Đây là bài viết trong chuyến đi đó của em, chia sẻ cùng các bác cảm nhận của cá nhân.
Kỳ IV: "CHUỒNG CHIM CÂU" GIỮA ĐẠI DƯƠNG
Nhìn từ xa nhà giàn và ngọn hải đăng chẳng khác nào 1 chuồng chim bồ câu giữa biển cả mênh mông.Chênh vênh trên những trụ sắt là nơi ở, làm việc, tăng gia... của những con người đang ngày đêm bám trụ để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc thân yêu. Họ là những người mà bất cứ ai ra Trường Sa cũng tò mò muốn biết. Với tôi, nơi đây là khắc nghiệt và khó khăn nhất mà tôi được chứng kiến trong hành trình ra Trường Sa vừa qua.
“CHUỒNG CHIM CÂU” PHÍA NAM
Điểm cuối cùng trong hành trình thăm và làm việc tại quần đảo Trường Sa của đoàn công tác chúng tôi là nhà dàn nằm trên thềm lục địa phía Nam, gọi là vùng DK1 nằm trên đường hàng hải quốc tế, vùng biển giàu tiềm năng dầu khí. Đây là vị trí quan trọng mà nhiều năm nay Hải quân Việt Nam đang chốt giữ. Tàu HQ 936 buông neo, xuồng nhỏ lại được hạ xuống để đưa đoàn công tác lên đảo. Lần này đoàn công tác chia làm 2 mũi, để lên cả 2 nhà giàn DK1/8 và DK1/9 Quế Đường. Biển động. Những con sóng trong lòng đại dương cứ thúc, nhồi xuồng lên cao hơn mặt boong rồi lại kéo hụt xuống. Các chiến sỹ trên tàu được huy động hết để đưa cán bộ, phóng viên đoàn công tác xuống xuồng lên nhà dàn. Tàu neo rất gần nhà dàn nhưng phải mất gần 1 giờ đồng hồ chúng tôi mới đặt chân lên được nhà dàn DK1/8. Đây thực sự là một chiến công đối với những vị khách như chúng tôi, bởi rất nhiều đoàn công tác đến thăm nhà dàn do sóng to, gió lớn chỉ biết đứng trên boong tàu nhìn và vẫy tay chào nhau, quà phải dùng dây kéo lên... Ngay trong chuyến đi này tốp thứ 2 của đoàn dự định lên nhà dàn DK 1/9 cách đó chừng 3 hải lý, nhưng khi đến chân nhà dàn sóng to không lên được, anh em đành đứng dưới tàu nhìn lên và cuộc giao lưu văn nghệ có một không hai đã được thực hiện. Đoàn văn công tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã hát qua bộ đàm cho chiến sỹ nhà dàn nghe và các anh cũng hát lại, tiếng hát xen lẫn tiếng nấc và nước mắt của sự xúc động.
trước lúc biết tin đoàn ra những cb, cs nhà dàn cũng ko nghĩ là đoàn lên được vì biển động. Nhưng may mắn đoàn mình vẫn lên được và khi tiếp đoàn được chốc lát cbcs trên nhà dàn xin phép tranh thủ viết thư gửi về cho gia đình
Trên nhà giàn DK1/8 chúng tôi may mắn lên được, xây dựng trên những trụ sắt to cắm sâu xuống lòng đại dương. Nhà giàn chia làm 3 tầng. Tầng 1 để những téc chứa nước ngọt, tầng 2 để một số thiết bị máy móc, tầng 3 là nơi ở, làm việc của các chiến sỹ ở đây. Trải qua bao sóng gió đại dương, đặt chân được lên nhà giàn, tôi muốn ôm lấy từng cán bộ, chiến sĩ đang bám trụ nơi đây. Chiến sỹ đầu tiên tôi bắt chuyện là anh Nguyễn Thanh Sơn; anh cười hóm hỉnh nói, đã 6 năm công tác tại 6 nhà giàn khác nhau, nhưng mình vẫn chỉ là tân binh ở nhà dàn DK1/8. Lần đầu ra nhà giàn anh Sơn thấy lo, không biết sẽ sống thế nào trong cái “chuồng chim câu” bé tẹo kia. Với anh Sơn kỷ niệm nhớ nhất là lần đầu sống trên nhà giàn gặp bão, sóng đánh ầm ầm dưới chân nhà giàn, giường anh ngủ xô đi xô lại vào 2 vách tường, chưa kịp hiểu chuyện gì thấy đồng đội bật dậy mặc áo phao mà anh vẫn ung dung nằm, anh nói chẳng hiểu sao lúc đó chẳng thấy sợ gì cả.
Anh Trần Hữu Tuấn quê ở Vụ Bản, Nam Định, từng ở nhiều đảo trong quần đảo Trường Sa với vẻ mặt rạng rỡ, xởi lởi nói; lúc thấy tàu HQ 936 neo lại, anh em trên nhà giàn mừng lắm, chỉ mong nhanh nhanh được đón mọi người từ đất liền ra.Nhưng thấy sóng biển hôm nay mạnh, lòng rất lo đoàn công tác không lên được với anh em. Khi xuồng hạ thủy anh, em chiến sỹ trên nhà giàn mừng rỡ nhất là lại nhìn thấy trên xuồng có 2 phụ nữ, tất cả xúc động như sắp được gặp người mẹ, người chị, người em gài của mình nơi quê nhà.
Quả nhiên ông Trời đã không phụ công sự trông ngóng của các chiến sỹ nhà giàn DK1/8, với sự nỗ lực và cố gắng của cán bộ chiến sỹ hải quân đoàn công tác đã lên được nhà dàn và 2 người phụ nữ dũng cảm và may mắn nhất của đoàn công tác đợt này đã được đứng trên nhà dàn là nhà báo Hà Kim Chi - Tổng Biên tập báo Lai Châu và phóng viên Hoài Nam - báo Gia đình & Xã Hội.
Trên nhà dàn, dẫu diện tích nhỏ hẹp, những chậu rau của chiến sỹ nhà dàn rất tươi tốt và mập mạp. Những chậu rau muống xanh ngát, cây rau dền to mập bằng ngón tay cái. Ngọn mồng tơi xanh mơn mởn. Những cây sâm đất nở hoa tím dịu. Để có được mầu xanh quý giá đó, các chiến sỹ nhà dàn hàng ngày tận dụng nước vo gạo, rửa cá để tưới rau. Trên là nắng gió khắc nghiệt bốn mùa cháy da, dưới là sóng biển gầm gào quanh năm và hàng ngày những cơn gió mang theo hơi nước biển mặn mòi thử thách sự kiên trì của người lính biển. Những mầm xanh vẫn vươn lên như niềm tin và nghị lực của cán bộ, chiến sĩ trên nhà giàn.
Đến nay Khu DK1 vẫn chưa phủ sóng điện thoại, nhiều chiến sỹ vừa háo hức trò chuyện với chúng tôi , vừa tranh thủ, vội vã viết thư để gửi về cho gia đình, người yêu. Chia tay các chiến sỹ trên nhà giàn DK1/8 trong tay nhiều nhà báo là những cánh thư viết vội, chất chứa dạt dào tình cảm như sóng biển mà các chiến sỹ nhờ chuyển về hậu phương của mình kèm theo tấm ảnh vừa chụp để hậu phương của các anh luôn yên tâm. Các anh vẫn khỏe mạnh, vững vàng, kiên cường nơi đầu sóng ngọn gió bảo vệ lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc.
Giống như điều kiện sống và làm việc của các chiến sỹ nhà dàn là cán bộ của Công ty Đảm bảo hàng hải khu vực II làm việc trên trạm Hải đăng Đá Lát, nằm sát bên đảo Đá Lát. Trạm Hải đăng, kết cấu là 4 cột sắt đóng sâu vào bãi san hô, phần nổi trên mặt nước chừng hơn 30m. Chiều cao từ 0 hải đồ đến tâm sáng là 41m, mùa hè đèn bật sáng từ 18h00 đến 6h00 hôm sau, mùa đông thì bật sớm hơn 30 phút, phạm vi tối đa mà đèn quét được là 18 hải lý, điện để vận hành đèn là năng lượng mặt trời được nạp vào những chiếc ắc quy.
(Hát qua bộ đàm - giao lưu với CBCS nhà dàn DK1/9)
Canh trực cho đèn biển luôn sáng có 5 người, sống bó hẹp trong diện tích 20m2, tất cả đều là người con của đất cảng Hải Phòng, các anh sống trên đó như một gia đình nhỏ, tự tăng gia sản xuất, trông rau xanh, câu cá.... Trạm trưởng Vũ Duy Minh cho biết: “Mỗi kíp trực ở đây từ 9 tháng đến 12 tháng. Anh em ở đây sống đoàn kết, gắn bó. Từ khi đưa vào sử dụng đến nay, cứ đêm đến, dù bất kể ngày nắng hay mưa, ngày biển thanh bình như tháng 3 này hay biển động, bão tố như cuối năm thì ngọn đèn hải đăng vẫn sáng rọi đường cho những con tàu qua đây". Cuộc sống của cán bộ trên ngọn hải đăng cũng nhiều cực nhọc, gian nan bởi 3 tháng tàu mới tiếp viện một lần, trong 3 tháng đó 5 người trong "gia đình nhỏ" chỉ có 20 m3 nước ngọt sinh hoạt, "vào mùa gió Tây Nam, biển lặng không có gió thì nóng khủng khiếp, anh em chỉ mặc mỗi quần đùi mà vẫn nóng, nhưng vì tiết kiệm nước nên anh em chỉ 3 ngày mới tắm thực sự một lần" anh Ngô Văn Thanh tâm sự.
Với những người gác đèn biển buồn nhất không phải là sự khó khăn, gian nan thiếu thốn về vật chất, nước ngọt, rau xanh, thịt tươi... mà là khi biển có bão. Lúc đó biển và trời đều chung một màu xám xịt, quanh căn phòng nhỏ chỉ có 5 cặp mắt nhìn nhau, ngoài khơi kia nhiều tàu đánh bắt của ngư dân sẽ gặp khó khăn, hoạn nạn.
(Trò chuyện cùng những người gác Hải đăng Đá Lát)
Trong những ngày sóng to, gió lớn, biển động dữ dội ngọn đèn biển chính là “phao cứu sinh” giúp tàu thuyền tìm được nơi trú ẩn an toàn. “Trước năm 1994 khi chưa có đèn ở khu vực đảo Đá Lát, nhiều thuyền đánh cá bị đắm lắm, vì cứ ghé vào đây là mắc cạn” – anh Minh kể. “Từ ngày có ngọn đèn này không có tàu bị đắm nữa.
Còn nơi nào khắc nghiệt hơn, khi từng ấy con người ngày đêm vẫn bám trụ trên “chuồng chim câu” giữa trùng khơi, đối mặt với muôn vàn khó khăn, thách thức với những con sóng to trong những ngày bão tố như muốn nhấn chìm tất cả xuống đáy đại dương. Hay ngay cả những ngày yên ả, lặng gió nóng như lò nung. Nhưng họ vẫn kiên trung, bám trụ nơi cái gì cũng thiếu chỉ có sóng và gió là thừa. Tất cả vì Tổ quốc thiêng liêng!
Trọng Hải