What's new

Đường lên Tây Tạng

Chào cả nhà: đọc loạt bài "Ba người đi Tibet" của bác Baxu tự nhiên thấy...sướng. Bao nhiêu kỉ niệm về Tây Tạng như có dịp bùng dậy.
Ngày nay, muốn đi Tây Tạng cũng khá dễ dàng, quá nhiều tour chào mời. Tuy nhiên, 99.9% khách du lịch muốn đến Tây Tạng đều phải bằng đường bay, hoặc tàu lưả. Tôi nằm trong 0.1% còn lại: đi...chui bằng đường bộ.
Chuyến đi này đã cách đây 4 năm (năm 2004), hình ảnh cũng bị thất lạc gần hết, post lên đây cũng chỉ như một cách gợi lại miền kí ức khó quên. Và tìm một sự đồng cảm, chia sẻ...


Bài 1: KÍ ỨC NGÀN NĂM

Từ nhỏ tôi đã mê đọc Kim Dung và rất ghét lão ác tăng Cưu Ma Trí- quốc sư nước Thổ Phồn ( Tây Tạng ngày nay) - độc ác dám đuổi bắt chàng Đòan Dự hiền lành. Trong trí tưởng tượng ấu thơ, Tây Tạng hẳn là vùng đất tòan vực sâu , núi cao đầy bí hiểm với những ông sư áo đỏ hung ác , mặt mũi dữ tợn, võ nghệ cao cường. Lớn lên, tôi …hết ghét Tây Tạng bởi anh chàng diễn viên đẹp trai Bratt Pit và hình ảnh rặng Himalaya hùng vĩ phủ đầy tuyết trắng trong bộ phim “Bảy năm ở Tây Tạng”. Nhưng tôi chỉ thật sự bị ám ảnh, mê tìm hiểu về Tây Tạng khi đọc cuốn “Con đường mây trắng” của Gonvida -vị tu sĩ, nhà nghiên cứu văn hóa- về thế giới tâm linh huyền bí của người Tây Tạng. Trong giấc ngủ, nhiều lần tôi mơ có dịp đặt chân đến vùng đất của các chư thiên này…

Từ chuyến đi không thành
Một người bạn, đi Tây Tạng về và tặng tôi vài cái… vỏ sò với hình thù khá lạ. Quái! Tây Tạng, nơi được mệnh danh là nóc nhà thế giới lại có thứ chỉ tồn tại dưới biển sâu(?!). Thấy tôi thắc mắc anh giải thích một tràng: “Tây Tạng xưa kia là… biển. Khỏang 40 triệu năm trước, bán đảo Ấn Độ di chuyển, va chạm vào lục địa Châu Á đội lên thành Hi Mã Lạp sơn và cao nguyên Tây Tạng ngày nay. Vì thế, người ta vẫn còn tìm thấy nhiều dấu vết của động vật sống dưới biển đã hóa thạch và nhiều hồ ở Tây Tạng là hồ nước mặn”. Nói xong, anh nhìn tôi: “Thiên hạ đi Tây Tạng bằng đường bay nhiều rồi. Đường bộ nghe nói hay lắm nhưng ít ai dám đi vì phải vượt qua một đỉnh đèo tử thần cao trên …5200m. Mày có dám đi không?”

Không cần đợi lời “thách thức” của người bạn. Lẽ ra, cái mộng đi Tây Tạng đã được tôi thực hiện từ năm ngóai. Tháng 5-2003, lúc dịch SARS đang bùng nổ ở Trung Quốc ,chúng tôi đã đến Thành Đô hỏi xe đi Lhasa –thủ phủ Tây Tạng. Ai cũng lắc đầu, nhiều người còn không biết Lhasa là đâu. Té ra, Tây Tạng còn quá ngăn cách và xa lạ ngay cả với nhiều người Trung Quốc. Cuối cùng , một công ty du lịch chỉ cho chúng tôi biết bến xe đi Lhasa nhưng phải trả tiền “cò” 100 tệ (khỏang 200 ngàn). Vừa leo lên xe,chúng tôi đã bị “sốc” khi tài xế đưa cho chúng tôi 2 gói thuốc màu đen và cho biết đó là thuốc chống chóang độ cao. Leo lên xe rồi dù tiếc đứt ruột nhưng đành phải xuống xe trở về vì cảm thấy quá nhiều bất an: khỏang đường dài hơn 3000 km mất 3 ngày 4 đêm đi qua tòan là hoang mạc, thảo nguyên không bóng người…giữa đường lỡ gặp chuyện gì bất trắc cũng không biết xử lí thế nào, nên dù tiếc đứt ruột cũng đành xuống xe trở về.

Tuy nhiên giấc mơ Tây Tạng cứ ám ảnh tôi mãi không thôi . Đi một mình thì vốn tiếng Anh của tôi coi như sổ tọet ở đất nước Trung Quốc –vốn ít người biết ngọai ngữ . Cũng như lần trước, tôi phải cầu viện “ Lão giang hồ” một người được mệnh danh là Sơn Trung Quốc dù anh chính tông là người Việt 100%.

Lão giang hồ Sơn "Trung QUốc" và tui tại cưả khẩu Đông Hưng (Móng Cái)
Tibet1.jpg



Xây lại giấc mơ xưa
Ngòai đường hàng không thông dụng gần như tuyệt đối, muốn đến Lhasa (Tây Tạng) bằng đường bộ trên lí thuyết có bốn đường: từ Vân Nam ; Thành Đô; Tây Ninh (tỉnh Thanh Hải); Urumqi (Tân Cương) . Đường từ Vân Nam chưa nghe có ai đi vì quá quanh co,hiểm trở, sương mù dày đặc. Từ Urumqi đi Lhasa phải qua 2 con đèo cao trên 6000m, mất vài ngày. Đường 109 từ Thanh Hải đi Lasha khả thi nhất vì tốn ít thời gian hơn.

Khi biết chúng tôi dự định đi Tây Tạng, mọi người ai cũng bảo: “Hay đấy! Nhưng... khùng”. Họ nói có cơ sở vì mùa Xuân, Hạ, thậm chí Thu là mùa du lịch. Nhưng gần như không có sách hoặc người nào khuyên nên đi du lịch vào mùa Đông, nhất là Tây Tạng, nơi mà nhiệt độ xuống đến âm vài chục là bình thường. “Đi giữa thảo nguyên bao la, hoang vu không một bóng người, xa xa là dãy núi phủ tuyết trắng xóa. Biết thêm về một Tây Tạng khác vào đông… chẳng phải có cảm giác mạnh hơn sao?”.

Năm nay trời lạnh quá nhanh, mới cuối tháng 10 mà có nơi nhiệt độ đã xuống 0 độ C. Trước đó vài ngày tuyết đã phủ trắng xóa tại Thanh Hải, Cách Nhĩ Mộc (những địa danh sẽ đi qua). Bò, cừu, người chết hàng loạt vì lạnh đột ngột. Chuẩn bị sẳn mười đôi vớ, 8 cái áo lạnh ,áo thu đông, khăn len che kín đầu và tai…” cũng chỉ là “liệu pháp tinh thần”, hạn chế đến thấp nhất những gì không hay có thể xảy ra. Tôi lại phải lọ mọ lôi lại đống dây nhợ, sách cũ từ thời còn sinh hoạt tại hội du khảo Trẻ TP để “dợt” lại những kĩ năng: xem sao, nút dây, dựng lều, tìm đường… phòng khi bất trắc.

Trung tuần tháng 11, tôi và anh Sơn “Trung Quốc” lên đường. Ra đến Hà Nội thì được biết chuyến tàu liên vận từ Hà Nội đến Nam Ninh-Trung Quốc (2 chuyến/tuần) đã hết vé. Không thể chờ đợi, chúng tôi quyết định lên xe đò xuống Hạ Long rồi bằng tàu cánh ngầm đến biên giới Móng Cái qua cửa khẩu Đông Hưng, rồi đi xe lên Nam Ninh, đi tàu lên Tây An.

Lộ trình chuyến đi Tây Tạng
tibetmap.jpg



Sang- hèn vùng đất thánh.
Điểm đầu tiên của con đường lữ hành đi về vùng đất chư thiên chính là Trường An ( ngày nay là thủ phủ Tây An của tỉnh Thiểm Tây). Nơi đây, năm 641, vua Tây Tạng là Tùng Tán Cương Bố ( Songtsen Gampo ) đem quân đến vây thành Trường An và “ép” vua Đường Thái Tông gả công chúa Văn Thành - người mang đến Tây Tạng một báu vật: bức tượng Phật Thích Ca bằng vàng (hiện đang được thờ tại ngôi đền Đại Chiêu (Jokhang) linh thiêng nhất Tây Tạng). Đây cũng chính là điểm xuất phát của con đường tơ lụa cổ đại với từng đòan thương nhân, ngựa, lạc đà mang theo không chỉ hàng hóa mà còn là một nền văn hóa phương Đông đến tận trời Âu…

Khi chúng tôi đến nơi thì cố đô Tây An vẫn còn chưa thức giấc. Con đường vắng lặng như tờ. Chỉ có vài bóng người thấp thoáng, lầm lũi đạp xe trên đường còn những hàng cây khẳng khiu trụi lá trước gió đông khắc nghiệt. Mở cuốn Lonely Planet tìm chỗ trọ, tôi bỗng giật mình khi giá rẻ nhất trong các địa chỉ đưa ra: phòng đôi bình thường 680 tệ/ngày (khỏang 1,3 triệu), trong khi thực tế thì …biến hóa khôn lường. Với kinh nghiệm của người bạn đường Kim Sơn- một “con ma xó” quá hiểu biết về Trung Hoa- chúng tôi chẳng trông mong gì tìm được một nhà trọ mặt đường vừa túi tiền kẻ lang bạt. Sau hơn một tiếng lết bộ trong các ngõ nhỏ cùng với chiếc ba lô du lịch nặng trĩu, cuối cùng chúng tôi cũng tìm được cho mình một chỗ trọ lí tưởng: Phòng hai giường có hệ thống sưởi với giá bất ngờ: chỉ 40 tệ/ngày (khỏang 80 ngàn VND), rẻ hơn được 15 lần so với Lonely Planet (dĩ nhiên chất lượng không thể sánh bằng) chỉ hơi phiền là phải dùng nhà vệ sinh công cộng “dơ không chịu nổi”…

Đối mặt binh mã dũng
Nói đến Tây An là người ta nói đến Binh Mã Dũng- khu lăng mộ Tần Thủy Hòang. Nằm cách Tây An khỏang 30km, muốn đến đấy bằng cách rẻ nhất thì tìm xe búyt số 306 giá chỉ tám tệ/ người (khỏang 16 ngàn) cho cả hai chuyến đi lẫn về, 10 phút có một chuyến. Bãi xe lớn chứa cả vài trăm chiếc xe chật ních trước lăng mộ Tần Thủy Hoàng. Mùa đông nhưng nơi đây vẫn đông đúc khách vì đó là nơi yên nghỉ của người mà hơn hai ngàn năm trước kết nối các tường thành của sáu nước để biến nó thành một kì quan thế giới mà không một người Trung Hoa nào không cảm thấy tự hào khi nhắc đến : Vạn Lí Trường Thành ! Cũng chính ông đã tạo ra đội Binh mã dũng được xem như kỳ quan thứ 8 của thế giới.

Lăng mộ Tần Thủy Hoàng
tibet3.jpg


Khi đến nơi, dù đã nghe nói khá nhiều nhưng chúng tôi cũng thật sự sững sờ: ba căn hầm khổng lồ, mỗi hầm lớn như một sân vận động đang chứa hàng ngàn người lính đất nung to bằng người thật với vóc dáng cực kì uy mãnh. Mỗi bức tượng đều có gương mặt diễn tả tâm trạng khác nhau, sống động đến không ngờ. Tùy theo chức vụ mà trang phục, thế đứng của mỗi bức tượng được tái hiện phù hợp. Thế mà nhà khảo cổ đứng cạnh cho biết đây chỉ là một phần nhỏ nằm ngòai rìa ngôi mộ, đỉnh mộ chính là ngọn đồi nằm cách đây khỏang một cây số.

Tuy nhiên, một trong những điều tôi kinh ngạc nhất khi đến đây không phải là những di tích của khu lăng mộ (điều này tôi đã hình dung được qua sách báo, phim ảnh) mà chính là cụm công trình bảo tồn, trưng bày hiện vật. Chỉ riêng nó đủ là một công trình kiến trúc có giá trị. Tất cả được làm đến mức hòan hảo nhất. Có phòng chiếu video vòm với 10 màn ảnh cực lớn, tái hiện lịch sử khu lăng mộ, trong các phòng trưng bày có các máy vi tính để có thể tra bất cứ thông tin liên quan, có cảnh sát túc trực bảo vệ 24/24…Vì thế, dù giá vé vào cổng 90 tệ / người (khỏang 180 ngàn) nhưng ai cũng cảm thấy xứng đáng. Sử sách có ghi rằng lăng mộ Tần Thủy Hòang được khảm đầy kim cương và ngọc trai, phía trên trần thể hiện mặt trăng, mặt trời và những vì sao. Chim chóc được tạc bằng đá quí, đặt trong các khu rừng thông làm bằng ngọc lục bảo, các dòng sông chảy trong lăng mộ chứa đầy thủy ngân… Thực hư thế nào không biết nhưng đối dịên thực tế mới thấy điều đó còn quá bé nhỏ so với giá trị văn hóa thực sự mà nó đem lại.

Bộ xe ngựa bằng đồng cực kì tinh xảo đã gây kinh ngạc thế giới về kĩ thuật đúc đồng từ thời Tần
tibet2.jpg
 
Last edited:
Lúc bọn mình đi Salar de Uyni ở Bolivia có đến chỗ 5000km đoạn đường khó đi, nguy hiểm, chủ xe bảo cả lũ xuống đi bộ một đoạn vượt qua phía bên kia, cũng may là cả hội đã làm quen với độ cao được mọt vài tuần cho nên leo trèo đến 15 phút cũng không sao.
 
Bài 4: Lạt ma Tây Tạng

Năm 1357, tại một vùng hẻo lánh thuộc cao nguyên Thanh Tạng cách Tây Ninh- thủ phủ của Thanh Hải- chừng 30km, cậu bé Tông Khách Ba ( Tsong- kha-Pa ) ra đời. Người mà sau này tín đồ Phật giáo Tây Tạng mãi mãi biết ơn vì ông chính là người xây dựng Phật giáo Tây Tạng: sáng lập tông phái Hòang Mạo (Mũ vàng)- là tông phái của Đạt Lai Lạt ma và Ban Thiền Lạt Ma ngày nay- những vị “Phật sống” của người dân Tây Tạng-. Làm sao tôi có thể bỏ lỡ dịp đến Tháp Nhĩ Tự - nơi sinh của đại sư Tông Khách ba để mất cơ hội diện kiến Lạt ma Tây Tạng được…


Tháp Nhĩ Tự
Nằm dựa trên sườn đồi, Tháp Nhĩ tự (lấy từ tên của một ngọn tháp nằm trong chùa được dát bằng 1 tấn bạc, 3000 lượng vàng và 3600 viên mã não) xây dựng lần đầu từ năm 1379, sau đó được trùng tu, xây dựng thêm và trở thành một trong 6 chùa lớn nhất của phái Hoàng Mạo (tông phái Phật giáo phổ biến nhất ở Tây Tạng). Nơi đây cũng từng là nơi sống và làm việc của Ban Thiền Lạt ma (Theo truyền thuyết thì Ban Thiền lạt ma là hiện thân của Phật A di đà,là người đứng đầu trong cuộc sống tinh thần của người dân Tây Tạng. Đạt Lai Lạt ma là hiện thân của Quán Thế âm bồ tát, là người đứng đầu Phật giáo Tây Tạng trong cuộc sống thế tục. Mỗi vị chết đi, người ta tìm vị tái sinh khác để kế vị).

4a-1.jpg


4b.jpg


Lớn nhất tại Tháp Nhĩ tự là Đại Kinh đường (2000m2) được chống bởi 168 cột lớn, tại đây lưu giữ rất nhiều kinh Phật từ thời nhà Đường đến nay. Kế bên là là một dãy kệ với 1000 ngăn, mỗi ngăn thờ một ông Phật, đây cũng chính là nơi thờ các vị Đạt lại lạt ma và đại sư Tông- khách -ba . Có ba tác phẩm nghệ thuật đặc biệt đáng chú ý tại Tháp Nhĩ tự đó là nghệ thuật tạc tượng bằng bơ ( làm từ sữa con bò Yak ) cực kì sống động miêu tả lại lúc đức Phật sinh ra và nghệ thuật vẽ, thêu trên lụa, vải rất tinh xảo, không bao giờ phai màu theo thời gian.

Dọc hành lang quanh chùa, đặt rất nhiều pháp luân chung (chuông chuyển kinh )bằng đồng, gỗ - ( như một thùng rỗng quay trên một trục đứng). Những cái chuông không phải để gõ mà để…xoay, vừa xoay vừa niệm chú : “Om mani padme hum” (úm ma ni bát mê hồng).Người Tây tạng tin rằng : âm thanh hòa cùng với sự vận chuyển của chuông chuyển kinh sẽ tạo ra một “sức mạnh” huyền bí cầu chúc bình an, may mắn. Vì thế , các bánh xe đó ít khi dừng lại bởi các vị lạt ma, chú tiểu, du khách…cứ đi ngang là quay vì ai chẳng mong những điều tốt lành sẽ đến với mình và mọi người? Nếu như trước các tượng Phật ở các chùa chiền thường đặt những bát lư hương rồi thắp nhang vào thì chùa Tây Tạng lại đặt những “chậu” đèn thật lớn được đốt bằng bơ (hoặc mỡ bò yak). Lễ vật của những người hành hương là một chút bơ để duy trì ánh lửa cho ngọn đèn mãi mãi không tắt.

4f.jpg


Lạt ma và những người Tây Tạng hành hương
Từ khá xa trước khi đến Tháp Nhĩ Tự, tôi đã thấy từng đòan người Tây Tạng hành hương áo quần lam lũ, mang theo áo quần đồ đạc, dắt theo cả gia đình vợ con. Đi vài bước họ lại chắp tay khỏi đầu, trán, cằm, ngực vái lạy rồi rạp sát mặt đất rất thành kính. Đây là phương thức cầu nguyện rất phổ biến của người Tây Tạng: phương thức “ngũ thể đầu địa” (2 tay, 2 chân và trán phải chạm đất). Hình ảnh này nhắc tôi nhớ đến vị Thánh tăng Hư Vân (1840-1959) mà theo sách sử cho biết ngài đã thực hiện chuyến hành trình tam bộ nhất bái (ba bước một lạy) từ Phổ Đà sơn về Ngũ Đài sơn,với đường dài trên 2500 km. Trong chương trình Discovery cũng đã từng quay một đọan phim có thật về một thanh niên Tây Tạng đi suốt mấy tháng trời đến Núi Thiêng ( đỉnh Ngân Sơn trong dãy Himalaya- thế giới của các vị Phật theo quan niệm của người Tây Tạng) , cứ vài bước lại nằm rạp suốt lạy theo phương thức ngũ thể để cầu siêu cho mẹ.

Đoàn người Tây Tạng hành hương mang theo áo quần đồ đạc, dắt cả gia đình, vợ con
4h.jpg



Đối với người Tây Tạng, hiện tại chỉ là cuộc sống tạm, rất phù phiếm. Họ tin vào vòng luân hồi của cuộc đời. Đến đây, nếu để ý, bạn sẽ thấy gần như mỗi người Tây Tạng đi đâu cũng xoay trên tay bánh xe mani ( một ống đồng xoay trên một trục thẳng đứng) để nhắc nhở rằng cuộc đời là một vòng miên viễn.Tôn giáo là nền tảng cơ bản để người Tây Tạng tồn tại. Chính vì thế, không có gì ngạc nhiên khi bạn thấy rất nhiều hình ảnh những ông bà già Tây Tạng da nhăn nheo, chống gậy lụm cụm leo lên từng bậc thang, lần xuống từng góc chùa để được đảnh lễ, được xoay các pháp luân chung ấy.

Pháp luân chung
4g.jpg



Những ngày đầu đông, gần như rất ít du khách đến đây. Trong nắng sớm, một vị lạt ma chòang áo đỏ phủ kín đầu đang lâm râm tụng kinh, thỉnh thỏang lại dùng chiếc dùi mảnh như cần câu gõ vào cái trống. Ánh nắng tràn qua mái chùa, phủ lên mình vị lạt ma… Đẹp quá! Theo phản xạ, tôi rút máy ảnh định chụp nhưng chợt rụt lại khi thấy tấm bảng “no photo, no video”. Hơi buồn một tí, nhưng ngẫm lại thấy vậy mà hay. Sự tò mò, muốn ghi dấu một kỷ niệm của các du khách khi chụp hình hẳn sẽ khuấy động không khí trang nghiêm, tĩnh lặng của chùa và biết đâu điều đó còn vô tình cắt ngang dòng triền miên suy tưởng của vị chân tu ? Trời lạnh, tuyết bay lất phất, chúng tôi đứng im lặng , thả hồn vào tiếng trống gõ nhịp, tiếng tụng kinh rì rầm ê a như một bài nhạc không có điểm dừng.

Một góc Tháp Nhĩ tự
4c.jpg


Bao quanh Tháp Nhĩ tự là các cơ sở kinh doanh của người Hán, là những gian hàng, nhà trọ với giá cao… Cạnh đó, tôi cứ “thắc mắc” khi thấy có những “anh lạt ma” ,(nét mặt khác hẳn với những nét đặc trưng của người dân Tây Tạng ) mặc đồ tu nhưng chân đi giày hiệu thứ xịn, tay cầm điện thoại di động đời mới. Thậm chí, “anh lạt ma” ngồi tại phòng vé vẫn đánh bài rất say sưa. Sau khi bán vé cho chúng tôi, anh vội vã tiếp tục canh bạc một cách hào hứng. Họ có thật sự là những lạt ma Tây Tạng chân chính?

Có hình ảnh làm tôi cứ day dứt mãi: những người Tây Tạng khốn khó, áo quần rách bươm lặn lội từ khắp nẻo trên cao nguyên Thanh Tạng về đây. Từ rất xa, họ đã hướng về phía ngôi chùa, một không gian tâm linh đầy thiêng liêng và ý nghĩa đối với họ, để đảnh lễ rất thành kính. Dường như trong mắt họ, dãy xe ôtô đời mới bóng lóang,bên cạnh thế giới mua bán ồn ào…-đang chắn ngang trước cổng chùa tôn nghiêm – không hề tồn tại , đáng cho họ để tâm.

Có lẽ đây là một trong những tính cách nổi bật của người dân Tây Tạng dẫu trải qua rất nhiều thăng trầm trong lịch sử, tự nhiên nhưng họ vẫn tồn tại và giữ gìn khá kĩ bản sắc văn hóa độc đáo đó . Vì thế, lẫn trong tiếng ồn ào của du khách, những “ông sư” đánh bài sành sõi tại phòng bán vé, lẫn trong tiếng ra rả như cuốc trả bài của các cô hướng dẫn viên đang thuyết minh… những vị lạt ma Tây Tạng chân chính vẫn chìm đắm trong thế giới tâm linh của mình, những người Tây Tạng hành hương vẫn lặng lẽ hành lễ theo cách của mình một cách thành tâm nhất. Trong “thế giới” xô bồ ấy, tiếng trống tụng kinh vẫn gõ nhịp đều đặn, khoan thai…

Lạt ma Tây Tạng
4i.jpg
 
Bài 5: Lhasa những ngày đầu đông

Vào thế kỉ thứ 7, tương truyền chỗ xây đền Đại Chiêu (một trong những đền nổi tiếng nhất Tây Tạng) ngày nay chính là một hồ nước bị ma nữ ám. Công chúa Văn Thành ( Thời nhà Đường , trong thời gian làm dâu ở xứ Tây tạng) hiểu phong thủy bèn ném chiếc nhẫn mình hay đeo và cho dê đổ đất vào hồ để khắc chế yêu nữ. Theo tiếng Tây Tạng dê là “Ra” (linh vật của thần hộ pháp Damcen), đất là “Sa”. Từ đó chốn này mang tên Rasa, dần dần biến thành Lhasa, tên gọi ngày nay của thủ phủ Tây Tạng.

Các chư thiên đâu rồi?
Là nơi cao nhất thế giới so với mực nước biển, độ cao trung bình từ 4000 m trở lên (trong đó diện tích cao 4500m trở lên so với mực nước biển chiếm 65%) nơi đây từng được gọi là “ nóc nhà thế giới”, được mệnh danh là “cực thứ ba của trái đất” nhưng bây giờ đó có lẽ chỉ là quá khứ. Chúng tôi bước vào Lhasa đã gần 3h sáng. Dù đọc rõ ràng chữ: “Welcome to Lhasa” nhưng tôi vẫn còn ngờ ngợ: đường xá rộng rãi, nhà ở, khách sạn, xe cộ khá hiện đại. Lẽ nào các chư thiên lại ở hotel, đi ô tô?

Có lẽ do độ cao nên dù gần 4h sáng mới ngủ nhưng chưa đến 8h chúng tôi đã thức giấc. Lhasa giờ này chưa thức dậy. Trời hãy còn mờ mờ tối, ngòai đường chỉ lác đác vài người đạp xe. Nơi tôi ở đối diện với tòa nhà China Telecom cao lớn ngạo nghễ, xung quanh là các khách sạn, hàng quán. Định tìm một quán ăn của người Tây Tạng để tìm hiểu đặc sản ở đây nhưng không thấy. Buổi sáng, rảo bước khắp một đọan dài trên Bắc Kinh Trung lộ vẫn chỉ thấy tòan là nhà hàng, quán ăn, quầy lưu niệm của người Hán.

Theo tài liệu gần đây, Tây Tạng là khu dân cư thuần nhất với 95% dân số là dân tộc Tạng nhưng có lẽ đó là những số liệu thống kê cũ, chưa được cập nhập. Nhưng rồi chúng tôi cũng tìm thấy một qúan trà bơ của người Tây Tạng. Quán nhỏ nhưng đông, khách tràn ra cả ngòai đường. Buổi sáng trời lạnh ngắt, uống tách trà bơ (làm từ sữa bò yak) mùi hơi gây gây nhưng cái hậu ngọt, thơm rất nhẹ nhàng tự nhiên thấy ấm người hẳn. Chỉ cần 1 tệ (2000 đồng) là có thể ngồi uống mệt nghỉ. Mỗi bàn để sẵn một bình trà bơ nóng, uống hết chủ qúan lại tiếp tục châm bình khác.

Thịt bò yak
tibet9.jpg



Chúng tôi cũng đến cung điện Potala (chữ Potala là phiên âm của chữ Phổ Đà La, tức là cung điện của Bồ tát), nơi ở, làm việc ngày xưa của các vị Phật sống của người Tây Tạng: Đạt lai lạt ma. Từ chỗ tôi ở đến Potala khỏang chừng hai km, ăn sáng, đi bộ đến cũng vừa lúc nắng lên. Biểu tượng thành phố Lhasa-điện Potala- vẫn đẹp như ngàn năm nay nhưng bước vào trong bạn sẽ hiểu được ngay đó chỉ còn là cái vỏ không hồn. Tôi không tiếc 100 tệ (200 ngàn) mua vé vào cửa so với sự mất mát của cảm giác thiêng liêng về ngôi đền-kì quan thế giới- đã ám ảnh tôi suốt bao nhiêu năm trời. Lại một vài “anh lạt ma” ngồi ở góc điện đợi gom tiền của du khách cúng dường , lại một vài anh lính mặc quân phục, nai nịt súng ống hẳn hoi (tuy họ rất lịch sự với du khách). Họ canh giữ gì ở chốn linh thiêng này?

Xe hơi đời mới đậu nhan nhản trước điện Potala
tibet12.jpg


Đi bộ lang thang khắp các đường phố Tây Tạng tự nhiên tôi thấy chán vì các hàng qúan, cửa hiệu nhan nhản trên phố không mấy khác so với nhiều tỉnh , thành khác ở Trung Quốc . Khác chăng chỉ ở mọi tấm bảng hiệu ngòai phần tiếng phổ thông khá lớn ở giữa thì ở phần phía trên có dòng chữ Tây Tạng nhỏ xíu. Dường như tình hình an ninh ở đây cũng không mấy ổn định nên có khá nhiều bóng dáng quân phục khắp ở mọi nơi . Khắp đường phố, người ăn xin cũng khá nhiều. Lhasa nhỏ nhưng những cơ quan công quyền, các cơ sở, cơ quan đều được xây dựng cực kì bề thế, đều tọa lạc tại những con đường đẹp nhất .

Có một điều buồn cười và khá lạ là cứ bước lên xe taxi thì trả 10 tệ (khỏang 20 ngàn) là cứ việc đi bất cứ đâu trong thành phố. Có lẽ do Lhasa qúa nhỏ chăng ? Theo Lonely Planet: Lhasa chia làm 2 khu rõ rệt: Khu phía Tây dành cho người Hán, người Tây Tạng tập trung ở phía Đông. Tuy nhiên, thực tế ngày nay ở khu phía Đông các cửa hàng to lớn, các shop áo quần thời trang rực rỡ, các vị trí kinh doanh thuận tiện đều của người Hán. Họa hoằn lắm mới thấy một tiệm nhỏ xíu bán bơ, bánh ngọt của người Tây Tạng nằm lọt thỏm giữa các dãy nhà cao lớn (cũng của người Hán). 10 năm, 20 năm nữa không biết có còn cái gọi là “hồn” Tây Tạng ở Lhasa không?

Diễu hành, đọc khẩu hiệu trước một bủôi làm việc tại một siêu thị ở Lhasa -cách làm phổ biến ở Đài Loan, Hồng Kông đã được đưa lên TP của các chư thiên này.
dieuhanhLhasa.jpg



Con đường thế kỉ
Ngày nay bất kỳ ai đến khu tự trị hẳn cũng sẽ ngạc nhiên tột độ trước sự thay đổi không ngờ của “bộ mặt” Tây Tạng . Hạ tầng cơ sở tại đây đã được chính phủ Trung Quốc đầu tư tối đa . Với diện tích 1,2 triệu km2,( gần gấp 4 lần diện tích Việt Nam) nhưng dân số chỉ vài triệu người, vậy mà đường xây rất rộng rãi , cửa hàng san sát không khác mấy với kiểu đô thị của Thành Đô (Tứ Xuyên). Đặc biệt là cầu đường , thậm chí cả những nơi hẻo lánh hầu như chỉ có khách hành hương đi lại , đường sá , cầu cống cũng rất thuận tiện chưa kể những công trình bệnh viện , trường học …

Mới đây chính phủ Bắc Kinh đã sử dụng hơn 12 triệu đô la để thiết lập 70 đài phát thanh tại Tây Tạng nhằm thúc đẩy việc phát triển kinh tế, duy trì sự ổn định xã hội tại đây. Tuy nhiên , đáng kể nhất chính là tuyến đường sắt từ nối liền từ Cách Nhĩ Mộc ( tỉnh Thanh Hải) đến Lhasa (Tây Tạng) với tổng số tiền do chính phủ Trung Quốc đầu tư lên tới bảy tỷ USD. Đáng nói chính công trình này, từ những năm 1990 khi được chính phủ Trung quốc mời nghiên cứu thực hiện , sau một thời gian điều nghiên thực địa , các chuyên gia hàng đấu của Châu Âu đã lắc đầu từ chối vì cho đó là chuyện không tưởng khi phải đào hầm xuyên qua hàng chục trái núi trong điều kiện khí hậu, tự nhiên quá khắc nghiệt.

Trụ cầu cho con đường sắt “xuyên thế kỉ” từ Thanh Hải đến Lhasa này phải xuyên qua hàng chục trái núi trong điều kiện thời tiết vô cùng khắc nghiệt.
sua1.jpg


Thật ra, sự quyết tâm của chính phủ Trung Quốc trong việc đầu tư cho Tây Tạng vì vị trí chiến lược về kinh tế cũng như quốc phòng của nơi này : Phía Nam sát dãy Himalaya và tiếp giáp lãnh thổ với các nước Nêpan, Butan, ấn Độ, Miến Điện, Xích Kim v.v... Phía Tây giáp với khu vực Kashmia. Trong tương lai Tây Tạng có khả năng trở thành con đường thông thương giao lưu giữa Trung Quốc với các nước Nam Á. Những ngày cuối năm 2004 này, con đường sắt Thanh-Tạng - nối tỉnh Thanh Hải với Tây Tạng, dài 1.118km, có độ cao 4000 m trở lên, nơi cao nhất tới 5.072 m đã hòan thành được hơn 2/3. Các trục đường quốc lộ quan trọng đến Tây Tạng: Tứ Xuyên, Vân Nam và Tân Cương cũng đã được lên “kế họach”.

Theo dự kiến , con đường sắt Thanh Hải-Lhasa sẽ hòan thành vào năm 2007. Khi đó, những thị trấn, đô thị sẽ mọc lên dọc tuyến xe lửa ; Lhasa càng thêm nhiều cao ốc, một làn sóng người sẽ tràn về ; Nền kinh tế sẽ phát triển, cuộc sống người dân sẽ sung túc hơn… Thành phố của các chư thiên đầy huyền bí ngày nào sẽ trở thành một thành phố hiện đại với những cao ốc chọc trời, đường phố nhộn nhịp đầy xe hơi đời mới… như những Thượng Hải, Bắc Kinh.

Giã từ Lhasa , lòng chúng tôi cứ nao nao buồn , vì e rằng nếu có lần thứ hai trở lại chắc gì Lhasa còn như ngày nay . Chắc gì chúng tôi còn được ngồi thư thái uống tách trà bơ trong cái quán nghèo nàn của người Tây Tạng nhưng nhộp nhịp và đầy tình người ; được hòa lẫn mình với từng đòan người Tây Tạng từ khắp nẻo xa hành hương về. Bất giác tôi lại nghĩ vẩn vơ: Những người Tây Tạng “nhút nhát”, sống khép kín có lẽ không phù hợp với sự “văn minh”, họ sẽ đi đâu? Về bên kia những dãy núi phủ đầy băng giá chăng?

Một dãy người hàng trăm mét lạy trước điện Potala
layLhasa.jpg


Điện Potala
tibet36.jpg
 
Chong-sai kang: Chút hồn Tây Tạng

Những tưởng đến Lhasa sẽ tìm được cảm xúc mới mẻ nhưng lại tiếp tục bị “đụng” bởi xe hơi, bởi siêu thị, bởi nhà hàng… Potala giờ chỉ còn là một cung điện vô hồn, “ráng” sống mãi trong ánh hào quang xưa cũ. Muốn tìm chút hồn Tây Tạng, ở Lhasa may ra chỉ còn một nơi để đến: Chong- Sai kang.


Chỉ vừa rẻ phải khỏi Bắc Kinh Trung Lộ (cách điện Potala chừng hai km về phía Đông), bước vào Chong – Sai kang (còn có tên gọi khác là Barkhor) tôi như bỏ lại sau lưng nền văn minh đang dồn dập ngòai kia để chìm đắm vào một không gian đầy màu sắc, và âm thanh rì rầm thần bí, hình ảnh đặc trưng của người Tây Tạng thành thị. Ở Lhasa, khu phía Tây tập trung người Hán, người Tây Tạng quần tụ thành khu Chong- Saikang ở phía Đông (như khu chợ Lớn của người Hoa ở TPHCM) để cố gắng bảo tồn văn hóa, bản sắc của mình.

Tôi đến Sai kang khỏang 9h sáng. Ánh nắng ban mai chưa đủ làm ấm lên lối đi nhỏ ( 3 người đi là đụng vai) quanh co lọt thỏm ở giữa hai dãy nhà san sát nhau. Nhà của người Tây Tạng có vách xây bằng đá tảng theo kiểu tứ hợp viện ( bốn phía là nhà, có chung cổng và một sân trong lớn để bảo vệ con người trước sự khắc nghiệt của thời tiết). Lác đác đây đó những gian hàng nhỏ bán bày bán bơ ( làm từ sữa bò yak). Kế bên là một tiệm chạp phô bán vài thứ lặt vặt, rẻ tiền. Vài người phụ nữ Tây Tạng trong trang phục truyền thống đang ngồi trong co ro trong cái lạnh âm độ lơ đễnh nhìn khách…

Góc nhìn từ sân trong của một khu nhà ở Chong-sai kang
j.jpg


Trên con đường lữ hành ở dãy cao nguyên Thanh Tạng, điều làm tôi thắc mắc là tại các nơi tôn nghiêm, quan trọng như: chùa, đền, tại những cột mốc ý nghĩa như đỉnh đèo… lại treo rất nhiều tấm lụa, phướng nhìn hết sức “bê bối”. Tại Chong-sai kang này, một lần nữa, tôi lại gặp” nó” trên những mái nhà, thậm chí ngay giữa chợ còn đặt những cột thật cao treo đầy những tấm lụa. Hỏi mới biết đó là phướng cầu nguyện , một nét độc đáo của người Tây Tạng. Những mảnh vải lụa nhiều màu ấy được in chi chít kinh Phật , được cột khắp nơi để tung rải trong không gian những điều tốt lành: Lụa trắng tượng trưng cho mây, cầu bình an; lụa vàng tượng trưng cho đất, cầu tài lộc; lụa đỏ tượng trưng cho lửa; lụa xanh lá tượng trưng cho cỏ; lụa xanh dương tượng trưng cho bầu trời, cầu tình duyên, hôn nhân...

Trên đỉnh đèo:
3c-2.jpg


Trên mái nhà
h.jpg


Ở Thanh Hải hồ
d.jpg


Cửa thiền nơi trần tục
Đến bây giờ tôi vẫn không thể giải thích được trong khi gần như mọi đền, chùa đều nằm trên đồi núi cao, ở thung lũng nơi yên tĩnh thì đền Đại Chiêu lại nằm ngay giữa chợ, một nơi đầy bụi trần ồn ào, náo nhiệt. Đền Đại Chiêu do công chúa Brhkuti ( vợ của vua Tùng tán Cương bố- người kiến tạo kinh đô Lhasa, thiết lập nên một nước Tây Tạng hùng mạnh trải dài từ nam Mông Cổ đến chân Hi Mã Lạp Sơn) xây dựng từ năm 642 đến năm 653. Đền có 4 tầng, mái mạ vàng. Dù đã qua nhiều lần trùng tu, sửa chữa nhưng hầu hết hệ thống cột gỗ, cửa chính đều từ đã trải qua gần 1500 năm. Gian chính đặt bức tượng Jowo Rinpoche thiêng liêng nhất Tây Tạng. TÍn đồ Phật giáo Tây Tạng tin rằng, Lhasa là trung tâm của thế giới thì cái nhân của vũ trụ chính là Đại Chiêu. Tất cả vị Lạt ma trị vì cung Potala đều làm lễ thụ pháp tấn phong tại đây. Vì lẽ đó hầu như người Tây Tạng nào cũng một lần đặt chân đến.

Như những đền, chùa Tây Tạng khác, quanh đền Jokhang, cũng đặt rất nhiều pháp luân chung bằng đồng lớn (xoay chuông để cầu bình an, phước lành). Chúng tôi hòa lẫn vào dòng người Tây Tạng hành hương để đi giáp một vòng quanh đền theo chiều kim đồng hồ. (Sau này tôi mới biết: xoay bánh xe luân hồi, xoay chuông chuyển kinh, đi tham bái các chùa, điện đều theo chiều kim đồng hồ vì đó cũng chính là chiều quay của trái đất quanh mặt trời. Người Tây Tạng cho rằng phải quay theo trục chuyển động của tự nhiên ,con người mới có thể hòa điệu cùng vũ trụ). Bước vào Chong-Sai kang cảm giác “thần bí” vẫn bao trùm. Trước ngôi đền, còn đó hàng trăm người Tây Tạng lặng lẽ rì rầm cầu nguyện, tay xoay bánh xe luân hồi, vẫn nằm phục xuống mặt đất hành lễ với sự thành kính tột độ. Cái “hồn” Tây Tạng vẫn được truyền đời một cách bất biến.

Người đi chợ mua bán xô bồ, trả giá kì kèo cũng chẳng sao, thế tục chẳng thể nào ảnh hưởng đến họ. Tôi chợt nhận ra một điều: dù sống ở đâu, trong hòan cảnh nào người Tây Tạng vẫn là dân tộc “thần bí” mà phải mất rất nhiều thời gian mới mong “giải mã” được phần nào. Đó chính là “lực hấp dẫn” kì diệu với thế giới.

i.jpg


Tại khu Saikang cũng đặt nhiều tháp hương khổng lồ, cao hơn 3m. Với chúng ta, việc thờ cúng, thắp hương phải tại một nơi tôn nghiêm, trang trọng thì người Tây Tạng lại có thể bày tỏ “lòng thành” của mình ở khắp mọi nơi. Họ luôn mang theo “cỏ hương” (một thứ bột thay cho nhang) bên mình để bỏ vào các tháp hương. Đó có thể là một tháp hương gần sát chỗ bán thịt bò yak đầy “trần tục”, đó có thể chỉ là một hốc tường trên đường đi… Với ý thức sống là phục vụ đạo pháp, đời sống vật chất là phương tiện vươn đến đỉnh cao tâm linh, nên họ dành phần lớn thời gian cho việc thờ phụng, ít để tâm đến việc khác . Có lẽ nhờ thế họ mới có thể tồn tại được với cái nghèo khổ, với sự khắc nghiệt của cuộc sống , thiên nhiên .Nhưng óai ăm thay ,cũng vì lẽ đó mà đa số họ cứ nghèo mãi.

Tháp hương
a2.jpg



Đêm đầu tiên về đến nhà, sau gần 3 tuần lang thang trên 15 ngàn km với đủ mọi phương tiện: xe búyt, tàu lửa, tàu cánh ngầm, và cả… đi bộ, lẽ ra phải ngũ ngon nhưng tôi cứ trằn trọc . Tôi đốt chút cỏ hương mang về từ Tây Tạng. Cái mùi hương hơi gắt, nồng khá “khó chịu” đối với tôi từ những ngày đầu đến cao nguyên Thanh Tạng nay cứ đẩy tôi về với những kỉ niệm chưa kịp phủ lớp bụi thời gian. Trong làn khói mỏng như hiện ra hình ảnh những dãy núi phủ đầy tuyết trắng ;những đòan người Tây Tạng hành hương tay xoay bánh xe luân hồi miệng rì rầm đọc kinh ê a như một giai điệu bất tận ; hình ảnh vị lạt ma tụng kinh trong nắng sớm những ngày đầu đông và cả tiếng trống tụng kinh vẫn gõ nhịp đều đặn, khoan thai giữa thế giới xô bồ trần tục …Hồn tôi e gởi về Tây Tạng mất rồi!

Những ngọn đèn bằng dầu bơ này mãi mãi không bao giờ tắt vì luôn được những người Tây Tạng hành hương châm bơ để tỏ lòng thành
f.jpg
 
ui, muội thích con đường tử thần mà caca đã can đảm vượt qua nhất. Mnag tinh phiêu lưu nhiều nè. đi xe như vậy mới thấy hết cảnh đẹp của đường đi. muội thấy đi du lịch nên hạn chế đi máy bay.
3 tuần chinh phục Tây Tạng caca thấy họ hiền ko?
í, ở TT có cánh đồng cỏ ,thảo nguyên xinh đẹp hok caca??? muội hỏi hơi thừa, vì caca đi mua đông nhỉ.
 
tay tang

CBThong và các Bạn có thể chỉ cho bọn mình những điều cần thiết để chuẩn bị đi tour này? ngày 19/09 tới chúng mình khởi hành rồi mà chưa có nhiều thông tin lắm. (NT)(NT)
 
bác chaubathong oi, em là thành viên mới trong diễn đàn này, nên khi em đọc bài của bác, em rất la khâm phục bác đấy ạ, em rất đang mơ ước đi tây tạng và có cơ duyên diênk kiến ngài datlailatma 14, người mà em rất tôn kính, em định sang năm sẽ đi một chuyến hy vọng bác sẽ giúp đỡ em nhé, nếu may mắn sẽ cùng đi với bác nhé
 
em rất đang mơ ước đi tây tạng và có cơ duyên diện kiến ngài datlailatma 14, người mà em rất tôn kính, em định sang năm sẽ đi một chuyến hy vọng bác sẽ giúp đỡ em nhé, nếu may mắn sẽ cùng đi với bác nhé

Đạt Lai Lạt ma 14 mà ở Tây Tạng thì chắc chắn ông sẽ bị bắt và quản thúc, giam lỏng hoặc vào tù Trung Quốc rồi.
 
Đây là địa chỉ người bạn đồng hành của tôi: anh Kim Sơn (Sơn Tây Tạng). Người đã cùng tôi rong ruổi trong những chuyến đi ở Tây Tạng, sa mạc Gobi...

Anh Sơn rất am hiểu về Trung Quốc (nói chung) và Tây Tạng (nói riêng). Sẽ là một nguồn tham khảo rất có giá trị cho những bạn muốn tìm hiểu về Tây Tạng và Trung Quốc.

http://chodientu.vn/gian-hang/doxua_taytangtrungquoc/home.html

Chúc vui!
 

Hỏi Phượt

Forum statistics

Threads
55,672
Bài viết
1,171,032
Members
192,336
Latest member
hakhaclinh
Back
Top