Con nít
tibet2d.jpg


Chinh phục đỉnh thử sức
Hơi thất vọng về sự xô bồ, thiếu nét đặc thù riêng của Thanh Hải hồ nhưng chúng tôi cũng không có thời gian để buồn vì phải bắt tay ngay vào kế họach thứ hai: chinh phục đỉnh “Thử sức”. Đó là tên do chúng tôi đặt cho một ngọn trong dãy núi nằm dọc theo Thanh Hải hồ với mục đích chuẩn bị thể lực, ý chí cho những ngày “khốc liệt” hơn đang chờ trong những ngày du khảo “ ta ba lô “sắp tới. Chỉ mới kết thúc phần khởi động bằng cách đi bộ hơn hai km để đến chân núi, chúng tôi đã thấy lả người và hiểu ngay đó là hội chứng của độ cao: thiếu oxi và không khí loãng. Ngồi thở dốc, nghỉ một chút cho hồi sức, chúng tôi lặng lẽ nhìn nhau như thầm khích lệ người đồng hành rồi bắt đầu tiến lên đỉnh thử sức. Nói đúng ra, đỉnh núi này chỉ cao xấp xỉ LangBian ở Đà Lạt .Nhưng ở độ cao gần 3200m (tính từ chân núi) cùng với cái lạnh khỏang âm 6 độ C thì đây thật sự là một thử thách, ít ra là đối với hai chàng trai đồng bằng ở Sài Gòn đô hội.

Tòan bộ, dãy núi dọc Thanh Hải hồ gần như “trọc”. Chỉ có những bụi cỏ khô và tuyết. Cũng phải thôi, cây, rừng nào chịu nổi với độ cao và thời tiết khắc nghiệt thế này. Vì thời gian có hạn, chúng tôi quyết định không đi theo đường mòn mà băng thẳng leo lên. Tuyết bám thành từng mảng trên triền núi, độ dốc lại khá cao nên dù đã chuẩn bị đôi giày có độ bám tốt nhưng chúng tôi vẫn phải men, bám theo các bụi cây, cỏ (đã chết khô vì gió tuyết) để leo lên. Sau những bước leo đầy tự tin, phấn khởi thì nhịp đập của trái tim ngày càng dồn dập hơn, những bước chân càng trở nên nặng nề, đầu óc chóang váng hơn… Đến lúc này tôi mới nhớ đến lời cảnh báo của cô nhân viên khách sạn ngày hôm qua khi biết chúng tôi có ý định leo núi: “Nên đi thật chậm để làm quen. Nhiều người đã xỉu vì sốc độ cao ở vùng này”. Và lúc này tôi mới hiểu tại sao anh tài xế (cũng là dân Thanh Hải ) cứ chối đây đẩy khi nghe chúng tôi mời cùng tham gia chuyến leo núi này.

Càng lên, các ngọn núi khóac bộ áo tuyết trắng càng hiện rõ hơn. Đàn bò yak đang gặm mớ cỏ đã chết khô cũng bị chúng tôi “qua mặt”. Lonely Planet có khuyên: “Đến cao nguyên Thanh Tạng phải kiểm tra huyết áp, sức khỏe thật kĩ. Trước khi đi phải bỏ thuốc lá”. Anh Kim Sơn- bạn đồng hành khá nghiện thuốc lá của tôi- đã thấy hậu quả: tim co thắt nhiều hơn, phổi “nhói” nhiều hơn. Càng lên cao gió càng mạnh hơn. Ba lớp vớ, bốn lớp áo cùng hai đôi găng tay cũng không ngăn nổi cái lạnh rúc vào tận trong xương. Ở độ cao này, “bò” lên chừng chục bước đã phải ngồi phịch xuống há hốc mồm ra thở để thu được nhiều ôxi hơn… Lên đến đỉnh cũng là lúc sức lực cạn kiệt. Tuyết bay, gió lạnh cũng chẳng làm bận tâm: chúng tôi vừa thắng được chính mình.

Đỉnh thử sức nhìn từ xa
tibetbai2.jpg
 
Bài 3: Chinh phục đỉnh tử thần

Tại bến xe Cách Nhĩ Mộc (tỉnh Thanh Hải) chúng tôi phát hiện nhiều xe đi Lhasa – thành phố của các chư thiên, là linh hồn Tây Tạng. Khách du lịch không được vào Lhasa bằng đường bộ vì lí do an ninh. Hơn nữa, chẳng mấy ai dám đi vì xe quá tệ (giống xe buýt hợp tác xã của VN), lại phải vượt qua đèo tử thần –một trong vài ngọn đèo cao nhất- hơn 5200m, có không khí loãng và áp suất thấp thế giới. Con đèo này có thực sự ghê gớm như tên gọi của nó không?...

Tìm đường vào Lhasa
Từ Cách Nhĩ Mộc đến Lhasa chỉ khoảng 1500 km, vé lại rẻ. Chưa bao giờ mơ ước được đặt chân một lần đến Lhasa- vùng đất đầy huyền thoại này- lại gần với “tầm chân” đến thế. Sáng hôm sau dậy sớm, nhân viên khách sạn cho biết có một xe 4 chỗ đi Lhasa với giá 350 tệ/người (khỏang 700 ngàn). Các tay cò bến xe vào tận khách sạn ra giá với chúng tôi chỉ 300 tệ/ người, bao luôn giấy phép (?!). Một kinh nghiệm học được từ chuyến khảo sát năm ngóai: biết chúng tôi là người nước ngòai, dọc đường họ có thể sẽ đòi thêm những số tiền lớn. Nếu “không đồng ý thì xuống xe”. Giữa cao nguyên hoang vu không một bóng người, với cái lạnh âm vài chục độ thế này thì chết là cái chắc.

Ở Trung Quốc, nhất là những tỉnh miền Tây hẻo lánh cũng có hiện tượng “xe cướp”, (“cơm tù” thì chưa nghe nói).Vì thế chúng tôi quyết định đi xe của công ty (dù mắc nhưng an tòan hơn). Chuẩn bị đồ đạc, mua ba bình dưỡng khí đề phòng chóang độ cao, sắp sửa lên đường thì biết chuyến xe bị huỷ. Chúng tôi càng lo lắng hơn khi có thể đối mặt với những mối nguy hiểm rình rập nếu đồng ý đi chuyến xe của “cò”. Vừa quyết định bỏ tham vọng vào Lhasa thì có thông tin mới: Một chiếc xe khác vào Lhasa khá an tòan với giá 500 tệ/ người. Chúng tôi quyết tâm lên đường.

Để tránh gặp rắc rối với đám cò, trước khi lên xe khách tôi phải tiếp tục chuyển qua taxi khác để vượt trạm kiểm sóat. Từ Golmud đến Lhasa phải vượt qua ba trạm kiểm sóat rất gắt gao. Gần đến trạm thứ nhất, từ đằng xa, tôi đã thấy một đòan xe xếp hàng, một tóan công an nai nịt súng ống đến kiểm tra từng xe một. Quá run, sợ trách nhiệm, tay tài xế taxi yêu cầu chúng tôi đi bộ qua trạm. “Phóng lao phải theo lao”, làm theo lời taxi lúc này là “tự sát”. Anh Kim Sơn-bạn đồng hành- yêu cầu tôi giả câm điếc, làm mặt lạnh ngồi trên xe. Chiếc ba lô du lịch được phủ lên chiếc áo gío to để ngụy trang. Xe đến gần, hai anh công an ghé mắt săm soi hỏi han tài xế khá kĩ. Có lẽ chúng tôi qúa giống người Hoa, sau một lúc chúng tôi lọt qua được trạm thứ nhất. Đến trạm hai, bổn cũ soạn lại, chúng tôi cũng lọt qua. Ra ngọai ô, chúng tôi chuyển xe để chính thức bắt đầu con đường vào Lhasa.

tibet5.jpg


Xây xẩm trên đỉnh đèo tử thần
Chuyện kể rằng, có cặp vợ chồng, do điều kiện công tác người chồng vào Lhasa làm việc một thời gian khá lâu. Quá nhớ chồng, nhà lại nghèo không đủ tiền mua vé máy bay, cô vợ tìm cách vượt đèo thăm chồng. Niềm mơ ước giản dị đó mãi mãi không thực hiện được vì cô đã ngất và chết trên đỉnh đèo do áp suất và không khí quá loãng. Dù đã mua bình ôxi, chuẩn bị khá kĩ nhưng những câu chuyện bi thương về đường đèo tử thần này làm chúng tôi thật sự lo lắng.

10h30 xuất phát, dù trưa nhưng nhiệt độ vẫn dưới 5 độ C. Các dòng sông đều đóng băng. Trước mắt tôi, hai bên đường là một thảo nguyên vắng lặng đến rợn người. Chỉ có vài chiếc xe bé như con kiến lầm lũi “bò” giữa xung quanh là những ngọn núi đã phủ đầy tuyết trắng. Chỉ mới tưởng tượng nếu bị “rớt” lại trên đường cho dù không chết vì cảm lạnh thì tôi cũng chết vì cô đơn giữa cả ngàn km không một bóng người này. Nghĩ đến đây bất giác tôi lại rùng mình.

DSCN3587.jpg


Lạnh quá! Đứng mò hoài mà chẳng thấy "vòi" đâu cả ;-)
3b-1.jpg


Con đường cao tốc nối từ Cách Nhĩ Mộc đến Lhasa khá tốt nhưng hẹp và quanh co, chỉ vừa đủ hai làn xe chạy. Những chuyến xe từ Lhasa đi ngược về phía chúng tôi đều đóng đầy tuyết, bám luôn cả mặt trong của xe. Xe chạy êm, đêm qua lại ngủ chưa đến 5 tiếng nhưng chúng tôi vẫn không dám ngủ vì khi ngủ sức đề kháng của con người sẽ yếu nhất, dễ “ngủ... luôn” nên ai cũng cố gắng thả lỏng người . Đó là cách tiết giảm tối đa lượng tiêu thụ ôxi để vượt qua chặng đường khó khăn này.

2h chiều, nhiệt độ lúc này càng tụt giãm : âm12độ C. Con đường đến Lhasa vẫn xa tít tắp. không cột cây số, không bảng báo hiệu, chỉ có thời gian làm mốc định vị. Đường xấu hơn, vẫn là đường trải nhựa nhưng đã bị băm nát bởi hàng đòan xe tải từ các tỉnh về Lhasa. Tim tôi bắt đầu đập mạnh hơn, Cặp vợ chồng đi cùng chuyến xe đã thiếp đi. Thấy hơi mệt, anh Kim Sơn lấy bình ôxi ra, ngay lúc đó tài xế quay lại quát: “bình ôxi phải để lúc khẩn cấp nhất, nếu còn chịu được hãy để cơ thể tự thích ứng lấy”.

Trên con đường này, hầu như chỉ có xe tải chiếm độc tôn, không có xe du lịch, xe khách cho dân địa phương hoạ hoằn lắm mới gặp
3e.jpg



14h45’: người vợ ói, mũi sặc ra máu cam. Lúc này đầu chúng tôi cũng nặng như bưng. Người đàn ông đồng hành-là dân địa phương – cũng ngầy ngật không nói tiếng nào. Chúng tôi ngỏ ý đưa bình ôxi cho cô vợ nhưng họ lắc đầu.

14h52’: một chiếc xe chở khách do đường đèo quanh co , đâm sầm ra vệ đường, đầu bẹp dí. Tôi định lấy máy ảnh ra chụp nhưng không dám vì dễ bị công an để ý.

15h7’: Hai chiếc xe tải đâm ngược vào nhau. Trên một chuyến xe ngược chiều, một chiếc xe cẩu chở một chiếc xe tải khác đều bẹp dúm dó. Con đường đến đọan đèo tử thần ngày càng gần, sự căng thẳng trong chúng tôi cũng tăng lên.

18h45’: bác tài xế quay lại báo chúng tôi biết bắt đầu vào đọan đèo tử thần. Mắt bác tài lạnh tanh, nhưng mặt săn lại. ông đốt thuốc liên tục, thỉnh thỏang lại kín đáo liếc nhìn kính chiếu hậu xem tình hình mỗi người trên xe.Càng lúc cái đầu tôi như bị vòng kim cô càng siết chặt vào hai thái dương. Nhức đầu kinh khủng. cô hành khách đi cùng lại ói lần nữa. lúc này người chồng đã hốt hỏang mượn bình ôxi của chúng tôi chụp vào mặt vợ. Lên đỉnh đèo xe ngừng lại. vừa bước xuống xe định chụp vài tấm hình, chúng tôi đều lảo đảo: lạnh quá, ngực như bị ép lại, đầu như có ai dùng búa gõ liên tục. Do trời sắp tắt nắng, quên mất lời dặn của anh Sơn, tôi đã làm một việc nguy hiểm chết người: chạy từ chỗ này sang khác để chụp hình. Anh Sơn xanh mặt, tài xế phóng xe ngay đến chỗ tôi và lôi lên xe: “ Trên độ cao này, chỉ cần chạy thêm vài bước nữa thôi, có thể cậu sẽ gục xuống”. Hậu quả đến liền sau đó, tôi xây xẩm mặt mày. Dù đã chụp bình ôxi để thở nhưng tôi vẫn thấy choáng váng nhức đầu và muốn ói…

Có lẽ do khuya quá và mùa đông không có du khách đến vùng này nên chốt kiểm tra cuối cùng tại Lhasa cũng có phần dễ dãi. Gần sáng, chúng tôi chính thức bước vào Lhasa, kết thúc chặng đường đáng nhớ.

Trên đỉnh đèo tử thần
3c-2.jpg


3f.jpg


Con đường sắt đang xây dựng nối liền Thanh Hải và Tây Tạng
3a-2.jpg
 
Last edited:

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
55,671
Bài viết
1,171,002
Members
192,333
Latest member
Phanduchoa
Back
Top